Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

304. Thiền Sư Nguyện Học (? - 1174) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông)

30/10/202112:18(Xem: 19271)
304. Thiền Sư Nguyện Học (? - 1174) Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông)


Thiền Sư Nguyện Học (? - 1174)

Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông)


🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃

Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước-Quảng Tịnh





Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay Thứ bảy, 30/10/2021 (25/09/Tân Sửu)chúng con được học về Thiền Sư Nguyện Học (? - 1174), đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Sư phụ dựa theo tài liệu gốc Thiền Sư Việt Nam do HT Thích Thanh Từ biên soạn và ấn hành tại VN vào năm 1972. Pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 304 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

 

 

Sư họ Nguyễn, quê ở làng Phù Cầm. Thuở nhỏ, Sư thọ pháp với Thiền sư Viên Trí ở chùa Mật Nghiêm, đã lãnh hội yếu chỉ.

 

Sư Phụ giải thích:

- Thiền sư Nguyện Học thọ pháp với thiền sư Viên Trí thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Sư Phụ giải thích thiền sư Viên Trí khuyết danh vì tiểu sử bị thất lạc do chiến tranh, nay nhờ học bài này mới biết là đời thứ 9 có thêm một vị Thiền Sư đạo hiệu Viên Trí.

 

Ban đầu, Sư ở ẩn trên núi Vệ Linh chuyên tu phạm hạnh mười hai năm. Mỗi khi nhập Thiền quán đến ba ngày mới xuất. Sư thường trì Hương Hải Đà-la-ni nên các môn trị bệnh, cầu mưa rất được linh nghiệm. 

Vua Lý Anh Tông cảm nhận sự linh nghiệm của Sư, cho Sư được ra vào cung vua tự do.

 

Sư Phụ giải thích:

-    Sau khi đắc pháp, Sư lên núi chuyên tu thiền và mật. Sư thường trì Hương Hải Đà là ni. Sư Phụ giải thích Hương Hải Đà La Ni không có liên quan đến Thiền sư Việt Nam nổi tiếng đạo hiệu Hương Hải (1628-1715) thời Hậu Lê, vì thiền sư Hương Hải ra đời sau thiền sư Nguyện Học viên tịch đến 454 năm

- Đà La Ni là tiếng Phạn, dịch là Tổng Trì, Tổng Trì có 2, thứ nhất là Năng Trì, là người trì thần chú trí tuệ sẽ phát sanh, nhờ sức trí này có thể tóm thu, gìn giữ và bảo hộ vô lượng Phật pháp, vô lượng thiện nghiệp đã tu tập, không để mất mát; thứ hai là Năng Giá, Giá có nghĩa là che chở, người tu mật tông, có năng lực che chở không có ác pháp tấn công, phá hoại những thiện căn tu tập đã đạt được.

 

 - Ngài Nguyện Học tu tập theo pháp Thiền-Mật song hành, đạt tới thần thông diệu dụng có thể chửa bệnh, cầu mưa nên được vua Lý Anh Tông ban cho Sư một thẻ bài được ra vào cung vua tự do.

 

 

Sau Sư viện cớ già bệnh về trụ trì chùa Quảng Báo làng Chân Hộ, Như Nguyệt, Tăng chúng đến tham học thường có mặt không dưới một trăm người.

 

Đến ngày 11 tháng 6 niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm đầu (1174), sắp thị tịch, Sư bảo chúng:

Đạo vô ảnh tượng
Xúc mục phi diêu
Tự phản suy cầu
Mạc cầu tha đắc.
Túng nhiêu cầu đắc
Đắc tức bất chân
Thiết sử đắc chân
Chân thị hà vật.
Sở dĩ
Tam thế chư Phật,
Lịch đại Tổ sư,
Ấn thọ tâm truyền,
Diệc như thị thuyết.

HT Thanh Từ dịch:

Đạo không hình tướng,
Trước mắt chẳng xa,
Xoay lại tìm kiếm,
Chớ cầu nơi khác.
Dù cho cầu được,    
Được tức chẳng chân.
Ví có được chân,
Chân ấy vật gì?
Vì thế,
Chư Phật ba đời,
Lịch đại Tổ sư,
Ấn thọ tâm truyền,
Cũng nói như thế.

 

Sư Phụ giải thích:

- cuộc đời của ngài Nguyện Học đơn giản nhưng cuối đời Ngài để lại 2 bài kệ rất ý nghĩa và quan trọng giúp cho hành giả tu tập theo, nên tên tuổi của Ngài được ghi vào sách Thiền Uyển Tập Anh.

Bài kệ thứ nhất: Đạo vô ảnh tượng

Ngài dạy:

“ Đạo không hình bóng
 Trước mắt đâu xa,
Tìm tự lòng ta
Chớ tìm chốn khác”.

