Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

308. Thiền Sư Thường Chiếu (? - 1203) Đời 12, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀

09/11/202110:32(Xem: 27441)
308. Thiền Sư Thường Chiếu (? - 1203) Đời 12, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀

thich nguyen tang (1)thich nguyen tang (3)thich nguyen tang (4)thich nguyen tang (11)

Thiền Sư Thường Chiếu (? - 1203)
Đời 12, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông)

Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước-Quảng Tịnh





Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ Ba, 09/11/2021 (05/10/Tân Sửu)chúng con được học về  Thiền Sư Thường Chiếu (? - 1203) đời thứ 12, Thiền Phái VôNgôn Thông. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 308 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

 

 

Sư họ Phạm, quê làng Phù Ninh. Triều Lý Cao Tông (1176-1210), Sư làm quan Lệnh đô tào ở cung Quảng Từ. Sau từ quan đi xuất gia theo học với Thiền sư Quảng Nghiêm ở chùa Tịnh Quả, chính Sư là người được tâm ấn. Sư ở đây hầu thầy nhiều năm.

 

Sư Phụ giải thích:

- Thiền Sư Thường Chiếu là vị thiền sư nổi tiếng vào triều đại nhà Lý cách nay 831 năm. Sư làm quan dưới đời Lý Cao Tông, Ngài cảm nhận đời vô thường nên từ quan lên chùa xin xuất gia. Tên của Sư hiển lộ Đức tu của Sư, Thường là thường hằng, Chiếu là chói sáng, là ánh sáng trí tuệ luôn chiếu soi.

 

- Sư Phụ nhắc lại giai thoại đối đáp giữa thiền sư Thường Chiếu và sư phụ Quảng Nghiêm về kinh Kim Cang rất kỳ đặc. Ngài thưa hỏi “pháp của Như Lai không thật không hư là pháp gì?” Sư Phụ Quảng Nghiêm  nói cuối kinh Kim Cang có câu “nếu có Như Lai nói pháp là phỉ báng Như Lai “ , những lời Phật giảng như chiếc bè giúp đưa chúng sanh qua bờ bên kia, là chân lý bất di bất dịch, khi qua bờ rồi thì bỏ chiếc bè lại, tự tại thong dong.

Thiền sư Trí Thiền thuộc đời thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền sư Quảng Nghiêm thuộc đời thứ 11 và thiền sư Thường Chiếu thuộc đời thứ 12.

 

Sau đó, Sư tìm đến phường Ông Mạc trụ trì một ngôi chùa cổ, mở mang giáo hóa môn đồ. Rốt sau, Sư dời về chùa Lục Tổ ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức trụ trì. Tăng chúng tìm đến tu học càng ngày càng đông.

Có vị Tăng hỏi:

- Khi vật ngã vin nhau thì thế nào?

Sư đáp:

- Về tâm tánh thì vật ngã cả hai đều quên, vì nó vô thường dễ sanh dễ diệt, sát-na (chớp mắt) không dừng thì có cái gì vin nhau? Sanh là vật sanh, diệt là vật diệt, pháp đã được kia, thường không sanh diệt.

Tăng thưa:

- Con vẫn chưa hiểu, xin Thầy thương xót chỉ dạy?

Sư bảo:

- Rõ được tâm mà tu hành thì tỉnh lực dễ thành, không rõ tâm mà tu hành thì phí công vô ích.

 

Sư Phụ giải thích:

- vật ngã là gì ? vật là pháp, là ngoại cảnh, ngã là cái tôi, cái ẩn tàng bên trong, vin là bám víu, dính chặt, khi căn tiếp xúc với trần cảnh thì vọng tưởng điên đảo khởi lên khiến cho cho hành giả không thể nào thoát ra được, tuy nhiên đứng về mặt bản thể thì vật-ngã chưa từng ảnh hưởng gì đến tâm tánh vắng lặng không sanh diệt của hành giả.

- Muốn đạt đến chỗ “tâm tánh vắng lặng không sanh diệt” hành giả phải “rõ được tâm để mà tu hành”, phải có “tỉnh lực” trên đường tu. Tỉnh lực chính là sức mạnh của thiền định. Tỉnh lực là thước đo giác ngộ của mỗi người, tự mình tu tự mình biết.

 

Tâm là gì ? chư Tổ dạy rằng:

 

“Tam điểm như tinh tượng,

Hoành câu tợ nguyệt tà.

Phi mao tùng thử đắc,

Tố Phật dã do tha”


Có nghĩa là:
Ba chấm như sao sáng
Vành câu tợ ánh trăng liềm
Mang lông cùng đội sừng
Làm Phật tác Tổ cũng đều từ tâm này mà ra.


