Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cái Lo của Nguyễn Du nhân "Ngày Sách và Bản quyền Thế giới“ - 23 tháng 4

30/04/202106:57(Xem: 7294)
Cái Lo của Nguyễn Du nhân "Ngày Sách và Bản quyền Thế giới“ - 23 tháng 4
 
 nguyen du


CÁI LO CỦA Nguyễn DU

Nhân "Ngày Sách và Bản quyền

Thế giới“ - 23 tháng 4

 

Văn Công Tuấn
 

 

 

Sè sè „đống sách“ bên đường [1]

 

Sáng cuối tuần trời nắng đẹp nên ăn sáng xong tôi mặc áo ấm đi dạo. Chợt thấy dọc đường cảnh lạ như vầy, xin kể cho vui.

Trên lối đi, cạnh một góc hoa viên là chỗ đông người qua lại tôi thấy có mấy thùng cạc tông nằm lênh láng. Thời nay rủi ro tràn khắp, lúc nào thấy những thùng gì lạ nằm lênh láng hay những túi xách vô chủ là nghi ngờ. Khôn hồn thì tránh xa! Vì đó có thể là mấy trái bom nổ của nhóm quá khích. Nhất là ở đây, đoạn đường bãi biển thường rất đông người qua lại trong những ngày nắng đẹp này. Cái thói quen cẩn thận lo xa, xem ra đã tích lũy từ những ngày thơ ấu trong chiến tranh. Tôi rẽ ngoặt đi lánh ra xa ngay. Nhưng tò mò thì vẫn cứ tò mò. Chả lẽ ở đây là chợ trời? Vô lý, bao lâu nay chưa hề thấy. Lại có 5,7 người đứng ngồi cầm những vật trên tay giống như sách báo. Thôi, lo yên thân. Việc của mình là đi dạo thì cứ đi.

Nửa giờ sau. Cái việc đi dạo xem như đã xong, nhưng thay vì đi ngõ khác về nhà như mọi hôm thì lại tôi cố ý quay lại đường cũ để xem cảnh cái “chợ chồm hổm” ấy giờ ra sao.

Lúc này không còn ai, và hơn một nửa số các thùng cạc tông trống cũng đã được dẹp sạch, chỉ còn một. Những thùng sách khác còn lại thì được xếp ngay ngắn trên bệ tường, chỗ mấy đứa trẻ thường leo lên để chạy chơi. Tôi chụp ngay mấy tấm hình như dưới đây. Ít nhất quá nửa số sách lúc nãy đã được những người đi dạo biển lấy đi. Tôi đoán chừng, có thể ai đó trong những người hàng xóm của chúng tôi dọn nhà đi nơi khác (hay chết), không muốn mang số sách quý bỏ vào thùng giấy tái chế nên để ở đây để xem có thể ai đó cần dùng. Người Đức có thói quen quý là thích đọc sách báo rất nhiều, từ người già đến em bé.

Con số của cơ quan Thống Kê Statista Đức cho biết, trong năm 2020 có 8,55 triệu người Đức từ 14 tuổi trở lên đã cầm quyển sách trên tay để đọc. Tôi lấy con số 83,2 triệu dân năm 2020 tính ra, trung bình họ có 10 cuốn sách trong năm. Xin nhớ là tính người từ 14 tuổi trở lên. Con số các cháu dưới 14 tuổi đọc sách cũng nhiều lắm.

Thật chả hổ danh quê hương của Goethe, của Hölderlin, Heidegger, Nietzsche, Hesse…



nguyen du 3



Trông người lại ngẫm đến ta (Kiều)

 

Còn người mình thì sao?

Một lần có cơ hội tiếp xúc với mấy bạn trẻ là du học sinh mới đến Đức. Tôi hỏi họ: Giới trẻ Việt Nam như mấy cháu bây giờ thích đọc sách loại gì? Cả mấy em đều không trả lời được mà chỉ nhìn nhau cười. Tôi hiểu ý và ôm vai cháu trai ngay ngồi bên cạnh rồi hỏi:

- Vậy cháu có đọc sách không? Đừng kể mấy sách giáo khoa phải học ở trường.

- Dạ không.

Anh bạn trẻ trả lời nhanh và thẳng thừng như vậy. Tôi chới với với câu trả lời cộc lốc và quá thật của cháu.

- Không đọc gì cả à? Vậy có đọc báo không?

- Cũng không. Báo chỉ nói chuyện nhảm nhí và chính trị.

- Vậy trong gia đình cháu ai đọc, ví dụ như má cháu?

- Không đọc. Đọc báo cũng không mà sách cũng không. Vì… má không có thì giờ.

- Ba cháu có đọc không?

- Cũng không. À… mà có, nhưng ba chỉ đọc sách truyện bằng tranh.

