Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sư Ông Khánh Anh Trong Ký Ức Tôi

07/10/201310:12(Xem: 15364)
Sư Ông Khánh Anh Trong Ký Ức Tôi

ThichMinhTam


Sư Ông Khánh Anh Trong Ký Ức Tôi

Nha Trang là miền quê hương cát trắng.

Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa.

Vâng, bài hát tả về thành phố biển mộng mơ của nhạc sĩ Minh Kỳ và Lê Dinh đã đưa tôi về lại thời thơ ấu, nơi tôi đã lớn lên và cũng là nơi tôi đã gieo duyên cùng cửa Phật tại chùa Hải Đức với Phật Học Viện đào tạo Tăng tài. Cũng chính tại nơi đây có một vị Bồ Tát hoằng pháp độ sinh đã lưu dấu một thời gian. Đó là Hòa Thượng Minh Tâm hay Sư Ông Khánh Anh thân thương của tôi.

Ngược lại dòng thời gian, sau khi cùng gia đình leo lên chiếc tàu há mồm di cư vào Nam, gia đình tôi định cư tại Nha Trang, nơi có câu vè “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận“. Thế là tôi xa Hà Nội năm tôi một tuổi khi vừa biết đi. Vì là con một lại khó nuôi nên bà nội và mẹ tôi đưa con bé lên chùa Nghĩa Phương, ngôi chùa của những người Bắc di cư, để bán khoán cho Phật đến năm 13 tuổi vừa tròn một con giáp sẽ chuộc về. Tôi không biết tên vị Thầy đã Quy y và truyền giao pháp danh cho tôi, chỉ nhớ loáng thoáng thiên hạ hay gọi vị này là Hòa Thượng “Nắc Ninh“ và pháp danh của tôi là Diệu… gì gì đó chẳng biết nữa. Nhưng thôi điều này không quan trọng, chỉ biết rằng từ đó tôi đã là con của Phật, chẳng con ma nào dám đụng đến tôi là được rồi.

Nhà tôi ở gần chợ Xóm Mới, đi vài bước đến Khuôn A Dục Vương nên mẹ tôi lại gửi gấm con bé “bà mụ nặn lầm đáng lẽ là con trai“ cho các anh chị Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử vào ban Oanh Vũ, huấn luyện cho tâm tính được thuần thành. Và tôi được thuần thành thật các bạn ạ! Tối nào cũng theo bà nội đi tụng kinh lạy Phật, cuối tuần hay lễ lớn lại theo bà lên tận chùa Hải Đức để tụng kinh, leo biết bao con dốc đi ngang nhà thờ Núi, đến Ga xe lửa, rồi đến trường Bồ Đề là đến nơi. Tôi nhớ mỗi lần khai kinh Chú Đại Bi đến đoạn: “Thiên Thủ Thiên Nhãn vô ngại đại bi...“ là tôi lăn quay ra ngủ dưới chân bà, đến khi tiếng linh leng keng với Tự Quy Y Phật là tôi bật dậy để khỏi bị thiên hạ lạy đá vào chân.

Lớn lên từ từ, tôi đã biết theo bà nội ra trước cửa Ty Thông Tin ngoài phố ngồi tuyệt thực phản đối việc đàn áp Phật Giáo vào những cao trào của năm 1963. Và cũng biết say mê nghe Thầy Thiện Minh thuyết pháp, thần tượng trong ký ức trẻ thơ của tôi đấy! Với chùa Nghĩa Phương, hình ảnh những bát chè đậu xanh đánh nho nhỏ hay chè kê ngon ngọt, ăn chung với xôi vò, oản xôi tuyệt diệu, luôn luôn hiện hữu trong trí óc trẻ thơ của tôi. Với tôi hình ảnh Đức Phật là những ly chè, khi nhìn những ly chè tôi nghĩ đến Phật và nhất định phải đòi đến Chùa. Với chùa Hải Đức tôi trưởng thành hơn, đã biết học giáo pháp của Đức Phật và biết bao công trạng như dám đi biểu tình tuyệt thực như đã kể ở đoạn trên, một việc mà cái con bé mới nứt mắt ra chưa đầy 9 tuổi đã dám làm. Sau này mẹ tôi biết chuyện đã cấm tôi không được liều lĩnh và nói bóng gió xa xôi cho bà tôi đừng dắt tôi theo.
On_Khanh_Anh_01