Kinh Pháp Cú câu số 1 và 2 Phật dạy:

 

“Dẫn đầu các pháp là Tâm

Tâm kia là chủ, là nguồn tạo sinh

Nói năng, hành động thường tình

Với Tâm ô nhiễm, nghiệp sinh khổ sầu

Tâm ô nhiễm, khổ theo sau

 Như xe bò kéo lăn vào dấu chân”

 

“Dẫn đầu các pháp là Tâm

Tâm kia là chủ, là nguồn tạo sinh

Nói năng, hành động thường tình

Với Tâm thanh tịnh, nghiệp sinh vui vầy

Như hình với bóng sánh vai

Tâm thanh tịnh với an vui, bóng, hình “

 

Ông bà Tổ Tiên Việt Nam cũng dạy:
“Chữ Tâm độc tự thế mà hay

Thành, bại, nên, hư bởi chữ này

Tuổi trẻ gắng tu, già cố giữ

Cuộc đời gói trọn cả vào đây”

 

Cụ Nguyễn Du cũng nói”

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

 

Trong kinh doanh, chữ Tâm rất quan trọng, Sư phụ nói trong đại sãnh công ty họ để câu đối để nhắc nhở:

“ Chân tâm tài tất đáo
Hữu đức phúc tự lai”.


Có nghĩa là “sử dụng tâm chân thật để làm ăn thì tiền tài sẽ vào, vun bồi đức hạnh thì phước sẽ tự đến”.

 

Lục Tổ Huệ Năng dạy về chữ Tâm trong Kinh Pháp Bảo Đàn như sau:

“Niệm trước chẳng sanh tức là tâm
 Niệm sau chẳng sanh tức là Phật
Thành tựu tất cả tướng tức là tâm
 Rời tất cả tướng tức là Phật”

Sư phụ nhấn mạnh  lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn trên là lập lại lời dạy của Đức Thế Tôn ngày xưa đã dạy trong Kinh Bahiya “ Trong cái thấy chỉ là cái thấy. Trong cái nghe chỉ là cái nghe…”, cho nên Như Lai Thiền và Tổ Sư Thiền là một chứ không có khác.

 

 

 - Thế nào là Pháp thân khắp tất cả chỗ?

- Như một lỗ chân lông khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết, nếu tâm không thì không có một tí kẽ hở nào không phải thân Phật. Vì cớ sao? Vì Pháp thân ứng hóa thành Phật không chỗ nào chẳng đến? Thế nên, phải biết đúng như thế. Như Lai dùng sức tâm tự tại, trong chỗ không khởi chuyển mà chuyển pháp luân; biết tất cả pháp thường không khởi, dùng ba thứ pháp nói đoạn, nhưng thật không đoạn mà chuyển pháp luân, biết tất cả pháp lìa biên kiến (chấp một bên) nên ở mé ly dục, nhưng không phải trừ mà chuyển pháp luân. Vào mé hư không của tất cả pháp, nên không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân; biết tất cả pháp là tánh Niết-bàn, nên nói rằng: tánh không tướng, tánh không tận, tánh không sanh, tánh không diệt, tánh không ngã, tánh chẳng phải chẳng ngã, tánh không chúng sanh, tánh chẳng phải chẳng chúng sanh, tánh không Bồ-tát, tánh không pháp giới, tánh không hư không, cũng không có tánh thành Phật.

 

Sư Phụ giải thích:

- Pháp thân là biến nhất thế xứ, biến khắp tất cả mọi nơi là chân tâm, là tánh biết lặng lẽ ai cũng có, là cái biết sơ niệm ban đầu.. 

- Giác ngộ: giác là biết, ngộ là gặp lại. Giác ngộ là quay trở về với tánh biết hằng hữu xưa nay của chính bản thân mình. Giác ngộ quá đơn giản như vậy đó.

- Tâm không là tâm không có nhiễm ô phiền não.

- Biết tất cả pháp phải lìa biên kiến, tức là lìa cái thấy một bên Biên kiến là chỉ thấy một khía cạnh rồi kết luận là đúng sẽ tự chuốc lấy phiền não, tự hiểu sai, hiểu lầm, tự làm tổn thương mình và gây hại đến cho người xunh quanh. Tổ dạy phải dứt bặt cái thấy biên kiến thì mới tiến lên bậc thánh giác ngộ và giải thoát. Sư Phụ thường có câu rất hay, rất chí lý, đó là “thê thê thảm thảm chỉ tại nơi mình”. Biết vậy nên mọi người cố gắng tận trừ “biên kiến” để thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

 

- Biết tất cả pháp là tánh Niết Bàn. Đây là câu nói của Thiền Sư Thường Chiếu chúng ta cần phải ghi chú và ghi nhớ. Biết tất cả pháp chính là tánh biết hằng hữu của chúng ta. Tánh biết này luôn ở bên ta, 24 trên 7, đó là cái tánh nghe, tánh thấy của chúng ta. Cái thấy, cái nghe và sự ghi nhận của tâm thức, đó là chính là thể tánh, là chơn tâm, là Phật tánh của chúng ta, đó chính là tánh Niết bàn, “Trong cái thấy chỉ là cái thấy. Trong cái nghe chỉ là cái nghe…”chính là “Biết tất cả pháp là tánh Niết Bàn”.


Niết Bàn là gì ?

 

Niết là không, bàn là khổ đau, không còn khổ đau chính là Niết Bàn. Niết là không, Bàn là nóng lạnh. Không bị nóng lạnh là Niết Bàn. Dạ bạch Sư Phụ, con cảm ơn Sư phụ giải thích ý nghĩa đơn giản và dễ hiểu của 2 chữ Niết Bàn này. Hôm qua Sư Phụ có đi tiêm vaccine Pfizer mũi thứ ba, Sư Phụ bị nóng lạnh nhưng chúng con thấy buổi giảng Pháp sáng nay Sư Phụ vẫn khỏe mạnh như ngày nào, rõ ràng Sư phụ không bị thân bệnh làm khấy động, Sư phụ không để ý tới nên được lướt qua nhẹ nhàng. Dạ bạch Sư Phụ, con nghĩ một phần do đức tu của Sư phụ và phần khác là do Sư phụ có sức khỏe tốt nên lướt qua dễ dàng. Con xin chúc mừng Sư phụ.

