Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 5: Lớp B: Các Thời Kỳ Suy Vong của PG Trung Hoa và Lịch sử 6 vị Tổ Thiền Tông Trung Hoa

07/12/201918:45(Xem: 4261)
Bài 5: Lớp B: Các Thời Kỳ Suy Vong của PG Trung Hoa và Lịch sử 6 vị Tổ Thiền Tông Trung Hoa

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi- Tân Tây lan
KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU kỳ 19
được tổ chức tại Capital Country Holiday Park, 47 Bidges Road, Sutton  NSW  2620
(Canberra, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019)

***


Bài  5: 
 
Lịch Sử Phật Giáo Trung Hoa (phần 2)

CÁC THỜI KỲ SUY VONG
& LỊCH SỬ 6 VỊ TỔ THIỀN TÔNG TRUNG HOA

Biên soạn: HT Thích Thiện Hoa
Giáo thọ: TT Thích Nguyên Tạng

Download file powerpoint:
 Lịch sử PG Trung Quốc


 

I/ CÁC THỜI KỲ SUY VONG CỦA PHẬT GIÁO TRUNG HOA

Như chúng ta đã biết, cuộc đời là vô thường, không có một cái gì thoát ra khỏi định luật chung ấy được. Đạo Phật Trung Hoa đã có thời kỳ cực thịnh, tất cũng phải có lúc suy vong, mà chúng ta sắp đề cập sau đây. Lịch sử PG Trung Hoa, khi nói đến thời kỳ suy vong của PG, thường tóm tắt trong một câu: “Tam Võ Nhất Tôn chi ách”, có nghĩa là thời kỳ suy vong của PG Trung Hoa nằm trong ba đời vua Võ (Thái Võ nhà Hậu Nguỵ, Võ Đế nhà Bắc Chu, Võ Tôn nhà Đường) và một đời vua Thế Tôn nhà Hậu Chu.


1.- Thời kỳ thứ nhứt.
- Dưới thời vua Thái Võ ( 439-450 T.L) trong lúc PG đang thịnh hành, vua chúa đang sùng mộ, giới Tăng sĩ mỗi ngày một đông, thì đến niên hiệu Thái-Bình Chơn-Quân thứ bảy (446 T.L) vì sùng mộ Đạo giáo dưới ảnh hưởng của Tể tướng Thôi Hạo (崔浩), do đề xuất của Thôi Hạo và tin rằng các Phật tử đã ủng hộ cuộc nổi loạn của Cái Ngộ (蓋吳), ông đã trở nên tàn bạo, tàn sát Tăng lữ và phá hủy kinh tượng, chùa tháp trong nước. Nhưng vận mệnh của kẻ bạo tàn không thể lâu dài được, cho nên bốn năm sau khi thi hành thủ đoạn tàn ác trên, Thái-Võ-Đế bị ám sát bởi một hoạn quan tên là Tông Ái (宗愛), người này đã lập con trai của Thái Võ là Thác Bạt Dư lên ngai vàng, song sau đó Thác Bạt Dư cũng bị ám sát. Các triều thần khác đã lật đổ Tông Ái và đưa cháu nội của Thái Vũ Đế là Thác Bạt Tuấn (con trai Thái tử Thác Bạt Hoảng, người đã chết trước đó) lên ngôi trở thành Ngụy Văn Thành Đế, vị vua này nhận thấy việc làm tàn ác, vô lý và nguy hại trên, nên đã xuống chỉ cho phục hưng lại Phật Giáo, nhờ đó đạo Phật dần dần lấy lại thanh-thế cũ.


