Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Chùa Hải Ấn, Xã Vĩnh Phước, Thành Phố Nha Trang

10/02/202207:00(Xem: 5173)
06. Chùa Hải Ấn, Xã Vĩnh Phước, Thành Phố Nha Trang

CHÙA HẢI ẤN

 

        Chùa Hải Ấn còn được gọi là Chùa Hang, địa chỉ trước kia là Tổ 8 Song Thủy, nay là số 204 đường Ngô Đến, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang.

       Năm 1968, Ni trưởng Thích Nữ Chánh Lượng, húy thượng Tâm hạ Hải, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 43,  đã mua lại khu đất đá rộng lớn ven chân núi Sạn, làng Cù Lao, khi nhận ra chính nơi đây đang sẵn có cảnh vật tĩnh mịch, địa thế phong quang, hòa hợp với núi sông mây gió thích hợp cho sự tu niệm và hoằng pháp lâu dài của người xuất gia, và bắt đầu tạo dựng một chốn già lam theo ý nguyện của mình.

        Đầu tiên, Ni trưởng lập một am thờ Phật ngay bên trong hang đá. Đây là một hang đá ăn sâu lên trên đỉnh núi, những bô lão sống quanh vùng kể rằng đó là hang cọp, sau này cọp đã bị săn đuổi bỏ đi, hang đã bị san lấp phía bên trên, Ni trưởng đã ở trong hang đá này suốt 2 năm liền. Hằng ngày, ngoài giờ tọa thiền, Ni trưởng còn trì tụng kinh Pháp Hoa, cứ mỗi chữ một lạy để cầu nguyện được lập nên một ngôi thiền tự. Năm 1971, được sự ủng hộ và khích lệ của tăng ni, đặc biệt là của Hòa thượng Thích Trí Thủ (Ngài đã viết giấy giới thiệu để Ni trưởng mở cuộc vận động quyên góp, và cũng là người đóng góp đầu tiên với số tiền 5.000 đồng), cũng như sự hưởng ứng đóng góp nhiệt thành của Phật tử, Ni trưởng đã khởi công xây dựng xong một ngôi chùa nhỏ, đặt tên là Hải Quang Tịnh Thất. Sau, nhân chuyến ghé thăm chùa, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đặt lại tên là Hải Ấn Tự. Từ đó, chùa chính thức mang tên là Hải Ấn, dân quanh vùng và Phật tử ở khắp nơi lại thường gọi bằng một cái tên gần gũi: Chùa Hang.

       

         Đặc biệt nhất là giếng nước trong khuôn viên chùa. Giếng nằm bên ngoài phía trước dãy nhà trù, trên một tảng đá xanh rì rất lớn, giữa nhưng cây mít thân to đã trên ba mươi tuổi. Những ngày đầu tạo dựng ngôi chùa, Ni trưởng đã cho đào một giếng nước, nhưng nước bị nhiễm mặn nên không sử dụng được, giếng này tuy đã được lấp kín nhưng đến nay vẫn còn lưu vết tích. Tất cả các giếng nước quanh vùng này đều lâm tình trạng chung như vậy vì ở gần cửa biển. Ni trưởng đã mời thầy thợ chuyên nghiệp đến để thăm dò tìm nguồn nước ngọt, nhưng ai cùng cho rằng tìm nguồn nước ngọt ở địa phận này là một chuyện hết sức vô lý. Không đầu hàng, Ni trưởng quyết định niệm trì “Ngũ Bách Phật Danh Kinh”(năm trăm danh hiệu Phật, cứ mỗi lần xưng tán một danh hiệu Phật thì phải đảnh lễ một lạy), phát nguyện cầu tìm nguồn nước ngọt cho chùa cũng như cho dân chúng trong vùng. Vào một ngày trời quang mây tạnh, Ni trưởng đã chỉ cho đám thợ khoan giếng địa điểm để lấy nguồn nước: ngay bên trên tảng đá khổng lồ. Thật kỳ diệu, thợ khoan sâu xuống lòng đá hơn mười mét thì gặp trúng mạch nước ngọt mát lạnh và trong vắt. Giếng nước ngọt được tìm thấy, nguồn nước tràn trề quanh năm, người dân quanh khu vực ngày đêm quẫy gánh xách thùng đến xin nước về dùng từ ngày ấy cho đến nay, và mọi người cung kính gọi đó là Giếng Phật. 

 

         Đến mùa hạ năm 1991, lúc 16 giờ 15 ngày mồng 9 tháng 5 năm Tân Mùi, Ni trưởng khai sơn viên tịch, trụ thế 78 năm, 38 tuổi đạo, được an nghỉ tại ngôi bảo tháp màu xanh của đá núi nằm bên phải của ngôi chánh điện do chính đôi bàn tay nhỏ nhắn và tâm nguyện lớn lao của Ni trưởng tạo lập nên.

