Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ Đình Từ Hiếu, Ngôi Danh Lam Cổ Tự Trên Đất Thần Kinh

10/11/202014:01(Xem: 6703)
Tổ Đình Từ Hiếu, Ngôi Danh Lam Cổ Tự Trên Đất Thần Kinh

TỔ ĐÌNH TỪ HIẾU

NGÔI DANH LAM CỔ TỰ TRÊN ĐẤT THẦN KINH

Bài viết của Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường
Do Phật tử Quảng Hương diễn đọc
từ Trang Nhà Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu


 

Chùa Từ Hiếu tọa lạc trên một triền đồi ở đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Chùa quay mặt hướng đông, diện tích khoảng 5 hecta, có đồi thông bao quanh, khe nước trước mặt, cảnh quan thoáng đãng, mát mẻ, thanh tịnh.

Chùa nguyên là am An Dưỡng do Hòa thượng Nhất Định dựng vào năm Quý Mão (1843), lúc ngài đã 60 tuổi, xin vua Thiệu Trị cho từ chức Tăng cang chùa Giác Hoàng để cùng hai đệ tử về đây tu hành và chăm sóc mẹ già của ngài đã 80 tuổi.

Hòa thượng Nhất Định họ Nguyễn, người thôn Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Ngài sinh năm Giáp Thìn (1784), năm bảy tuổi vào kinh xuất gia với Hòa thượng Đạo Minh Phổ Tịnh ở chùa Báo Quốc. Năm 19 tuổi, ngài được thế độ, pháp danh Tánh Thiên, tự Nhất Định. Bài thi kệ phú pháp1 như sau:

                                    Nhất Định chiếu quang minh,

                                    Hư tâm nguyệt mãn viên.

                                    Tổ tổ truyền phú chúc,

                                    Đạo minh kế tính thiên.

Tạm dịch:

                                    Một niềm soi sáng tỏ,

                                    Lòng rỗng nguyệt tròn đầy.

                                    Tổ tổ trao lời dặn,

                                    Tánh Thiên nối đạo ngời.

Năm Bính Tý (1816), Hòa thượng Phổ Tịnh thị tịch, ngài Tánh Thiên Nhất Định kế vị trú trì chùa Báo Quốc.

Đến năm Canh Dần (1830), ngài được triều đình ban giới đao độ điệp để làm trụ trì quán Linh Hựu, rồi sung Tăng cang chùa Giác Hoàng.

Hòa thượng có các đệ tử xuất sắc là: Hải Thuận Lương Duyên, Hải Thiệu Cương Kỷ, Hải Toàn Linh Cơ … và nhiều đệ tử tại gia là các thái giám ở Cung Giám Viện, quý thiện nam tín nữ trong hoàng gia, đặc biệt hai nhà thơ nổi tiếng bấy giờ là Tùng Thiện Quận Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Quận Vương Miên Trinh (con thứ 10 và con thứ 11 của vua Minh Mạng).

Hòa thượng có tiếng hiếu thảo. Tương truyền một hôm mẹ ngài bệnh nặng, thầy thuốc khuyên ngài cho mẹ uống thuốc và ăn cháo cá tẩm bổ để chóng khỏi bệnh. Lo cho sức khỏe của mẹ, ngài băng rừng đi bộ khoảng 5 km xuống chợ Bến Ngự mua cá treo ở đầu gậy mang về am nấu cháo cho mẹ dùng, mặc cho miệng người đời đàm tiếu. Tiếng đồn đến triều đình, vua Tự Đức cho người tìm hiểu, biết ngài là người con hiếu đạo, ngày ngày chay tịnh, tu hành chánh niệm nên vô cùng cảm động!

Hòa thượng viên tịch ngày mồng 7 tháng 10 năm Đinh Mùi (14.11.1847). Tháp ngài tên Diệu Quang, dựng bên trái chùa, cao bảy tầng, chung quanh xây la thành, trước có nhà bia, cột trụ khắc dòng chữ Giác Hoàng Tăng cang Lâm Tế Chánh tông húy Tánh Thiên Nhất Định Hòa thượng chi tháp. Bia khắc bài An Dưỡng am Nhất Định Hòa thượng hành thực bi ký.

Kế tục trú trì chùa là ngài Hải Thiệu Cương Kỷ2. Ngài họ Lê, sinh ngày mồng 4 tháng 3 năm Canh Ngọ (1810), người làng Xuân An, tổng An Đôn, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 24 tuổi (1833), ngài xuất gia với Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định. Năm 25 tuổi (1834), ngài được Bổn sư thế độ, truyền giới Sa di, pháp húy Hải Thiệu. Năm 31 tuổi (1840) ngài được thọ Cụ túc giới, sau đó theo Bổn sư lên đồi Dương Xuân lập thảo am. Ngài là đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế, đời thứ 6 Pháp phái Liễu Quán.

Năm 35 tuổi (1844), ngài được Bổn sư trao kệ phú pháp như sau:

                                    Cang kỷ kinh quyền bất chấp phương,

                                    Tùy cơ ứng dụng thiện tư lương.

                                    Triêu triêu tương thức nan tầm tích,

                                    Nhật nhật xuyên y khiết phạn thường.

Nguyên Hồng dịch:

                                    Cương kỷ kinh quyền chẳng chấp phương,

                                    Tùy cơ ứng dụng khéo tư lương.

                                    Sớm tối dẫu quen tìm ít gặp,

                                    Cơm ăn, áo mặc: đó chuyện thường.

 

Năm Mậu Thân (1848), ngài Hải Thiệu Cương Kỷ đã được các vị thái giám trong triều (Dương Oai, Đặng Tín, Nguyễn Khanh, Đỗ Thị …) cùng chư Phật tử (Đặng Thị Thảo, Nguyễn Thị Mão, Trần Thị Tuyên …) đã quyên góp tịnh tài tái thiết ngôi chùa. Ngôi chùa mới xây ba gian hai chái, lợp ngói, sườn gỗ, tường gạch; phía sau có nhà Thống Hội, bên trái có nhà Lạc Thiện, bên phải có nhà Ái Nhật; nhà bia, nhà tăng… Điện Phật tôn trí tượng Tam Thế Phật, Bồ tát Quán Thế Âm, Hộ Pháp, Già Lam. Khi chùa hoàn thành, các vị thái giám tâu lên vua. Tự Đức là nhà vua có hiếu với mẹ, nhớ gương hiếu đạo của ngài nên ban biển ngạch Sắc tứ Từ Hiếu Tự, cấp tiền bảy trăm quan, làm lễ lạc thành.

Nguyễn Xuân Giai trong bài văn bia Sắc tứ Từ Hiếu Tự bi ký3 cho biết ý nghĩa tên chùa như sau: “Chùa biết bao nhiêu không kể xiết, mà lấy Từ Hiếu đặt tên cho, thì chỉ là một vậy. Này, từ là đức lớn của Phật, không có từ thì không biết lấy gì để tiếp xúc với chúng sinh, để cứu vớt muôn loài; hiếu là hạnh lớn của Phật, không có hiếu thì không biết lấy gì để bao trùm trời đất, đạt đến u minh.”

Ngài Hải Thiệu Cương Kỷ đã độ rất nhiều đệ tử xuất gia và tại gia, đặc biệt là viên quan Bố chánh Nguyễn Khoa Luận. Ông từ quan năm 1885, đến chùa Từ Hiếu tham vấn hai chữ “Vô sinh” trong giấc mộng năm xưa với Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ. Hòa thượng giảng cho ông:
Khổng dạy sinh sinh, Lão giảng trường sinh, chỉ có Phật thuyết vô sinh, đó là con đường vô sinh vô diệt của Như Lai”. Ông tỉnh ngộ, liền xin Hòa thượng cho xuống tóc quy y với Ngài năm 1886, lúc đó ông đã 52 tuổi. Cũng trong năm này, ông (tức Đại sư Viên Giác) đã khai sơn chùa Ba La Mật tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang.

