Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 2: Lớp A: Lược Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Từ Đản Sanh đến Thành Đạo, (Biên soạn: HT Thích Thiện Hoa, Giáo thọ: TT Thích Đạo Thông)

17/12/201915:05(Xem: 5769)
Bài 2: Lớp A: Lược Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Từ Đản Sanh đến Thành Đạo, (Biên soạn: HT Thích Thiện Hoa, Giáo thọ: TT Thích Đạo Thông)

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi- Tân Tây lan
KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU kỳ 19
được tổ chức tại Capital Country Holiday Park, 47 Bidges Road, Sutton  NSW  2620
(Canberra, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019)

***

LỚP A (NGƯỜI LỚN)

Bài  2:  

LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA (phần 1)

Từ Đản Sanh đến Thành Đạo

Biên soạn: HT Thích Thiện Hoa

Giáo thọ: TT Thích Đạo Thông


 

 

  1. Dẫn nhập: Bối cảnh lịch sử Ấn Độ  

Đời sống quốc gia dân tộc với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu, thiên nhiên, đã tạo dựng của xứ Ấn Độ có những rừng núi thâm u, dãy Hi Mã Lạp Sơn đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm được xuất hiện.  

Trước thời Đức Thế Tôn ra đời, về tư tưởng tôn giáo, triết học cũng như về mặt chính trị, kinh tế và xã hội thật vô cùng phức tạp. Với pháp điển Manoa (Mànu) hỗn hợp cả chính trị lẫn tôn giáo đã ấn định nhiều sinh hoạt đầy bất công trong xã hội và góp phần đưa hai giai cấp thống trị tăng lữ Bà La Môn, cùng Sát Đế Lỵ - vua quan lên ngồi vững chắc trên hai giai cấp thuộc hàng tiện dân, bị xã hội khinh miệt, không được luật pháp bảo hộ, không được dự chung phần tín ngưỡng và tán tụng kinh điển Phệ Đà, đó là hai giai cấp Phệ Xá và tệ hơn nữa là Thủ Đà La.

-Mặt xã hội do chế độ giai cấp nên cuộc sống xã hội không công bằng, nhân dân không được tự do, mà tư tưởng yếm thế nảy sinh, nạn mê tín hoành hành trong xã hội.

-Mặt tư tưởng lúc bấy giờ thành hai hệ thống: hệ thống Veda thì nhiều, đáng kể chỉ có lục đại học phái và hệ thống phản Veda thì có lục sư ngoại đạo.

Giáo lý Veda (Phệ Đà) diễn biến trong ba giai đoạn, thường được gọi là ba thời đại: Phệ Đà Thiên Thư (Veda 2500-1000 BC), Phạm Thư (Brahmana 1000-800 BC), Áo Nghĩa Thư (Upanishad 800-600 BC), đó là tình trạng biến đổi về tư tưởng tôn giáo của dân tộc Ấn Độ từ đa thần giáo sang nhất thần, và từ nhất thần sang lãnh vực triết học theo ba giai đoạn trên. Với diễn biến của 3 tư trào này, đã có những phái chịu ảnh hưởng của hệ thống Veda, căn cứ vào đó mở mang thêm cho giáo lý của mình có hệ thống hơn. Cũng có nhiều học giả thoát ly ra ngoài tư tưởng Veda, chủ trương tự do khảo cứu rồi thành lập phái triết học tự nhiên. Hoặc có trào lưu xã hội đã phát sinh tư tưởng hoài nghi, phủ nhận tất cả những giá trị tôn giáo, nhân quả và đạo đức. Các chủ nghĩa khác như: Khoái lạc, Ngụy biện, Khổ hạnh, Hoài nghi... tiếp tục nổi lên.  Các phong trào tư tưởng đó, hoặc dung hòa hoặc xung đột lẫn nhau, làm cho nền học thuyết của Ấn Độ lâm vào một tình trạng rất rối ren.

Sống dưới một xã hội có thể chế giai cấp đầy bất công; tư tưởng tôn giáo lại rối ren như thế, con người không còn biết tin tưởng, bám víu vào đâu. Giữa hoàn cảnh bế tắc ấy, Đức Phật xuất hiện như một mặt trời sáng ấm buổi ban mai, làm tan đi bóng tối của đêm đen dày đặc đã từ lâu che phủ cuộc đời. Ngài không chỉ là cứu tinh cho xứ Ấn Độ thời bấy giờ, mà còn là người vạch ra hướng đi mới của nhân loại. Đức Phật là người đầu tiên xướng lên thuyết Nhân bản, lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết mọi vấn đề bế tắc của thời đại. Cuộc đời Ngài là cả một bài thánh ca trác tuyệt, là một sự biểu hiện của biển lớn Trí tuệ và Từ bi, là ánh sáng, là con thuyền, là niềm tin cho mọi người, mọi xã hội, dù ở bất cứ thời gian và không gian nào. Do vậy chúng ta tìm hiểu về những nét chính về cuộc đời của Đức Thích Ca Mâu Ni từ Đản sanh đến Thành đạo.


