Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
Phiên dịch & thi kệ toát yếu 2015
Phần II
Chỉ Dạy Phương Pháp Tu Trì
Khuyên đầy đủ Tín, Nguyện
1027. Dù tinh tấn tu trì ngũ giới và thập thiện
Vui thú cõi trời, người, chính là gốc rễ đọa sa
Dù phiền não thiên cung không sâu đậm tựa Sa Bà
Khi phước tận dù là thần tiên cũng đọa.
Vì từng tạo phước nên theo nhân hưởng quả
Tạo phước thì tạo nghiệp cũng dễ thôi
Tạo nghiệp rồi, trong nháy mắt đọa luân hồi
Một hơi thở, lãnh thọ thân cõi dữ.
Nên người xưa nói,
Kẻ tu hành không giữ gìn chánh niệm
Không khéo vun trồng Tịnh nghiệp sáu thời
Vì có tu nên được phước trời, người
Phước báu ấy chẳng khác nào oán địch
Tam giới bất an tựa như hỏa trạch [1]
Người khôn ngoan phải cầu chỗ xuất sanh
Nếu không Tín Nguyện mà chỉ niệm Phật danh
Hạnh xưng niệm đó chỉ là tự lực
Vì không tin, không nguyện nên không cảm ứng
Không cùng nguyện lực Di Đà kết mối đạo giao
Nếu đã dứt Kiến, Tư Hoặc thì có thể bay cao
Nếu chưa đoạn Hoặc, nghiệp căn còn đó
Chuyện Thảo Đường Thanh và Giới Diễn Ngũ Tố
Là những chứng nhân xác thực đã đành
Phải biết rằng không đủ Tín Nguyện mà được vãng sanh
Thì nhân niệm Phật và quả vãng sanh không cân xứng
Đại sư Ngẫu Ích [2] nói,
“Vãng sinh, không vãng sinh, đều do tín nguyện lực
Phẩm vị thấp, cao, bởi trì danh cạn hay sâu”.
Nếu ngày ngày không lo lập tín nguyện khẩn cầu
Lúc bỏ xác khó nương vào Phật lực
Dù cho miệng niệm A Di Đà Phật
Lòng không tin, không ước nguyện vãng sinh
Bởi không cầu, không hết dạ kính tin
Nên không cảm Phật Di Đà tiếp dẫn
Trong khi trăm mối nặng nề, tâm nghiêng ngả
Lúc lâm chung nghiệp thiện ác hiện ra
Nếu không nương vào nguyện lực Phật Di Đà
Ác nghiệp kéo liền đi theo ác nghiệp
Không Tín, Nguyện, dù nhất tâm xưng niệm
Trong vô số người chỉ có được một, hai
Nghiệp tận tình không, chứng được vô sinh
Trong thế giới, chẳng bao người thực hiện
Nếu cậy vào tự lực, bỏ qua Tín Nguyện
Kẻ bình thường chẳng biết nẻo thoát ra
Dù là vua cõi trời với thiên quốc, long xa
Hoặc tăng sĩ đắc tổng trì [3] đại pháp
Nghe một ngộ ngàn, nổi danh cùng khắp
Tâm thờ ơ cõi trần không muốn thọ thân
Nếu được vậy thì mới mong chiêu cảm đức ân
Và đại nguyện Phật Di Đà nhiếp thọ
Sen báu chín tầng nở hoa Tịnh độ
Vĩnh viễn thoát vòng sinh tử, chuyển luân
Chẳng những người phàm mà ngay cả tứ thánh nhân[4]
Nếu không hướng Đại [5] thì cũng không thể đến
Cảm ứng thánh phàm do nơi Tín, Nguyện
Dù đã tu tinh tấn hạnh trì danh
Nếu không kính tin, lập nguyện thì không thể vãng sanh
Nên Tín, Nguyện, chính là điều khẩn yếu
Đủ Tín-Nguyện-Hạnh muôn người tu, muôn người đến.[6]
Việc thiện đã làm nên hồi hướng Tây phương
Nếu như mong cầu phước báo cõi thế gian
Tâm đôi ngã càng khó về Tịnh độ
Người chánh chân niệm Phật không cầu hưởng thọ
Nhưng tự nhiên được quả báo thế trần
Người tịnh tu luôn tha thiết, chuyên cần
Nương Phật lực tránh binh đao, lửa, nước
Trừ phi nghiệp tạo gây từ thuở trước
Quả báo từ trầm trọng hóa nhẹ nhàng
Nên hiện đời tai họa gặp giữa đàng
Phật liền từ mẫn đưa tay tiếp dẫn
Chưa chứng tam muội đã vào trong dòng thánh
Cõi thế mông lung mấy kẻ được vậy chăng?
1100. Lập nguyện thoát Sa Bà như nguyện của tù nhân
Luôn mong mỏi về cố hương là Tịnh độ.
Nay được thân người, sinh nơi trung thổ [7]
Mau tìm lên núi báu nhận Ma ni
Bởi chúng sinh còn Hoặc Nghiệp[8], mãi đến rồi đi
Nên Phật dạy hãy cầu về Lạc quốc
Ngay trong tất cả việc lập công, lập đức
Việc giữ gìn giới hạnh cả một đời
Không nương vào đó để cầu trường thọ an vui
Hãy hồi hướng về Tây phương Cực Lạc
Tức phù hợp với nguyện sâu của Phật
Ví như người sóng vùi dập lênh đênh
Chiếc thuyền từ đã đến, nếu bước lên
Nương thuyền Phật mà vượt qua bể khổ
Chớ cầu phước báo nhân thiên mà bỏ lỡ
Cơ hội ngàn năm thoát cõi trầm luân
Khi phước báo cạn rồi ai biết trước chỗ thọ thân
Là nơi địa ngục? Súc sanh? Ngạ quỷ?
Nếu biết dùng Diệu Trí [9] tức đưa về Diệu Vị [10]
Dùng trí sai lầm như lấy ngọc ném chim con
Sao gọi là hành động của người khôn
Hãy cẩn trọng! Xin hãy nên cẩn trọng!
Không tin theo Tịnh môn mà toan trừ vọng
Dù là người lãnh thọ chỗ chân truyền
Từ các pháp môn Giáo, Mật, Luật, Thiền
Cũng không dễ được liễu sinh thoát tử.
Huống chi chỗ thâm huyền mấy ai đại ngộ
Nếu đại ngộ rồi, có thực chứng hay không?
Chỉ ngộ mà chưa chứng đạo thậm thâm
Thì chưa thể thoát ngoài vòng sinh diệt.
Kẻ học đạo dùng Thức mà nhận biết
Cũng đừng quên phải đoạn Hoặc, chứng Chân
Riêng Tịnh môn lấy Phật lực làm nhân
Tín-Hạnh-Nguyện xuôi thuyền qua bỉ ngạn.
Người thuần thành và cả người ngũ nghịch
Trọn tấc lòng sám hối niệm Phật danh
Lúc lâm chung quyết định được vãng sanh
Cho nên nói là mang theo nghiệp cũ.
