Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

7 giấc mộng của tôn giả A Nan có ngụ ý gì?

12/07/201920:51(Xem: 7797)
7 giấc mộng của tôn giả A Nan có ngụ ý gì?

Ton gia Anan
7 giấc mộ
ng của tôn giả A Nan có ngụ ý gì?

 

KINH A NAN THẤY BY ĐIỀM MỘNG

A Nan Thất Mộng Kinh

(Tam Tạng Trúc Đàm Vô Lan nước Thiên Trúc dịch vào thời Đông Tấn) 

Ngài A Nan là đệ nhất đa văn, đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni trong 27 năm. Một hôm, Phật ở tại giảng đường nơi thành Xá Vệ của Vua Ba Tư Nặc, A Nan đứng hầu, trên mặt lộ vẻ buồn lo. Phật hỏi vì sao ra như vậy? A Nan mới thưa rằng trong một đêm, Tôn giả nằm mộng thấy bảy việc kỳ lạ cổ quái khiến lòng hoang mang lo sợ. Phật liền hỏi:

- Ông nằm mộng thấy bảy việc gì?

- Bạch Thế Tôn:

  1. Giấc mộng thứ nhất, con thấy trong vũng nước, tự nhiên lửa phựt cháy ngập trời.
  2. Giấc mộng thứ hai, con thấy mặt trời, mặt trăng lặn mất và tinh tú cũng lặn mất.
  3. Giấc mộng thứ ba, con thấy Tỳ kheo xuất gia lại ở trong hầm bất tịnh, còn hàng cư sĩ tại gia leo lên đầu Tỳ kheo đi ra.
  4. Giấc mộng thứ tư, con thấy bầy heo đến ủi rừng Chiên Đàn.
  5. Giấc mộng thứ năm, con thấy đầu đội núi Tu Di mà không có cảm giác nặng.
  6. Giấc mộng thứ sáu, con thấy con voi lớn bỏ con voi nhỏ.
  7. Giấc mộng thứ bảy, con thấy các thứ hoa đẹp rải tung trên đầu của sư tử chúa, lại thấy bảy sợi lông và con sư tử ấy đang nằm chết ở dưới đất. Tất cả loài cầm thú thấy thế nên kinh hoàng sợ hãi, sau thấy trùng trong thân sư tử chui ra rồi lại ăn thịt nó.

Lúc ấy, Tôn giả A Nan đem những điềm mộng này đến hỏi Phật. Đức Thế Tôn đang thuyết pháp ở giảng đường Phổ Hội. Ngài nói pháp về Tứ đế: Khổ – Tập – Diệt – Đạo cho Vua Ba Tư Nặc nghe. Vì trông thấy trên mặt A Nan hiện ra vẻ buồn lo sầu khổ không thể nói, nên Phật bảo ông: “Những điềm mộng mà ông đã thấy đều là điềm ứng hiện của năm trược đời ác ở mai sau, không có gì tổn hại đến ông đâu! Thế thì tại sao ông phải lo buồn?”.

Đức Phật mỉm cười nhân hậu và giải thích:

- Này A Nan! Bậc Thánh vốn không nói chuyện mộng mị. Nhưng mộng của ông quả thật kỳ quái.

  1. Thấy trong vũng nước có lửa bốc cháy ngập trời là ứng điềm các Tỳ kheo đời sau này tâm lành dần dần trở nên ít ỏi, ác nghịch mỗi lúc một lẫy lừng, lại còn giết hại lẫn nhau, thật không thể nói hết!
  2. Mộng thấy mặt trời, mặt trăng và tinh tú lặn mất là ứng điềm sau khi Phật nhập Niết Bàn thì tất cả các hàng Thanh Văn cũng nhập Niết Bàn theo Phật, không trụ lại nơi đời. Thật là con mắt của chúng sanh diệt mất.Để chánh pháp không bị lu mờ, Tăng đoàn sẽ yêu cầu ông tuyên dương chánh pháp.
  3. Mộng thấy Tỳ kheo xuất gia lại ở trong hầm bất tịnh, còn hàng cư sĩ tại gia leo trên đầu của Tỳ kheo mà đi ra là ứng điềm sau này các Thầy Tỳ kheo sẽ ôm lòng tật đố đến nỗi giết hại lẫn nhau, lại bị đạo sĩ chém đầu. Hàng bạch y thấy thế can ngăn trách móc, nhưng Tỳ kheo không chịu nghe theo. Vì thế, sau khi chết, tỳ kheo bị đọa vào địa ngục chịu khổ. Còn hàng cư sĩ vì tinh tấn tu hành nên sau khi chết được sanh lên cõi Trời hưởng thụ quả vui.
  4. Mộng thấy bầy heo đến ủi rừng Chiên Đàn là ứng điềm đời sau này, hàng cư sĩ tại gia vào chùa tháp phỉ báng chư Tăng,vạch tìm chỗ hay dở của họ, lại còn phá tháp hại Tăng.
  5. Mộng thấy đầu đội núi Tu Di nhưng không có cảm giác nặng là ứng điềm sau khi Phật Niết Bàn, A Nan sẽ làm Thầy của 1000 vị A La Hán, nói lại kinh điển không quên một câu. Người được giác ngộ cũng nhiều nên A Nan không có cảm giác nặng.
  6. Mộng thấy con voi lớn bỏ con voi nhỏ là ứng điềm đời sau này, bọn tà kiến dữ mạnh làm hoại nát Phật pháp. Những người có đức hạnh đều ẩn cư, không xuất hiện.
  7. Mộng thấy sư tử chúa chết là ứng điềm sau khi Phật Niết Bàn 1470 năm, trong thân tâm của những đệ tử vì tu hành đức hạnh nên tất cả các ác ma đều không nhiễu loạn được. Còn bảy sợi lông là ứng việc sau 700 năm vậy!

