Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng Chuông Chùa (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng giải thích Nghi thỉnh Đại Hồng Chung, trong thời gian cách ly dịch bệnh Covid-19, Melbourne, Úc châu thứ Ba ngày 18/8/2020)

02/08/202115:52(Xem: 18824)
Tiếng Chuông Chùa (Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng giải thích Nghi thỉnh Đại Hồng Chung, trong thời gian cách ly dịch bệnh Covid-19, Melbourne, Úc châu thứ Ba ngày 18/8/2020)


58_TT Thich Nguyen Tang_Tieng Chuong Chua


TIẾNG CHUÔNG CHÙA

 

Bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng

(Trong thời gian cách ly dịch bệnh Covid-19,

Melbourne, Úc châu thứ Ba ngày 18/8/2020)

🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️


 Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước, Cư Sĩ Quảng Tịnh
 

 






Tiếng chuông chùa vang lên để xoa dịu, vỗ về những tâm hồn lạc lõng, bơ vơ. Hồi chuông Thiên Mụ, mái chùa Vĩnh Nghiêm một thời chứa chan kỷ niệm.

 

Đó là lời mở đầu trong băng nhạc Tiếng Chuông Chùa do Ca sĩ Thanh Thúy trình bày và ấn hành tại hải ngoại vào đầu thập niên 80. Thanh Thúy là ca sĩ hát nhạc vàng, đứng hàng đầu tại VN trước năm 1975. Cô là đệ tử của HT Nguyên Trí ở chùa Bát Nhã, California. Khi Thầy còn ở VN cuối thập niên 80 có đệ tử ở bên Mỹ đã gởi tặng Thầy băng nhạc Tiếng Chuông Chùa này.

 

Hôm nay Thầy nói về chủ đề Tiếng Chuông Chùa, hay tiếng Chuông Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung là một cái chuông lớn được treo lên một cái giá gỗ đặt trong khuôn viên chùa hay trong Chánh điện. Hồng Chung là một pháp khí linh thiêng, là một biểu tượng đầy ý nghĩa của Phật giáo, nên chùa nào cũng phải có, lớn hay nhỏ  tùy theo tầm cỡ của mỗi chùa.

 

Hàng ngày Đại Hồng Chung được thỉnh lên vào buổi chiều tối, báo hiệu ngày đã hết nên niệm vô thường, buông bỏ, giữ tâm thanh thản để an nhiên ngủ nghỉ. Thỉnh chuông vào lúc khuya báo hiệu đêm đã tàn, hãy tỉnh thức để chuyên cần tinh tấn tu tập cho ngày mới sắp bắt đầu. Đó là một nghi thức cần phải có trong chốn thiền môn. 

 

Ở Tu Viện Quảng Đức chúng ta, quý Thầy thỉnh chuông vào buổi khuya; còn buổi chiều tối, đặc biệt có ban thỉnh chuông do quý Phật tử tại gia đảm trách. Mỗi ngày đều có một Phật tử lái xe về chùa, đốt nhang hết tất cả các bàn thờ, sau đó lễ Phật ba lễ rồi mới tới thỉnh chuông.

 

Không nhớ là truyền thống Phật tử về thỉnh Đại Hồng chung tại Tu Viện Quảng Đức này bắt đầu từ đâu? Có thể là từ hai mươi năm trước. Nhóm Phật tử thỉnh chuông hai mươi năm trước bây giờ chỉ còn lại vài người thôi. Thời đó có một diễn viên điện ảnh hàng đầu của Tích Lan là Sathischandra Edirisinghe, bác này cao gần hai thước,  đã từng đóng vai Sakya Muni Buddha (Phật Thích Ca), bác năm nay cũng gần 80 tuổi rồi, bác có một người con gái định cư tại Melbourne, mỗi năm bác qua Úc ở 6 tháng. Bác là Phật tử thuần thành cho nên bác thường về chùa đốt hương chiêm bái cây Bồ đề rồi ngồi Thiền tĩnh tâm. Nhìn thấy cử chỉ nhất tâm cung kính đảnh lễ cây Bồ đề của bác, khiến Thầy có cảm tình nên mời bác về chùa thỉnh chuông và tụng kinh tiếng Pali, bác rất hoan hỷ và đồng ý ngay. Bác trở thành một trong 3 đệ tử người Tích Lan về chùa thỉnh chuông. Hai đệ tử Tích Lan còn lại đều có nhà ở gần Tu Viện Quảng Đức, chỉ đi bộ vài phút, đó là bác Jampathi và bác Santha Perera, tài xế lái xe bus cho các trường học ở tại Victoria này. Hiện giờ chỉ có mỗi bác Santha, còn hai vị kia thì bác diễn viên ở bên Tích Lan và bác Jampathi đã dọn nhà sang vùng khác.


Sathischandra Edirisinghe-3
Ông bà Sathischandra Edirisinghe thỉnh chuông tại Tu Viện Quảng Đức năm 2002


Sathischandra Edirisinghe-2

Sathischandra Edirisinghe
Ông bà diễn viên Tích Lan Sathischandra Edirisinghe 
tại một buổi lễ ở Tích Lan năm 2015



Người Úc thì có  bác Jay Wilkins, Bobby Nguyên Thiện An, John Tavener Quảng Bi, Steve Nguyên Thiện Bảo; chị Cheryl Jones, nhà chị ở Glenroy nên mỗi chiều thứ Tư chị lái xe về chùa thỉnh chuông, ròng rã trong suốt nhiều năm như vậy, nhưng từ mấy năm gần đây chị đã dọn nhà lên vùng Great Ocean Road, cách 2 tiếng lái xe, nên không còn về chùa thỉnh chuông được nữa. Và điều dĩ nhiên là khi thỉnh chuông các đệ tử người Úc đã đọc bài kệ chuông bằng tiếng Anh. Phần còn lại là các đệ tử người Việt, có quý Phật tử Huệ Thuyền, Nguyên Như, Thanh Phi, Nguyên Đà, Nguyên An, Nguyên Chí, Thục Hà, Nhã An, Nguyên Nhật Khánh, Bảo Ngọc (đã về Adelaide)...  Sau này có thêm các đệ tử: Quảng Diệu Trí, Hòa Ngọc, Nguyên Yên, Nguyên Quảng Hương, Đồng Thanh Minh, Huệ Tâm Hương và 2 bác Thiện Tịnh- Diệu Liên, đặc biệt có 2 Cụ Bà đến Úc du lịch và thỉnh chuông trong thời gian ở lại Tu Viện đó là Cụ Bà Tâm Thái (Thân Mẫu của 2 Thầy) và Cụ Bà Quảng Tịnh Tâm (từ Montreal, Canada).

Ban thỉnh chuông này luôn được mở rộng và chào đón thành viên mới, quý vị nào bận thì nghỉ, có Phật tử khác thế vào. Thầy muốn chúng đệ tử đều gieo duyên thỉnh chuông, ai cũng biết thỉnh chuông là điều rất quý báu, mỗi ngày về chùa thỉnh chuông một tiếng đồng hồ, vừa giúp cho mình có cơ hội làm quen, thông thạo các nghi thức hành trì ở chùa, cũng vừa tạo phước duyên thiện lành cho bản thân mình thanh lọc tam nghiệp thân, khẩu, ý, đào luyện nội tâm để mau tăng tiến trên đường đạo.

 

Nguồn gốc chuông Đại hồng chung này bắt đầu từ bên Trung Quốc. Phật Giáo phát xuất từ Ấn Độ nhưng Phật giáo Nguyên thủy, nguyên gốc thì không có chuông Hồng chung. Các chùa Nguyên thủy của Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia thì về sau này mới có chuông Gia trì cũng như Đại Hồng chung, chứ trước đây thì không.