Trong sách Những ngôi chùa Huế4, Hà Xuân Liêm đã ghi một câu chuyện thú vị về sự tu chứng của ngài như sau:

Ngài Cương Kỷ có một dị tướng là đôi lông mày của ngài rất dài và mi mắt lớn, che luôn cả mắt. Khi muốn nhìn ai, hay nhìn một vật gì, hay đọc sách, ngài phải dùng tay kéo mi mắt lên mới thấy. Thuyết truyền rằng: Vua Thành Thái rất quý trọng ngài, nên thường lên chùa Từ Hiếu để thăm và đàm đạo với ngài. Một buổi, vua ngự giá lên chùa, ngọc lộ hạ xuống ở cổng và chính nhà vua thân hành đi bộ vào chùa. Đến bên ngài, nhà vua nhẹ nhàng sờ tay vào ngài. Ngài hỏi, vua tự xưng: “Thưa Hòa thượng, Thành Thái đây”. Ngài thong thả lấy tay xách lông mày lên rồi hỏi: “Vua đó à?”. Sẵn đĩa sắn đệ tử đem dâng ngài, ngài bèn mời vua ăn sắn; toàn thể đình thần hộ giá và môn đồ khiếp vía vì ngài có thể bị khép tội “khi quân”. Nhưng vua Thành Thái đã ăn sắn với ngài. Về sau, khi gần viên tịch, ngài cho mọi người biết: “Thành Thái với ta kiếp trước là bạn đồng tu ở một ngôi chùa, nhưng Thành Thái chuyên tu về trí huệ thích quảng kiến đa văn, nên kiếp này thác sinh làm vua; còn ta thì chuyên tu nội điển, nên kiếp này lại sinh làm thầy tu để tiếp tục con đường tu hành; chuyện Thành Thái với ta không có chi lạ.

Ngài Hải Thiệu Cương Kỷ tiếp tục tổ chức đại trùng tu ngôi chùa và chứng minh xây tháp Bồ Đề vào năm Giáp Ngọ (1894). Do ngài Cương Kỷ đã lớn tuổi nên việc trùng tu do Tự trưởng Tâm Tịnh, Tri sự Huệ Minh trông coi việc mở rộng các tòa điện, đường, đúc mới hai pho tượng Phật, làm mái tiền đường, nhà bia, hồ nước … Toàn bộ tịnh tài, tịnh vật của thập phương cúng dường cho cuộc trùng tu được khắc ghi vào bia Trùng tu Từ Hiếu Tự bi ký (1899). Có 94 người cúng dường là hoàng gia và quan lại trong triều như: Hoàng quý phi Nguyễn Hữu thị (Nhàn) 5 đồng, dĩ hạ Lễ tần Nguyễn Nhược thị (Bích) 5 đồng, Hoàng quý phi Nguyễn Gia thị 300 quan; Tuy Lý Vương (Miên Trinh) 3 quan, hoàng đệ Ngọc Thiện 3 đồng, Lạc Thành công chúa 1 đồng, đệ nhất công chúa 3 lạng, nguyên Bố Chánh Nguyễn Khoa Luận 1 đồng; Thống sự Đào Thị Để 2 lạng, Thống sự Nguyễn Thị Tý 3 đồng… và 48 thiện nam tín nữ cúng dường như: ấm sinh Lê Đình Thống 3 đồng, Lâm Tiền Xuất 2 quan, Trần Thị Cư 1 đồng … Năm sau Ất Mùi (1895), công trình hoàn thành, Cung Giám Viện lại kêu gọi thập phương đóng góp tịnh tài để tổ chức lễ khánh thành, đặc biệt vua Thành Thái cho 2.665 quan.

Tháp Bồ Đề được xây trên đồi thông trước chùa để tàng trữ kinh sách và tượng thờ bị hư hỏng.

Ngài Hải Thiệu Cương Kỷ viên tịch vào ngày mồng 1 tháng 3 nhuận năm Mậu Tuất (1898), thọ 89 tuổi. Tháp mộ của ngài cao 7 tầng, có la thành chung quanh, trước tháp có nhà bia và bốn trụ biểu. Tấm bia Từ Hiếu Tự Yết ma Đại sư tháp ký ở đây có hai mặt: mặt trước ghi hành trạng của ngài, mặt sau ghi 15 lời nguyện của ngài. Bia ở tháp ghi: “Sắc tứ Từ Hiếu Tự trú trì, Lâm Tế húy Hải Thiệu Yết Ma A Xà Lê đại lão chi tháp”. Tháp ngài xây cạnh tháp Tổ Nhất Định.

Vị trú trì thứ ba là ngài Huệ Đăng được Hòa thượng Bổn sư đưa lên trú trì năm Canh Dần (1890). Ngài viên tịch vào năm Tân Mão (1891) trước Bổn sư của ngài 7 năm.

Vị trú trì thứ tư là ngài Tâm Tịnh. Ngài Tâm Tịnh thế danh là Hồ Hữu Vĩnh, sinh ngày mồng 7 tháng 7 năm 1868 tại Triệu Phong, Quảng Trị, trong một gia đình có cha mẹ là những Phật tử thuần thành. Năm 13 tuổi (1880), ngài vào chùa Báo Quốc, Phú Xuân lễ Tăng cang Hòa thượng Diệu Giác xin xuất gia. Năm 1887, ngài được thọ Sa di thập giới, có pháp danh Thanh Ninh, tự là Hữu Vĩnh, thế hệ thứ 41 dòng thiền Lâm Tế, tức đời thứ 7 Pháp phái Liễu Quán. Bảy năm sau, năm 1894, triều đình cho Hòa thượng Diệu Giác và Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ (chùa Từ Hiếu) mở Đại giới đàn ở chùa Báo Quốc. Ngài được thọ Cụ túc giới. Năm 1895, ngài vâng lệnh Bổn sư đến chùa Từ Hiếu tham học với Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ. Bấy giờ, Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỳ đã 85 tuổi, lại đang tổ chức đại trùng tu chùa Từ Hiếu, nên đã giao ngài làm Tự trưởng cùng với ngài Tri sự Huệ Minh và một số Phật tử lo việc trùng tu ngôi chùa suốt bảy tháng. Năm 1898, Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ viên tịch, ngài kế vị trú trì chùa Từ Hiếu.

Đến năm Nhâm Dần (1902), ngài giao chức trú trì cho ngài Huệ Minh để vân du hóa đạo. Ngài đi về làng Dương Xuân dựng thảo am Thiếu Lâm Trượng Thất (nay là chùa Tây Thiên) để tu thiền và tịnh độ. Ngài viên tịch vào ngày mồng 6 tháng 3 năm Mậu Thìn (25.04.1928),  thọ 59 tuổi đời, 39 hạ lạp, nhập tháp ở chùa Tây Thiên.

Vị trú trì thứ năm là ngài Thanh Thái Huệ Minh. Ngài sinh năm Tân Dậu (1861), quê ở Giạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ngài là đệ tử của Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ, đã tham gia công việc trùng tu ngôi chùa năm Giáp Ngọ (1894). Ngài được Sơn môn cung thỉnh trú trì chùa vào năm Nhâm Dần (1902). Cũng trong năm này, ngài được Bộ Lễ cử làm trú trì ngôi quốc tự Thánh Duyên. Đến năm Kỷ Tỵ (1929), ngài được sung chức Tăng cang chùa Thánh Duyên.

Năm Giáp Tý (1924), ngài đã xin vua Khải Định cho mở Đại giới đàn tại chùa vào các ngày 16-19 tháng 7, do ngài Tâm Tịnh làm Đàn đầu hòa thượng, ngài Huệ Minh làm Đàn chủ. Giới đàn có sự tham dự của vua Khải Định. Giới đàn có 450 giới tử của 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Các ngài Mật Khế, Viên Quan, Bích Phong, Đôn Hậu là những giới tử thọ giới ở giới đàn này.

Vào ngày mồng 5 tháng 7 năm Tân Mùi (1931), ngài Huệ Minh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa bằng sườn gỗ, gạch và đá: ngôi chánh điện, cổng tam quan, nhà bia, xây hồ bán nguyệt bằng đá.

Ngài Huệ Minh viên tịch vào năm Kỷ Mão (1938). Ở tháp mộ ngài có bia ghi dòng chữ: “Ngự chế Thánh Duyên, Diệu Đế trùng hưng Từ Hiếu Tự, Tăng cang húy thượng Thanh hạ Thái Đàn đầu Hòa thượng chi tháp”.

Vị trú trì thứ sáu là ngài Thanh Quý Chơn Thiệt5. Ngài thế danh Nguyễn Văn Kỉnh, sinh năm Đinh Hợi (1887), nguyên quán Thanh Hóa, nhập tịch Thừa Thiên. Năm 11 tuổi (1898) đầu sư với ngài Hải Thiệu Cương Kỷ tại chùa Từ Hiếu. Năm 23 tuổi (1910), ngài thọ Cụ túc giới tại giới đàn Vĩnh Gia chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Ngài thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 41, húy Thanh Quý, tự Cứu Cánh, hiệu Chơn Thiệt.

Đến năm 43 tuổi (1930), ngài được Bổn sư Huệ Minh (Bổn sư y chỉ) trao kệ phú pháp như sau:

                                    Chơn thiệt duy hậu thử tánh trung,

                                    Thâm cùng vọng thức bốn lai không.