2.- Thời kỳ thứ hai: 
Dưới đời Bắc Chu Võ-Đế ( 574 T.L). Đến đời Võ-Đế nhà Bắc Chu, Phật Giáo lại bị tai ách lần thứ hai. Do Thục quận công Vệ Nguyên Cao & Đạo sĩ Trương Khách dâng sớ diệt Phật nên, dù được Đại Trủng Tể Vũ Văn Hộ căn ngăn, nhưng về sau Chu Võ-Đế vẫn ra sắc lệnh hủy bỏ Phật Giáo, bắt các Tăng-sĩ về làm dân, xung vào binh nội; chùa chiền bị biến thành phủ đệ cho các vương hầu ở, dân chúng bị ngăn cấm không cho thờ cúng Phật, hàng Tăng lữ bị buộc phải hoàn tục. Nhưng ít năm sau, Chu Võ-Đế mất, Tuyên-Đế nối ngôi, lại sắc chiếu phục hưng Phật Giáo, truyền dịch kinh luận. Nhờ đó, đến đời Tùy, Phật Giáo mới trở lại thạnh hành, vua quan đều quy-y Phật pháp.


3.- Thời kỳ thứ ba: 
Dưới đời Võ-Tôn nhà Đường ( 840-847 T.L ), tai ách thứ ba của Phật Giáo Trung Hoa xảy ra vào năm 845 T.L. Như chúng ta đã biết, đời Đường là một giai đoạn cực thịnh của lịch sử Phật Giáo Trung Hoa, các vua chúa đời này đều sùng thượng đạo Phật. Nhưng đến đời Võ-Tôn là một ông vua sùng mộ Lão-giáo, nghe theo các đạo sĩ xúi giục, đã thẳng tay đàn áp đạo Phật cũng như các tôn giáo khác, phá hủy hơn 40 ngàn ngôi chùa, bắt 265.000 Tăng Ni hoàn tục; những chuông, tượng bằng đồng đều bị tịch thu để đúc tiền. Nhưng có lẽ các ông vua tàn ác không thể sống lâu, hai năm sau Võ-Đế mất. Vua Tuyên-Tôn lên ngôi, lại hạ sắc tu bổ chùa chiền, chấn hưng lại Phật Giáo.


4.- Thời kỳ thứ tư .-
 Dưới thời Vua Thế Tôn nhà hậu Chu ( khoảng giữa thế kỷ thứ X), PG Trung Hoa lại thêm một lần nữa bị hủy diệt. Vị vua kỳ thị Phật Giáo, nên đã sắc chỉ phá bỏ chùa chiền, có hơn 30.000 ngôi chùa bị đập phá, đem tượng đồng, chuông, khánh ra đúc tiền, các kinh tạng đều bị thiêu hủy. Trước tình trạng đen tối ấy, Phật Giáo Trung Hoa tưởng chừng như hủy diệt luôn. Nhưng không, đến thời Nhà Tống dành lại được thiên hạ, đã ra sức chấn hưng Phật Giáo và sai sứ sang Ấn Độ thỉnh kinh và Pháp sư về Trung Hoa để phục hưng Chánh Pháp.


II/ SÁU VỊ TỔ THIỀN TÔNG TRUNG HOA:

Kể về các tông phái Phật Giáo ở Trung Hoa, thì Thiền tông phát-triển mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Điều đó cũng không lấy làm lạ, vì Thiền tông rất thích hợp với phần đông căn cơ người Trung Hoa và các vị Tổ của Thiền-Tông là những vị Thánh Tăng rất được tín-đồ sùng mộ. Dưới đây chúng ta hãy biết qua về các vị Tổ ấy:


1/ Sơ Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma: 
Ngài người miền Nam Ấn Độ, thuộc dòng Sát Đế Lợi, là con trai thứ ba của Vua Hương Chí. Sau khi Ngài được Tổ Bát-Nhã-Đa-La truyền tâm pháp và phú chúc Ngài sang Trung Hoa truyền hóa vào đời vua Lương Võ-Đế ( 528 D.L). Ngài ngồi quay vào mặt vách đá tham thiền luôn trong chín năm, tại chùa Thiếu-Lâm. Ngài thị tịch tại chùa Thiên-Thánh ở vùng Võ-Môn, an táng tại núi Hùng-Nhỉ bên cạnh chùa Định-Lâm. Trước khi thị tịch, Tổ Đạt-Ma có nói bài kệ để phó-chúc cho đệ tử là Ngài Huệ-Khả, (Thành-Quang, người đã chặt cánh tay để cầu pháp). Bài kệ ấy như sau:

Ngô bổn lai tự độ,

Truyền pháp độ mê tình,

Nhứt hoa khai ngũ diệp,

Kết quả tự nhiên thành”.

