Vài năm trước đây, trường đại học the University of Wisconsin–Madison có tổ chức một cuộc thử nghiệm khoa học có liên quan đến vấn đề đo lường hạnh phúc. Các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh não bộ dùng những bộ máy tinh xảo để đo lường những làn sóng trong bộ não của vài trăm tình nguyện viên, thuộc mọi giới, tham gia cuộc thử nghiệm nghiên cứu về mức độ hạnh phúc của con người. Với khám phá của khoa học ngày nay thì khi một người cảm thấy hạnh phúc, những làn sóng trong phần não phía trước bên trái của họ, left prefrontal cortex, hoạt động rất mạnh.
Và trong số những người tình nguyện tham gia, có một vị tu sĩ Phật giáo người Pháp tên là Matthieu Ricard. Điều thú vị là khi các bác sĩ đo những làn sóng não bộ có liên quan đến hạnh phúc của Ricard, trong lúc ông ngồi thiền, thì nhận thấy chúng hoạt động rất mạnh. Những dữ kiện, con số về mức độ hạnh phúc của ông họ ghi nhận được quá cao so với hàng trăm tình nguyện viên khác. Thật ra thì con số ấy vượt ra ngoài cả mức giới hạn của một người bình thường. Sau cuộc thử nghiệm này, các nhà khoa học gọi đùa và đặt tên cho ông Matthieu Ricard là "Người hạnh phúc nhất trên thế giới", the happiest manin the world.
Và khi được hỏi là trong khi ngồi thiền để các bác sĩ thử nghiệm, ông đã nghĩ những gì mà trong tâm lại phát khởi nhiều hạnh phúc như vậy? Ricard trả lời rằng ông chỉ ngồi thực tập Niệm Tâm Từ, Metta Meditation. Ông không suy nghĩ gì hết, chỉ niệm thầm những lời cầu mong cho tất cả mọi người, trong đó có chính ông, luôn được an ổn không gặp nạn tai, lúc nào cũng có hạnh phúc và không bị khổ đau nào.
Ngày xưa Phật dạy phương pháp niệm tâm từ này để giúp các đệ tử của Ngài chuyển hóa những sợ hãi và phiền não của mình. Và có lẽ khoa học ngày nay đã chứng minh được điều ấy, rằng tình thương và tâm từ thật sự có một năng lực chuyển hóa những thống khổ và làm phát sinh trong ta một hạnh phúc rất lớn. Và nếu như chúng ta có khả năng mở rộng lòng mình ra, thì ta sẽ tiếp nhận được thật nhiều hạnh phúc.
Nhưng bạn biết không, có lẽ Phật cũng biết rằng đó không phải là một việc dễ làm, nên Ngài mới dạy cho chúng ta thực tập phương pháp niệm tâm từ. Có những lúc ta cảm thấy khó có thể nào mở rộng tình thương của mình ra được cho chung quanh, và nhiều khi ngay cả cho chính mình. Nhưng có thể vì chúng ta nhìn xa rộng quá chăng, chúng ta nghĩ rằng tâm từ phải được biểu hiện ra bằng một hành động gì to tát lắm chăng? Tôi nghĩ, đôi khi một tình thương lớn lại thường được biểu hiện trong những điều nhỏ nhặt nhất.
Một đôi giày
Có một anh lính cứu hỏa tình nguyện (volunteer fireman) kể lại một bài học trong đời mình mà anh ghi nhớ mãi. Anh Mark Bezos là một người luôn mang trong tim một lý tưởng muốn giúp người và phục vụ cho đời. Anh là một trong những người đứng đầu của một tổ chức thiện nguyện lấy tên Robin Hoodở thành phố New York, với mục đích chống nghèo đói và giúp đở những người bất hạnh. Và ngoài công việc ấy, trong những giờ rảnh anh lại tham gia vào một đội cứu hỏa tình nguyện trong vùng.
Anh kể lại vụ chữa cháy đầu tiên của anh xảy ra vào một đêm khuya mùa đông, và bài học ấy anh vẫn còn ghi nhớ mãi. Những người lính cứu hỏa tình nguyện ai cũng rất là hăng say, mỗi khi có vụ cháy nào thì ai cũng muốn mình sẽ là người anh hùng xông vào căn nhà đang bốc lữa để cứu nạn nhân, hoặc được làm một việc gì đó thật quan trọng.