Trong ba cõi, thọ sinh rồi thọ tử
Phước báo nhân thiên cũng có lúc cạn cùng
Gốc tử sinh lắm mờ mịt, mông lung
Chưa chứng đạo mà tử ma [11] đã gọi
Mầm mống chợt diệt, chợt sinh, vẫn đang tiếp nối
Nương Tịnh môn cảm ứng sẽ song đôi
Dù tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh, an vui
Vẫn được Phật đưa tay ra hóa độ
Chớ nghe lối luận bàn mong bác bỏ
Dọa nạt người phải đến chỗ Nhất Tâm
Nhất Tâm ở đây là Tín-Hạnh-Nguyện hòa chung
Chớ không phải “vô tâm, vô nhất vật” [12]
Ví nước hồ thu chưa hề dừng tánh động
Nếu gió không lồng lộng trận phong ba
Trên mặt hồ vẫn hiện bóng trăng ngà
Hãy suy nghĩ đến tận tường nghĩa ấy.
Đời mạt pháp, đây là nơi nương cậy
Hợp căn cơ của tất cả người tu
Nếu đã rõ thông Năng, Sở mặc dù
Đều vẫn phải vào tận nơi Thực Chứng.
Nếu không Tín Nguyện vãng sinh, chỉ tự hào, tự lực
Đường gian nan, thật khó thể vượt qua
Nghe luận bàn của các vị Thiền gia
Quy Tịnh độ vào Thiền tông mà bỏ quên Tín Nguyện
Nếu theo đó hành trì, may ra khai ngộ
Cầu thoát ly ba cõi há dễ làm?
Lại toan mang Phật và cõi Phật quy kết vào tâm
Hiểu sai nghĩa Tịnh tâm là Tịnh độ!
Thương cho kẻ hồ đồ vì chẳng rõ
Ấn Quang tôi khuyên người học Tịnh tông
Chớ nên dùng lời khai thị của Thiền tông
Mà áp đặt thay thế cho Tịnh lý
1170. Bởi tông chỉ và pháp môn có đồng, có dị.
CHƯƠNG II
Giảng về phương pháp niệm Phật
Pháp niệm Phật, Tín-Hạnh-Nguyện là tông yếu
Nếu thiếu một trong ba đều chẳng thể vãng sanh
Chữ Hạnh là chánh hạnh niệm Phật danh
Tùy theo sức mỗi người mà lập hạnh.
Nếu không vướng bận gia cư, thường nhàn nhã
Đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nín, thảy trì danh
Mọi thời, mọi chỗ, Phật hiệu chẳng rời tâm
Lúc tề chỉnh, niệm thầm hay thành tiếng
Lúc tắm gội hoặc ngay khi tiểu tiện
Không thanh tao nên chỉ được niệm thầm
Dù là không lớn tiếng gióng thanh âm
Công đức niệm Phật đều không có khác
Chớ bảo rằng,
“Không thể niệm khi đến nơi dơ bẩn”.
Nằm trên giường cũng có thể niệm thầm
Lập hạnh thì thiết yếu phải chuyên tâm
Phải biết sợ phiêu bồng theo gió nghiệp
Ác nghiệp nào khiến đời đời xoay chuyển?
Phước báo nào khiến nghe được Phật danh?
Khó nhiếp tâm thì hãy khẩn thiết, chân thành
Tâm sẽ tự quy về chung một mối.
Bởi không chí thành nên lòng dong ruỗi
Nếu thành tâm mà chưa thể nhất như
Hãy lắng nghe tiếng mình niệm giữa không hư
Chỉ tiếng niệm, ngoài ra không tiếng khác
Mỗi tiếng niệm đều phải từ tâm khởi
Dù niệm thầm, tâm phải biết rõ rành
Phải nhận ra từng chữ rất phân minh
Được như vậy, vọng dần dần tự dứt
Nếu vọng niệm vẫn dâng trào hừng hực
Thì nên dùng ký số, nhớ từng câu
Dụng toàn tâm toàn lực mỗi đầu câu
Vọng muốn khởi cũng khó mà dấy khởi
Phương cách nhiếp tâm trước kia chưa từng nói
Bởi căn tánh người xưa thuần thục dễ dàng
Tâm Ấn Quang tôi khó điều phục ngỗn ngang
Nên mới phải nghĩ suy mà lo liệu
Dùng ký số, mỗi mười câu Phật hiệu
Hơi thở nhẹ nhàng, tiếng niệm phân minh
Niệm dứt mười câu thì niệm lại như trên
Mỗi lần mười niệm, chớ nên dang dỡ
Chớ lần chuỗi, nên dùng tâm ghi nhớ
Khó nhớ cả mười thì gắng nhớ ba, năm
Tu tập lâu ngày sẽ đến chỗ nhất tâm
Nhất Tâm Bất Loạn tức là không tạp niệm
Một lần hoặc ngàn lần đều thầm đếm
Niệm nhanh hay niệm chậm chẳng hề chi
Niệm sáng hoặc trưa, chiều hoặc tối tùy nghi
Trừ vọng khởi và an nhàn tâm trí
Nếu làm việc phải phân tâm suy nghĩ
Vẫn niệm thầm, không nhớ số chẳng sao
Việc dễ dàng hay khó nhọc bao lâu
Khi xong việc lại nhiếp tâm như trước.
Bồ tát Đại Thế Chí dạy rằng: “Sáu căn thâu nhiếp
Tịnh tâm mà niệm Phật chẳng luận suy
Đắc tam muội, chánh định, đẳng trì”.[13]
Pháp niệm Phật là pháp môn bậc nhất
Bởi bảo phàm phu nhiếp căn, trần, thức
Phải đâu là một việc quá dễ dàng
Như việc niệm Phật danh bất kể thời gian
Khắp chốn chốn nơi nơi đều thư thái
Niệm Phật có cạn sâu, có Tiểu và có Đại
Nên kính tin lời Phật, chớ hoài nghi
Chỉ nên lần chuỗi lúc đứng hoặc lúc đi
Nếu tay lay động lúc ngồi dưỡng thần an tỉnh
Thân tâm không yên, lâu dần thành bệnh.
Hãy niệm khít khao khiến Tâm, Phật không hai
Phật là tâm, tâm là Phật tất cả thời
Lúc ăn nói, đứng ngồi đều thuần thiện
Khi tâm không vọng, tâm này Phật hiện
Sẽ chứng liền tam muội tại đời này
Lúc lâm chung thượng thượng phẩm liên đài
Có thể nói: Sự hành trì đà cùng tận.
Lúc nhiễu Phật, Đông sang Nam, Tây sang Bắc
Đó gọi là pháp tùy hỷ, thuận tùng
Đi nhiễu xong, quỳ niệm Phật mười lần
Dù là vậy, cũng tùy theo phương tiện.
Dù niệm tại tâm, chớ bỏ luôn niệm miệng
Bởi thân và khẩu ý hỗ trợ nhau
Nếu cả ba đồng quy kính, ích lợi sâu
Tiếng khẩu niệm khiến tai nghe, lòng hoan hỷ
Đó là giúp kẻ nhiều hôn trầm, giải đãi.
Hóa thân A Di Đà là Thiện Đạo Đại Sư [14]
Đại lực thần thông, trí tuệ có dư
Nhưng chỉ nói với thế gian những điều giản dị
Hai đường lối tu trì [15] không văn hoa, huyền bí
Chủ yếu giúp chúng sinh thấy rõ việc thực hành
Chuyên tu là thân lễ, ý niệm, khẩu xưng danh
Tạp tu tức thêm một hoặc nhiều môn khác
Dù hồi hướng vãng sanh nhưng tâm không thuần nhất
Trong trăm người chỉ được một hoặc hai
Lời đại sư chân thực, chớ bỏ ngoài tai
Từ kim khẩu chỉ thẳng đường tận thiện.