 

Chuông Đại hồng chung có hình dáng giống như một quả núi, bên trên có quai hình con Bồ lao có 2 đầu 4 chân. Cái chày thỉnh chuông bằng gỗ có hình dạng con cá Kình. Chuông Đại Hồng, PG Nam Triều Tiên có làm loại nhỏ xíu để khách vãng lai mua làm kỷ niệm, nhưng khi gõ vào có âm thanh rất hay (Thầy có thỉnh 1 cái để lưu niệm khi hành hương đến Nam Hàn vào năm 2018).

 

Chuông Đại Hồng được làm theo hình dạng quả núi, chung quanh bề mặt của chuông thường có chạm khắc hình Đức Phật Thích Ca, Phật A Di Đà; Chư vị Bồ Tát: Quán Thế Âm, Đại Trí Văn Thù, Đại Hạnh Phổ Hiền, Địa Tạng Vương, hoặc những hoa văn có biểu tượng ý nghĩa sâu sắc của Phật giáo, và 2 bên có 2 bài kệ thỉnh chuông, nên trước khi thỉnh chuông mình phải đảnh lễ Phật và Chư Bồ Tát ở trong chuông này, bằng cách lạy hay xá 3 cái.

Theo nghi thức thỉnh chuông, trước tiên phải thỉnh lôi thất (7 tiếng chuông nhỏ) để báo hiệu chuẩn bị cho 3 tiếng chuông lớn. Thỉnh lôi thất cũng là để làm động chuông trước, chứ nếu mình đánh liền ba tiếng lớn thì sẽ bị tức chuông có thể làm tiếng chuông bị bể.

Người thỉnh chuông phải định tâm, phải có nội lực thì tiếng chuông mới phát ra được âm thanh ngân vang cùng lời kệ vang vọng đến ngục tối A Tỳ, có thể giúp cho tội nhân chuyển hóa được nghiệp báo; người nghe được tiếng chuông này sẽ thức tỉnh nhân tâm, dừng lại, buông xuống tất cả những phiền não, khổ đau.

 

 Ôn Từ Đàm (HT Thích Thiện Siêu) có làm câu đối về tiếng chuông chùa rất hay:

Mộ Cổ Thần Chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách.

Kim Kinh Ngọc Kệ hoán hồi khổ hải mộng mê nhân.

Dịch nghĩa:

Chuông sáng trống chiều thức tỉnh khách trần trong cõi mộng.

Đêm Kinh Ngày Kệ giúp người thoát khỏi cảnh sông mê.

 

Đó là sự mầu nhiệm của tiếng chuông. Mình thỉnh tiếng chuông lên là giúp cho người ở ngoài kia dừng lại sự đắm chìm trong danh lợi. Nghe tiếng chuông sẽ giúp người thức tỉnh, thoát ra khỏi biển khổ sông mê.

 

Chư Tổ kể câu chuyện vì sao quai treo chuông có hình ảnh con Bồ Lao, bởi vì trên biển có con Bồ lao có 2 đầu 4 chân, con Bồ lao này nó có cái bụng phát ra âm thanh rất to khi chạy trên mặt nước, bị cá Kình nổi lên ăn hết dòng giống của Bồ lao. Mà Bồ lao là con của Rồng, Rồng có 9 đứa con và đứa thứ ba tên là Bồ lao.

 

Bồ lao bị cá Kình ăn thịt nên ngửa mặt lên trời, cầu trời khẩn Phật, nhờ quý Ngài từ bi quang giáng cứu hộ để không bị cá kình ăn nuốt hết dòng họ. Phật Tổ trên cao nghe được tiếng kêu cứu của Bồ lao, quang giáng khai thị cho cá Kình không nên ăn nuốt lẫn nhau nữa mà thêm tội. Sau đó Ngài chỉ dạy cho đệ tử làm chuông hồng chung: lấy hình ảnh ngọn núi giữa biển làm quả chuông và lấy hình ảnh con Bồ lao có 2 đầu, 4 chân làm quai chuông để móc treo lên giá gỗ; còn cái chày để thỉnh chuông được làm bằng gỗ theo hình dạng con cá Kình, biểu trưng cho sự tỉnh thức vì con cá không ngủ, nó bơi lội 24/7. Con cá nào ngủ là con cá đã chết, cá sống là cá không bao giờ ngủ.

Cùng với ý nghĩa đó, hình ảnh con cá Kình sau này cũng được khắc lên trên cái mõ.

Khi thỉnh chuông, phải gióng vô ngay cái ụ tròn trên chuông, nếu gióng trật ra ngoài thì tiếng chuông bị rè, và chuông sẽ bể, không phát ra tiếng ngân vang. Chuông khi được chiếc chày Kình gióng vào phát ra âm thanh “Boong ... Boong...Boong” chính là ý nghĩa: nghe tiếng chuông tỉnh thức và buông xuống “Buông... Buông... Buông”.

Lại có thuyết cho rằng tiếng chuông này có từ thời Vua Lương Võ Đế ở bên Tàu, triều đại Nhà Lương. Vua Lương Võ Đế sinh năm 464 và băng hà năm 549, thọ thế 86 tuổi.

Vua Lương Võ Đế có tuổi thọ lớn đứng thứ hai của lịch sử vua chúa của Trung Hoa. Vị vua thọ nhất là Càn Long, thọ 87 tuổi.

Ông là một vị vua đức độ nhưng nghiệp chướng nặng nề, cho nên cuối cùng phải chết thảm. Khi bị giặc bao vây bên ngoài, trong kinh thành vị vua này đã chết vì đói. Cho nên người ta nói rằng công đức tạo Tượng, đúc Chuông, tiếp Tăng, độ Chúng cũng không cứu được ông, bởi vì phước ông làm là phước hữu lậu, nếu là phước vô lậu thì chắc rằng ông đã không bị chết đói.

Vua Lương Võ Đế có một bà hoàng hậu tên là Hy Thị, bà này rất ghét Hòa Thượng Chí Công, trong khi Hòa Thượng là bạn tâm giao của nhà vua. Thấy Hòa Thượng vào trong triều nói Pháp hay, được nhà vua hỏi ý kiến về quốc gia đại sự, thì bà Hy Thị rất bực bội và ganh tức, bà tìm cách triệt hạ, ly gián hai người này. Bà theo can gián, nói với vua đừng nghe lời mấy tên Thầy Chùa ngu này, bà phỉ báng Hòa Thượng Chí Công, mà bà không biết rằng Hòa Thượng Chí Công là một vị Hòa Thượng đức độ, tu chứng, đã có thần thông, tha tâm thông.

Hòa Thượng là Thầy của vua, nói tới đâu là rót vào tai vua tới đó, cho nên vua không thể nào chối bỏ hay phản lại Sư phụ của mình được, vì vậy bà đã lập mưu kế để ám hại Hòa Thượng. Khi biết tuần sau nhà vua sẽ thỉnh Hòa Thượng cùng 120 đệ tử vào cung để cúng dường Trai Tăng, bà sai gia nhân làm bánh bao nhân thịt chó để cúng dường, đặt xen lẫn trong nhiều món khác.

Đến bữa cúng dường Trai Tăng, Hòa Thượng biết được âm mưu của bà hoàng hậu, cho nên trước khi vào cung, Hòa Thượng dặn chúng đệ tử bỏ mỗi người một cái bánh bao chay ở chùa làm sẵn vào trong túi áo hậu, khi lên bàn ăn, lấy bánh bao của Hoàng hậu Hy Thị bỏ vào trong tay áo và lấy bánh bao chay mang theo để ăn.

Khi về đến chùa Hòa Thượng bảo chúng đệ tử gom lại 120 cái bánh bao nhân thịt chó đem chôn ở gốc cây Bồ đề sau chùa. Sau bữa cúng dường Trai Tăng ấy bà hoàng hậu đã tâu với vua rằng, vua đã tin lầm Hòa Thượng rồi, trong 7 món ăn cúng dường, có món bánh bao nhân thịt chó nhưng quý Ngài vẫn ăn ngon và ăn hết. Bà hoàng hậu kết tội: Lâu nay bệ hạ nói Hòa Thượng Chí Công là đã tu chứng, mà ăn bánh bao nhân thịt lại không biết.

