Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài cảm niệm... (T. Nhất Chân)

12/09/201310:04(Xem: 15650)
Vài cảm niệm... (T. Nhất Chân)

htminhtam


Vài Cảm Niệm Về

Một Vị Hoà Thượng Đã Ra Đi


Bài của HT Nhất Chân
Quảng An diễn đọc

Khi Hòa Thượng Tín Nghĩa yêu cầu tôi viết một bài kỷ niệm về Hòa thượng Minh Tâm trước sự ra đi đột ngột của Ngài, tôi thật không biết viết gì đây. Kỷ niệm thì rất nhiều, nhưng Ôn ta không phải là người dễ có kỷ niệm để nhắc nhở, bởi Hòa thượng là người thuần khuynh hướng sinh hoạt và tích cực làm việc, không hưởng thụ, không thích tình cảm giao hảo vui chơi. Tuy có lẽ tôi là người ở gần Hòa thượng lâu nhất, nhưng phải nói rằng Hòa thượng Như Điển mới chính là người cùng chí hướng và gắn bó hơn hết với Ngài. Lại nữa khuynh hướng của tôi hoàn toàn thiên về nghiên cứu Phật pháp, không thiên về sinh hoạt, thế nên dù tôi có sống gần Hòa thượng, nhưng các Thầy khác cùng sinh hoạt với Hòa thượng mới thật sự là gần hơn. Tuy thế, nhưng tôi tin chắc là giữa tôi với Hòa thượng vẫn có một sự thắt chặt vô cùng đặc biệt sau bao năm gần gũi, vừa trong sinh hoạt của giáo hội bên ngoài, vừa sinh hoạt nội bộ của Khánh Anh bên trong. Nên tôi nghĩ rằng, thôi hãy để các Tôn túc khác nói và kể về các công đức trong sự nghiệp hoằng pháp của Hòa thượng cũng như các kỷ niệm về Ngài trong sinh hoạt của Giáo Hội. Phần tôi, chỉ xin ghi lại vài dòng cảm niệm chân thật thoáng lên trước sự ra đi của Hòa thượng, người mà thực sự tôi coi như một ông anh cả, gần mà xa, xa mà gần...

Ngẫm lại cuộc đời, thật là vô thường. Và vô thường tuy vô thường, nhưng vô thường diễn ra hoàn toàn không ra khỏi lãnh vực của nhân duyên. Nguyên lý nhân duyên luôn luôn là khởi điểm của mọi câu chuyện trong cuộc sống con người...

Nhân duyên đưa đẩy sáu người chúng tôi (HT. Minh Tâm, HT. Tánh Thiệt, HT. Trí Minh, HT. Như Điển, HT. Thiện Huệ và tôi) tụ hội với nhau giữa một Âu Châu bảo thủ, cũ kỹ, nhỏ bé và đa ngôn ngữ. Mỗi chúng tôi mỗi cá tính, chẳng ai giống ai, nhưng cùng nhau chung lo gánh vác được công việc Phật sự tại Âu Châu này cũng là do nơi sự lãnh đạo của người "anh cả", tuy như người anh cả song sẵn sàng kiên nhẫn và khiêm nhường đối với các em. Phật sự trôi chảy nếu nhân duyên hoàn toàn thuận lợi, hoặc trục trặc trúc trắc nếu nhân duyên chẳng thể theo ý người. Đa số nhân duyên không bao giờ tự động thuận lợi, ý chí con người cần phải xen vào và nỗ lực sắp xếp, nhân duyên mới chịu thuận theo lòng người. Với ý chí kiên trì, với tâm tính nhẫn nại, người anh cả điều hành và chúng tôi hợp lực, mọi trúc trắc của nhân duyên dần dà đều được vượt qua. Vui cũng có, buồn cũng có, hứng thú cũng có mà mệt mỏi cũng có. Nhân duyên của cuộc sống không bao giờ ngưng, nó tiếp tục hiện đến, tiếp tục thúc đẩy, các Thầy khác xuất hiện, các người em mới tới, khiến người anh cả càng hăng say làm việc, kéo theo sự cộng tác của các em và nhiều em hơn nữa, Phật sự lan rộng khắp Âu Châu, vui buồn cũng tăng theo! Chúng tôi như say men theo sự cuốn hút của nhân duyên cuộc đời, tưởng chừng như vĩnh viễn, nhưng rồi đến một lúc, khi bao nhân duyên mâu thuẫn phức tạp và dồn dập của cuộc sống ập đến, không đỡ nổi gánh nặng của nhân duyên chúng tôi như thể bị tan rã. Chẳng ai ưa thích sự ly tan này, nhưng cũng chẳng ai vượt ra khỏi được lẽ tan hợp của nhân duyên.