 

 

Nói xong liền nói kệ:

Tại thế vi nhân thân,
Tâm vi Như Lai tạng.
Chiếu diệu thả vô phương,
Tầm chi cánh tài khoáng.

HT Thích Thanh Từ dịch:

Ở đời làm thân người,
Nơi tâm Như Lai tạng.
Chiếu soi cùng khắp nơi,
Tìm đó lại càng rỗng.

 

Sư Phụ giải thích:

- Như Lai tạng là kho báu giác ngộ tại nơi tâm của chúng ta.  Trong A lại gia thức có chứa nhiều chủng tử, nhiều hạt giống, trong đó có hạt giống Như Lai tạng. 

- Hạt giống Như Lai tạng là hạt giống thiện bị vùi trong vô minh, khi đủ duyên được chăm sóc tưới tẳm  bằng các pháp tu trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đi chùa làm công quả, tụng kinh, ngồi thiền…thì hạt giống này sẽ được nẫy mầm, đơm hoa, kết trái.

 

Đến ngày 24 tháng 9 niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai (1203, Lý Cao Tông), Sư cho hay đau bụng, nhóm chúng nói kệ:

Đạo bản vô nhan sắc,
Tân tiên nhật nhật khoa,
Đại thiên sa giới ngoại,
Hà xứ bất vi gia.

 

HT Thích Thanh Từ dịch:

 

Đạo vốn không nhan sắc,
Ngày ngày lại mới tươi,
Ngoài đại thiên sa giới,
Chỗ nào chẳng là nhà.

 

Bản dịch của Trương Việt Linh

Đạo nguyên chẳng có sắc màu

Ngày ngày vẻ lạ phô bày tốt tươi

Dẫu cho thế giới bầu trời

Trong ngoài chốn chốn đâu đâu cũng nhà

 

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Đạo không mang sẵn sắc màu,

Ngày ngày đạo vẫn phô bày lạ, tươi.

Dù ngoài thế giới con người,

Chốn nào mà chẳng là nơi đạo còn.

 

 

Sư Phụ giải thích:

- Đạo vốn không nhan sắc,

Đạo là tánh biết, tánh giác, không có hình tướng, không có nhan  sắc

- Ngày ngày lại mới tươi.

Đạo thể hiện ra trên nét mặt, nhờ tu tập nên hiện ra nét tươi tắn trên dung nhan.

 

Sư phụ nhấn mạnh câu “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt”


Có nghĩa là:

Người có tâm lành, tâm tốt mà không có dung nhan đẹp, tướng đẹp kia do tâm lành từ từ lưu xuất ra và dung sắc sẽ thay đổi theo thời gian tu tập; ngược lại, người có tướng đẹp nhưng không tâm tu, tâm luôn cống cao ngã mạn, tật đố, ganh tỵ, giận hờn….sẽ mất phước, tổn phước thì tướng đẹp kia, dung sắc kia theo thời gian mà biến mất.


- Ngoài đại thiên sa giới

Chỗ nào chẳng là nhà. 

Nhà là tánh biết lặng lẽ hiện tiền bên trong, an lạc giải thoát, tất cả lưu xuất từ tâm của chính mình.

 

 

 

Nói kệ xong, Sư ngồi kiết-già thị tịch.

Tác phẩm của Sư:

   1. Thích Đạo Khoa Giáo, một quyển.

   2. Nam Tông Tự Pháp Đồ, một quyển.

     Và hai bài kệ trên.

 

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Thường Chiếu do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:

 

Thoát tục từ quan nguyện xuất gia
Ngày đêm tinh tấn học Phật Đà
Quảng Nghiêm thạch trụ khai thiền giáo
Tịnh Quả thiền môn nở tâm hoa
Đạo nghiệp minh sư thừa ấn giáo
Đèn thiền chánh pháp trải tâm hoà
Lục Tổ già lam khơi suối pháp
Thiền tăng đức sáng vạn đời ca

Đời ca đức sáng ngát hương truyền
Hoá độ nhân sanh kết thắng duyên
Bỏ ác làm lành vun cội đức
Trừ tà hiển chánh toả tâm thiền
Môn nhân học chúng quy bờ giác
Thiền mạch tông phong tuôn suối thiêng
Kim cổ lưu truyền gương đức sáng
Đèn thiền soi chiếu đạo châu viên. 