                                    Thỉ tri thị vật nguyên phi vật,

                                    Diệu dụng vô khuy chỉ tự công.

Tạm dịch:                 

                                    Tính này chân thực vẫn bên trong,

                                    Vọng thức xét cùng lại vốn không.

                                    Mới biết vật kia nguyên chẳng vật,

                                    Thiếu gì diệu dụng, hãy chuyên công.

 

Năm 1962, ngài Chơn Thiệt đã tổ chức trùng tu ngôi Tổ đình, nâng cao ngôi chánh điện, trang trí rồng, phượng và pháp luân trên nóc chùa. Năm 1967, ngài chứng minh chú tạo pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng cao 1,60m tôn trí ở chánh điện.

Ngài Chơn Thiệt an nhiên thị tịch vào ngày 09 tháng 02 năm Mậu Thân (1968), thọ 81 tuổi đời, 58 hạ lạp. Ở tháp mộ ngài có bia ghi dòng chữ: “Lâm Tế tứ thập nhất thế, trùng hưng Từ Hiếu Tự, Tăng cang húy Thanh Quý hiệu Chơn Thiệt Hòa thượng chi tháp”.

Kế tục trú trì thứ bảy vào năm Mậu Thân (1968) là ngài Chí Niệm. Ngài sinh năm 1918 tại Thừa Thiên. Năm 1971, ngài Chí Niệm đã cho trùng tu cổng tam quan, hồ bán nguyệt, ngôi chánh điện và một số nhà cửa bị hư hỏng.

Năm 1979, ngài Chí Niệm viên tịch, ngài Chí Mậu được tông môn cử làm Giám tự đảm trách điều hành Phật sự của chùa. Ngài Chí Mậu thế danh Phạm Trí, sinh ngày 12 tháng 3 năm Mậu Tý (1948) tại Phú Vang, Thừa Thiên. Năm 18 tuổi, ngài đến chùa Từ Hiếu xuất gia, là đệ tử của Hòa thượng Chơn Thiệt. Ngài có pháp danh Trừng Huệ, tự Chí Mậu. Ngài là Tổ trưởng Tổ nông thiền của chùa, đã bảo vệ đất ruộng của chùa ở Tây Linh và Tây Lộc. Sau này, ngài Nhất Hạnh đã có thư gửi sơn môn cử ngài làm trú trì thứ tám của Tổ đình.

Ngài Chí Mậu viên tịch vào ngày 18 tháng 6 năm Kỷ Sửu (2009), thọ 62 tuổi đời, 40 hạ lạp.

Vị trú trì hiện nay của chùa là Thiền sư Nhất Hạnh, giám tự là Thượng tọa Thích Từ Đạo.

Thiền sư Nhất Hạnh thế danh là Nguyễn Xuân Bảo6, sinh ngày 11.10.1926 tại Huế. Ngài xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 1942, lúc 16 tuổi, Bổn sư là Hòa thượng Thanh Quý Chơn Thiệt.

Năm 1961, ngài sang Hoa Kỳ giảng dạy tôn giáo ở Đại học Princeton, sau đó, ngài giảng dạy tại Đại học Columbia. Ngày 01.5.1966, tại chùa Từ Hiếu, ngài nhận “Ấn khả” từ Bổn sư Chơn Thiệt. Vào những năm 1970, ngài giảng dạy tại Đại học Sorbonne, Pháp. Năm 1982, ngài thành lập Đạo tràng Mai Thôn hay Làng Mai ở Tây Nam nước Pháp. Đây là một tu viện Phật giáo lớn với hơn 200 tu sĩ (đa quốc gia, đa chủng tộc) thường trú và hơn 8.000 du khách trên thế giới mỗi năm đến học và thực tập cuộc sống “chánh niệm”. Ngài đã thành lập nhiều tu viện và nhiều trung tâm tu tập ở châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Úc.

Năm 2011, ngài được thành phố Oakland, Hoa Kỳ dựng tượng đồng ở công viên Henry J. Kaiser Memorial. Tượng đài có diện tích khoảng 100m2 với chi phí 8 triệu Mỹ kim, đặt tượng 25 nhân vật nổi tiếng còn sống và đã qua đời, đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới: Martin Luther King Jr. (Hoa Kỳ); Franklin Delano Roosevelt (Hoa Kỳ); Maya Angelou (Hoa Kỳ); Cesar Chavez (Hoa Kỳ); Mahatma Gandhi (Ấn Độ); Frederick Douglass (Hoa Kỳ); Rosa Parks (Hoa Kỳ); Elie Wiesel (Hoa Kỳ); Oskar Schindler (Đức Quốc)… và Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Việt Nam).

Ngài đã được nhận giải Hòa Bình Thế giới ngày 31 tháng 10 năm 2015. Lá thư của Đạo tràng Mai Thôn ngày 26.10.2018 cho biết trong tác phẩm Thế giới Phật giáo do nhà xuất bản Routledge Worlds ấn hành đã chọn 13 vị Thầy góp phần vào việc hình thành và phát triển Phật giáo trong suốt quá trình 2.500 năm, Thiền sư được xếp thứ 10, Hòa thượng Ấn Thuận thứ 11, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 12.

Về tác phẩm, ngài đã viết và xuất bản 129 cuốn sách về thiền định, chánh niệm, lịch sử … trong đó có những tác phẩm nổi tiếng: An lạc từng bước chân, Bông hồng cài áo, Đạo Phật ngày nay, Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập), Being Peace, Peace Is Every Step, True Love and Anger

Sau 40 năm hoằng pháp ở nước ngoài, năm 2005, ngài cùng đoàn tăng thân Làng Mai về thăm quê hương, giảng pháp và hướng dẫn tu tập về cách sống thảnh thơi, an vui trong mỗi gia đình Phật tử tại nhiều nơi trong nước. Năm 2008, ngài cùng đoàn tăng thân Làng Mai từ Pháp về Hà Nội tham dự Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc (Vesak 2008). Ngài có buổi thuyết trình chính tại Đại lễ này. Ngày 28.10.2018, ngài từ Thái Lan đã về chùa Từ Hiếu để dưỡng bệnh, chứng minh công việc đại trùng tu ngôi Tổ đình. Ngài là vị trú trì thứ chín của chùa Từ Hiếu.

 

                                                           ***

 

Cổng tam quan chùa xây kiểu vòm cuốn hai tầng có mái, phía trên thờ tượng Hộ Pháp. Bên trong cổng là hồ bán nguyệt thả hoa sen, hoa súng được xây năm 1931, trùng tu năm 1971.

Chùa kiến trúc hình chữ “khẩu”. Ngôi chánh điện xây dựng theo kiểu trùng lương trùng thiềm, trên nóc chùa có rồng hai bên quay đầu vào chầu hổ phù ở giữa, trên có bánh xe pháp luân. Các đầu đao trang trí hình long lân quy phụng. Giữa hai mái tiền đường có ba bức phù điêu về cuộc đời Đức Phật: Đản sanh, Xuất gia và Thành Đạo. Ở tiền đường có hai bức long mã và các cây hoa chim thú được ốp bằng các mảnh gốm sứ đủ màu sắc thật sinh động!

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Hương án gian giữa thờ tượng Tam Thế Phật, tượng Đức Phật Thích Ca (bằng đồng, cao 1,60m, năm 1967) và tượng đức Phật A Di Đà. Hương án hai bên thờ bốn vị Bồ tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương. Hai bên vách tường treo tranh các vị A La Hán.

Chùa có nhiều hoành phi, câu đối. Xin dẫn một câu đối ở chánh điện như sau:

Cửu phẩm hoa đài kim tướng trang nghiêm thuỳ tế độ;

Thất trùng bảo thọ ngọc hào xán thước phóng quang minh.


九 品  花 臺 金 相 莊 嚴 垂 濟 度 
七 重 寶 樹 玉 毫 燦 爍 放 光 明


Tạm dịch:

Chín phẩm đài sen, Tướng Phật trang nghiêm ân cứu độ;

Bảy hàng cây báu, Hào quang rạng toả ánh quang minh.