Nghĩa là:

“Ta đến xứ Trung Quốc,

Thuyết pháp cứu mê tình.

Một bông nảy năm cánh,

Kết quả tự nhiên thành”.


2/ Nhị Tổ Huệ Khả: 
Đại sư Huệ Khả là người Bắc Ngụy, thành Lạc dương, họ Cơ, trước lấy hiệu là Thần Quang. Sau ngài được pháp của Tổ Bồ Đề Đạt Ma ở chùa Thiếu lâm tại Tung Sơn. Trong “Phật Tổ lịch đại thông tải” có chép: Có vị Tăng tên Thần Quang, đến tham kiến Tổ Bồ-đề Đạt-Ma tại chùa Thiếu Lâm. Sơ Tổ đang ngồi thiền, quay mặt vào vách. Thần Quang bền chí đứng đợi, không động. Người đứng giữa trời suốt đêm, tuyết đổ xuống phủ cao hơn đầu gối. Tổ Đạt-Ma thấy vậy hỏi rằng: “Ngươi đứng đã lâu giữa tuyết, vậy muốn cầu điều gì?” . “Xin Huệ Khả lại nói: “Tâm đệ tử bất an, xin Sư phụ an tâm cho con.”. Tổ bảo: “Đưa tâm của con đây, ta sẽ an tâm cho”. Một lúc lâu sau, Huệ Khả mới đáp: “Đệ tử tìm tâm không thấy”. Tổ nói: “Ta an tâm cho con rồi đó.” Không bao lâu sau đó, Sơ Tổ thị tịch. Ngài Huệ Khả được truyền thừa và trở thành Tổ thứ 2 của Thiền Tông Trung Hoa.


3/ Tam Tổ Tăng Xán: 
Không ai biết gốc gác, chỉ biết Đại sư Tăng Xán khi còn làm cư sĩ, thân có bệnh ghẻ lở, đến yết kiến Tổ Huệ Khả và thưa rằng: “Đệ tử bị bệnh tật từ trước vướng vít theo mãi. Nay thỉnh Hòa thượng sám hối tội lỗi cho.” Nhị Tổ đem lý tội tánh vốn không mà giảng cho nghe. Tăng Xán lại hỏi rằng: “Nay đệ tử được thấy Hòa thượng, nhưng đệ tử thật chưa biết Phật và Pháp là gì.” Tổ đáp: “Tâm là Phật, Tâm là Pháp. Phật và Pháp vốn không hai, Tăng Bảo lại cũng như vậy.” Tăng Xán nói: “Nay con mới biết tội tánh vốn chẳng ở trong, chẳng ở ngoài”. Và nhân đó được đại ngộ, sau 2 năm theo hầu hạ Tổ Huệ Khả được Tổ truyền y bát. Tổ Tăng Xán chỉ để lại đời một tác phẩm duy nhất là “Tín Tâm Minh”, một bản văn rất gọn, tự thuật lại kinh nghiệm tâm chứng của bản thân.


4/ Tứ Tổ Đạo Tín: 
Đại sư Đạo Tín, họ Tư Mã, sanh tại huyện Quảng Tế, tỉnh Kỳ Châu. Từ lúc bé thơ, Ngài tỏ ra khác lạ với đời, sùng mộ Không tông với các môn giải thoát. Năm 14 tuổi, Ngài đến lễ bái Tổ đời thứ ba là Tăng Xán, bạch rằng: “Xin Hòa thượng mở pháp môn giải thoát.”. Tổ hỏi: “Có ai buộc trói ngươi sao?”. Đáp rằng: “Không ai trói buộc cả”. “Vậy sao lại cầu giải thoát?”. Nghe xong, Ngài Đạo Tín liền đại ngộ. Sau khi được truyền pháp, Ngài Đạo Tín giữ bền tâm chí, chẳng hề nằm ngủ. Ngài trở về Kỳ Châu, trụ tại núi Phá Đầu, mở mang Phật giáo, giáo hóa chúng sanh, đạo pháp rất thâm sâu huyền diệu. Vua Thái Tông nhà Đường nghe danh tiếng Ngài, ra thánh chỉ triệu Ngài về kinh đô. Ngài từ tạ một cách khéo léo. Mời đến hai lần, nhưng Ngài vẫn không đến. Vua đành thôi, và gởi trân bảo cùng hàng lụa ban tặng cho Ngài. Ngài truyền lại cho đệ tử là Hoằng Nhẫn tiếp nối làm Tổ thứ năm.


