Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vượt lên chướng ngại

03/07/201510:07(Xem: 8573)
Vượt lên chướng ngại

dalailama

Vượt lên chướng ngại

TKN Thích Nữ Giác Anh

 

 

 

Tất nhiên giữa thế gian, ai cũng hiểu không thể nào không có chướng ngại, nhưng tiềm ẩn đâu đó trong tâm thức, ai cũng muốn mọi việc đều được suôn sẻ. Cho dù ý mình muốn ra sao, đúng hay sai, hãy để hạ hồi phân giải, miễn bây giờ được chiều theo tâm ý là vui rồi. Điều đó nói lên rằng, mặc dù biết chướng ngại là tất nhiên, nhưng có rất ít người chịu chấp nhận sự thật chướng ngại sẽ đến với mình. Chuyện này bình thường thôi, thế gian ai cũng như vậy cả. Tuy nhiên mặt khác, mọi người cũng đều công nhận rằng, chính nhờ những lần vượt qua chướng ngại mới làm con người mạnh mẽ hơn lên, vững vàng và tự tin hơn lên. Đích cuối cùng của sự vượt qua là tâm được bình an thanh thản trước những chướng ngại khác. Trong Thiền môn ai cũng nằm lòng câu “Phiền não tức Bồ Đề” là thế.

Mùa An Cư Kiết Đông 2015 năm nay, được tổ chức tại Tự Viện Pháp Bảo Sydney từ ngày 1 đến 11 tháng 7, với sự tham dự của trên 50 chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni từ khắp mọi miền đất Úc. Hàng Phật tử được tháp tùng tu học gần 160 vị. Từ chư Tôn Đức đến quý Phật tử, ai ai cũng đã vượt qua những chướng ngại của riêng mình để đến với Khóa Tu. Chính nhờ vậy, mà pháp âm của Đức Thế Tôn ngày ngày được âm vang trầm hùng trên Bảo Điện, những thời pháp thoại của chư Tôn Thiền Đức liên tiếp đưa người đến gần hơn với giáo lý giải thoát. Nhịp sống Thiền môn nghiêm tịnh ấy diễn ra bất kể thời gian sáng, trưa, chiều, tối, bất kể nắng mưa, gió lạnh mà đôi khi hệ thống điện còn bị overload  dẫn đến thiếu heater giữa trời mùa Đông Sydney.

Năm nay chướng ngại là thế, năm ngoái chướng ngại của Ban Tổ Chức và thành viên tham dự cũng không thua gì, và mỗi mùa An Cư, mỗi Ban Tổ Chức đều có chướng ngại để vượt qua. Đi ngược dòng lịch sử 2500 năm thì chướng ngại còn nhiều hơn biết bao nhiêu… Nhưng nhờ sự vượt qua của chư Thánh Tăng, chư Tổ Đức và quí Ngài đi trước mà truyền thống An Cư dù đã 2500 năm, vẫn còn được gìn giữ cho đến tận bây giờ. 2500 năm, một chuỗi thời gian quá dài, vậy mà truyền thống An Cư vẫn được bảo tồn và gìn giữ, nhất là ở những xứ sở khác tôn giáo như đất nước này, nghiệm cho kỹ, quả thật là một điều kỳ diệu lắm thay!

Để gìn giữ một truyền thống, gìn giữ một hình thức, phải có hy sinh và phải vượt qua khó khăn như vậy, huống gì để giữ một tâm hồn cho luôn bình thản thanh tịnh trước những chướng ngại của cuộc đời còn khó khăn hơn biết dường nào.

Có một chuyện vui vui, mới ngày đầu của mùa An Cư mà chiếc ipad air của Hòa Thượng TVMQ đã bị cảm rồi, click vào mấy cái icon mà icon nào cũng lạnh quá, càng click càng đứng yên không phản ứng chi hết. Hòa Thượng nói rằng “Khổ đế rồi!”, sau đó Hòa Thượng dạy tiếp “Nhưng Khổ đế chính là Đạo đế!”. Thật đúng là một vị Pháp sư lịch lãm, ngôn từ thường hay hòa với pháp, dạy đúng thời đúng lúc, vừa nghe vui, vừa học được một bài học. Cuộc đời không thể nào không có khổ, nhưng cũng chính vì khổ, nên mới có đấng Thế Tôn và có đạo giải thoát.

Dầu cho trong tâm thức mỗi con người có thích hay không thích phiền não thì phiền não chướng ngại vẫn đến. Như cơ thể mỗi người, dù thích lạnh hay thích nóng thì mùa Đông hay mùa Hè vẫn đến. Vậy thích hay không thích đâu có ý nghĩa gì. Suy cho cùng, chính cái thích và cái không thích trong tâm mỗi chúng ta mới là chướng ngại lớn nhất.