 

Đạo có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất: Đạo là con đường. Đức Thế Tôn là vị Đạo Sư là vị dẫn đường cho chúng sanh nhận ra được chơn tâm Phật tánh của chính mình. Nghĩa thứ hai, Đạo chính là chơn tâm, Phật tánh, Ngài Nguyện Học nhấn mạnh Đạo ấy không có hình bóng và ở ngay lúc mắt ta tiếp xúc với sắc trần, Đạo ấy không ở đâu xa, Đạo ấy ở ngay trước mắt của chính mình, không phải trên chùa, trên núi. Đạo là cái thấy của mình. Trong cái thấy chỉ là cái thấy, đó là chơn tâm, thấy sự vật như nó đang là, chứ không phải  thấy như mình đang là,  thấy như mình đang là, là vọng tâm, là do mình mình phủ chụp lên cái thấy đó của mình với những kinh nghiệm, định kiến, thành kiến của quá khứ rồi suy diễn, phán đoán sự vật, con người.

Sư Phụ cho thí dụ điển hình, một Phật tử đi dự khoá tu, lần trước vị này đi vào chánh điện tụng kinh trễ, hôm nay  nhìn thấy vị Phật tử này mình vẫn còn giữ thành kiến cho là vị này là người chậm chạp, người lười biếng, vì đã có lần đi trễ mặc dù hôm nay vị này đi đúng giờ, nhưng vừa thấy mặt vị đó bước vào ghi danh khóa tu là mình dán nhãn ngay vị đó là người chậm, người lười biếng, trong khi mình không chưa cẩn thận tìm hiểu lý do tại sao vị ấy đi trễ giờ tụng kinh, ngồi thiền… kỳ thực vị ấy vì bệnh, vị chân đau mà đi chậm từ phòng ngủ đến chánh điện so với người khác cùng khóa tu.

 

“Dù cho cầu được,    
Được tức chẳng chân.
Ví có được chân,
Chân ấy vật gì?
Vì thế,
Chư Phật ba đời,
Lịch đại Tổ sư,
Ấn thọ tâm truyền,
Cũng nói như thế”

 

Ngài Nguyện Học cảnh báo cho đại chúng biết, những gì mình cầu được thì bên ngoài là không thật có, là giả có, một ngày kia nó sẽ bị hủy diệt.  Chư Phật ba đời và chư vị Lịch Đại Tổ Sư xưa này đều khẳng định như thế.

 

Thiền Sư Nguyện Học nói bài kệ thứ hai: Liễu ngộ thân tâm, là rõ biết thân và tâm của mình:

 

“Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,
Biến hóa linh thông hiện bảo tướng.
Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,
Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.
Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
Quan lai bất kiến như hữu tướng.
Thế gian vô vật khả tỷ huống,
Trường hiện linh quang, minh lãng lãng.
Thường thời diễn thuyết bất tư nghì,
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.”

 

Bản dịch của HT Thanh Từ:

 

Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,
Biến hóa linh thông bày tướng báu.
Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,
Hóa thân ứng hiện đâu tính được.
Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,
Xem ra nào thấy có tướng gì.
Thế gian không có vật để sánh,
Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.
Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,
Không có một lời cho thỏa đáng.


Bản dịch của Đỗ Văn Hỷ

 

Hiểu được thân tâm bừng mắt tuệ,
Muôn vàn biến hoá rất linh thông.
Hết mọi hành vi đều đột ngột,
Hoá thân ứng hiện tính sao cùng.
Tuy rằng đầy khắp hư không giới,
Xem ra hình tướn có như không.
Khôn đem mọi vật mà so sánh,
Một ánh linh quang vằng vặc trong.
Đôi khi thuyết pháp bàn khôn được,
Biết mượn lời chi, cho thoả lòng.

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

 

Hiểu “thân tâm”, mở mắt ta,
Linh thông biến hoá hiện ra tướng người.
Nằm, ngồi, đi, đứng cao vời,
Hoá thân ứng hiện khó mà tính ra.
Hư không đầy dẫy biết qua,
Nhưng xem sắc tướng hiện ra không gì
Thế gian không vật so bì,
Linh quang vằng vặc ngày thì sáng soi.
Bằng lời diễn giải chưa vơi,
Từ nào tả thoả đâu lời nào hay.

 

Cụ Đỗ Văn Hỷ dịch:

 

Hiểu được thân tâm bừng mắt tuệ,

Muôn vàn biến hoá rất linh thông.

Hết mọi hành vi đều đột ngột,

Hoá thân ứng hiện tính sao cùng.

Tuy rằng đầy khắp hư không giới,

Xem ra hình tướn có như không.

Khôn đem mọi vật mà so sánh,

Một ánh linh quang vằng vặc trong.

Đôi khi thuyết pháp bàn khôn được,

Biết mượn lời chi, cho thoả lòng

 

 Cụ Nguyễn Văn Dũng dịch:

 

Hiểu được thân tâm sáng mắt ta

Linh thông biến hoá tướng hiện ra

Đi,đứng,nằm,ngồi cao vòi vọi

Hoá thân biến hoá chẳng lường ra

Tuy rằng đầy dẫy hư không thật

Nhưng xem sắc tướng chẳng nơi này

Thế gian không vật gì so được

Linh quang trường hiện sáng ngời mây

Đôi lúc diễn lời bàn không hiểu

Chẳng biết từ nào đáng dùng đây

 

Nói xong, Sư ngồi kiết-già thị tịch.