 

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Thường Chiếu. Đạo hiệu của Sư hiển lộ Đức tu của Sư. Sư ban cho kim chỉ nam của sự thành tựu của đường tu là tỉnh lực, là định lực của tâm, là sức mạnh lắng động của tự tâm làm phát sanh trí tuệ, là thước đo giác ngộ, chỉ tự mình tu và tự mình biết mà thôi,


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 




308_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Thuong Chieu


Thiền Sư Thường Chiếu (? - 1203)
Đời 12, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Cao Tông)




Kính dâng Thầy lời trình pháp về bài pháp thoại thứ 308về Thiền Sư Thường Chiếu, một vị thiền Sư đóng vài trò rất quan trọng trong việc hoà hợp hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô ngôn Thông làm bước ngoặc đầu tiên cho Thiền Phái Trúc Lâm đời nhà Trần nên Đại Trưởng Lão HT Thích Thanh Từ đã mượn tên Ngài lập nên thiền viện Thường Chiếu tại Đồng Nai / VN để xiểng dương cho tông phái của Thiền đốn ngộ từ Lục Tổ Huệ Năng . Kính bạch Thầy mãi cho đến nay con mới chiêm nghiệm được lý do vì sao có sự sắp xếp truyền thừa và sự truyền tâm ấn theo thứ tự vì lẽ sự triệt ngộ của một đệ tử dù sau nhiều thế hệ vẫn chính là tinh yếu cốt tủy của Tổ Sư thiền phái mình đang theo đuổi và bàng bạc trong tư tưởng của Ngài Thường Chiếu đó là Bản tánh của Tâm ....đi từ Lục Tổ Huệ Năng, cho đến Ngài Quảng Nghiêm ( sư phụ) . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH



Chúng ta đã từng nghe nhiều pháp thoại về chữ Tâm về chữ Phật, về bản lai tự tánh thanh tịnh Niết Bàn , thì hai bài kệ của Ngài Thường Chiếu còn được lưu giữ trong thi đàn Lý Trần đã thu gọi trọn vẹn yếu nghĩa .

Bài thứ nhất tiêu đề được gọi là Tâm

(Tại thế vi nhân thân,

Tâm vi Như Lai tạng,

Chiếu diệu thả vô phương,

Tầm chi cánh tài khoáng.)

HT Thích Thanh từ dịch

Ở đời làm thân người,

Nơi tâm Như Lai tạng.

Chiếu soi cùng khắp nơi,

Tìm đó lại càng rỗng.

Nguyễn Duy Nguyễn Bá Chung dịch

Tấm thân chìm nổi trần ai

Tâm là kho báu Như Lai giữa đời

Ánh tâm toả sáng nơi nơi

Đi tìm tâm chỉ xa khơi mịt mờ.

Điều này cho thấy không phải là đệ tử truyền tâm ấn của Thiền Sư Tịnh Giới nhưng Thiền Sư Thường Chiếu đã kết hợp được những tinh tuý về Bản tánh của Thể Tâm từ Lục Tổ Huệ Năng cho đến những vị Tổ Sư thế hệ trước Ngài để dẫn dắt lại cho thế hệ sau này một các tuyệt diệu !

( trích đoạn trong hành trạng Thiền Sư Tịnh Giới

Có vị Tăng hỏi:

- Thế nào là Phật lý?

Sư đáp:

- Ngươi, ta.

Sư thường bảo:

- Tánh của tâm chính là tánh của Như Lai tạng tâm. Thế nên Tự tánh tâm thanh tịnh vậy.)

Và ta đã học rằng Bản lai tự tánh thanh tịnh Niết Bàn : Đó là tự tánh thanh tịnh của chúng sanh. Nghĩa là mặc dầu bị vô minh phiền não mà tự tánh vẫn hằng thanh tịnh rỗng rang như hư không, xa lìa các tướng phân biệt, bặt đường nói năng, suy nghĩ, cái tánh ấy xưa nay vẫn một màu vắng lặng. Đây là Niết Bàn của hàng phàm phu vậy.

Thiền Tông cho rằng : Có hai thứ tâm,

Một thứ là tâm theo dòng tâm thức, khởi lên rồi diệt, vì ngũ uẩn bị mê mờ bởi tham ái, dục lạc, vọng tưởng; tâm này được gọi là Vọng tâm là tâm của chúng sinh

Hai là Chân tâm có tự tính là thanh tịnh, không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tính giác của những vị đã giác ngộ, cũng còn được gọi là Tâm Phật.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ Huệ Năng đã dạy

"Niệm trước chẳng sanh tức là tâm

Niệm sau chẳng sanh tức là Phật
Thành tựu tất cả tướng tức là tâm

Rời tất cả tướng tức là Phật"

Để rồi trong hành trạng Ngài với những lời diễn giảng lúc thượng đường đã bao hàm tất cả trong câu" RÕ ĐƯỢC TÂM MÀ TU HÀNH "

Trích đoạn ( Có vị tăng hỏi:- Khi vật ngã vin nhau thì thế nào?

Sư đáp:

- Về tâm tánh thì vật ngã cả hai đều quên, vì nó vô thường dễ sanh dễ diệt, sát-na (chớp mắt) không dừng thì có cái gì vin nhau ? Sanh là vật sanh, diệt là vật diệt, pháp đã được kia, thường không sanh diệt.

Tăng thưa:

- Con vẫn chưa hiểu, xin Thầy thương xót chỉ dạy ?

Sư bảo:

- Rõ được tâm mà tu hành thì tỉnh lực dễ thành, không rõ tâm mà tu hành thì phí công vô ích.

- Thế nào là pháp thân khắp tất cả chỗ ?

- Như một lỗ chân lông khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế

. Nên biết, nếu tâm không thì không có một tí kẽ hở nào không phải thân Phật.

Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Phật không chỗ nào chẳng đến?