 


Chua Hai An (2)Chua Hai An (3)Chua Hai An (4)Chua Hai An (5)Chua Hai An (6)Chua Hai An (7)Chua Hai An (8)Chua Hai An (9)Chua Hai An (10)Chua Hai An (11)Chua Hai An (12)Chua Hai An (13)Chua Hai An (14)Chua Hai An (15)Chua Hai An (16)Chua Hai An (17)Chua Hai An (18)Chua Hai An (19)Chua Hai An (20)Chua Hai An (21)
Chua Hai An (1)Chua Hai An (1)



         Kế thừa trụ trì là Ni sư Thích Nữ Tín Diệu, thời gian đầu được sự trợ lực của Ni sư Thích Nữ Tín Tâm (viên tịch vào năm 2011), chùa đã được tu bổ xây dựng thêm rất nhiều công trình mới, tạo nên một chốn thiền môn đầy hoa sắc, rộng rãi hơn, tráng lệ hơn và trở thành một ngôi đại tự của Phật giáo tỉnh nhà.

       Các công trình Chánh điện, Tổ đường, Ni xá, hành đường, tường thành, cổng Tam quan… đều đã được tu sửa nâng cấp ngày càng khang trang và tiện dụng hơn trước. Một “hang động nhân tạo” nho nhỏ cũng được thiết kế và bài trí ngay bên lối đi lên “hang động thiên tạo”, tạo thêm cảnh sắc núi non hoa lá hài hòa. Phía trước hang động, bên trái còn có một tượng Phật Di Đà uy nghiêm và nhân từ được an vị trên một tảng đá cao cao ngay vị trí mà trước kia đặt tháp xá lợi. Ngoài điện Quán thế Âm ngoài sân phía trước chánh điện, còn có một đài Quán Thế Âm khác trên một tảng đá lớn trên sườn núi với lối đi lên bằng những bậc cấp bên cạnh hang động. Tượng Quán Thế Âm này lộ thiên, lớn hơn, tay niêm ấn, tay cầm cam lồ thủy, đứng trên một quả địa cầu nhìn ra hướng biển Đông như luôn sẵn sàng “tầm thanh cứu khổ” cho chúng sanh trên những chuyến tàu ra khơi xa vốn luôn đầy gian nan trắc trở…

         Ngày hôm nay, “Hang Cọp” vẫn còn đó, nằm khép nép bên cạnh ngôi chùa nguy nga, hai bên cửa hang có bộ tượng “Khuyến Thiện –Trừng Ác” trấn giữ, vào bên trong hang có thể thấy những tượng thờ Di Lặc Tôn Phật, Bồ Tát Quán Thế Âm và Thiện Tài Đồng Tử, Bồ Đề Đạt Ma Sư Tổ, và tôn tượng thờ Cố Ni trưởng khai sơn lập tự do chúng đệ tử phụng lập để ghi nhớ công ơn và đạo hạnh của sư thầy.

        Đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu bức thiết của dân trong vùng giải tỏa nghĩa trang để tái định cư, nhà chùa cũng đã xây dựng nên “Vãng Sanh Đường”, với 2 dãy nhà ký giử linh cốt quanh năm ấm áp hương hỏa hoa đăng.

        Quanh sân vườn, chùa kiến tạo thêm những tiểu cảnh: vườn Lâm –Tỳ- Ni, tượng Thái tử cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt sông xuất gia cùng Xa Nặc theo hầu, và còn có những dãy bậc cấp dẫn lên tận phía trên đỉnh núi để đại chúng có thể chiêm bái những tượng đài Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, vườn Lộc Uyển, đức Phật thành đạo…

         Bãi lau sậy mà người xưa đồn rằng cọp trên hang động thường xuống uống nước, nằm bên kia con lộ phía trước cổng tam quan trở thành một ruộng lát của chùa tăng gia sản xuất, sau cho xưởng đóng tàu Song Thủy thuê, rồi khi hết hạn hợp đồng thì nơi này đã được nhà chùa xây dựng lên một giảng đường có sức chứa trên 400 người. Phật tử gần xa thường vân tập về đây để nghe chư tôn đức Tăng Ni giảng sư, giáo thọ được nhà chùa cung thỉnh đăng đàn thuyết pháp, mở những cuộc pháp thoại để hiểu biết rõ thêm về chánh pháp, về lịch sử Phật giáo…

 

 

Tâm Không Vĩnh Hữu





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]