Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cúng Dường Trai Tăng và Lễ Lạy Trong Mùa An Cư

10/07/201712:03(Xem: 12145)
Cúng Dường Trai Tăng và Lễ Lạy Trong Mùa An Cư


buddha-5
CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG & LỄ LẠY TRONG MÙA AN CƯ

Tỳ kheo Thích Nguyên Trực

(An cư Phật lịch 2561 - Dương lịch 2017)


Theo Giới luật, mỗi năm đến mùa An cư Kiết hạ, chư Tăng Ni đều phải tập trung một nơi thích hợp để nhập hạ Kiết giới – Bố tát, nhằm nỗ lực tu tập thiền định, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới định tuệ, cùng nhau hoà hợp thanh tịnh, sách tấn tu tập. Nơi này được gọi là trường hạ

An cư Kiết hạ: Thu thân một chỗ an tịnh nội tâm là AN, tập trung một chỗ trong suốt một thời gian nhất định nào đó là CƯ, lập tâm một chỗ là KIẾT, ở một chỗ vào mùa hè là HẠ

An cư Kiết hạ vẫn được một vài giáo hội Phật giáo VN hải ngoại tổ chức hằng năm, nhưng thời điểm KIẾT HẠ hoặc KIẾT ĐÔNG và thời hạn an cư được chư Tôn đức trong các giáo hội Phật giáo VN hải ngoại “tuỳ duyên ứng biến”. Thay vì ba tháng An cư như Phật qui định nay chỉ vỏn vẹn mười ngày, như tại các trường hạ Giáo hội Phật giáo Úc châu tổ chức hàng năm

Trong những ngày an cư kiết hạ, chư Tăng Ni thúc liễm thân tâm hơn nữa, chuyên chú tâm học Kinh Luật Luận và hành thiền định, truyền trao kinh nghiệm người đi trước cho người đi sau. Ngoài ra, nhờ sự tụ họp sống chung một nơi, chư Tăng dễ bề kiểm thảo, nhắc nhở, khuyên dạy sách tấn lẫn nhau, làm cho nết hạnh và nhân cách được dồi mài thêm cho tinh nghiêm, để cho xứng đáng là Thích tử, là trưởng tử Như lai, là phước điền của chư Thiên và nhơn loại. Mỗi mùa an cư sau lễ Tự tứ là tăng thêm một tuổi đạo cùa cuộc đời một người tu sĩ còn gọi là Hạ lạp. Đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có dịp thân cận chư Tăng học tập giáo pháp, đồng thời là cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì cúng dường vật thực chúng Tăng trong suốt mùa An cư.

Như đức Phật đã dạy, bổn phận của chư Tăng Ni là giữ gìn trọn vẹn giới luật đã thọ, đồng thời học và thực hành Phật pháp, rồi đem sự hiểu biết đó hướng dẫn lại cho Phật tử tu học.Về phần giới cư sĩ Phật tử thì cung cấp những sự cần thiết cho đời sống của người tu sĩ, như nơi cư trú, y phục, thực phẩm, thuốc men…. Sự phân nhiệm này có mục đích dành cho giới tu sĩ có nhiều thời gian để chuyên tâm tu hành, nguyên cứu kinh điển… và hành thiền, để mau tiến bộ trên đường tu tập, để rồi qua sự tiến bộ đó, sự truyền dạy giáo pháp lại cho giới cư sĩ cũng đạt được nhiều hiệu quả. Mối quan hệ này đã lưu truyền trong khắp các truyền thống Phật giáo, dù khác hình thức, tông phái.

Tại Châu Á, chư Tăng Ni thường được giới cư sĩ Phật tử kính trọng và săn sóc chu đáo, vì Phật tử tại những nơi này vốn có truyền thống tôn quý Kính Phật trọng Tăng. Dù là vậy, tu sĩ nên tự coi mình như những người phục vụ, để không trở thành kiêu ngạo khi được Phật tử cung kính cúng dường. Nếu tu sĩ lại nổi lên tâm kiêu ngạo khi hưởng sự cung kính, thì đường tu của chính họ lại bị thoái hóa.

