Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mưa nắng vô thường và năng lực của sự Thể nhập Chân Thường

07/07/201618:58(Xem: 9348)
Mưa nắng vô thường và năng lực của sự Thể nhập Chân Thường

Le khai mac An Cu Quang Duc ky 17 (16)
Mưa nắng vô thường

và năng lực của sự Thể nhập Chân Thường

Thích Nữ Giác Anh

 

 

Trời mưa, trời nắng là chuyện bình thường. Thời tiết phải có lúc nắng, lúc mưa, không thể nào bầu trời không mưa hay không nắng lâu được. Nhưng con người thì tùy hoàn cảnh mà lúc thì trông cho trời nắng, lúc thì muốn trời mưa. Khổ nổi, trời đôi khi cũng khó chìu lòng người. Vì chìu lòng người quả thật khó quá…

Nhưng rất may, cho dù thời tiết thế nào, dù hoàn cảnh thế nào, thì những con người có năng lực dũng mãnh cũng không lấy đó làm chướng ngại. Mùa Kiết Đông lần thứ 17 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan năm nay được quay trở về ngôi già lam Quảng Đức, thời tiết mùa đông Melbourne giá buốt, suốt mấy ngày bầu trời như không thấy bóng mây, có hôm còn mưa tầm tã. Thời tiết hoàn cảnh như thế, nhưng hơn 70 chư tôn Thiền Đức và gần 120 vị Phật tử tùng hạ an cư đều thấy ấm lòng, như cùng hòa vào niềm vui thắp sáng ngọn đèn giải thoát.

Trời đất phải luân chuyển, cuộc đời chắc chắn vô thường, cảnh vật chắc chắn phải biến đổi, nhưng lý tưởng của người tu Phật luôn hướng đến một ngày vượt thoát cảnh vô thường, sớm thể nhập Chân Thường, đó mới là đích đến. Cảnh Chân Thường là cảnh giới không còn sinh diệt biến đổi. Cảnh giới đó không do Khát Ái làm Nhân, cảnh giới đó là kết quả của Thanh Tịnh, không phân biệt nhị nguyên đối đãi. Giữ tâm Chân Thường giữa cuộc thế vô thường chính là hữu dư y Niết Bàn của những bậc đã thoát khỏi ràng buộc của Khát Ái và Sanh Tử.

Đôi khi căn bệnh tự ngã của con người khiến con người trở nên kiêu ngạo, tự phụ. Nhưng cũng có khi cái ngã đáng ghét đó khiến con người tự ti mặc cảm, không dám tự tin mình có thể vượt qua cái phàm phu của chính mình. Chính vì không tin nên chưa hành, vì chưa hành nên kết quả chưa đến.

Sở dĩ những bậc Thánh đã chứng đạo vì thâm tâm có một niềm tin mãnh liệt vào đích đến giải thoát, tin vào con đường tu chứng và tự tin mạnh mẽ nơi chính mình. Vì Tin nên các Ngài đã biến Niềm Tin thành Hành Động, biến Tâm thành Tướng. Ngạn ngữ Anh có câu “your reality is your mentality” (thực tế của bạn biểu hiện nội tâm của bạn) là thế.  Nhờ Hành nên việc Tu Chứng chỉ còn là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi. Tin mạnh, sẽ Hành mạnh và kết quả Tu chứng sẽ sớm. Tin ít, sẽ hành chần chừ, kết quả sẽ lâu lắm.

Sự thành công của con người trên thế gian cũng bắt nguồn từ quy tắc Niềm Tin – Hành Động - Kết Quả này. 20 năm về trước, nói đến computer là cả một khối máy to đùng, đừng nói gì  đến cái điện thoại mà có computer như ngày nay. Steve Jobs là người khởi đầu ý tưởng đem kích thước cái computer kềnh càng đó xuống nhỏ nhất hết mức có thể, không cần Turn On hay Turn Off máy, không cần con mouse để điều khiển, không dây nhợ kết nối, tất cả chỉ gỏn gọn trong cái máy điện thoại nhỏ xíu smart phone bây giờ mà thôi. Ai cũng biết Steve Jobs là cựu giám đốc hãng điện tử Apple nổi tiếng của Mỹ. Chính ông là cha đẻ của Iphone, Ipad, Icloud nổi tiếng lừng lẫy… Thời gian 20 năm để làm ra một kết quả, mà kết quả đó chỉ khởi đầu bằng một ý tưởng đi chung với một niềm tin mãnh liệt là sẽ làm được và sẽ thành công của Steve. Cùng thời với Steve, cũng có biết bao nhiêu ý tưởng hay mới lạ, có ý tưởng là khó, nhưng chưa đủ, cần phải có niềm tin vào thành công. Niềm tin cho mình sức mạnh và năng lực. Niềm tin cho mình sự chịu đựng gian nan, cho hy vọng để vượt qua vấp ngã thất bại. Niềm tin giúp vượt qua con người nhỏ bé của chính mình.