5/ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: 
Đại sư Hoằng Nhẫn sanh ra tại huyện Hoàng Mai, tỉnh Kỳ Châu, mẹ là người họ Châu. Ngài hoằng hóa Phật Pháp vào thế kỷ thứ bảy Dương lịch, sau khi thọ lãnh Chánh pháp làm Tổ đời thứ năm, do Tứ Tổ Đạo Tín phó truyền. Ngay từ thuở bé, Ngài đã có cốt cách đặt biệt, khác lạ hơn những đứa trẻ thường. Truyện kể rằng: Có một vị đạo nhân già tên là Tài Tùng đến cầu đạo nơi Tứ Tổ Đạo Tín. Tổ dạy rằng: “Nhà ngươi già rồi. Nếu ta truyền pháp cho ngươi, thì ngươi làm lợi ích cho đời chẳng được lâu. Như ngươi đầu thai trở lại, ta sẽ nhẫn mà đợi”. Tài Tùng ưng thuận ra đi. Thấy người con gái họ Châu đang giặt áo dưới khe, ông gọi mà nói rằng: “Cho tôi ngủ nhờ một đêm.” Rồi ngay lúc ấy liền mạng chung, gá thành bào thai nơi cô gái ấy. Cha mẹ thấy con mình vô cớ mà có chửa, bèn đuổi đi. Nàng nhẫn nhịn khổ nhục để giữ bào thai. Đúng hạn kỳ, sanh ra một bé trai. Vì không có cha, nên thuở ấy người trong xứ gọi trẻ ấy là đứa trẻ “không có họ”. Mẹ con đi xin ăn mà nuôi nhau. Đến bảy tuổi,  đứa trẻ ấy nhân đi qua đường, gặp Tứ Tổ Đạo Tín. Ngài gọi “ Cậu bé không họ kia.” Đứa trẻ trả lời: “Con có họ mà.”. “Vậy con họ gì?”. “Con họ Phật.” Tứ Tổ nhớ lại lời hẹn xưa với ông đạo già Tài Tùng. Ngài liền nói với người mẹ, xin đứa trẻ đem về nuôi. Ngài lại đặt tên cho: “Vì con nên Tổ nhẫn chịu, không chết mà đợi con, lại vì mẹ con phải nhẫn chịu khổ nhục mà sanh ra con, nên Sư  phụ đặt tên cho con là Hoằng Nhẫn “. Tổ nhận Hoằng Nhẫn làm đệ tử, dạy cho học giáo pháp. Hoằng Nhẫn thông minh hơn người nên về sau trở thành môn đệ giỏi nhất, được Ngài truyền y bát cho nối tiếp mà làm Tổ đời thứ năm. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn giáo hóa tại chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai, tỉnh Kỳ Châu, môn đồ theo học có hơn ngàn người. Ngài thường khuyên hàng xuất gia cũng như tại gia nên trì tụng kinh Kim Cang, có thể tự mình thấy tánh và chứng đạo thành Phật. Vào năm 661, đời vua Cao Tông nhà Đường, có Ngài Huệ Năng trí huệ khác thường, hiểu được lý Bát nhã chân không, nên được Ngũ Tổ thân truyền y bát cho Huệ Năng làm Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa.