Nay lại nói đến người viết văn lập nguyện
Lời văn tuy hùng tráng, ý cao thâm
Nhưng lời này phải phát xuất tự tâm
Thì mới được gọi đó là lập nguyện.
Hồi hướng tức mang tín nguyện ra mà thể hiện
Chỉ nên đọc lời này khi hoàn tất công phu.
1270. Tất cả việc thiện trong ngày nhỏ bé mặc dù
Đều là trợ hạnh vãng sanh Lạc quốc
Ví như gom nhiều hạt bụi thì thành dúm đất
Đại dương kia chứa nước của muôn sông
Ai là người lượng được chỗ tận cùng
Nếu phát Bồ đề tâm [16] vì chúng sinh mà hóa độ.
Hồi hướng công phu về khắp bốn ân[17], ba cõi
Như lửa thêm dầu, như lúa mạ gặp mưa rào
Kết pháp duyên không phân biệt ngọc đá, vàng thau
Thì đại hạnh Đại Thừa càng thù thắng
Nếu chẳng vậy,
Lại không khác người lòng thô, trí cạn
Như Nhị Thừa, dù lập hạnh gian lao
Cũng chỉ chiêu lấy quả vị không cao.
Hãy tìm đọc,
Tịnh Độ Văn do Đại Sư Liên Trì [18] biên soạn.
Văn từ và nghĩa lý rất thâm sâu
Hãy nương văn mà phát đại nguyện dài lâu
Chớ chẳng phải đọc văn người là xong việc
Công khóa mỗi ngày theo với lòng tha thiết
Đồng hồi hướng về Thật Tế Chân Như [19]
Viên mãn Bồ đề, tâm khế hợp tâm [20]
Chín pháp giới đồng sanh về Tịnh độ.
Đối trị tập khí
Kẻ phát đại tâm vì muốn thoát sinh, thoát tử
Mỗi niệm xưng danh từ tâm nguyện phát sinh
Một niệm viên minh, vạn niệm cũng viên minh
Được như vậy, Phật và Tâm khế hợp
Phải khéo dụng công, đừng nên chấp trước
Ma sự thừa cơ khi thân và trí bất an
Thu nhiếp sáu căn, tâm thanh tịnh, thăng bằng
Tu như vậy, nhất định không lầm lỗi
Biết địa ngục khổ, phát tâm toan cứu khổ
Một lời thốt ra chấn động tựa lôi âm
Như ngọn lửa hồng, sáng rực cõi thái không
Bởi tâm ấy thấy người như mình, mà phát thệ
Phát tâm Bồ đề, nghiệp tiêu, tăng phước tuệ
Phước báo thế gian không thể sánh cùng
Cảnh thế gian là duyên khiến đời đạo hòa chung
Há phải dứt trần duyên mong nhập đạo
Đã làm chủ được tâm thì trần lao là giải thoát
Nên kinh Kim Cang dạy độ thoát chúng sinh
Không thấy người, Niết Bàn, cũng chẳng thấy mình
Nếu chẳng vậy,
Tức chưa khế hợp Nhất Thừa Thật Tướng [21]
Chưa thấy bản thể chúng sanh là chư Phật
Khởi trí phàm, xưng thánh giải, thị với phi
Khiến huyền nghĩa vô vi thành phước đức hữu vi
Huống chi lại luyến tham nơi sắc, dục?
Khởi vọng là chuyện chung trong trần tục
Có mấy ai mới niệm Phật, được nhất tâm?
Vọng đến đi như khách, chớ theo chân
Thường cảnh giác chính ta là ông chủ
Lâu ngày phiến băng tâm như thành trì luôn phòng thủ
Giặc vọng kia nhất định phải phục tùng
Muốn thắng giặc thì tướng quân chẳng được hôn trầm
Không biếng nhác, không lôi thôi khi gặp dịp.
Khi niệm Phật mà tâm không quy mạng [22]
Là do tâm sinh tử chẳng thiết tha
Nếu tự nghĩ rằng,
Tôi đang chịu lửa thiêu, bị nước cuốn trôi xa
Nếu không được cứu ắt là sa địa ngục
Niệm Phật như điều thần, chiêm ngưỡng bản lai diện mục
Đưa tâm rối ren vào nhất niệm chánh chân
Xưng tán hồng danh khiến vọng tưởng hao mòn
Phật tánh vốn sẳn nơi tự tâm liền hiển lộ
Biết điều phục thì nhìn giặc cướp như con đỏ
Không biết thì con đỏ hóa oan khiên
Phải luôn đề phòng khi gặp cảnh, gặp duyên
Chớ hờ hững khiến não phiền bộc lộ
Nếu phiền não, niệm Phật danh tiếp độ
Khi đối diện người dáng vẻ đẹp như lan
Giữ lễ như chị, như em, thân thuộc họ hàng
Xem người vợ như người ân nối dõi
Sắc dục là bệnh chung trên toàn thế giới
Chẳng những hạ, trung mà cả đến thượng căn
Nếu buông lung rất dễ phải sa chân
Kẻ trí thức hóa ra phường ong bướm
Kinh Lăng Nghiêm nói,
“Không trừ tâm dâm thì tử sinh tiếp nối
Làm sao cầu tam muội thoát trần ai”.
Tham sân si xuất hiện phải biết ngay
Xem như khách không được mời mà đến
Người chân tu trong trần lao rèn luyện
Khiến não phiền, tập khí phải tiêu tan
Đó mới là công phu thiết thực, chánh chân
Phiền não hóa thành quang minh chói rạng
Người tu trì lúc thức, lúc ngủ, không có khác
Tu lâu dần trong mộng cũng không sai
Tham sân si là giặc cướp chớ ai
Không dung túng thì làm sao gặp nạn.
Bị cảnh chuyển vì đạo tâm nông cạn
Lòng vui buồn dấy động ở bên trong
Hành trì ngoài mặt để che lấp tà tâm
Như son phấn trang hoàng thân dơ bẩn.
Hãy gắng công sức, chớ nên thiên chấp
Cũng đừng loanh quoanh không đầu mối trước sau
Tâm suốt ngày mãi hướng ngoại tìm cầu
Chẳng hề biết đến hồi quang phản chiếu [23]
Đức Quán Âm xoay cái nghe về tự tánh
Bồ tát Đại Thế Chí thu nhiếp sáu căn
1370. Kim Cang dạy không trụ sắc thanh hương
Tâm kinh nói Tánh Không ngay trong ngũ uẩn
Là tất cả diệu pháp dạy người đối cảnh
Dù nguyện rằng học vô lượng pháp môn
Nhưng chớ quên tà ý phải canh chừng
Chớ làm kẻ đa văn vô tích sự.
Sắc dục là bệnh chung trên toàn thế giới
Cả ba căn thượng trung hạ dễ lầm
Kinh Lăng Nghiêm dạy,
Nếu chúng sinh sáu cõi chẳng tà dâm
Thì khó thể luân phiên trong sanh tử
Muốn thoát trần lao lại không trừ dâm dật
Thì khó mong ra khỏi chốn tử sanh
Tịnh độ tông tuy đới nghiệp vãng sanh
Dâm tâm không bỏ thì làm sao cảm ứng?.
Quán bất tịnh là pháp môn đối xứng
Thân thể người chứa bao thứ hôi dơ
Tưởng đẹp xinh trọn ngày mộng, đêm mơ
Cũng vì vậy mà sinh vào bụng mẹ
Nghiệp nặng thì lấy bụng súc sanh làm thân thể
Nghĩ cho cùng thì kinh hãi biết bao
Phải thường xuyên quán tưởng để ngăn rào
Lúc gặp cảnh tâm không tuôn theo cảnh.