 

                                                         (HT. Thích Hải Ấn phiên âm và dịch nghĩa)

 

Trước đây, chùa là một trong những nơi ấn hành kinh, luật của Phật giáo. Nhiều bản khắc in kinh còn lại như: Phật thuyết báo phụ mẫu ân trọng kinh; Phật thuyết cao vương Quán Thế Âm kinh; Chúc tán triêu mộ tập; Thiền môn nhật tụng; Đại thừa vô lượng nghĩa kinh; Niệm Phật vãng sanh nghi; Pháp Bảo Đàn kinh

Chùa có nhiều văn bia: 01. An Dưỡng am Nhất Định Hòa thượng hành thực bi ký (1848); 02. Sắc tứ Từ Hiếu tự bi ký (1849); 03. Cung Giám Viện thái giám đẳng lặc tục bi chí (1885); 04. Bia tháp mộ Hòa thượng Diệu Giác (1895); 05. Diệu Quang tháp bi ký (1895); 06. Bồ Đề tháp bi ký (1896); 07. Trùng tu Từ Hiếu tự bi ký (1899); 08. Từ Hiếu tự Cương Kỷ hòa thượng tháp bi ký (1899); 09. Thiên Hưng tự giáo thụ hòa thượng bi minh (1927).

Từ tháng 3 năm 2019, dưới sự chứng minh của Thiền sư trú trì Thích Nhất Hạnh, Thượng tọa Giám tự Thích Từ Đạo đã tổ chức đại trùng tu chùa do ngôi chánh điện bị xuống cấp, thấm dột, nhiều gạch ngói hư hỏng, nhiều cột gỗ bị mối mọt đục khoét. Ngôi chánh điện mới được xây dựng như các thông số cũ của công trình, diện tích sàn 310m2, cao 9,9m; cấu kiện gỗ được thay mới bằng gỗ lim, hệ khung nhà bằng bê tông, thay mới toàn bộ mái ngói nhưng vẫn giữ nguyên quy cách lợp ngói liệt 4-5 lớp.

Chùa Từ Hiếu - ngôi Tổ đình danh tiếng, là danh lam thắng cảnh xưa nay trên đất Thần Kinh.

 

Võ Văn Tường

 

Chú thích:

(1)   Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142). 2017, Văn bia chùa Từ Hiếu, trang: 116-117.

(2)   Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (2011), Chư tôn Thiện đức và Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 1, nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang: 235-236.

(3)   Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142). 2017, Văn bia chùa Từ Hiếu, trang 120.

(4)   Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, trang 290.

(5)   Ngọc Quang, TT. Huế: Lễ húy nhật Hòa thượng Thích Chơn Thiệt (1884-1968), ngày 08.3.2014, www.phatgiaohue.vn

(6)   Tiểu sử, cuộc đời, tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, www.phatgiao.org.vn

(7)    Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142). 2017, Văn bia chùa Từ Hiếu, trang: 138-142.

(8)   Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142). 2017, Văn bia chùa Từ Hiếu, trang 144.

 

Tài liệu tham khảo:

Sách:

Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, trang: 286-296.

Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, trang: 579-585.

Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (2011), Chư tôn Thiện đức và Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, tập 1, nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang: 186-188, 235-239.

Võ Văn Tường (1996), Việt Nam Danh lam Cổ tự, ngôn ngữ: Việt-Anh-Pháp-Hoa, tái bản lần 4, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang: 150-151, 424-425, 496-497, 559.

 

Tạp chí:

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142). 2017, Văn bia chùa Từ Hiếu, trang: 116-148.

 

 

Website:

Ngọc Quang, TT. Huế: Lễ húy nhật Hòa thượng Thích Chơn Thiệt (1884-1968), ngày 08.3.2014, http://www.phatgiaohue.vn/news.aspx?KenhID=61&ChuDeID=0&TinTucID=1952

 

Sơn Thùy, Trùng tu chánh điện chùa Từ Hiếu (TT-Huế): Sở Xây dựng cho “làm mới”?, ngày 07.6.2019, http://baovanhoa.vn/van-hoa/di-san/artmid/488/articleid/19180/trung-tu-chanh-dien-chua-tu-hieu-tt-hue-160so-xay-dung-cho-%E2%80%9Clam-moi%E2%80%9D

 

Tiểu sử, cuộc đời và tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, https://phatgiao.org.vn/tieu-su-cuoc-doi-tac-pham-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-d32351.html

 

Phụ lục 1:

Bia ghi việc xây dựng chùa Từ Hiếu7

 

                                             敕賜慈孝寺碑記

 

寺在承天香水縣楊春社分土山連還前襟小溪御屏鎮其東南香江繞其西北亦京師一妙勝景也 寺乃一定禪僧古俗姓阮住持顯化處也僧初住覺皇寺戒律精嚴久為檀那所信向晚臘返于斯土結庵修 禪善信雲集徒弟日眾終依然一方丈一蓬廬也丁未年十月七日僧示寂其山門因于故庵築塔藏舍l藏舍 利焉戊申年二月日在家信徒弟子太監楊威鄧信阮卿杜示阮德陳襲陳言吳超宮監范廩阮肅武衢范森 高詳楊乙范深鄧三阮真黃正並信女法名清芳鄧氏草法名清安尼美人黎氏專淑人阮氏卯承事陳氏宣 隨事阮玉是嚴阮氏幸久慕世尊慈悲之德追感一定勸化之功發菩提心併力捐貲新其寺三間二廈後建 統會堂左樂善堂右愛日堂及碑鐘亭僧房各一均墙以磚屋以瓦內安三世佛像觀世音菩薩像護法龍天 菩薩像伽藍真宰關聖帝君菩薩像巨鐘一祀田祀器法器胥備留原僧綱弟子孝徒等監守功既以事聞欽 奉賴賜名慈孝寺併奉恩給錢七百貫示勸落成太監楊威鄧信杜示等將具事勒碑徵文於楷楷素好內典 弗擭辭即盥手謹誌之曰妙哉寺乎美矣哉其名乎古寺曰招提曰伽藍曰道場者異其名也曰遺愛曰憫忠 曰報恩曰崇慶因其義也寺且無量無邊計也而以慈孝命名此其一也夫慈者佛之大德也非慈無已接眾 生濟萬類孝者佛之首行也非孝無以冠天地達幽冥大學曰君子不出家而成教於國則以止慈教教天下 之語儒者皆可奉為法言也大哉遠乎止哉淵乎聖人為人心世道計者亦至矣矧是寺者一定禪僧能奉慈 化接眾生而檀樾許多人或可以登花臟之玄門悟毘盧之性海者非慈之屬耶宮監人等能以孝道奉師長 而莊嚴此功德又可以寓先人之香火作身後之津梁非孝之屬耶雖六年成道一定也未敢望之大雄師十 頃布金善信也未敢擬之給孤獨而其顯一門之慈孝振萬古之尊風此寺豈虛名乎未論從因受果瓜豆之 理必然但即教之明名義之正斯人也斯斯寺也斯名也其善蓋不可泯焉是為記銘曰 慈悲孝順佛教精玄 慈孝名寺皇訓寓焉 山不在高名在有仙 緬維一定苦行修禪 楊春故址庵院蕭然 善哉宮監信悟有緣 追懷德水爰廣福田 梵宇煌煌金壁箋箋 上奉佛祖內承家先 一門慈好耀後光前 善不為小福等無邊 勒之貞石以壽其傳 嗣德萬萬年之二己酉孟夏穀日 署協辨大學士領刑部尚書受在家菩薩戒法名大方阮登楷 恭記 [後面] 嗣德十九年歲次丙寅孟春吉日 宮監院太監等勒續碑誌 竊念人生夢幻空嗟塵局之非真世事滄桑只此心田之自在我內院一生禁闥百歲荒邱奉敕賜慈 孝寺是我西歸惟黎綱紀大師為吾覺路粗疏自奉不求人世之膏油禪寂一心自他緣之結集棟楹此地古 剎用示莊嚴香火新藍頑石化成鲜嫩金錢布地古亦何人寶筏濟迷今欣有托為此共培心地造買良田所 以結他生淨土之緣寸地寸心聊以誌今日檀那之福併及十方一切信供鑴于石以貽不朽云初有節次何 員人造供田干具陳于後碑記前朝才人潘氏貴典帑阮德統事鄧氏寂同供田壹畝貳篙清藍社大內弘仁 寺尼姑黎氏專供田肆畝五篙在神符社檢事陳科鄧信典帑杜示同供田壹畝五篙前朝宮娥阮迪氏契供 田五篙管事杜氏辰供田壹畝以上在神符社承佐黃正弟子阮氏平郎中正室裴氏教同供田壹畝五篙在 清藍社承佐段隨奉儀胡川承佐黎忠鄧士陳覺承務范賞供田壹畝在清藍社原護帑馮養供田壹畝貳高 在楊春社護帑阮居阮有供田壹畝肆高在楊春社武繼陳心供田壹畝在楊春社檢事黃石供田五高護帑 阮多供事裴潤供田五篙在潮水社原承佐黎菊宮監阮求吳合阮提裴豹陶度黎諒陳福供田肆篙在楊春 社段飛前朝宫人阮氏興黃氏靜阮是安黎氏歷從事阮氏恕隨事阮氏唾從事阮氏善弟子阮氏安慈孝寺 住持黎統事阮氏唾吳氏姸阮氏秋同供田壹畝貳篙在神符社親女氏稅奉祀本寺大師黎並內院等竊擬 寶剎有年今應修補但為恆產不敷無由料理幸有弟子奉儀太監阮鳳矢發梁心不辭汗馬普勸檀那施主 共種福田仰其高貴尊榮布普金地咸霑樂助圓成功德無量勝矣欽蒙慈裕博惠太皇太后賜白金五兩莊 懿皇后賜錢五百貫善妃阮廷氏前朝內宮貴列當朝光妃陳氏皇子第二阮福並本院員人及善信等奉供 多以高懸默垂證鋻 歲在乙酉仲春吉日興功修補 敬誌