 

Bảy giấc mơ của Tôn giả A Nan cũng chính là lời dự ngôn cho Phật giáo trong thời mạt Pháp. Có nhiều Tăng Ni, mang danh là ‘đệ tử Phật’ nhưng không còn tuân thủ giới luật, không theo lời dạy của Phật, cũng không còn chân chính thực tu. Họ coi thường giới luật, chạy theo danh lợi, khiến giáo pháp của Phật bị hủy hoại từ bên trong.

Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người rằng Phật Pháp SUY VI không phải do ngoại đạo hay do mạt pháp mà là do Tăng-Ni, Phật tử “MẠT TÂM”. Thực trạng Tăng lữ phá Giới, tà dâm – lợi dưỡng, buôn Kinh bán Phật, lạm dụng Phật Pháp làm kế sinh nhai… diễn ra nhan nhãn khắp nơi; còn Phật tử thì thiếu Chánh Kiến – Chánh Tín, thường hay mê tín cầu xin, lại nhẹ dạ – cả tin – thần thánh hóa tu sĩ xuất gia đến nỗi mù quáng mà không phân biệt tỏ tường bậc Chơn tu với Tà sư – giả tu, vô tình tiếp tay nuôi dưỡng cho Tà hạnh và Ma sự ngày càng phát triển ở chốn Phật môn…, tất cả tạo thành PHÁP NẠN vô cùng nhức nhối hiện nay, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cao quý – giải thoát vốn có của Đạo Phật trong mắt mọi người, từ đó thiêu rụi tín tâm, duyên lành hướng về Tam Bảo, phát tâm Bồ-Đề của biết bao người muốn hướng về Phật tu hành giác ngộ.

Đạo Phật chỉ nhìn vào nhân tâm chứ không nhìn vào hình thức, khoác áo Thầy tu mà chẳng chân tu thì cũng chỉ là một người bình thường mà thôi. Cũng giống như trong Lục Tổ Đàn Kinh đã viết: “Thánh nhân cầu tâm bất cầu Phật, ngu nhân cầu Phật bất cầu tâm”, nghĩa là: Bậc Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, kẻ ngu muội chỉ cầu Phật chẳng cầu tâm…

Người thời nay học sai, hiểu sai và thực hành sai giáo pháp của Phật, cũng như học nhiều mà không thực hành chỉ nói suông nên không đủ đạo lực để cứu lấy chính mình và phá trừ ngoại đạo tà kiến, nên mới khiến cho quần chúng, Phật tử sanh nghi ngờ nơi Tam Bảo, mới dễ bị ngoại đạo thuyết phục bằng nhiều cách như tiền tài danh lợi, chạy theo tà kiến si mê lầm lạc trái nhân trái quả của họ. Thật đáng buồn thay!

Do vậy bổn phận của người đệ tử Phật là phải học cho kỹ về lời dạy của Đức Phật, chư Tổ giác ngộ đi trước, và thiện tri thức cùng minh Sư trong hiện tại, và y như pháp mà thực hành. Đệ tử tại gia hay xuất gia ai ai cũng làm tròn bổn phận của mình, hỗ trợ nhau, làm thiện tri thức của nhau trên con đường thật tu, thật ngộ của Phật. Có như vậy thì đức hạnh của mỗi người tự lan tỏa và chan hòa khắp muôn phương, chúng sanh đều được nương nhờ lợi lạc, vững tâm, chánh tín, và thành kính đối với Tam Bảo, làm đẹp cho đời cho đạo trong hiện tại và mãi tận đời vị lai.