Thế nên, phải biết đúng như thế. Như Lai dùng sức tâm tự tại, trong chỗ không khởi chuyển mà chuyển pháp luân; biết tất cả pháp thường không khởi, dùng ba thứ pháp nói đoạn, nhưng thật không đoạn mà chuyển pháp luân, biết tất cả pháp lìa biên kiến (chấp một bên) nên ở mé ly dục, nhưng không phải trừ mà chuyển pháp luân. )

Chúng ta đã nghe. qua nhiều pháp thoại nên được biết :

./ Pháp thân Như Lai tạng này là tánh Không: “không khởi, không đoạn, vào cõi giới hư không (tánh Không) của tất cả các pháp”. Pháp thân Như Lai tạng này là tánh Không, là bản tánh của tất cả các pháp.

“Lìa biên kiến, lìa cõi dục, không có ngôn thuyết, rốt ráo tịch diệt” là tánh Không. Nhưng tánh Không không ngăn ngại các pháp, vẫn để cho các pháp biểu hiện: vẫn có sự “chuyển pháp luân”, “chẳng phải trừ cõi dục”. Vẫn có “ngôn thuyết để chuyển pháp luân”, vẫn để cho lời nói biểu hiện, thị hiện, mặc dù trong bản tánh, trong Pháp thân thì “không có ngôn thuyết, tất cả các pháp đều không thể nói”.

“Tất cả pháp là tánh Niết bàn, rốt ráo dịch diệt”: bản tánh nền tảng của tất cả các pháp là tánh Không, là Niết bàn, rốt ráo tịch diệt, nhưng bản tánhKhông ấy, nền tảng tánh Không ấy không chướng ngại các pháp, cho nên cả đoạn vẫn nói về sự biểu hiện của “tất cả các pháp, thành Đẳng chánh giác, chuyển pháp luân, thuyết pháp”.

Nói theo sắc và Không của Bát Nhã Tâm Kinh thì “sắc tức là Không, Không tức là sắc”: Tánh Không không ngăn ngại sắc, vẫn để cho sắc biểu lộ bởi vì “sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc”.

Như thế, Pháp thân tánh Không là “tánh vô tướng, tánh vô tận, tánh vô sanh vô diệt, hoàn toàn vô tánh”, nhưng Pháp thân tánh Không ấy không ngăn ngại các tướng, không ngăn ngại cái có tận, cái có sanh có diệt, tức là không ngăn ngại Ứng hóa thân “không chỗ nào không đến”. Chân Không không ngăn ngại Diệu Hữu. Diệu Hữu là sự biểu hiện của Chân Không, là sự thị hiện của tánh Không.

Như thế, “tất cả các pháp, bản tánh của chúng là Niết bàn”, nên chính chúng là Niết bàn.

Điều này lại khiến chúng ta nhớ về thuở Ngài Thường Chiếu còn học đạo với với minh sư Quảng Nghiêm đã hỏi :

- “Pháp Như Lai đã được, pháp này không thật không hư”, ấy là pháp gì?

Sư Quảng Nghiêm đáp:

- Ngươi chớ hủy báng Như Lai.

- Hòa thượng chớ hủy báng kinh.

- Kinh này là ai nói?

- Hòa thượng chớ đùa với con, đâu không phải là Phật nói sao?

- Nếu là Phật nói, vì sao trong kinh lại nói “nếu nói Như Lai có nói pháp tức là hủy báng Phật”?

Thường Chiếu không đáp được.)

Bây giờ ....Ngài đã triệt ngộ thì Ngài mới chỉ dạy lại cho một tăng sinh như sau :

Pháp thân ấy là tâm của vị đã chứng ngộ, “Tâm là Như Lai tạng”. Pháp thân, hay Như Lai tạng, hay bản tánh của tâm, hay Pháp giới không chỉ là tánh Không, mà còn là “tánh sáng” (chữ của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông). Tánh Không là tánh Sáng không thể tách lìa.

Tánh Không là, “Tìm nó không bóng dáng”; tánh Sáng là, “Chiếu sáng khắp muôn phương”. Cả hai chưa từng tách lìa nhau.

Vấn đề của con người là phải sống trong vô thường sanh diệt, từ đó mà có khổ đau không dứt. Vô thường sanh diệt này là do tâm và vật duyên níu nhau, và tâm cứ chạy theo sự duyên níu theo vật thế nên cứ trôi lăn suốt đời.

Để chấm dứt sự duyên níu, chạy đuổi theo vật vô thường mà trôi lăn, Thiền sư Thường Chiếu dạy phải nhìn ra bản chất của tâm và vật là gì.

Tâm thì “vô thường, dễ sanh dễ diệt, khoảnh khắc chẳng dừng”: tâm thì không có tự tánh, vô tự tánh, là tánh Không. Vật thì có sanh có diệt, “sanh là vật sanh, diệt là vật diệt”, vật cũng sanh diệt, nghĩa là vô tự tánh, tức là tánh Không.

Bằng thiền định (Chỉ) thiền quán (Quán), hai pháp tu tâm chính của Phật giáo, người học nhìn sâu vào tính chất của tâm và vật, rồi đến lúc thấy trực tiếp tâm và vật không có tính chất cố định, không có tự tánh, vô tự tánh, là tánh Không.