Phiên âm: [Tiền diện]

                                                 Sắc tứ Từ Hiếu tự bi ký

 

Tự tại Thừa Thiên Hương Thủy huyện, Dương Xuân xã phận; thổ sơn liên hoàn, tiền khâm tiểu khê; Ngự Bình trấn kỳ đông nam, Hương Giang nhiễu kỳ tây bắc, diệc kinh sư nhất diệu thắng dã. Tự nãi Nhất Định thiền tăng cổ tục tính Nguyễn trú trì, hiển hóa xứ dã. Tăng sơ trú Giác Hoàng tự, giới luật tinh nghiêm, cửu vi đàn na sở tín, hướng vãn lạp, phản vu tư thổ kiến am tu thiền, thiện tín vân tập, đồ đệ nhật chúng, chung y nhiên nhất phương trượng, nhất bồng lư dã. Đinh Mùi niên thập nguyệt thất nhật, tăng thị tịch, kỳ sơn môn nhân vu cổ am trúc tháp tàng xá lợi yên. Mậu Thân niên nhị nguyệt nhật, tại gia tín đồ đệ tử thái giám Dương Oai, Đặng Tín, Nguyễn Khanh, Đỗ Thị, Nguyễn Đức, Trần Tập, Trần Ngôn, Ngô Siêu, cung giám Phạm Lẫm, Nguyễn Túc, Võ Cù, Phạm Lâm, Cao Dương, Dương Ất, Phạm Thâm, Đặng Tam, Nguyễn Chấn, Hoàng Chính, tịnh tín nữ pháp danh Thanh Phương Đặng Thị Thảo, pháp danh Thanh An ni Mỹ nhân Lê Thị Chuyên, Thục nhân Nguyễn Thị Mão, thừa sự Trần Thị Tuyên, tùy sự Nguyễn Ngọc Thị Nghiêm, Nguyễn Thị Hạnh, cửu mộ Thế Tôn từ bi chi đức, truy cảm Nhất Định khuyến hóa chi công, phát bồ đề tâm tinh lực quyên tư (tỷ), tân kỳ tự tam gian nhị hạ, phục kiến Thống Hội đường tả, Lạc Thiện đường hữu, Ái Nhật đường cập bi chung đình, tăng phòng các nhất, quân tường dĩ chuyên, ốc dĩ ngõa, nội an Tam Thế Phật tượng, Quan Thế Âm Bồ Tát tượng, Hộ Pháp Long Thiên Bồ Tát tượng, Già Lam Chân Tể Quan Thánh Đế Quân Bồ Tát tượng, cự chung nhất quả, tự điền, tự khí, pháp khí tư bị, lưu nguyên tăng cang đệ tử hiếu đồ đẳng giám thủ. Công ký, dĩ sự văn, khâm phụng lại tứ danh Từ Hiếu tự, tính phụng ân cấp tiền thất bách quan thị khuyến. Lạc thành, thái giám Dương Oai, Đặng Tín, Đỗ Thị đẳng tương cụ sự lặc bi, trưng văn ư Giai. Giai tố hiếu nội điển, phất hoạch từ, tức quán thủ cẩn chí chi, viết:

Diệu tai! Tự hồ mỹ hĩ tai kỳ danh hồ! Cổ tự viết chiêu đề, viết già lam, viết đạo trường giả dị kỳ danh dã; viết di ái, viết mẫn trung, viết báo ân, viết sùng khánh giả nhân kỳ nghĩa dã. Tự thả vô lượng vô biên kê dã, nhi dĩ Từ Hiếu mệnh danh, thử kỳ nhất dã. Phù! Từ giả Phật chi đại đức dã, phi từ vô dĩ tiếp chúng sinh, tế vạn loại; hiếu giả Phật chi thủ hạnh dã, phi hiếu vô dĩ quán thiên địa, đạt u minh. Đại học viết: quân tử bất xuất gia nhi thành giáo ư quốc, tắc dĩ chỉ từ giáo giáo thiên hạ chi ngữ, Nho giả giai khả phụng vi pháp ngôn dã... Đại tai! Viễn hồ! Chỉ tai! Uyên hồ! Thánh nhân vi nhân tâm thế đạo kế giả diệc chí hĩ. Thẩn thị tự dã, Nhất Định thiền tăng năng phụng từ hóa tiếp chúng sinh nhi đàn việt hứa đa nhân hoặc khả dĩ đăng Hoa Tạng chi huyền môn, ngộ Tì Lư chi tính hải giả phi từ chi thuộc da? Cung giám nhân đẳng năng dĩ hiếu đạo phụng sư trưởng nhi trang nghiêm thử công đức, hựu khả dĩ ngụ tiên nhân chi hương hỏa, tác thân hậu chi tân lương, phi hiếu chi thuộc da? Tuy lục niên thành đạo, Nhất Định dã, vị cảm vong chi Đại Hùng Sư; thập khoảnh bố kim, thiện tín dã, vị cảm nghi chi Cấp Cô Độc, nhi kỳ hiển nhất môn chi từ hiếu, chấn vạn cổ chi tôn phong. Thử tự khởi hư danh hồ! Vị luận tùng nhân thụ quả qua đậu chi lý, tất nhiên đãn tức giáo chi minh, danh nghĩa chi chính; tư nhân dã, tư tự dã, như tư danh dã, kỳ thiện cái bất khả miễn yên. Thị vi ký. Minh viết:

 

Từ bi hiếu thuận, Phật giáo tinh huyền.

Từ Hiếu danh tự, hoàng huấn ngụ yên.

Sơn bất tại cao, danh tại hữu tiên.

Miến duy Nhất Định, khổ hạnh tu thiền.

Dương Xuân cố chỉ, am viện tiêu nhiên.

Thiện tai cung giám, tín ngộ hữu duyên!

Truy hoài đức thủy, viên quảng phúc điền.

Phạm vũ hoàng hoàng, kim bích tiên tiên.

Thượng phụng Phật tổ, nội thừa gia tiên.

Nhất môn từ hiếu, diệu hậu quang tiền.

Thiện bất vi tiểu, phúc đẳng vô biên.

Lặc chi trinh thạch, dĩ thọ kỳ truyền.

 

Tự Đức vạn vạn niên chi nhị, Kỷ Dậu mạnh hạ cốc nhật.

 Thự Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Hình Bộ Thượng thư, thụ tại gia Bồ Tát giới, pháp danh Đại Phương, Nguyễn Đăng Giai cung chí.

[Hậu diện]

 Tự Đức thập cửu niên, tuế thứ Bính Dần mạnh xuân cát nhật, Cung Giám Viện thái giám đẳng lặc tục bi chí.

Thiết niệm: Nhân sinh mộng ảo, không ta trần cục chi phi chân; thế sự thương tang, chỉ thử tâm điền chi tự tại. Ngã Nội Viện nhất sinh cấm thát, bách tuế hoang khâu; phụng sắc tứ Từ Hiếu tự thị ngã tây quy. Duy Lê Cương Kỷ đại sư vi ngô giác lộ. Thô sơ tự phụng, bất cầu nhân thế chi cao du; thiền tịch nhất tâm, hữu tự tha duyên chi kết tập. Đống doanh thử địa, cổ sát dụng thị trang nghiêm; hương hỏa tân lam, ngoan thạch hóa thành tiên nộn. Kim tiền bố địa, cổ diệc hà nhân? Bảo phiệt tế mê, kim hân hữu thác! Vị thử cộng bồi tâm địa, tạo mãi lương điền, sở đắc dĩ kết tha sinh tịnh độ chi duyên; thốn địa thốn tâm, liêu dĩ chí kim nhật đàn na chi phúc. Tính cập thập phương nhất thiết tín cung cộng thuyên vu thạch dĩ di bất hủ vân. Sở hữu tiết thứ hà viên nhân tạo cung điền can cựu trần vu hậu bi ký.

