Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hai đĩa rau muống (Văn Công Tuấn)

07/09/201306:33(Xem: 16961)
Hai đĩa rau muống (Văn Công Tuấn)

minhtam_dalailama



Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
Do Quảng An diễn đọc



Bàng hoàng thẩn thờ khi đọc mấy dòng chữ rất ngắn qua Emai của Thầy (Hòa Thượng) Như Điển báo tin Ngài Minh Tâm vừa viên tịch. Tôi ngã dài người trên chiếc ghế ngồi ở văn phòng và thấy những chữ nhảy múa trên màn ảnh. Email chỉ vọn vẹn một câu báo tin Ngài vừa ra đi ở Phần Lan, trong bệnh viện. Tôi biết Thầy Như Điển ít khi hà tiện chữ với tôi nhưng chắc Thầy cũng đang bàng hoàng thẩn thờ như tôi. Tôi nhớ như in câu chuyện Thầy kể là Thầy có thiếu Ngài Minh Tâm món nợ vài trăm Euro gì đó - tính tương đương theo tiền Franc của Pháp lúc xưa - nhưng Thầy không bao giờ muốn trả lui (mặc dù cũng đã cúng dường nhiều gấp bao nhiêu lần như thế) vì Thầy muốn mang trong tâm khảm món nợ đó mãi. Ấy là món nợ tình cảm của thuở hàn vi, của những ngày chân ướt chân ráo đến đây, đặt nền móng cho Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Thật quý hóa bao nhiêu những cung cách đối đãi đầy tình nghĩa của những bậc đạo sư.

Không bàng hoàng thẩn thờ sao được!

Nói như nhà văn Vĩnh Hảo đã viết: Khi một bậc đại sĩ nằm xuống, cảm giác thật như là một mặt trời vừa rụng(Webseite Viên Giác, Vĩnh Hảo: Nhẫn). Đó là cách nói của một kẻ sĩ đầy nhiệt huyết đứng trước một bậc thầy lớn. Còn tôi, tôi nghĩ đến viên ngọc trên búi tóc của gã cùng tử trong thời kinh Pháp Hoa, viên ngọc mà tôi chưa hề nhận diện được thì nay lại mất đi. Hình ảnh hai đĩa rau muống luộc nằm trên bàn ăn ở Chùa Bảo Quang Hamburg ngày nào lại quay về trong trí tôi.

Thực sự mà nói, tôi biết về Ngài Minh Tâm rất ít, gặp Ngài chừng mươi lần, thường thì trong những cuộc lễ và cũng chỉ loanh quanh những câu hỏi thăm thông thường như sức khỏe ra sao, mấy cháu học hành như thế nào thôi. Tôi cũng được may mắn tiếp Ngài hai lần tại tư gia nhưng những lần như thế thì có nhiều khách Tăng nên chỉ đảnh lễ Ngài một lạy rồi lại cứ loay hoay lo tiếp khách nên chẳng dành thì giờ hầu chuyện nhiều. Dù rất bận rộn nhưng Ngài quá bình dị, đặc biệt là nhớ rất dai, nhớ trong từng chi tiết và rất khôi hài. Đối với Ngài dường như tất cả mọi việc dù quan trọng đến đâu cũng chỉ xảy ra rất nhẹ nhàng.

