Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải

11/03/202210:55(Xem: 9215)
Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải


Bia Dai Bat Nha_ tap__07_cu si thien buu

bia 7-1-kinh dai bat nha
bia 7-2-kinh dai bat nha

Phật lịch: 2566 ; Nông lịch: Nhâm Dần; Tây lịch: 2022

 

  

TỔNG LUẬN

ĐẠI BÁT NHÃ

  

TẬP 7

  

Việt dịch:

    HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ NGHIÊM
Chiết giải:

LÃO CƯ SĨ THIỆN BỬU

 

 

Quảng Đức Tùng Thư
Ấn Hành


Published by

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria

105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Tel: 03. 9357 3544

www.quangduc.com

 

All right reserved

First edition 2022 - 100 copies

 

National Library of Australia

Cataloguing-in-Publication entry:

Title: Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7)

 Mahāprajñāpāramitā Sastra

By Thien Buu

Senior Venerable Thich Nguyen Tang @2022

 

ISBN: 978-0-6454375-0-8

 

Tổng Luận Đại Bát Nhã

Chiết giải: Cư Sĩ Thiện Bửu

Giới thiệu: Thượng Tọa  Thích Nguyên Tạng

Trình bày : Cư Sĩ Thiện Bửu, Cư Sĩ Hữu Phú

Thiết kế bìa: Quảng Duy Minh (Mẫn)

Sửa Bản in: Cư Sï Thanh Phi, Cư Sĩ Phương Nhật

 

Cúng Dường Pháp là tối thượng nhất

The gift of Dhamma surpasses all other Gifts

Sabbadanam Dhammadanam Jinati

 


 

MỤC LỤC TẬP VII:

 

Nội dung TẬP VII gồm hai phần:

 

1. Trọn bộ Hội thứ VI và

2. Các Hội từ thứ VII cho đến thứ XV.

 

Phần 1: Trọn Hội thứ VI:

 

TẬP VII, HỘI THỨ VI............................................................. 5

01. Phẩm “Duyên Khởi”.............................................................. 7

02. Phẩm “Thông Đạt Hay Thông Suốt”..................................... 13

03. Phẩm “Hiển Tướng”............................................................ 29

04. Phẩm “Pháp Giới”............................................................... 44

05. Phẩm “Niệm Trụ”............................................................... 72

06. Phẩm “Pháp Tánh”.............................................................. 88

07. Phẩm “Bình Đẳng”............................................................ 123

08. Phẩm “Hiện Tướng”.......................................................... 139

09. Phẩm “Vô Sở Đắc”............................................................ 154

10. Phẩm “Chứng Khuyến”..................................................... 174

11. Phẩm “Hiển Đức”.............................................................. 185

12. Phẩm “Hiện Hóa”.............................................................. 197

13. Phẩm “Đà La Ni”.............................................................. 205

14. Phẩm “Khuyên Răn”......................................................... 213

15. Phẩm “Nhị Hạnh”............................................................. 221

16. Phẩm “Tán Thán”.............................................................. 232

17. Phẩm “Phó Chúc” ............................................................. 241

 

Hết Hội thứ VI

 

 

 

 

 

 

Phần 2. Các Hội từ thứ VII đến Hội thứ XV:

 

 

- Hội thứ VII: “Mạn Thù Thất Lợi”, phần (2 quyển).................. 248

- Hội thứ VIII: “Na Già Thất Lợi, phần (1 quyển)..................... 330

- Hội thứ IX: “Kim Cương Năng Đoạn” phần, (1 quyển)........... 368

- Hội thứ X: “Lý Thú Bát Nhã” phần, (1 quyển)........................ 526

- Hội thứ XI: “Bố Thí Ba La Mật” phần (5 quyển).................... 569

- Hội thứ XII: “Tịnh Giới Ba La Mật” phần, (5 quyển).............. 668 

- Hội thứ XIII: “An Nhẫn Ba La Mật” phần, (1 quyển).............. 769

- Hội thứ XIV: “Tinh Tấn Ba La Mật” phần, (1 quyển).............. 811

- Hội thứ XV: “Tịnh Lự Ba La Mật” phần, (2 quyển) ................ 836

 

 

---o0o---

 

 

 

 

       Lưu ý:

 

Từ Tập VII này trở đi cho đến chi chấm dứt toàn bộ Đại Bát Nhã, tất cả phần (không gọi là phẩm) hay bất cứ pháp hội nào giáo lý cũng đều vi diệu chưa từng thấy so với các pháp hội trước. Xin thong thả thọ dụng!