Tâm và vật đều không có tự tánh, đều là tánh Không nên sự duyên níu, nương dựa lẫn nhau là một ảo tưởng. Bám nắm, đuổi theo vật hay tâm lại càng thêm ảo tưởng nữa.

Khi ấy, “vật, ta đều mất”, và thực tại (“pháp kia”) lộ bày rõ ràng ngay trước mắt, “đắc được pháp kia, thường không sanh diệt”. Pháp kia hay thực tại, hay tâm ấn thì thường không sanh diệt, bởi vì không có sự duyên níu sanh diệt."...

Nhưng ở đây vị tăng vì công phu thiền định thiền quán chưa đủ, những che chướng của vô minh phiền não còn nặng nề, nên chưa thấy, chưa hiểu, bèn xin thầy chỉ dạlại. Sư bảo, cốt yếu là phải “rõ tâm”, bởi vì “tất cả duy tâm tạo”.

Đó là Vô trụ sứ Niết Bàn , Rõ tâm là rõ bản tánh của tâm. Bản tánh của tâm là tánh Không, là vô sanh. Bản tánh của tâm vốn vô sanh nên vốn là giải thoát.

Chư Phật đã đoạn sở tri chướng được chơn trí Bồ Đề nên không còn thấy sanh tử khác Niết Bàn. Nghĩa là chư Phật đầy trí huệ nên không ở trong sanh tử, nhưng vì lòng đại bi nên cũng không trụ Niết Bàn, không sanh diệt mà thị hiện sanh diệt để hóa độ chúng sanh.

Và đó là điều mà Ngài đã đọc bài kệ lúc sắp thị tịch để biểu lộ phong thái của người đã giải thoát, cho ta thấy rằng thế giới thực hữu kia đâu đâu và bao giờ cũng là quê hương mình

Đạo bản vô nhan sắc,

Tân tiên nhật nhật khoa,

Đại thiên sa giới ngoại,

Hà xứ bất vi gia

HT Thích Thanh Từ dịch

Đạo vốn không nhan sắc,

Ngày ngày lại mới tươi,

Ngoài đại thiên sa giới,

Chỗ nào chẳng là nhà.


Lương trọng Nhàn dịch

Đạo không mang sẵn sắc màu,

Ngày ngày đạo vẫn phô bày lạ, tươi.

Dù ngoài thế giới con người,

Chốn nào mà chẳng là nơi đạo còn.

Theo đó “Đạo vốn không nhan sắc”: Pháp thân thì ở khắp mọi chỗ “không có chút nào mà không có thân Phật”, nhưng không có hình tướng, không khởi không đoạn, không sanh không diệt.

“Mỗi ngày tươi mới khoe”: Nhưng sự biểu lộ của Pháp thân là Báo thân tánh Sáng và Hóa thân pháp giới thì luôn luôn tươi mới, hiện tiền trước mắt.

“Ngoài đại thiên sa giới, nơi đâu chẳng phải nhà”: Trong toàn bộ vũ trụ, nơi đâu cũng là Pháp thân tánh Không, là Báo thân tánh Sáng, nơi đâu cũng là Ứng hóa thân thị hiện, “mỗi ngày tươi mới khoe”.

Vũ trụ này, từ nhỏ nhất như lỗ chân lông, cho đến lớn như đại thiên sa giới, đều là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, cả ba không hề tách lìa nhau, cho nên “Nơi nào chẳng phải nhà”.

Kính trân trọng,




Kính quy ngưỡng Thiền Sư Thường Chiếu ..

.."Tuệ Nhật" Ngài luôn rọi sáng( 1)

Đạo hiệu biểu trưng ý nghĩa quá tuyệt vời

Ngộ lý Phật.... công danh sẵn sàng rời (2)

Xuất gia với Minh Sư Quảng Nghiêm chùa Tịnh Quả (3)



Đạt tâm ấn nhiều năm sau thượng duyên cao cả

Về ngôi chùa cổ Lục Tổ thuộc Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Kết hợp hai dòng thiền chính ...sử sách còn ghi (4)

Thượng đường chỉ rõ thế nào VẬT, NGÃ !! (5)



Kính đa tạ Giảng Sư ...nhiều dẫn dụ quảng bá

Kệ cú về chữ Tâm để hiểu rõ khắc ghi (6)

Và RÕ ĐƯỢC TÂM MÀ TU HÀNH .....thích nghi (7)

Tánh biết rỗng lặng chính điểm đến rốt ráo !



Biến nhất thiết xứ, pháp thân thanh tịnh ....ĐẠO !

Bài kệ thị tịch mang ánh sáng giác ngộ ...chỉ bày (8)

Thấy biết được bản tâm , tiếp xúc hằng ngày

Sát na niệm ban đầu ....Chơn tâm hiển hiện



Kính tri ân Giảng Sư ...hãy lìa được biên kiến ! (9)

Kho báu giác ngộ ...chớ tìm kiếm nơi nào

Chỉ khi dẹp hết phiền não ...sẽ gặp lại nhau

Đạo vô nhan sắc ...nhưng thể hiện trên khuôn mặt ,

Học được rằng : (10)

"Hữu tâm vô tướng tướng tự tâm sanh

Hữu tướng vô tâm tướng tuỳ tâm diệt "



Nam Mô Thiền Sư Thiền Chiếu tác đại chứng minh.