Tâm như gương đứng yên, người đến thì hiện ảnh
Người đi thì chẳng giữ bóng hình ai
Tâm không chấp trước, cảnh cảnh mở khai
Chẳng ưa ghét sáu trần, một đường về chánh giác.
Luôn giữ tịnh tâm, rỗng không, thông suốt
Phải biết sợ tâm tà như sắp ngả vực sâu
Mạng do mình lập, phước tự mình cầu
Tạo hóa chẳng thể tùy nghi, tùy tiện.
Thánh hiền là trượng phu, chúng ta phải đâu hạ liệt
Bởi chấp sinh, chấp diệt mới mê tâm
Đuổi theo cảnh trần thì phí sức ruỗi dong
Che Phật trí, biến ra thành thế trí.
Nương Tín-Nguyện-Hạnh chấp trì Phật hiệu
Hành trì lâu dần, Tâm và Phật không hai
Biết ngũ uẩn là Không khi đi, đứng hằng ngày
Diệt vọng tưởng, không chấp mình đức hạnh.
Tâm thanh tịnh phù hợp tâm cõi tịnh
Thân ngay cõi trần thầm khế hội cõi Tịch Quang
Đây là con đường lập mệnh, an thân
Phải biết chú trọng vào nơi tinh yếu.
Mấy mươi năm trên thế trần bận bịu
Cũng do vì chấp Ngã, khó buông tay
Kể từ khi có chút hiểu biết đến nay
Theo gió nghiệp, lòng ngỗn ngang trăm mối.
Khi gặp cảnh phải sẳn sàng ứng đối
Vì đã dùng phước đức để nghiêm thân
Trí tuệ như đai ngọc với giáp vàng
Diệt phiền não, và diệt luôn tập khí.
Có những kẻ càng tu càng sôi động
Là kẻ tu mà không biết hồi quang[24]
Bởi chấp vào sự tướng gặp giữa đàng
Tâm theo cảnh nên bồng bềnh không thể định
Nếu biết được chỉ là huyễn thân, huyễn cảnh
Đến rồi đi, phiền não gởi vào đâu
Bằng không thì nên Quán Ngũ Đình Tâm [25]
Tham, tức thấy cảnh thì lòng yêu mến
Kẻ dâm dật cũng do tâm ái luyến
Nếu lắng lòng, quán sát cả toàn thân
Từ trong ra ngoài, thấy phân, tiểu, tóc, lông
Thấy răng, móng, xương, da cùng máu thịt
Tham ái dứt trừ thì tâm thanh tịnh
Dùng tịnh tâm niệm danh hiệu Di Đà
Như nước với sửa pha trộn hợp hòa
Tâm là Nhân địa, giác là Quả địa
Gieo tịnh nhân thì kết thành tịnh quả
Phật nhân gieo thì Phật quả song đôi
Vượt chặng đường qua thứ bậc, vị ngôi
Dụng công nhàn hạ mà được nhiều ích lợi
Vẫn thù thắng hơn là hằng ngày vun tưới
Gieo nhân chúng sinh mà muốn thành quả Phật, lạ thay.
Tu hành ví như gieo trồng, bất luận là ai
Hạt giống Phật sẽ trổ hoa trái Phật.
Sân là khi thấy cảnh sinh lòng hờn giận
Người sang giàu sai khiến kẻ làm công
Việc nếu như không thuận ý, toại lòng
Nhẹ thì mắng nhiếc, nặng thì dùng cây, roi đánh đập
Lúc tâm sân cuồng đâu thấy người bầm dập
Cũng chẳng hay chính mình khí huyết bị tổn thương
Xưa kia vua A Xà Thế [26] là một đại vương
Giữ năm giới [27], một lòng thờ kính Phật
Bỗng một hôm chẳng may người hầu quạt
Chầu chực cả ngày chẳng được nghỉ ngơi
Mỏi mệt nên quạt rơi trúng mặt vua
Vua nổi giận đúng vào giờ bỏ xác
Bởi do sân, thọ thân mãng xà tức khắc
Nhờ phước xưa nên biết được quả nhân
Cầu nghe tam quy ngũ giới từ một sa môn
Thoát thân rắn sanh cõi trời hưởng phước
Kinh Hoa Nghiêm nói,
“Một niệm sân mở ra muôn cửa chướng”
Người xưa từng khuyên nhủ: Lửa trong tâm
Đốt tan rừng công đức gầy dựng bao năm
Từ bi quán là pháp môn đối trị.
Nhìn chúng sanh như cha mẹ trong quá khứ
Và cũng là chư Phật thuở vị lai
Khi bế bồng, lúc dưỡng dục tháng năm dài
Vòng xoay chuyển đáp đền sao cho đủ.
1470. Lẽ đâu đối với người ân lại mang lòng giận dữ
Chuyện cỏn con cũng sinh sự đôi co
Khi hành hung, khi mắng nhiếc nhỏ to
Vị lai Phật đến đi trong pháp giới.
Bồ tát bố thí khi được người đến hỏi
Đều xem như trả lại nghĩa ân xưa
Đến giúp ta thành tựu vô thượng thừa
Phẩm Hồi Hướng trong Hoa Nghiêm nói rõ.
Xưng danh hiệu Phật, hòa tâm vào tâm Phật
Nếu trái Bản Tâm tức đức lớn đã phai mờ
Trong sinh hoạt hằng ngày phải hợp lý, hợp cơ
Lý tức Phật, huyền cơ là thành Phật.
Như đã nói, tâm ta là tâm Phật
Tâm bao la rộng lớn tựa hư không
Như đại dương đón nhận nước trăm dòng
Chớ dại dột mà che mờ tâm ấy.
Kẻ ngu vì không rõ duyên đưa đẩy
Xưa gieo nhân nay kết quả hiện đời
Đối cảnh, đối người mà chẳng nhận ra là khách ta mời [28]
Sinh chấp đoạn, chấp thường thành chướng đạo
Kẻ chấp thường không biết chánh báo từ tâm tạo
Cho rằng người thì mãi mãi là người
Đã mang thân thú thì sẽ là thú nối đời
Không hề biết người biến thân thành rắn, cọp
Nghiệp lực mãnh liệt đổi hình thù khi đang sống
Huống chi là lúc bỏ xác tái sanh
Thức chuyển luân theo nghiệp dữ, nghiệp lành
Nên Phật dạy,
Mười hai nhân duyên chỉ ba đời nhân quả.
Chớ đổ thừa cho trời luôn ban ân, giáng họa
Phước mình làm thì mình thọ có ai tranh
Họa mình gây thì mình chịu hẳn phân minh
Vòng sinh tử nối theo nhau không dứt
Khôi phục Bản Tâm là việc tối cần bậc nhất
Tịnh tông là đường thẳng được gia trì
Như cha theo con từng mỗi bước tập đi
Cớ sao gạt bỏ khi hai chân còn khập khễnh?
Tham Sân Si là cội sanh gốc tử
Tín Nguyện Hành là diệu pháp thoát tử sanh
Lấy ba pháp lành đổi ba pháp chẳng lành
Khi thành thục thì tham sân si tự diệt.
Tập khí sân do thói quen đan kết
Biết sống với Bản Tâm là mở lớn lòng nhân
Nếu không khai trừ thì tập khí càng tăng
Là chướng đạo trên con đường tu học.
