Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Lời Vàng - Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục (phần 3)

06/11/202111:18(Xem: 6569)
03. Lời Vàng - Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục (phần 3)
an quang dai su-2
LỜI VÀNG - ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
Phiên dịch & thi kệ toát yếu 2015
 
Phần III
CHƯƠNG IV
Khuyên chú trọng nhân quả
 
Khuyên nên giữ tâm cung kính
 
2003. Ấn Quang tôi từng thấy người chép kinh dùng máu
Tâm chưa an mà gây khổ cho thân
Chẳng khác gì trò bỡn cợt của trẻ con
 Lại tạo thêm nghiệp vì thiếu lòng cung kính
Lấy ra rất nhiều máu mỗi lần châm chích
Qua vài ngày chung máu đã tanh tao
Dưới nắng hè oi ả đổi sắc màu
Thêm ruồi nhặng nếu không che đậy kỹ
Vậy mà người vẫn bắt chước Pháp Thân Đại Sĩ
Chấm bút lông viết ngoáy một đôi tờ
Lại có người mang chung máu phơi khô
Khi muốn chép kinh, hòa máu cùng nước lã
Chép luộm thuộm trang kinh với lòng vội vã
Tâm không thành vì chỉ muốn vang danh
Hoặc là khoe tài viết chữ thảo đẹp, nhanh
Gieo duyên với pháp nhưng lại là duyên bất kính
Pháp chư Phật tuy là pháp bất định
Nhưng gốc nền cung kính tấc lòng thành
Ví như cành không bén rễ, há tươi xanh
Cũng như kẻ đối kinh lòng hờ hững
Lúc tụng kinh thì đọc nhanh như gió cuốn
Tỏ ra người thành thạo chữ và lời
Không gẫm suy pháp ý thì dù tụng cả đời
Khác chi tiếng vẹt kêu cho qua ngày đoạn tháng
Hóa ra chỉ là kẻ hữu danh vô thực
Lễ sám, lập đàn tràng cứ theo đó mà suy
Người chung quanh nghe thầy tụng như bay
Lại khổ nỗi mình văn không hay, chữ dốt.
Riêng pháp niệm Phật ai tu cũng được
Phật danh thốt ra như con gọi cha hiền
Không đắn đo, không mang nặng não phiền
Lòng cung kính không lơi là khi niệm Phật
Luôn luôn như vậy tức tâm không tạp loạn
Loạn đây là ý tạp loạn thế tình
Chớ phải đâu siêu đẳng đại chân kinh
Mà e ngại trí mình không đến được
Người trọng kinh tượng là người hữu phước
Không nên để kinh bừa bãi lúc thuận tay
Niệm Phật danh như giữ tuệ mạng ngày ngày
Nếu được vậy chẳng lo gì lạc hướng
Nên tưởng như là Phật mỗi khi đối tượng
Không nên nghĩ rằng là đất, gỗ, đồng, thau
Đọc kinh như lời di chúc để ngàn sau
Được như vậy, nghiệp tiêu, thêm phước tuệ
Không thành kính thì như bày tuồng hát Phật
Lợi chẳng bao nhiêu mà tạo nghiệp khó lường
Lục Tổ [1] dạy rằng: “Chỉ tụng đọc Kim Cương
Tức có thể được minh tâm kiến tính.”
Chữ “chỉ”có nghĩa là tâm cung kính
Nào phải đâu chỉ tụng mỗi Kim Cang
Kinh Đại Thừa đều hội đủ công năng
Nếu biết đọc tức minh tâm kiến tính.
Trí Giả [2] đại sư đang tụng Pháp Hoa liền nhập định
Minh Tuyết thiền sư không biết đọc kinh văn
Tu hành nhẫn nhục, làm việc khó khăn
Đầu ngọn bút tung hoành trang thư pháp.
Những chuyện kể trên đều do tâm không loạn tạp
Nghiệp chưa tiêu, hãy lấy câu Phật hiệu làm đầu
Niệm chuyên tâm, trí sáng tựa ngọc châu
Đến lúc ấy nghiên cứu kinh càng toàn vẹn
Tâm tạp loạn thì chỉ bàn suông ngoài miệng
Dù vén mây thấy được khoảng trời trong
Cũng chẳng khác gì loại thế trí biện thông
Không mảy may can dự đến thân tâm, tính mạng
Kẻ hiểu được chút ít thì tâm nông cạn
Muốn sống buông lung nên tự giảng lời kinh
“Tâm đã an thì cần chi giới luật phân minh”[3]
Không trì giới mà tâm an thì cũng lạ!.
Tăng tục ngày nay lắm kẻ thiếu lòng khiêm hạ
Đối với pháp ngôn Như Lai lễ nghĩa chẳng vẹn toàn
Ví như người đếm của báu thế gian
Mà chẳng có được vài đồng trong túi
Kinh Kim Cang nói,
“Chỗ nào có kinh này thì chỗ đó có Phật
Trời, Người, A-tu-la đều phải cúng dường kinh
Chỗ ấy là tháp Phật, dâng hoa thơm nhiễu quanh
Bởi vì sao?
Pháp vô thượng và hằng muôn chư Phật
Đều xuất sinh từ yếu chỉ của kinh”.
Pháp là mẹ Phật, Phật từ pháp hóa sinh
Tam thế Như Lai cúng dường diệu pháp
Như nguồn cội, như đại ân thành quả Phật
Mười pháp giới cùng một nguồn tâm
Ba đời không đổi, cõi cõi nhất chân
Lý tự tâm sinh, đạo là thực tướng.
Tựa Như Ý châu, như vô tận tạng
Tùy tâm hiện lượng, sở nguyện tựu thành
Ứng đáp vô cùng mỗi mỗi chúng sanh
Nên Lăng Nghiêm nói,
Cầu con được con, cầu vợ được vợ
Cho đến kẻ cầu tuổi đời trường thọ
Cầu Niết Bàn, cầu tam muội viên minh
Như Lai bổn tâm trong toàn bộ khế kinh
Trí hèn kém, chúng sinh chưa hội nhập.
Ví như cơn mưa thấm nhuần sớ đất
Loài cỏ cây hấp thụ có khác nhau [4]
Trí chúng sinh có lớn nhỏ, thấp cao
Đạo chỉ Một, tùy tâm người lấy, bỏ.
Nếu gieo thiện căn hẳn thành Phật quả
Thiện tâm lại từ vọng dục nẩy sanh
2103. Nên nói bệnh kia là thuốc trị mau lành
Trong đất khổ nẩy hạt mầm Phật trí
Tâm chúng sinh gồm thu muôn diệu lý
Là bổn tâm, là diệu tạng nhất như
Ngoài tâm này không một pháp thực hay hư
Cho nên gọi là chân như thật tướng
Bởi si tâm nên trí tuệ thành phiền trược
Do tham sân, thường trụ hóa bể dâu
Trong chéo áo người, còn đó một hạt châu
Kẻ hạ tiện chính là con trưởng giả.[5]
Bao số kiếp luân lưu trong sáu ngã [6]
Có ngờ đâu Thật Báo[7], chốn quê xưa
Giữa chợ đời, trí dày nắng, dạn mưa
Tâm như ngọc, thân bơ phờ đói, lạnh.
Nay nhìn lại hạt châu ngời Tự Tánh
Giọt lệ này gột rửa được thiên thu
Một tiếng than nuối tiếc kiếp phù du
Dường chấn động vỡ tan nghìn thế giới
Trong một niệm thánh phàm phân hai cõi
Tâm niệm phàm thì dang díu với kẻ phàm
Gạn lọc phàm tình thì khai mở thánh tâm
Mười pháp giới từ một tâm biến hiện.
 Những điều thiết yếu lúc người thân lâm chung
Cửa ải lúc lâm chung muôn vàn khẩn thiết
Như người bệnh một mình trèo dốc núi cao
Chân tay rã rời, thần thức tựa chiêm bao
Cảnh ly biệt bồi hồi giây phút cuối
Lòng bấn loạn nghe bên tai inh ỏi
Tiếng kêu gào than trách của người thân
Như sức kiệt hơi mòn lại thêm đá đeo chân
Tiếng than khóc ví ngàn cân gồng gánh
Lúc tắm gội thân đau như bị đánh
Lòng trông mong nghe được tiếng từ bi
Bởi vậy cho nên,
Hàng quyến thuộc trong dạ phải khắc ghi
Câu Phật hiệu trợ duyên là cần thiết
Chớ dùng chữ tình trói người bên bờ cõi chết
Thay vì thoát ly lại vướng vít chốn thế gian
Người lâm chung khó gìn giữ chánh tâm
Quyến thuộc như vậy khác gì oan gia đối mặt.
Phật dạy con người có tám loại thức
Năm thức đầu là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân
Ba thức sau là Ý, Mạt Na, Tàng.
Khi thọ thân, Tàng là thức đến trước
Khi thọ tử, Tàng lại đi sau cuối
Một linh hồn là tiếng của thế gian
 Tàng thức chưa đi khi người dứt hơi tàn
 Cho đến lúc toàn thân đều lạnh giá
Thức, hơi ấm, và thọ mạng, cùng nương gá
Người còn ấm tức tàng thức vẫn nơi thân
Tàng thức còn tức thọ mạng chưa cùng
Nên có kẻ chết đi rồi sống lại.
Việc tống táng trong hai bên tăng tục
Vừa mất, đốt, chôn liền thì quá vội vàng thay
Theo phong tục Nho gia để đến ba ngày
Vì giữ Lễ, và cũng vì tàng thức.
Lúc toàn thân lạnh giá, phải chờ đúng lúc [8]
Có thể dùng nước nóng đắp trên thân
Trong tất cả mọi thời đều nên niệm Phật danh
Quyến thuộc tại gia, xuất gia đều nên ghi nhớ.
 Trong 49 ngày, và về sau cũng không bỏ
Niệm Phật trợ duyên là việc trọng đại thay
Chớ để hết tâm hồn vào chuyện ma chay
Tụng kinh rất quý, nhưng lúc này nên niệm Phật.
Lúc giỗ kỵ, cháu con thường quên lãng
Niệm Phật danh hồi hướng kẻ qua đời
Cứ tưởng rằng mọi chuyện đã xong xuôi
Đâu biết được chốn nào hồn phiêu bạt
Liên Trì Đại Sư nói,
“Trong năm thường phải truy tiến người đã khuất”
Con cháu hiện đời gieo cấy thiện căn
Niệm Phật, trì kinh, mở rộng bi tâm
Hồi hướng khắp cả mười phương pháp giới
Bi đát thay, chúng sinh trong các cõi
Sinh thì vui, tử thì hận, có biết đâu
Lúc sống trên đời không sắp xếp chỗ về sau
Mười pháp giới, chốn nào tâm an trú?
Kẻ thích xa hoa dặn dò hậu sự
Con cháu lăng xăng, tang phục rộn ràng
Không biết lắng lòng khiến thần thức khinh an
Lại dùng tang sự để bày trò náo nhiệt.
Người thế gian có sinh thì có diệt
Tâm chẳng nên nuối tiếc, oán trời người
Tang tế không nên dùng cá thịt theo đời
Dâng Phật hương hoa, đãi người chay lạt
Tâm chuyên chú vào hồng danh Đức Phật
Nếu có của tiền thì bố thí tạo phước ân
Hồi hướng người quá cố được hưởng chung
Đó mới gọi là người tròn đạo hiếu
Trong 49 ngày ăn chay, niệm Phật hiệu
Thấy người, tưởng mình, hãy buông xuống vạn duyên
Lúc ốm đau, không niệm chuyện tư riêng
Trì thánh hiệu, tưởng như cầu tiếp dẫn
Nếu tuổi thọ chưa đến thời cùng tận
Nghiệp tiêu trừ, sức khỏe lại phục hồi
Nếu đã xong nhân quả trọn một đời
Tâm không tạp loạn hẳn vãng sinh Lạc quốc
Nếu chẳng hướng tâm niệm danh Đức Phật
Chỉ mong cầu bệnh tật được tiêu trừ
Nếu chẳng phải là người phước báu có dư
Bệnh không giảm, tâm cuồng làm thân khổ
2203. Nếu là người thọ mạng đà tận số
Nghiệp đưa đường chìm đắm cõi mê tâm.
Trợ niệm vãng sinh là thành tựu chánh nhân[9]
Trong cõi tục đà vẹn toàn Phật sự
Là công đức đoạn tuyệt vòng sinh tử
Phước báu tầm thường há dám sánh vai.
 
