Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21_Bậc Thầy của những vị thầy

08/10/202310:59(Xem: 5736)
21_Bậc Thầy của những vị thầy

Bậc Thầy của những vị thầy


Bài viết của Cư Sĩ Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc





Cách đây hơn hai mươi năm, vào khoảng cuối thiên niên kỷ trước, tôi có dịp gặp và trò chuyện với thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên. Tôi cùng đi với Đỗ Quốc Bảo, đến thăm thầy khi ấy đang ở trên một căn gác trong khuôn viên chùa Quảng Hương Già Lam. Lúc ấy thầy vẫn là nhân vật quan trọng được nhiều sự “ưu ái bảo vệ”, nên khi vừa đến khu vực cổng chùa chúng tôi đã dễ dàng nhận thấy một số người mặc thường phục nhìn chúng tôi bằng những cặp mắt dò xét hơi khó chịu.

Nói là đến thăm thầy, nhưng thật ra chuyến đi của chúng tôi còn có mục đích khác. Vào thời điểm đó, Đỗ Quốc Bảo đang giúp thầy một số kiến thức trong việc sử dụng Microsoft Word trên máy điện toán. Anh đã thiết lập sẵn một số các mẫu định dạng (style) trong Word, phù hợp với việc trình bày các sách nghiên cứu, vốn thường có nhiều chữ Phạn, chữ Hán. Đỗ Quốc Bảo đã hướng dẫn thầy cách áp dụng các mẫu định dạng này để tạo văn bản có tính nhất quán và phù hợp với các chuẩn mực học thuật. Song song theo đó, Đỗ Quốc Bảo cũng giúp thầy trong việc nhập chữ Hán trên máy điện toán qua phần mềm Song Kiều. Công việc hướng dẫn chưa thực sự hoàn tất và Đỗ Quốc Bảo đang sắp phải rời Việt Nam sang Đức. Vì vậy, anh không yên tâm nên muốn đưa tôi đến gặp thầy để “bàn giao” công việc và nhờ tôi lưu ý giúp thầy nếu có phát sinh bất ổn nào trong lúc vắng mặt anh.

Thầy tiếp chúng tôi trong một gian phòng nhỏ. Chúng tôi trò chuyện về nhiều vấn đề và được mời ở lại dùng cơm trưa. Thời gian tiếp xúc không lâu nhưng thầy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng cũng như những bài học mà mãi đến nay tôi vẫn còn ghi nhớ. Trong lúc trò chuyện, khi nhắc đến một chú thích trong sách cần làm rõ, thầy đứng lên đi thẳng đến kệ sách và lấy ra một quyển, rồi mở ra ngay đúng trang sách đang được đề cập đến. Dáng vẻ thầy ung dung và tự tin cho thấy thầy biết chắc chắn về quyển sách đang nằm ở đó cũng như trang sách nào cần giở ra, không có vẻ gì như người phải tìm kiếm. Về sau này tôi mới biết đó là một trong những khả năng biểu lộ trí nhớ siêu tuyệt của thầy mà rất nhiều người khi làm việc chung với thầy đều biết đến.

Nhưng điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là sự cẩn trọng gần như tuyệt đối của thầy, một điều cực kỳ quan trọng ở người làm công việc nghiên cứu. Mặc dù thầy đề cập đến vấn đề đang thảo luận một cách rất chi tiết, chứng tỏ thầy nhớ rất kỹ về sự việc, nhưng thầy vẫn tìm mở ra nguồn tư liệu gốc để kiểm chứng lại một cách chắc chắn nhất, không hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình. Trong hơn hai mươi năm làm công việc biên tập và hiệu đính, tôi nhận ra hầu hết các tác giả, dịch giả đều mắc phải sai lầm do căn bệnh chủ quan khi dựa vào trí nhớ mà không kiểm chứng. Một người uyên bác, thông tuệ như thầy mà còn tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng như vậy, quả thật xứng đáng là một tấm gương để chúng ta noi theo. Sự cẩn trọng của tôi trong công việc biên khảo từ nhiều năm qua có một phần chính là nhờ học hỏi được nơi thầy.

