Người Cư Sĩ Hải Ngoại Trước Thời Đại Mới
Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả
I. Cái Nhìn Cập Nhật
Nhân loại đang bước vào Thế kỷ 21, đồng thời cũng vào đầu Thiên niên kỷ thứ 3 theo Tây lịch, dù rằng theo Phật lịch thì đã qua quá nửa ngàn năm thứ ba rồi. Đứng trước thời đại mới, người cư sĩ phải có “cái nhìn” cho hợp thời và đứng đắn về nhân sinh và vũ trụ để tu hành và sống đạo. Đó là tinh thần “Khế lý, khế cơ” của đạo Phật. “Khế cơ” là hợp với cơ duyên, với môi trường sống, với xã hội và nhân sinh. “Khế lý” là hợp với lẽ thật, hợp với lẽ sống, với quy luật vận hành của vũ trụ v. v...
Trái đất của chúng ta cho đến nay đã trải qua rất nhiều nền văn minh hiện còn lưu dấu, giờ đây đang ở vào thời kỳ của nền văn minh khoa học vật chất. Thời đại khoa học bắt đầu từ Thế kỷ 17 tiến triển trong 300 năm trở nên phong phú và rực rỡ vào Thế kỷ 20. Đây là thời đại mà tất cả chúng ta đều thấy và đang hưởng thụ với máy bay, xe hơi, truyền hình, điện thoại, computer v.v... khoa học càng phát triển thì thời gian dường như thâu ngắn lại và không gian có vẻ như thu hẹp lại. Trong khi đó thì các tôn giáo đều bị khoa học vấn nạn nhất là về mặt vũ trụ quan. Mới đây vào giữa tháng 2-2003 đài CNN loan tin về việc các khoa học gia của trung tâm NASA đã công bố về tuổi của vũ trụ này là 13.7 tỷ năm nhờ vào hình ảnh do tàu vũ trụ không người lái có tên tắt là WMAP (Wilkinson Microware Anisotropy Probe) cung cấp. Khi các khoa học gia công bố như vậy thì mặc nhiên phủ nhận về tuổi của vũ trụ trong kinh Cựu ước đến nay khoảng gần Bảy ngàn năm của Do thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Các khoa học gia phải công nhận thuyết vũ trụ của Phật giáo với Thành, Trụ, Hoại, Không tương tự như thuyết “Big Bang” mới được tìm ra năm 1929 bởi Edwin Hubble và thuyết “Hằng sa thế giới” của Phật giáo được khoa học công nhận với sự tìm ra hằng tỷ Thiên hà chứ không phải chỉ có Thiên đàng, Hỏa ngục và Thế gian nầy. Đó là về Vũ trụ còn với Nhân sinh thì “thuyết lượng tử và bản đồ Gene” chứng tỏ “Thuyết Tánh không và Duyên sanh” của Phật giáo đúng với khoa học.
Điều tôi vừa trình bày trên là cái nhìn về Vũ trụ và Nhân sinh của Khoa học ngày nay tương đồng với Phật giáo. Từ cơ sở đó nếu người Phật tử hiểu được thì đây là cơ hội để khoa học và Đạo Phật cùng bắt tay nhau phụng sự nhân loại và Thế kỷ 21 này là của Phật giáo và Khoa học.
