(Ngọn tháp có hình dáng như vạt áo tiên đang bay, tương truyền vua Chiêm Thành là Chế Mân cho xây dựng sẵn chính giữa thành Đồ Bàn chờ tặng Công Chúa Huyền Trân. Tác giả viết bài thơ này hoài niệm người xưa, mong có ngày thấy một pho tượng uy dũng của vua Chế Mân được dựng bên cạnh tháp)
(Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm)
Nửa gánh giang san, nửa gánh tình,
Đồ Bàn bái biệt tóc đương xanh.
Lạnh hồn tháp cổ trơ vơ đứng,
Vắng tiếng chuông đưa, gạch với mình.
Trăm năm quạnh quẽ lòng non nước,
Vạn thuở tang thương lối đế kinh.
Cánh Tiên nung phiến tình quân tử,
Tưởng áo ai bay trước tháp linh./.
Cánh Tiên - tháp Chăm cổ nhất Bình Định
Bình Định là một trong những vùng đất của vương quốc Champa xưa. Do đó, nơi đây còn lại nhiều di tích của người Champa, trong đó, phải kể đến nhiều tháp cổ. Hiện nay, Bình Định còn 7 cụm với 13 tháp Chăm, gồm các cụm tháp Bánh Ít, Dương Long, Tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện và Bình Lâm. Các sử liệu còn ghi lại cho thấy, thành Đồ Bàn (thành Vijaya) - kinh đô của vương quốc Champa trong 5 thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471, hiện nằm trên địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Công trình đáng chú ý nhất trong khu vực thành Đồ Bàn còn lại nguyên vẹn đến ngày nay là tháp Cánh Tiên.
Tháp Cánh Tiên còn có tên gọi khác là tháp Đồng, tháp Con Gái, nằm cách thành phố Quy Nhơn 27km theo hướng Tây Bắc, là một trong những tháp còn lại nguyên vẹn tại Bình Định. Không giống như những khu đền tháp khác, tháp Cánh Tiên chỉ có duy nhất một tháp, được xây dựng trên một quả đồi thấp thuộc địa bàn thôn Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Xưa kia, nơi đặt tháp Cánh Tiên là vị trí trung tâm của thành Đồ Bàn. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi lại rằng: “An Nam cổ tháp ở thôn Nam An, huyện Tường Vân, trong thành Đồ Bàn, tục gọi là tháp Cánh Tiên. Từ vai tháp trở lên, 4 phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi tên ấy”. Còn theo người dân trong vùng, nhìn từ xa, những phiến đá trang trí các tường phía trên ngọn tháp vươn ra như những cánh tiên nên gọi là tháp Cánh Tiên.
Tháp Cánh Tiên là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm-pa. Đó cũng là một trong những tháp Chăm điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, cùng với tháp Phú Lốc, quần thể tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên ở Bình Định được xây dựng trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII. Đây là thời kỳ Champa xây dựng nhiều công trình kiến trúc lớn với lối kiến trúc mới mẻ. Kiến trúc tháp Cánh Tiên mang đậm tính nghệ thuật, thể hiện tài năng và trí sáng tạo của nghệ nhân Champa xưa. Tháp được xây bề thế, có bề mặt vuông, nổi trên mặt đất, cao khoảng 20m. Nếu ở các tháp khác chỉ trang trí giản lược, thì tháp Cánh Tiên lại khác biệt ở sự cầu kỳ, tinh tế trong trang trí.
4 mặt quanh tháp đều có các trụ cột ốp tường, nhô ra hài hòa với tổng thể kiến trúc. Khác với các tháp Chăm khác, phần phía ngoài của góc tường dưới gốc thân tháp đều được ốp bằng đá chạm khắc tinh tế hoa dây xoắn, toát lên vẻ đẹp vừa vững chắc, bề thế nhưng cũng không kém phần trang nhã thanh thoát.
Tháp được thiết kế 4 cửa vòm nhọn hình mũi giáo cao vút lên theo 4 hướng, xếp chồng 4 lớp, trang trí hoa văn thảo mộc cầu kỳ, tinh xảo. Tuy nhiên, chỉ có một cửa chính mở về hướng Đông thông vào trong lòng tháp, 3 cửa còn lại đều là cửa giả. Tháp Cánh Tiên có 4 tầng, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có một tầng tháp giả nhỏ, tạo dáng lá thuôn dần lên phía trên tạo cảm giác như những chú chim đang bay. Có lẽ, bởi dáng vẻ này mà tháp được người đời tưởng tượng, gắn với hình tượng thần tiên mà đặt tên cho tháp là Cánh Tiên.
Các diềm mái của tháp cũng được làm bằng đá, khắc những hoa văn độc đáo nhô ra làm bộ đỡ các tháp góc ở phía trên. Những tảng đá chạm khắc hình đuôi phụng gắn trên các tầng tháp giả và hình Makara, một thủy quái trong thần thoại Ấn Độ với vòi dài, nanh nhọn trang trí ở các góc đầu tường đã tạo cho tháp Cánh Tiên một vẻ đẹp huyền bí.
Dãi dầu qua năm tháng, tháp Cánh Tiên vẫn sừng sững giữa trời xanh, là ngôi tháp có giá trị về nhiều mặt và có thể được coi là tháp đẹp nhất và cổ nhất ở Bình Định. Năm 1982, tháp Cánh Tiên đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm.
Có cơ hội ghé thăm thị xã An Nhơn của miền đất võ, dừng chân tham quan thành cổ Đồ Bàn, chùa Thập Tháp (ngôi cổ tự lâu đời nhất ở Bình Định), bến My Lăng từng đi vào thơ Yến Lan, du khách đừng quên ghé thăm di tích tháp Cánh Tiên để chiêm ngưỡng kiến trúc tháp và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ bằng những bộ ảnh đẹp. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại cảm xúc thích thú trong hành trình khám phá của du khách trên mảnh đất Bình Định.
Nguyên Thanh