Ông anh họ tôi, vì là con ông bác ruột nên chúng tôi có chung một họ với cụ “Phí Của Giời“, cũng nghịch ngợm tàn khốc nên mẹ tôi đã thay mặt bác tôi bận đi làm xa, gửi ông ấy vào trường trung học Bồ Đề để rèn luyện tâm tánh. Thế rồi duyên lành lại đến ông ấy được học chung một lớp với Sư Ông thân thương của tôi, được đá banh và chạy nhẩy với Chú Sa Di trẻ một thời gian. Cũng nhờ duyên lành ấy họ lại được gặp nhau đến hai thời điểm khác nhau tại xứ Cộng Hòa Liên Bang Đức này. Một hồ Sen trên xứ tuyết mà Sư Ông Khánh Anh và Hòa Thượng Sư phụ tôi đã tìm cách vun trồng từng cánh Sen trong suốt 40 năm qua. Chẳng là lúc ấy vào khoảng năm 1977 hay đầu 78 gì đó, có hai vị Đại Đức trẻ mới từ xứ Hoa Anh Đào sang lập nghiệp tại Âu Châu. Họ dẫn dắt nhau lên Berlin lúc ấy chỉ là thủ đô của xứ Đức chia đôi, để tìm gặp người bạn học cũ của trường Bồ Đề ngày nào. Chuyện ông anh họ của tôi đi du học sang Đức từ năm 1963 là thổ công kiêm thổ địa của Berlin, đã giúp đỡ hai vị ấy như thế nào trong bước đầu, tôi hoàn toàn không biết nên cho qua để kể tiếp đến lần gặp gỡ thứ hai tại Berlin. Đó là ngày lễ Lạc Thành, khánh thành ngôi Chánh Điện mới của Chùa Linh Thứu vào tháng 10 năm 2012, Ni Sư Linh Thứu nhờ ông ấy ra phi trường đón Hòa Thượng Minh Tâm về làm lễ. Lần gặp gỡ này cả hai cùng bị chữ “vô thường“ theo đuổi, họ trông không còn trẻ tí nào! Nhưng hình ảnh hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt, Sư Ông Khánh Anh đã gây dựng biết bao công lao cho những người Việt sống tại Âu Châu trở thành những Phật tử thuần thành, biết bao ngôi Chùa đã thành hình tại xứ người và đặc biệt nhất là 25 khóa tu học Phật Pháp Âu Châu đã thành công đến không thể nào tưởng được.

Tôi bước chân vào đường Đạo trên xứ Đức cũng do nhiều nhân duyên kết hợp lại, chủ yếu cũng do mẹ tôi say mê xem kịch thơ Hoàng Thi Thơ vào cửa tự do nhân ngày khánh thành chùa Viên Giác năm 1993. Lúc về nhà mẹ tôi đã đem phái Quy Y ra khoe với pháp danh Thiện Huệ và một túi bánh thật ngon gồm da lợn, bánh tiêu, dầu cháo quẩy... Tôi mơ có ngày được xuống Hannover để viếng thăm ngôi chùa to nhất Âu Châu thời bấy giờ. Vài năm sau mẹ tôi qua đời vì chứng bệnh nan y, tôi đau khổ vì tình nên mon men tìm cửa Phật và lần này nhất định đi cho thật xa để cái tên “Bạc Tình Lang“ kia không thể nào tìm kiếm được. Rồi kể từ đấy tôi trở thành nén hương đầu tiên trong ba nén hương: Giới, Định, Huệ.

Tôi bắt đầu tham dự khóa tu học Phật Pháp Âu Châu lần thứ 10 tại Thụy Sĩ vào năm 1998 để gặp Sư Ông Khánh Anh lần đầu tiên. Mặc dù Sư Ông của chúng tôi không có ngoại hình như Ngài A Nan, nhưng cách nói chuyện dùng từ khi giảng Pháp rất dí dỏm và thu hút người nghe, nên sau giờ giảng chúng tôi cứ kéo nhau tò tò đi theo Sư Ông nghe kể chuyện. Ấn tượng lần đi tu học đầu tiên là trong văn phòng ghi danh có một Sư Cô rất trẻ, người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và làm việc thật thần tốc, tôi gặp ở đâu cũng chào bằng câu: “Diệu Trạm tổng trì bất động tôn“ cho khỏi quên tên của Cô. Năm sau tôi vượt đại dương bằng phà lớn sang Na Uy dự khóa thứ 11, cũng tại nơi “xứ lạnh tình nồng“ này tôi đã nghe lời đốc thúc của các thiện hữu tri thức dám cả gan thọ Bồ Tát Giới tại gia, trong giới đàn do Hòa Thượng Minh Tâm làm vị A Xà Lê truyền giới. Sư Ông đã khai mở cho tôi một con đường Bồ Tát Hạnh, từ đó trở đi các việc làm và suy nghĩ của tôi không còn hạn hẹp trong “Cái Tôi“ đáng ghét.