6/ Lục Tổ Huệ Năng: 
Là người đắc đạo lúc chưa xuất gia, là vị Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Hoa, là đệ tử truyền thừa của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài  họ Lô (zh. 盧) sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, nên không được đi học, lớn lên làm nghề bán củi để nuôi Mẹ. Nhờ có nhân duyên từ kiếp trước, nên vào năm 22 tuổi, đem củi cho người khách hàng đặt mua trước, khi giao củi xong, chàng đi ra thì nghe có tiếng tụng Kinh ngân vang từ bên trong căn nhà vọng ra, âm thanh kinh tụng trầm bổng ấm áp và hay quá, chàng không thể đi được nữa, chàng phải dừng lại chăm chú lắng nghe, từng câu từng chữ như rót vào lỗ tai của chàng và khi nghe đến câu “ Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, bất giác chàng như bừng tỉnh giữa đêm trường mộng mị, chàng mừng quá, nán lại đợi người kia tụng xong để hỏi thăm về bản Kinh kỳ diệu này.  Đoạn chàng hỏi “Bác tụng Kinh gì và học kinh ở chùa nào ?”, đáp: “Tôi tụng Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật và học Kinh này ở Chùa Đông Thiền của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài dạy rằng ai tụng Kinh này sẽ thấy tánh và sẽ thành Phật”. Chàng Tiều Phu liền xin địa chỉ để đến đó tu học. Qua tìm hiểu, người cư sĩ tụng kinh kia biết hoàn cảnh của chàng tiều phu đang nuôi mẹ già, nên đã phát tâm biếu 10 lạng bạc để làm ngân quỹ cho chàng nuôi mẹ già. Sau khi sắp xếp người giúp phụng dưỡng mẹ già xong, chàng tiều phu tạ từ ra đi, hướng về Chùa Đông Thiền, Xứ Kỳ Châu để gặp cho kỳ được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Sau 2 tháng trời băng đèo vượt suối, chàng tiều phu đã đến nơi an toàn, xin vào đảnh lễ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài hỏi “Con từ đâu tới, tới đây làm gì ?”, “ Bạch Sư Phụ, con từ Lãnh Nam tới, con tới đây chỉ cầu làm Phật”, “ Người Lãnh Nam là thứ dân man di mọi rợ, làm sao có thể làm Phật được hả con?”, “Bạch Sư Phụ, con người thì có phân Nam Bắc, chứ Phật Tánh thì làm gì có Bắc Nam ?”. Qua cách đối đáp, Tổ Hoằng Nhẫn nhận ra ngay đây không phải là người thường, nhưng không thể truyền pháp ngay mà cho xuống bếp làm công quả gánh nước, chẻ củi, giã gạo... Tám tháng sau, Ngũ Tổ thấy đã đến lúc phải truyền tâm ấn cho người kế thừa, nên tập chúng và ra lệnh cho chúng đệ tử mỗi người viết kệ trình bày sở chứng của mình. Lúc ấy chỉ có Thầy Thần Tú, một đệ tử lớn, tri thức xuất chúng, đã trình kệ:

"Thân thị Bồ đề thọ

Tâm như minh cảnh đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai.” 

Nghĩa là:

“Thân là cội Bồ đề,

Tâm như đài gương sáng,

Phải luôn nhớ lau chùi,

Chớ để dính bụi trần.”

Ngài Thần Tú so sánh thân người như cây Bồ-đề và tâm người như đài gương sáng và người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Lúc ấy, Tổ Huệ Năng đang giã gạo trong bếp, nghe đọc bài kệ biết người làm chưa tỏ ngộ đạo mầu, nên Ngài đã nhờ người khác viết bài kệ của mình như sau:

"Bồ-đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài,

Bổn lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai?”

 Nghĩa là: 

Bồ-đề vốn chẳng cây,

Gương sáng chẳng phải đài,

Xưa nay không một vật,

Nơi nào dính bụi trần?”