- Truyện bằng tranh là truyện gì?

- Thì… chuyện comics đủ mọi đề tài, từ siêu nhân đánh nhau đến Asterix, Tom và Jerry… Nói chung, truyện nhiều hình ít chữ.

Bốn năm em khác, trai có gái có, cũng đồng tình là gia đình các em cũng vậy. Sau đó biết thêm, ba của cháu trai thích xem truyện tranh là một kỹ sư có một vị trí khá cao trong cơ quan nhà nước. Cũng xin hiểu thêm, đây là những gia đình tương đối khá giả mới có tiền cho con đi du học. Tôi thấy nghẹn ở cổ, không muốn hỏi gì thêm.

Về nhà tìm hiểu tiếp, tôi thấy thêm sự thật đau lòng. Chính Ông Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng công nhận điều ấy trong lời phát biểu vào ngày Sách Việt Nam năm 2019. Ông xác nhận: người Việt nhận 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa, sách kiến thức thông thường thì chưa đến 2 cuốn. Cũng theo ông Hùng, đây là tỉ lệ rất thấp trên thế giới.

Đó là ông Hùng có phần chủ quan, trong khi Báo Thanh Niên thì viết: Thực tế là theo thống kê của Petrotimes Việt Nam, thì người Việt mỗi năm không đọc nổi được một cuốn sách. Cụ thể, dựa trên báo cáo hàng năm của các thư viện gửi về Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, trung bình người Việt đọc 0.8 cuốn sách mỗi năm trong khi đó ngay tại các thư viện công cộng tỷ lệ này cũng chỉ đạt 0.38 cuốn.

Hết ý, hết lời! Không còn thể nói gì hơn.

Tôi nhớ có lần đọc được câu này và đã ghi vào sổ tay:

Hãy chỉ cho tôi thấy một gia đình người người đều đọc sách, và tôi sẽ cho bạn thấy những người làm thế giới này chuyển dịch (Napoleon Bonaparte)

 

Chuyện con bướm của cụ Nguyễn Du (1766-1820)

 

            Giờ xin mời cùng đọc một bài thơ hay, thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Bài này trích ra từ “Thanh Hiên Thi Tập”, là một trong ba tập thơ chữ Hán, gồm 78 bài thơ do thi sĩ trước tác lúc ông đang lẩn tránh sống ở quê vợ và quê nhà Nghi Xuân, trong các năm 1786-1804. Thi sĩ đã viết ra khi nhìn thấy một con bướm nằm chết giữa trang sách.

 
nguyen du 2

Diệp Tử Thư Trung [2]
Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch
Tàn hồn vô lệ khốc văn chương
Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng
Huỳnh hỏa nan hôi cẩm tú trường
Văn đạo dã ưng cam nhất tử
Dâm thư do thắng vị hoa mang
Dịch nghĩa: (Bướm chết trong sách)
Nơi cửa sổ trồng cỏ vân từng nhiễm mùi hương sách vở
Từ bỏ vị phong lưu chưa hẳn là dại
Mệnh bạc có duyên lưu lại nơi sách sổ
Hồn tàn không nước mắt khóc văn chương
Con mọt sách dễ tỉnh giấc mộng phồn hoa
Lửa đom đóm khó đốt cháy tấm lòng gấm vóc
Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam
Say đắm vào sách còn hơn đa mang vì hoa.
 
Dịch thơ:
Song vân từng thấm vị thư hương
Bỏ thú phong lưu há phải cuồng
Mệnh bạc còn duyên vương sử sách
Hồn tàn không lệ khóc văn chương
Khó mong lửa đóm thiêu lòng gấm
Dễ khiến thân sâu tỉnh mộng vàng
Đạo lý sớm nghe chiều chết thỏa
Hoa sao bằng chữ dám cưu mang
(Quách Tấn dịch - Thu 1967)
 

Không dám đi sâu vào việc phân tích bài thơ. Đã có nhiều thức giả viết các nhận xét rất sâu sắc về khổ thơ và nội dung cũng như cõi lòng của thi hào về Cánh Bướm trong thơ của cụ. Ví dụ như bài viết sâu sắc của Nguyễn Anh Tuấn đăng trong Tạp Chí Sông Hương (tapchisonghuong.com). Là một trung thần nhà Lê nhân lúc Tây Sơn đang say men chiến thắng, Nguyễn Du lui về quê và sống ẩn dật. Bởi vậy theo cụ, nếu có thể chọn cái chết thì cái chết trong trang sách, lâu nay đã nhiễm hương thơm của sách là cái chết đẹp nhất. Hơn hẳn việc bay đi múa may hút nhụy hoa để sống.