Câu nói khích của bà khiến cho vua vô cùng tức giận, nghĩ rằng, không thể nào một Vị Hòa Thượng tu chứng mà cầm bánh bao nhân thịt lên ăn lại không biết, đó là điều hết sức vô lý. Hèn gì hoàng hậu cứ nói xấu Hòa Thượng bao nhiêu lâu nay, mà vua không tin, bây giờ nhà cháy mới ra mặt chuột, nước rặc mới thấy cỏ thúi.

Trên đời này, cái gì sai mà nói hoài, nói mãi, nhắc mãi nó cũng trở thành chân lý, cho nên vua Lương Võ Đế đã tin lời của hoàng hậu, tức giận xách kiếm chạy lên chùa để mà giết Hòa Thượng Chí Công. Hòa Thượng Chí Công biết trước, cho đệ tử ra ngoài cổng Tam Quan đón. Vua Lương Võ Đế vừa tới đã thấy Hòa Thượng đứng đợi mình trước cổng chùa thì cũng run sợ, hỏi rằng, tại sao Hòa Thượng biết vua sẽ tới mà ra cổng Tam Quan đứng đợi; Hòa Thượng nói đã biết vua đến để giết Hòa Thượng, nên ra bên ngoài để vua giết chứ không muốn vua gây ác nghiệp trong đất Già lam, tội của vua sẽ nặng hơn. Nghe xong vua rất đỗi kinh ngạc và cho biết vua rất giận Hòa Thượng vì nghe Hoàng hậu Hy Thị kể lại, trong buổi cúng dường Trai Tăng Hòa Thượng đã ăn bánh bao nhân thịt chó mà Hòa Thượng không biết. Lúc này Hòa Thượng mời nhà vua ra gốc cây Bồ đề, đào bánh bao đã chôn lên chỉ cho vua thấy, Hòa Thượng lấy nước bắt Ấn trì Chú búng vào bánh bao, thì 120 cái bánh bao nhân thịt biến thành con chó lắc mình, vẫy đuôi và nhe răng cười với vua. Vua Lương Võ Đế sợ hãi, quỳ lạy sám hối Hòa Thượng Chí Công. Hòa Thượng thần thông bất tư nghì như thế mà bà hoàng hậu quá độc địa, thật là tội lỗi.

Và quả đúng như vậy, khi nhà vua kể lại câu chuyện cho hoàng hậu nghe thì bà thất kinh hồn vía, biết là mình đã đụng đến một bậc Thánh mà không hay. Bà hối hận, đau buồn, ngã bệnh và qua đời. Đụng đến bậc Thánh thì phước tổn rất nhanh, ác nghiệp phát tác lập tức, bà hoàng hậu đau bệnh và mạng chung, liền đọa vào loài rắn Mãng Xà rất hung dữ, mở miệng là khẹt phun ra lửa, đêm đêm về gõ cửa phòng vua khóc than và nói rằng bây giờ bà quá là đau khổ, do ác nghiệp kiếp trước vu khống, bôi nhọ Hòa Thượng Chí Công mà giờ đây phải lãnh hậu quả, đọa làm thân Mãng Xà đau khổ như thế này, quá đau đớn, quá đau khổ, quá nóng bức. Bây giờ xin vua về chùa thỉnh Hòa Thượng lập đàn Sám Hối để giúp cho bà thoát khỏi thân súc sanh.

Vua Lương Võ Đế đến chùa Thỉnh Hòa Thượng, Hòa Thượng Chí Công đã từ bi biên soạn ra Bộ Lương Hoàng Sám Pháp (Hòa Thượng Viên Giác đã dịch ra Việt Ngữ cho Phật tử VN tụng),  yêu cầu vua phải đúc chuông Đại Hồng này, và đích thân vua mỗi đêm thỉnh chuông, trì tụng Lương Hoàng Sám Pháp, cầu nguyện cho âm siêu dương thới, quốc thái dân an, và hoàng hậu Hy Thị (con rắn Mãng Xà) nghe tiếng chuông sẽ trở về với tâm thiện lành, tâm thanh tịnh, sám hối tội lỗi. Nhiệm mầu thay, một thời gian sau đó, nhờ nghe chuông, nhờ vua thọ trì, lạy Phật sám hối theo Lương Hoàng Sám Pháp mà hoàng hậu Hy Thị đã thoát khỏi kiếp súc sanh và được thác sanh về cõi Trời.

Tiếng chuông Đại Hồng có công năng thức tỉnh lòng người, cho nên ở trong chùa mỗi khi thỉnh chuông, thì tất cả mọi thành viên trong chùa nghe tiếng chuông phải ngồi dậy xếp bằng niệm Phật.

Văn Chung ngọa bất khởi.

Hộ Pháp Thiện Thần sân.

Hiện đời giảm phước huệ.

Một hậu đọa xà thân.

 

Bốn câu này xuất phát từ đời Vua Lương Võ Đế, ngụ ý khuyên chúng đệ tử rằng:

 

Nghe tiếng chuông mà không chịu thức dậy, Long thiên Hộ Pháp nóng giận,

 hiện tại phước huệ tiêu mòn và đời sau sẽ đọa làm thân rắn.

 

Và lời khuyên này đã được áp dụng trong chốn thiền môn. Riêng Sư Ông Nhất Hạnh đã áp dụng điều này rộng rãi hơn, nghĩa là khi đang đi nghe tiếng chuông mình cũng phải đứng lại và thở.

Một vài đệ tử thắc mắc là lúc nào cũng thở, thì tại sao bây giờ nghe tiếng chuông phải đứng lại thở nữa, thì Sư Ông nói rằng, trước đây có thở mà là thở trong vọng niệm, thở trong tà niệm, bây giờ nghe tiếng chuông thì đứng lại thở trong Chánh niệm.

Sư Phụ nói gì ra thì đệ tử cũng đều cãi lại, đều góp ý, mà làm không được. Cho nên Thầy khuyên quý vị, khi nghe Sư Phụ nói gì ra thì hãy nên im lặng làm theo để mà có lợi ích cho bản thân.

Sư Ông Như Huệ ở Tổ Đình Pháp Hoa, Nam Úc, cũng là học trò của Sư Ông Nhất Hạnh, hồi đầu thập niên 50 ở Phật Học Đường Nam Việt, Chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Sư Ông Như Huệ được Sư Ông Làng Mai mời qua Pháp làm Giáo thọ cho Giới Đàn, Ngài học được nghi thức hành trì tu tập ở Làng Mai và khi về đến Nam Úc, Sư Ông cũng áp dụng pháp môn “hiện pháp lạc trú” của Làng Mai, tức là khi tiếng chuông ngân lên là mọi hành giả ngừng lại mọi động tác đang làm trong 15 giây để thở, để cảm nhận được sự sống nhiệm mầu đang có mặt với bản thân mình.

 

Cách đây 20 năm khi Thầy lần đầu tiên về thăm chùa Pháp Hoa, lúc đó đang ăn cơm trưa mà nghe chuông đồng hồ đổ, tay đang cầm muỗng cơm đưa đến đâu phải giữ nguyên vị trí ở đó trong vòng 15 giây, sau đó mới tiếp tục ăn. Đó là Pháp môn của Sư Ông Làng Mai và Sư Ông Như Huệ, không biết bây giờ TT Viên Trí, kế thừa của Sư Ông còn áp dụng hay không?

 

Tại sao gọi là Đại Hồng Chung?

 

Đại là lớn, Hồng cũng là lớn (như đại hồng thủy), Chung là cái chuông, hàm ý Đại Hồng Chung là một cái chuông có kích thước to lớn nhiều hơn so với chuông Gia trì, nên phải gắn thêm chữ Hồng vào.

