Vượt khó, nhẫn nại nghiên cứu và giảng dạy
Một trong những công trình đáng chú ý nhất của Nguyễn Khuê là tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân am thi tập vốn là luận án tiến sĩ được hoàn thành năm 1975 và chính thức xuất bản năm 1991. Danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tư tưởng, nhà thơ lớn nhất nước ta thế kỷ XVI, có nhiều trước tác ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn học và văn hóa dân tộc, nhưng lại ít có công trình nghiên cứu chuyên biệt về ông từ thập niên 1990 trở về trước.
Nguyễn Khuê đã đào sâu nghiên cứu, phiên dịch 100 bài thơ chữ Hán còn nguyên bản, giới thiệu đầy đủ thân thế và sự nghiệp của Trạng Trình, đặc biệt là tình cảm, tư tưởng, giá trị nội dung và nghệ thuật của Bạch Vân am thi tập.
Nguyễn Khuê cũng khảo sát kỹ và trình bày minh bạch về sấm ký Trạng Trình, mà từ thời Lê, Mạc về sau nhiều người dùng để giải thích, suy đoán, bàn luận những hiện tượng xã hội, thiên nhiên ở trong nước và một phần của thế giới.
Ông viết: “Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là người duy nhất soạn sấm ký, nhưng hễ nói đến sấm ký là người ta nghĩ ngay đến Trạng Trình, gặp những câu sấm không biết xuất xứ từ đâu người ta cũng vội gán cho Trạng Trình. Cứ như thế, sấm Trạng Trình được lưu truyền, Trạng Trình được một số người thần thánh hóa như một bậc siêu phàm”.
Ngoài danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuê còn có công lớn phát hiện, phục hồi cho nhà thơ lớn Tương An quận vương. Lịch sử cho biết, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu là ba người con thứ 10, 11, 12 của vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn.
Đây cũng là ba hoàng tử nổi tiếng giỏi văn chương, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, nếu như sau này hai người anh là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương hay được nhắc đến, đặc biệt là qua câu đối “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”, thì Tương An quận vương bị lãng quên.
Từ năm 1970, qua công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo công phu Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, tác giả Nguyễn Khuê đã vén bức màn phủ bụi thời gian để soi rọi, trả lại cho nền văn học chân dung cuộc đời và sự nghiệp tương đối hoàn chỉnh của một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc. Năm 2005, công trình có giá trị và đầy đủ này về Tương An đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ tiếp tục ấn hành.
Sự trân quý của Nguyễn Khuê đối với di sản tiền nhân còn thể hiện qua những công trình khảo cứu dịch thuật khác như: Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Tùy Dượng đế diễm sử, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Văn học Hán Nôm ở Gia Định - Sài Gòn, Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh, Luận lý học Phật giáo,…
Nhân lễ mừng thọ 80 tuổi của Giáo sư Nguyễn Khuê vừa qua, các tác phẩm của ông đã được tuyển chọn và xuất bản thành Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác. “Nghiên cứu Hán Nôm là lĩnh vực ông dồn nhiều công sức và có nhiều đóng góp quan trọng. Phong cách nghiên cứu của ông là nghiêm cẩn, khoa học và trọng tư liệu.
Các vấn đề mà ông trình bày bao giờ cũng tường tận, ngọn ngành, rõ ràng, khúc chiết. Những nghiên cứu và biên dịch của ông về Khổng tử, Phật giáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương An quận vương, Hồ Biểu Chánh,… là những đóng góp quan trọng của ông với học thuật nước nhà, sẽ tồn tại mãi với thời giang”, PGS.TS Đoàn Lê Giang nhận định trong bài Nhà giáo, học giả, nhà thơ Nguyễn Khuê.
PHAN HOÀNG