Lần ấy, khi anh vừa đến nơi xảy ra cuộc cháy, thì đã có một người lính cứu hỏa tình nguyện khác đến trước anh rồi. Bên ngoài là cô chủ nhà đang đứng với vị lính Chỉ Huy chữa cháy, cô ta che dù, đứng chân không, dưới cơn mưa lạnh, vẽ mặt rất hoang mang. Vị Chỉ Huy ra lệnh cho người lính Cứu Hỏa đến đầu tiên, xông vào căn nhà đang cháy để cứu con chó thân yêu của cô chủ nhà đang còn bị mắc kẹt bên trong. Anh Bezos cảm thấy một sự ganh tỵ nổi lên trong lòng, phải chi anh đến sớm hơn một chút thôi thì mình đã là một vị anh hùng rồi, và suốt đời anh sẽ có thể kể lại cho người khác nghe về hành động dũng cảm và đầy nghĩa hiệp này của mình.
Đến phiên anh, vị Chỉ Huy quay sang nói “Bezos, tôi muốn anh vào trong căn nhà ấy, lên lầu, vào trong phòng ngủ để lấy cho cô ấy một đôi giày!” Một đôi giày!Tuy không hài lòng lắm, nhưng anh cũng nghe theo lệnh, đi vào căn nhà, lúc ấy lửa cũng đã được dập tắt gần hết, lên lầu và tìm một đôi giày. Tuy làm nhưng trong lòng anh cảm thấy mình chẳng là một bậc “anh hùng” chút nào hết! Và lẽ dĩ nhiên, khi mang đôi giày ra ngoài, anh thấy cô chủ đang mừng rỡ ôm con chó của mình, và thờ ơ với đôi giày mà anh mang ra cho cô ta.
Vài tuần sau đó, đội cứu hỏa của anh nhận được một lá thơ cám ơn thật chân thành của người chủ nhà về những hành động can đảm và sự chăm sóc của mọi người đối với cô ta. Và cô viết, hành động biểu lộ tình thương sâu sắc nhất mà cô ghi nhận được, là có một người nào đó hôm ấy đã mang ra cho cô một đôi giày khi cô đứng dưới cơn mưa lạnh. Và đó là điều mà cô sẽ trân quý và ghi nhớ mãi suốt đời mình.
Anh Bezos chia sẻ, đó là một bài học rất lớn trong đời anh. Trong sự nghiệp giúp người và giúp đời, anh đã từng chứng kiến từ những dự án, việc làm to tát giúp thật nhiều người, cho đến những hành động nhỏ nhặt chăm sóc cho một cá nhân. Và điều mà anh học được là: tất cả đều quan trọng như nhau. They all matter. Chúng ta đừng chờ đợi. Đừng đợi đến khi nào mình thật giàu có mới có thể đóng góp, đừng chờ ta phải có một dự án to lớn giúp trăm ngàn người mới thi hành… chúng ta đều có thể đóng góp cho đời bằng tình thương chân thật của mình. Cuộc đời ít khi nào cho ta có cơ hội để làm một vị anh hùng, nhưng bao giờ cũng có nhiều dịp để giúp ta làm vơi bớt khổ đau của người khác...
Làm sao để có hạnh phúc?
Trong cuộc sống chúng ta thường khép kín mình lại, vì sợ rằng mở rộng lòng ra cũng có nghĩa là ta sẽ có cơ hội tiếp nhận khổ đau. Nhưng nếu ta mở lòng ra để ban rải tình thương thì đó lại là một việc hoàn toàn khác, vì luật tự nhiên là ta sẽ nhận lại được những gì mình ban cho. Khi tình thương càng rộng thì hạnh phúc của talại càng lớn.
Và đó không phải là một giáo lý viển vông, xa vời đâu bạn, vì khoa học ngày nay cũng đã chứng minh được điều đó rồi. Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ trở thành được là một ngườihạnh phúc nhất thế giới như ôngMatthieu Ricard, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta chắc chắn sẽ là một người có hạnh phúc.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc làm bình thường và gần gũi với mình nhất, vì dầu bất cứ trong hoàn cảnh nào chúng ta baogiờ cũng có một cái gì đó chân thật, dầu nhỏ nhặt đến đâu, để ban cho. Như một giọt nắng trong sáng, như một bông hoa tỏa hương cho cuộc đời, như một nén trầm thơm, sẽ được gió cuốn đi chan hòa và chia sẻ cho biết bao nhiêu người khác. Và tôi nghĩ, đó là phương cách Phật dạy để chúng ta có được hạnh phúc.
Nguyễn Duy Nhiên(http://duynhien.multiply.com)