 
Chương IV
Khuyên chú trọng nhân quả
Luận về lý nhân quả
 
Tuy nhân quả là nhập môn Phật giáo
Cũng là pháp trọng yếu để cứu nước, cứu dân
Tài trí cao siêu đến mấy cũng chỉ uổng công
Nếu không lấy quả nhân làm nền tảng
Thánh hiền luôn dè dặt, không theo đời xoay chuyển
Kẻ phàm phu thích múa bút lòe người
Chưa có quyền hành thì luận nghị lôi thôi
Có quyền thế liền hại dân, hại nước.
Không tin nhân quả nên tùy nghi phóng túng
Chẳng biết mình đang ở dưới vực sâu
Nếu là người có khí chất thanh cao
Luôn cẩn trọng từng việc làm nhỏ nhặt
Điều thiện lành dù nhỏ như hạt cát
Nếu gặp đủ duyên chớ bỏ ngoài tai
Điều ác kia dù chẳng hại ngay ai
Người hiền đức cũng không hề khởi ý
Từng chút một, nếu biết vun bồi thành tánh khí
Như nhánh cây uốn nắn lúc mầm non
Khi mọc chọc trời khó thể bẻ cong
 Người quân tử không khác gì đại thụ.
 Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả
Nếu sợ khổ quả, thì phải đoạn ác nhân
Làm thiện thì việc thiện sẽ theo chân
Làm chuyện ác, tai ương liền kéo đến [10]
Phật luận ba thời hiện tại, vị lai, quá khứ
Trí phàm mê muội, tưởng chuyện mông lung
Không biết chính đây là tánh đức, nghĩa nhân
Là bổn tánh của thánh nhân và trời đất
Lý lẽ dạy kẻ thế gian thì giản lược
Chỉ nói về việc thiện ác hiện đời
Không luận rõ nhân duyên trong sáu ngã luân hồi
Kẻ trí cạn không tin vì không biết
Phật khai thị từ nhân gieo, quả kết
Trong cả ba thời quá, hiện, vị lai
Kinh Hoa Nghiêm nói,
Chúng sanh đều có đủ trí tuệ, đức tướng Như Lai
Vì vọng tưởng che mờ nên không chứng đắc
Trí Phật và trí chúng sinh đồng tánh đức
Chấp vọng lìa chơn nên có khác nhau
Tu đức là xứng bổn tánh khởi tu
Thuận tánh Phật, càng tu càng gần Phật
Tu thuận tánh hẳn có ngày triệt chứng
Trước và sau vẫn chỉ một hạt châu[11]
Trong chéo áo người, nào có mất đi đâu
Khi không mất thì có gì để được
Tu tập nghịch bổn tánh thì ngày càng xa Phật
Chẳng bao lâu đọa lạc cõi tam đồ[12]
Tánh Phật theo chân người vào địa ngục bởi đâu
Tuy lưu lạc nhưng hạt châu trong chéo áo
Nếu hiểu như vậy thì ngu si và thiện xảo
Thánh và phàm đồng thể tánh không hai
Nương thiên chân, bay bỗng tận thiên đài
Tạo nghiệp, chuyển nghiệp, một tâm này tạo chuyển.
Kẻ hậu học dùng thông minh, ngụy biện
Bôi xóa đi công nghiệp của thánh nhân
Bày chuyện này chuyện nọ gọi tân trang
Lưu truyền con cháu bao nhiêu thảm họa
Nhân quả[13] thắng người, người chuyển nhân quả
Lấy nhân ngày nay diệt nhân tạo hôm qua
Lấy nhân hiện đời chuyển đổi quả lâu xa
Tay gieo nhân, tay gặt quả, mảnh đất tâm cầy cấy.
Theo Nho gia,
Chánh mệnh ngày nay do nhân đời trước
Lực là khả năng làm trăm sự trong đời
Hoặc tu hành, hoặc theo tài sắc rong chơi
Lực bồi đắp, hoặc vần xoay chánh mệnh[14]
Xưa Khổng Tử không gặp minh quân chánh lệnh
Chẳng thể khiến cho thiên hạ bình an
Đó là do nghiệp lực của muôn dân
Không can hệ chi đến trí tài Khổng Tử.
Phật dạy,
Dùng Định nhiếp tâm, vọng niệm chẳng khởi
Dùng Tuệ trừ Hoặc, thấy rõ Chân Như
Đây chính là đại hùng, đại lực vốn có dư
Đại lực ấy cũng từ Tâm hiện tướng.
Xưa Viên Liễu Phàm nhờ một tiên sinh bói toán
Việc việc đều ứng nghiệm, quả không sai
Viên tin rằng có số mạng an bài
Sau gặp được Vân Cốc thiền sư khai thị
Viên tận lực tu hành, không giải đãi
Cái gọi là “số mạng” chẳng còn linh
Do đó biết rằng lập mạng tại tu hành
Tùy căn tánh mà có Quyền, có Thật.[15]
 Tám trong mười người tuyệt mạng vì sắc dục
Liền cho rằng số mạng đã thế kia
Nào biết rằng sắc dục khiến tâm mê
Chính là đại họa tạo nên uổng tử [16]
Chỉ một hai người đúng thời sinh, đúng thời tử
Trong dục này có cả việc tà dâm
Chuyện vợ chồng cũng phải biết hạn phân
Quân tử thấy mỹ nhân vô đức là tai họa
Kẻ thiểu trí thì lòng vui mừng, cợt nhả
Tiểu nhân vì tưởng phước, họa trao tay
Họa, phước không có chân để chạy đến nhà ai
Chính thực do chủ nhà mời mà đến [17]
Kẻ thiểu trí mê chấp vào đoạn kiến[18]
Không thấy được ba thời [19] nên oán trách, than van
Bởi chỉ thấy hiện đời lắm chuyện trái ngang
Không biết hết được tiền nhân, hậu quả
 Thế gian, xuất thế gian đều trong vòng nhân quả.
Đa số người ưa thánh cảnh nhưng vẫn cam phận phàm phu
Thân-khẩu-ý là cửa ải của kẻ trí, người ngu
Là cửa ngõ của chánh tâm, thành ý
Từ phàm phu cho đến khi viên thành Phật vị
Gieo thiện nhân thành thiện quả, không sai
Kẻ không tin,
Kiếp kiếp như vi trần, lưu lạc đó đây
Biết nhân quả tức biết đâu là bổn tánh
Phật pháp lưu thông trải vô lượng hạnh
Người trí sâu sẽ kiến tánh minh tâm
Kẻ sơ cơ có thể thành bậc thánh hiền
Gột rửa được nhiều tồi phong bại tục
Như thời Liệt quốc [20] giết người tuẫn táng[21]
Giết càng nhiều càng chứng tỏ uy quyền
Cho đến khi Phật giáo được lưu truyền
Thói man rợ mới đến thời tan rã.
Bởi vì sao?
Lời Phật dạy gieo nhân thì gặt quả
Khiến kẻ lòng lang, dạ sói, cũng núng nao
Nếu Phật pháp không lan truyền hỗ trợ thuyết chính danh[22]
Thì thử hỏi Nho gia còn hiệu lực?
Nhân quả chỉ là pháp đơn sơ thứ nhất
Mà hiệu năng trừ được thói sát sinh
Huống chi là pháp vi diệu viên minh
Kẻ trí kém làm sao so lường được?
Thánh nhân cõi tục dạy tu thân, tròn bổn phận
Bậc thượng căn thì gìn giữ, tuân hành
Kẻ hạ, trung sẽ tùy ý tung hoành
Đâu màng đến tề gia để mong trị quốc
Phật pháp dạy Quả do Nhân báo ứng
Sinh tử, luân hồi, địa ngục sẵn dành
Phật tánh rạng ngời trong tất cả chúng sanh
Bậc thượng trí theo đường về chân tánh
Kẻ ngu muội lo quả khổ đến hồi nhận lãnh
Nên e dè chẳng còn dám vung tay
Bòn mót phước ân dành lại kiếp vị lai
Nên phải biết Phật là tôn sư trong các cõi.
 
 
Nhân Quả về mặt Sự
Kinh dạy,
“Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.”
Bồ tát không muốn ác quả nên đã đoạn ác nhân
Tội chướng diệt trừ, công đức viên dung
Đúng thời cơ thì tựu thành Phật quả
Chúng sinh tạo ác nhân, không muốn ác quả
Chẳng hiểu rằng nhân quả như bóng theo hình
Kẻ ngu si vừa làm chút ít việc lành
Liền mong đợi gặp được nhiều đại phước
Khi nghịch cảnh đến liền cho rằng trái ngược
Nên không tin nhân quả, thoái thất sơ tâm
Lại sinh ra bài bác pháp thậm thâm
Nào hiểu được hiện, sanh, và hậu báo [23].
Quả thông ba thời, do một tâm gây tạo
Thì cũng do tâm chuyển đổi nghiệp trần hoàn
Vương nghiệp Thương[24], Chu[25] mấy ai biết gốc nguồn
Chính từ việc Tắc, Khiết phò tá vua Thuấn[26], Vũ.[27]
Phật nhãn viên minh thấy nhân duyên đầy đủ
Thiên nhãn, Thanh Văn chỗ thấy có ngại ngăn
Huống chi là con mắt của phàm nhân
Chỉ thấy được việc xảy ra trước mặt.
 Nên Kinh Kim Cang dạy rằng,
Nếu có kẻ trì kinh, gặp người chế nhạo
Người ấy do nghiệp xưa sẽ đọa vào ác đạo
Nhưng vì bị người khinh nên nghiệp cũ tiêu tan
Sẽ chứng thành quả Phật, cũng do tâm
Khiến nghiệp địa ngục chuyển xoay thành nhạo báng
Phải biết rằng, kẻ ác mà được phước
Phước báu kia đời trước đã gieo trồng
Phước càng lớn hơn nếu biết giữ thiện tâm
Nếu làm ác, phước xưa dần tiêu tán
Ví như con nhà giàu ăn chơi phóng đãng
Chưa đói nghèo bởi có sẵn gia tài
Việc tán gia bại sản có hẹn ngày
Hiền gặp dữ, dữ gặp hiền, cũng như đã nói.
Vui thuận theo thời [28] chẳng màng giàu sang, nghèo đói
Đêm ngày lo việc tích đức, tu thân
Tận tánh là sống tận thiện với tánh chân[29]
Phú bần, thọ yểu, nhân quả chưa từng thiên vị
Khi việc đến thì rõ kẻ ngu, người trí
Ví như trông hình ảnh hiện mặt gương
Kẻ ngu thì bận bịu với ghét với thương
Người trí biết chỉ là gương in bóng.
Thân-khẩu-ý tạo nên ân sâu, đức trọng
Mà cũng là ba cánh cửa ngục môn
Lấy pháp quả-nhân làm nền tảng tu thân
Khi thành tựu đạo, thượng cầu, hạ hóa.
Vào pháp thậm thâm, kinh văn là chìa khóa
Mạch đạo thánh hiền dấu ấn thiên thư
Nếu không văn tự, Sự Lý chẳng thể truyền lưu
Nên phải biết kính lời và trọng chữ
Người đời nay quen xem thường văn tự
Giấy bút thừa, hí hoáy chuyện nhảm bàn
Chủ ý mua danh, bán tiếng với những kẻ rãnh rang
Làm nhơ nhuốc văn chương và chữ nghĩa
Phải tự biết rằng,
Với văn tự hữu hình không được làm ô uế
Với văn tự vô hình như trung tín, nghĩa nhân
 Mang theo bên mình cho hết đoạn đường trần
Khéo kẻo lạc đường mê, xa bổn tánh.
 