Hình như là vào năm 90, 91 gì đó, lúc vẫn còn mài đủng quần trong đại học ở Hamburg sau mấy năm định cư tại Đức, Sư Bà Diệu Tâm Chùa Bảo Quang gọi điện thoại hỏi tôi là có thể nghỉ vài hôm để đưa Hòa Thượng Minh Tâm (lúc ấy là Thượng Tọa) đi sắm những dụng cụ âm thanh cho Chùa Khánh Anh được không? Lúc ấy HT muốn mua một hệ thống âm thanh với Micro không dây để xài trong chánh điện, trước là cho Khánh Anh và „nếu xài được“ thì sẽ cho những cơ sở khác và HT nói là những máy móc kỹ thuật của Đức có thể tốt hơn. Tôi mừng và đồng ý ngay, sinh viên mà trốn học vài hôm thì cũng chả sao. Mừng, một phần vì là sinh viên kỹ thuật, được đi mày mò ngắm những máy móc là sở thích lâu nay của tôi, mặt khác lại được đưa HT đi và muốn mua thực sự chứ không phải như các lần trước chỉ đi quan sát thị trường như mình lâu nay, tôi cảm thấy oai và thích thú hơn. Như thế là hai Thầy trò lang thang hai ngày trời bao nhiêu tiệm kỹ thuật âm thanh. Hôm đầu thì thầy trò cùng gặm bánh mì dọc đường, nước uống thì đã thủ sẳn mấy chai trong ba lô, nhưng máy móc vẫn chưa mua được mà hai thầy trò cũng thấm mệt. Ngày hôm sau trước khi đi, Sư Bà dặn là phải đưa HT về ăn cơm trưa ở Chùa và nghỉ ngơi chút xíu rồi mới đi tiếp. Thầy trò lại lên đường, chúng tôi cũng đã có ý trong đầu là muốn mua loại gì rồi, nên chỉ cần so sánh thêm giá cả và tìm hiểu thêm chút ít thôi. Loay hoay suốt buổi sáng chúng tôi cũng mua được một số dụng cụ cần thiết nhưng không mua cả hệ thống mà theo HT thì có vài loại máy móc thấy ở Paris rẻ hơn. Như thế mà thùng xe cũng chất đầy những thùng Carton và cả hai thầy trò đều hài lòng về thành quả hôm đó (sau này HT Tánh Thiệt cũng đến Hamburg và cũng muốn sắm những máy móc tương tự như thế, nghĩa là chúng tôi cũng có thành công trong việc chọn lựa). Về đến Bảo Quang thì đã quá giờ cơm trưa. Mấy bác gái đến nấu cơm hầu thầy vẫn nóng lòng chờ và lo hâm lại những món canh, đĩa xào. Tôi thấy trên bàn ăn đã dọn sẵn hai mâm cơm, phía trên dành cho HT và cách khoảng hai mét phía dưới dành cho tôi. Với đời sống sinh viên suốt cả tuần ăn thức ăn Đức ở quán cơm sinh viên (Mensa) thấy cơm canh như thế là hạnh phúc lắm rồi. Thêm vào đó, cả hai phần cơm đều có hai đĩa rau muống luộc. Ở đây phải mở ngoặc nói thêm là, trong thời cuối năm 80 đầu năm 90, rau muống ở Đức là cao lương mỹ vị mà mấy bác Phật tử đã mua đem đến để cúng dường Thầy. Tôi cũng được hưởng lây. Có điều đáng nói - và là bài học ấn tượng cho cuộc đời tôi - là nội dung hai đĩa rau muống có phần khác nhau. Tôi đứng sẵn trước bàn ăn và chờ, Thầy còn đi rửa mặt. Thầy vừa vào phòng ăn và bước thẳng đến chỗ tôi và nở một nụ cười thật tươi. Nhìn mâm cơm và khen, cám ơn mấy bác làm cơm quá thịnh soạn đãi Thầy, liếc qua hai đĩa rau muống và nói: sao hai đĩa rau khác nhau như thế này? (đĩa rau mâm dưới chỉ có mấy cộng rau gốc cứng mà thôi), nói xong thầy bưng hai đĩa rau đổi cho nhau - đĩa ngon dành cho tôi và đĩa dở cho Thầy - trước các cặp mắt nhìn sửng sốt chưa kịp phản ứng gì của mấy bác gái. Dĩ nhiên tôi không thể để như thế được, tôn kính các vị Tăng là khuôn phép tôi đã được gia đình dạy ngay từ thuở còn bé, nên ấm ớ nói gì đó và đến bưng đổi lại. Thấy ai cũng lúng túng, Thầy không nói gì thêm, tự tay đến dời cả mâm cơm phía trên xuống bàn phía dưới, rồi Thầy cùng ngồi xuống ghế đối diện tôi và tự tay đổ dồn hai đĩa rau muống vào một, dùng đủa trộn đều trước bao nhiêu con mắt ngơ ngác của chúng tôi. Mọi người chưa biết nói gì và phản ứng ra sao thì Thầy đã chắp tay và niệm danh hiệu Bổn Sư (niệm Phật trước khi ăn cơm). Chúng tôi mọi người cùng niệm Phật lớn theo Thầy. Tôi miệng niệm Phật mà lòng cứ nghĩ đến „Tâm vô phân biệt“ ấy, ấn tượng này vẫn còn ghi rõ trong tôi mãi đến hôm nay. Dĩ nhiên trong bữa ăn hôm đó tôi cố ý đi đủa vòng quanh và không đụng đến đĩa rau muống khó xử ấy dù Thầy đã nhắc tôi nhiều lần, có lần Thầy đã gắp rau muống bỏ vào chén cơm của tôi. Kết quả là đĩa rau vẫn còn dư hơn phân nửa khi chúng tôi ăn cơm trưa xong.