B.Nội dung

I- Niên đại và thân thế

Đức Phật giáng sinh vào ngày 15 tháng 4 năm 623 BC tại vườn Lâm Tỳ Ni , cách thành Ca Tỳ La Vệ khoảng 15 cây số, nay là phía Tây Nam xứ Népal. Song thân Ngài là Quốc vương Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Thuộc dòng dõi Thích Ca, Vua Tịnh Phạn trị vì một vương quốc nằm ở ven sườn dãy núi cao ngất trời Hy Mã Lạp Sơn - nằm phía Đông-Bắc Ấn Độ, thủ phủ là Ca Tỳ La Vệ, nay là Népal.

Một hôm, trong thành Ca Tỳ La Vệ có lễ hội Tinh Tú, vua tôi cùng nhau cúng bái. Hoàng hậu Ma Da sau khi dâng hương hoa trong nội điện và ra khỏi ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho dân chúng, bà trở về cung an giấc, mộng thấy một tượng vương trắng 6 ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu mà chui vào. Các bốc sư đều cho rằng Hoàng hậu sẽ hạ sanh một quý tử tài đức song toàn. Nghe điều này, Vua Tịnh Phạn rất vui mừng, vì từ nay ngôi báu đã có người truyền nối.

Đến thời khai hoa nở nhụy theo tục lệ thời bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê cha là nước Câu Ly để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên quãng đường đi  Hoàng hậu Ma Da vào vườn Lâm Tỳ Ni thưởng ngoạn mùa hoa đang đua nở. Bên tàng cây vô ưu che rợp mát, sắc màu tươi sáng, hương thoảng nhẹ bay, Hoàng hậu đã hạ sanh Thái tử. Tin lành Thái tử chào đời nhanh chóng được loan truyền trong dân chúng. Tất cả thần dân trong vương quốc đều vui mừng không xiết kể.

Ngày Đản sanh Thái tử, khắp Ca Tỳ La Vệ cảnh vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông ngòi mương giếng trong đầy, chim chóc reo vang, hào quang tỏa khắp. Đó là ngày hội của toàn vương quốc. Dân chúng khắp nơi tổ chức ăn mừng và kéo về kinh đô Ca Tỳ La Vệ để vui với hoàng gia. Lẫn trong đám đông, có nhiều đạo sĩ tu hành trên núi cao, cũng đi về dự lễ và xem tướng cho Thái tử. Đạo sĩ già tên A Tư Đà là , ẩn tu trên Hy Mã Lạp Sơn- người được kính nể nhất vì đạo hạnh - đã chào Thái tử với thái độ rất mực cung kính, rồi cười và lại khóc. Được hỏi, đạo sĩ trả lời: ông cười mừng là vì Thái tử có 32 tướng tốt, nhất định tương lai sẽ tu chứng Phật quả, và với lòng từ thương xót chúng sanh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian này.

“.. Thái tử này sẽ chứng Tối thượng quả Bồ đề Sẽ chuyển bánh xe pháp Thấy thanh tịnh tối thắng vì lòng từ thương xót vì hạnh phúc nhiều người và đời sống phạm hạnh Được truyền bá rộng rãi...” (Sutta-Nipata, Kinh tập, 101)

Và ông khóc là vì tuổi đã quá cao, không còn sống được bao lâu nữa để trực tiếp được giáo hóa bởi Đức Thế Tôn tương lai này.”.. Thọ mạng ta ở đời Còn lại không bao nhiêu Đến giữa đời sống Ngài Ta sẽ bị mệnh chung Ta không được nghe pháp Bậc tinh cần vô tỉ Do vậy ta sầu não Bất hạnh và khổ đau” (Kinh tập, 103)

Lời tiên đoán làm Vua Tịnh Phạn lặng lẽ không vui. Trong lễ đặt tên, vua đặt tên con là Sĩ Đạt Đa-Tất Đạt Đa, họ là Cồ Đàm, với hàm ý là kẻ phải giữ chức vụ mà mình phải giữ; còn có nghĩa là người được toại nguyện, mọi việc đều thành tựu. Ý nhà vua là muốn gởi gắm tất cả vương quyền của mình vào đứa con yêu quý này. Hoàng hậu Ma Da qua đời sau 7 ngày hạ sanh Thái tử; vì thế, sự nuôi dưỡng đều được chăm sóc trực tiếp bởi dì Ma Ha Ba Xà Ba Đề, em ruột của Hoàng hậu Ma Da.


