Hòa thượng thế danh Lê Hiển, sinh năm Nhâm Thìn (1712) tại xã Bến Đền, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam. (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Tương truyền rằng mẹ Khi mẫu thân hoài thai Ngài, đang đêm bà thường thấy con Bạch Ngưu từ trời cao sa xuống ủi vào bụng bà. Đem điềm lạ ấy hỏi những vị tướng sư, ai ai cũng tiên đoán rằng bà sẽ sanh con quý tử. Đứa con ấy mai sau sẽ là đấng danh tăng thạc đức trong thiền lâm. Ngài khánh sanh trong buổi bính minh thật quang đãng, cả nhà ai nấy tự thấy vui thích sung sướng hơn bao giờ. Thuở bé đến lớn Ngài chỉ bú sữa mẹ và dùng những chất không phải cá thịt. Thiên hạ quanh vùng Điện Bàn rất ngạc nhiên. Còn cha mẹ Ngài thấy rất đúng theo lời tiên đoán của hàng tướng sĩ. Từ khi mang thai, bà cảm thấy nhàm chán những thức ăn thịt cá, chỉ dùng toàn chay tịnh và sau đó sanh ra Ngài.
Chủng tử Phật tánh của Ngài sâu dày đã hiện rõ ngay thuở thiếu thời, từ khi lọt lòng mẹ cho đến tuổi đồng ấu Ngài chỉ ăn chay. Mẹ có cho món ăn mặn thì Ngài đều từ chối. Có hôm, mẹ Ngài thương con gắp thịt để dưới chén rồi bới cơm lên trên và đưa cho Ngài ăn. Nhưng với linh tính nên Ngài không dùng chén cơm ấy. Biết con có duyên với cửa Thiền nên khi vừa tròn 10 tuổi, cha mẹ đã đưa Ngài đến chùa Chúc Thánh thọ giáo với thiền sư Minh Hải-Pháp Bảo. Thấy Ngài đỉnh ngộ khác người, Tổ biết là người có đạo cốt, tương lai có thể làm rạng rỡ cho Phật pháp nên thâu nhận làm đồ đệ.
Ngài tính tình ôn hòa, trí căn nhạy bén cộng thêm sự tinh tấn tu học nên không bao lâu đã nhận được lẽ huyền vi của đạo. Đến năm 20 tuổi, Ngài được tổ Minh Hải cho thọ giới Cụ túc với pháp danh Thiệt Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm. Như vậy, Ngài nối pháp đời 35 dòng Lâm Tế và thế hệ thứ 2 của pháp phái Chúc Thánh.
Năm 25 tuổi, Ngài xin tổ Minh Hải ra lập thảo am Phước Lâm tại ấp Trảng Kèo, xã Thanh Hà, phủ Điện Bàn (Nay là phường Thanh Hà-Thị xã Hội An) để tiện việc tu niệm.
Năm Bính Dần (1746) vào ngày mồng 7 tháng 11, tổ sư Minh Hải viên tịch. Trước lúc viên tịch, Tổ đã ân cần phó chúc, truyền trao y bát ấn chứng cho Ngài làm tổ kế thừa đời thứ 2 dòng thiền Chúc Thánh.
Với sự ấn chứng của Bổn sư cũng như sự nổ lực tự thân, không bao lâu, hương thơm giới hạnh của Ngài lan khắp mười phương và đồ chúng theo về tu học ngày càng đông đảo, dần dần tịnh thất Phước Lâm trở thành một Tùng Lâm nguy nga tại Xứ Quảng.
Sau hơn 50 năm khai sáng và hành đạo tại Phước Lâm, Ngài thấy cơ duyên đến đây đã mãn nên tập họp đồ chúng cũng như thân hào xã Bến Đền và thân tộc đến rồi hỏi:
– Sau khi tôi viên tịch, hài cốt của tôi giao cho ai?
Đại diện thân hào xã Bến Đền thưa:
– Ngài là người của bản xã, nhưng đã xuất gia theo đạo Phật, nay Ngài trở thành người của đạo thì nên giao linh cốt của Ngài cho môn đồ đệ tử là đúng.
Đại diện tộc Lê cũng đồng nhất quan điểm như vậy.
Sau khi thu xếp mọi việc và ấn chứng cho đệ tử Pháp Ấn kế thế trụ trì Phước Lâm, Ngài viên tịch vào ngày mồng 24 tháng 4 năm Bính Thìn (1796) thọ 85 tuổi. Đồ chúng xây bảo tháp tại phía Tây Nam chùa Phước Lâm để phụng thờ linh cốt của Ngài.
Nhìn lại cuộc đời của Ngài thì quả thật là hy hữu. Hơn 60 năm tu hành và hoằng dương Phật pháp, Ngài đã kế thừa nghiệp Tổ thắp sáng ngọn đèn chánh pháp và làm cho Phật giáo Quảng Nam ngày một hưng thịnh. Trong lịch sử phát triển và truyền thừa của dòng thiền Chúc Thánh thì tổ đình Phước Lâm dưới sự hướng dẫn hoằng hóa của Ngài đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nếu tổ đình Chúc Thánh là cái nôi của môn phái thì Phước Lâm là trung tâm truyền giáo chính thức. Bởi lẽ nơi đây Ngài đã đào tạo một thế hệ kế thừa như các ngài: Pháp Ấn Tường Quang Quảng Độ: trụ trì chùa Phước Lâm-Hội An và Viên Tôn tại Bình Sơn-Quảng Ngãi; Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm: khai sơn chùa Từ Quang-Phú Yên; Pháp Kiêm Luật Oai Minh Giác còn gọi là tổ Bình Man Tảo Thị: trụ trì chùa Phước Lâm-Hội An; Pháp Tịnh Luật Phong Viên Quang: khai sơn chùa Thiên Hòa-Tuy Phước-Bình Định v.v…đã làm rạng danh Phật giáo xứ Quảng và thiền phái Chúc Thánh. Từ Phước Lâm, các Sứ giả Như Lai đã lên đường đem ánh sáng của chánh pháp đến với các tỉnh ở Đàng Trong như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… và những hạt giống ấy ngày càng lên xanh tốt đúng như ý nghĩa Phước Lâm mà Ngài đã chọn.