Nay nhắc lại về âm thanh khi niệm Phật
Hãy nghe theo sức lực mà hành trì
Niệm thầm hay lớn, nhỏ, cũng tùy nghi
Chớ mong mau chóng mà phát sinh bệnh hoạn.
Lúc niệm xong, hồi hướng cho oán tặc
Trong ba đời được tắm gội Phật ân
Nghiệp chướng tiêu mòn, trí tuệ gia tăng
Tâm chính đại, tà ma không quấy nhiễu
Nếu giữ tà tâm thì cùng tà ma đồng điệu
Tà chiêu cảm tà là lẽ xưa nay
Nghiệp tận tình không như gương báu trên đài
Gương sáng sạch thì chiếu trời soi đất.
Gương phủ bụi ví như tâm dơ bẩn
Thì làm sao chiếu rạng được quang minh
Nếu thấy phát quang, chỉ là ánh sáng của yêu tinh.
Nên phải biết,
Niệm Phật hiệu chí thành thì thấy Phật
Niệm Phật khẩn thiết như người lâm nạn lửa
Niệm tà ma thì hẳn gặp tà ma
Dâng tấm lòng thành, cách Phật không xa
Giữ chánh niệm khiến quỷ thần quy phục.
Biết khổ, cái biết đó là thầy.
Biết bệnh, cái biết đó là thuốc.
Gẫm việc đời nhớ lại lời Mạnh Tử:
Người đưa vai gánh trọng trách thế gian
Lúc chưa gặp thời cũng lắm gian nan
Chịu đói lạnh trước khi thành đại sự
Chịu cay đắng với thị phi, bỉ thử
Nhưng đại sự này chỉ là vinh nhục thế gian
Huống chi chúng ta là kẻ xoay ngược trí năng
Trên, chuyển phàm thức hóa thành Phật trí
Dưới, giáo hóa chúng sinh đưa về Phật vị
Thì gian truân thử thách hẳn vô bờ
Giữa bồng bềnh trôi nỗi nhớ lời xưa:
“Nếu chưa thấu một lần xương lạnh buốt
Hoa mai thơm dễ đâu mà ngữi được”.
Trên con đường lập đức của tiền nhân
Khổng Tử, năm bảy mươi vẫn thấy băn khoăn
Mong được sống thêm vài năm học Dịch[29]
Có hạng người đời nay sinh lòng ưa thích
Lập lại lời kinh qua cái học từ chương
Dám lấy kinh dẫn chứng để tranh hơn
Nào biết đến chỗ chánh tâm, thành ý.
Nào biết dùng gương xưa mà thử nghĩ
Từng việc làm, câu nói của chính mình
Hợp lý thánh hiền hay đối nghịch, chông chênh
Nếu không hợp, phải biết mình khác sách.
Di Lặc Bồ Tát dù quả vị là Đẳng giác
Muốn diệt vô minh nên lễ Phật mười hai thời
Mong đến một ngày chứng viên mãn pháp thân
Huống chi thân chúng ta là thân từ quả báo
Là thân phàm phu trong vòng nghiệp đạo
Dù biết rằng tánh Phật vốn không hai
Nếu không siêng năng gột rửa, dồi mài
Phiền não che lấp, nguồn tâm không thể hiện
Nếu do thói quen sinh lòng bất thiện
Phải kịp thời tỉnh giác, niệm Phật danh
Tiếng từ bi khiến niệm ác tan nhanh
Thân khẩu ý đồng quy về chánh niệm.
Kẻ thiểu trí dối người theo phù phiếm
Bởi khinh thường cả thiên địa quỷ thần
Cho rằng không ai biết việc ta làm
Như kẻ trong bóng tối mặc tình thao diễn
Sao chẳng nghĩ,
Khi ta biết thì Phật thần cũng biết
1570. Tự tâm gồm thu pháp giới tạng tâm [30]
Chúng sinh khắp nơi khởi niệm, sinh lòng
Bậc giác ngộ tự Bản Tâm thấu suốt
Bởi tự và tha không phải hai mà là một.
Muốn học Phật thì trước hết phải ăn năn
Đổi ác lấy lành, đổi dối lấy chân
Nếu chẳng vậy thì quy y thành khuôn sáo
Biết được không khó, thực hành mới khó
Mấy kẻ biết thực hành dù trí tinh thông
Uổng công vào núi ngọc trở về không
Thật đáng tiếc! Ôi thật là đáng tiếc!
Trên thế gian có hai hạng người trung liệt
Một là người không gây tạo lỗi lầm
Hai là người biết sám hối, ăn năn
Câu sám hối phải từ tâm phát khởi
Bằng không, ví như người đọc tên thuốc giỏi
Đọc cả đời mà thuốc vẫn trên tay
Lại như người ý chí dễ lung lay
Theo danh tướng, không mảy may lợi ích.
Lợi hại đều do người, cảnh vốn vô tự tánh
Nếu biết nhìn thì không khổ cũng không vui
Kẻ trí trên biết mệnh trời, dưới biết tính người
Nên nhậm vận, tiêu dao theo tình ý
Gặp cảnh phú quý thì: Ừ, phú quý!
Gặp bần cùng thì cũng nhận bần cùng
Sinh chỗ phồn hoa thì sống với phồn hoa
Sinh nơi dân giả thì vui cùng dân giả
Tâm bình, khí hòa, không cao cũng không hạ
Niệm Phật cầu Tây phương, biết nhân quả trước sau
Xứng tánh là xứng tánh Phật chớ đâu
Nếu xứng tánh phàm phu thì làm sao thấy Phật
Không thể vãng sanh vì không cảm ứng
Nên phải lập chí như giữ ngọc trắng tinh khôi
Bỏ ác làm lành, giúp vật, cứu người
Chớ làm kẻ ngụy trang màu đạo đức
Như dùng hạt hư thối gieo vào sớ đất
Mà ngày sau lại muốn kết quả đơm bông
Trong mọi thời chỉ nên giữ một lòng
Đối trước Phật kính tin không sái quấy
Đối trước người không sinh lòng tà vạy
Không khoe khoang thành quả việc tu hành
Công đức kia, nào dễ có đã đành
Nhưng ác niệm sẽ tựu thành ác quả
Tu xứng-tánh-hạnh thác sinh thượng phẩm
Tánh bên trong, chớ sơn phết tướng hình
Tập trường chay, không nhai nuốt chúng sinh
Không uống rượu, luôn giữ lòng khắc kỷ [31]
Trong Phật đạo hãy làm bậc khai sĩ [32]
Muốn cầu vãng sinh trước hết phải từ bi
Phải biết tùy cơ, tận diệt tham sân si
Tâm hướng Phật liền liễu phàm thoát tục
Niệm Phật hiệu nương cậy vào Phật lực
Công đức kia dù có biệt, có thông
Chín phẩm sen vàng có thượng, hạ, trung
Người đoạn Hoặc và người chưa đoạn Hoặc.
