Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

55. Phẩm "Mộng Hành"

31/08/202021:55(Xem: 8464)
55. Phẩm "Mộng Hành"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***
buddha-443

 

PHẨM "MỘNG HÀNH"

Đầu quyển 451, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương với phần cuối phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo”,

quyển 330, Hội thứ I, ĐBN)



Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le



 

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Nếu ở trong mộng, đại Bồ Tát thực hành ba Tam ma địa này, thì đối với Bát Nhã thẳm sâu có tăng ích chăng?

Thiện hiện đáp:

- Nếu vào ban ngày đại Bồ Tát thực hành ba Tam ma địa này có tăng ích đối với Bát Nhã thẳm sâu thì trong mộng vị ấy thực hành cũng có tăng ích. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì ban ngày (tỉnh) hay mộng không sai khác vậy. Xá Lợi Tử! Nếu Bồ Tát ban ngày hành Bát nhã Ba la mật, đã gọi tu tập Bát Nhã thẳm sâu, Bồ Tát này trong mộng hành Bát nhã Ba la mật cũng gọi tu tập Bát nhã Ba la mật thẳm sâu. Không có gì sai khác. Ba tam ma địa đối Bát nhã Ba la mật năng làm tăng ích cũng lại như vậy.

Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Các bậc Bồ Tát tạo nghiệp ở trong mộng có tăng ích hay tổn giảm? Phật thường nói hữu vi hư dối chẳng thật như mộng sở tác, làm sao nghiệp kia có tăng giảm được? Vì sao? Vì chẳng phải nghiệp sở tác ở trong mộng có được tăng ích hoặc tổn giảm, cần đến khi giác biết, nhớ tưởng phân biệt cảnh sở tác trong mộng mới có tăng giảm.

Thiện Hiện đáp rằng:

- Có những vụ ban ngày giết người, ban đêm trong mộng nhớ tưởng phân biệt rất đỗi sung sướng; hoặc lại có người trong mộng dứt mạng kẻ khác, đến khi thức giấc rất vui mừng. Hai nghiệp như thế, ý Ngài hiểu sao?

Xá Lợi Tử nói:

- Không sở duyên thì hoặc nghĩ, hoặc nghiệp đều chẳng sanh, cần có sduyên thời nghĩ và nghiệp mới sanh. Nghĩ và nghiệp trong mộng duyên đâu mà sanh?

Thiện Hiện đáp rằng:

- Như vậy, như vậy! Hoặc mộng hoặc giác không sở duyên thì nghĩ và nghiệp chẳng sanh. Cần có sở duyên nghĩ nghiệp mới khởi. Vì sao? Xá Lợi Tử! Hoặc mộng, hoặc giác ở trong cái thấy cái biết nếu giác huệ chuyển, sẽ khởi nhiễm, khởi tịnh. Nếu trong cái thấy biết, giác huệ chẳng chuyển, thì cũng không có nhiễm tịnh. Do đây nên biết hoặc mộng, hoặc giác, có sở duyên nghĩ nghiệp mới khởi, không có sở duyên nghĩ nghiệp chẳng sanh.

Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Phật nói nghĩ nghiệp đều xa lìa tự tánh, làm sao nói được có sở duyên thì có sanh khởi?

Thiện Hiện đáp rằng:

- Tuy các nghĩ, nghiệp và sở duyên tự tánh đều không, mà do tự tâm nắm lấy tướng phân biệt nên nói nghĩ nghiệp có sở duyên sanh. Nếu không có sở duyên, nghĩ nghiệp chẳng khởi.

Bấy giờ Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Nếu ở trong mộng đại Bồ Tát tuy hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Bát Nhã, rồi đem căn lành ấy ban cho khắp hữu tình một cách bình đẳng, để cùng nhau hồi hướng Vô Thượng Bồ đề thì đại Bồ Tát ấy có thật sự hồi hướng để cầu Vô thượng Chánh đẳng giác không?

Thiện Hiện đáp:

- Bồ Tát Từ Thị đã được thọ ký Bất thối chuyển Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề từ lâu, chỉ còn một đời sẽ được làm Phật, Ngài có thể trả lời tất cả các lời vấn nạn; hội chúng nên thưa hỏi Ngài, nhất định Bổ Xứ Từ Tôn sẽ đáp cho.

Theo lời Thiện Hiện, Xá lợi Tử cung kính thưa hỏi Từ Thị Bồ Tát.