II. Đời sống của Thái tử trước khi xuất gia

1) Đời sống và giáo dục của Thái tử:

Thái tử Sĩ Đạt Đa  được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai lãnh vực văn chương và võ thuật; những thầy giáo giỏi nhất trong nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học đương đại như Thanh minh (ngôn ngữ, văn học), Công xảo minh (công kỹ nghệ học), Y phương minh (y học), Nhân minh (luận lý học) và Nội minh (đạo học); lúc ấy, Ngài vừa tròn 7 tuổi. Về đạo học, Thái tử đã được học 4 thánh điển Veda. Kinh ghi lại rằng, chỉ trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã học thông thạo 5 môn học trên. Với một tư chất đặc biệt, Thái tử đã làm cho hai danh sư nổi tiếng về võ là Sằn Đề Đề Bà và về văn là Tỳ Sa Mật Đa La phải cúi đầu thán phục. Ngoài sự thông minh dĩnh ngộ, Thái tử được mọi người quý kính về đức hạnh bao la của Ngài.

Trong một buổi lễ Hạ điền, giữa lúc mọi người mải mê xem lễ hội, Thái tử lúc ấy tuy còn nhỏ, đã lặng lẽ đến bên cội cây gioi (rose-apple) xếp bằng tĩnh tọa. Thấy con với dáng dấp trầm tư, tĩnh lặng, Vua Tịnh Phạn  đã phải kinh ngạc thốt lên: “Ôi, con thân yêu! Đây là lần thứ hai, cha nghiêng mình trước con!” (lần trước, khi thấy đạo sĩ Asita cúi đầu trước Thái tử, vua bất giác cũng nghiêng mình theo).

Càng yêu thương quý trọng con, Vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ Thái tử sẽ không nối nghiệp ngai vàng, mà sẽ xuất gia tìm đạo như lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà. Càng lớn lên, Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Bởi thế, vua cùng triều thần sắp đặt nhiều kế hoạch để giữ Thái tử ở lại với ngai vàng. Vua Tịnh Phạn đã cho xây 3 cung điện nguy nga, tráng lệ cho Thái tử thay đổi nơi ở hợp với thời tiết quanh năm của Ấn Độ. Hàng trăm cung phi mỹ nữ giỏi đàn ca hát múa được tuyển chọn để túc trực hầu hạ Thái tử. Đức Phật đã đề cập đến quãng đời này trong kinh Tăng Chi I như sau: “... Này các Tỳ kheo, ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá mức tế nhị; các hồ nước được xây lên, một hồ trồng hoa sen xanh, một hồ sen đỏ và một hồ sen trắng... Đêm và ngày, lọng trắng được che trên đầu ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ, sương. Này các Tỳ kheo, 3 lâu đài được xây dựng cho ta, một cái cho mùa Đông, một cái cho mùa Hạ và một cái cho mùa mưa... Các vũ công đàn hát múa xung quanh ta..” Nhưng những hạnh phúc trần gian không làm khuây khỏa được ưu tư của người có ý chí xuất trần.

Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc sống trầm thống khổ đau mà kiếp người phải đeo mang không lọt vào mắt, vào tai Thái tử, để đứa con yêu không có thời gian mà nghĩ đến ngày xích lại với quyết định xuất gia; khi Thái tử vừa tròn 16 tuổi, Vua Tịnh Phạn  vội tiến hành lễ thành hôn cho Thái tử với Công chúa một nước láng giềng - Da Du Đà La- con Vua Thiện Giác, một trang quốc sắc thiên hương, với hy vọng hương ấm tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi chân của Thái tử ở lại với ngai vàng.