Nỗ lực học hỏi về các kỹ thuật mới để sử dụng phần mềm trên máy điện toán của thầy cũng thật đáng kinh ngạc. Rất nhiều người tôi quen biết, khi ở vào độ tuổi của thầy rất ngại học hỏi thêm những điều liên quan đến công nghệ. Họ chấp nhận làm việc với môi trường và những phương tiện quen thuộc cũ, dù biết rằng việc sử dụng công nghệ sẽ giúp cho công việc được nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều. Điều đó chỉ đơn giản là vì họ không vượt qua được những khó khăn ban đầu. Thầy Tuệ Sỹ thì rất khác. Thầy nhận thức rất rõ những lợi thế của các phương tiện hiện đại và chấp nhận học hỏi. Và thầy học rất nhanh. Đỗ Quốc Bảo đã quá lo xa khi “giao việc” cho tôi, bởi trong thực tế thầy không cần đến sự hỗ trợ của tôi lần nào cả. Chỉ mãi về sau này, khi giúp thầy xây dựng website Hương Tích Phật Việt thì tôi mới phải đi về vài ba lần để chỉ dẫn cách sử dụng, nhưng lúc đó đã có một vài em sinh viên giúp thầy công việc này. Trong những lần gặp gỡ hiếm hoi đó, tôi cũng đã có lần nghỉ đêm lại Thư quán Hương Tích để rồi được uống trà cùng thầy buổi sáng. Tất cả đều là những kỷ niệm đẹp mà tôi luôn ghi nhớ.

Năm 2009, sau khi xuất bản bản Việt dịch và chú giải kinh Đại Bát Niết-bàn, tôi gửi biếu Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Trí Tịnh và thầy Tuệ Sỹ mỗi người một bộ. Phiên bản đầu tiên đó được in đầy đủ cả phần Hán văn và chú âm với độ dày tổng cộng hơn 4.500 trang, được phân chia thành 8 tập. Một thời gian sau, có dịp gặp thầy, tôi không ngờ là thầy đã đọc và ân cần trao đổi với tôi về bản dịch ấy. Thầy bảo tôi, phương pháp anh làm như vậy là tốt lắm. Tôi biết là thầy đang đề cập đến những điều tôi trình bày ở phần Dẫn nhập. Rồi thầy vui vẻ nói thêm: “Anh nên cố gắng học thêm tiếng Phạn. Điều đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho công việc.”


on tue sy-57
Tác giả Nguyễn Minh Tiến và Ôn Tuệ Sỹ



Tôi biết lời thầy dạy rất chí lý, nhưng thú thật tôi tự xét mình và biết là không kham nổi. Nếu chỉ học để biết qua loa thì không thành vấn đề, nhưng “học cho ra học” thì tôi biết chắc loại ngôn ngữ “cõi trời” này không thể thông thạo một cách nhanh chóng được. Trong thực tế, anh bạn Đỗ Quốc Bảo của tôi đã phải lăn lộn hết mình trong hai mươi năm qua, đến giờ mới có thể lên bục giảng để giảng dạy ngôn ngữ này. Tôi thì quả thật không đủ “vốn liếng” để theo đuổi như vậy. Vì thế, tuy vẫn không quên lời thầy dạy nhưng với mức độ làm việc đều đặn như những năm qua, tôi cũng đành “hẹn lại kiếp sau” với giấc mơ về Phạn ngữ.

Tôi không có nhiều duyên may gần gũi thầy và những lần thăm viếng, hầu chuyện cùng thầy cũng không nhiều lắm. Tuy nhiên, những bậc đàn anh được thầy quan tâm và có nhiều cơ duyên tiếp xúc làm việc với thầy như các anh Nguyễn Hiền, Văn Công Tuấn, Đỗ Hồng Ngọc... thì với tôi đều thân thiết. Nhờ vậy, tôi được biết thêm rất nhiều về thầy qua chính những vị này. Anh Văn Công Tuấn kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện về thầy trong suốt những năm anh từng học và làm việc ở Đại học Vạn Hạnh, khi anh hãy còn là “thanh niên Tuấn” và thầy là “chú Sỹ”. Khi anh Nguyễn Hiền cất công sưu tập các bài viết của thầy và cả những bài viết về thầy để làm tuyển tập “Tuệ Sỹ - Viên Ngọc Quý” thì chính tôi là người may mắn được đọc sửa bản thảo trước khi in. Hơn thế nữa, tập sách này lại được chính Nhà xuất bản Liên Phật Hội của chúng tôi tại California phát hành qua hệ thống POD toàn cầu. Anh Đỗ Hồng Ngọc thì thỉnh thoảng vẫn gửi bài cho tôi đọc, đôi khi có những bài anh viết về thầy. Và mới đây nhất, anh khoe hình lúc đến thăm thầy, tuy đã lộ rõ vẻ yếu ớt vì bệnh tình nhưng khuôn mặt vẫn tươi cười rạng rỡ và cặp mắt tinh anh vẫn không khác với ngày nào.

Nói đến thầy Tuệ Sỹ, những ai đã được gặp thầy hẳn đều không quên được đôi mắt tinh anh đặc biệt của thầy. Thầy có một thân hình nhỏ nhắn và thậm chí là hơi gầy, khuôn mặt cũng gầy gò, hơi khắc khổ, nhưng đôi mắt thì như vượt ra ngoài những dáng vẻ thông thường đó. Trong hố mắt sâu thẳm là hai đồng tử sáng quắc linh hoạt và như chiếu ra những tia sáng xuyên thấu mọi điều. Mặc dù vậy, tôi chưa bao giờ cảm nhận sự nghiêm khắc trong tia nhìn của thầy, mà ngược lại luôn cảm thấy rất nhiều tình cảm thương yêu, ấm áp. Phải chăng chính từ nơi tuệ giác phi thường và tâm từ bi rộng mở của thầy đã lưu xuất ra một ánh mắt nhìn đặc biệt đến như thế!