II. Sự Phát Triển Của Phật Giáo Việt Nam Ở Hải Ngoại
Từ đầu thập niên 60 Đạo Phật bắt đầu có mặt bằng xương, bằng thịt với những người con Phật rải rác từ Âu sang Mỹ, qua những áo cà sa của các Lạt ma Tây tạng, rồi sau 1975 thì là những Phật tử Việt nam di tản. Tôi dẫn ra đây một vài con số về sự nở rộ của Phật giáo Việt nam tại Âu Mỹ có thể ví như mùa sen ngày hạ. Ngay tại Hoa kỳ này trước 1975 chỉ có một ngồi chùa Việt nam ở Los Angeles của cố Hòa thượng Thiên Ân, nhưng đến hôm nay thì các chùa Việt nam đã nở hoa trong 39 trên 50 tiểu bang của Mỹ với số lượng là 257 chùa và riêng California chiếm con số 102 từ nhỏ đến lớn ở cả Bắc lẫn Nam của tiểu bang nầy. Về Âu châu cũng vậy trước kia chỉ có hai chùa Việt nam tại Pháp của Hòa thượng Huyền Vi và Thiền sư Nhất Hạnh nhưng đến nay thì tại Pháp đã có 38 chùa và toàn Âu châu gồm tất cả 77 ngôi chùa Việt. Úc châu và Canada trước kia không có nhưng hiện nay tại Úc có 43 chùa và Canada có 38 chùa Việt, còn Phi châu hiện thì chỉ có được hai chùa. Con số mà chúng tôi đưa ra ở trên là dựa vào tài liệu mới nhất của năm 2002 của Giáo hội Khất sĩ trên Thế giới, có thể còn có một số chùa chưa vào danh sách. Có một điều tôi chưa đề cập là ngay tại Á châu, ngoài lãnh thổ Việt nam củng có tới 12 chùa do người Việt mới lập gồm một tại Philippines, hai tại Nhật, hai tại Népal, ba tại Ấn độ và bốn tại Đài loan. Tông kết toàn thế giới, các chùa Việt nam Hải ngoại gồm 426 ngôi chùa tính đến hiện nay. Con số nầy là một khích lệ đối với người Phật tử Việt nam, nó nói lên sự phát triển của Phật giáo Việt nam tại hải ngoại. Nhưng ngược lại nó cũng đặt ra câu hỏi cho những Phật tử có tâm huyết, có niềm ưu tư với tiền đồ Phật giáo là chúng ta phải làm gì và làm sao để duy trì và phát triển sự nở rộ nầy, không cho tàn lụi? Và cụ thể nhất là với những Cư sĩ Việt nam tại Hải ngoại, quý vị nghĩ gì, quý vị đã làm gì và sẽ làm gì để duy trì và phát huy cho sự phát triển tốt đẹp nầy?III. Người Cư Sĩ Hải Ngoại Cần Đi Đúng Đường
Phần trên chúng tôi vừa trình bày chỉ đưa ra con số các chùa mà không nói đến số lượng Phật tử bởi vì chúng tôi chưa có con số chính xác, tuy nhiên nếu lấy điển hình riêng miền Nam California này với số người Việt đinh cư là trên ba trăm ngàn mà đồng bào thuộc các tôn giáo khác khoảng bốn mươi ngàn như vậy tỷ số là 1/8. Sự so sánh nầy không có nghĩa là cứ tám người Việt thì có bảy người là Phật tử mà sự thật thì chỉ có khoảng bốn hoặc năm người là Phật tử còn 2, 3 người khác vẫn chưa theo hẳn đạo nào. Nhưng một điều mà tôi có thể khẳng định là ở khắp nơi tại hải ngoại số Phật tử bao giờ cũng đông hơn các tín đồ khác. Chúng ta đông hơn nhưng lại thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo, không đoàn kết và nhất là luôn bị chao đảo khi bị ngoại đạo dụ dỗ, vì chưa vững niềm tin và chưa hiểu được rằng Đạo Phật mới thật sự đem đến bình đẳng, tự do, hạnh phúc và hòa bình toàn vẹn cho nhân loại.Trở về với tinh thần phục vụ đạo pháp và hoằng dương Phật giáo của người Cư sĩ hải ngoại, chúng tôi xin ca ngợi sự đóng góp của tất cả mọi người để các chùa nở rộ.
Chúng tôi vô cúng tán thán về nỗ lực tu học của quý vị Phật tử trong sinh hoạt “Bát quan trai”, “Ngồi thiền” và “Tụng kinh“ đều đặn. Theo chúng tôi thì những việc làm trên đem đến muôn vàn phước báu, nhưng nếu muốn chuyển thành “Công đức giải thoát” thì người tụng kinh cần phải hiểu kinh và đem áp dụng lời Phật dạy trong kinh vào đời. Tu theo Đạo Phật cần phải đủ “Phước và Trí”, tụng kinh là có phước nhưng nếu được nghe giảng kinh để hiểu đúng chính kiến mới có huệ, rồi đem thực hành vào đời thì mới tròn điều gọi là “Phước Huệ song tu” và mới chắc chắn đi vào con đường hướng đến giải thoát.
Trở lại vấn đề con đường chúng ta đi trong xã hội Âu Mỹ ngày nay, người Phật tử Việt nam cùng một lúc phải đáp ứng hai việc:
* Một là hội nhập với đời sống xã hội và văn hóa nơi mình cư trú.
* Hai là phát huy tinh thần Phật giáo ngay trong cuộc sống mới, áp dụng đúng nghĩa “Tùy duyên bất biến” tức tùy môi trường và hoàn cảnh mà không để mất đi cái bản sắc Phật giáo.
Trong sinh hoạt đời sống, người Mỹ thường nhắc tới chữ “mainstream” tức là “dòng chính”. Vậy dòng chính của người Phật tử là gì? Là dòng tâm hướng thiện, vị tha, quên mình, được thắp sáng bởi lửa Từ bi và Trí tuệ để thắm tô cuộc sống và làm ấm lòng người khác. Từ đó dần dần chuyển hóa xã hội mà mình hội nhập.
