Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Suy nghĩ của một Phật tử về Đại dịch Covid-19 (Bài viết của Nishanedit Dahanayake, Phật tử người Tích Lan, hiện là nghiên cứu sinh Tiến sĩ thuộc khóa Triết học thuộc Đại học New England, Sydney, Úc Châu, do TT Thích Nguyên Tạng dịch Việt)

31/03/202020:32(Xem: 6820)
Suy nghĩ của một Phật tử về Đại dịch Covid-19 (Bài viết của Nishanedit Dahanayake, Phật tử người Tích Lan, hiện là nghiên cứu sinh Tiến sĩ thuộc khóa Triết học thuộc Đại học New England, Sydney, Úc Châu, do TT Thích Nguyên Tạng dịch Việt)


duc the ton

Suy Nghĩ Của Một Phật Tử

Về Đại dịch Covid-19

Nguyên tác: Nishanathe Dahanayake
Việt dịch: Thích Nguyên Tạng

 

 

Đại dịch Covid-19 đang thực sự là một thách thức đối với sức khỏe, công việc, gia đình, thực phẩm và niềm vui của chúng ta. Dịch bệnh thế kỷ này cũng quấy nhiễu đến sự yên bình và thậm chí còn khiến cho chúng ta tự hỏi về sự sinh tồn của bản thân mình trong thời điểm này. Mỗi chúng ta đều tự đặt câu hỏi cho sự tồn tại của mình: Tại sao điều này lại xảy ra với mình? Làm sao mình có thể tiếp tục với cuộc sống bình thường đây? Ai đã tạo ra dịch bệnh này và tại sao?

 

Trong khi các nhà khoa học đang làm việc cật lực để tìm ra phương pháp giải cứu, thì ở đây Phật Giáo có thể cung cấp cho chúng ta niềm an ủi lúc mọi người quá căng thẳng. Câu trả lời của Đức Phật cho những câu hỏi trên là chỉ nên tập trung vào thực tại hiện tiền, không truy tìm quá khứ, không mơ tưởng tương lai, nên tìm hiểu và áp dụng thiền tập vào đời sống hằng ngày để giúp cho mình và người.

 

Trong Kinh Trung Bộ có kể câu chuyện về Tỳ Kheo Mālunkyaputta, một đệ tử đã làm phiền Đức Phật vào khoảng 2500 năm trước bên Ấn Độ cổ đại. Đệ tử Mālunkyaputta cầu khẩn Ngài phải trả lời một loạt các câu hỏi phức tạp.

 

Một ngày nọ, đệ tử này tìm đến Đức Phật và khăng khăng xin Ngài phải trả lời các vấn nạn như: Vũ trụ trường tồn, hay không trường tồn? Vũ trụ hữu hạn hay vô hạn? Linh hồn với thể xác là một, hay linh hồn khác thể xác khác? Đức Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi nhập diệt v.v….?

 

Đức Phật không trả lời trực tiếp các câu hỏi, mà kể một câu chuyện về một người đàn ông bị trúng mũi tên độc, tìm đến gặp bác sĩ để chữa trị. Nạn nhân này quyết liệt không chịu để cho bác sĩ rút mũi tên ra, cho đến khi nào biết được ai đã bắn mình và lý do mình bị bắn. Đức Phật kết luận rằng người đàn ông kia sẽ chết trước khi các nghi vấn được giải đáp.

 

Đức Phật dạy rằng giáo lý của Ngài tránh trả lời những câu hỏi về triết học siêu hình, mà chỉ giải quyết các vấn đề cần thiết của thực tại đời sống con người, đó là các loại hình khổ đau của kiếp người: Sinh, già, bệnh, chết, sầu muộn, tang thương và tuyệt vọng mà chúng đang tấn công chúng ta ngay tại đây và bây giờ.

 

Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Dù các câu hỏi kia cũng là điều tự nhiên, nhưng nếu quá quan tâm tìm kiếm lời giải đáp, chỉ mang lại đau khổ và mất thời giờ mà thôi. Khôn ngoan hơn chúng ta chỉ nên tập trung vào việc làm giảm bớt đau khổ của chính mình và của mọi người.

 

Cốt lõi giáo lý của Đạo Phật là thuần túy nhắm vào thực tại hiện tiền và đoạn trừ phiền não khổ đau, đưa hành giả tới Niết bàn giải thoát. Trạng thái này được định nghĩa một cách đơn giản là sự vắng mặt hoàn toàn của tham ái, hận thù và si mê.