Và nói về trí tuệ của thầy thì quả thật khó có người theo kịp. Từ lúc còn là “chú Sỹ” trên giảng đường Đại học Vạn Hạnh - và tất nhiên là vị giáo sư Đại học trẻ tuổi nhất lúc đó - thầy đã có nhiều tác phẩm được lưu hành và nổi tiếng. Và cho đến gần đây là công trình Thanh văn tạng mà Hội Đồng Hoằng Pháp vừa xuất bản, một công trình mang tầm thế kỷ mà chính thầy là “cây cột chống trời” đã làm nên kỳ tích. Tất nhiên chúng ta không phủ nhận những nỗ lực và công sức đóng góp của rất nhiều người để công việc được tốt đẹp như đã thấy, nhưng ý tôi muốn nói ở đây là vai trò chính yếu mang tính quyết định của thầy. Khi sức khỏe thầy suy yếu như hiện nay, dường như có một nỗi lo chung mà anh em chúng tôi mỗi khi trò chuyện cùng nhau đều bàn đến. Đó là không biết rồi đây ai sẽ đủ sức thay thế đảm nhận được những vai trò mà thầy đã từng gánh vác.

Mối nhân duyên gần đây nhất giữa tôi với thầy là khi tôi hoàn tất bản dịch và chú giải sách Tây vực ký, trùng dịch công trình của Hòa thượng Thích Như Điển đã xuất bản từ năm 2004. Mặc dù lúc đó sức khỏe của thầy cũng không tốt lắm, nhưng thầy vẫn cố gắng viết lời giới thiệu cho tập sách này. Anh Văn Công Tuấn kể với tôi là có những đoạn trong bài thầy đã viết ngay trên giường bệnh. Khi nghe anh kể như vậy, tôi đã hết sức cảm động và chợt nhớ lại những phút giây được ở bên thầy. Tôi cảm nhận được dù khi tôi đang ở bên cạnh thầy hay đã đi rất xa thì trong tâm lượng của thầy, sự thương yêu và quan tâm khích lệ đối với hàng hậu học chúng tôi dường như vẫn không bao giờ suy giảm cả.

Cách đây mấy tuần, Đỗ Quốc Bảo từ Đức sang California để thuyết trình tại lễ khai giảng trường Đại học Phật giáo Sakya Buddha University và gặp tôi cũng đến thuyết trình ở đó. Chúng tôi có dịp gặp lại nhau sau gần hai mươi năm và lại có dịp nhắc chuyện về thầy. Tôi bất chợt nhận ra một điều là cho dù không ai nghĩ đến, nhưng sự hiện diện của thầy trong cuộc đời này dường như đã trở thành một chất keo gắn kết anh em chúng tôi, những người cư sĩ thuộc thế hệ đi sau, vẫn đang cố gắng tiếp tục đóng góp cho nền Phật học nước nhà. Đó là vì tất cả chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều thật lòng kính phục thầy, đều xem thầy là vị thầy chung, là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo trong suốt cuộc đời mình.

Với sự giác ngộ siêu việt thế gian, Đức Phật từng được xưng tán là Bậc thánh của các vị thánh. Ngày nay, với sự thông tuệ và đạo hạnh sáng ngời của thầy, tôi nghĩ sẽ không quá lời khi xưng tán thầy là Bậc thầy của những vị thầy. Và nói thật lòng thì đối với riêng tôi, thầy quả là bậc thầy vượt trên tất cả những vị thầy mà tôi đã từng được biết.

Quế Minh Đường (Westminster), California
Tiết Trung thu Quý Mão - 2023
Nguyễn Minh Tiến