 

Sư Phụ giải thích:

1- Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,

Biến hoá linh thông bày tướng báu.

- Mắt tuệ là mắt thứ ba, ở giữa hai con mắt. Người Ấn Độ và người Miến Điện, mỗi buổi sáng sau khi rửa mặt, họ chấm một vết đỏ lên giữa hai mắt, tượng trưng mắt tuệ với mong ước mắt tuệ luôn hiện hữu.

- Khi hiểu được thân tâm là giả tướng, không tồn tại mãi thì mắt tuệ xuất hiện. Khi hiểu được đau buồn không là ta thì mắt tuệ xuất hiện.

 

- Nhân dịp nay Sư Phụ giải thích câu hỏi của Phật tử Quảng Trinh (từ Dallas, Texas, Hoa Kỳ” về sự khác biệt của tâm vương và tâm sở. Câu hỏi vô tình trùng hợp với bài giảng hôm nay, vì Ngài Nguyện Học dạy hành giả phải biết rõ thân tâm của mình để không đắm nhiễm, chấp thân tâm này là của ta, sở hữu của ta, thì lập tức con mắt tuệ sẽ xuất hiện

- Tâm Vương là tâm vua, là tâm chủ của các loại tâm khác, tâm vương có 8 thức (biết, nhận thức): Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, Ý thức, Mạt Na thức và A Lại Da thức.

Tâm Sở là tâm phụ thuộc, tâm sở hữu của tâm vương, bị tâm sai khiến, làm nộ lệ cho tâm vương. Có 51 tâm sở như sau:

 

* 5 Tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư

* 5 Tâm sở biệt cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, tuệ

* 11 Tâm sở thiện: Tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.

6 căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến (thân, biên, tà, kiếnthủ, giớicấm)

20 tùy phiền não: phẫn, hận, phú, não, tật, san, cuốn, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, tán loạn, thất niệm, bất chánh tri

* 4 tâm sở bất định: hối, miên, tầm, tư

*Sư Phụ khuyên quý Phật tử nên học thuộc lòng các loại tâm sở này, phải biết rõ mặt mũi của nó để mà chăm sóc hay loại bỏ. Người biết rõ 8 hạt giống của Tâm Vương và 51 hạt giống của Tâm Sở để quyết định hạt giống thiện cho nó nẫy mầm, hạt giống bất thiện thì cho nó khô chết.

Sư phụ khuyên đại chúng vào đọc lại Luận Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn trong bộ Phật Học Phổ Thông do Hoà Thượng Thiện Hoa biên soạn để biết rõ hơn về 2 tâm này.

 

2- Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,

Hoá thân ứng hiện đâu tính được.

Sư Phụ giải thích, mỗi hành giả phải luôn luôn sống trong Chánh niệm, vô niệm, thì không tạo nghiệp thì sẽ được giải thoát và giác ngộ.

3- Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,

Xem ra nào thấy có tướng gì.

Sư Phụ giải thích, tuệ giác là vô tướng trùm khắp cả hư không, như ý nghĩa “Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na” là biến nhất thiết xứ, tánh giác ấy có mặt khắp nơi, không có chỗ nào trong vũ trụ này mà không có.

 

4- Thế gian không có vật để sánh,

Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.

Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,

Không có một lời cho thỏa đáng.

 

Chân tâm Phật tánh không thể diễn tả thành ngôn ngữ, hành giả tự chứng ngộ tự biết như người uống nước, nóng lạnh tự biết, ngôn ngữ là vọng, là đối đãi, là sanh diệt không thể diễn bày được thể tánh trong sáng tịch tĩnh vô biên trùm khắp kia.

 

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiền Sư Nguyện Học do Thượng Tọa Chúc Hiền sáng tán cúng dường Ngài:

Mật Nghiêm thiền tự dưỡng nguồn thiền
Viên Trí thầm trao yếu chỉ huyền
Ẩn núi xa trần tu phạm hạnh
Nhập thiền ở định quán nhân duyên
Đà-ni mật ngữ trì miên mật
Thần chú chơn ngôn niệm chú chuyên
Ứng nghiệm linh mầu vua kính trọng
Chân tăng công hạnh sáng thiền viên

 

Và bài thơ : "Thiền trong mỗi lúc" của Sư Cô Tường Vân gởi tặng:

Nhân quả nghiệp duyên có ở đời

Đừng làm xấu ác nhé người ơi

Thiện lành gieo tạo vun bồi đức

Quán triệt nội tâm sẽ thảnh thơi

 

Tự tại thong dong từng bước chân

Hành vi cử chỉ sáng trong ngần

Thân đâu tâm đó đời thanh thản

Chánh niệm thường xuyên giữa cõi trần

 

Đi đứng nằm ngồi luôn nhẹ nhàng

Tâm tư dừng lại chớ lang thang

Bình an thẩm thấu từng hơi thở

Thực tại thế nào biết rõ ràng

 

Tỉnh thức nhận ra ngay hiện tiền

Từ trong hơi thở rất bình yên

Dù đời sóng gió luôn xao động

Các pháp diệt sanh mỗi lúc thiền.