Tiền triều Tài nhân Phan Thị Quý, điển nô Nguyễn Đức, thống sự Đặng Thị Tịch đồng cung điền nhất mẫu nhị sào tại Thanh Lam xã. Đại nội Hoằng Nhân tự ni cô Lê Thị Chuyên cung điền tứ mẫu ngũ sào tại Thần Phù xã. Kiểm sự Trần Khoa, Đặng Tín, điển nô Đỗ Thị đồng cung điền nhất mẫu ngũ sào; tiền triều cung nga Nguyễn Địch Thị Khế cung điền ngũ sào; quản sự Đỗ Thị Thìn cung điền nhất mẫu; dĩ thượng tại Thần Phù xã. Thừa tá Hoàng Chính, đệ tử Nguyễn Thị Bình, lang trung chính thất Bùi Thị Giáo đồng cung điền nhất mẫu ngũ sào tại Thanh Lam xã. Thừa tá Đoàn Tùy, phụng nghi Hồ Xuyên, thừa tá Lê Trung, Trịnh Sĩ, Trần Giác, thừa vụ Phạm Thưởng đồng cung điền nhất mẫu tại Thanh Lam xã. Nguyên hộ nô Phùng Dưỡng cung điền nhất mẫu nhị sào tại Dương Xuân xã. Hộ nô Nguyễn Cư, Nguyễn Hữu cung điền nhất mẫu tứ sào tại Dương Xuân xã. Võ Kế, Trần Tâm cung điền lục sào tại Dương Xuân xã. Kiểm sự Hoàng Thạch cung điền ngũ sào; hộ nô Nguyễn Đa, cung sự Bùi Nhuận cung điền ngũ sào tại Hồ Thủy xã. Nguyên thừa tá Lê Cúc, cung giám Nguyễn Cầu, Ngô Hợp, Nguyễn Đề, Bùi Báo, Đào Độ, Lê Lượng, Trần Phúc cung điền tứ sào tại Dương Xuân xã. Đoàn Phi, tiền triều cung nhân Nguyễn Thị Hưng, Hoàng Thị Tĩnh, Nguyễn Thị An, Lê Thị Lịch, tùng sự Nguyễn Thị Thứ, tùy sự Nguyễn Thị Thóa, tùng sự Nguyễn Thị Thiện, đệ tử Nguyễn Thị An, Từ Hiếu tự trú trì Lê, thống sự Nguyễn Thị Thóa, Ngô Thị Sành, Nguyễn Thị Thu đồng cung điền nhất mẫu nhị sào tại Thần Phù xã, thân nữ thị Thuế phụng tự.

Bổn tự đại sư Lê tịnh nội viện đẳng thiết nghĩ: bảo sát hữu niên, kim ưng tu bổ, đản vi hằng sản bất phu, vô do liệu lý, hạnh hữu đệ tử phụng nghi thái giám Nguyễn Phụng thỉ phát lương tâm, bất từ hãn mã, phổ khuyến đàn na thí chủ cộng chủng phúc điền. Ngưỡng kỳ cao quý tôn vinh bố phổ kim địa, hàm triêm lạc trợ, viên thành công đức vô lượng thắng hĩ. Khâm mông Từ Dũ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu tứ bạch kim ngũ lượng; Trang Huy Hoàng hậu tứ tiền ngũ bách quán; Thiện phi Nguyễn Đình thị, tiền triều nội cung quý liệt, đương triều Quang phi Trần thị, hoàng tử đệ nhị Nguyễn Phúc, tịnh bổn viện viên nhân cập thiện tín đẳng phụng cung, đa dĩ cao huyền mặc thùy chứng giám.

Tuế tại Ất Dậu trọng xuân cát nhật, hưng công tu bổ.

Kính chí.

 

Dịch nghĩa:

Bài ghi trên bia chùa Từ Hiếu được sắc vua ban


Chùa ở trên phần đất xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên. Núi đất liên tiếp bao quanh, khe con quanh co bọc trước, Ngự Bình trấn giữ phía đông nam, Hương Giang uốn lượn phía tây bắc, thật là một thắng cảnh kỳ diệu của kinh sư. Chùa là nơi trú trì và viên tịch của thiền sư Nhất Định họ Nguyễn ngày trước. Sư lúc đầu trú trì chùa Giác Hoàng, giới luật chặt chẽ nghiêm trang, từ lâu rất được đàn na tin tưởng; đến khi tuổi già, sư trở về chỗ này, dựng am tu thiền, thiện nam tín nữ tụ tập đông đúc, học trò ngày càng tăng thêm, nghiễm nhiên là một phương trượng, một bồng lư vậy. Ngày mồng 7 tháng Mười năm Đinh Mùi, sư thị tịch, sơn môn xây dựng tháp cất giữ xá lợi tại am cũ. Ngày tháng Hai năm Mậu Thân, các tín đồ đệ tử tại gia là thái giám Dương Oai, Đặng Tín, Nguyễn Khanh, Đỗ Thị, Nguyễn Đức, Trần Tập, Trần Ngôn, Ngô Siêu, cung giám Phạm Lẫm, Nguyễn Túc, Võ Cù, Phạm Lâm, Cao Dương, Dương Ất, Phạm Thâm, Đặng Tam, Nguyễn Chấn, Hoàng Chính, cùng các tín nữ pháp danh Thanh Phương Đặng Thị Thảo, ni cô pháp danh Thanh An Lê Thị Chuyên, Thục nhân Nguyễn Thị Mão, thừa sự Trần Thị Tuyên, tùy sự Nguyễn Ngọc Thị Nghiêm, Nguyễn Thị Hạnh, từ lâu đã mến mộ đức từ bi của Thế Tôn, cảm nhớ công khuyên dạy của Nhất Định, phát tâm bồ đề cùng gắng sức quyên góp tiền của, làm mới ngôi chùa này ba gian hai chái, phía sau dựng nhà Thống Hội, bên trái dựng nhà Lạc Thiện, bên phải dựng nhà Ái Nhật, và nhà bia, nhà chuông, phòng tăng, mỗi thứ một cái, đều tường xây gạch, mái lợp ngói, bên trong tôn trí tượng Phật Tam thế, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng Hộ Pháp Long Thiên Bồ Tát, tượng Già Lam Chân Tể Quan Thánh Đế Quân Bồ Tát, một quả chuông lớn, ruộng thờ, đồ thờ và pháp khí chỉnh tề đầy đủ; giữ nguyên tăng cang và các đệ tử lại coi sóc. Công trình xây dựng xong, đem việc tâu lên, vua ban tên là chùa Từ Hiếu, và ra ơn cấp tiền bảy trăm quan, làm lễ lạc thành. Thái giám Dương Oai, Đặng Tín, Đỗ Thị muốn đem việc ấy khắc đầy đủ lên đá, đến xin tôi bài văn. Tôi vốn rất thích đạo Phật, không thể chối từ, liền rửa tay kính cẩn chép rằng:

Kỳ diệu thay! Chùa đẹp biết bao! Chùa xưa gọi là chiêu đề, gọi là già lam, gọi là đạo trường, các tên khác nhau; gọi là di ái, gọi là mẫn trung, gọi là báo ân, gọi là sùng khánh, nhân đó mà thành ý nghĩa. Vả lại, chùa biết bao nhiêu không kể xiết, mà lấy Từ Hiếu đặt tên cho, thì chỉ là một vậy. Này, từ là đức lớn của Phật, không có từ thì không biết lấy gì để tiếp xúc với chúng sinh, để cứu vớt muôn loài; hiếu là hạnh lớn của Phật, không có hiếu thì không biết lấy gì để bao trùm trời đất, đạt đến u minh. Sách Đại học nói rằng người quân tử không ra khỏi nhà mà có thể dựng thành phép dạy ở trong nước, Mặt trước bia ghi việc dựng chùa năm 1849. Nhà bia ghi việc dựng chùa năm Tự Đức thứ 2, 1849, dựng phía trái trước chánh điện. tức là nói lấy “từ” mà dạy cho thiên hạ; lời của nhà Nho đều có thể dùng làm pháp ngôn vậy. Lớn lao thay! Cao xa thay! Đúng đắn thay! Sâu sắc thay! Bậc thánh nhân lo cho nhân tâm thế đạo thật đến nơi đến chốn. Cũng như ngôi chùa này vậy. Thiền sư Nhất Định khéo dùng từ mà tiếp xúc chúng sinh, nên nhiều đàn việt có thể lên huyền môn của Hoa Tạng, ngộ tính hải của Tỳ Lư, chẳng phải là thuộc về từ ư? Bọn người cung giám chúng tôi lấy đạo hiếu thờ bậc sư trưởng mà khiến công đức ấy thành trang nghiêm, lại có thể ngụ cái ý thờ cúng tổ tiên, làm cái bờ bến của kiếp sau, chẳng phải là thuộc về hiếu ư? Tuy sáu năm thành đạo, ngài Nhất Định chưa dám sánh với Đại Hùng Sư; mười khoảnh trải vàng, kẻ đàn na chưa dám nghĩ là Cấp Cô Độc; nhưng rạng rỡ một nhà từ hiếu, lẫy lừng muôn thủa tôn phong, ngôi chùa này há chỉ có cái danh suông thôi sao? Chưa bàn lẽ đậu dưa gieo nhân chịu quả, tất nhiên sự giáo dục rõ ràng, cái danh nghĩa đúng đắn, con người như thế, ngôi chùa như thế, tên gọi như thế, sự tốt lành không thể thiếu sót vậy. Vì thế viết bài ký này. Lời minh rằng:

Từ bi hiếu thuận, Phật giáo diệu huyền.