Tôi thấy ra nhân duyên khiến chúng ta gặp gỡ nhau là để ta được là "ta" và người được là "người", có người có ta thì rồi mới để làm việc này việc kia, để thương để ghét, để vui để buồn, để cùng nhau tạo nên những màn bi hài kịch, để làm cuộc sống này nhộn nhịp ồn náo lên như một bữa tiệc linh đình. Rồi khi đã làm xong, yến tiệc đã chấm dứt, thì chỉ còn bóng tối ở lại, còn mọi người người thì.... thì cũng chính vì con người cùng hiện hữu với nhau trong nhân duyên, nên nhân duyên hội đủ thì con người gặp gỡ, nhân duyên ly tán thì con người ly tan, và cuối cùng khi nhân duyên chấm dứt, mọi người sẽ tuần tự ra đi, và... trong chuỗi nhân duyên chung của chúng tôi, người anh cả đã ra đi trước nhất cũng như là anh đã đến trước tiên...

Nhìn lại bao năm như giấc mộng, giấc mộng của nhân duyên... một giấc mộng ồn náo của những con người cô đơn. Thân phận của con người thật sự là cô đơn! Để đến với nhân duyên của cuộc sống này con người một mình nhập vào thai mẹ, khi nhân duyên này chấm dứt con người cô đơn ra khỏi cuộc đời, đi vào trung hữu... lúc sinh, khi tử đều cô đơn!...

Đạo Phật là niềm tin tuyệt đối trong tôi, thế nên tôi tin rằng: Khi một người ra đi, đi vào sự chết, là đi theo con đường do chính người ấy đã tạo ra ngay trong cuộc sống của chính mình. Có điều trong cuộc sống của mình, con người tạo tác rất nhiều, không phải chỉ bằng tay chân mà còn bằng tư duy, còn sáng chế và phát minh không ngừng để còn làm và làm nhiều hơn nữa, nhưng chắc chắn không ai nghĩ rằng mình làm việc là để làm cho sự chết, không ai nghĩ rằng sống chính là để chết. Con người sống với nhau, làm việc cho nhau để cùng sống với nhau. Sự chết làm mất đi mọi ý nghĩa của sự sống, nó có tính chất phá hoại toàn thể cuộc sống, rõ ràng sống và chết là hai điều tương phản hoàn toàn, thế nên nói “sống là để chết” phải chăng là điều không thể chấp nhận được?...

Tôi có chút lý luận: Nếu sống, chết không liên quan gì với nhau, thì các lễ thức tống táng, truy điệu, thương tiếc, cúng giỗ, rõ ràng là chuyện của người sống, chẳng liên quan gì đến kẻ mất. Nếu có “liên quan” thì các chuyện đốt vàng mả, nhà cửa, xe cộ cho kẻ chết đều không phải là mê tín.

Tôi thấy sống, chết liên hệ chặt chẽ với nhau qua hiện thực cá nhân của con người, chứ không qua khái niệm của sống, chết hay qua các hoạt động văn hóa của tang lễ này nọ. Sống là chính tôi sống mà chết cũng là chính tôi chết, thế nên qua cá nhân tôi, sống và chết liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu không có sống tôi không có chết, nếu không có chết tôi không có sống, sống chết thật sự không lìa khỏi nhau được. Có điều sống là tôi với mọi người cùng sống với nhau, song chết tôi với mọi người có cùng chết với nhau hay không, điều này chắc chắn là không. Khi sống, tôi sống với tất cả mọi người, khi chết, chỉ mình tôi chết mà thôi! Sự chết luôn luôn là riêng tư và là bí mật của riêng người chết. Người sống biết nơi chôn cất của người mất, song chẳng biết rõ người mất kia đi về đâu? Chúng ta có quan tâm gì đến người chết hay không hay chúng ta chỉ biết tiếc thương một người sống mà nay vĩnh viễn không biết đang ở đâu và đang làm gì? Nếu chúng ta thật sự quan tâm đến người chết, tôi nghĩ chúng ta cần hiểu rõ về mối liên quan mật thiết giữa sự sống và lẽ chết.