Từ Thị Bồ Tát bảo Xá Lợi Tử rằng:

- Sao gọi danh Từ Thị năng đáp? Vì sắc chăng, hay vì thọ tưởng hành thức chăng? Vì sắc không chăng, hay vì thọ tưởng hành thức không chăng? Vả lại, sắc chẳng năng đáp, thọ tưởng hành thức cũng chẳng năng đáp. Sắc không chẳng năng đáp, thọ tưởng hành thức không cũng chẳng năng đáp. Vì sao? Xá Lợi Tử! Ta đều chẳng thấy có pháp năng đáp, có pháp sở đáp, chỗ đáp, thời đáp và do đây mà đáp. Ta đều chẳng thấy có pháp năng ký, có pháp sở ký, chỗ ký, thời ký và do đây mà ký. Vì tất cả pháp bản tánh đều không, vô sở hữu, không hai không riêng, gạn tìm rốt ráo chẳng thể được vậy.

Cụ thọ Xá lợi Tử lại hỏi đại Bồ Tát Từ Thị:

- Thưa nhơn giả! Có phải pháp Ngài chứng được là như điều Ngài vừa nói không?

Từ Thị đại Bồ Tát nói:

- Pháp ta chứng được chẳng giống như điều ta đã thuyết. Vì sao? Này Xá lợi Tử! Vì pháp ta đã chứng là bất khả thuyết.

Khi ấy, Xá lợi Tử suy nghĩ: Từ Thị Bồ Tát có trí tuệ sâu rộng, từ lâu đã tu tất cả các pháp bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật viên mãn, dùng vô sở đắc làm phương tiện nên mới có thể đối đáp được những lời gạn hỏi như vậy.

Phật bảo Xá lợi Tử:

- Ý ngươi nghĩ sao? Nhờ pháp nào ông chứng quả A la hán, ông có thấy pháp đó khả thuyết không?

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo Xá lợi Tử:

- Các Bồ Tát hành Bát Nhã, sở chứng các pháp cũng lại như vậy. Bồ Tát đó không nghĩ: Nhờ pháp này mà ta đã được thọ ký Vô Thượng Bồ đề. Cũng không nghĩ: Nhờ pháp này ta sẽ chứng Vô Thượng Bồ đề. Xá lợi Tử! Bồ Tát thực hành Bát Nhã, không có sanh tâm do dự tự hỏi: Ta có đắc được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề hay không mà chỉ nghĩ: Ta nhất định sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Xá Lợi Tử! Bồ Tát thực hành Bát Nhã khi nghe pháp thậm thâm tâm họ không khiếp, không hãi, không ngại, không hối, không thối, không lo buồn, tự biết mình chắc chắn sẽ chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đã mong cầu và làm lợi lạc hữu tình cho đến tận đời vị lai.

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Mộng Hành” của Hội thứ II tương đương với phần cuối phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo”, quyển 330, Hội thứ I, ĐBN, chúng tôi đã lược giải rồi. Tuy nhiên, đây là một phẩm hay, vì nó có thể trả lời những vấn đề nội tâm của chúng ta về tội lỗi mà vô tình chúng ta không để ý hay không biết mà tạo tội.

Phẩm “Tướng Không” quyển 516, Hội thứ III và phẩm “Tham Hành” quyển 563, Hội thứ V, ĐBN, Ngài Huyền Trang dịch, cùng một tư tưởng với đoạn Kinh nầy, nói: Có sở duyên nghĩ nghiệp khởi, không sở duyên nghĩ nghiệp chẳng sanh. Vậy, trong đêm nằm mộng thấy mình tạo nghiệp, nghiệp đó cũng không tăng không giảm, chỉ lúc tỉnh phân biệt phát sanh vui mừng như người nằm mộng thấy mình giết được kẻ thù, lòng vui thích. Những nghĩ tưởng như vậy là tạo nghiệp nên tăng ích. Vì vậy, Tu Bồ đề mới giải thích cho Xá Lợi Phất:Hoặc mộng hoặc tỉnh không có sở duyên nghĩ nghiệp chẳng sanh, cần có sở duyên nghĩ nghiệp mới khởi. Vì sao Xá Lợi Phất? Ở trong pháp thấy nghe giác biết, có giác huệ chuyển, do đấy khởi nhiễm, khởi tịnh. Nếu không có thấy nghe giác biết, giác huệ không chuyển, cũng không nhiễm tịnh. Do đây nên biết hoặc mộng hoặc tỉnh, có sở duyên nghĩ nghiệp khởi, cho đến không có sở duyên nghĩ nghiệp chẳng sanh”(1).

Nếu vậy, một người ngồi trong phòng trống thiền định, niệm niệm tuôn đến không ngừng, nào ác nào thiện, nào xấu nào tốt… thì có coi đó là nghĩ nghiệp sanh hay không? Trong trường hợp này, Huệ mạng Tu Bồ Đề trả lời: Mặc dù các nghĩ nghiệp và sở duyên tự tánh đều không, mà do tự tâm làm tướng phân biệt, nên nói nghĩ nghiệp có sở duyên sanh, nếu không nghĩ nghiệp chẳng sanh(2). Nghĩ nghiệp không, sở duyên cũng không, do tự tâm phân biệt nên mới “có chuyện”. Kinh Lăng Nghiêm nói: Tự tâm mà trách tự tâm, chân tâm biến thành huyễn. Cổ đức cũng có câu: Cuồng tâm chẳng nghỉ (chẳng chịu dừng), nghỉ tức Bồ đề.