Cuối cùng tôi cũng có một bữa ăn rất ngon. Thầy chắc cũng như thế. Thầy đã mua sắm được một số máy móc cho Chùa và hơn hết tôi có một bài học quý và một kỷ niệm khó quên về sự tế nhị của Thầy. Ở đời có khi những việc rất nhỏ nhưng lại tạo những ấn tượng không bao giờ phai được. Phải chăng đó chính là ý nghĩa cao đẹp của hai chữ „thân giáo“ trong nhà Phật?

Bây giờ Ngài đã ra đi. Phật Tử Việt Nam trên cả thế giới đều ngưỡng vọng đến hành trạng của Ngài như một vị Bồ Tát suốt đời chỉ tận tụy cho sự nghiệp Giáo Hội. Bạch Thầy, bây giờ con viết ra bao nhiêu cũng bằng thừa. Ngài vĩ đại quá so với những chữ nghĩa của thế gian. Ngài vĩ đại quá so với những thế lực tranh chấp chính trị bè phái. Ngài bỏ ngoài tai tất cả, Ngài có mặt ở mọi nơi lúc chúng sanh cần sự có mặt của Ngài. Hòa Thượng Như Điển đã viết những lời chí tình về Ngài trong bài viết „Tưởng niệm Thầy“: Trong Thầy không có kẻ thù. Nếu có chăng, chỉ là tham, sân, si, tật đố. Ai cũng là bạn của Thầy, dẫu người ấy không đồng quan điểm của Thầy. Đây là điểm son của người quân tử, như hoa sen vượt khỏi bùn nhơ, như lá sen không làm cho nước đọng lại. Những nơi Ngài đặt chân đến dù phong ba bão táp, dù có bao nhiêu mâu thuẩn sau một thời gian là người ta thấy ở đấy mọc lên những đạo tràng tu học, những sinh hoạt Gia đình Phật tử v.v… Ở hải ngoại mà có 25 khóa tu học Âu Châu với số học viên trên một ngàn người Việt đủ mọi lứa tuổi mỗi khóa thì hoàn toàn không dễ chút nào cả. Để lèo lái chiếc thuyền Pháp trên một ngàn người cùng chèo này - mà không phải ai cũng chèo cùng hướng - thì phải có một thuyền trưởng đại tài, vị ấy chính là Ngài thượng Minh hạ Tâm.

Như trong đêm dài tăm tối, một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa đại dương không biết đâu là phương hướng - hoảng hốt, lo sợ. Ngay lúc ấy trên vòm trời cao xuất hiện một vì sao Bắc Đẩu. Bắc Đẩu đâu cần ồn ào tuyên bố mà chỉ im lặng tỏa sáng, có thể có chút mỉm cười. Tức khắc bao nhiêu thuyền bè trên cả đại dương mênh mông định ngay được hướng đi.

Kính lạy Bồ Tát thượng Minh hạ Tâm, hành trạng Ngài là như thế.

Con thành kính đảnh lễ Giác Linh Ngài.

Viết từ Hamburg 6-9-2013
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]