 

Đại Hồng Chung là cái chuông lớn, còn cái chuông để trên bàn gọi là chuông Gia trì hay còn gọi là Tiểu chung.

 

Tất cả các chùa ở Việt Nam chúng ta đều có Đại Hồng chung, chùa lớn hay nhỏ đều có. Thường thì cỡ như chuông ở trên Chánh điện chùa Quảng Đức mình có chiều cao 1m66, đường kính rộng 90cm

 

Đại Hồng Chung lớn nhất của Việt Nam hiện giờ ở chùa Bái Đính, miền Bắc Việt Nam, nặng 36 tấn, cao 5.5m, đường kính 3.7m. Chuông này cũng được xem là kỷ lục của Đông Nam Á, lớn hơn cả ở Nhật Bản, Triều Tiên… Trước đây ở miền Bắc có chuông chùa Trấn Quốc, miền Trung có chuông chùa Thiên Mụ được nhắc đến nhiều nhất.

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

 

Nếu ở miền Bắc người ta tự hào về tiếng chuông ở chùa Trấn Quốc thì ở miền Trung chúng ta rất là tự hào về hồi chuông Thiên Mụ, tiếng chuông đã đi vào trong lòng người, không thể thiếu.

 

Khi thỉnh chuông hành giả phải đọc bài kệ Thỉnh Chuông và thời gian thỉnh chuông trước sau phải gióng đủ 108 tiếng. Chúng đệ tử sau này bận bịu quá cho nên chỉ thỉnh chuông khoảng 20 phút, nửa tiếng là nghỉ. Các đệ tử cố gắng thỉnh chuông trên dưới khoảng một tiếng đồng hồ, như trong mùa dịch năm nay là quý Thầy ở chùa thỉnh chuông một tiếng đồng hồ.  Gióng 108 tiếng chuông, biểu trưng cho việc giúp chúng sanh dứt trừ, loại bỏ 108 phiền não như bài sám Quy Mạng buổi khuya có nhắc:

Lục căn lục trần, vọng tác vô biên chi tội.

Mê luân khổ hải, Thâm nịch tà đồ

 

Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải dịch Việt:


“Căn trần sáu mối duyên đầu

Khiến cho con tạo biết bao lỗi lầm”.

 

Khi 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và nó đưa vào ở trong 6 thức: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý; ba cái này cộng thành 18, nhân với 6 căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến thành ra 108 phiền não. Thỉnh 108 tiếng chuông để giúp tiêu trừ 108 phiền não này để chúng ta được an vui, thong dong, tự tại.


Bắt đầu ngghi thỉnh chuông Đại Hồng là 2 câu kệ, nói lên mục đích của nghi Thỉnh chuông nhằm cầu nguyện cho chúng sanh trong các cõi.

 

-Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới

Thiết vi u ám tất giai văn,

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông

Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh Giác


(
Nguyện tiếng chuông nầy vang pháp giới

Khắp nơi tăm tối thảy đều nghe

Nghe rồi thanh tịnh chứng viên thông

Tất cả chúng sanh thành Chánh Giác).

 

Nguyện tiếng chuông này vang đi khắp pháp giới, giúp cho chúng sanh đang ở trong ngục tối thiết vi cũng nghe được, nghe rồi thì thanh tịnh chứng viên thông và tất cả chúng sanh đều sẽ thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

 

Chứng viên thông này gọi cho đủ là “Nhĩ căn viên thông”. Câu kệ trên là lời cầu nguyện cho tất cả mọi người khi nghe tiếng chuông quay trở về “phản văn văn tự tánh”, tức là xoay lại tánh nghe, nghe lại ở bên trong, nghe lại tiếng nói của cõi lòng mình. Tâm của mình bây giờ đang rong ruổi, đang bị giặc bên ngoài tấn công, cho nên mình phải xoay trở về để mà nghe tiếng lòng của mình. Cái tánh nghe thường trú ở trong tâm của mình không bao giờ mất, nhưng mình bị vọng chấp vô minh, bị vọng tưởng điên đảo làm mình khổ đau, cho nên khi nghe tiếng chuông là phải quay trở về để mà chứng viên thông, ngõ hầu tất cả đều thành Chánh Giác.

Khi mà quay về với Phật Tánh Chơn như, Chân tâm thường trú của mình thì không còn khổ đau nữa. An trú trong chánh niệm, niệm niệm tĩnh giác thì không còn gây phiền não, không còn gây nghiệp khổ đau nữa, thì ngay tại đây chúng ta ở trong tự tại, ở trong chánh niệm, ở trong tĩnh giác.

 

-Văn chung thinh, phiền não khinh

Trí tuệ trưởng Bồ Đề sanh,

Ly Địa ngục, xuất hỏa khanh

Nguyện thành Phật độ chúng sanh.

 

 (Nghe chuông phiền não nhẹ lâng lâng

Bồ Đề thêm lớn Tuệ sáng ngần

Xa rời Địa ngục qua hầm lửa

Nguyện thành như Phật độ chúng sanh.)

 

Phá Địa ngục chơn ngôn: Án Già Ra Đế Da Tóa Ha (3 lần).


Câu thứ hai này khi bắt đầu một thời kinh mình cũng phải đọc bài này, ở nhà các vị cũng đọc được. Mình đọc hai câu “Nguyện thử chung thinh…” và “Văn chung thinh…” là để cầu nguyện cho tất cả chúng sanh trong cõi giới này nghe được tiếng chuông thì thức tỉnh, buông xuống tất cả phiền não, để trí tuệ được phát sanh, hầu có thể xa rời cảnh Địa ngục. Nghe chuông là Địa ngục ngưng hành hình, và khi đọc câu thần chú Phá Địa ngục chơn ngôn là cửa Địa ngục mở ra để cho chúng sanh nghe được tiếng chuông này. Thần lực của câu thần chú Phá Địa ngục rất linh thiêng, cho nên mỗi chiều nghe được tiếng chuông này là tất cả chúng sanh trong pháp giới có sự tỉnh thức, có sự an lạc.

 

Và ba câu tiếp theo rất quan trọng, là “xương sống” của Nghi Thỉnh Chuông.


Hồng Chung sơ khấu bảo kệ cao ngâm, Thượng thông thiên đường hạ triệt Địa phủ.

 

(Hồng chung khởi thỉnh tiếng ban đầu, Bảo kệ ngân cao thoát nhiệm mầu

Trên thấu thiên đường vui an lạc, Dưới sâu Địa ngục diệt khổ đau!)


-Hồng chung nhị khấu bảo kệ cao âm, Thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ

 

(Hồng chung khấu thỉnh lần thứ hai, Bảo kệ ngân cao giọng ngân dài

Trên thấu thiên đường trời niệm Phật, Dưới sâu địa ngục ngục tiêu tai!)


-Hồng chung tam khấu bảo kệ cao âm, Thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ

 

(Hồng chung kính thỉnh lần thứ ba, Bảo kệ ngân cao chiếu bảo tòa

Trên thấu thiên đường thông sáu nẻo, Dưới sâu địa ngục độ bao la!)

 

Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu Khổ Bổn Tôn, Cứu Bạt Minh Đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.


Đó là ba câu quan trọng nhất trong Nghi Thỉnh chuông, thiếu cái gì thì thiếu, chứ ba câu này không thể thiếu.

 

Trong Nghi này Chư Tổ ghi lại tới ba lần:

-Hồng chung sơ khấu...

-Hồng chung nhị khấu...

-Hồng chung tam khấu...

 

Thầy đã thỉnh Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng Huyền Tôn dịch ra tiếng Việt, và Hòa Thượng đã dịch những câu này phải nói là xuất thần. Khi nghe Hòa thượng dịch xong Thầy rất là hoan hỷ, lái xe xuống cúng dường trà cho Ngài và hai Thầy trò ngồi đàm đạo.