Nguyên do của kiếp vận
 
Cái khổ trong Sa Bà chẳng thể nào tính kể
Thiên tai, binh lửa, người rất dễ giết người
Ác nghiệp chiêu cảm ác báo vạn vạn đời
Mau tu niệm cầu vãng sinh Lạc quốc
 Trở lại Sa Bà với thần thông đại lực
Trên cầu Bồ Đề, dưới giáo hóa chúng sanh
Đó là nguyên do cầu được vãng sanh.
Người gieo nhân ác sẳn dành quả ác
Lúc thọ quả báo lại tìm đường chống báng
Nên oan ương qua lại chẳng khi dừng
Không biết rằng nguồn gốc chẳng phải bỗng dưng
Không biết quả ác đã nhiều đời trồng cấy.
Đời loạn lạc, người trí, kẻ ngu đều phải thấy
 Trách nhiệm của riêng mình đứng giữa nhân gian
Đầu đội trời, chân đạp đất hiên ngang
Dùng nhân ái xóa tan niềm cừu hận
Người quyền lực phải yêu thương dân chúng
Cảm tạ dân đen thân trải nắng chan mưa
Bưng chén cơm ăn nhớ nổi khổ kẻ quê mùa
Lòng nhân đức cảm hóa muôn đồng chủng.
Trên không giữ đạo trời, dưới sẽ không tùy thuận
Giết hại nhau, thân mất nước há còn
Thương dân tình mãi thống khổ, lầm than
Dùng đạo lý giương ngọn cờ chánh giáo
Biết nhân quả nên nêu gương hiền thảo
Khiến kẻ bần cùng cũng biết sợ quả nhân
Đạo thánh hiền giúp vào việc dạy dân
Trên dưới thái bình, người người an lạc.
 Những điểm trọng yếu về giới sát
Muốn tránh thiên tai, nhân họa, nên trừ nghiệp sát
Nên phóng sanh để rèn luyện tâm từ
Tập ăn chay khiến sát khí tiêu trừ
Trao qua đổi lại, vật người, người vật.
Nhân và quả như hình với bóng
Ác nghiệp hại thân mình, con cháu bị hại lây
Cha mẹ thương con trọn vẹn là đây
Dùng đạo lớn chu toàn cành lẫn gốc.
Sáu cõi phàm có cõi cao, cõi thấp
Đều chưa đoạn Hoặc nghiệp, thoát tử sinh
Khi dứt phước trời, cũng sa đọa, cũng lênh đênh
Nhưng có lúc thăng thiên từ địa ngục.
Kẻ được thân người, không nên quên loài vật
Biết đâu đã từng là quyến thuộc xưa kia
Tâm khác đường, niệm thiện ác phân chia
Thọ thân cá chậu, chim lồng, trong chớp mắt
Được thân người, giữ đức hiếu sinh của trời đất
Tránh việc đập đầu, cắt cổ, lóc vảy da
Con vật không kêu than nhưng máu lệ chan hòa
Nổi thống khổ hằn sâu lòng oán hận
Vòng vay trả, vật hại người, người hại vật
Có phải đâu là cớ sự bỗng dưng
Nếu cho rằng vật được tạo để người ăn
Thì người là loại để ai ăn mà có mặt?
Kinh Lăng Nghiêm nói,
Người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành con vật
Như thế cho đến mười loại chúng sanh
 Chết đi, sống lại, nhai nuốt lẫn nhau
Ác nghiệp theo đến vị lai, hiện tại
Cưu mang lẫn nhau mà sinh thân trở lại
Kinh Lăng Già, Phật quở trách việc sát sinh
Dùng thân thú cầm để no béo thân mình
Chẳng biết rằng Phật tánh hiện hữu trong muôn vật
Kinh nói,
Một trong năm tội vô gián là xúc huyết thân Phật[30]
Tất cả chúng sinh đều là Phật vị lai
Suy rộng lời kinh, thấy rằng ăn thân thể muôn loài
Tức giết Phật, nào phải đâu chỉ là phá hình, đập tháp?
Kinh Hoa Nghiêm nói,
Bổn Tâm, Phật, Chúng Sinh, cả ba không sai khác”.
Hãy lắng nghe tiếng rống đớn đau trong lò mổ giữa đêm khuya
Thì phải biết rằng nạn binh đao, máu lửa, chiến tranh kia [31]
Từ nghiệp sát bao đời đà tích lũy
Muốn thế giới an bình, thời thời thịnh trị
Hãy bỏ thói quen ăn xương thịt, cốt tủy, nấu, hầm.[32]
Nếu có người hỏi rằng,
“Sao không lo cho người, bận chi đến thú cầm?”
Thì phải biết,
Đó chính thật là lo cho người vậy!
Tránh giết hại thì chẳng bị người giết hại
Không bị nạn quỷ thần, đạo tặc, oan ương
Không giết chúng sinh, bồi đắp tình thương
Tình thương đó chính là tình đồng loại
Lại có người bảo rằng,
“Loài vật vô số, phóng sinh vài mươi con có gì đáng nói?”
Phải biết rằng lý sự hỗ tương nhau
Tâm từ ban bố sự sống dài lâu
Vật cảm nhận một nguồn ân vô úy
Lục độ vạn hạnh, hành vô úy thí
Huân tập từ bi trong mỗi chuyện cỏn con
Vun bồi phước tuệ đến chỗ vẹn toàn
Như dạy trẻ từ thuở còn la lết
Người ăn thịt là người ăn nỗi chết
Ăn nỗi kinh hoàng, sợ hãi của chúng sinh
2500. Thấm vào xương da, máu thịt của chính mình
Theo hơi hám thở ra mùi oán khí
Nay nương phước xưa, sinh làm người tài trí
Nên cảm cùng trời cái đức hiếu sinh
Chớ nên làm người bán rẽ tánh linh
Phước cùng tận, theo nghiệp thay đầu, đổi mặt
Người ăn thịt cưu mang nhiều bệnh tật
Cả thân tâm ô nhiễm khí tối đen
Ăn thịt, ăn rau, đều bởi thói quen
Biết nhìn lại thì sinh lòng hổ thẹn
Nghiệp thiện ác thọ thân người, thân thú
Có xương da thì biết nỗi đớn đau
Thay hình, đổi mặt, vô số kiếp hẳn quên nhau
Lại giết hại, đoạn tuyệt dòng giống Phật.
 Lại có kẻ bày ra trò cúng tế
Giết trâu bò làm lễ tạ thần linh
Dùng dây gai trói con vật giữa sân đình
Tiếng trống nổi dập dồn như quỷ khóc
Búa lớn đập đầu, dao đâm vào họng
Máu phun thành vòi nhuộm đỏ sân chầu
Tiếng rống lạnh người, tiếng xướng họa lao nhao
Sì sụp lạy, thần linh đâu chẳng đến
Áo khăn đỏ tươi, hương hoa, đèn nến
Cảnh tượng lạnh lùng, người vật đỏ như nhau
Con vật thí thân kia, nào ai có biết đâu
Chính là kẻ xưa kia sì sụp lạy
Xưa giết vật, nay vật làm người giết lại
Là kẻ đặt bày việc cúng tế bất nhân
Nếu là thần linh, tâm chất chứa đức ân
Há dung thứ loại tồi phong, bại tục
Dùng tục lệ để dối lừa thần thánh
Miệng mình ăn mà dám nói thần ăn
Quả báo kia bao kiếp thú mượn thân
Người thành thú, thú thành người, đổi chữ.
Cũng như vậy,
Các miếu đền thờ anh hùng, thánh nữ
Nên giữ trang nghiêm, tránh ô uế hôi tanh
Kẻ ngu si xào nấu sinh mạng chúng sanh
Mang lên bày biện trên bàn thờ chư thánh
Con mắt đầu heo luộc như âm thầm oán trách
Bên cạnh bốn chân lủng lẳng đã đứt lìa
Sao không lo ngày thân mình đổi chỗ heo kia
Lòng tham tài lộc biến ra lòng ác thú.
Bởi chủ đền tham lam không thấy đủ
Mượn danh thánh thần làm kế sinh nhai
Tiếng kêu đau thương của con vật động thiên đài
Nếu cúng thịt chúng sinh mà được phước
Thì phước đó do yêu tà ban thưởng
Như ma con lo lót tế ma cha
Đến một ngày nhân quả hiện trong nhà
Thì thử hỏi tài lộc nào cứu được?.
 Người bệnh tật, nạn tai nên cầu Phật Tổ
Sám hối nghiệp xưa, làm việc thiện cúng dường
Nghiệp tiêu trừ, lại gặp được y vương
Chớ mê tín, cầu đảo loài thần, quỷ
Thần chẳng thấy đâu, lại gặp loài yêu mị
Thêm bày điều cúng tế vịt, gà, heo
Quỷ thần kia trong bể nghiệp muôn chiều
Sao có thể khiến cho người tiêu nghiệp?
Nếu là chánh thần tạo nên uy lực
Cũng không thể sánh cùng đạo lực của Như Lai
Hãy tu tâm, cảm ứng sẽ an bài
Lo chi không gặp thánh thần, Bồ tát.
Tuy là trong thế tục thuận theo đường thế tục
Phải biết học theo đệ nhất nghĩa thiên chân
Nếu muốn xa lìa, siêu thoát kiếp huyễn nhân[33]
Thì phải biết đâu là Quyền, đâu là Thực.[34]
Trong nghiệp báo, nghiệp sát là nặng nhất
Người không giết người nhưng ăn thịt chúng sinh
Phải biết rằng kẻ kia giết loài vật thay mình
Sao tránh được nhân gieo thành quả
Ăn chay trừ được thiên tai, nhân họa
Muốn tránh ác quả, phải đoạn ác nhân
Đạo lý thánh hiền qua lại, chuyển luân
Gặt thiện quả từ thiện nhân là vậy
 