Thế giới ngày nay đang phát triển với hai đặc điểm là:
* Xã hội tin học và
* Xã hội hướng đến “toàn cầu hóa” về Kinh tế.
Đứng trước bối cảnh nầy người Phật tử phải áp dụng Phật Pháp vào đời, bổ túc cho khoa học bằng phát huy ba hướng sau đây:
1. Khoa học thì duy nghiệm, Phật giáo thì chứng nghiệm và chứng lý.
2. Khoa học thì phân tích, còn Phật giáo thì vừa phân tích vừa tổng hợp qua trực giác tâm linh.
3. Khoa học khuyến khích cạnh tranh và phát sinh mâu thuẫn, Phật giáo thì hợp tác và hòa đồng.
Muốn hoàn tất ba điều trên thì người Phật tử phải hiểu Đạo và tích cực hành Đạo trong môi trường mới để tiến tới thực tu thực chứng mới mong chuyển hóa được mình và người.
Con đường đúng là con đường “Đạo chẳng lìa Đời”, con đường phục vụ chúng sanh, quên mình vì người và không cầu danh lợi, tất cả vì Đạo pháp.
IV. Vấn Đề Tu Thời Nay
Chúng ta đang sống trong một thế giới tiến bộ, khoa học, khác xa với thời đức Phật, cách đây 2,500 năm, vì vậy việc tu học cũng phải khác. Nhưng, Đạo Phật không bao giờ lỗi thời vì chủ trương “Khế cơ, Khế lý”, tức hợp thời, hợp cảnh, hợp lẽ thật và tùy duyên. Thế nhưng, chúng ta không được quên điểm chính của Đạo Phật là “Tu tâm” nên mọi sự việc và hình thức bên ngoài đều chỉ là phương tiện. Tu theo Đạo Phật là trong mọi hoàn cảnh đều phải “trở về Tâm” cho nên giáo lý Phật nói là “Tu ở mọi nơi, trong mọi lúc”. Câu nầy nói lên việc “Xóa bỏ giáo điều và hình thức”, lại cũng không trói buộc ai, mà mỗi người và mọi người sẽ “Tự tu, tự hành, tự thành Phật Đạo”. Nhưng, đây không phải là kiểu đánh võ tự do mà có mũi tên chỉ đường là giáo lý thực nghiệm của “Bốn sự thật mầu nhiệm” và “Tám điều thực hành chân chính” tức Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.Tu ngày nay khó hơn thời xưa nhiều vì ngoại cảnh lôi cuốn con người khiến chúng ta luôn luôn mất mình trong cuộc sống, đó là ta luôn thường chạy theo cảnh, theo tình mà quên mất tâm tình. Ở đây chúng tôi không nói đến cách tu vì đó thuộc phạm vi giảng dạy của các tu sĩ, hơn nữa Đạo Phật đã chỉ rõ là có tám vạn bốn ngàn pháp môn, nghĩa là rất nhiều phương pháp, bởi nó còn phải tùy theo căn cơ và phúc đức của mỗi người mà áp dụng, không có một công thức cố định nào. Tôi chỉ xin quý vị lưu ý ba điều, đó là:
Thứ nhất: Thời đại nầy rất ồn náo khó định và tịnh để trở về Tâm.
Thứ hai: Khoa học càng phát triển thì sanh mạng con người càng gặp nhiều thử thách và bất an.
Thứ ba: Được làm người rất quý, phải tu ngay kẻo trễ và phải luôn nhớ rằng “Phật xa, ma gần” để mà tỉnh giác.
Sau khi biết rõ những điểm trên thì người Phật tử với sự hướng dẫn của giáo lý và sự chỉ dẫn của vị Thầy hay bạn vững tâm đi tìm con đường giác ngộ, giải thoát cho mình trong thế giới tạm bợ và phù du này.