Mỗi lần chúc nguyện cho một người sắp đi xa, hay sắp làm việc lớn, người ta đều chúc nguyện cho vị ấy “chân cứng đá mềm”. Mặc dù con đường của bạn phía trước còn xa, nhưng tôi thương chúc bạn chân cứng đá mềm! Câu nói ấy nghe thật quen và cũng thật gần gũi, chân tình làm sao. Mặc dù hình ảnh chân cứng đá mềm chỉ là tượng trưng thôi, làm sao bàn chân con người bằng xương bằng thịt mềm mại là thế mà có thể sánh với đất đá cứng rắn được. Đá vốn cứng, chân vốn mềm. Thế đó, nhưng con người vẫn chúc, vẫn mong chân cứng đá mềm và con người vẫn thắng, vẫn vượt qua cái gian nan, cái cứng rắn đau khổ của hoàn cảnh, để đi đến thành công.

Chư Tổ Tịnh Tông dạy tư lương của người tu Niệm Phật cầu vãng sanh là Tín - Hạnh - Nguyện. Tín - Hạnh - Nguyện là Tín, niềm tin vào cảnh giới Phật, Hạnh là hành trì pháp niệm Phật và Nguyện là phát nguyện vãng sanh cảnh giới Phật. Còn có chỗ dạy Tín - Nguyện - Hạnh là vì, sau niềm tin phải đến phát nguyện, có phát nguyện mới có hướng đi, sau đó mới hành, tức là công phu hành trì. Phải set-up cái destination chỗ đến trước, rồi mới start to go, rồi mới bắt đầu đi được. Nhưng dầu Tín Hạnh Nguyện hay Tín Nguyện Hạnh thì Tín cũng đi đầu. Niềm tin quan trọng như thế.

Niềm tin mãnh liệt vào con đường tu chứng khiến tâm tự động phát khởi tất cả những thiện tâm cần thiết để mở cánh cửa đến cảnh giới Tu Chứng. Niềm tin giải thoát như nam châm, hút tất cả những thiện pháp giải thoát đến với nó. Người ta hay nói Likes attract likes, cái gì giống nhau sẽ hút lại với nhau. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: Tín vi công đức mẫu, niềm tin là mẹ các công đức. Vì Tin con đường giải thoát nên mới chân thành chấp nhận lời Phật dạy hướng đến giải thoát.

Khi xưa, 5 vị đạo sĩ Kiều Trần Như, lúc đầu không tin nên chưa nhận được Phật Pháp. Sau khi đức tướng Như Lai đã nhiếp thọ các Ngài rồi, các Ngài mới phát khởi niềm tin mãnh liệt vào đạo giải thoát. Đức Thế Tôn chỉ vừa giảng bài pháp đầu tiên là Kinh Chuyển Pháp Luân, thì tôn giả A Nhã Kiều Trần Như đã chứng quả vị A La Hán. Sau đó, trong vòng một tuần, đức Thế Tôn giảng tiếp Kinh Vô Ngã Tướng, 4 vị còn lại lần lượt đều chứng quả. Như thế chỉ trong vòng thời gian rất ngắn, 5 vị Sa Môn đầu tiên đều đã hoàn tất những việc cần làm. Phật dạy đó là cảnh giới của Chân Thường, cảnh giới của việc cần làm đã làm xong, không còn theo nghiệp tái sinh trở lại nữa.

Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Phật dạy rõ chân lý Diệt, đó là cảnh giới của không còn bóng dáng sinh tử luân hồi. Cảnh giới đó không còn mong muốn, không còn tham ái, không có Dục Lậu, Hữu Lậu và Vô minh lậu. Phật dạy chân lý Diệt cần phải được liễu tri, được phát triển và được chứng ngộ. Mỗi thánh đế đều cần phải qua ba giai tầng Liễu Tri – Phát Triển và Chứng Ngộ. Sau khi Phật thuyết bản Kinh đầu tiên này xong, những bậc thánh đệ tử đầu tiên đã chứng quả, thế gian thực sự đã có 3 ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Ngay lúc ấy một hào quang sáng rỡ mạnh mẽ chiếu sáng thế gian, mười ngàn thế giới chấn động, lung lay mạnh mẽ.