 

 

 


1. Xem tiếp trọn Hội thứ VI:

 

 

VI. PHẦN SÁU, HỘI THỨ VI.

(Bố cục)

 

6. Hội thứ VI: Gồm 8 quyển, 17 phẩm. Nội dung hội này, đức Phật nói pháp Bát Nhã và cách tu tập Bát Nhã cho Thắng thiên vương nghe. Hội này cùng bản với Kinh Thắng Thiên Vương Bát nhã Ba La Mật Đa 7 quyển do Ngài Nguyệt bà Thủ Na dịch vào đời Trần thuộc Nam triều. Pháp Uyển Châu Lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục nói, nguyên bản tiếng Phạm của hội này có 2.500 kệ tụng.

 

---o0o---

 

Dẫn nhập:

 

Cứ tụng xong một pháp hội, chúng ta cảm thấy có một vài chuyển đổi. Khởi đầu, chúng ta chập chững từng bước một trong phần thứ I, với các pháp mầu Phật đạo. Chúng ta cũng không tránh khỏi những khó khăn trong việc tiếp thu chánh pháp của các pháp hội kế tiếp trong cuộc hành trình vô tận này. Đọc tụng xong Hội thứ IV, thật sự đã có những bước đi “hơi” vững chắc, phải nói chúng ta đã trưởng thành theo từng pháp hội. Nên Hội thứ V không còn trở ngại đối với việc đọc tụng thọ trì Bát nhã Ba la mật nữa. Tuy nhiên, Hội thứ VI kế tiếp cho chúng ta một lối lãnh hội đặc biệt ở một tầng cao hơn trong sự chứng nhập hay thông đạt Bát nhã Ba la mật.

Vì trong Hội này, thay vì Phật chỉ thuyết riêng về chơn như như các Hội khác, Phật lại thuyết từng phẩm riêng rẽ về pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh... trong thập nhị chơn như, các giáo pháp rất cần thiết trong việc tu tập để thành tựu giác ngộ. Vì sao? Vì tri nhận hay chứng nhập chơn như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh, thật tế... tức là giác ngộ. Điều đó nói lên tầm quan trọng của pháp hội thứ VI này.  Ngoài ra, trong pháp hội thứ VI Phật dạy về tịnh hạnh. Tịnh hạnh là hạnh cao cả tế nhị, sâu sắc mà bất cứ ai tu Bồ Tát hạnh hay Bồ Tát đạo nào cũng phải chấp trì nghiêm mật. Vậy, cố gắng trì tụng chớ có bỏ qua!

 

Lưu ý:

Kinh này đồng bản với Kinh “Thắng Thiên Vương Bát Nhã” (viết tắt TTVBN)do Nguyệt Bà Thủ Na dịch từ Phạn sang Hán, Đại Tạng Kinh mang thẻ số 0231, chia thành 7 quyển. Chúng tôi tìm thấy có hai bản dịch tương đương từ Hán sang Việt: 1. Bản thứ nhất, doLinh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh,Website: “Tangthuphathoc.net” dịch và 2. bản thứ hai, do Nguyên Tánh (Trần Tiễn Khanh) & Nguyên Hiển (Trần Tiễn Huyến) phiên âm và lược dịch trong Tuệ Quang Wisdom Light Foundation đăng trong Website “Daitangvietnam.com”. Quý vị có thể đọc song song với Hội này cho biết. Cũng nên nói thêm rằng Hội thứ VI này không do nhóm của Ngài Huyền Trang dịch mà do các nhà dịch thuật đã dịch sẳn và nhóm của Tam Tạng Huyền Trang chỉ sao lại thôi.

Trên phẩm tựa của Hội thứ VI chúng tôi có ghi phẩm tương đương của kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã đã giới thiệu trên. Trong trường hợp đọc tụng Hội thứ VI này gặp trở ngại, Quý vị có thể tham khảo Kinh TTVBN, nếu muốn!

 

---o0o---

 

 


 01. PHẨM “DUYÊN KHỞI”

 

Đầu quyền 566, Hội thứ VI, ĐBN.
(Tương đương với các phẩm “Duyên Khởi” của các Hội trước)

 

  Gợi ý:

Kinh Thắng Thiên Vương Bát nhã Ba La Mật Đa do Nguyệt Bà Thủ Na dịch không có phẩm nào có tên riêng là “Duyên Khởi”, nhưng có phẩm tên là “Thông Đạt”. Phẩm này nhập chung hai phẩm “Duyên Khởi” và “Thông Đạt” của Kinh ĐBN làm một và đặt tên là Thông Đạt. Nội dung các phẩm này của hai Kinh tương đương nhau.