Bởi vì thích, thì cái gì ngược lại với thích làm mình chướng ngại, càng thích thì càng chướng ngại, vì trên đời đâu phải lúc nào cũng gặp được những việc mình thích. Dẫu cho đạt được điều mình thích chăng nữa, thì chính cái đạt được đó, trước sau gì cũng trở thành chướng ngại.

Sức mạnh của thích các pháp bên ngoài càng lớn, thì sự chướng ngại càng lớn. Ví dụ, nếu trong tâm thích nghe những giọng nói êm đềm, nhỏ nhẹ, thì ai nói giọng lớn hơn tự nhiên thấy không thích, chưa cần biết nội dung và thật tánh của người đó thế nào. Trong tâm càng thích giọng nhỏ nhẹ, thì tự nhiên càng cảm thấy khó thích người lớn tiếng. Chính cái thích trong tâm của chính mình khiến mình tự dưng có khoảng cách với người lớn tiếng. Cái khoảng cách đó dẫn đến chướng ngại. Có chướng ngại sẽ sinh phiền não. Và phiền não sẽ từ từ dẫn đến mối quan hệ đi đến chỗ đau khổ và đổ vỡ. Xét cho cùng, cũng tại ban đầu trong tâm mình cảm thấy thích người nhỏ nhẹ và không thích người lớn tiếng. Chính cái thích và không thích đã khơi nguồn làm hại mối quan hệ của mình với người xung quanh. Những chuyện đại loại như thế xảy ra trong cuộc đời nhiều lắm.

Cuộc đời có nhiều việc ta có thể chọn lựa, và cũng có rất nhiều việc ta không thể chọn lựa. Đối với những việc không thể chọn lựa, Phật dạy chỉ có cách nhẹ nhàng nhất là dùng Từ Bi và Nhẫn Nhục để vượt qua. Rất may, mọi việc đều không bao giờ ở hoài một chỗ. Mọi thứ đều vô thường, cũng nhờ vô thường nên những khó khăn chướng ngại trước mắt, nếu được hóa giải với tâm lượng đại bi, thì chướng ngại sẽ hóa thành phước duyên trên đường đời cũng như đường đạo.

Sáng sớm ngày thứ 2 của khóa An Cư, tìm được chút thời gian rảnh, được TT Nguyên Tạng cho xem video clip Happy Birthday lần thứ 80 của Đức Dalai Lama thứ 14 do đài BBC Luân Đôn tổ chức cuối tháng vừa rồi. Trong buổi lễ có hơn 30 ngàn người tham dự, hơn 95% là người da trắng. Sau những giây phút ổn định, vị nghệ sĩ người Anh, cô ấy cũng chính là Chủ tịch của chương trình, cất cao giọng hỏi thính chúng “Are… you…u… ready?”  Cả hội trường đồng thanh: Yes! Và sau đó tất cả mọi người cùng nhau ca bài Happy Birthday dâng lên Đức Dalai Lama. Máy quay phim quay khắp hội trường đông cả vạn người, vừa trang nghiêm, vừa vui, vừa cảm động, đâu đó tung bay cờ Phật Giáo năm sắc, cờ Tây Tạng, cờ nước Anh, nước Úc, nước Mỹ, Tây Ban Nha… hòa quyện theo tiếng nhạc. Chấm dứt bài hát mà lòng tràn dâng niềm xúc động. Tự dưng nước mắt chực trào. Ôi, một con người vĩ đại, một Bồ Tát hóa thân, thế giới ngày nay chỉ có gần 1 phần 8 là Phật Giáo, nhưng trong hơn 7 tỷ người trên thế giới, chắc chỉ có một con người vĩ đại đó. Thầy Nguyên Tạng nói “Trung Quốc làm cho Ngài vĩ đại”. Chính chướng ngại mới thấy Đức Dalai Lama vĩ đại! Cũng thế, chính hoàn cảnh xã hội phức tạp và phiền não trùng trùng của kiếp nhân sinh, mới khiến Sa môn Cồ Đàm 2500 năm trước chứng đạo dưới cội Bồ Đề nơi Bắc Ấn.