Luận về các pháp tu trì
Pháp môn tu có tự lực và tha lực
Người cầu vãng sinh tu tập Tịnh môn
Đó là cả tự lực, Phật lực gồm thu
Khác với người tin chính mình tự tu, tự đắc
Không có tín tâm cầu vãng sinh Cực Lạc
Như vẽ tranh sơn thủy với bút lông
Nét ngắn, nét dài, đậm, nhạt tùy lòng
Đầu ngọn bút tự tay mình chấm phá
Thành tựu hoại không, tùy đường nét họa
Hoàn thành hay dang dỡ cũng tại ta
Khác với Tịnh tông, cảnh mây nước, lá hoa
Dùng máy ảnh một lần liền chụp trọn
Pháp môn tự lực như người đi từng bước
Một ngày đi chẳng quá mấy dặm đường
Tịnh độ pháp môn như luân bảo của thánh vương
Luân chuyển khắp bốn châu trong thiên hạ
Chúng sinh cõi Diêm Phù dễ sa, dễ đọa
Không dễ dàng đạt đến chỗ viên thông
Pháp Phật sâu dày, tội nghiệp cũng vô cùng
Không cầu đới nghiệp vãng sinh, khó mong liễu đạt.
Chỉ lo cho người quẫn quanh vòng nghiệp Hoặc
Sáu cõi luân hồi mỗi bước mỗi lênh đênh
Tận đời vị lai hết thọ tử lại thọ sinh
Vòng nhân quả tự tạo rồi tự hưởng
Bốn pháp niệm Phật: Danh, Tướng, Tưởng, Tượng [33]
Riêng pháp Trì Danh thu nhiếp các căn cơ
Dễ dàng cho người hạ thủ công phu
Không phức tạp khiến lâm vào ma cảnh
Phải đọc Quán Kinh [34] nếu muốn tu quán hạnh
Tâm này là Phật, làm Phật tự tâm này
Tịnh tâm thì Phật hiện, nào phải tự bên ngoài
Không chấp trước thì cảnh càng thâm diệu
Biết được như vậy mới gọi là quán liễu
Nếu bằng không, sinh vọng chấp tìm cầu
Tâm vọng thì cảnh vọng có xa đâu
Không tương ứng với Phật tâm, Phật cảnh.
Oan gia nhiều đời hiện thân oán địch
Nhân địa đã sai lầm, chẳng dễ biết quả địa thật hư
Khiến sinh lòng hoan hỷ, uổng công dư
Ma thừa dịp dựa nương làm loạn trí
Nên lượng tâm sức mình, chớ ham toan tính
Mơ viễn vông khiến tổn lại thân tâm
Ngài Thiện Đạo dạy rằng: “Cảnh vi tế, cao thâm
Tâm phàm thô thiển biết đâu ma mị”.
Buổi mạt thời dễ sa vòng lâm lụy
1670. Tu Quán môn khó đến chỗ tinh anh
Bậc đại thánh xót thương khuyên tu pháp Trì Danh
Tâm tương ứng liền vãng sanh Phật quốc.
Khi quán hình tượng Phật lại nhìn thấy Phật
Phải biết Phật ấy từ tâm ý hiện ra[35]
Chớ nghĩ rằng là cảnh ở ngoài ta
Tuy cảnh tượng rất phân minh rành mạch.
Kinh Lăng Nghiêm nói:
“Không cho là chứng thánh, thì là cảnh giới lành”.
Trong mười sáu pháp quán, chẳng bằng pháp trì danh.
Pháp giới tàng thân A Di Đà Phật
Khắp mười phương, pháp giới hiện đủ đầy
Như lưới trời Đế Thích muôn vạn Ma Ni
Cùng in bóng long lanh trong một hạt
Nơi một, tịch chiếu và gồm thu muôn vạn
Vốn dung thông không thiếu cũng không dư
Nhưng kẻ sơ cơ chưa phân biệt được vọng hư
Không chuyên chú, thân tâm liền phân tán
Là kẻ sơ học, chướng sâu mà tuệ cạn
Vọng dẫy đầy chiêu cảm bọn ma con
Cho nên lịch đại Tổ Sư và chư Phật Thế Tôn
Dạy niệm Phật hiệu A Di Đà chuyên nhất
Chứng niệm Phật tam muội, diệu môn hoàn tất
Nên phải biết rằng,
Trì Phật danh là một pháp khế muôn cơ
Trì khít khao đến chỗ bất loạn tâm
Thì Thật Tướng sẽ lộ bày cùng cực
Muốn nhập Phật cảnh nên nương Phật lực
Câu Di Đà rúng động bọn ma quân
Há chẳng hơn tự cậy lực oai hùng
Gặp ma chẳng biết, lại cùng ma đắc ý
Pháp Như Lai thuyết khế cơ nhưng đồng vị [36]
Dùng Quyền môn ẩn Thật pháp bên trong
Năm thời giáo hóa[37], pháp pháp dung thông
Thời cơ đến liền khai Quyền hiển Thật [38]
Khi đến được chỗ tâm đồng tâm Phật
Thấy hay không thấy Phật chẳng bận lòng
Chớ ước ao mong đợi thấy Thế Tôn
Cảm ứng chưa thông, mê tâm sinh bệnh
Oan gia nhiều kiếp thừa cơ xuất hiện
Dối hiện ra thân Phật, thỏa ước ao
Mơ tưởng trăm bề, sống tựa chiêm bao
Tự mình hại mình mà nào rõ biết
Hãy cố công tu trì, Nhất Tâm hiển hiện
Nắm chặt câu Phật hiệu chẳng lơi tay
Không phí công hí luận muốn cao bay
Bay chẳng được mà còn rơi xuống thấp
Kẻ chưa hiểu Lý đạo nên sinh lòng bài bác
Không chuyên cần niệm Phật lại niệm mình
Miệng nói rằng tu nhưng Ngã chấp ngông nghênh
Chưa biết pháp nói chi là Pháp chấp!
Tưởng rằng chỉ nói đôi ba câu đùa cợt
Có hay đâu khẩu nghiệp buộc vào thân
Ấn Quang tôi ngại kẻ chẳng biết dụng tâm
Mất lợi lớn lại khiến người thoái thất
Tổ Vĩnh Minh[39] nói: “Thấy được A Di Đà Phật
Lo chi không khai ngộ pháp thậm thâm”.
Nay Ấn Quang tôi bắt chước ý tiền nhân
“Khuyên nhất tâm, lo chi thấy hay không thấy Phật.”
Đóng cửa tu, không chê người, khen vật
Khi tâm thuần nhất sẽ cùng Phật cảm thông
Như đặt trên đài cao gương sáng ví tịnh tâm
Hình tướng đến thì gương liền in bóng
Hình tướng đi, gương an nhiên bất động
Gương không hề giữ bóng lại trong gương
Cũng như vậy,
Chớ ôm lòng cầu cảm ứng hỗ tương
Tâm mong ước chính đó là tà hạnh.
Niệm Phật Thật Tướng là niệm Phật Tự Tánh
Chỉ Quán Thiên Thai, thâm cứu của Thiền tông
Các pháp trên dạy niệm tánh thiên chân[40]
Làm thì dễ nhưng thật là khó chứng
Nếu chẳng phải là đại sĩ tái sinh dày cảm ứng
Có mấy ai thành tựu được đời này
Thật tướng trong tất cả pháp đến, đi
Trì Phật hiệu cũng là trì thật tướng
Sự và Lý có cạn sâu, vẹn toàn tánh, tướng
Phàm phu dùng Phật hiệu để gieo nhân
Nắm trong tay hạt giống trổ hoa tâm
Nay bỏ pháp trì danh, toan tìm thật tướng
Muôn người tu, một hai người thực chứng
Gương người xưa [41] còn đó chớ xem thường
Dù lập ra chí lớn, nói việc phi thường
Thành tựu được hay không mới là hữu hiệu.
Người dạy người thiên về điều huyền diệu
Ấn Quang tôi chú trọng đến thực hành
Nếu thuyết ra pháp vời vợi mây xanh
Người không làm được chỉ oan ba đời chư Phật.
