Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khuyến tấn huynh trưởng dự Đại Hội

27/09/201604:53(Xem: 6131)
Khuyến tấn huynh trưởng dự Đại Hội

HT Thich Thai Hoa (11)
PHÁP THOẠI

Của Thượng Tọa Thích Thái Hòa khuyến tấn Đại Hội GĐPTVN trên Thế giới tại Bangkok

(Thủ Đô Thái Lan) ngày 06-07-08-09 và 10/10/2008

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư Tôn Đức,

Cùng tất cả Anh Chị Em Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam khắp các châu lục hiện hữu trong Đại Hội quý mến :

Thưa liệt quý vị,

 

Tôi không thể trực tiếp tham dự để Chứng Minh Đại Hội đúng như sự thỉnh mời của Ban Tổ Chức Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, từ quê nhà tôi nhất tâm cầu nguyện Tam Bảo, Lịch Đại Tổ Sư, Chư Anh Linh Thánh Tử Đạo và Hồn Thiêng sông núi, gia hộ cho Đại Hội tổ chức được thành công tốt đẹp.

Và sau đây tôi xin gởi bài Pháp Thoại này đến chia sẻ với Đại Hội như sau:

Thưa liệt quý vị,

Đức Thế Tôn của chúng ta đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tính”, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có khả năng hướng thượng để mong cầu tuệ giác hoàn toàn và cũng đều có khả năng thực hiện tình thương đối với tất cả mọi loài, để khai mở và chỉ bày cho tất cả chúng sanh tuệ giác cao quý vốn có ấy.

Chân lý được chứa đựng ở trong lời dạy ấy của Đức Phật là bất di, bất dịch, làm hướng đi tất yếu cho mọi hành hoạt của những người con Phật xuất gia và tại gia chúng ta, xuyên suốt qua mọi thời đại và cũng sẽ tiếp tục xuyên suốt cho những thời đại tương lai. Hình ảnh Bồ Tát Thường Bất Khinh ở Kinh Pháp Hoa đã chứng minh cho chúng ta điều đó một cách thiết thực và sống động.

Trong Đạo Phật chỉ có Giới – Định – Tuệ mà không có giáo quyền, chỉ có tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn mà không có mê vọng và tham vọng, chỉ có khởi nguyện và tập hạnh mà không có áp đặt, và chỉ có mọi sự hiện hữu trong hỗ tương và dung thông vô ngại mà không có hiện hữu đơn thuần và độc đoán.

Nếu ta nghĩ rằng , có một sự hiện hữu đơn thuần và độc đoán, đó là ý nghĩ lệ thuộc vào những yếu tố điên đảo, vô minh và phi Phật giáo.

Tổ chức Tăng đoàn và Cư sĩ của Phật giáo, đi từ ý nghĩ của duyên khởi hỗ tương trong sự hòa hợp và thanh tịnh.Và từ ý nghĩa này, mà đức Thế Tôn đã thiết lập mọi giới luật cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài. Tổ chức Giáo Hội Phật Giáo là hình ảnh mở rộng, những sinh hoạt hỗ tương tu tập và hoằng pháp trong sự hòa hợp và thanh thịnh của hai chúng đệ tử đức Thế Tôn, khiến Chánh Pháp được trường tồn, đem lại lợi ích và an lạc cho hết thảy loài người trên thế giới.

Nếu hỗ tương trong sự hòa hợp, mà thiếu thanh tịnh hay không thanh tịnh, đó là sự hỗ tương theo ý nghĩa trần tục. Sự hỗ tương ấy chỉ là trá hình của sự tàn hại lẫn nhau, của sự chiếm đoạt và tất yếu chúng sẽ gây ra sự bất hạnh, hận thù và khổ đau cho nhau. Mọi tổ chức thế gian đã trở thành, đang trở thành và sẽ trở thành biển máu và nước mắt là do điểm này và từ điểm này. Nghĩa là do và từ nơi điểm hòa hợp mà không thanh tịnh. Và lại nữa, thanh tịnh mà không hòa hợp là sự thanh tịnh rời rạc.Sự thanh tịnh ấy không mang lại một ý nghĩa hữu ích và thực tiễn cho cộng đồng và xã hội. Mọi hành hoạt của những hàng xuất gia và tại gia đệ tử của đức Thế Tôn chỉ có hiệu quả lớn nhất, khi nào tất cả đều biết đan xen với nhau giữa hòa hợp và thanh tịnh, giữa thanh tịnh và hòa hợp mới có khả năng chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, thắp sáng ngọn đèn Trí Tuệ Giác Ngộ giữa thế gian, xóa sạch vô minh giữa đêm dài tăm tối.