Tại xứ Tây và âu mỹ thì mối quan hệ giữa giới tu hành và giới cư sĩ vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng dân chủ, và ít phân chia giai cấp, vốn sẵn có trong bản chất của các xã hội xứ Tây, Âu mỹ. Như thế cũng có điều lợi, mà cũng có điều bất lợi. Thí dụ, người tu sĩ phương Tây không luôn luôn được tu viện, hoặc nơi họ cư ngụ, cung cấp đầy đủ về mặt tài chính, cho các chi phí trong đời sống hàng ngày, người dân xứ Tây, Âu mỹ cũng không có thói quen cúng dường. Kết quả là có những Tăng Ni (trong đó có những Tăng Ni người Việt Nam) phải kiếm thêm việc làm bên ngoài, để có đủ phí chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết của bản thân. Có người kiếm đủ sống qua ngày, nhưng khi ốm đau, hoặc muốn đi hành đạo, hoặc tham dự những khóa tu thì họ sẽ gặp khó khăn về chuyện tiền bạc…

Như thế, truyền thống cúng dường vốn là một tập tục rất quan trọng và tốt đẹp của nhà Phật. Cúng dường cũng chính là bố thí, chỉ khác nhau ở danh xưng. Cúng dường chư Tăng Ni sẽ tạo thói quen tốt cho hạnh tu bố thí, xả bỏ, trong tinh thần tứ chúng đệ tử Phật hỗ trợ lẫn nhau, chư Tăng Ni bố thí các lời dạy gọi là Pháp thí và Phật tử bố thí phẩm vật, tài vật để chư tăng ni thọ dụng gọi là Tài thí. Sự bố thí này được dùng bằng từ ngữ cung kính gọi là cúng dường. Truyền thống đó vẫn được tứ chúng Phật tử gìn giữ và thực hành suốt chiều dài của lịch sử Phật giáo từ trên hai ngàn rưỡi năm nay.

Cúng dường và bố thí vốn cùng một nghĩa “cho“. Cái gì của mình mà có thể đem ra “cho” người khác, thì gọi là “cho“. Riêng danh từ “bố thí” được dùng để chỉ trường hợp “cho” những người mình cần cho. Và trường hợp khi một người Phật tử đem những gì của mình ra “cho” Tam Bảo, vốn là nơi nương tựa của mình, thì gọi là “cúng dường“.

Việc Cúng dường trai tăng, đây là người Phật tử noi theo tấm gương chí hiếu của tôn giả Đại Hiếu Mục Kiền Liên khi xưa. Vì chính Tôn giả là người đứng ra tổ chức thiết lễ trai tăng cúng dường đầu tiên vâng theo lời Phật dạy, để cầu siêu cho thân mẫu của Ngài. Từ đó, mới có lễ cúng dường trai tăng. Buổi lễ trai tăng được các chùa theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông thực hiện vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm, sau khi chư tăng ni làm lễ “Tự tứ” mãn hạ. Đồng thời cũng là dịp nam nữ Phật tử thành tâm dâng lên phẩm vật để cúng dường Tam bảo và hiện tiền tăng.

Noi theo truyền thống đó, nên người Phật tử mỗi khi trong thân quyến có người thân qua đời (thông thường là đến 49 ngày cúng chung thất), thì họ thường thiết lễ cúng dường trai tăng ở trong chùa, hoặc có đôi khi tổ chức tại tư gia. Điều nầy, còn tùy thuộc vào khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng phần lớn là người Phật tử thường tổ chức lễ trai tăng ởchùa. Vì tổ chức ở nhà có nhiều điều bất tiện hơn.

Cúng trai tăng bây giờ khác hơn so với thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Ai cũng biết, các Phật tử thời Phật cúng trai tăng chủ yếu là dâng cúng thực phẩm (bao gồm tứ sự và một số vật dụng thiết yếu cho người xuất gia) mà không hề cúng tiền mặt. Ngày nay, một lễ cúng trai tăng thông thường ngoài thực phẩm ra thì tiền mặt là một trong những lễ phẩm căn bản. Tuy nhiên, sự khác biệt này cũng có lý do. Trải qua hơn 25 thế kỷ, xã hội có vô vàn thay đổi, sinh hoạt của chư Tăng cũng nhiều thay đổi nên cách thức cúng trai tăng có khác xưa cũng là điều tất nhiên. Dù cách thức có khác nhau nhưng tựu trung vẫn không ngoài việc hộ trì cho chư Tăng Ni có đủ phương tiện tu hành, xây dựng Tam bảo và làm Phật sự lợi đạo, ích đời. 

Mục đích cúng dường là để quý Tăng Ni không cần lo về 4 sự việc ăn, mặc, ở, bệnh, chú tâm lo tu hành rồi hướng dẫn đạo pháp cho Phật tử, làm cho Phật Pháp trường tồn trên thế gian này. Cúng dường Trai Tăng dựa trên nền tảng tự phát tâm, tự nguyện của gia chủ Phật tử. Quý Phật tử cúng dường không vì danh lợi, cúng dường với tâm không ngã mạn, hay ỷ mình cúng dường nhiều xem thường quý Tăng Ni ... Do đó, “lễ bạc mà lòng thành” là một trong những nguyên tắc quan trọng, không thể thiếu trong khi thực thi Phật sự cúng dường này. 