CHƯƠNG V
Phân định giới hạn của Thiền và Tịnh
 
Lý Thiền Tịnh là pháp môn bất nhị
Sự tu hành có khác giữa đôi bên
Thiền mà không triệt ngộ, triệt chứng thì không thoát được tử sinh.
Nên Tổ Quy Sơn nói,
“Đốn nhập chánh nhân[1] sẽ thoát vòng trần lụy
Đời đời bất thoái sẽ vào Phật vị
Kẻ sơ phát tâm tập khí chưa trừ
Dù kiến tánh nhưng nghiệp thức vẫn luân lưu
Phải chuyển thức khỏi vòng vây ngũ uẩn”.
Sư Hoằng Biện nói,
“Đốn ngộ tự tánh, sở ngộ đồng chư Phật
Nhưng tập khí từ vô thủy chuyển lưu
Phải dày công đối trị, xứng tánh khởi tu
Như kẻ cắn một miếng, chưa thể no ngay được”.
Sư Trường Sa Sầm nói,
“Trong thiên hạ, hằng hà sa tri thức
Chưa chứng Niết Bàn vì công đức đầy, vơi.”
Cho nên,
Ngũ Tổ Giới tái sinh làm Tô Đông Pha
Như đã nói ở trên về sinh diệt
Các bậc tôn sư, mức đại ngộ đà toàn triệt
Nhưng hiềm vì Triệt Chứng vẫn chưa xong
Ấy là do tự gánh vác, tự gia công
Không có đủ lòng tin vào Phật lực
Không thoát tử sinh bởi vẫn còn Hoặc Nghiệp
Dù là mảy may vẫn chưa thể cao bay
2600. Riêng pháp môn Tịnh độ - đới nghiệp về Tây
Đã vãng sinh tức thoát vòng sinh tử
Người ngộ và chứng, sẽ sớm vào Bổ Xứ
Người chưa ngộ, vị bất thối chuyển sẳn dành[2]
Cho nên Hoa Tạng thế giới [3] đều do nguyện vãng sinh
Bậc cổ đức đều cầu sinh Lạc quốc
Cảm ứng đạo giao, sớm thành chánh giác
Nay mạt thời, thiền lục [4] khó đãm đương
Hãy tín tâm tu Tịnh nghiệp Tây phương
Niệm danh Phật lâu ngày gần bổn tánh
Chứng niệm Phật tam muội, gặp Tây phương tam thánh[5]
Đó là công phu hoàn tự tánh, thấy nghe
Nhiếp sáu căn, tịnh niệm kết thành bè
Tuy gọi là Thiền nhưng không khác Tịnh
Người tu tập tứ thiền[6] và bát định[7]
Không nương vào Phật lực để gia trì
Khi công phu tinh tiến, thấy chân vọng đến, đi
Các cảnh giới lạ lùng thường lộ mặt
Nếu chưa phải là người có công phu miên mật
Tưởng lầm rằng đã chứng đạo bất tư nghì
Chẳng rõ sắc và tâm không đến cũng không đi
Dễ chiêu cảm yêu ma làm cuồng trí
Người niệm Phật được tín tâm, thành ý
Hạnh nguyện như mặt trời rực rỡ giữa hư không
Lòng kính tin nên chẳng dám để vọng tâm
Chen vào chính giữa hồng danh Đức Phật
Đó là lúc công phu đà thuần thục
Phật danh kết thành một phiến không hai
Chánh pháp như mưa tưới mát muôn loài
Nếu bỏn xẻn mật truyền thì đó là tà pháp.
 Lại nữa,
Pháp môn Thiền chẳng phải là dễ gặp
Chẳng phải là loại thiền của kẻ hám danh
Đọc qua loa vài quyển sách tưởng thông minh
Tưởng hiểu biết, toan lấy thiền làm tuệ mạng
Thật là kẻ chẳng biết mình trí nông, tuệ cạn
Lầm tưởng mình là hạng tôn quý, đại căn
Tuyệt đối chớ nên bắt chước thời trang
Nếu bắt chước, thọ thân như vi trần chẳng mong giải thoát.
 