 

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Nguyện Học. Cuộc đời của Ngài rất đơn giản, nhưng với 2 bài kệ giáo hóa của Ngài để lại cho đời sau quá tuyệt vời, với bức thông điệp rõ ràng “Đạo không hình bóng, trước mắt đâu xa, tìm tự lòng ta, chớ tìm chốn khác”.

Đó là chiếc chìa khoá vàng giúp cho hành giả mở vào cánh cửa bất nhị để nhận được tướng báu “chơn tâm Phật tánh” của chính bản thân mình. 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).

 




304_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Nguyen Hoc

Thiền Sư Nguyện Học (? - 1174)
Đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông (Vào thời Vua Lý Anh Tông)

Kính dâng Thầy bài trình pháp về Thiền Sư Nguyện Học . Kính bạch Thầy không thể nào diễn tả được tâm trạng con khi đọc đến Đạo hiệu của Ngài vì có một sự trùng hợp với nguyện ước của con khi được sự chỉ dạy của một bậc danh tăng từ khi nghe giảng online về Thập trí lực của Đức Phật và trong lúc diễn giải Ngài cũng như Thày đã trao cho con chìa khoá vàng để lập nguyện ....

Kính tri ân Thầy với Trí hữu sư và Vô Sư đã truyền trao những pháp môn tuyệt vời như Duy Thức học , Viên Giác, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm để chúng đệ tử đạt đến chỗ cứu cánh, rốt ráo mà vẫn không quên Tu Phước .

Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy pháp thể khinh an, tịnh lạc. Kính HH

Thật là một điều kỳ diệu cho người viết khi học đến Thiền Sư Nguyện Học chỉ với Đạo Hiệu của Ngài thôi đã nhắc nhở đến lời dạy của những minh sư mà người viết chưa được diện kiến chỉ nghe qua pháp thoại online rằng "Mỗi ngày phải lập nguyện nếu không sẽ mãi mãi không hưởng được pháp vị giải thoát "

Và mỗi khi thực hiện được bất kỳ một việc lành thiện hãy phát tâm hồi hướng như sau :" Phước báu nào con có duyên tạo được, kính xin nguyện làm nhân để có thể đến Niết Bàn ngay trong hiện tại này

Nếu không được như ý nguyện thì khi được trở lại làm người kính xin cho con được sống trong một quốc gia mà quốc giáo là Đạo Phật, vào được gia đình có Chánh kiến được sống gần tứ chúng ( nhà Tam Bảo) và thấy được Pháp Vị Giải thoát "

Chính vì thế mà người viết rất tâm đắc với lời dịch Đạo Hiệu Nguyện Học của Ngài khi Sư Ông Làng Mai Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh gọi là : I vow to learn more .

(Trong tông phái Vô Ngôn Thông có một thiền sư tên là Nguyện Học, tiếng Anh có thể dịch là I vow to learn more. Thiền sư này sống vào thế kỷ thứ 12, mất năm 1174. Thầy thuộc thế hệ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông. )

Hơn thế nữa với 12 năm tu phạm hạnh miên mật trong Thiền Quán và Trì chú Đà La Ni ( một trong phương pháp hành trì của Thiền phái Vô Ngôn Thông) Ngài Nguyện học đã đạt đến chỗ VÔ ĐẮC trong bài kệ trước khi thị tịch ĐẠO VÔ ẢNH TƯỢNG mà Thi đàn lý Trần còn ghi lại cho văn học ngày nay .

(Đạo vô ảnh tượng

Xúc mục phi diêu

Tự phản suy cầu

Mạc cầu tha đắc.

Túng nhiêu cầu đắc

Đắc tức bất chân,

Thiết sử đắc chân

Chân thị hà vật

Sở dĩ

Tam thế chư Phật,

Lịch đại Tổ sư,

Ấn thọ tâm truyền,

Diệc như thị thuyết.)

HT Thích Thanh Từ dịch

Đạo không hình tướng,

Trước mắt chẳng xa,

Xoay lại tìm kiếm,

Chớ cầu nơi khác.

Dù cho cầu được,

Được tức chẳng chân.

Ví có được chân,

Chân ấy vật gì?

Vì thế,

Chư Phật ba đời,

Lịch đại Tổ sư,

Ấn thọ tâm truyền,

Cũng nói như thế.

Và dĩ nhiên những bậcdanh tăng đã có được cái Thấy đều giống nhau khi bình giảng nên Kính đa tạ Giảng Sư Thích Nguyên Tạng đã cùng một lời giảng như HT Nhất Hạnh khi giải thích bài thơ này như sau :

Đạo vô hình tượng tức là cái đạo kia không có hình thể, không có hình tượng, không có dáng vẻ.