Lễ cúng dường Trai tăng có đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, người cúng, vật cúng, người thọ nhận đều thanh tịnh đúng pháp. Hơn nữa, cuộc lễ không phải dâng cúng riêng một cá nhân nào mà là chung cho chư TỳKhưu Tăng đã Kiết hạ an cư, Vì vậy việc cúng dường chư Tăng Ni trong ngày Tự tứ cần sự đồng nhất, không có ý niệm riêng biệt, người thọ cũng không có niệm riêng biệt và sự quân phân cũng giống nhau, thực hành đúng theo tinh thần giới luật của Đức Phật thì phát sanh phước báo cao quý cho người thí chủ mà chư Tăng thọ thí cũng được công đức. Vì thế, nếu cúng dường nhiều mà tâm không thanh tịnh vì danh lợi, hay không thành tâm thì cho quả rất nhỏ.

Để tỏ rõ lòng tôn kính Tăng Ni, bậc Thầy dẫn dắt ra khỏi bến mê, bước lên bờ giác. Cho nên đôi khi chúng ta trông thấy trong những buổi lễ dâng y, hoặc trai tăng, Tăng Ni hoặc Phật tử dâng lễ vật đồng thời còn quỳ lạy những Tăng Ni thọ nhận, tất cả cũng là vì tỏ lòng cung kính cúng dường mà thôi.

Xung quanh vấn đề “xụp lạy giữa người và người” này, đã nảy sinh ra một số suy nghĩ lấn cấn, có lẽ chúng ta cũng nên bàn tới.

Nhìn những cụ già mái tóc bạc phơ, nam nữ, trẻ em… quỳ ngoài sân xì xụp lạy để tác bạch lên chư Tăng Ni ngồi bên dãy bàn ăn trong buổi lễ cúng dường Trai Tăng, người ngoài cuộc, người không hiểu đạo cảm thấy trong lòng sao mà bất nhẫn quá.

Xin thưa: Cúng dường và lạy ở đây không phải lạy một cá nhân Tăng Ni nào mà là lạy ba ngôi Tam bảo: Phật Pháp Tăng, lạy hiện tiền tăng đại diện cho Thập Phương Tăng, Thập Phương Chúng Tăng hay Thập Phương Đại Đức Chúng Tăng, ba từ ngữ này chỉ là một.

Bởi vì Tăng hay Tăng già, là dịch âm từ Phạn ngữ Sangha. Dịch ra là Chúng. Muốn được gọi là Chúng thì phải từ Bốn vị trở lên, có cuộc sống hòa hợp với nhau theo nguyên tắc của phép lục hòa, như vậy mới được gọi là Chúng hay Tăng. Tăng Chúng hay Chúng Tăng là được ghép từ Hoa - Phạn. Cho nên danh từ Thập Phương Tăng là chư Tăng ở khắp mọi nơi. Khi tất cả những vị này đều tập hợp lại một chỗ, trong một thời gian nào đó (như những lúc Chư tăng câu hội an cư ở một đạo tràng),thời gian dài ngắn, lâu mau hay vĩnh viễn, v.v… với số lượng từ bốn vị hay nhiều đến bao nhiêu, được gọi là Thập Phương Tăng, nghĩa là có khả năng đại diện Thập Phương Chúng Tăng.

Lạy Phật là phương pháp điều tâm để thanh tịnh ba nghiệp: thân, khẩu và ý (tư tưởng, ngôn ngữ và hành động). Về phương diện lý thì có bốn phép lễ lạy:

a) Phát trí thanh tịnh lễ: Trong phép này, người hành lễ phải thấu suốt rằng cảnh giới của Chư Phật đều tùy tâm hiện bày, nên lạy một Đức Phật, tức là lạy tất cả Chư Phật, lạy một lạy, tức là lạy tất cả Pháp giới, vì Pháp thân của Phật dung thông. 

b) Biến nhập pháp giới lễ: Trong pháp này, người hành lễ phải tự quán thân, tâm cùng tất cả các pháp, từ hồi nào đến giờ đều không rời pháp giới. 

c) Chánh quán lễ: Trong pháp này, người hành lễ lạy Đức Phật ngay nơi tự tâm của mình, chứ không duyên với Đức Phật nào khác, vì tất cả chúng sanh từ xưa đến nay, đều sẵn có Phật tánh viên mãn, bình đẳng và chân giác. 

d) Thật tướng bình đẳng lễ: Trong pháp lễ này, người hành lễ không thấy có tự, có tha; người và mình là một, phàm và Thánh nhứt như, thể và dụng không hai. Do đó, Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồtát có nói: "Năng lễ, sở lễ tánh không tịch", nghĩa là người lạy, và đấng mình lạy, thể tánh đều vẳng lặng. Như thế mới thấu đáo và hợp lý Bát Nhã. 