2) Tiếp xúc khổ đau nhân thế:

Nhưng được một thời gian, do năng khiếu suy tư sâu sắc và lòng thương người vô hạn vô biên, Thái tử lại rơi vào tình trạng trầm tư lo lắng, luôn cảm thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn thắc mắc. Được phép vua cha, Thái tử lần đầu tiên được ra khỏi cung vàng điện ngọc và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong phạm vi giới hạn của cấm thành, Ngài chỉ được thấy những gì tươi đẹp của đời sống; và phần còn lại, phần nhiều hơn, phần tương phản với những gì Ngài hiểu biết, giờ đây nó đang sờ sờ trước đôi mắt ngỡ ngàng và xót xa của Thái tử Sĩ Đạt Đa. Lần lượt ra bốn cửa thành của hoàng cung, Ngài chứng kiến những sự thật đen tối và đáng sợ! Một cụ già chân mỏi, gối dùn; một người bệnh hoạn quằn quại; một thây ma hôi thối và một đạo sĩ ly dục nghiêm trang, tất cả đã làm cho tâm tư Thái tử dao động đến cực độ. Ngài càng nhận chân rằng tất cả những lạc thú, hạnh phúc mà mình đang thọ hưởng đều mang tính giả tạm vô thường. Cộng với lần tiếp chuyện cùng vị đạo sĩ ung dung, mà thoáng hiện đằng sau con người này một con đường giải thoát, Thái tử Sĩ Đạt Đa quyết định thoát khỏi ngục vàng, tìm ra một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn; một con đường dẫn tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của đời người và hướng đến an lạc. Giữa lúc ấy, một tin đưa đến khiến Ngài không vui: Công chúa Da Du Đà La vừa hạ sanh một hoàng nam. Thái tử đã thốt lên rằng: “Một trở ngại (ràhu) đã được sanh, một ràng buộc đã xảy ra”. Nhân câu nói này mà Quốc vương Tịnh Phạn đã đặt tên cháu là La Hầu La.


III. Sự từ bỏ vĩ đại

Với cõi lòng nặng trĩu vì thương chúng sanh chìm đắm trong bể khổ; một đêm, sau khi đến trước phòng nhìn lần chót người vợ và hài nhi yêu dấu đang say nồng trong giấc ngủ, Ngài cùng nô bộc Xa Nặc dắt con tuấn mã Kiền Trắc vượt thành ra đi.

Ánh sao khuya dẫn lối đưa đường, làn gió lạnh đẩy lùi tất cả lại sau lưng. Tình yêu thương phụ hoàng, di mẫu, vợ đẹp, con ngoan rất nồng nàn, nhưng trong Thái tử, lòng xót thương nhân loại đang chịu mọi nỗi bất hạnh lại còn da diết vượt trội hơn nhiều. Ra đi, Ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cả cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, người đau ốm, người nghèo, người tật bệnh, người bất đắc chí, người ngán ngẩm cuộc đời, người mang căm hờn oán giận... mà là sự hy sinh từ bỏ của một hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang, chứa chan hạnh phúc. Quả đó là một sự từ bỏ hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi không tiền khoáng hậu. Năm ấy, Thái tử vừa tròn Thái tử xuất gia năm 19 tuổi (theo Nam truyền Phật giáo, Thái tử xuất gia năm 29 tuổi).

 

IV. Quãng đường tu hành - tầm đạo

 Khi tới bên kia bờ sông Anoma, Thái tử dừng lại, cạo bỏ râu tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa Nặc; và bảo người nô bộc trung thành ra về tạ lỗi cùng phụ hoàng. Còn lại một mình, Thái tử ra đi với bộ áo màu vàng giản dị của người tu sĩ, sống cuộc sống không nhà của người xuất gia, ly dục ly trần, không nơi cố định.

 

Lúc bấy giờ, có nhiều trí thức lỗi lạc xuất gia trở thành những đạo sư tâm linh danh tiếng, quy phục được nhiều đồ đệ. Thái tử Sĩ Đạt Đa  trên đường đi tầm đạo cũng đã tới thụ giáo với hai vị đạo sư được tôn kính nhất thời ấy là A- la-ra Ka-la-ma và Uất Đầu Lam Phất và chỉ trong một thời gian ngắn, ngộ Vô sở hữu xứ định mà A- la-ra Ka-la-ma, đã chứng và đạt định Phi phi tưởng xứ mà Uất Đầu Lam Phất đã đạt. Biết rằng đây vẫn còn trong vòng sanh tử, Ngài lại ra đi, bỏ lại sau lưng lời yêu cầu ở lại cùng giáo hóa đồ đệ của hai vị đạo sĩ danh tiếng trên. Và thế là không còn ai để Ngài theo học đạo nữa.

 

V. Sáu năm khổ hạnh

Thời ấy, Ấn Độ còn có truyền thống và niềm tin rằng, người nào cầu đạo giải thoát đều phải nỗ lực và kiên trì tu khổ hạnh; Thái tử liền đi đến Uruvela, một thị trấn của Senàni và cùng với năm anh em ông Kiều Trần Như, Bạt Đề , Đề Bà, Ma Ha Nam và Ác Bệ, bắt đầu một cuộc tu khổ hạnh kéo dài đến 6 năm và dẫn đến kết quả là thân thể Ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm, không còn đi đứng được nữa.