 

Tóm lược:

 

Quyển thứ 566

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời Bạc Già Phạm (Phật) ngự ở đỉnh núi Thứu Phong, thuộc thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí sô bốn vạn hai ngàn người đều là bậc A la hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, được chơn tự tại, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, như ngựa khôn được tập luyện, cũng như rồng lớn, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ gánh nặng, đã đạt được lợi ích, dứt hết các kiết sử, chánh trí giải thoát, tâm được tự tại rốt ráo đệ nhất. Các Ngài đó là: Cụ thọ Giải Kiều Trần Na, Đại Ca DiếpBa, Cấp Phòng Bát để, Hạt Lệ Phiệt Đa, Đại Thải Thục Để, Đại Ca Đa Diễn Na, Tất Lan Đà Phiệt Ra, Xá Lợi Tử, Mãn Từ Tử, Bạt Câu La, Ưu Ba Ly, La Lổ La, Vô Diệt Thiện Hiện làm thượng thủ. Trừ một mình A Nan Đà còn ở địa vị hữu học đắc quả Dự lưu.

Lại có bảy vạn hai ngàn đại Bồ Tát đều đã thông đạt pháp tánh sâu xa, đã điều thuận dễ hóa, diệu hạnh bình đẳng, đắc pháp môn Đà la ni vô ngại biện, là bạn lành chơn tịnh của tất cả hữu tình, có thể chuyển vận bánh xe chánh pháp vi diệu bất thối, thương xót thế gian, hộ trì tạng pháp, đã từng cúng dường vô lượng Như Lai, tiếp nối làm hưng thịnh ba ngôi báu, thường khiến cho không dứt tuyệt, thông đạt cảnh giới sâu xa của chư Phật, còn một đời làm đệ tử chơn thật của đấng Pháp vương, thường có thể tiếp nối Phật, chuyển vận bánh xe chánh pháp; mặc dù ở thế gian nhưng không bị nhiễm. Các Ngài đầy đủ vô lượng công đức như thế, từ nước Phật này hoặc từ phương khác, vì nghe pháp nên đi đến chỗ Phật. Đó là: Bồ Tát Bảo Tướng, Bồ Tát Bảo Thủ, Bồ Tát Bảo Ấn, Bồ Tát Bảo Kế, Bồ Tát Bảo Quang, Bồ Tát Bảo Phong, Bồ Tát Bảo Hải, Bồ Tát Bảo Diễm, Bồ Tát Bảo Tràng, Bồ Tát Bảo Tạng, Bồ Tát Kim Tràng, Bồ Tát Tịnh Tạng, Bồ Tát Đức Tạng, Bồ Tát Định Tạng, Bồ Tát Trí Tạng, Bồ Tát Nhật Tạng, Bồ Tát Nguyệt Tạng, Bồ Tát Như Lai Tạng, Bồ Tát Liên Hoa Tạng, Bồ Tát Kim Cang Tạng, Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Phổ Âm, Bồ Tát Phổ Giới, Bồ Tát Phổ Hành, Bồ Tát Phổ Nhãn, Bồ Tát Quảng Nhãn, Bồ Tát Liên Hoa Nhãn, Bồ Tát Trí Tuệ, Bồ Tát Thượng Tuệ, Bồ Tát Thắng Tuệ, Bồ Tát Liên Hoa Tuệ, Bồ Tát Kim Cang Tuệ, Bồ Tát Nhật Quang, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Trí Quang, Bồ Tát Trí Đức, Bồ Tát Hiền Đức, Bồ Tát Hoa Đức, Bồ Tát Nhật Quán, Bồ Tát Nguyệt Quán, Bồ Tát Vô Nhiễm, Bồ Tát Diệu Âm, Bồ Tát Đại Âm Vương, Bồ Tát Sư Tử Hống, Bồ Tát Sư Tử Du Hý, Bồ Tát Hiền Thủ, Bồ Tát Thập Lục Hiền, Bồ Tát Từ Thị v.v...

Các Bồ Tát ở Hiền kiếp: Bồ Tát Quán Tự Tại, Bồ Tát Diệu Cát Tường làm thượng thủ.

Lại có vô lượng chúng trời: Tứ Đại vương, Tứ Đại Thiên vương làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời: Ba mươi ba, Thiên vương Đế Thích làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời: Dạ ma, Thiên vương Tô dạ ma làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Đổ sử đa, Thiên vương San đổ sử đa làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời: Nhạo Biến Hóa, Thiên vương Thiện Hóa làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Tha Hóa Tự Tại, Thiên vương Tự Tại làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Phạm Chúng v.v... Thiên vương Đại Phạm làm thượng thủ. Lại có vô lượng trời Tịnh Cư, trời Tự Tại làm thượng thủ... Các Thiên vương ấy dẫn quyến thuộc đến chỗ Phật nghe pháp.