Tôi nhớ trong khóa tu học lần thứ 25 tại Phần Lan, để trả lời câu hỏi của Sư Ông: “Ai đã tham dự đầy đủ 25 khóa giơ tay lên coi? Chẳng ai dám nhúc nhích nhưng hướng mắt đều đổ dồn về phía Sư Ông, nếu có người thứ hai chắc chắn phải là Hòa Thượng Sư phụ tôi. Trong giới cư sĩ có ai tham dự nổi đến mười khóa cũng đáng được ca ngợi lắm rồi, có lẽ cô nàng Nhật Hưng dám giật giải thưởng tu học lắm đó, vì đã tham dự từ khóa số 7 tổ chức tại Đan Mạch. Lúc về còn chịu khó viết bài “Tự truyện của một người mới tu học“ để cho những người ở nhà khi đọc xong nhất định sẽ đòi đi. Vào thời đó khoảng năm 1995 hệ thống nối mạng internet chưa phổ biến như bây giờ, muốn quảng cáo cho khóa tu cũng chỉ biết truyền miệng hay đọc báo Viên Giác mà thôi. Thật ra nhiều người tham dự khóa tu cũng chỉ muốn nhân cơ hội này đi du lịch một nước Âu Châu nào đó, trước là vãn cảnh sau gặp họ hàng hay bạn bè gì đó. Nhưng cho dù tham dự dưới hình thức nào, họ cũng đã gieo duyên cùng cửa Phật rồi. Có người đi một lần sau đâm ghiền năm nào cũng phải ghi tên mua vé máy bay trước cả sáu tháng cho được giá rẻ. Quan trọng nhất vẫn là các nhóm bạn Đạo, họ hay rủ rê nhau đi dự khóa tu cho dù nơi ấy có là nơi xa xôi khó đến, chẳng hạn Phần Lan nơi Sư Ông lo ngại số học viên sẽ thua kém, nhưng thực tế số người đến bằng máy bay lên cao đến hơn năm trăm người. Cuối cùng khóa tu học nào cũng thành công mỹ mãn với số học viên có lần lên đến số ngàn.

Vào ngày mùng tám tháng 7 năm 2011, một ngày trọng đại cho hai vị Hòa Thượng ở 2 nước Pháp-Đức của Âu Châu. Họ dẫn theo một phái đoàn ủng hộ thật hùng hậu gồm các Chư Tăng Ni và Phật tử sang tận xứ Sri Lanka, để nhận giải thưởng danh dự do Hội Đồng Tăng Già Thế Giới ở Tích Lan trao tặng cho hai vị Trưởng Lão ở Âu Châu đã có công xây dựng và hoằng dương Phật Pháp từ hơn ba chục năm nay. Hai vị Hòa Thượng ngoài giải thưởng danh dự có nhận thêm mỗi người một cái quạt tròn bọc nhung khắc chữ vàng thật lộng lẫy. Chúng tôi không hiểu công dụng chiếc quạt để làm gì, chỉ để quạt gió thì quá nặng, nên có người nghĩ đến cây quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến công chúa tức bà La Sát trong truyện Tây Du. Phần tôi nghĩ ngay đến quạt Tam Muội của Phật Tổ Như Lai, nhưng tất cả đều sai bét khi Sư phụ tôi giải thích: “Chiếc quạt của Quốc Sư xứ Sri Lanka“.

Nhờ lanh trí tôi chờ Hòa Thượng Khánh Anh cầm quạt đi qua, nghiêng mình cúi đầu :

- Xin kính chào Quốc Sư!

Làm Thầy ngạc nhiên pha lẫn chất vui tươi cho danh xưng mới.

On_Khanh_Anh_02

Nếu Sư Ông Nhất Hạnh bên Làng Mai cho “Sen nở trời phương ngoại“ và sự ra đi của Sư Ông Khánh Anh là “Nẻo về của Sen“ thì Sư Ông Khánh Anh bên Âu Châu đã miệt mài suốt 40 năm để “Trồng Sen trên xứ tuyết“. Theo đúng nghĩa xứ tuyết quanh năm phải là xứ Tây Tạng, còn Âu Châu chỉ có tuyết vào mùa đông nhưng cũng đủ cho hoa Sen khó nảy mầm. Thế nhưng những búp Sen Sư Ông đã tận tụy vun trồng trong những khóa tu học Phật Pháp Âu Châu nay đã vươn mình trổi dậy biến thành những Đóa Sen thơm ngát hữu ích cho đời, cho người. Nhiều, nhiều lắm đếm không hết được!