Vì vậy, không có bất cứ một tổ chức nào mang danh chính thống Phật giáo mà không lấy Bồ Đề Tâm làm bản chất, không lấy sự hòa hợp và thanh tịnh để duy trì mạng mạch, không lấy tác dụng hỗ tương làm hoạt động thực tế và không lấy ý thức tự giác, tự nguyện làm sinh chất nuôi dưỡng để cùng nhau bước tới đời sống hữu ích, an lạc, rộng lớn và cao thượng trong Chánh Pháp.

Ý nghĩa Thống Nhất của các tổ chức Phật giáo như vậy, nó đã có ngay trong trứng nước của đạo Phật.

Hôm nay, ngày 06 tháng 10 năm 2008 tại Bangkok, Thủ đô Thái Lan, toàn thể đại biểu Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam khắp các châu lục trên thế giới, quần tụ về dự Đại Hội để khẳng định Lý Tưởng và truyền thống của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đồng thời vạch hướng đi mới để yểm trợ cho sự phục hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở trong nước và tiếp tục yểm trợ sự phát triển lớn mạnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở các châu lục, để phục vụ Dân Tộc và Nhân Loại một cách thiết thực và bất vụ lợi, đúng Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, mà các bậc Tôn Đức đã minh định: “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không đặt sự tồn tại của mình nơi nguyên vị cá biệt mà đặt sự tồn tại ấy trong sự tồn tại của Nhân Loại và Dân Tộc” (Hiến Chương – Lời mở đầu).

Nhân Đại Hội này, với tư cách là Cố Vấn Giáo Hạnh Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tôi xin chia sẻ đến Đại Hội mười pháp thực hành của nhà Lãnh Đạo như sau :

  1. 1.  Chánh Tâm và Đại Tâm:

Người lãnh đạo phải biết khởi tâm nguyện chơn chánh và rộng lớn, bằng cách đem mạng mạch của mình mà hiến dâng cho mạng mạch của Tổ chức, phải biết lấy vinh nhục, thăng trầm của Tổ chức làm vinh nhục của đời mình và phải biết hiến dâng thọ mạng của mình cho thọ mạng tồn tại của Tổ chức và không phải chỉ hội nhập sinh mệnh của mình với sinh mệnh của Tổ chức với nhau chỉ trong một đời mà nhiều đời, cho đến khi viên thành đại nguyện.

  1. 2.  Dĩ thân tác chứng:

Muốn khuyến khích người khác đoan chánh, thì trước hết mình phải đoan chánh, muốn khuyến dạy người khác đạo đức thì trước hết mình phải sống có đạo đức.Mình và người đều đoan chánh và sống có đạo đức, khiến cho đạo đức tự thịnh trị, xã hội tự đoan chánh, thanh bình và Tổ chức tự vững mạnh một cách có ý nghĩa.

Xã hội có trật tự và đạo đức bắt nguồn từ nơi những người đứng đầu xã hội mà ra và xã hội mất ổn định và đạo đức, cũng bắt đầu từ nơi những người đứng đầu xã hội mà có.

Người đứng đầu xã hội hay đứng đầu Tổ chức là tấm gương sáng, nên phải lấy việc tu thân để làm cho gương của mình được sáng, gọi là “Dĩ thân tác chứng”.

  1. 3.     Tôn trọng Hiền nhân:

Người lãng đạo muốn an bình quốc gia, vững mạnh Tổ chức, họ phải có khả năng tôn trọng các bậc Hiền Tài. Bậc Hiền Tài thì lúc nào và ở đâu, họ cũng xem vinh hoa như miếng giẻ rách, xem lợi danh như đôi dép bỏ.