Lại có vô lượng vua A tu la, trong đó có: Vua A tu la Cụ Lực, vua A tu la Kiêm Uẩn, vua A tu la Tạp Oai, vua A tu la Bộc Chấp làm thượng thủ, đều thống lãnh vô lượng trăm ngàn quyến thuộc, đi đến chỗ Phật nghe pháp.

Lại có vô lượng Đại Lực Long vương, trong đó có: Long vương Vô Nhiệt, Long vương Mãnh Ý, Long vương Hải Trụ, Long vương Công Xảo làm thượng thủ, đều thống lãnh vô lượng trăm ngàn quyến thuộc, đi đến chỗ Phật nghe pháp.

Lại có vô lượng Đại thần Dược xoa, nhơn phi nhơn v.v... và các quyến thuộc, đi đến chỗ Phật nghe pháp.

Khi ấy, núi Thứu Phong cao rộng khoảng bốn mươi do tuần, đầy dẫy đại chúng, mặt đất và hư không, chẳng có chỗ xen hở.

Thế Tôn ngồi ở tòa Sư tử, vô lượng đại chúng vây quanh trước sau, cung kính cúng dường, tôn trọng khen ngợi, chấp tay một lòng chiêm ngưỡng dung nhan.

Như Lai hiện năng lực thần thông, từ nơi miệng phát ra các thứ hào quang muôn sắc chiếu khắp vô biên thế giới trong mười phương, hiện việc hy hữu rồi các hào quang quay về chỗ Phật, lượn quanh bên phải ba vòng và chui vào diện môn.

Bấy giờ, ở phương Đông, cách cõi Phật này hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới Phật tên là Trang Nghiêm, Phật hiệu là Phổ Quang Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn (Bạc già phạm), khi ấy đang an ẩn trụ trì cõi kia, tuyên thuyết chánh pháp tương ưng với Nhất thừa cho các chúng đại Bồ Tát . Ở thế giới của Phật kia, từ Nhị thừa còn chẳng nghe, huống là có người siêng năng tu tập pháp đó. Các Bồ Tát kia đều đắc Bất thối chuyển, các hữu tình kia chẳng thọ thực như cõi phàm, chỉ sống bằng thiền định giải thoát. Cõi đó chẳng cần ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, chỉ có hào quang nơi thân Phật ngày đêm thường chiếu. Cõi đó không có gai độc, sỏi đá, khe, lạch, hang, núi, gò… đất bằng như bàn tay. Ở đó có Bồ Tát tên là Ly Chướng, thấy hào quang này, tâm còn do dự, cùng các chúng đại Bồ Tát đi đến trước Phật cõi đó, đảnh lễ sát chân Phật, phủ vai bên trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật(1):

- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà có điềm lành này?

Khi ấy, Phật Phổ Quang bảo Ly Chướng:

- Về phương Tây, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Kham Nhẫn, Phật hiệu Thích ca Mâu ni Như Lai, mười hiệu đầy đủ, đang thuyết Đại Bát nhã Ba la mật cho các chúng đại Bồ Tát . Do nhân duyên này nên hiện điềm lành.

Bồ Tát Ly Chướng nghe xong, bạch:

- Bạch Thế Tôn! Nay con xin qua thế giới Kham Nhẫn quan sát, đảnh lễ, cúng dường Như Lai Thích ca để nghe và lãnh thọ chánh pháp. Cúi xin Thế Tôn cho phép.

Phật Phổ Quang bảo Ly Chướng:

- Nay đã đúng thời, ngươi nên mau đi.

Bồ Tát Ly Chướng được Phật cho phép, vui mừng hớn hở liền cùng với vô lượng chúng Bồ Tát đồng đi đến Thứu Phong, đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi lui ngồi một bên.

 

Về phương Nam, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Thanh Tịnh Hoa, Phật hiệu Nhật Quang, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Nhật Tạng.

 

Về phương Tây, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Bảo Hoa, Phật hiệu Công Đức Quang Minh, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Công Đức Tạng.

 

Về phương Bắc, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Thanh Tịnh, Phật hiệu Tự Tại Vương, ở đó có Bồ Tát tên là Quảng Văn.

 

Về phương Đông Nam, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Hỏa Diệm, Phật hiệu Cam Lồ Vương, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Bất Thối Chuyển.