Nghe bài kệ, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Huệ Năng vượt hẳn Thần Tú, đã kiến tánh, nhưng sợ tổn hại đến Huệ Năng, nên nửa đêm gọi Ngài vào tịnh thất và thuyết trọn Kinh Kim Cang cho Ngài. Đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”( 應無所住而生其心), có nghĩa là: Hãy nương nơi không có chỗ nương mà khởi tâm kia”. Tâm kia chính là tâm giác ngộ, tâm giải thoát, nhận ra được điều này, Ngài hoát nhiên đại ngộ và thốt ra bài kệ này để trình lên Sư Phụ:

“Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Nào ngờ tự tánh vốn không dao động,
Nào ngờ tự tánh hay sanh muôn Pháp”.


Ngũ Tổ truyền y bát cho đệ tử Huệ Năng và khuyên đệ tử nên đi về phương Nam để lánh nạn. Mười sáu năm sau, Huệ năng hội kiến với Ấn Tông Pháp sư và được truyền giới Cụ túc. Qua năm sau, Ngài đến Trụ trì tại chùa Bảo Lâm. Tại chùa ấy, Ngài tuyên dương pháp giáo, đồ chúng theo về số đông vô kể. Đệ tử đắc pháp của Ngài cũng nhiều hơn các vị Tổ sư trước đây, về sau chia ra khắp các phương mà xiển dương giáo pháp Đại thừa. Tổ Huệ Năng giỏi biện luận, phá chấp cho người, làm cho họ liễu ngộ lẽ chân không, lẽ trung đạo. Những bài giảng của Ngài, sau được đệ tử ghi chép lại thành quyển kinh “Pháp Bảo Đàn”.


chua thieu lam


III/ KẾT LUẬN:

Sau khi đọc lịch sử truyền bá Phật Giáo ở Trung Hoa, chúng ta có thể rút ra một vài nhận xét bổ ích sau đây:


1/ Cũng như ở Việt Nam, các triều đại ở Trung Hoa khi mới lên ngôi, thì các ông vua khai quốc bao giờ cũng sùng mộ đạo Phật và khuyến khích sự truyền giáo, còn các ông vua cuối cùng, trái lại, thường hay hủy diệt PG trước khi mất ngôi. Những sự kiện ấy cho phép ta kết luận rằng: Các ông vua khai quốc phần nhiều những vị có đức hạnh và sáng suốt nhận thấy cần phải chấn hưng Phật Giáo thì dân chúng mới được thuần lương và nước nhà mới thịnh trị. Trái lại, các ông vua cuối cùng phần nhiều là những hôn quân vô đạo, nên đã hủy phá Phật pháp. Vì thế, nước đã loạn lại càng loạn thêm và các ngai vàng của các ông cũng sụp đổ theo với đà sụp đổ của đất nước.


2/ Phật Giáo ở Trung Hoa có lúc thịnh và lúc suy. Trong sự thịnh suy ấy, công và tội của các ông vua rất lớn, nhưng không phải là tất cả. Các ông vua chỉ tăng cường thượng duyên, còn nguyên nhân chính, động cơ chính vẫn là giới tín đồ và nhất là giới lãnh đạo Phật Giáo. Khi mà tín đồ có đạo hạnh và lòng tin tưởng mạnh mẽ, các nhà truyền giáo có nhãn quan sáng suốt, thì dù các ông vua có muốn phá đạo cũng chỉ phá được một phần nào thôi. Cũng như khi mà tín đồ thiếu đạo hạnh và lòng tin, các vị lãnh đạo thiếu tinh thần tiến thủ và sáng suốt, thì ông vua dù có muốn nâng đỡ đạo Phật, cũng chỉ nâng đỡ một phần nào thôi. Cho nên, bao giờ cũng thế, sự xây dựng hay sự phá hoại, trước tiên đều do ở bên trong mà ra cả./.


__________________________


Tham khảo tài liệu:
1/ Phật Học Phổ Thông, khóa 5 (NXB Đông Phương 2012). HT Thích Thiện Hoa

2/Thiền Sư Trung Hoa (Tu Viện Chơn Không xuất bản năm 1971). HT Thích Thanh Từ









Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567