Huệ Hương

Melbourne 9/11/2021


Chú thích :

(1) trích lời dạy Ngài Bách Trượng Hoài Hải

"Tâm địa nhược không , Huệ nhật tự chiếu "

(2) (3) Sư họ Phạm, quê làng Phù Ninh. Triều Lý Cao Tông (1176-1210), Sư làm quan Lệnh Đô Tào ở cung Quảng Từ. Sau từ quan đi xuất gia theo học với Thiền sư Quảng Nghiêm ở chùa Tịnh Quả, chính Sư là người được tâm ấn. Sư ở đây hầu thầy nhiều năm.

(4) Sau đó, Sư tìm đến phường Ông Mạc trụ trì một ngôi chùa cổ, mở mang giáo hóa môn đồ.

Rốt sau, Sư dời về chùa Lục Tổ ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức trụ trì. Tăng chúng tìm đến tu học càng ngày càng đông.

Theo các nhà sử học

"Sự kiện Thiền sư Thường Chiếu thuộc phái Vô Ngôn Thông đến chùa Lục Tổ, một tổ đình lớn của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi mở trường dạy học để giáo hoá Phật pháp cho ta thấy xu hướng hoà nhập của các thiền phái đạo Phật ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII đời nhà Trần.

Ta biết rằng thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ VI và phát triển đến thế kỷ XII (thời kỳ có thiền sư Thường Chiếu) đã được 18 thế hệ. Còn thiền sư Thường Chiếu thuộc thế hệ thứ 13 của dòng thiền Vô Ngôn Thông cũng là thời kỳ cuối trào. Do vậy những hoạt động của thiền sư Thường Chiếu trong giai đoạn này là bước khởi đầu cho sự hoà nhập các thiền phái đưa đến sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam."

(5) Có vị tăng hỏi:- Khi vật ngã vin nhau thì thế nào?

Sư đáp:

- Về tâm tánh thì vật ngã cả hai đều quên, vì nó vô thường dễ sanh dễ diệt, sát-na (chớp mắt) không dừng thì có cái gì vin nhau ? Sanh là vật sanh, diệt là vật diệt, pháp đã được kia, thường không sanh diệt.

Tăng thưa:

- Con vẫn chưa hiểu, xin Thầy thương xót chỉ dạy ?

Sư bảo:

- Rõ được tâm mà tu hành thì tỉnh lực dễ thành, không rõ tâm mà tu hành thì phí công vô ích.

- Thế nào là pháp thân khắp tất cả chỗ ?

- Như một lỗ chân lông khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế

. Nên biết, nếu tâm không thì không có một tí kẽ hở nào không phải thân Phật.

Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Phật không chỗ nào chẳng đến?

Thế nên, phải biết đúng như thế. Như Lai dùng sức tâm tự tại, trong chỗ không khởi chuyển mà chuyển pháp luân; biết tất cả pháp thường không khởi, dùng ba thứ pháp nói đoạn, nhưng thật không đoạn mà chuyển pháp luân, biết tất cả pháp lìa biên kiến (chấp một bên) nên ở mé ly dục, nhưng không phải trừ mà chuyển pháp luân.

Vào mé hư không của tất cả pháp, nên không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân; biết tất cả pháp là tánh Niết-bàn, nên nói rằng: tánh không tướng, tánh không tận, tánh không sanh, tánh không diệt, tánh không ngã, tánh chẳng phải chẳng ngã, tánh không chúng sanh, tánh chẳng phải chẳng chúng sanh, tánh không Bồ-tát, tánh không pháp giới, tánh không hư không, cũng không có tánh thành Phật.

Nói xong liền nói kệ:

Ở đời làm thân người,

Nơi tâm Như Lai tạng.

Chiếu soi cùng khắp nơi,

Tìm đó lại càng rỗng

(Tại thế vi nhân thân,

Tâm vi Như Lai tạng,

Chiếu diệu thả vô phương,

Tầm chi cánh tài khoáng.)
(6)

Tâm không phải là một cá thể ,mà là một dòng tâm thức chứa đựng nhiều loại tâm khởi lên rồi diệt đi. Khi con người còn sống thì dòng tâm thức ấy cứ lặng lẽ trôi dần trong ngũ uẩn, nếu không có một tâm nào khác trỗi dậy. Khi con người chết đi, thì dòng tâm thức cuối cùng ở kiếp này sẽ mở đầu cho dòng tâm thức ở kiếp sau.

Khi tâm của mỗi người được giải phóng khỏi các ham muốn trần tục: nhục dục, sân hận, si mê, hôn trầm thụy miên , lo lắng, nghi ngờ thì tâm sẽ dần trở lên trong sáng, dễ hướng đạo, trong như nước lặng.

Trong Phật giáo không quan niệm tâm phải là cái gì đó thuần nhất, chỉ đơn giản là hiểu theo khái niệm về tâm hồn, tâm thức. Theo ngũ uẩn thì tâm không phải khối cứng nhắc, mà là một luồng tư tưởng, một chuỗi dài những cảm xúc, có đấu tranh, có hòa bình, có sinh có diệt, có năng lực để chuyển từ luồng suy nghĩ này sang luồng suy nghĩ khác.

Kinh Pháp Cú , phẩm đầu tiên mở đầu như sau: “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ.