“Quyền” nghĩa là pháp Như Lai tùy căn cơ giáo hóa
“Thật” nghĩa là pháp Phật chứng đắc tự tâm
“Đốn” là không qua thứ bậc, lớp lang
“Tiệm” là tu dần dà theo thứ tự
Qua nhiều kiếp đời mới vào thực tướng.
Phải biết rằng,
Pháp môn Thiền là trực chỉ nhân tâm
Minh tâm kiến tánh tức thấy Phật tánh tại tâm
Nếu là Bồ tát đại căn thì khi ngộ là khi chứng
Thoát khỏi luân hồi, vượt qua ba cõi
Lấy thượng cầu, hạ hóa để nghiêm thân
Trong trăm ngàn người mới thấy một bậc đại căn
Kẻ kém hơn, cho dù vào diệu ngộ
Nhưng chưa đoạn Hoặc, vẫn ở trong ba cõi khổ
Vẫn thọ sinh, thọ tử, ngộ rồi mê
Chẳng mấy người ngộ lại ngộ một bề
Pháp viên đốn lại trở thành Quyền, Tiệm.
Đại triệt, đại ngộ đời nay quả là rất hiếm
Huống chi trí triệt ngộ, thân triệt chứng mới xong
Đa số người chỉ hiểu được lý suông
Rồi hý luận nơi đầu môi, chót lưỡi.
 Pháp niệm Phật, bao gồm Thật-Quyền-Tiệm-Đốn
Thích hợp với muôn người, căn tánh cạn, sâu
Từ Bồ tát Đẳng giác cho đến kẻ phàm phu
Cho nên gọi là phổ thông diệu pháp
Kẻ trí cạn không thể nào tường lãm
Không đủ trí năng để suy gẫm các pháp môn
Tu một đời thoát sinh tử há dễ làm
Phải là bậc thượng căn và thượng trí
Kẻ căn tánh hạ liệt nếm được đâu pháp vị
Dù ngộ rồi, thân chứng quá khó khăn
Riêng pháp môn Tịnh độ, lợi hoặc độn căn
Đều có thể vãng sinh trong hiện kiếp
Sỡ dĩ cho là Tiệm vì không đốn giác
Do căn cơ hành giả có thấp, cao
Nhưng vào ngay đất Phật, không lưu lạc cõi nào
Đốn là trực nhập, tức là Tịnh độ.
 Nay người giảng về Thiền, tâm cống cao, thiếu định
Đôi khi đa văn, chướng ngại bởi sở tri [8]
Theo văn tài chải chuốt, hết luận rồi suy
Thấy Tịnh tông đơn giản liền cho là quê dốt
Thường tự xưng danh tu pháp môn viên đốn
Nhưng nào biết người xưa vượt thứ đệ [9] ra sao?
Nay chỉ dùng trí cạn luận thấp, cao
Tự trói buộc vào Thật, Quyền, Đốn, Tiệm
Lại tự cho là không hề lấy, bỏ
Sao không biết rằng đang bỏ Hoặc, lấy Chân
Tức còn trên đường tìm lại bổn tâm
Sau khi thành Phật mới là không thủ, xả.
Hơn nữa, các pháp môn mỗi mỗi đều khác lạ
Pháp môn Thiền chuyên quán sát tự tâm
Nương cậy vào Phật lực, Tịnh độ tông.
Không thủ xả tức đề hồ trong Thiền tổ
Nhưng theo pháp niệm Phật mà không lấy, bỏ
Thì đề hồ thánh thuốc độc có hay?
Phải biết tùy duyên ứng đối ngày ngày
Như Hạ uống nước Sắn Dây, Đông về cần nhiệt
Chê rằng: “Bỏ Đông lấy Tây, tức còn trong sinh diệt”.
Thì “Chấp Đông phế Tây” là đoạn diệt đó thôi
Diệu Giác chưa viên thành thì thủ, xả đúng thời
Trên đường đạo há chưa từng lấy, bỏ?.
 2700. Triệu Châu Tùng Thẩm[10] xuất gia từ thuở nhỏ
Tuổi hơn tám muơi vẫn còn hành cước du phương
Nói kệ rằng,
“Triệu Châu tôi, tám chục vẫn tha hương
Cũng do bởi cõi lòng chưa tĩnh lặng”.
Sư Trùng Khánh  tọa thiền luôn tinh tấn
Rách bảy chiếc bồ đoàn mới khai ngộ đạo tâm
Sư Dũng Tuyền khổ nhọc bốn mươi năm
Tuyết Phong [11] ba lượt tham vấn sư Đầu Tử
Đến chín lần lên Động Sơn tham dự
Chư vị đều là đại đức, tôn sư
Gian nan cầu đạo, biết lấy bỏ, biết thiếu dư
Lũ ma con kia mới nghe ma cám dỗ
Liền cho là tự chứng, tự tu, tự độ
Chẳng lượng sức mình, khinh rẽ tổ tiên
Lớn tiếng nói rằng: “không chấp trước, mới là Thiền”
Về Lý thì vậy, Sự thì chẳng vậy
Phàm phu suốt ngày sống trong giải đãi
Việc cơm ăn, áo mặc mãi so đo
Chê cười kẻ đói cơm lúc bụng đang no
Thật là kẻ chỉ nói suông ngoài cửa miệng.
Tham thiền mà không hiểu giáo thì thành bệnh
Khi tọa thiền nếu không thấy cảnh hiện tiền
Đó chỉ là ý niệm được lặng yên
Tâm vừa chế ngự được xôn xao dấy động
Chớ nên tưởng lầm rằng đã vô chân, vô vọng
Khởi sinh lòng mừng rỡ, mãi ngóng trông
Nếu biết quán rằng nhân ngã tựa hư không
 Trời không mây một bầu xanh sáng tỏ
Bằng không sẽ lấy Huyễn làm Chân, lấy Mê làm Ngộ
Ma thừa cơ nương dựa, gọi cuồng thiền
 Bậc tôn sư như Vĩnh Minh[12], Thiện Đạo[13] quán sát căn duyên
Lòng thương xót nên khuyên tu Tịnh hạnh
Tham thiền tức tham chân như bổn tánh
 Tham bổn lai diện mục trước khi sinh
Thiền tông không nói ra, để người tự liễu, tự minh
Tự tham cứu, biết đó là bổn tâm tịch chiếu.[14]
 Yếu chỉ Tịnh tông là Tín-Hạnh-Nguyện
Cầu thọ sinh nơi cõi Phật Tây phương
Cõi nước trang nghiêm Đức Phật đã xiển dương[15]
Đừng tưởng chỉ là “Duy tâm Tịnh độ”.[16]
Không thấy, không tin, dùng tri thức suy kim, luận cổ
Tri thức thì hỗn tạp cả đúng lẫn sai
Như đôi hài mang trên muôn dặm đường dài
Lúc gặp cỏ xanh êm, lúc giẫm vào mương rãnh
Nếu không biết chùi lau, ắt tưởng dơ là sạch
Lập luận quanh co, rối rắm có ra chi
Hại mình, hại người, sở tri chướng sở tri [17]
Uổng công làm kẻ đa văn, nghe mà chẳng ngộ.
 Bài “Thiền Tịnh Tứ Liệu Giản”[18] của Vĩnh Minh Diên Thọ
Nói “có Thiền” tức đã thấy tánh, tâm minh