Trường Hạ năm nay, Thầy Hóa chủ Thích Phổ Huân và quí chú Phật tử Pháp Bảo đã đóng thêm 2 căn nhà bằng gỗ, vị trí nằm ngoài sân khấu để đáp ứng thêm nhu cầu ở lại cho quí Phật tử phương xa. Căn nhà được phủ bằng gỗ, bên ngoài thêm 2 lớp nylon để tránh bớt lạnh. Cũng trong sáng sớm ngày thứ 2 của Khóa Hạ, Thầy Hóa chủ cầm cây bút lông, phát họa vài nét đã thành 2 hoa sen một nở, một búp và vài nhánh lá trên tường nhà… Chỉ thế thôi mà cảnh quang đã khác hẳn. TT Như Định bày nên viết thêm chữ “Duy Tuệ Thị Nghiệp” trên bức tường nhà Tăng. Thầy Hóa chủ vẽ xong, trông càng ra vẻ Thiền môn hơn. Cảnh quan vốn nó như thế, nhưng nếu điểm tô thêm hoa sen, sẽ có vẻ từ bi thanh tịnh của hoa sen, nếu điểm tô bằng việc khác, thì kết quả đã khác đi rồi. Nếu Đức Dalai Lama không đối với Trung Cộng bằng Từ Bi như bấy lâu nay, nếu Ngài không đem thông điệp Từ Bi đến với nhân loại như bấy lâu nay, thì thế giới đã nhìn Ngài bằng đôi mắt khác rồi.

Chư vị Bồ Tát khác với phàm nhân ở chỗ thái độ đối với chướng ngại. Phàm nhân gặp chướng ngại tạo thêm nghiệp chướng, để đời này đời sau oan khiên mãi mãi khó rời. Bồ Tát gặp chướng ngại liền biến thành thuận duyên hóa độ chúng sanh, đối với Bồ Tát đời này là chướng ngại, đời sau đã là quyến thuộc Bồ Đề. Khi tâm đã được tôi luyện, thì chướng ngại hay Bồ đề tuy hai nhưng là một. Đó là giáo lý “Bất nhị” của Trung Đạo. Đó cũng chính là tinh thần “Trưởng dưỡng đạo tâm, ươm mầm tuệ giác” của trường Hạ năm nay, mà Hòa Thượng Hội Chủ thường khai thị nhắc nhở.

Tuy nhiên dù biết như thế, nhưng con người thường hay tự cho mình là phàm nhân và cũng hay tự tha thứ cho mình mỗi khi vướng mắc lỗi lầm. Con người cũng hay đổ lỗi hoàn cảnh và chướng ngại bên ngoài để tự dễ duôi cho sự cố gắng vượt qua bên trong. Những bậc xuất chúng không như thế.

Ai ở xứ này cũng biết McDonald’s và KFC. McDonald’s và KFC là những chuỗi nhà hàng kinh doanh fast-food lớn nhất thế giới. Người sáng lập McDonald’s là ông Ray Kroc, sáng lập KFC là ông Harland Sanders, cả hai ông đều rất lận đận trong sự nghiệp từ khi mười mấy tuổi cho đến tận 50 cũng còn long đong. Thế nhưng cả hai ông ấy đều không buông tay, vẫn trì chí, nói theo ngôn ngữ Phật giáo bình dân của mình là cho dù “nghiệp nặng” nhưng các ông ấy vẫn cố gắng vươn lên. Ông Ray Kroc bắt đầu mua lại tiệm thức ăn nhanh của 2 anh em nhà Donalds lúc đã 52 tuổi đời. Ông Sanders thành lập KFC sau hơn 100 lần thất bại… Mình không bàn loại hình nghề nghiệp của cả 2 ông dưới cái nhìn Chánh Mạng trong Phật Giáo, chỉ cốt ý thưa về khía cạnh trì chí vượt qua chướng ngại để vươn lên trong đời thường. Rõ ràng sức phấn đấu của cả hai ông ấy đều không uổng công, bây giờ không ai không biết đến KFC, và không ai không một lần bước vào McDonald’s dù chỉ để gọi “small fries” “apple pie” hay vài ly coke lạnh.

Khó khăn càng lớn, đòi hỏi sức phấn đấu càng cao và theo sau là thành quả sẽ càng vang dội. Ngược lại, đầu hàng ngoại cảnh, đổ lỗi ngoại cảnh, lâu dần chỉ tạo thêm cảm giác nặng nề, thất bại, bất đắc chí… Càng thất bại, lại càng đổ lỗi. Càng đổ lỗi lại càng thất bại… vòng tròn luẩn quẩn đó cứ đeo bám lấy mình hết đời này đến đời khác, cho đến khi nào tự thân tỉnh giấc, phấn chấn đứng lên… thì vòng tròn đó mới dừng lại mà thôi. Đó là quy luật chung của đời sống. Đức Phật gọi khổ đế là chân lý vi diệu đầu tiên trong bài pháp Tứ Diệu Đế. Giáo lý đức Thế Tôn đã chỉ thẳng sự thật và giúp phương hướng cho tất cả chúng sanh vượt qua.