Tâm làm chủ, tâm tạo tác.

Nếu nói hay làm với tâm thiện.

Thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng với hình.

-còn Nguyễn Du trong Truyện Kiều

"Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài."

-Ba chấm như sao sáng

Nét ngang tựa trăng tà

Xóa đi điều vẩn đục

Phật ở chính tâm ta

-Tại một công xưởng

·"Chân tâm tài tất đáo

Hữu đức phúc tự lai."
- Riêng thế gian thường răn dạy :

"Bớt nghe bớt nói bớt nhìn,

Để tâm thanh tịnh cho mình bình an."

" Chữ Tâm độc tự thế mà hay

Thành bại nên hư bởi chữ này

Tuổi trẻ gắng rèn già cố giữ

Cuộc đời gói gọn cả vào đây."

Nhẹ chuông ai điểm đời hư ảo

Đánh thức vầng trăng sáng tự tâm

( 7)là biết rằng

“Tâm” là tâm lực, là sự tập trung cao độ của sức lực con người. Ở mỗi người, ai cũng tồn tại cái “Tâm” trong mình. Vì thế, trong cư xử giữa con người với con người, điều quan trọng là tấm lòng, là thành “Tâm”, thực bụng sống hết lòng vì nhau.

Tâm là tính thiện, là việc làm tốt, là suy nghĩ mình vì mọi người. Người có Tâm là người không làm điều gì ác, không làm việc gì phương hại tới ai, luôn đặt lợi ích của mọi người, của xã hội lên trên lợi ích của mình…

Tâm chính là tâm hồn của con người, có tâm tức là có lòng nhân ái, thương người, biết cảm thông và chia sẻ với những người khác khi khó khăn, hoạn nạn. TÂM ở đậy cũng là lương tâm, là lẽ phải khi sống ở đời. Con người sống trên đời phải biết giữ lấy chữ TÂM ấy để sống tốt, sống có ích.

Mặc dù cũng có bản chất của tâm như Phật, nhưng chúng ta không nhận ra được vì nó bị gói kín, bao trùm trong những cái tâm thông thường phàm tục của ta. Hãy tưởng tượng một cái bình trống, khoảng không trong bình cũng giống hệt như khoảng không bên ngoài. Tâm Phật trong ta bị vây kín trong những bức thành của tâm thông tục. Nhưng khi ta giác ngộ, cũng giống như cái bình vỡ tan thành mảnh vụn, khoảng không gian “bên trong” liền tan hòa ngay vào không gian “bên ngoài”. Cả hai trở thành một; Ngay lúc đó và tại chỗ đó, ta nhận thức được là chúng chưa từng có sự ngăn cách hay sai khác. Chúng vẫn luôn là một.

(8)


Đến ngày 24 tháng 9 niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai (1203), Sư cho hay đau bụng, nhóm chúng nói kệ:


Đạo vốn không nhan sắc,

Ngày ngày lại mới tươi,

Ngoài đại thiên sa giới,

Chỗ nào chẳng là nhà.


(Đạo bản vô nhan sắc,

Tân tiên nhật nhật khoa,

Đại thiên sa giới ngoại,

Hà xứ bất vi gia.)

Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch.

Tác phẩm của Sư:

1. Thích Đạo Khoa Giáo, 1 quyển.

2. Nam Tông Tự Pháp Đồ, 1 quyển.

Và hai bài kệ trên.

(9)Biên kiến là một trong năm ác kiến, gồm có: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, giới cấm thủ kiến, Kiến thủ kiến .

Ác kiến là một trong 6 căn bản phiền não : Tham , Sân , Si, Mạn, Nghi, Ác kiến

Biên kiến được định nghĩa xa là Tình trạng bám víu vào một bên hoặc hai bên trong thế giới tương đối, chẳng hạn như bám víu vào sự thường hằng, vô thường, hiện hữu hay không hiện hữu. Biên kiến còn là một trong ngũ kiến, hoặc là đoạn kiến, hoặc là thường kiến—

(10) Các nhà tướng số từ xưa đến nay đều nhận định rằng: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùy tâm diệt” (có tâm, không tướng, tướng sẽ do tâm sanh ra. Có tướng, không tâm, tướng theo tâm mà mất).

Câu này có nghĩa là: Người có tâm tốt, nhưng tướng không tốt thì cái tướng không tốt ấy sẽ theo tâm tốt mà chuyển hóa dần dần thành tướng tốt. Nhưng ngược lại, người có tướng tốt nhưng tâm không tốt thì cái tướng tốt ấy, sẽ bị cái tâm không tốt chuyển hóa dần dần thành tướng xấu. Như vậy giữa tướng và tâm, chúng ta thấy tâm là quan trọng nhất. Tướng chỉ là sự biểu hiện của tâm, tâm phát sinh ra tướng. Tâm càng đẹp thì tướng càng đẹp, tâm càng xấu thì tướng càng xấu.



thich nguyen tang (4)thich nguyen tang (6)thich nguyen tang (7)thich nguyen tang (8)thich nguyen tang (13)thich nguyen tang (14)



🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️

thieu lam tu

Trở về Mục Lục Bài giảng của

TT Nguyên Tạng về Chư Vị Thiền Sư Trung Hoa

🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
facebook

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]