Chỉ từ một niềm tin vào ngày mai không còn đau khổ, mà từ cõi địa ngục của vô lượng kiếp trước, tiền thân Đức Phật đã phát thiện tâm “Nam mô A Tỳ Địa Ngục, sơ phát thiện tâm, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” để nay Đức Phật đã thành Phật. Cũng chỉ vì một Niềm Tin vào con đường giải thoát, mà 5 vị sa môn, từ lúc đầu rời bỏ thối chí, mà sau này chứng quả cao nhất chỉ trong bài thuyết pháp đầu tiên. Năng lực niềm tin, đã mở ra năng lực chấp nhận, năng lực hiểu và biết, năng lực liễu tri, đưa đến năng lực phát triển sức liễu tri đó, để cuối cùng chứng quả Niết Bàn Vô sanh Tối Thượng.

Nhờ Tin thiết tha vào giá trị Giải Thoát, nên ai cũng thật tâm chấp nhận Thế giới này là kết nối của Khổ. Dù cuộc sống đang hài lòng hay bất như ý, dù tâm đang vui do ái lạc sinh ra hay đang kẹt trong hoàn cảnh của oán tắng hội, thì ngày nào con người chưa chứng đạo, thì cái vui, cái buồn đó đều sẽ dẫn đến Khổ. Phật dạy đó là cảnh giới của Tù sinh tử, như 4 câu thơ bất hủ của Hòa Thượng Tuệ Sĩ đang trong tù Cộng Sản năm nào:

Thử thực ngục tù phạn

Thượng cúng tối thắng tôn

Thế gian trường huyết hận

Bình bát lệ vô ngôn.

(Cơm này trong tù ngục

Con xin cúng Thế Tôn

Thế gian đầy huyết hận

Lệ rơi, không thành lời)

Quả thật, nếu niềm tin Phật không kiên cố, sẽ không dễ gì xem tài vật, sắc pháp thế gian như bữa cơm trong Tù. Sẽ không thiết tha đau đớn khi chưa chứng đạo. Sẽ không cách nào vượt qua nổi niềm vui của ái dục, sẽ không phát đại Tâm Bồ Đề cầu thành Phật phổ độ chúng sanh. Sẽ bị vô thường mưa nắng làm nhụt chí tiến đạo. Thất bại là chuyện bình thường, nhưng nếu không niềm Tin nữa, thì sau khi thất bại sẽ càng lún sâu hơn. Rất may đệ tử Phật đã hiểu rõ con đường, đã có niềm tin và kết quả Giác Ngộ sẽ không còn xa.

Thời tiết có mưa có nắng. Con người không thay đổi được mưa nắng, nhưng thay đổi được Tâm, thay đổi được cách nhìn, vượt qua được vô thường sinh tử để thể nhập chân thường giải thoát. Mùa Kiết Đông An Cư năm nay, dù mưa nắng thất thường, dù hoàn cảnh giới hạn dù ít hay nhiều của từng tự viện, dù lạnh buốt giữa đông, nhưng niềm Tin hoằng pháp lợi sanh, gìn giữ truyền thống giải thoát từ thời Đức Thế Tôn của chư Tôn Thiền Đức đã thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp, lợi lạc rất nhiều hữu tình.

Chúng con xin chấp tay thành kính niệm ân công đức nhị vị Thượng Tọa Hóa Chủ Thích Tâm Phương và TT Thích Nguyên Tạng, đảnh lễ niệm ân chư Tôn Đại Đức Tăng, chư Tôn Đại Đức Ni và toàn thể quí vị đàn việt cư sĩ gần xa, để mùa Kiết Đông năm nay thập phần viên mãn.

Ngưỡng nguyện Tam Bảo thường gia trì đệ tử chúng con, luôn giữ được tâm Chân Thường giữa cái Vô Thường, sớm chứng đạo giải thoát để còn lợi ích chúng sanh, vốn nhiều đời nhiều kiếp làm cha mẹ của chúng con, hiện vẫn còn đau, niềm đau trong sanh tử.

Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô A Di Đà Phật.

 

Kỷ niệm ngày thứ ba, kỳ Kiết Đông An Cư - Quảng Đức Melbourne 2016.

TKN Thích Nữ Giác Anh

 

Kỷ niệm ngày thứ ba, kỳ Kiết Đông An Cư - Quảng Đức Melbourne 2016.

TKN Thích Nữ Giác Anh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]