Thầy là thế hệ cách Hòa Thượng tới mấy chục năm nhưng hai Thầy trò rất là tâm giao. Không phải là Mẹ hát con khen hay, nhưng mà Hòa Thượng dịch Nghi thỉnh chuông này phải nói là trác tuyệt. Khi Thầy đưa lên Trang Nhà Quảng Đức thì các nơi trên thế giới tải về sử dụng ngay. Công đức dịch Nghi Thỉnh Chuông này phải nói là rất lớn, bởi vì trước đây các chùa chỉ thỉnh chuông bằng âm Hán Việt, và âm hán Việt của nó rất là khô khan và chúng đệ tử đọc không hiểu là gì.

 

Hồng chung sơ khấu bảo kệ cao âm, Thượng thông thiên đường hạ triệt địa phủ.

Kỳ thực câu âm Hán thỉnh chuông này cũng rất tuyệt vời, rất hay và ý nghĩa, mình nghe cảm nhận rất gần gũi. Tiếng chuông mình thỉnh lên, trên thông tới thiên đường, dưới sâu xuống tận địa ngục, công năng của tiếng chuông mình thỉnh quý vị thấy có kinh hồn khủng khiếp hay không? phải nói là năng lượng sự linh thiêng nhiệm mầu của tiếng chuông vang khắp pháp giới. Và theo lời dịch của Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng thì càng giúp cho hành giả nhận ra nghĩa lý mầu nhiệm và linh thiêng trong tiếng chuông chùa, không chỉ ngân vang trong khuôn viên Già lam thanh tịnh mà tiếng chuông này còn vang xa khắp pháp giới chúng sanh: tiếng chuông thứ nhất và thứ ngân vang đến các cõi trời, từ cõi thấp nhất là Tứ Thiên Vương đến cõi cao nhất là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, dù chư thiên đang thọ hưởng phước báo nhàn vui nhưng mỗi khi nghe tiếng chuông vọng lên từ cõi Ta Bà thì lập tức quay về với câu niệm Phật “Trên thấu thiên đường trời niệm Phật". Đồng thời tiếng chuông này cũng thông xuống tận cõi địa ngục, nơi chỉ có sự đau đớn, khổ đau nhưng nghe chuông thì mọi khổ đau được tiêu tan. Tiếng chuông thứ ba là cầu nguyện cho pháp giới chúng sanh, thông sáu nẻo là Trời, Người, Atula, Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sanh, độ tận cho tất cả mọi người. Sáu nẽo ở đây là chỉ cho 33 cõi luân hồi, chi tiết như sau:

1. Địa ngục (zh. 地獄, sa. naraka)

2. Ngạ quỷ/Quỷ đói (zh. 餓鬼, sa. preta)

3. Súc sinh/Loài thú (zh. 畜生, sa. paśu)

4. Loài người (zh. 人世, sa. nāra)

5. A-tu-la (zh. 阿修羅, sa. asura)

6. Trời Tứ thiên vương (zh. 四天王, sa. cāturmahārājika);

7. Trời Đao lợi[1] (忉利) hay trời Ba mươi ba (trayastriṃśa);

8. Trời Dạ-ma (zh. 夜摩, sa. yāmadeva)

9. Trời Đâu-suất (zh. 兜率天, sa. tuṣita);

10. Trời Hoá lạc (zh. 化樂天, sa. nirmāṇarati);

11. Trời Tha hoá tự tại (zh. 他化自在天, sa. paranirmitavaśavarti);

12. Trời Phạm chúng (zh. 梵身天, sa. brahmakāyika);

13. Trời Phạm phụ (zh. 梵輔天, sa. brahmapurohita);

14. Trời Đại phạm (zh. 大梵天, sa. mahābrahmā).

15. Trời Thiểu quang (zh. 少光天, sa. parīttābha);

16. Trời Vô lượng quang (zh. 無量光天, sa. apramāṇābha);

17. Trời Quang âm (zh. 光音天).

18. Trời Thiểu tịnh (zh. 少淨天, sa. parīttaśubha);

19. Trời Vô lượng tịnh (zh. 無量淨天, sa. apramāṇaśubha);

20. Trời Biến tịnh (zh. 遍淨天, sa. śubhakṛtsna).

21. Trời Vô vân (zh. 無雲天, sa. anabhraka);

22. Trời Phúc sinh (zh. 福生天, sa. puṇyaprasava);

23. Trời Quảng quả (zh. 廣果天, sa. bṛhatphala);

24. Trời Vô tưởng (zh. 無想天, sa. asāṃjñika);

25. Trời Vô phiền (zh. 無煩天, sa. avṛha);

26. Trời Vô nhiệt (zh. 無熱天, sa. atapa);

27. Trời Thiện kiến (zh. 善見天, sa. sudarśana);

28. Trời Sắc cứu kính (zh. 色究竟天, sa. akaniṣṭha);

29. Trời Ma Hê Thủ La (Đại tự tại (zh. 大自在天, sa. mahāmaheśvara).

30 Xứ Không vô biên (zh. 空無邊處, sa. ākāśanantyāyatana);

31. Xứ Thức vô biên (zh. 識無邊處, sa. vijñānanantyāyatana);

32. Xứ Vô sở hữu (zh. 無所有處, sa. ākiṃcanyāyatana);

33. Xứ Phi tưởng phi phi tưởng (zh. 非想非非想處, sa. naivasaṃjñā-nāsaṃjñāyatana).

 

Sau mỗi tiếng chuông niệm câu:

Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu Khổ Bổn Tôn, Cứu Bạt Minh Đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Đó là danh hiệu của vị Bồ tát có công năng dùng cây Tích Trượng có 12 cái khoen (Tượng trưng cho Thập Nhị Nhân Duyên) để phá tan cửa Địa ngục cứu chúng sanh ở trong đó thoát ra khỏi cảnh ngục tù khổ đau.

 

Mở đầu Kinh Địa Tạng có bài kệ tán thán công đức Bồ Tát Địa Tạng như sau:

Địa là dày chắc, Tạng chứa đủ

Cõi nước phương Nam nổi mây thơm

Rưới hương, rưới hoa, hoa vần vũ

Mây xinh, mưa báu số không lường.

Lành tốt, trang nghiêm cảnh dị thường

Người, trời bạch Phật: nhân gì thế?

Phật rằng: Địa Tạng đến thiên đường!

Chư Phật ba đời đồng khen chuộng

Mười phương Bồ-tát chung tin tưởng

Nay con sẵn có thiện nhân duyên

Ngợi khen Địa Tạng đức vô lượng.

 

Đứng về mặt Sự thì Bồ Tát Địa Tạng dọng Tích trượng phá tan cửa ngục để cứu chúng sanh đang bị giam cầm; nhưng về thì cây Tích trượng 12 Nhân Duyên này giúp cho đức Địa Tạng chính là mình, dọng vào trong ngục u tối trong tâm mình để mà cứu chúng sanh ở trong tâm mình. Chúng ta vừa là Địa Tạng Bồ Tát, vừa là Địa ngục A Tỳ, Địa ngục Vô Gián, dùng Tích trượng 12 Nhân Duyên để mà phá tan cửa ngục này, đưa tất cả chúng sanh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tà kiến…thoát ra khỏi ngục tù của chính mình.

 Địa là dày chắc, Tạng là chứa đủ. Địa ngôn: kiên, hậu, quảng hàm tàng (Như đất dày bao hàm rộng khắp) Bồ Tát Địa Tạng nghĩa đen dịch là như vậy. Địa là dày chắc chỉ cho cái tâm của chúng ta là vừa dày, vừa chắc.

Ở trong tâm này có Phật Tánh, có Chơn Như, là kho chứa của Như Lai Tạng. Địa Tạng là như vậy, chứ không phải Địa Tạng là bức tượng đắp y màu đỏ, tay cầm Tích trượng, phải hiểu lý là như vậy, lý sự viên dung.