Thông suốt bản lai diện mục lúc chưa sinh
“Có Tịnh độ” tức Tín-Nguyện-Hạnh cầu sinh Phật quốc
Hai chữ “có” chỉ cho tu hành chuyên nhất
Phải nương theo giáo lý lúc khởi tu
Tận tâm, tận lực chứng lý đạo thâm sâu
Trong mỗi tác động hằng ngày: uống, ăn, nói, nghỉ
Đi như Quán Thế Âm, ngồi như Đại Thế Chí
Tâm đồng tâm, Phật đồng Phật, không hai
Nếu tham thiền chưa liễu hoặc chưa khai
Thì chẳng thể nói “có Thiền”, vì chưa hề gặp.
Nếu tu niệm Phật nhưng lại là thiên chấp
Chấp duy tâm, hạnh nguyện chẳng thiết tha
Hoặc hạnh chuyên cần nhưng lòng ưa thích cảnh ma
Hoặc cầu đời sau sinh vào nơi vương giả
Hoặc cầu sinh cõi trời, hưởng phước nơi đất lạ
Hoặc cầu làm tăng, nghe một hiểu mười
Đắc đại tổng trì [19], phổ độ khắp muôn nơi
Đều chẳng thể nói là người “có Tịnh”.
Nếu đủ Tịnh và Thiền thì như hổ chúa
Lại mọc thêm sừng, lẫm liệt, uy phong
Đời này làm thầy người, giáo hóa chánh tông
Đời sau làm Phật Tổ, viên thành đạo hạnh
Đó là người đã minh tâm kiến tánh
Thâm nhập kinh, biết Quyền môn, Thật pháp của Thế Tôn
Niệm Phật là Tín-Nguyện-Hạnh pháp môn
Lợi mình, lợi người, tiền đồ đà sớm vẽ 
Là bậc thượng phẩm thượng sinh, nhập đệ nhất nghĩa
Trí tuệ, biện tài làm vỡ mật ma quân
Như rồng bay cao, như hổ mọc thêm sừng
Gặp kẻ hỏi đạo thì tùy căn cơ thuyết đạo
Là đạo sư của trời người, không chấp tông, chấp giáo
Nếu kẻ cầu song tu[20] thì liền dạy song tu
Nếu kẻ cầu Tịnh độ thì dạy Tín-Nguyện-Hạnh công phu
Thượng, trung, hạ, người người đều phấn tấn
Lúc lâm chung, Phật Tổ đưa tay tiếp dẫn
Cõi trời Tây, liền chứng được vô sinh[21]
Thấp nhất là sơ trụ, hoặc thập địa là nền
Nhập Đẳng giác, làm nhất sinh bổ xứ [22]
Sơ trụ Viên giáo[23] có thể hiện Phật thân trong trăm cõi
Huống chi là các quả vị cao hơn.
“Không Thiền, có Tịnh, muôn kẻ vẹn toàn
Khi thấy Phật Di Đà, lo chi không khai ngộ.”[24]
Đó là chỉ hạng người Phật tánh chưa thấy rõ
Nhưng một lòng cầu sinh cõi Di Đà
Cho đến hàng ngũ nghịch, nguyện thiết tha
Biết sám hối, Phật ân cần tiếp dẫn
Cửu phẩm liên hoa dù có cao, có thấp
Nhưng đã vào dòng bất thoái của thánh nhân
 Tùy căn cơ sâu cạn, có chỗ rẽ phân
2800. Sẽ khế hội Tiệm tu hay Đốn giác.
“Có Thiền, không Tịnh Độ, mười người, chín lần lữa
Nếu ấm cảnh[25] hiện tiền, trong chớp mắt chạy theo.”[26]
Bởi vì sao?
Tuy triệt ngộ lý Thiền, thấy Tánh tựa trăng treo
Nhưng Kiến, Tư Hoặc chẳng dễ gì trừ khử
Còn Kiến, Tư Hoặc, không thoát được Phần Đoạn Sinh Tử [27]
Với kẻ chưa đoạn mảy may thì miễn luận bàn
Nhưng với người phiền não đã nhẹ nhàng
Nhưng chưa dứt sạch thì vẫn luân hồi trong sáu cõi
Trong khi đó,
Mạng người như đèn cheo leo trong cơn gió thổi
Chưa chứng đạo thì đã đến lúc mạng chung
Cho nên nói,
Mười người triệt ngộ, chớ chẳng phải nói kẻ mới khởi tu
Chín người lần lữa, vì chưa từng triệt chứng
Đến lúc lâm chung hiện ra thân trung ấm
Sẽ tùy theo nghiệp lực thọ thân sinh
Chữ Ấm [28] có nghĩa là ngăn ngại tánh linh
Chớ chẳng phải bị ngũ ấm ma mê hoặc
“Không Thiền, không Tịnh Độ, cột đồng và giường sắt
Muôn kiếp ngàn đời trọn không chỗ dựa nương” [29]
Kẻ chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu Tây phương
Tu hời hợt các giáo môn cho có mặt
Không định tuệ, không chứng Chân, đoạn Hoặc
Một khi thở ra mà chẳng thở vào
Liền đọa vào địa ngục, chịu khổ dài lâu
Thì chẳng khác oan gia ba đời trang trải
Muốn được thân người chẳng dễ gì có lại
Nên Đức Thích Ca từng hỏi tôn giả A Nan:
“Đất trong tay ta hay đất đại địa nhiều hơn?”
Liền bạch Phật: “Hẳn là đất trong đại địa.”
Phạy dạy rằng,
“Đất trong tay ta ví số thân người có được
Đất trong đại địa ví số mất thân người”
Tổ Vĩnh Minh soạn “Tứ Liệu Giản” cho đời
Như bè ngọc vớt người trong bể khổ
Tiếc cho người đọc lướt qua lời Tổ
Chưa hiểu tận tường đã chối bỏ, khinh khi
Tổ Đạt Ma từ đất Ấn phương Tây
Sang Trung thổ chỉ cho người thấy Tánh
Đó là dạy cho con người tìm gốc
Tin có Phật tánh rồi thì phải xứng tánh tiến tu
Cho đến khi vào được vô chứng, vô tu
Chớ chẳng phải chỉ Ngộ là đầy đủ
Phước tuệ cần viên mãn, Bồ đề thành tựu
Cái biết ngoài da chưa nhập tận tủy xương [30]
Như vẽ rồng điểm nhãn, vẽ cọp thêm sừng
Dành cho kẻ biết đối cơ, đối cảnh.
Riêng kẻ hạ căn xuất thai cách ấm[31]
Từ ngộ vào mê chẳng mấy khó khăn
Từ ngộ lại ngộ đếm được bao lần
Muốn cứu chính mình, phải nên cầu Phật lực.
 Dù là Giáo, là Thiền hay là Luật
Y giáo tu hành, phải hiểu chỗ nông, sâu
Không hiểu kinh thì tu dựa vào đâu?
Biết cạn cợt lại cho là đã đủ
Đó chỉ là kẻ tu mù, luyện quáng
Khi biếng lười thì lại thích huênh hoang
Mới hiểu được đôi điều tưởng đã chứng đạo vàng
Dễ chiêu cảm ma cuồng phá tan thiện nghiệp.
 