Cây đại thụ của Ni Bộ trong Phật giáo, dưới Đức Thế Tôn và Thánh đệ tử A Nan là Thánh Ni Maha Ba Xà Ba Đề. Lúc Bà đi tu theo Đức Thế Tôn, Bà đã hơn 80 tuổi. Một quốc mẫu phu nhân suốt đời quen với nhung lụa giữa chốn cung vàng, hơn 80 tuổi hạc, đã gần hết đời người huống chi nói đến “bán thế”, tóc đã bạc, chân đã yếu, vậy mà khi đi tu vẫn tu được. Không những tu được mà còn chứng Thánh quả rất sớm. Tiếp theo đó là mấy trăm công chúa công nương hoàng thân quốc thích, cũng khoác áo ca sa, chọn cho mình lối sống đơn giản đến mức tối đa của đời Khất sĩ, để được rảnh rang tinh thần đắm mình trong giáo lý giải thoát. Quí Ngài cũng tu được và cũng lần lượt chứng đạo.

Cơ thể vật lý của người nữ muốn sống đời Khất sĩ khó khăn hơn cơ thể của người nam rất nhiều. Chưa kể, vì nhiều quan niệm tập tục xã hội khác, luôn là rào cản chướng ngại cho người nữ trên con đường tu đạo giải thoát. Không chỉ ở đạo Phật, vị trí người nữ trong các tôn giáo khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Tuy vậy, không có nghĩa người nữ không tu chứng được. Thậm chí, không phải chỉ có người xuất gia mới tu chứng được. Có rất nhiều cư sĩ từ xưa đến nay đã đến được rất gần với cảnh giới của Thánh đạo, như bà Dipa Ma người Ấn Độ, như cô Nanayong của Thái Lan…

Cơ thể người nam nhiều thuận duyên hơn, tâm lý xã hội của thế giới này ưu ái người nam trong lĩnh vực tôn giáo hơn, nhưng cũng không có nghĩa người nam không gặp chướng ngại trên con đường hướng đến giải thoát. Thực tế chứng minh, những vụ xì-căng-đan trong các tôn giáo, số lượng người tu sĩ nam luôn chiếm nhiều hơn.

Như vậy mới thấy dù nam hay nữ, dù xuất gia hay tại gia, dù hoàn cảnh thuận duyên hay nghịch duyên, tất cả đều không còn quan trọng đối với những tâm hồn quyết một lòng đạt đến mục đích giải thoát. Và rõ ràng trong Trưởng lão Tăng kệ và Trưởng lão Ni kệ ghi lại rất nhiều những tấm gương chứng đạo của chư vị Thánh Tăng và Thánh Ni. Những bản Kinh đó còn rõ ràng trong Kinh tạng Nam Truyền cũng như Bắc Truyền. Như vậy, nếu đổ thừa hoàn cảnh, đổ thừa chướng ngại thì đã không bao giờ làm nên những tấm gương xuất chúng trong lịch sử kim cổ như thế.

Cuộc đời không bao giờ không có chướng ngại, đó là điều tất nhiên. Và nếu vượt qua được chướng ngại thì mai đây trời sẽ sáng cũng là điều tất nhiên. Nhân mùa An Cư Kiết Đông lại về thêm lần nữa, chúng con ngưỡng nguyện mười phương Tam Bảo gia bị cho chúng con được sống tràn ngập trong ân phước Từ Bi Trí Giác của quí Ngài, để chúng con có thêm nhiều dũng lực vượt qua những chướng ngại trong mỗi bản thân, rồi có một ngày giác ngộ giải thoát sẽ không còn xa.

Chúng con cũng xin đầu thành đảnh lễ kính chúc khánh tuế lên chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, quí Ngài thêm một hạ lạp, thêm nhiều kinh nghiệm trên con đường hướng đến giải thoát để phổ độ tất cả chúng sanh.

Và kính nguyện Tam Bảo gia bị cho tất cả quí Phật tử được nhân duyên theo gót chư Tôn Đức, thêm nhiều thắng duyên, sớm một mai thoát khổ sinh tử luân hồi.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Kỷ niệm Mùa An Cư Kiết Đông 2015

Tự Viện Pháp Bảo, thành phố St. Johns Park, Sydney

TKN Thích Nữ Giác Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]