Mỗi ngày thỉnh chuông không chỉ cầu nguyện cho chúng sanh ở bên kia thế giới, mà còn cầu nguyện cho chúng sanh đang ngồi thỉnh chuông nữa, để cùng mau ra khỏi Vô Gián Địa Ngục.

Địa ngục Vô gián là Địa ngục mà nỗi khổ đau không hề gián đoạn. Khi nào mà chúng ta ở trong trạng thái 24/7 bị các phiền não, khổ đau dày vò không ngừng, không dứt thì lúc đó ta đang ở trong Vô Gián Địa ngục rồi, chứ không phải chờ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, thần thức đọa xuống Địa ngục Vô Gián.

Các câu kệ trong Nghi Thỉnh Chuông này là những lời rất hay, cầu nguyện cho:


-Thượng chúc Phật Nhựt Tăng Huy, Pháp luân thường chuyển, Phong điều vũ thuận, Quốc thái dân an.

 

Ngưỡng chúc Phật Pháp mãi rạng ngời,Bánh xe Pháp đời đời chuyển vận.

Gió hòa mưa thuận thấm nhuần, Dân an, nước thịnh khắp cùng nơi nơi.

 

-Tam giới tứ sanh chi nội, các miễn luân hồi, Cửu U thập loại chi trung tất ly khổ hãi.

 

Trong ba cõi bốn loài, mỗi mỗi thoát luân hồi. Trong mười loài hữu tình ắc lìa khỏi nhục hình.

 

Hai câu trên là bản dịch của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Bảo Lạc ở Sydney, Hòa Thượng đã dịch nhiều câu cũng xuất thần, rất hay như các câu kệ chuông tiếp theo sau đây, nghe là hiểu nghĩa liền, không cần phải giải thích gì thêm:

 

Chiến mã hưu chinh, địa lợi nhơn hòa. Trận bại thương vong, câu sanh Tịnh Độ.

Thôi chấm dứt chiến tranh, tử nạn, những thương vong đều siêu sanh Tịnh Độ. Đất lành người hoàn hảo.

 

Đó là lời cầu nguyện cho chấm dứt chiến tranh, và câu kế tiếp là cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đang bị đau khổ.

 

Phi cầm tẩu thú, la võng bất phùng. Lãng tử cô tôn, tảo hoàn hương tịch.

Loài chim bay thú chạy, Không bị lưới bẫy giăng, Kẻ lưu lãng cô thân

Sớm quay về hương quán.

 

Cầu nguyện cho tất cả chúng sanh không bị săn bắn, không bị chài lưới, không bị mổ xẻ. Cầu nguyện cho chúng sanh đang cô đơn, lạnh lẽo tìm được chỗ trú ngụ, về tới nhà của mình. Tinh thần từ bi điền của Nghi Thỉnh Chuông này quá là tuyệt vời:

Vô biên thế giới, địa cửu thiên trường, viễn cận đàn ra tăng duyên phước thọ

Vô biên thế giới, Đất rộng trời cao, Tín thí đàn na, Phước thọ dồi dào.


Cầu nguyện cho:

Thiền môn hưng thịnh, Phật pháp trường hưng. Thổ địa long thần, an tăng hộ pháp.

Thiền môn hưng thạnh, Phật Pháp phát huy, Thổ địa long thần, Hộ Tăng an tịnh.

Phụ mẫu sư trưởng, tồn vong tịnh lợi. Lịch đại tổ nễ, đồng đăng bỉ ngạn. O

Cha mẹ cùng Thầy học, Còn, mất đều lợi lạc, Tổ tiên bao đời trước, Cùng nhau được siêu thoát.

 

Phụ mẫu là Cha mẹ; Sư trưởng Thầy Tổ là những người có công giáo dục hướng dẫn cho chúng ta trong cuộc đời. Nên ở đây mình cầu cho Cha Mẹ và các vị đang còn trong vòng sanh tử luân hồi sớm đồng đăng bỉ ngạn, Tây Phương Di Đà.

Sau đó mình niệm các vị Phật:

*Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật.

*Nam Mô Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật.

*Nam Mô Thiên Bá Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật.

*Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Từ Thị Di Lặc Tôn Phật.

*Nam Mô Cực Lạc Thế Giới Từ Phụ Tiếp Dẫn A Di Đà Phật.

*Nam Mô Thập Phương Tam Thế Nhứt Thiết Chư Phật.

*Nam Mô Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni.

*Nam Mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát. Ma Ha Tát.

*Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát.

*Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát.

*Nam Mô Hư Không Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

*Nam Mô Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Đại Bi Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát

*Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát.

*Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.

*Nam Mô Tam Châu Cảm Ứng Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát.

*Nam Mô Già Lam Thánh Chúng, Thiên Long Bát Bộ Nhứt Thiết Chư Vị Thiện Thần.

 

Kết thúc phần này là 4 câu kệ:
Thập phương Tam Thế Thất Như Lai,

Bát thập bát Phật tọa bảo đài

Lục đạo chúng sanh mong giải khổ

Cửu u thập loại thoát trần ai.


Tiếp theo là 4 câu thán chấm dứt bài kệ:

Chung thinh cửu thập hựu lôi chùy

Tịnh diện Tăng già đẳng đẳng tri

Tham phóng tứ thời tuân khổ chế

Hạ đơn lưỡng bộ các oai nghi. (00)

 

Sau câu cuối mình thỉnh hai tiếng chuông cách nhau. Sư Ông Huyền Tôn đã dịch 4 câu trên quá hay, quá xuất thần như sau:

Chùy chạm chuông ngân chín mươi lần,

Chúng Tăng thanh tịnh lộ nghiêm thân,

Bốn thời tinh tấn tham thiền tịnh,

Nhẹ bước rời đơn niệm độ sanh.

 

Chúng đệ tử hỏi tại sao không phải 108 lần mà là 90 lần? Lẽ ra câu này phải đúc kết lại là:

Chùy chạm chuông ngân 108 lần. Nhưng mà Tổ Sư soạn câu này là: Chung thinh “cửu thập” hựu lôi chùy.

 

Nghĩa là khi mình mình bắt đầu thỉnh chuông, Chư Tăng đã thức dậy ngồi Thiền ngay trên đơn của mình, khi nghe đến câu này (2 tiếng chuông) thì quý Ngài xả thiền, mới thả chân xuống giường (hạ đơn) để mặc y áo lên trên Chánh Điện tụng Kinh, nhưng vị thỉnh chuông vẫn tiếp tục ngồi thỉnh chuông. Theo truyền thống Thiền môn là các vị tiếp tục ngồi đó thỉnh chuông, trên kia người ta tụng Kinh Pháp Hoa thì mình cũng ngồi đó tụng Kinh pháp Hoa, thỉnh thoảng gióng 1 tiếng chuông. Và tụng cho tới khi hết bài Bát Nhã Tâm Kinh thì bắt đầu thâu chuông và gia nhập vào ban tụng Kinh để mình hồi hướng và tam tự quy. Như vậy là xong một thời thỉnh chuông. Nếu không có thời Kinh thì mình ngồi đó tụng Kinh Di Đà hoặc tụng Kinh Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa, KinhThủy Sám, Kinh Lương Hoàng Sám, tùy theo sức khỏe của mình. Bữa nào khỏe thì mình tụng dài, bữa nào mệt thì niệm Phật thôi. Cuối cùng đọc bài kệ thâu chuông:


Bá bát chung thinh hướng Phật tiền

Thượng thông hạ triệt lạc vô biên.

Lục đạo chúng sanh mong giải khổ

Cửu u thập loại xuất khanh nhiên.

Nam Mô Siêu Thập Địa Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)

Và kết thúc thời thỉnh chuông bằng 4 tiếng chuông : 1 lơi, 2,3 nhặc, 4 lơi.