 

Ngài đã trải qua những cảm giác nhức nhối, đau đớn tột cùng của thân thể, và Ngài đã kể lại trong kinh Trung Bộ kinh (Majjihima Nikàya) với những hình ảnh thật đáng sợ: “Ngài như bị ai khoan vào sọ với lưỡi khoan thật bén; như bị một lực sĩ dùng dây siết chặt đầu; bị tên đồ tể dùng dao rạch bụng; như bị nắm và quăng lên giàn hỏa thiêu sống”. Nhưng những cảm giác đau đớn ấy không hề ảnh hưởng và làm tổn thương đến tâm thức của Ngài. Ở đây, qua thực nghiệm, Ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu được ở bên ngoài, ở bất kỳ một bậc đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác; mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người và không thể dựa vào một tha lực nào khác. Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do một thôn nữ tên là Su Dà Ta dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng sông Ni Liên Thuyền. Năm người bạn đồng tu cho rằng Ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, họ bèn rời bỏ Ngài và đi đến Isipatana gần thành phố Ba La Nại

 

phat thanh dao



VI. Thành đạo

 Còn lại một mình, Ngài đến ngồi dưới gốc cây pippala (tất bát la, sau này gọi là cây bodhi - bồ đề); và với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào sơ thiền (thời niên thiếu, trong buổi lễ Hạ điền, Ngài cũng đã một lần vào thiền này), nhị thiền, tam thiền và lần lượt nhập lên tứ thiền, sau đó hướng tâm đến tam minh.

 

Với trực giác, Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn.

1.Ở canh một, Ngài chứng Túc mệnh minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình.

2. Sang canh hai, Ngài chứng Thiên nhãn minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sanh.

3. Qua canh ba, Ngài như thật quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau, và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau, và đã chứng Lậu tận minh. Sau cùng, Ngài chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp, lúc ấy sao Mai vừa mọc; và danh hiệu Đức Phật (Gotama), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy.

 

  1. C.   Kết luận

Quả thật cuộc đời của Đức Phật là một bậc thầy cao cả đáng tôn đáng kính của nhân loại, đã tôn xưng Ngài là bậc Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả.

-Đức Phật đã thắng cả ngoại ma lẫn nội ma, vượt qua tất cả dục vọng thấp hèn, Ngài thật xứng với danh xưng Đại Hùng, Đại Lực.

-Ngài vì lòng từ vô lượng đối với tất cả chúng sanh mà đi tìm con đường giải thoát cho mọi loài. Ngài xứng với danh hiệu Đại Từ, Đại Bi.

-Vì tình thương yêu rộng lớn, không bỉ thử, không thân sơ, nhân ngã ấy, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, uy quyền, lạc thú trần gian, cam chịu một cuộc đời sống trong kham khổ, đạm bạc thiếu thốn, giáo hóa đó đây, Ngài xứng với danh xưng Đại Hỷ, Đại Xả.

Sự xuất hiện của Đức Thích Ca Mâu Ni trong trần thế là cả một vinh hiển lớn cho con người và xã hội. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng; là hiện thân của chân lý giải thoát, là điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới. Nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã không xuất hiện ở đời. Ngài ra đời vì một mục đích trọng đại là chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình. Hay nói khác hơn, “vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” mà Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế gian.

 

Bằng cuộc đời của Ngài, bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong ba tạng kinh điển, Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát. Có thể nói, không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của đạo Phật chính là chỗ đó.

 

Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột rửa nội tâm để trở thành một bậc thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ, mỗi con người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hành bức thông điệp đó, bức thông điệp bất hủ mà Đức Phật đã trao cho loài người, cho mỗi chúng ta.

 

 

Câu hỏi hướng dẫn ôn tập

1). Bạn hãy nêu ra những đặc điểm trong tính cách của Thái tử Tất Đạt Đa trên quá trình tìm đạo.

2). Hãy trình bày bối cảnh xã hội và nguyên nhân Thái tử xuất gia tìm đạo.

 3). Thái tử đã nhận ra điều gì sau 6 năm khổ hạnh?

4). Vì sao Đức Phật được tôn xưng là đấng Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi, Đại Hỷ Xả?

 

Sách Tham Khảo:

1. Ban Hoằng Pháp Trung Ương- Phật Học Cơ Bản

2. Hòa Thượng Thích Minh Châu- Lịch Sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

3. H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch, Đức Phật lịch sử, Viện NCPHVN, TP HCM, 1997.

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567