Thế nào gọi là,
Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm
Tức tâm không khởi ý niệm Phật danh
Nhưng mỗi phút giây Phật hiệu nối kết thành
Như chuỗi ngọc nối liền không đứt đoạn
Cảnh giới thâm huyền chẳng dễ gì chứng được.
Người đời nay mong cảm ứng nhất thời
Dễ khiến ma thừa lúc dựa theo người
Vì chẳng biết giữ bổn tâm tĩnh lặng
Tâm an định, dù cảnh không thù thắng
Hoặc cảnh ma vẫn lợi ích đường tu
Bởi vì sao?
1770. Ma không chuyển được người, tức người chuyển được ma
Tâm kiên cố, càng tu càng thăng tiến
Không mong thấy cảnh thì cảnh không thường hiện
Vào đời Minh, núi Thiên Mục, có kẻ họ Ngu [42]
Ngày ngày bế quan trên đỉnh chuyên tu
Bỗng có thể tiên tri thiên thời, họa phước
Liên Trì Đại Sư [43] vì ông quở trách
Bảo ông rằng chớ vào ổ ma quân
Ông tự tâm sửa đổi những mê lầm
Từ đó về sau không còn như trước
Nên phải biết,
Người tu đạo như chèo thuyền ngược nước
Chớ phân tâm vì cảnh tượng ngoài, trong
Ví dù như chứng đắc đến ngũ thông [44]
Lòng vắng lặng, không một lần vướng bận
Nếu được vậy, mới mong thông Lậu Tận[45]
Bằng không thì đường thoái chuyển sẵn dành
Lại như người muốn mau chóng hoàn thành
Muốn chứng đạo hơn dày công tu học
Phải biết rằng,
Diệt phiền não thì hiện chân thân Phật
Nếu gương mờ, mong chi phản chiếu bóng hình
Nếu phát quang, hẳn là ánh sáng yêu tinh
Như mắt bệnh nên không nhìn tường tận
Người sơ phát tâm phải nên ghi khắc.
Niệm Phật danh cầu vãng sinh Cực Lạc
Hãy nên cầu giải thoát ngay tại đời này
Chẳng nên tự mình định trước tháng ngày
Nếu công phu thuần thục thì hẳn như sở nguyện
Nếu công phu giải đãi tức tự chiêu ma nghiệp
Vọng kết thành một khối khó gỡ cho ra
Tâm tự cầu, tự định cảm duyên ma
Chỉ nên nguyện vãng sinh khi hết kiếp
Nếu ngày tháng còn dài hãy tạo thêm thiện nghiệp
Hết báo thân hiện kiếp sẽ về Tây
Chớ nên cầu giảm tuổi thọ, chóng thoát ly
Tức phạm giới và luật nghi Phật lập
Người tu học chớ mang tâm thiên chấp
Hãy thuận duyên mà cầu được vãng sinh
Ví như thân một cây mạ non xanh
Kẻ làm ruộng kéo dài cho mau lớn[46]
Kinh Phạm Võng nói,
“Vướng víu vào ngã, chấp nê tư tưởng
Thì chẳng làm sao vào được pháp lành
Muốn giảm đi tuổi thọ để chóng thành
Cũng không phải việc nên cầu đó vậy”.
Khuyên hành nhân nỗ lực
Sống cõi thế gian muôn vàn khổ hải
Dù thăng thiên cũng khó tránh ngũ suy [47]
Riêng cõi Tây phương Tịnh độ diệu kỳ
Chỉ hưởng an vui nên gọi là Cực Lạc
Tam giới bất an ví như nhà lửa [48]
Khổ dẫy đầy, nên phải biết hãi kinh
Mạng sống vô thường tựa ánh chớp giữa đêm
Nhìn sắc tướng như bọt bèo trên bóng nước
Nếu vẫn sống thản nhiên vô tri vô thức
Theo bản năng như cây cỏ, thú cầm
Chẳng màng thánh cảnh bởi quen thuộc tình phàm
Không tin nhận lời thánh hiền khuyên nhủ
Chẳng phải trời phụ người mà người tự phụ
Sanh ra lớn lên như gỗ đá vô tình
Đến một ngày giữa bể khổ mông mênh
Ai biết trước chỗ gá thân nối kiếp?
Thời thế loạn cuồng, trong ngoài đối địch
Bể thẳm muôn trùng, thuyền mộc lênh đênh
Sao không mau tu tịnh nghiệp dọn bước vãng sanh
Thiếp hồng gởi [49] mà không màng hồi đáp
Theo thời trang mà nói rằng theo Phật
Một hơi thở ra nếu không thể hít vào
Lúc bấy giờ còn biết sẽ về đâu
Muốn nghe pháp Phật há là dễ được.
Thân là cội gốc chiêu mời tội phước
Ý chí người tu thách thức vạn chông gai
Khổ là thầy, đau là bạn, suốt tháng năm dài
Như nợ cũ, như hiềm xưa nay gặp lại.
Không trách trời, không oán người, ung dung chiêu đãi
Đến một ngày mang nghiệp cũ vãng sanh
Vui theo mệnh trời, thuận nhân quả rõ rành
Chớ có bảo cầu xin là hèn mọn.
Khán thoại đầu, tham thiền nhưng tâm mê chưa thể đoạn
Đường khó đi, bước bước lại quanh co
Không nguyện Phật Di Đà trợ lực, tự giải, tự lo
Nợ cơm áo biết ngày nào trả được.
Nói một trượng không bằng làm một tấc
Dù thông tông, thông giáo cũng bằng không
Chẳng thoát được tử sinh, bánh vẽ há no lòng
Muốn được khéo mà hóa ra vụng tính
Xưa vun bồi tuệ căn còn xa cứu cánh
Nay không nương Phật lực dựa Liên bang
Như bình chưa nung gặp mưa phải rã tan
Ngày tháng qua mau, mạng người mấy thuở.
Kẻ chưa chứng đạo, ngộ mê, mê ngộ
Một vạn người đều đủ cả vạn người
Tiểu ngộ rồi đại ngộ, được mấy ai
Muôn ức kẻ, tìm một hai chẳng dễ
Đành lòng sao, kẻ mang Đại thừa pháp khí
Lúc tái sanh như bình đất gặp mưa rào
Đành chịu vỡ tan thành đất cát bởi đâu
Kiếp nối kiếp, chôn sầu nơi cõi thế
Dù chưa phá sạch vô minh hoàn nguyên bản thể
Há chẳng dụng công viên chứng được ba tâm
1870. Thâm tâm, trực tâm, hồi hướng phát nguyện tâm
Từ thân mê hoặc đưa tâm hòa Cực Lạc
Nếu không tự mình bồi công, gắng sức
Uổng cả đời tu tập vẫn trầm luân
Vùi chân tánh vô lượng công đức, trí tuệ, thần thông
Trong sanh tử luân hồi không dừng nghỉ.