 

Xin trở lại giải thích câu “Chùy chạm chuông ngân chín mươi lần” (Chung thinh cửu thập hựu lôi chùy).

 

90 tiếng chuông này là biểu trưng cho: 37 phẩm trợ Đạo + 53 địa vị tu chứng của hành giả. Chi tiết như sau:

 

37 phẩm trợ 37 phẩm trợ Đạo

-Tứ Niệm Xứ.

-Tứ Chánh Cần.

-Tứ Như ý Túc.

-Ngũ Căn.

-Ngũ Lực.

-Thất Bồ Đề Phần.

-Bát Chánh Đạo Phần.

và 53 địa vị Tu Chứng:

-Thập Tín

-Thập Trụ.

-Thập Hạnh.

-Thập Hồi Hướng.

-Thập Địa.

-Đẳng Giác.

-Diệu Giác.

-Phật Vị.

Đầy đủ: 90 tiếng chuông (và phần tụng kinh đó thêm 18 tiếng chuông nữa là đủ 108 tiếng chuông trong 1 thời thỉnh chuông)

 

Một thời thỉnh chuông ở chùa bao hàm đầy đủ ý nghĩa nhiệm mầu, đưa một chúng sanh ở dưới Địa ngục, lên tới cõi trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi rồi đến cõi cao nhất là Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, và lần lượt vượt qua thứ lớp của 52 địa vị Tu Chứng để vào vùng đất Phật, thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác.

 

Quả thật, tiếng Hồng Chung ngân vang ở chùa quá vĩ đại, linh thiêng và siêu xuất, cho nên gọi Đại Hồng Chung là như thế đó.

HT Huyen Ton 3
Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn & đệ tử Thích Nguyên Tạng

 

Nói đến Tiếng Chuông Chùa, chắc hẳn sẽ có lắm người thắc mắc: Cái chuông bắt nguồn từ lúc nào? Ở đâu? Thật khó để mà có câu trả lời chính xác, tất cả chỉ là sự phỏng đoán. Thầy cũng đã thỉnh ý của Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn thì Ngài cho biết rằng: “những câu hỏi: Cái chuông đầu tiên do ai đúc? Đúc năm nào? Đời nào, thì chưa thấy có tài liệu nào chứng minh! Nhưng trong nghiên cứu thì tiếng chuông bắt đầu từ tiếng kêu của đá "Bạch thạch", là loại đá trong trắng khi khỏ vào nghe tiếng ngân vang.Lại có tài liệu nói rằng, cuối thời Trang Nghiêm kiếp 993 đã có tiếng chuông, khi Đức Phật Tỳ Bà Thi đăng tọa truyền pháp cho Đức Thi Khí Phật 994 của kiếp Trang Nghiêm... Thế thì hàng ngàn triệu năm trước đã có tiếng chuông vang rồi. Ngày nay tìm lại tích xưa thì hơn 4000 năm trước, bên Tàu Vua Hiên Viên đánh nhau với Xi Vưu, dùng binh khí bằng đồng đánh nhau, tiếng va chạm từ đồng phát ra nghe hay quá...! Và từ đó chế thành những vật phụng thờ có tiếng thanh thoát.Về sau thời Chiêu Vương gặp Phật pháp, lần hồi các Thiền sư chế tác từ cái ngân vang nho nhỏ thành những cái "Khánh", rồi chế chuông Gia trì. Từ tiếng Boong thanh thoát lớn dần lên tạo ra Đại Hồng Chung. Các vị chứng đạo, khi Thiền định, quán độ chúng sanh bỗng thấy tiếng chuông Đại Hồng tỏa trùm nơi Địa Ngục, mọi hình phạt khổ đau đều được im lặng trong thời gian tiếng chuông ngân...Và từ đó có những câu kệ chuông: " Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn, văn trần thanh tịnh chứng viên thông, nhất thiết chúng sanh thành chánh giác" (Nguyện tiếng chuông nầy vang khắp cõi, Tối tăm địa ngục thảy đều nghe, Trần gian ô nhiễm mau trong sạch (tức là chứng viên thông), chúng sanh tất cả thành như Phật”.

Đệ tử chúng con xin cảm ơn Hòa Thượng đã cho biết về nguồn gốc của cái chuông cũng thật thú vị.Trải qua khoảng thời gian không thể tính đếm được, cho đến ngày nay, chúng ta ai cũng biết tiếng chuông chùa có công năng diệu dụng làm thức tỉnh, sâu lắng tâm người nghe, nên hình ảnh, thanh âm của tiếng chuông chùa đã được đưa vào thơ văn và chúng ta đã có những bài thơ rất nổi tiếng trong chốn thiền môn, được lưu truyền mãi đến hôm nay. Như nhà thơ Nguyễn Bính có viết một bài thơ rất dài có nhắc đến chuông chùa:


Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.

Chuông hôm, gió sớm, trăng Rằm

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi…

 

Chu Mạnh Trinh là một nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ thứ 18, và cũng là một Kiến trúc sư. Ông đã vẽ kiểu để trùng tu lại chùa Hương Trù ở trong Hương Tích Động (Chùa Hương). Chu Mạnh Trinh đã viết bài thơ Hương Sơn Phong Cảnh khi ông viếng thăm chùa này vào thế kỷ thứ 18. Nhà thơ Chu Mạnh Trinh có lẽ rất rõ về lai lịch, xuất xứ của cái chuông, nên ông dùng từ “chày kình” rất là tuyệt vời. “Chày Kình” nghĩa là cái chày để gióng chuông có hình con cá Kình.

 

Đàn thông phách suối vang lừng,

Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.
Bầu trời cảnh Bụt,

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.

Kìa non non, nước nước, mây mây,

Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải?

Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,

Lững lờ khe Yến cá nghe Kinh.

Thoảng bên tai một tiếng chày kình,

Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.

Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,

Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh,

Nhác trông lên ai khéo vẽ hình,

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt.

Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,

Chập chờn mấy lối uốn thang mây.

Chừng giang sơn còn đợi ai đây,

Hay tạo hóa khéo ra tay xếp đặt.

Lần tràng hạt niệm Nam Mô Phật,

Cửa từ bi công đức biết là bao.

Càng trông phong cảnh càng yêu.


Hòa Thượng Mật Thể là một bậc Cao Tăng Thạc Đức của Tổ Đình Thiền Tôn, Huế (ngôi chùa do Tổ Liễu Quán khai sơn) có làm một bài thơ:

Trăng sáng sau khi trời tạnh mưa,

Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa,

Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng,

Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?

 

Hòa Thượng Mật Thể là tác giả của bộ sách gối đầu giường của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam là “Lược Sử Phật Giáo Việt Nam”. Đây là quyển lịch sử Phật Giáo đầu tiên của Việt Nam chúng ta. Sau này Giáo Sư Lê Mạnh Thát mới triển khai thêm, nhưng mà bộ sách đầu tiên vẫn là của Hòa thượng Mật Thể. Hòa Thượng quá giỏi, nhưng vì ngài làm việc cực quá nên Ngài đã viên tịch sớm.


Thời hiện đại chúng ta có Hòa Thượng Mãn Giác (Trụ trì Chùa Việt Nam, Cali, Hoa Kỳ) cũng bởi vì nhớ tiếng chuông Đại Hồng, nhớ cảnh chùa xưa mà Ngài rút ruột rút gan, gởi trọn niềm nhớ nhung qua bài thơ “Nhớ Chùa”, đã khiến biết bao người lữ khách xa quê chạnh lòng xao xuyến khi đọc bài thơ này của Ôn:

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.

 

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

 

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười

 

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu.

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.

 

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình.

 

Tối đến dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh.

 

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lễ

Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào.

 

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.

 

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

 

Các vị thấy bài thơ của HT Mãn Giác có hay không? Bài thơ của Ôn hay là bởi vì tiếng chuông Đại Hồng Chung đã đi vào trong lòng người.