Theo thế pháp tội chỉ thành tựu khi phát ra hành động cụ thể như tội trộm được định danh là “lược thủ một vật ngoài sự hay biết của kẻ khác”. Vậy muốn kết tội một người về tội trộm thì trước hết phải bắt quả tang người ấy lược thủ(đánh cắp) một vật, vật đó không thuộc về mình mà thuộc quyền sở hữu của người khác.

Hình luật Pháp quốc khi xưa lúng túng với các tội như ăn quỵt, trộm điện hay đi xe buýt (bus) không trả tiền. Như tội ăn quỵt, người nầy trịnh trọng vào tiệm gọi thức ăn, người hầu bàn mang thức ăn đến cho hắn. Ở đây hắn không ăn cắp món ăn ngoài sự hay biết của kẻ khác. Tội trộm điện, điện không được coi là một vật cụ thể có thể thấy bằng mắt. Người đi xe buýt, hắn bước lên xe đàng hoàng, ai cũng thấy, tới nơi xuống xe, hắn không lược thủ vật gì không thuộc quyền sở hữu của người khác. Không luật, không thành tội. Tòa án bắt buộc phải tha bổng những người nầy. Về sau nước Pháp mới định danh những hành động như trên (ăn quỵt, trộm điện v.v…) thuộc tội trộm.

Tôn giáo, gồm luân lý, đạo đức… trên cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần, đòi hỏi một sự trong sáng tuyệt đối. Những gì được coi là tội lỗi không cần phải thể hiện bằng hành động, nó chỉ cần manh nha qua tâm tưởng. Giới là hàng rào ngăn chặn những tội lỗi xâm nhập từ ngoài vào. Giới có nặng có nhẹ, có khai, có giá (3) tùy cấp thọ giới (4). Bồ Tát giới là giới luật khó khăn, tế nhị nhất không những giới dùng ngăn chặn những tội lỗi từ bên ngoài mà còn ngăn chặn những tội lỗi manh nha từ nội tâm. Có sở duyên hay không sở duyên không cần biết, một khi móng khởi một niệm tham, sân hay si, hoặc một việc đáng làm mà không làm, hoặc suy nghĩ, hành động trái với tàm và quý (tự mình xấu hổ hay hổ thẹn với kẻ khác) thì coi như là có tội, phải lập đàn sám hối hay qu hương tùy theo tội nặng hay nhẹ!

Tôi còn nhớ một câu chuyện của một nhà Sư trẻ, sắp hàng để nhận của tín thí. Món cúng dường là món xôi mà Sư thích. Nhưng nhiều người sắp hàng quá, Sư nghĩ đến lượt mình chắc sẽ hết. Khi nghĩ như vậy Sư giật mình và tự mắng là tham lam, rồi lấy tay tát mạnh vào mặt, tự động bước ra khỏi hàng quay về am với bình bát rỗng không. Sư nhịn đói ngày hôm đó để tự trừng phạt sự sai quấy của mình!

Phẩm này được Hội thứ I, ĐBN chiết giải rồi, nay chỉ lặp lại để nhớ, chẳng có gì mới mẻ ở đây.

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Năng duyên và sở duyên: Chủ thể nhận thức là năng duyên, còn khách thể (đối tượng) của nhận thức là sở duyên. Nói khác tâm vương và tâm sở gọi là năng duyên, trần cảnh gọi là sở duyên. Tâm vương và tâm sở không tự phát sanh, phải nhờ có chỗ nương vịn vào mới phát sanh tác động. Chỗ nương vịn vào thì gọi là sở duyên.

(2). “Mặc dù các tư duy, tạo tác và pháp sở duyên tự tánh đều không, nhưng do tự tâm thủ tướng phân biệt nên nói tư duy tạo tác có sở duyên mới sanh. Nếu không có sở duyên, thì tư duy và tạo tác không khởi”. Tư duy phân biệt là năng, cái nương vịn vào để chấp (sắc trần…) là sở. Tâm nương vịn vào sở duyên để phân biệt, chấp trước thì gọi là phan duyên, giống như dây leo nhờ có rào dậu bám vào nên mới có thể chuyền leo mãi được.

(3). Có khai, có giá: Có chỗ cho phép, có chỗ cấm chỉ.

(4). Người thọ giới: Gọi chung là Chúng, chỉ người xuất gia và tại gia. Có bảy chúng là: T kheo, T kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức xoa ma ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di./.

 

---o0o---

 

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]