Nói tóm lại, trong các tông phái khác
Triệt Ngộ rồi vẫn phải Đoạn Hoặc Chứng Chân
Đoạn Hoặc rồi mới thoát ải tử sinh
Nhưng vẫn còn cách rất xa quả Phật
Trải bao kiếp mới viên thành Như-Thật[32]
Như thư sinh thi đổ được tước hàm
Từ thấp lên cao trong đám quần thần
Thăng tiến dần dần lên làm Tể tướng
Tuy là tột phẩm, nhưng sánh cùng Thái tử
Vẫn cách xa hoàng tộc với dân gian
Huống chi là Hoàng đế ngự cung vàng
Cũng bởi do người chỉ cầu tự lực
Riêng Tịnh tông cả tự lực và Phật lực
Như được thác sinh vào chốn hoàng cung
Vừa thoát thai đà lấn át quần thần
Trong cung ngọc, được đế sư  dạy dỗ
 Khi khôn lớn nối ngôi, bình thiên hạ
Ví như người thành tựu nguyện vãng sanh
Thọ thân nơi cõi Phật, chánh tu hành
Bất thoái chuyển đến khi thành Phật quả
Tịnh tông khế cơ như thuyền nhờ sức gió
Buổi mạt thời nên tu tập pháp này
Nếu chọn đường quanh co, khó đến bởi khó đi
Nay chỉ cần,
2885. Tín, hạnh không rời, nguyện vãng sinh đất Phật.
 Giải quyết những điều nghi hoặc thường gặp
 