Chữ đạo ở đây không phải là con đường, mà là sự chứng ngộ, sự giác ngộ. . Đạt đạo không phải là đạt con đường, mà là đạt sự giải thoát, đạt sự giác ngộ.

Đạo là đối tượng của đắc, đắc đạo.Đạo đó không có hình tượng, nó không phải là một vật mà mình có thể nắm bắt được từ bên ngoài.

Xúc mục phi diêu. Xúc là tiếp xúc, mục là con mắt.

Câu này có nghĩa là thế nhưng nếu mình có chánh niệm thì nó đập vào con mắt của mình, nó ngay ở trước mắt mình, chứ không phải xa.

Con mắt hàm ý tánh Thấy -Kiến như thị - Trong cái Thấy chỉ có cái Thấy. Chúng ta cần nhìn người khác đúng như người ấy đang là chứ không phải do ảo tưởng của thói quen từ quá khứ ( thấy mặt mà bắt hình dong )

Tánh Thấy và Tánh Nghe chính là Ông chủ của mình

Tự phản suy cầu,

tự phản tức là mình trở về mình. Phản này là trở lại.

Tự mình trở lại mà tìm ra nó. Một khi đã biết được do Thiện tri thức chỉ dẫn thì phải xoay lại mình tìm, chớ đừng tìm ở bên ngoài

Mạc cầu tha đắc, có nghĩa là chớ đi theo người khác mà cầu mong đạt được.

Đừng đi theo người ta mà mong ước nắm lấy. ( dù là Thầy , Tổ, Thiện tri thức ) Tại vì đạo đó nó có sẵn trong con người của mình.

“Túng nhiêu cầu đắc, đắc tức bất chân, thiết sử đắc chân, chân thị hà vật”.

Dù cho cầu được được tức chẳng chân. Ý Ngài dạy, đạo là tâm thể chân thật sẵn có nơi mình, tùy duyên ứng hiện ở các căn, có tiếng thì nghe tiếng, có hình ảnh thì thấy hình ảnh, có xúc chạm sự vật thì biết có xúc chạm sự vật... Tuy nhiên, muốn nhận ra nó thì phải xoay lại mình chớ chạy theo ngoại cảnh. Nếu chạy theo ngoại cảnh mà được thì không phải chân.

“Sở dĩ tam thế chư Phật, lịch đại Tổ Sư ấn thọ tâm truyền, diệt như thị thuyết”.

Vì thế chư Phật ba đời, lịch đại Tổ Sư ấn thọ tâm truyền, cũng nói như thế. Chư Phật ba đời, các vị Tổ Sư chỉ ấn chứng và truyền tâm, chớ không nói không chỉ ra được. Ngườ lợi căn thì nhận ra ngay.

Tóm lại chư Phật chư Tổ truyền tâm ấn chứng đều bảo xoay lại mình, đừng chạy theo những hư ảo tạm bợ bên ngoài, vì càng chạy theo những cái hư ảo tạm bợ thì càng xa đạo.Nếu mình thấy mình có đắc đạo thì sự đắc đạo đó không phải là chân thật. Nếu mình thấy mình đắc đạo được từ một người khác, thì cái đắc đó không phải là chân đắc. Và như thế có sự trao truyền (tâm ấn), nhưng sự trao truyền đó phải được hiểu theo nguyên tắc vô đắc, tức không phải là ở ngoài truyền vào.

Thiền Sư Nguyện Học đã tiếp tục dạy đồ chúng và trình bày Sự liễu ngộ của mình như thế nào qua bài kệ LIỄU NGỘ THÂN TÂM đã được nhiều học giả dịch nghĩa :

(Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,

Biến hóa linh thông hiện bảo tướng,

Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,

Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.

Tuy nhiên sung tắc biến hư không,

Quan lai bất kiến như hữu tướng.

Thế gian vô vật khả tỷ huống,

Trường hiện linh quang, minh lãng lãng.

Thường thời diễn thuyết bất tư nghì,

Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.

HT Thích Thanh Từ dịch

Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,

Biến hóa linh thông bày tướng báu.

Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,

Hóa thân ứng hiện đâu tính được.

Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,

Xem ra nào thấy có tướng gì.

Thế gian không có vật để sánh,

Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.

Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,

Không có một lời cho thỏa đáng.

Đổ văn Hỷ dịch

Hiểu được thân tâm bừng mắt tuệ,
Muôn vàn biến hoá rất linh thông.
Hết mọi hành vi đều đột ngột,
Hoá thân ứng hiện tính sao cùng.
Tuy rằng đầy khắp hư không giới,
Xem ra hình tướn có như không.
Khôn đem mọi vật mà so sánh,
Một ánh linh quang vằng vặc trong.
Đôi khi thuyết pháp bàn khôn được,
Biết mượn lời chi, cho thoả lòng.