CHƯƠNG III
Luận về sinh tử trọng đại
Sinh mạng vô thường
Vạn vật trong mỗi sát na hiện tướng lưỡi rộng dài thuyết pháp
Mạng mạng vô thường huống chi phú quý vinh hoa
Việc tử sinh phải được chuẩn bị lâu xa
Tu sửa thân tâm khi tuổi còn thơ dại
Nghiệp lực chồng chất từng ngày qua tháng lại
Cán cân đời chưa biết ngả về đâu
Có kẻ lúc lâm chung thân xác đớn đau
Tâm thần tán loạn biết nơi nào nương dựa
Người xưa nói,
“Kẻ thông minh không thể dùng thông minh thắng nghiệp
Người giàu sang chẳng tránh khỏi chuyển luân” [1]
Nên biết kính tin vào Phật lực đã trải ân
Như mưa pháp thấm nhuần trong ba cõi
Người không kính tin phải đành lạc lối
Người kính tin nhưng ngày có, ngày không
Tín-Hạnh-Nguyện không khắc cốt ghi tâm
Thì chẳng khác kẻ không tin kia vậy.
Lại có kẻ cầu vãng sinh nhưng sợ mốt mai phải chết
Cầu thì cầu những chưa muốn xả bỏ thân
Không như người:
“Sáng nghe đạo, chiều chết cũng cam tâm”[2]
Tâm tham luyến lại trở thành chướng ngại
Hãy tùy nghiệp xưa như thuyền theo mái đẩy
Tránh tạo nghiệp kiếp này, lánh dữ làm lành
Nếu thọ mạng kéo dài cả đến trăm năm
Hoặc kết thúc ngày mai, đều chẳng bận
Nghiệp trả cõi phàm, đài sen chín phẩm
Phật thọ ký một đời viên mãn đạo tâm.
Khuyên chuyên cậy vào Phật lực
Ấn Quang tôi du hóa từ nam bắc đến tây đông
Duyên đưa đẩy cùng muôn người qua lại
Gặp gỡ nhiều kẻ xưng tinh thông tông phái
Khinh thường Tịnh tông như tà mị giáo môn
Lúc lâm chung thân run rẩy, miệng cuống cuồng
Kẻ thì kêu khóc, gào cha gọi mẹ
Quang tôi cũng gặp những người lặng lẽ
Niệm Phật danh lúc sắp bỏ xác thân
Dù hạnh nguyện chưa đến được chỗ tận cùng
Tướng lành không hiện nhưng an nhiên quá vãng.
Bởi vì sao?
Tâm như nước hồ sóng yên gió lặng
Niệm Phật danh vọng thức chẳng trào dâng
Không giống như người chới với giữa sóng thần
Thiếu định tuệ mặc phong ba cuồng nộ.
Có kẻ ngu cho rằng Lăng Nghiêm phá trừ Tịnh độ
Người tinh thông biết kinh pháp tương đồng
Buổi mạt thời mấy ai chứng được viên thông
Riêng pháp niệm Phật như con thơ gọi mẹ
Tịnh niệm liên tục thì nhập tam-ma-địa[3]
Dụng công tu hành vì muốn vượt tử sanh
Nếu đã dụng công mà công chẳng thể thành
Nên tự hỏi đã đúng cơ, đúng pháp?
Tất cả pháp môn đều phải đoạn hai thứ Hoặc
Kiến Hoặc trừ, chứng sơ quả [4], vẫn tử sinh
Bảy lần sinh cõi trời, bảy lần vào cõi thế tình
Mới có thể phá tan dòng Tư Hoặc
Tư Hoặc đoạn trừ, chứng liền tứ quả[5]
Nếu vì người lại phát khởi đại bi tâm
Vào luân hồi hóa độ khắp thế nhân
Tâm rộng lớn, tự tồn và tự lực.
Khác với phàm phu mê tâm chưa dứt
Bắt chước tiền nhân muốn vào chợ độ người
Có biết đâu là bậc Đại Sĩ Pháp Thân[6]
Chỉ thấy thân tướng, biết được đâu tâm tướng.
Đường tu tập như trèo sào trăm thước [7]
Thánh nhân sơ quả 14 lượt khó khăn
Huống chi phàm phu nghiệp lực đa đoan
Mà từ chối không nương vào Phật lực.
Trở lại chuyện nhỏ như y trang, ẩm thực
Hàng xuất gia từ tăng lữ đến ni sinh
Hàng tại gia cư sĩ giữa thế tình
Ai là kẻ tự sinh và tự sống?
Nếu không phải là cha mẹ chăm lo dưỡng dục
Khi lớn lên thầy tổ dạy xuất gia
Vội vàng lấy câu tự lực, độ tha
Chẳng lượng sức hóa ra người ngã mạn.
Đó là chuyện nhỏ như cơm ăn, áo mặc
Việc lớn như lập đức đến lập ngôn
Sự nghiệp lưu truyền, vì nước lập công
Tất cả việc đều cùng chung thiên hạ.
Không một việc nào chỉ mình ta gây tạo
Không một điều gì chẳng nhờ kẻ lạ hoặc người thân
Sao lại muốn tỏ ra phong cách phi thường
Lập chí lớn, hỏi đức tài có lớn?
Nên phải biết,
Thiên Thai Trí Giả[8], chẳng thể suy lường bản địa[9]
Nhưng hiện thân chưa đoạn Kiến Hoặc chứng chân
Ngũ Phẩm Đệ Tử [10] là quả vị lúc lâm chung
Dù chỗ ngộ của đại sư đồng chư Phật
Bởi quên mình, lo hậu sinh chỉ chuộng minh tâm kiến tánh[11]
Thường khuyên người chớ bỏ nguyện vãng sinh
Kiến tánh là đại triệt, đại ngộ, tức tâm minh
Là bậc thượng thượng căn, khi ngộ là khi chứng.
Bằng không,
Như Viên Trạch vẫn tái sanh khi duyên đến
1970. Ngũ Tố Giới lại sinh làm quan thứ sử họ Tô
Thảo Đường Thanh là thân của Lỗ Công
Hải Ấn Tín là con gái Châu Phòng Ngự
Tần Cối từng là tăng nhân trong núi Nhạn.
Nên biết rằng,
Giáo pháp Như Lai khi thuyết sâu, khi thuyết cạn
Nhưng không một pháp nào tương tự Tịnh tông
Khiến kẻ còn đầy dẫy Hoặc Nghiệp, trầm luân
Lại có thể thoát ngoài vòng sinh diệt
Đới nghiệp vãng sinh nương vào Phật lực
Ngày một tiến tu chứng được vô sanh
Bất thoái Bồ tát, Phật đạo viên thành
Riêng tự lực há dễ làm nên đại sự.
Muốn thoát tử sinh phải từ thực chứng
Nếu không thường tự quán chiếu Bản Tâm
Công phu càng cao nhân ngã càng tăng
Phàm tình khởi vì nặng mang Kiến Hoặc
Dù đại ngộ đã đồng như chư Phật
Kiến Tư Hoặc chưa trừ thì phải gìn giữ chân tâm
Kẻo lúc ngộ, lúc mê, uổng phí bao công
Phàm tình dứt, cắt ngang vòng sinh diệt
Ví như người què đi đường xa, sức kiệt
Nếu được ngồi luân bảo của thánh vương
Trong chớp mắt qua lại bốn đại châu[12]
Bởi nương đức Chuyển Luân Vương[13] mà được đó
Người què ví cho người từng gây nghiệp khổ
Thập ác[14], ngũ nghịch[15], tội lỗi nặng nề
Lúc lâm chung tướng địa ngục hiện về
Nếu biết chí tâm niệm Phật, Phật liền tiếp dẫn.
Phật thương chúng sinh như con thơ lầm lẫn
Đứa hiền hòa thì dưỡng dục, chỉ đường
Đứa cang cường, phiêu bạc lại càng thương
2002. Hằng kêu gọi con ơi mau quay lại!.
Hết Phần 2
Gửi ý kiến của bạn