Vì vậy, người lãnh đạo Quốc gia hay lãnh đạo Tổ chức, phải có khả năng biết lắng nghe, học hỏi những vị Hiền Tài để thiết lập chính sách an dân hay đường hướng lãnh đạo Tổ chức lâu dài khỏi bị lầm lỗi.

 

  1. 4.     Phải biết tề chỉnh thân thích :

Phải biết hiếu kính Cha Mẹ, thuận thảo với anh chị em trong thân tộc, khiến cho người lãnh đạo tề chỉnh được thân quyến, ngay trong thân quyến không có sự oán thù.Thân thích tề chỉnh là cơ sở vững chắc, khiến cho người lãnh đạo có thể vươn mình cao hơn, để tạo ra và lãnh đạo những Tổ chức rộng lớn.

  1. 5.     Kính quý những người trợ lý:

Người lãnh đạo phải biết kính quý những người trợ lý, giúp việc, khiến cho những người ấy đem hết lòng chân chính mà yểm trợ, khiến cho những kẻ dua nịnh, không thể dối lường.

  1. 6.     Khen thưởng đúng công trạng:

Phải biết xét đúng công trạng của những cộng sự để khen thưởng đúng lúc, đúng đối tượng, không sai lệch, không thiên vị.

  1. 7.     Thương mến nhân viên như con:

Người lãnh đạo Tổ chức phải biết thực tập thương nhân viên như con, thương người trợ lý như bạn, chắc chắn  những người ấy sẽ ủng hộ sự lãnh đạo của mình.

  1. 8.     Trọng đãi bách công:

Người lãnh đạo Tổ chức phải biết chiêu mộ và trọng đãi các nhà công nghệ, các nhà sản xuất, để họ đem hết lòng thành mà sản xuất những nhu yếu phẩm, nhằm ủng hộ cho Tổ chức của mình không bị đóng khung, mà trái lại trở thành một Tổ chức của mọi thành phần xã hội và tồn tại một cách nghiễm nhiên ở trong lòng dân tộc và nhân loại.

  1. 9.     Biết đãi ngộ đối với những người cùng Tổ chức hay người dân đến từ xa

xứ:

Người lãnh đạo biết đãi ngộ với những người cùng Tổ chức hay người từ xa xứ, thì những người ấy trong bốn phương sẽ quần tụ để yểm trợ và tuân phục sự lãnh đạo của mình.

 

 

 

  1. 10.                        Biết tôn trọng, giao hảo và học hỏi từ những Tổ chức khác:

Người lãnh đạo Tổ chức phải biết đem lòng khiêm cung và cầu tiến mà đối xử với các Tổ chức khác, phải biết tôn trọng và học hỏi những cái hay cái đẹp từ những Tổ chức khác, để làm phong phú và đa dạng cái hay, cái đẹp của Tổ chức mình.

Và luôn luôn phải biết đồng hành với các Tổ chức có nội dung phụng sự dân tộc và nhân loại, đồng thời nhất quyết, không để cho một ai, lợi dụng danh nghĩa Tổ Quốc, để phục vụ cho cá nhân hay phe nhóm cục bộ.

Cùng tất cả các anh em chị em quý mến,

Nhân Đại Hội này, tôi xin cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho Đại Hội thành công tốt đẹp và gởi tới Đại Hội mười pháp hành của người lãnh đạo căn bản như trên, gọi là chút quà chúc mừng Đại Hội, mong quý vị tùy nghi vận dụng để ứng dụng thích ứng, nhằm kiện toàn nhân sự và Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, để có những đóng góp thiết thực của những người con Phật vào vận hội mới của Dân Tộc và Nhân Loại.

Trân trọng kính chào Chư Tôn Thiền Đức, kính chúc Đại Hội thành công và cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho tấc cả chúng ta.

Trân trọng kính chào,

Cố đô Huế, ngày 01/10/2008

Chùa Phước Duyên

Cố vấn BHDTWGĐPTVN

Tỳ kheo Thích Thái Hòa

(Trích Kỷ yếu Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới 06-10/10/2008 – Thái Lan)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]