Lương trọng Nhàn dịch

Hiểu thấu “thân tâm”, mở mắt ta
Linh thông biến hoá tướng lòi ra.
Nằm, ngồi, đi, đứng cao vòi vọi,
Ứng hiện hoá thân khó tính ra.
Tuy biết hư không đầy dẫy khắp,
Nhưng xem sắc tướng không gì qua.
Thế gian không có gì so sánh,
Vằng vặc linh quang ngày sáng xa.
Diễn giải bằng lời chưa hiểu được,
Từ nào tả thoả lòng người ta.

Kính đa tạ Giảng Sư đã lồng trong pháp thoại hôm nay khi lời bình giảng bài kệ thị tịch của Thiền Sư Nguyện học về Liễu Ngộ để trả lời một câu hỏi online của Phật Tử Quảng Trinh ngụ tại Texas/ USA về Tâm và Tâm Sở trong Duy Thức học ( kính mời xem chú thích 7)

nhưng người viết kính xin được mượn lời bình giảng của HT Thích Thanh Từ về bài kệ Liễu ngộ Thân Tâm để thay cho lời kết . ....

Kính trân trọng,

Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn, biến hóa linh thông hiện bảo tướng”. Khi thân tâm liễu ngộ thì mắt trí tuệ mở sáng, mắt tuệ mở sáng rồi ...tướng bàu hiện. thì có thần thông biến hóa diệu dụng khôn lường.

Ở đây Ngài nói bày tướng báu, tướng báu chỉ cho thể bất sanh bất diệt. Thân sanh diệt là cái tầm thường, thể bất sanh bất diệt đối với thân sanh diệt thì quí hơn nên nói là tướng báu. ( kinh Pháp Hoa đức Phật dụ tướng báu là hạt minh châu. trong chéo áo của người cùng tử )

Như vậy người học đạo muốn mắt trí tuệ mở sáng không cần tìm ở đâu xa, mà phải xoay lại mình, ngay nơi thân tâm này mà ngộ được thể tánh thì trí tuệ mở sáng.

Người thế gian cũng có trí tuệ, nhưng trí tuệ thế gian khác với trí tuệ Phật. Trí tuệ thế gian là trí thông minh biết được nhiều việc, nhưng không biết các pháp dùng như thật.

Còn trí tuệ Phật là trí tuệ thấy biết đúng như thật, biết rõ tướng sanh diệt của các pháp, nên không bị mê hoặc lôi cuốn.

Nhận ra thể bất sanh bất diệt thì không chạy theo ảo ảnh tạm bợ bên ngoài.

Như ta biết thể chân thật trùm cả hư không, Hư khong thì không hình tướng , thể chân thật cũng không có hình tướng

Hư không = biến nhất thiết xứ =tỳ lô giá na

Nếu có hình tướng thì không thể trùm cả hư không. .

“Thế gian vô vật khả tỷ huống, trường hiện linh quang minh lãng lãng”.

Thế gian không vật để so sánh với tâm thể chúng ta hết. Tại sao ? Vì tất cả sự vật ở thế gian đều có hình tướng, hễ có hình tướng là do duyên hợp thành bị vô thường chi phối, nên không so sánh được với tâm thể bất sanh bất diệt.

Tuy nhiên dù không có gì so sánh được, nhưng ánh sáng nhiệm mầu của tâm thể thường hiển hiện ở khắp mọi nơi không giới hạn.

“Thường thời diễn thuyết bất tư nghì, vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng”.

nghĩa lý luôn luôn diễn nói nhưng không thể nghĩ bàn, nói nhiều mà không một lời để nói. Vì tất cả ngôn ngữ đều không thật, nên không thể nói đến được. Chỉ cần im lặng chiêm nghiệm Tự tu để nhận ra

Tóm lại, bài kệ này Ngài nhắc người tu phải khéo nhận ra ngay nơi thân tâm này có cái thể chân thật. Nhận ra tạm gọi là ngộ đạo, và trong mọi oai nghi nó đều hiện tiền. tâm thể này không có hình tướng nên trùm cả hư không, khi hằng sống với nó thì tùy duyên ứng hóa làm lợi ích chi chúng sanh. Ở thế gian không có vật gì để so sánh, không có ngôn ngữ nào diễn tả nó được. Tuy nhiên ánh sánh nhiệm mầu của thể chân thật tỏa khắp mọi nơi.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật



Kính ngưỡng phục Thiền Sư Nguyện Học đạt ĐẠO (1)

Pháp hiệu tiêu biểu cho chí hướng người tu

Qua hành trạng tìm ra lý lịch Viên Trí Thiền Sư (2)

Lịch sử truyền thừa vô Ngôn Thông ....

.........ghi khuyết danh đời thứ chín !

12 năm chuyên trì chú, Thiền quán nhập định (3)

Tuệ mở nên biến hoá diệu dụng thần thông

Cầu mưa linh nghiệm ...triều đại Vua Lý Anh Tông (4)

Kính đa tạ Giảng Sư bình giải tuyệt vời 2 kệ thị tịch (5)

Lại mượn câu hỏi Phật tử online để giải thích (6)

51 tâm sở và 8 tâm vương cần phải tỏ tường (7)

Thân tâm liễu ngộ ...ánh linh quang chân thường

Đạo không hình tướng ....có chánh niệm ...ngay trước mắt !!!