Đạo Phật nói lên sự liên quan này một cách rất đơn giản: Trong khi sống chúng ta tạo “nghiệp,” đến lúc sự sống tan rã, nghiệp còn lại, hiện ra cảnh giới chết của chúng ta. “Nghiệp” như thế chính là mối liên quan chặt chẽ giữa sự sống và lẽ chết. Nghiệp này là gì? Tôi cố trả lời cho ngắn gọn, đầy đủ và chính xác như sau: Nghiệp là hoạt động thiện hoặc ác thuộc về tâmtôi ở bên trong điều khiển mọi hoạt động thuộc thân, khẩu của tôi ở bên ngoài trong suốt lúc sống, và đến khi thân, tâm của tôi chết đi chỉ riêng “nghiệp tâm” này còn lại, hình thành ra một hữu tình chết và cũng chính là hữu tình đi tái sinh.

Ai sống mà không sống bằng tâm? Ai sống mà lại không có hoạt động? Mà hoạt động nào lại không có tâm làm chủ, lại không liên hệ đến nhiều người, lại không có tính chất tốt xấu? Khi chết, mọi hoạt động chấm dứt, mọi liên hệ chấm hết, phần tâm thức làm chủ các hoạt động này cũng diệt tắt, chỉ phần hoạt động thiện ác của tâm là còn lại, được gọi là “nghiệp.”

Khi sống, tôi luôn tin chắc rằng tôi sống và làm việc là làm cho sự sống. Nhưng sự sống trước sau gì cũng phải chấm dứt. Vậy thì tại sao tôi lại dành hết sinh lực của sự sống để làm việc cho một cái chắc chắn chấm dứt? Và tôi được lợi gì nơi đó? Bao nhiêu công lao tâm sức của tôi tạo tác đủ thứ, tôi được gì khi tôi chết? Nếu mọi tạo tác khổ nhọc trong đời sống con người không để lại một nhỏ nhoi gì đó trong sự chết, thì cuộc sống tạo tác của con người quả thật là vô dụng... một cách bi thảm. Thế nên, sự sống phải tạo ra một sự “nghiệp” tốt đẹp nào đó cho sự chết, thì sự sống ấy mới tràn ngập ý nghĩa....

Ý nghĩa quan trọng nhất của “nghiệp” mà tôi thấy ra là ở chỗ: Nghiệp là sự thật nhất của chính mỗi người, nó ở tận cùng bên trong tâm thức chúng ta, với nó, mọi thành quả mà cá nhân đạt được trong lúc sống chỉ là trò chơi bên ngoài. Người đời có thể ca ngợi một người đã mất là vĩ nhân, vì đã để lại cho đời biết bao điều tốt đẹp, họ tri ân người ấy. Nhưng các điều tốt đẹp “bên ngoài” ấy không bảo đảm chút nào là ông ta đang ở thiên đường, mà chính cái nghiệp tâm thâm sâu hoạt động bên trong ông ta trong lúc còn sống mới quyết định là ông ta đang ở đâu, thiên đường hay địa ngục? Một lãnh đạo độc tài hiểm ác khéo che đậy khi chết có thể được cả nước thương tiếc tôn thờ, nhưng nghiệp hiểm ác kia vẫn đưa ông ta xuống địa ngục bất chấp sự tôn thờ huyễn ảo của đời sống kia!