Muốn cùng nhau lăn chuyển bánh xe chánh pháp của Phật, người đệ tử Phật phải có Tu Đức, nghĩa là mỗi người Phật tử bất luận tại gia hay xuất gia đều phải có sự thực hành và áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày, hơn là tin và nói suông. Xuất gia thì nỗ lực học đạo tham thiền, tầm cầu minh Sư khai mở đạo nhãn, nhiếp tâm nơi chỗ một niệm chưa sanh, quyết làm tròn chí nguyện xuất gia ban đầu, tức thượng cầu giác ngộ, dưới hóa độ chúng sanh (Thượng Cầu Hạ Hóa), lấy giác ngộ giải thoát làm mục tiêu và sự nghiệp duy nhứt của đời mình (Duy Tuệ Thị Nghiệp). Tại gia thì chăm lo việc làm tròn bổn phận cho gia đình, xã hội, và bổn phận của người Phật tử tức là một đời Quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng, quyết chẳng theo Thầy tà bạn ác, bỏ ác làm lành giữ tâm trong sạch, thân cận chư Tăng để học hỏi và trợ giúp các Ngài tu đạo, hoằng pháp, lợi sinh. Mỗi bên ai nấy đều tròn bổn phận tu đức, hỗ trợ lẫn nhau cùng nhau lan tỏa giới đức, thì mùi hương của đức hạnh tự tỏa khắp muôn phương, những ngọn đèn trí tuệ tự sẽ thắp sáng khắp những nẻo đường đen tối, khiến chúng sanh có chỗ nương về, và rồi chính họ cũng tự thắp sáng ngọn đèn trí tuệ của chính họ, được an vui giải thoát thật sự.

Tất cả những gì Đức Phật để lại, đó chỉ là những hình thức giáo dục, nhằm giáo dục cho một đối tượng nào đó, không phải là ‘chân lý’. Nhưng ngang qua những hình thái giáo dục này, sẽ cho chúng ta một đạo lý. Cái đạo lý đó là chân lý, là cái ‘bất biến’ là tinh thần giáo dục của Đức Phật. Đó là lý do tại sao trong ‘Kinh Thiện Pháp’. Đức Phật yêu cầu một người xuất gia phải hoàn thiện 7 điều kiện cần thiết này, hay nói đúng hơn một người xuất gia muốn thành tựu mục đích ‘Thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh’ thì phải thành tựu (1) biết pháp, (2) biết nghĩa, (3) biết thời, (4) biết tiết độ, (5) biết mình, (6) biết chúng hội và (7) biết sự hơn kém của người. Nó là điều kiện cơ bản cho việc tự lợi và lợi tha, là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia.

Thiết nghĩ người tu Phật chúng ta, tại gia cũng như xuất gia, hãy nghiêm trì Giới luật, sống đời phạm hạnh – thiểu dục tri túc, an bần thủ đạo, tinh tấn dụng công (niệm Phật, tham thiền, trì chú), tu hành miên mật, đừng giải đãi – hý luận – buông lung – lười biếng; hãy thắp lên tinh thần Bi-Trí-Dũng để gạn đục khơi trong, hồi Tà hiển Chánh, thanh trừng bọn Tà sư – giả tu, trả lại sự tôn nghiêm cao quý nơi Tam Bảo cho thập phương chúng sanh tìm về nương tựa tu hành, như lời Phật dạy năm xưa: “Sau khi Ta nhập diệt, các con hãy lấy Giới luật làm Thầy, tự đốt đuốc Trí huệ mà đi, nương theo Diệu Pháp Như Lai mà tu hành, tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn. Các con, những đệ tử của Ta, hãy cùng nhau Hộ trì Phật Pháp, đừng để đoạn diệt”. Làm được vậy tức đã góp phần CHẤN HƯNG – HỘ TRÌ Phật Pháp, không phụ ƠN PHẬT, không hổ thẹn là CON PHẬT.

Mong sao những ai đang lầm đường lạc lối sớm tỉnh giác mà sám hối, ăn năn, điều phục thân tâm tu hành chơn chánh!

Mong sao tất cả chúng ta hãy chân thật tự xét lại mình, với sự tu hành và bổn phận của một người CON PHẬT đối với Đạo Pháp, đã làm tròn và xứng đáng với CHƯ PHẬT hay chưa?…

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

An cư PL 2563

Tỳ Kheo Thích Chúc Xuân

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]