Luận về Sự và Lý
Lý thế và xuất thế chẳng qua bổn tánh
Sự không ngoài hai chữ quả và nhân
Như Lai chứng nhất thừa, hàm thức trầm luân
Nhưng bổn tánh chẳng hề tăng hay giảm.
Bởi nơi Nhân Địa gieo trồng có khác
Thọ dụng nơi Quả Địa tất chẳng đồng
Xiển dương nhân quả và bổn tánh không phải là chuyện dễ làm
Người căn cơ trung và hạ không rõ về bổn tánh
Người thượng căn không thích nghe hoài chuyện gieo thì gánh
Có biết đâu hai việc chẳng phân ly
Người rõ tâm ắt biết nhân quả theo mỗi bước chân đi
Người tin sâu nhân quả ắt rõ rành tâm tánh
Chúng sinh thời mạt căn cơ hèn kém
Lại theo pháp môn tự lực của Thiền gia
2900. Khế ngộ là việc chẳng dễ vượt qua
Nói chi đến chứng đạo hòng liễu thoát
Này hỡi tứ chúng [33],
Hãy nên rao mời Tịnh môn cùng khắp
Tướng tứ pháp giới[34] có đủ trong Tịnh tông
Sự sự vô ngại trên mỗi bước ruỗi dong
Chớ chấp Lý rồi bỏ qua sự tướng
Sự hiển bày Lý, Lý dung hội Sự
Lý Sự dung thông mới tránh được sai lầm
Lý sự viên dung khế hội bổn tâm
Ngôn, hạnh, tương ưng thì gọi là sư tổ
Người đời nay có hạng chuộng tài biện luận
Văn chương kinh động quỷ thần nhưng hạnh kiểm chỉ ít phần
Gốc bệnh này do chẳng chú trọng quả nhân
Bậc thượng trí xót thương, kẻ phàm phu bắt chước
Biết không quá khó, làm được mới khó
Ngộ có thể vào, Chứng là chuyện dễ đâu
Chấp vào Hoa Nghiêm[35], tưởng thành Phật đã lâu
Đây là kẻ chấp Lý mà bỏ Sự
Cũng do tánh biếng lười, lại thích phân bỉ, thử
Vừa nghe Lý thâm sâu liền hả dạ, vui mừng
Khỏi phải gia công tu tập khó khăn
Sự đã phế bỏ thì có hiểu gì đến Lý!
Người tiến tu,
Sự Trì là niệm không lơi dù chưa đạt Lý
Chưa biết Tâm và Phật vốn không hai
Nhưng lòng chí thành nguyện được vãng sinh
Nơi đất Phật sẽ viên thành Phật đạo
Lý Trì là tin Phật tại tâm, do tâm tạo
“Phật tại tâm” tức tâm vốn đủ Lý này
“Tâm tạo” là tu theo Lý đã hiển bày
Khi chứng quả tức gọi là viên lý.
Câu “Phật tại tâm” chỉ cho Lý thể
Câu “Tâm tạo” chỉ cho vạn Sự tu trì
 “Phật tại tâm” tức Phật là tâm này
Nói “Tâm tạo” tức tâm này làm Phật.
“Tâm này làm Phật” là khởi tu xứng tánh[36]
“Tâm này là Phật” là tại tánh toàn tu
 Không phế bỏ Sự dù đà ngộ Lý thâm sâu
Bằng không sẽ vì cái sở tri mà sa vào cuồng chữ
Tịnh môn, pháp khế cơ, đủ đầy Lý Sự
Dù kẻ hành trì chưa viên ngộ được Tự Tâm
Nhưng vẫn không hành ngoài Lý đạo cao thâm
Lý Sự không hai, thân tâm dung hợp.
Nói rằng,
“Trong tâm có Phật A Di Đà vốn sẵn”
Phật A Di Đà tức bổn tánh, bổn tâm
Niệm Phật danh thì tâm và khẩu tương ưng
Phật đối Phật, tâm đối tâm, đồng thể.
 Phật pháp không ngoài Chân đế và Tục đế [37]
Hiển giáo xiển dương cả Tục lẫn Chân
Có tông môn ngay nơi Tục nói Chân
Nhưng lại thiên về Chân hơn về Tục
Phải biết rằng, nhị đế [38] vốn đồng một thể
Tướng là hai nhưng tánh chẳng phải hai
Như tấm gương sáng sạch đặt trên đài
Người đến hiện bóng người, vật đến hiện bóng vật
Sum la vạn tượng, gương đều chiếu khắp
Nhưng chẳng hề giữ người, vật, trong gương
Nên Thiền dùng câu “vô nhất vật” xiển dương
Hiển giáo nói: “Tướng tướng đều như ảnh tụ”
Cho nên,
Ngay nơi Sự tu, Thiền gia hiển Lý
Ngay nơi Lý, Giáo hiển Sự tu
Toàn tu tại tánh, xứng tánh khởi tu
Lý Sự dung thông, Thiền và Giáo bất nhị.
Sự nhất tâm là đoạn trừ Tư, Kiến Hoặc
Phá vô minh, chứng pháp tánh tức Lý nhất tâm
Chứng pháp tánh là pháp tánh vô sinh
Biệt: sơ địa, Viên: sơ trụ, mới hòng thấu triệt.
Người chứng ngộ vô sinh, tâm không theo sinh diệt
Đối cảnh vô tâm, tịch chiếu tựa ngọc châu
Tâm vô tâm, nhưng hạ hóa, thượng cầu
2973. Thực tế lý địa, Phật sự môn trung đều viên mãn.

Hết Phần 3

Xin xem: | Phần 1Phần 2 | Phần3 | Phần 


🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
facebook

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/10/2003(Xem: 34251)
Tình cờ tôi được cầm quyển Việt Nam Thi Sử Hùng Ca của Mặc Giang do một người bạn trao tay, tôi cảm thấy hạnh phúc - hạnh phúc của sự đồng cảm tự tình dân tộc, vì ở thời buổi này vẫn còn có những người thiết tha với sự hưng vong của đất nước. Chính vì vậy tôi không ngại ngùng gì khi giới thiệu nhà thơ Mặc Giang với tác phẩm Việt Nam Thi Sử Hùng Ca. Mặc Giang là một nhà thơ tư duy sâu sắc, một nhà thơ của thời đại với những thao thức về thân phận con người, những trăn trở về vận mệnh dân tộc, . . . Tất cả đã được Mặc Giang thể hiện trong Việt Nam Thi Sử Hùng Ca trong sáng và xúc tích, tràn đầy lòng tự hào dân tộc khi được mang cái gène “Con Rồng Cháu Tiên” luân lưu trong huyết quản.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]