Chùa tên Từ Hiếu, vua ngụ lời khuyên.

Núi cao chẳng kể, cốt có người tiên.

Nhớ ngài Nhất Định, khổ hạnh tu thiền.

Dương Xuân nền cũ, đổ nát am chiền.

Tốt thay cung giám, tin ngộ nên duyên.

Nhớ xưa đức thủy, mở rộng phúc điền.

Ngôi chùa rạng rỡ, tường vách mới nguyên.

Trên thờ Phật Tổ, dưới cúng gia tiên.

Một nhà từ hiếu, sau trước vẹn tuyền.

Dẫu làm thiện nhỏ, phúc sẽ vô biên.

Khắc vào đá tốt, mãi mãi lưu truyền.


Ngày tốt tháng đầu mùa hè năm Kỷ Dậu, Tự Đức thứ 2 (1849).

 Thự Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Hình Bộ Thượng thư, chịu giới Bồ Tát tại gia, Nguyễn Đăng Giai, pháp danh Đại Phương, kính ghi.

[Mặt sau bia]

Ngày tốt tháng đầu mùa xuân năm Bính Dần, Tự Đức thứ 19 (1866), thái giám ở Viện Cung Giám khắc tiếp bài văn bia.

Trộm nghĩ: Đời người mộng ảo, thương thay trần cục dở dang; việc thế tang thương, chỉ chút tâm điền tự tại. Bọn nội viện chúng ta: Cả đời cửa cấm, một kiếp gò hoang. Vâng sắc ban chùa Từ Hiếu, ấy là để chúng ta có nơi về cõi tây. Đại sư Cương Kỷ họ Lê dắt dẫn chúng ta đi trên con đường giác ngộ; no lòng rau cháo, cần chi bùi béo đời người; dốc chí đạo thiền, riêng những dồi dào duyên khác. Cột rường chốn ấy, ngôi chùa tỏ rõ trang nghiêm; hương lửa nơi này, gạch đá trở thành mới mẻ. Tiền vàng trải đất, người cổ là ai? Bè báu vớt mê, niềm vui được cậy. Vì thế, dốc lòng mua tậu ruộng tốt để làm duyên tịnh độ kiếp sau; tấc đất tấc lòng, xin để ghi phúc của đàn na ngày nay cùng tất cả sự tín cúng của đàn na thập phương đều khắc vào đá để lưu truyền không nát. Những viên nhân cúng ruộng lần lượt trình bày vào sau bài văn bia: Tài nhân triều trước Phan Thị Quý, điển nô Nguyễn Đức, thống sự Đặng Thị Tịch cùng cúng ruộng một mẫu hai sào tại xã Thanh Lam. Ni cô chùa Hoằng Nhân trong nội cung là Lê Thị Chuyên cúng ruộng bốn mẫu năm sào tại xã Thần Phù. Kiểm sự Trần Khoa, Đặng Tín, điển nô Đỗ Thị cùng cúng ruộng một mẫu năm sào; cung nga triều trước Nguyễn Địch Thị Khế cúng ruộng năm sào; quản sự Đỗ Thị Thìn cúng ruộng một mẫu; đều tại xã Thần Phù. Nguyễn Thị Bình, đệ tử của thừa tá Hoàng Chính; Bùi Thị Giáo, vợ chính của ông lang trung cùng cúng ruộng một mẫu năm sào tại xã Thanh Lam. Thừa tá Đoàn Tùy, phụng nghi Hồ Xuyên, thừa tá Lê Trung, Trịnh Sĩ, Trần Giác, thừa vụ Phạm Thưởng cùng cúng ruộng một mẫu tại xã Thanh Lam. Nguyên hộ nô Phùng Dưỡng cúng ruộng một mẫu hai sào tại xã Dương Xuân. Hộ nô Nguyễn Cư, Nguyễn Hữu cúng ruộng một mẫu bốn sào tại xã Dương Xuân. Võ Kế, Trần Tâm cúng ruộng sáu sào tại xã Dương Xuân. Kiểm sự Hoàng Thạch cúng ruộng năm sào; hộ nô Nguyễn Đa, cung sự Bùi Nhuận cúng ruộng năm sào tại xã Hồ Thủy. Nguyên thừa tá Lê Cúc, cung giám Nguyễn Cầu, Ngô Hợp, Nguyễn Đề, Bùi Báo, Đào Độ, Lê Lượng, Trần Phúc cúng ruộng bốn sào tại xã Dương Xuân. Đoàn Phi, cung nhân triều trước Nguyễn Thị Hưng, Hoàng Thị Tĩnh, Nguyễn Thị An, Lê Thị Lịch, tùng sự Nguyễn Thị Thứ, tùy sự Nguyễn Thị Thóa, tùng sự Nguyễn Thị Thiện, đệ tử Nguyễn Thị An, trú trì chùa Từ Hiếu Lê, thống sự Nguyễn Thị Thóa, Ngô Thị Sành, Nguyễn Thị Thu cùng cúng ruộng một mẫu hai sào tại xã Thần Phù, do con gái là thị Thuế kính thờ. Đại sư trong chùa là Lê (Cương Kỷ) cùng các viên thuộc nội viện trộm nghĩ: Ngôi chùa đã lâu năm, nay cần sửa chữa, chỉ vì tiền của không nhiều, nên không biết lo liệu làm sao! May có đệ tử là thái giám phụng nghi Nguyễn Phụng dấy động lòng lành, không nề khó nhọc, quyên góp đàn na thí chủ cùng gieo ruộng phúc. Ngửa cầu các bậc cao quý tôn vinh trải vàng khắp đất, hoàn toàn vui lòng giúp đỡ, vẹn tròn công đức vô lượng. Kính đội ơn đức: Từ Dũ Bác Huệ Thái hoàng Thái hậu ban bạch kim năm lượng; Trang Huy Hoàng hậu ban tiền năm trăm quan; Thiện phi Nguyễn Đình thị, các vị nội cung triều trước, Quang phi đương triều Trần thị, hoàng tử thứ hai Nguyễn Phúc, cùng các viên nhân bổn viện và thiện tín kính cúng. Xin nêu cao tất cả, cầu được chứng giám.

Ngày tốt tháng thứ hai mùa xuân năm Ất Dậu (1885) bắt đầu sửa chữa.

Kính ghi.

 

Phụ lục 2:

Bia ghi hành trạng Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định8

 

                               安養菴一定和尚行寔碑記

 

和尚廣治省登昌縣碧羅總中堅村人也姓阮甲寅歲童真出家依報國寺普淨和尚本師至年十九 剃度為僧法名性天字一定受三檀戒于密弘和尚嗣法大師亦於普淨和尚丙子本師西逝為報國寺住持 經十四載於明命十一年蒙敕賜戒刀度牒十四年充靈祐觀住持又奉旨覺皇寺僧綱至紹治二年癸卯是 六十歲幸蒙恩賜病回養老曾與鄒溪秉常甫預卜塔基于此立菴于左自名為安養菴頤閒養病至七年丁 未是六十四歲十月初七日奄然圓寂遂建塔基于本菴之右其門徒眾盛受教者亦多至嗣德元年內院太 監列員同發心重興是寺宏廠其門墙巍峨其棟宇奉敕賜慈孝寺名噫和尚一生之素行本慈悲來眾善之 靈根自孝悌始明心于以見性修己後以度他明鏡在懸物咨其照慈雲遍覆樹被其蔭善道之所及者廣矣 略陳數語銘之寺石用傳其不朽云垂為銘記

 

皇朝嗣德元年七月吉日立

 

門人等恭誌

 

Phiên âm:

 

                         An Dưỡng am Nhất Định hòa thượng hành thực bi ký

 