 

Về phương Tây Nam, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Thanh Tịnh Công Đức, Phật hiệu Trí Cự, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Đại Tuệ.

 

Về phương Tây Bắc, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Duyệt Ý, Phật hiệu Diệu Âm Vương, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Công Đức Tụ.

Về phương Đông Bắc, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Tuệ Trang Nghiêm, Phật hiệu Trí Thượng, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Thường Hỷ.

 

Về phương Trên, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Bất Động, Phật hiệu Kim Cang Tướng, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Bảo Tràng.

 

Về phương Dưới, cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Nguyệt Quang Minh, Phật hiệu là Kim Cang Bảo Trang Nghiêm Vương, mười hiệu đầy đủ, ở đó có Bồ Tát tên là Bảo Tín.

Như thế, tất cả đều như phương Đông, có nghĩa là các Bồ Tát (ở chín phương khác) xin phép chư Phật cõi mình đến thế giới Kham Nhẫn cúng dường Như Lai Thích Ca để nghe và lãnh thọ chánh pháp.

 

Sơ giải:

 

Cũng nên lược thuật sơ qua quan cảnh buổi lể cùng các thành phần tham dự của pháp hội thứ VI này.

- Địa điểm của pháp hội tổ chức tại đỉnh Linh Thứu, núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà.

- Thính giả ở cõi nước Kham Nhẫn là Tăng đoàn gồm 1250 Bí sô nam, ngoài ra có 500 Bí sô nữ, cư sĩ, và các đại Bồ Tát trong đó có Từ Thị Bồ Tát , Quán Thế Âm Bồ Tát … cùng vô số các Thiên Vương, Thiên tử, người không phải người thuộc thế giới Kham Nhẫn tham dự.

- Thính giả ở cõi khác của 10 phương thế giới: Ở phương Đông, có Bồ Tát tên là Ly Chướng; ở phương Nam, có Bồ Tát tên là Nhật Tạng; ở phương Tây, có Bồ Tát tên là Công Đức Tạng; ở phương Bắc, có Bồ Tát tên là Quảng Văn; ở phương Đông Nam, có Bồ Tát tên là Bất Thối Chuyển; ở phương Tây Nam, có Bồ Tát tên là Đại Tuệ; ở phương Tây Bắc, có Bồ Tát tên là Công Đức Tụ; ở phương Đông Bắc, có Bồ Tát tên là Thường Hỷ; ở phương Trên, có Bồ Tát tên là Bảo Tràng;và ở phương Dưới, có Bồ Tát tên là Bảo Tín. Tất cả Bồ Tát ấy thấy có hào quang muôn sắc chiếu khắp vô biên thế giới trong mười phương, không biết tại sao có điềm lạ thường này, nên hỏi chư Phật của các cõi ấy. Và được chư Phật ở 10 phương trả lời là:

Cách đây hơn mười Căng già sa số thế giới, có thế giới của Phật tên là Kham Nhẫn, Phật hiệu Thích ca Mâu ni Như Lai, mười hiệu đầy đủ, đang thuyết Đại Bát nhã Ba la mật cho các chúng đại Bồ Tát . Do nhân duyên này nên mới hiện điềm lành.

Các Bồ Tát được nghe điều hi hữu này đồng thanh xin chư Phật 10 phương: Nay muốn qua thế giới Kham Nhẫn quan sát, đảnh lễ, cúng dường Như Lai Thích Ca để nghe và lãnh thọ chánh pháp.Tất cả chư Phật 10 phương đồng ý cho các Bồ Tát cõi mình được sang thế giới Kham Nhẫn đãnh lễ Phật Thích ca Mâu ni và chư Bồ Tát cõi này và thỉnh pháp. Đó là duyên khởi của pháp hội thứ V này.

Phần mở đầu của phẩm này, liệt kê tất cả nhân vật tham dự pháp hội tỉ mỉ hơn các Hội trước. Nhưng quang cảnh của buổi Hội không tưng bừng lộng lẫy giống như buổi hội tại đỉnh Linh Thứu như phẩm “Duyên Khởi” của Hội thứ I. Ngoài ra, nhất nhất đều giống như các phẩm “Duyên Khởi” của tất cả các Hội đã kể.

 

Chỉ cần đọc một phẩm trong các phẩm “Duyên Khởi” cũng tạm đủ.Ở đây kinh thuyết theo lối trần thuật, ai đọc cũng có thể hiểu. Như vậy là quá đủ, không cần dong dài, dành thời giờ để đọc tụng thọ trì các phẩm khó khăn tiếp theo./.

***
Kính mời xem tiếp:



facebook

youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]