Cúng dường và lễ lạy ba ngôi Tam bảo, hiện tiền Tăng là do lòng tri ân sâu xa của chúng ta đối với ân Tam bảo; Chư Tăng, nếu có đủ giới hạnh thanh tịnh, là những Thầy sáng, bạn lành của chúng ta. Vì thế, chúng ta kính thờ, thân cận các Ngài để học hỏi đường lối tu hành, nếu lạy một cách thành tâm, thiện chí và đúng ý nghĩa, thì sẽ đem lại cho người lạy rất nhiều lợi ích trong hiện tại và vị lai: 

1. Tiêu trừ nghiệp chướng: Trong sự sám hối, thành tâm đảnh lễ mười phương chư Phật bằng cả thân tâm của mình. Quán chiếu sâu xa nguồn gốc tội lỗi, cùng bản tánh của tội lỗi. Quán tưởng hào quang chư Phật mười phương hiển hiện trước mắt, cũng như Phật tánh trong tự tâm tỏa rạng. Nhờ Phật lực hộ trì cùng nỗ lực tự tâm để thanh tịnh ba nghiệp. Với sự sám hối đó các ác nghiệp và chướng duyên đều được chuyển hóa.

2. Thiện căn tăng trưởng: trong khi lễ lạy, hồi hướng cho kẻ thân người thù đều được lợi lạc, đều được thành tựu sự nghiệp giác ngộ giải thoát. Như thế Bồ Đề Tâm (thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh) được nuôi dưỡng, lòng từ bi được phát triển. Sự lễ bái hàng ngày đem lại cho chúng ta nguồn an lạc vô biên. Sự an lạc này giúp cho phiền não tiêu tan, sự trầm tĩnh trở lại trong tâm hồn và lòng thương cũng phát sinh đối với người ghét.

3. Đức khiêm cung phát sinh: Trong khi hạ mình xuống sát đất để lạy Phật là để chuyển hóa tâm kiêu mạn của mình, mỗi ngày Lạy Phật để hồi hướng công đức về thiên, về địa, về đất nước, về sư trưởng, về ông bà cha mẹ... để cảm nhận trùng trùng ân nghĩa. Để thấy sự thành tựu của mình hôm nay là công ơn tác thành của nhiều người. Để từ đó tâm khiêm nhường phát sinh. Trong Kinh Đức Phật thường dạy, tâm khiêm nhường là cửa ngõ của trí tuệ và là con đường đưa đến giải thoát.

Như vậy, người được lạy dù ít hay nhiều, có thể là một hay mấy vị đi nữa, thì một hay nhiều vị đều đại diện cho Thập Phương Tăng mà thọ lễ hay thọ cúng. Mặc dầu những vị thọ lễ hay thọ cúng, nhìn vào tuy thấy ít, nhưng ý nghĩa rất sâu rộng là vị được thọ lễ hay thọ cúng cả Thập phương Tăng,Phước đức là cúng cả Thập phương Tăng vậy.

Có câu: “Kẻ “cho” “được hưởng” nhiều hơn người nhận”. Đúng là như vậy. Người nhận chỉ được chút vật chất. Người cho được toàn bộ niềm vui về tinh thần, được hưởng dư âm của niềm an lạc về hành động cao quý của mình.

Thế nên, có vị thiền sư đã nói, “người đem cho” phải cảm ơn “người nhận”. Đúng vậy, vì “người nhận” đã trải phước điền, là ruộng phước, để “người đem cho” trồng cây phước.

Là Phật tử tại gia, việc lễ lạy cúng dường hộ trì Chư Tăng, Chư Ni nhân mùa An cư Kiết hạ là để tu tập cũng là bổn phận của Phật tử chúng ta, nhằm tu tạo phước điền, hộ trì Chánh Pháp, duy trì mạng mạch Phật giáo trường tồn.

Tỳ kheo Thích Nguyên Trực

(An cư Phật lịch 2561 - Dương lịch 2017)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]