Vì vậy, đạo Phật dạy sống là để tạo nghiệp xây dựng cho sự chết, nói rõ hơn, sống là để mở ra con đường vượt qua bờ bên kia của sinh tử. Mỗi cuộc sống là một lớp học, sự chết của mỗi cuộc sống là kỳ thi cuối của lớp học ấy. Nếu thi đậu chúng ta vượt qua lớp học ấy và tốt nghiệp, nếu không đậu, chúng ta phải ở lại lớp hoặc còn phải xuống nhiều cấp nữa!

Ai rồi cũng chết, nhưng chúng ta có cả một sự sống diễn ra trước khi chết. Sự sống ấy có, không phải là để chúng ta tạo tác các nghiệp tham sân si với nhau để rồi đến khi chết ai nấy đều đọa lạc trong khổ đau, như những thí sinh rơi rớt. Trái lại chúng ta có cuộc sống này là để thực hành các nghiệp Đạo, để lấy đó làm trớn mà nhảy băng qua bờ bên kia của tử sinh vào ngay khi sự chết xuất hiện, như những thí sinh tốt nghiệp.

Không ai ngoài chư Phật, các Bồ-tát thập địa và các thánh A-la-hán mà có thể chỉ bằng một đời thôi là vượt qua đến bờ kia. Tôi là người phàm, một đời không đủ cho tôi chút nào, nhưng chỉ miễn sao qua một đời tôi không bị rơi rớt mà có thể được vươn lên một cấp cao hơn là tôi đủ hài lòng để bước vào sự chết không tiếc nuối, không sợ hãi...

Đến đây, tôi nghĩ một chút lý luận đã tạm đủ để trở lại với cuộc sống bên ngoài giả tạo mà chúng ta vẫn cho là thực tế hiện thực, cuộc sống của nhân duyên....

Tôi có nhân duyên có người anh cả mất vào thời chiến cách đây hơn bốn mươi năm trời, sự mất mát của người anh ấy gợi lên trong tôi một ấn tượng bàng hoàng về tử sinh và... lần đầu tiên trong đời, ý tưởng xuất gia hiện rõ trong tôi. Rồi nhân duyên xuất gia đến... và không bao năm sau tôi lại có nhân duyên gặp người anh cả ở trong đạo này. Hơn hai mươi năm trời gần gũi và làm việc chung, đến lượt người anh này cũng ra đi, một lần nữa đề tài "sinh tử" lại khơi dậy mạnh mẽ trong tôi. Nhưng lần này, nhờ pháp Phật hun đúc qua bao năm, lẽ sinh tử thật sáng tỏ trong tôi. Tôi không còn thấy có gì là buồn nữa đối với sự chết của bất cứ người thân quen nào, tôi chỉ buồn nếu người chết “thi rớt” và tôi vui nếu người ấy “thi đậu” hay “lên lớp”.

Tôi tin rằng anh tôi đã lên lớp, một con người kiên trì, nhẫn nại, kín đáo, đơn giản, không lễ nghi khách sáo, không thích nói về mình, không tham lam cất giữ, không sân hận thô tháo, sống không phải là để hưởng thứ này hay thứ kia mà sống là để làm việc cho lý tưởng của mình, để làm hết tất cả năng lực của mình và làm cho đến giọt sinh lực cuối cùng, vượt qua bệnh tật đầy quả cảm, một con người có vẻ lạnh lùng nhưng đầy châm biếm, uyển chuyển nhưng sẵn sàng quyết liệt, một con người cần làm việc lớn nhưng chẳng cần ai, sẵn sàng cô đơn một mình và... trên hết một con người ra đi hoàn toàn chẳng luyến tiếc gì, nhẹ nhàng và thanh thản... Nghiệp của anh tôi là thế đấy!

Tôi vui dù có chút bùi ngùi. Bảo tôi kể lại một vài kỷ niệm, thật tình đâu phải ít. Nhưng nói đến kỷ niệm là nói đến nỗi nhớ, thì không hiểu sao trong ký ức của tôi chỉ nghe trào dâng lên có ba chữ, ba chữ mà trong bao năm qua các vị Thầy thân quen, các phật tử xa gần mỗi khi nói đến người anh ấy vẫn thường nói lên, đó là ba chữ “Thầy Minh Tâm”.

Thích Nhất Chân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]