V. Nhận Định Về Tương Lai
Sự nở rộ của Phật giáo Việt nam tại hải ngoại trong gần ba chục năm qua là một điều mừng, nhưng nhìn vào thực tế thì nó “Có lượng nhưng chưa có phẩm”. Đây có thể gọi là thời kỳ phát triển mà cần phải 20 năm nữa để ổn định. Thời kỳ ổn định là lúc mà số lượng chùa rút bớt đi, nhưng được củng cố vững vàng hơn về mặt tổ chức cũng như bảo trợ, với sự đóng góp của những người điạ phương và thế hệ trẻ Việt sinh trưởng tại hải ngoại.Thực trạng của các chùa Việt nam ở hải ngoại ngày nay là một hiện tượng phát triển theo nhu cầu của các Phật tử hải ngoại. Họ đã quy tụ từng nhóm, từng khu vực, rồi tìm các Thầy hay Sư cô mà lập “Đạo tràng”. Sau đó “chuyển nhà thành chùa” tức “Cải gia vi tự”. Hiện tượng nầy đang diễn ra khắp nơi, về mặt hình thức thì cũng hay nhưng nó chỉ mang tính chất tạm thời, để đáp ứng nhu cầu, chứ không phải tạo cơ sở tu học bền vững. Tại sao?
Vì những nơi đó thiếu Tăng đoàn, thiếu giảng sư thuyết pháp, chỉ nhằm cầu an, cầu siêu và tụng kinh một cách máy móc, cơ sở lại chật hẹp, bị chung quanh khiếu nại, chính quyền không cho phép tụ tập đông, cấm chuông mõ ồn ào, thế thì làm sao thành cơ sở tu học bền vững được. Đấy là chúng tôi chưa kể về những ngôi Chùa và Tịnh thất tạm nầy phải trả tiền nhà đến hàng mấy chục năm, mà Phật tử bảo trợ ngày một ít đi, các Thầy hay các Cô trụ trì không có lợi tức nào để đóng tiền nhà khiến càng ngày càng khó khăn, rồi phải tự động đóng cửa. Tình trạng nầy đã và đang xảy ra, nên chúng ta phải sáng suốt mà tìm giải pháp. Mong rằng chư Tôn đức Tăng Ni lưu ý và quý vị Phật tử cẩn trọng. Theo ý kiến riêng của chúng tôi là nếu Đạo Phật trong Cộng đồng Việt nam Hải ngoại muốn phát triển thì chư Tăng Ni phải ngồi lại với nhau, thành lập những “Giáo đoàn hoằng pháp”. Còn vấn đề phương tiện vật chất thì để các Phật tử tại gia đảm trách, hỗ trợ. Vấn đề “Đổi nhà thành chùa”, nên mua lại các nhà thờ Tin Lành hiện bán rất nhiều mà lập chùa, vì nơi đó có cơ sở rộng và đã được phép chính quyền cho tập trung đông, không trở ngại về mặt sinh hoạt.
Tóm lại trong tương lai nếu muốn còn tồn tại và đứng vững thì từ việc hoằng pháp đến tổ chức và cơ sở đều phải xem xét lại và cần có một cái nhìn mới để phát triển thật sự hữu ích, cũng phải nhắm vào ngay giới trẻ Việt nam và đến cả những người ngoại quốc nữa.
VI. Kết Luận
Hiện tượng người Việt bỏ nước ra đi sau năm 1975 đã làm ngạc nhiên thế giới về mặt sự việc, nhưng có lẽ ít ai nhìn thấy về mặt tâm linh là hạt giống Bồ đề đã được tung ra từ Việt nam để “Chuẩn bị cho một thời đại mới”, với những bầy con Phật Tây tạng trên triền Hy mã Lạp sơn, cùng bầy con Phật dưới đồng bằng dòng Cửu long giang đang lang thang khắp chốn, để gieo mầm giải thoát hầu chuyển hóa thế giới.Trái đất của chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, một thời đại mà “khoa học thực nghiệm vật chất” cần đến sự quân bình của “khoa học chứng nghiệm tâm linh”, mà chỉ Đạo Phật là tôn giáo duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu nầy.
Nhân loại đang tiến và còn tiến mãi, đang mới và còn mới mãi, không một cá nhân, một đoàn thể, một quốc gia hay một tôn giáo nào có thể cản được trào lưu tiến hóa này. Chúng ta, những người Cư sĩ Phật giáo hải ngoại xin hãy chuẩn bị tinh thần và giúp đỡ tư lương cho con cháu mình nhập cuộc.
Để kết thúc tôi xin kính tặng quý vị bốn câu thơ trong bài “Viễn Du” của tôi mang ý khoa học tâm linh để làm chút duyên gặp gỡ hôm nay:
“Một hạt cát rung rinh vũ trụ,
Một cánh hoa thắm cả ngàn thu,
Dòng sinh hóa lúc tan, lúc tụ,
Cả Thiên hà vui cuộc Viễn Du.”
Vâng, thưa Quý vị hành trang đã đủ, phương tiện đã sẵn sàng, xin mời tất cả cùng với Vũ Trụ “vui cuộc Viễn Du”, vào thời đại mới... Thời Đại Của Phật Giáo và Khoa Học.