Cũng trong chuyến đi dự lễ Trà Tỳ và 49 ngày của Sư Ông Khánh Anh, tôi mới được diện kiến tận mắt các Đóa Sen trong hàng cư sĩ của Sư Ông. Xin được phớt qua vài dòng về 4 Đóa Sen được trồng trên đất tuyết:

. Đóa Sen Diệu Khánh: thuộc loại Sen cổ thụ, với Phật Pháp thâm sâu, tụng kinh trôi chảy và tài nấu ăn múa đũa trong các khóa tu học Phật Pháp Âu Châu lên đến hàng nghìn người. Đức Phật cũng bảo rằng “Có thực mới vực được Đạo”, nên Đóa Sen Diệu Khánh đã chế biến những bữa ăn thật ngon, rẻ và đầy chất bổ dưỡng cho mọi người đủ sức tu học trong suốt mười ngày. Chức “Ma Ma Tổng Quản” đang được Diệu Khánh Bà Bà nắm giữ trong suốt 3 khóa tu học.

. Đóa Sen Nguyệt Chánh Chí: biệt danh là bà “Bầu show” Mừng Chi, từ ba chục năm nay tất cả các chương trình ca nhạc tại Âu Châu, đều do bàn tay điều khiển của đóa sen này đưa ca sĩ đến các Chùa trong những ngày lễ lớn. Có người sẽ phản đối, tại sao trong chùa lại tổ chức ca hát múa may ầm ỹ như thế! Có hợp với giáo Pháp hay không? Xin thưa là đúng, vì đó chỉ là phẩm phương tiện “Trước dùng dục câu dắt, sau dùng trí để nhổ”. Làm cách nào để kéo các con em lớp trẻ đến chùa nếu chỉ tụng kinh và ngồi thiền thôi ư! Nhưng nếu trong chương trình có ghi rõ, lễ Phật Đản năm nay có 2 ca sĩ tài danh đến từ Hoa Kỳ: Như Loan và Duy Trường vào cửa tự do. Thế là các bậc cha mẹ già nua ở xa chùa vài trăm cây số sẽ được các hiếu tử đem xe chở đến tận cổng chùa.

. Đóa Sen Thiện Sắc: được Sư Ông Khánh Anh truyền giới Bồ Tát, như một lực đẩy và nhân duyên được góp phần trong chương trình trồng lúa nước cho Châu Phi để xóa đói giảm nghèo. Cũng như được tham gia vào chương trình chống sốt rét với dược liệu chiết xuất từ cây Thanh Hao hoa vàng (Artemisia annua). Tổng số người chết vì sốt rét tại Châu Phi nhiều hơn vì chết đói và nhiễm bệnh HIV.

. Đóa Sen Diệu Như: chẳng ai xa lạ đó là Bút Nữ Trần Thị Nhật Hưng của chúng ta, chuyên gia viết bài tường thuật về những khóa tu học Phật Pháp Âu Châu. Ngòi bút cũng lợi hại lắm chứ, nếu biết cách dùng sẽ mang lại lợi ích cho nhiều người, như đã viết ở phần trên cô nàng hay viết bài quảng cáo cho các khóa tu. Cùng một giống Sen nở rộ trong hồ Sen của Sư Ông có thêm Đóa Sen Nguyên Hạnh, cũng đi tu học không thua gì ai và viết lách cũng chẳng kém ai, đó là một Đóa Sen Xanh như tựa đề một bài viết của chị.

Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh và giọng nói của Sư Ông trong khóa tu học “lần cuối” của Người, nhưng đối với chúng tôi không phải là sự chấm dứt. Những việc đang làm dở dang của Sư Ông vẫn được tiếp tục tiến hành như xây dựng cho xong ngôi chùa Khánh Anh. Trong vườn Sen của Sư Ông vẫn còn nhiều Đóa Sen thơm ngát tỏa hương, nhưng trong khuôn khổ bài viết bé nhỏ này không thể nào kể hết được. Mong sao cho vườn Sen của Sư Ông vẫn tiếp tục nở rộ.



Hoa Lan - Thiện Giới.

Mùa thu 2013.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]