Giới thiệu tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn của Thầy Tuệ Sỹ qua các giọng ngâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/05/2021(Xem: 5892)
Hạnh phúc thay được tham cứu một dòng Thiền ! Kính dâng Thầy bài thơ để tri ân những gì con đã học được trong Tổ Sư Thiền và nhất là về công án . Kính bạch Thầy con đã mê say đọc và nghiên cứu từng công án và đã học được thêm chút ít nên rất hạnh phúc mỗi ngày Bài thơ này xin kính tri ân Thầy khi nghe Sư Phụ Viên Minh dạy phải có giác ngộ mới nói đến giải thoát được . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy Hạnh phúc thay từ ngày học về công án! Mỗi lần tham cứu có cơ hội đào sâu ... Vừa học hỏi vừa biết trình độ tới đâu . Thọ nhận, liễu thông chút nào Chân lý?
04/05/2021(Xem: 3826)
Rừng rộng ôm non cao Trời mây đón cánh chao Bước phiêu bồng thoăn thoắt Bến tang thương gọi chào Mồ hôi đẫm nâu sồng Lá nón che má hồng Độc hành qua khổ chướng Đi về hướng cầu vồng...
03/05/2021(Xem: 12264)
Báo Chánh Pháp số 114 (số đặc biệt mừng Phật Đản 2645, Tây lịch 2021)
30/04/2021(Xem: 7243)
Sáng cuối tuần trời nắng đẹp nên ăn sáng xong tôi mặc áo ấm đi dạo. Chợt thấy dọc đường cảnh lạ như vầy, xin kể cho vui. Trên lối đi, cạnh một góc hoa viên là chỗ đông người qua lại tôi thấy có mấy thùng cạc tông nằm lênh láng. Thời nay rủi ro tràn khắp, lúc nào thấy những thùng gì lạ nằm lênh láng hay những túi xách vô chủ là nghi ngờ. Khôn hồn thì tránh xa! Vì đó có thể là mấy trái bom nổ của nhóm quá khích. Nhất là ở đây, đoạn đường bãi biển thường rất đông người qua lại trong những ngày nắng đẹp này. Cái thói quen cẩn thận lo xa, xem ra đã tích lũy từ những ngày thơ ấu trong chiến tranh. Tôi rẽ ngoặt đi lánh ra xa ngay. Nhưng tò mò thì vẫn cứ tò mò. Chả lẽ ở đây là chợ trời? Vô lý, bao lâu nay chưa hề thấy. Lại có 5,7 người đứng ngồi cầm những vật trên tay giống như sách báo. Thôi, lo yên thân. Việc của mình là đi dạo thì cứ đi. Nửa giờ sau. Cái việc đi dạo xem như đã xong, nhưng thay vì đi ngõ khác về nhà như mọi hôm thì lại tôi cố ý quay lại đường cũ để xem cảnh cái “chợ ch
29/04/2021(Xem: 3843)
Nếu mai này ta chết Ta cũng lên bàn thờ Bát cơm lời kinh nguyện Hồn ta cũng về thăm Nhớ ngày nào dương thế Đến bàn thờ khấn nguyện Cho người được siêu thăng Nay ta về hội họp Hiểu được pháp vô thường Người đi rồi ta đến Sanh tử rồi tử sanh
29/04/2021(Xem: 5982)
Hình ảnh quê hương ẩn hiện hoài trong thương nhớ ! Chẳng cần chờ cứ mỗi tháng tư đen, Người người nhắc nhau ngày biến động khó quên …. Và trước đó nhiều tháng tin kinh hoàng tới tấp! Thế mà giờ đây kỷ niệm về tràn ngập Phải chăng từ một bài hát quá u buồn Khơi động lại những gì tưởng đã cạn nguồn Và chợt hiểu … Thế nào là tiếng gọi ! Vẫn âm ỉ chút lửa tro trong lò ngụi Quê hương ơi … còn đâu đây tiếng cười Ngày còn cha mẹ … tuổi thanh xuân tươi Giờ xa vắng … tất cả là thiên thu nhớ !!! Tiếng gọi quê hương … nơi tổ tiên sống thở !!!
28/04/2021(Xem: 5893)
Ta mãi mãi kẻ lữ hành đơn độc, Bước xuống thuyền nương theo ánh trăng soi, Ngược dòng đời, chèo từng nhịp khoan thai, Không chờ đợi cũng chẳng hề nôn nóng. Dòng nước trong dưới ánh trăng soi bóng, Chiếc thuyền con đang đưa đẩy nhịp nhàng, In bóng hình người lữ khách cô đơn, Đường vạn dăm vẫn còn xa vời vợi…
28/04/2021(Xem: 5118)
Ngẫm cuộc nhân sinh khẽ mĩm cười Thi đàn xướng họa bốn mùa chơi Phiên trà nghĩa kết hương còn đọng Tiệc bút duyên trao mộng chửa rời Sóng gợn dòng Thu vầng nguyệt toả Đêm chìm giấc Hạ mãnh tình khơi Bao phen giũa chợ đời dong ruổi Vẫn giữ thân danh vẹn kiếp người!
27/04/2021(Xem: 7007)
Ông già quyết chí học thiền Tu hành tinh tấn nơi miền phương xa Đâu còn thiết đến cửa nhà Nên trao người cháu đứng ra thay mình
27/04/2021(Xem: 5458)
Chàng trai Phật tử thuận thành Lâu nay buồn chuyện gia đình mãi thôi Vì cha chàng tuổi cao rồi Vẫn ham làm việc suốt đời liên miên
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]