Kính tri ân Giảng Sư ...mười phương Chư Phật ...Vô Đắc ! (8)

Rốt ráo chỗ đến ...nhận ra ông chủ của mình

Còn phân biệt theo quán tính ...nghiệp báo thành hình

Trong cái Nghe cái Thấy...chỉ là cái Nghe cái Thấy!!!!

Bốn câu đầu bài kệ Đạo vô ảnh tượng...chính là điều ấy ! (9)

Cần chiêm nghiệm khi thấm nhuần lời dạy này

Tuy vẫn luôn tu Phước...tư lương ngày vị lai

Nhưng nguyện học mãi khi nào Mắt Tuệ mở !!!!

Chìa khoá vàng Giảng Sư trao tặng ...kính ghi nhớ !!



Nam Mô Thiền Sư Nguyện Học tác đại chứng minh

Huệ Hương

Melbourne 30/10/2021







Chú thích :

(1) Bài kệ đầu : Đạo vô ảnh tượng chỉ chỗ đến cứu cánh

Học Đạo là phải nhận ra ông chủ của mình . Đó là Tánh giác, là Phật tánh, là Chân Tâm là Như Lai tạng. Thiền Sư đã hội yếu chỉ về Đạo và Liễu ngộ chân tâm của mình

(2)

Sư họ Nguyễn, quê ở làng Phù Cầm. Thuở nhỏ, Sư thọ pháp với Thiền sư Viên Trí ở chùa Mật Nghiêm, đã lãnh hội yếu chỉ.

Trong lthế hệ truyền thừa của thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 9 có ghi chép như sau : ( trích VN Phật giáo Sử Luận của Nguyễn Lang )

Thế hệ 9 : Thông Biện )(mất 1134) , Mãn Giác (mất 1096) , Ngộ Ấn (mất 1088) và ba người khuyết lục

Như vậy Thiền Sư Viên Trí là một trong ba vị khuyết lục nói trên

(3)

Ban đầu, Sư ở ẩn trên núi Vệ Linh chuyên tu phạm hạnh mười hai năm. Mỗi khi nhập thiền quán đến ba ngày mới xuất. Sư thường trì Hương Hải Đà-la-ni nên các môn trị bệnh, cầu mưa rất được linh nghiệm.

Được biết Đà-la-ni, dhāraṇī, dịch ý là tổng trì, năng trì hay năng giá ....chỉ cho một pháp môn tu tập có khả năng duy trì thiện pháp không bị tán thất và ác pháp không sinh khởi.

Riêng người tu thiền đến một lúc định cao có thể ứng hiện thần thông

(4) Sư thường trì Hương Hải Đà-la-ni nên các môn trị bệnh, cầu mưa rất được linh nghiệm.

Vua Lý Anh Tông cảm nhận sự linh nghiệm của Sư, cho Sư được ra vào cung vua tự do.

(5)

Sau Sư viện cớ già bệnh về trụ trì chùa Quảng Báo làng Chân Hộ, Như Nguyệt, tăng chúng đến tham học thường có mặt không dưới một trăm người.

Đến ngày 11 tháng 6 niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm đầu (1174), sắp thị tịch, Sư bảo chúng:

Đạo không hình tướng,

Trước mắt chẳng xa,

Xoay lại tìm kiếm,

Chớ cầu nơi khác.

Dù cho cầu được,

Được tức chẳng chân.

Ví có được chân,

Chân ấy vật gì?

Vì thế,

Chư Phật ba đời,

Lịch đại Tổ sư,

Ấn thọ tâm truyền,

Cũng nói như thế.

(Đạo vô ảnh tượng

Xúc mục phi diêu

Tự phản suy cầu

Mạc cầu tha đắc.

Túng nhiêu cầu đắc

Đắc tức bất chân,

Thiết sử đắc chân

Chân thị hà vật

Sở dĩ

Tam thế chư Phật,

Lịch đại Tổ sư,

Ấn thọ tâm truyền,

Diệc như thị thuyết.)

Nghe ta nói kệ đây:

Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,

Biến hóa linh thông bày tướng báu.

Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,

Hóa thân ứng hiện đâu tính được.

Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,

Xem ra nào thấy có tướng gì.

Thế gian không có vật để sánh,

Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.

Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,

Không có một lời cho thỏa đáng.

(Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,

Biến hóa linh thông hiện bảo tướng,

Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,

Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.

Tuy nhiên sung tắc biến hư không,

Quan lai bất kiến như hữu tướng.

Thế gian vô vật khả tỷ huống,

Trường hiện linh quang, minh lãng lãng.

Thường thời diễn thuyết bất tư nghì,

Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.)

Nói xong, Sư ngồi kiết già thị tịch.