Hòa thượng Quảng Trị tỉnh, Đăng Xương huyện, Bích La tổng, Trung Kiên thôn nhân dã. Tính Nguyễn, Giáp Thìn tuế, đồng chân xuất gia, y Báo Quốc tự Phổ Tịnh hòa thượng bổn sư, chí niên thập cửu, thế độ vi tăng, pháp danh Tánh Thiên, tự Nhất Định; thụ tam đàn giới vu Mật Hoằng hòa thượng, tự pháp đại sư diệc ư Phổ Tịnh hòa thượng. Bính Tý, bổn sư tây thệ, vi Báo Quốc tự trú trì. Kinh thập tứ tải, ư Minh Mạng thập nhất niên, mông sắc tứ giới đao, độ điệp; thập tứ niên, sung Linh Hựu quán trú trì, hựu phụng chỉ Giác Hoàng tự tăng cang. Chí Thiệu Trị nhị niên, Quý Mão, thị lục thập tuế, hạnh mông ân tứ bệnh hồi dưỡng lão, tằng dữ Trâu Khê bỉnh thường phủ dự bốc tháp cơ vu thử, lập am vu tả, tự danh vi An Dưỡng am, di nhàn dưỡng bệnh. Chí thất niên, Đinh Mùi, thị lục thập tứ tuế, lục nguyệt sơ thất nhật, yêm nhiên viên tịch; toại kiến tháp cơ vu bổn am chi hữu, kỳ môn đồ chúng thịnh thụ giáo giả diệc đa. Chí Tự Đức nguyên niên, nội viện thái giám liệt viên đồng phát tâm trùng hưng thị tự, hoành sưởng kỳ môn tường, nguy nga kỳ đống vũ, phụng sắc tứ Từ Hiếu tự danh.

Y! Hòa thượng nhất sinh chi tố hạnh bổn từ bi lai chúng thiện chi linh căn, tự hiếu đễ thủy minh tâm vu dĩ kiến tánh, tu kỷ hậu dĩ độ tha; minh kính tại huyền, vật tư kỳ chiếu, từ vân biến phú, thụ bị kỳ âm, thiện đạo chi sở cập giả quảng hĩ. Lược trần sổ ngữ minh chí tự thạch, dụng truyền kỳ bất hủ vân thùy vi minh ký.

Hoàng triều Tự Đức nguyên niên thất nguyệt cát nhật lập.

Môn nhân đẳng cung chí.

 

Dịch nghĩa:

                        Bài văn khắc bia ghi tiểu sử Hòa thượng Nhất Định ở am An Dưỡng

            Sư người thôn Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị, họ Nguyễn, sinh năm Giáp Thìn [1784], đồng chân xuất gia, thờ hòa thượng Phổ Tịnh chùa Báo Quốc làm thầy. Đến năm 19 tuổi, sư được xuống tóc làm tăng, pháp danh Tánh Thiên, tự Nhất Định, rồi thụ tam đàn (Cụ Túc giới) với hòa thượng Mật Hoằng, nhưng cũng vẫn là đại sư nối dòng pháp của hòa thượng Phổ Tịnh. Năm Bính Tý [1816], thầy về cõi tây, sư giữ chức trú trì chùa Báo Quốc. Trải mười bốn năm, vào năm Minh Mạng thứ 11 [1830], ơn vua ban cho giới đao và độ điệp; năm thứ 14 [1833], sung trú trì quán Linh Hựu, lại vâng chỉ làm tăng cang chùa Giác Hoàng. Đến năm Quý Mão, Thiệu Trị thứ 3 [1843], sư sáu mươi tuổi, may được vua cho về dưỡng già vì bệnh. Thời trẻ, sư đã từng đến Trâu Khê luôn, nay dự định xây tháp mộ tại đó, bèn dựng am ở bên tả, lấy tên là An Dưỡng am, sống an nhàn để dưỡng bệnh. Đến năm Đinh Mùi, Thiệu Trị thứ 7, sư sáu mươi bốn tuổi, ngày mồng 7 tháng Mười [14/11/1847], tự nhiên viên tịch. Môn nhân bèn xây tháp mộ bên hữu am. Đệ tử và tín đồ thụ giáo rất nhiều. Đến năm đầu niên hiệu Tự Đức, các viên thái giám trong Nội Viện phát tâm nâng cấp ngôi chùa ấy, cửa tường rộng rãi, cột mái to cao, vâng sắc vua ban tên là chùa Từ Hiếu.

Ôi! Đức hạnh suốt đời của sư vốn từ bi, nguồn gốc thiêng liêng của mọi điều lành, trước lấy hiếu để làm “sáng lòng” nhằm đạt đến chỗ “thấy tính”, rồi sau tự sửa mình để độ cho người.  Gương sáng treo lên, mọi vật soi vào, mây lành che khắp, cây phủ bóng râm, ảnh hưởng của đạo tốt lành thật là rộng rãi. Nay bày tỏ vài lời khắc vào bia đá của nhà chùa để lưu truyền không mục nát, lưu lại cho đời đời ghi nhớ.

Dựng bia ngày tốt tháng Bảy năm đầu niên hiệu Tự Đức triều vua nhà Nguyễn [1848].

 

Các đệ tử kính ghi.

 

                                    Chú thích ảnh:

 

chua tu hieu (1)
Ảnh 01. Toàn cảnh chùa (2018)
chua tu hieu (2)chua tu hieu (3)chua tu hieu (4)
Ảnh 02-04. Cổng tam quan và hồ bán nguyệt

chua tu hieu (5)chua tu hieu (6)
Ảnh 05-06. Ngôi chánh điện (2016)

chua tu hieu (7)
Ảnh 07. Tiền đường (2016)

chua tu hieu (8)chua tu hieu (9)
Ảnh 08-09. Điện Phật (2016)

chua tu hieu (10)
Ảnh 10. Tượng đức Phật Thích Ca

chua tu hieu (11)
Ảnh 11. Bàn thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Quán Thế Âm

chua tu hieu (12)
Ảnh 12. Bàn thờ Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Địa Tạng

chua tu hieu (13)chua tu hieu (14)
Ảnh 13-14. Tranh A La Hán

chua tu hieu (15)
Ảnh 15. Đại hồng chung

chua tu hieu (16)
Ảnh 16. Phù điêu long mã

chua tu hieu (17)
Ảnh 17. Tháp chuông

chua tu hieu (18)
Ảnh 18. Thiền đường Trăng rằm

chua tu hieu (19)chua tu hieu (20)
Ảnh 19-20. Nhà bia và bia hành trạng Tổ Nhất Định
chua tu hieu (21)chua tu hieu (22)

Ảnh 21-22. Nhà bia và bia Sắc tứ Từ Hiếu tự bi ký


chua tu hieu (23)

Ảnh 23. Khu tháp Tổ

chua tu hieu (24)
Ảnh 24. Thiền sư Nhất Hạnh nói chuyện trong phiên họp khoáng đại Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc (Vesak 2008) tại Hà Nội (14.5.2008)


chua tu hieu (25)chua tu hieu (26)
Ảnh 25-26. Thiền sư Nhất Hạnh, tăng thân Làng Mai cùng đông đảo Phật tử thiền hành tại Hà Nội (12.5.2008)


chua tu hieu (27)chua tu hieu (28)chua tu hieu (29)chua tu hieu (30)
Ảnh 27-30. Thiền sư Nhất Hạnh viếng thăm thiền viện Quảng Đức, TP. HCM, nơi đặt Văn phòng II Giáo hội Phật giáo Việt Nam (22.02.2007)

chua tu hieu (31)chua tu hieu (32)chua tu hieu (33)
Ảnh 31-33. Thiền sư Nhất Hạnh viếng thăm thiền viện Vạn Hạnh, TP. HCM (26.01.2005)

chua tu hieu (34)chua tu hieu (35)chua tu hieu (36)
Ảnh 34-36. Thiền sư Nhất Hạnh viếng thăm chùa Xá Lợi, TP. HCM (03.02.2005)

chua tu hieu (37)chua tu hieu (38)chua tu hieu (39)
Ảnh 37-39. Thiền sư Nhất Hạnh viếng thăm chùa Vĩnh Nghiêm, TP. HCM (25.01.2005)

chua tu hieu (40)chua tu hieu (41)chua tu hieu (42)chua tu hieu (43)
Ảnh 40-43. Thiền sư Nhất Hạnh viếng thăm tịnh xá Trung Tâm, TP. HCM (27.01.2005)

chua tu hieu (44)chua tu hieu (45)chua tu hieu (46)chua tu hieu (47)
Ảnh 44-47. Tượng đài “Remember Them: Champions for Humanity” tại thành phố Oakland, Hoa Kỳ (2011)

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]