 

Chúng ta niệm ơn Hòa Thượng Mãn Giác đã viết bài thơ này vào năm 1949, đã đưa tiếng chuông Đại Hồng của những ngôi chùa ở trên quê hương Việt Nam của chúng ta vào thơ văn, và được lưu truyền mãi mãi trong chốn thiền môn, trong hàng Phật tử.

 

Giờ đây ở tại Melbourne, Úc Châu nhưng Thầy vẫn nhớ tới tiếng chuông của chùa An Dưỡng, nhớ tiếng chuông của chùa Thiên Phú, và nhớ đến tiếng chuông của chùa Hải Đức, Nha Trang. Từ nhỏ là Thầy đã lớn lên trong những tiếng chuông chùa ấy. Nhà của Thầy ở Vĩnh Thái, Nha Trang cách Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang khoảng 3 cây số thôi, nên mỗi tối và mỗi khuya đều nghe tiếng chuông chùa Hải Đức từ trên đồi Trại Thủy vọng xuống, nên cư dân cả thành phố Nha Trang mỗi ngày hai thời đều được nghe tiếng Đại Hồng chung ngân vang.

 

Khi Thầy qua đây vào năm 1998 thì khoảng năm 2000, Ngài Viện Chủ lần đầu tiên về lại Việt Nam, lúc đó về rất là khó khăn, khó khăn đủ mặt hết, nhưng cuối cùng Ngài cũng được chính phủ cho về. Thầy đã nhờ Ngài xuống Chùa Hải Đức, Nha Trang thăm Hòa Thượng Phước An, thăm Hòa Thượng Minh Châu và thâu giùm Thầy tiếng chuông của chùa Hải Đức. Ngài Viện Chủ đem cái máy mp3 xuống Chùa Hải Đức, Ngài đã thỉnh chuông và thâu âm lại mang về cho Sư đệ, người đã quá nhớ tiếng chuông Chùa Hải Đức. Tháp chuông của chùa Hải Đức nằm trong khuôn viên Tịnh Thất Ôn Từ Đàm, nơi mà Thầy từng nghỉ ở đó để hầu Ôn Từ Đàm, cho nên Thầy rất là nhớ tiếng chuông này.

Cuối cùng Thầy Viện Chủ đã đem tiếng chuông Chùa Hải Đức qua tới Tu Viện Quảng Đức, và tiếng chuông này bây giờ cũng đang vang vọng trong khắp Già Lam của Quảng Đức chúng ta. Hiện tại chúng ta nghe tiếng chuông phát ra từ máy MP3 trên Chánh điện TV Quảng Đức là tiếng chuông Chùa Hải Đức và tiếng chuông này sau đó được ghép lồng vào CD mp3 niệm Phật tiếp dẫn cho người hấp hối do Tu Viện Quảng Đức ấn tống rộng rãi. Xin cảm niệm công đức của Thượng Tọa Viện Chủ Thích Tâm Phương, Ngài đã đem tiếng chuông của Hải Đức Nha Trang, một thời chứa chan bao kỷ niệm, để mà gieo duyên với Phật tử tại Úc Châu khi nghe được tiếng chuông của Học Viện Hải Đức Nha Trang, nơi có những vị Tăng lừng danh của Phật Giáo Việt Nam: Hòa Thượng Trí Nghiêm, Hòa Thượng Thiện Siêu (Ôn Từ Đàm), Hòa Thượng Đỗng Minh, Hòa Thượng Chí Tín, Hòa Thượng Trừng San….

Mong rằng tất cả những ai nghe tiếng chuông Đại Hồng đều được tỉnh thức, nhận chân nguyên nhân đau khổ của cuộc đời, để “Buông...tham, Buông...sân, Buông...si”, xả ly mọi phiền não; tâm hồn thanh tịnh, phát Bồ đề tâm khơi dậy tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha...để mang lại niềm vui cho đời và làm vơi bớt khổ đau mang lại niềm vui cho đời.

 

(Phật tử Lệ Trinh Diệu Tuyết & Nguyên Quảng Tánh phiên tả xong ngày 12/7/2021.

Phật tử Thanh Phi check lỗi chính tả xong ngày 1/8/2021)

 
_________________________________


Xem bài giảng phiên tả khác:

- Chuông Mõ Gia Trì

- Công Đức Lễ Phật

- Tiếng Chuông Chùa

- Trống Bát Nhã

- Thơ Tán Dương Hạnh Nguyện Hoằng Pháp 


 

facebook-1
***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/03/2021(Xem: 7177)
Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngày Phật nhập Niết Bàn với con rất trọng đại ! Thậm thâm cao vời “ HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC MÀ ĐI “ Xá lợi phân chia 8 quốc gia sau lễ trà tỳ Còn lời nào tán thán công hạnh, tam đức ***cho hoàn mỹ !
21/03/2021(Xem: 5210)
Trời xuân nắng đẹp núi xanh cao Cạnh cửa thiền xuân thắm sắc đào Gió thoảng hương nồng thơm áo lụa Mây vờn nguyệt sáng dịu đêm sao Chày kình vẳng tiếng nghe sương đọng
21/03/2021(Xem: 7863)
Nhìn tờ lịch ...hôm nay ngày đáng ghi nhớ ! Mùng tám tháng hai, ngày Thái Tử xuất gia, Uy quyền, cung điện chẳng thể giải quyết giúp ta ... Sinh, Lão, Bệnh, Tử làm sao thoát khỏi ?
21/03/2021(Xem: 7022)
Lá vàng nhè nhẹ lượng ngoài sân, Báo hiệu Vu Lan sắp đến gần, Con thảo chung lo gìn hiếu sự, Hiền tôn nghĩ đến giữ tứ ân. Con dân hiếu hạnh vui đại lễ,
21/03/2021(Xem: 8098)
Đúng thời Phật giảng Pháp Hoa, Mở khai diệu pháp Ta bà yên vui. Chúng sanh thoát khỏi luân hồi, Nhờ hành pháp bảo an vui đời đời.
18/03/2021(Xem: 7548)
Ngày xưa trên một cành cây Cú mèo làm tổ nơi đây lâu rồi Tổ chim gáy cũng gần thôi Đôi bên thân mật rong chơi tà tà.
18/03/2021(Xem: 5902)
Mẹ về giấc ngủ ban trưa Gấm nâu Sen búp trái mùa nhẹ nâng Lặng thinh
18/03/2021(Xem: 5598)
Tại Ba La Nại một thời Nhà vua cai trị là người hại dân Hung tàn, phi pháp, bất nhân Tạo bao nghiệp ác vô ngần xấu xa
18/03/2021(Xem: 5625)
Tết đi tết đến đã bao lần, Chồng chất tuổi đời khổ cái thân, Đinh dậu trở về thêm tàn sức, Bính thân tạm biệt lại yếu chân. Tọa thiền bái sám lưng nhức mỏi, Niệm Phật trì kinh cẳng tê đần. Vũ trụ xoay vần không ngừng nghỉ, Thu tàn đông đến lại sang xuân.
17/03/2021(Xem: 8841)
Chẳng có gì là tự nhiên đến trong cuộc đời ! Kính bạch Thầy từ ngày học Tổ Sư Thiền với Thầy , con chợt nhận ra sự thật ..và bài thơ này có lẽ nói lên được tâm trạng con ngay lúc này . Kính chúc sức khỏe Thầy và kính xin Thầy thứ lỗi cho sự quấy rối của con khi lúc này Thầy quá bận rộn . Kính đa tạ, HH Chợt hiểu rõ " Chẳng có gì tự nhiên mà đến" Hoàn cảnh, nhận thức ...bất định, bất an "Sông có khúc, người có lúc " ..tuỳ thời gian. Bất ngờ may mắn ... đều do duyên, nghiệp, quả !
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]