 

Đạo Phật giúp chúng ta nhận ra rằng đại dịch Covid-19 khiến chúng ta có được trải nghiệm thực sự về giáo lý “ba dấu ấn” của đời sống là: Vô thường (aniccā); không thỏa mãn, đau khổ (dukkha); và vô ngã (anatta).

 

Đại dịch bất ngờ tấn công vào đời sống của chúng ta, gây ra sự chết chóc và khổ đau, nhắc nhở mọi người về sự vô thường mỏng manh, tử vong và những đau khổ liên quan không thể tránh khỏi, điều này giúp chúng ta quan tâm hơn đến đời sống tâm linh, cái mà lâu nay bị mọi người lãng quên trong đời sống đầy vật chất này.

 

Đạo Phật dạy chúng ta những điều đơn giản trong đời sống, hít thở trong chánh niệm, đem tâm ý về với thực tại, bây giờ và ở đây, điều này có thể giúp chúng ta an tâm, cũng là cách thực hành thiền tập với nội tâm sâu sắc. Những lời dạy giúp chúng ta chú tâm đến thiên nhiên và giảm bớt đau khổ cho chúng ta.

 

Quá trình áp dụng thiền tập bao gồm việc nới lỏng tâm tham, vốn bị chi phối bởi sự ham muốn bất tận trong ta. Thiền tập mời gọi hạnh phúc đến với ta qua những điều đơn giản và cơ bản nhất trong cuộc sống.

 

Thiền tập được dạy trong kinh điển là hướng tâm ta vào đề mục nào đó để tâm không bị rong ruỗi đó đây, làm dịu cơ thể của chúng ta và giúp các giác quan của ta tìm thấy sự bình an và vui thích. Hy vọng rằng thiền tập mang lại hạnh phúc cho mọi người.

 

Thiền tập có thể mang lại cho mình sự bình yên, hạnh phúc, sức khỏe tốt  và nhiều lợi ích khác.

 

Thực hành chánh niệm có thể giúp chúng ta hòa nhập với đời sống hàng ngày một cách kỷ luật và an toàn hơn, chúng ta có thể thấy thực sự vô cùng quý giá trong tình trạng khủng hoảng như hiện nay.

 

Thiền có thể giúp chúng ta không hỗn loạn (như việc mua sắm trong mùa dịch), chánh niệm về hành vi của chính mình, cẩn thận hơn trong việc tiếp xúc với người và vật xung quanh. Thiền chánh niệm giúp chúng ta có ý thức rửa tay thường xuyên và quan tâm đến mọi người xung quanh trong việc chận đứng sự lây nhiễm của virus trong mùa dịch.

 

Nhiều người tin rằng Thiền cũng có thể giúp cho thế giới. Đại dịch đã ảnh hưởng đến giàu và nghèo (mặc dù cũng có những lo ngại nó có thể làm tăng sự bất bình đẳng). Thiền tập giúp chúng ta ý thức rõ về sự vô thường, già, bệnh và chết là điều không thể tránh khỏi và không có bất kỳ đặc quyền nào có thể chống lại được. Thiền hướng dẫn chúng ta tạo nên một cuộc sống hạnh phúc. Đối với một số người, điều này có thể giúp họ đánh giá lại những gì họ  cảm thấy mình không được may mắn.

 

Phật Giáo có khoảng 535 triệu tín đồ trên khắp thế giới, chiếm từ 8% đến 10% tổng dân số thế giới. Phật Giáo có thể được xem là một tôn giáo khác của thế giới và Đức Phật được xem đơn giản là một nhà tư tưởng và một giảng viên sâu sắc. Kết hợp với các giải pháp tâm lý và lợi ích sức khỏe mà thiền định có thể mang lại, chúng ta thấy rằng có thể áp dụng các khái niệm Phật giáo để mọi người suy ngẫm và tự giải cứu trong cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta.

 

Lược dịch theo tài liệu: “Thinking like a Buddhist about coronavirus can calm the mind and help us focus”. Sunday, 29 March 2020 19:08 Nishanathe Dahanayake, PhD Candidate, Ethics/Philosophy, University of New England
https://theconversation.com/thinking-like-a-buddhist-about-coronavirus-can-calm-the-mind-and-help-us-focus-134651


* Tác giả Nishanedit Dahanayake (Phật tử người Tích Lan, hiện là nghiên cứu sinh Tiến sĩ thuộc khóa Triết học thuộc Đại học New England, Sydney, Úc Châu)






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]