(6)

Phật Tử Quảng Trinh ngụ tại Texas/ ÚA với câu hỏi online" kính xin Thầy giảng rõ

về Tâm và Tâm Sở pháp mà con thường được nghe nhưng chưa hiểu nghĩa được chính xác "

(7) 8 Tâm Vương gồm có 5 Tiền ngũ thức( Nhãn , Nhĩ , Tỷ, Thiệt, Thân thức ) , Ý Thức , Mạt na thức, A Lại Da Thức

-***Năm Biến hành tâm sở (遍行, sarvatraga), năm loại tâm pháp lúc nào cũng hiện hành xuất phát cùng với một tâm vương, gồm có:

Xúc (sparśa);
Tác ý (manaskāra);
Thụ (vedanā);
Tưởng (saṃjñā);
Tư (cetanā), tương ưng với tất cả tâm và tâm sở;


***Năm Biệt cảnh tâm sở

Dục (chanda);
Thắng giải (adhimokṣa);
Niệm (smṛti);
Định (samādhi);
Huệ (prajñā), chỉ duyên (nương) theo các cảnh khác nhau mà sinh khởi.


****Mười một Thiện tâm sở (善, kuśala):

Tín (śraddhā);
Tàm (hrī);
Quý (apatrāpya);
Vô tham (alobha);
Vô sân (adveṣa);
Vô si (amoha);
Tinh tiến (vīrya);
Khinh an (praśrabdhi);
Bất phóng dật (apramāda);
Xả (upekśā);
Bất hại (avihiṃsā).


******Sáu căn bản phiền não tâm sở (根本煩惱, mūlakleśa):

Tham (rāga);
Hận (pratigha);
Mạn (māna);
Vô minh (avidyā);
Nghi (vicikitsā);
Kiến (dṛṣṭi) cũng được gọi là Ác kiến( Thân kiến -
Biên kiến -Giới cấm thủ kiến - Tà kiến )

*******20 Tuỳ phiền não tâm sở (隨煩惱, upakleśa):

Phẫn (krodha);
Hận (upanāha), uất ức, tâm thù oán;
Phú (mrakṣa), che giấu tội lỗi, đạo đức giả;
Não (pradāśa), làm bực bội phiền nhiễu;
Tật (īrṣyā), ganh ghét vì thấy người ta hơn mình;
Xan (mātsarya), tham lam, ích kỉ;
Xiểm (māyā), giả dối,
Cuống (śāṭhya), gian lận, dối gạt, lừa lọc;
Kiêu (mada), tự phụ;
Ác (vihiṃsā);
Vô tàm (āhrīkya), không tôn kính, không biết hổ thẹn về việc tội lỗi mình đã làm;
Vô quý (anapatrāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ trước tội quả, không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội;
Hôn trầm (styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, nhạy bén;
Trạo cử (auddhatya), xao động không yên;
Bất tín (āśraddhyā);
Giải đãi (kausīdya), tâm trạng không tinh tiến, biếng nhác;
Phóng dật (pramāda);
Thất niệm (失念, muṣitasmṛtitā), chóng quên, không chú tâm;
Tán loạn (散亂, vikṣepa);
Bất chính tri (不正知, asaṃprajanya), hiểu biết sai.


*******Bốn bất định tâm sở (aniyata), bất định bởi vì các tâm sở này thay đổi giá trị tuỳ theo các tâm vương.

Hối (kaukṛtya), hối hận;
Miên (middha), lừ đừ buồn ngủ;
Tầm (vitarka), suy nghĩ, tìm hiểu dạng thô;
Tứ (vicāra), suy nghĩ, tìm hiểu dạng tinh tế


(8) kính mượn lời giải thích của Sư Ông Làng Mai khi giải thích điều này :

Trong truyền thống thiền người ta thường nói tới chuyện truyền tâm ấn hay là đắc pháp. Trong lễ đắc pháp vị thiền sư trao cho người đệ tử một bài kệ gọi là kệ đắc pháp. Có khi trao cho một cái y, một cái bát. Làng Mai thì trao cho một cái đèn. Đó là biểu tượng của sự truyền pháp từ người này sang người khác. Tuy nhiên đó chỉ là hình thức mà thôi. Còn bản chất của sự trao truyền nó không phải như vậy, nó không phải là từ thầy tới trò.

Bản chất của sự trao truyền là vô đắc, nghĩa là trao truyền mà không trao truyền. Tại vì cái tối đa mà thầy có thể làm được cho trò là giúp trò khơi mở tuệ giác ở trong bản thân của trò. Cái đó gọi là vô đắc. Thành ra công việc tối đa của một ông thầy có thể làm cho đệ tử mình là giúp cho đệ tử của mình khai phá được bản tính giác ngộ trong tự tâm của mình, chứ thật ra không có gì trao truyền từ thầy tới trò cả

(9)

Bốn câu đầu của bài thơ mà Giảng Sư khuyên Phật Tử phải học vì rất quan trọng

Đạo không hình tướng,

Trước mắt chẳng xa,

Xoay lại tìm kiếm,

Chớ cầu nơi khác.

🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️

thieu lam tu

Trở về Mục Lục Bài giảng của TT Nguyên Tạng
về Chư Vị Thiền Sư Việt Nam
🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️

facebook
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567