Bài thơ Diệp Tử Thư Trung này ít nổi tiếng như bài Độc Tiểu Thanh Ký nên ít người biết. Nhưng cả hai đều nói lên nỗi lòng của thi sĩ trước các trớ trêu của đời mình.

[…]

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Vũ Tam Tập dịch:

[…]

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Tấm lòng ấy của Cánh Bướm gởi thân trong sách, hay chính tâm sự của Nguyễn Du, chỉ có thể mượn hai chữ “văn đạo” của Khổng Tử trong sách Luận ngữ mới mong có thể diễn tả được phần nào:

Tử viết: Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ.

Khổng tử nói: Buổi sáng nghe được đạo, chiều tối chết cũng cam lòng.

 

Đã qua rồi hai thế kỷ (năm 2020)

 

Thuở sinh tiền Tố Như tiên sinh lo ngại rằng, không biết 300 năm sau có ai còn khóc cụ nữa không? Bất tri tam bách dư niên hậu; Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như.

Nay, năm 2021 lục thơ cụ ra đọc lại nghĩ quẩn. Vậy là đã qua 201 năm, không biết rồi 99 năm nữa thiên hạ sẽ nghĩ sao đây? Mình đâu có thể sống đến đó để xem. May mắn là đến nay, đã 201 năm trôi qua mà vẫn chưa thấy tác phẩm nào có thể sánh vai với Kim Vân Kiều. Và người ta vẫn còn nhắc đến Cụ với lòng kính mến, thán phục. Duyên của cụ không chỉ như cánh bướm gởi thân trong trang sách mà còn sáng rực, tỏa hương thơm trong văn đàn Việt Nam. Không ai có thể trả lời nổi câu hỏi, con bướm kia chết trong trang sách là một tai nạn hay một sự chọn lựa? Câu hỏi này chắc không ai đáp được. Kể cả Bướm, kể cả Tố Như tiên sinh – và kể cả pho sách.

Nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Đời không như phim trường Hollywood!

Tôi có linh cảm, dường như giới trẻ ngày nay ít người quan tâm đến văn học. Mà số này không phải ít, nghĩa là không phải tôi vơ đũa cả nắm. Không biết tôi có lo xa quá không? Con cháu người Việt ở hải ngoại thì ít người học thơ văn của Nguyễn Du đã đành, dù rằng có nhiều chùa, nhiều hội đoàn vẫn cố gắng làm việc ấy. Giúp trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại nói và hiểu được tiếng Việt đã là một kỳ công rồi; còn việc đọc, viết được tiếng Việt là nỗi mơ ước của nhiều cha mẹ nhưng ít ai toại nguyện. Nhưng buồn là cả đến các em ở trong nước cũng rất mù mờ về văn chương văn học cổ Việt Nam. Bởi vậy làm sao không lo được!


nguyen du 4


Có lần tôi đọc được một tản văn như thế này, nhớ đâu kể lại đó và xin lỗi không còn tìm ra nguồn nữa để ghi xuất xứ.

Một Giám đốc công ty nọ giao cho nhóm mấy nhân viên trẻ, trình độ tốt nghiệp đại học, xây dựng hệ thống điện toán cho công ty. Mấy bạn trẻ làm rất thành thạo chu đáo, không chê vào đâu được. Khi sắp hoàn thành, lúc chuẩn bị cho vận hành anh trưởng nhóm mới xin Giám đốc chọn cho một mật mã (password) của máy chủ để anh ta cài vào.

Giám đốc suy nghĩ rồi nói: Mấy em lấy câu thơ: “Lạ gì bỉ sắc tư phong”, bỏ dấu đi và viết chung lại để dễ nhớ.

Anh trưởng nhóm yêu cầu ông chủ lặp đi lặp lại mấy lần mới ghi đầy đủ được câu thơ. Rồi còn nói thêm: Giám đốc sao cứ nói toàn những câu văn sâu xa khó hiểu, khó nhớ quá.

Giám đốc: câu đó có sâu xa khó hiểu gì đâu mấy em; đó là một câu thơ trong Kiều đó. Bộ mấy em không học Truyện Kiều ở nhà trường sao?

Trưởng nhóm: Dạ … có, nhưng chắc câu thơ ấy chúng em chưa học đến.

Giám đốc cười, khuôn mặt đờ ra vì ngán ngẫm, và nói tiếp: Đó là câu thứ 5 trong một đại tác phẩm của văn học Việt Nam do một đại thi hào sáng tác. Và tác phẩm Truyện Kiều ấy có tất cả 3254 câu (!).

Bởi vậy không biết rồi sau này sẽ ra sao? Lo lắm chứ! 99 năm nữa.

Chả lẽ, thế kỷ sau lúc nhắc tới Tố Như Nguyễn Du chẳng còn ai biết người đó là ai. Như có người từng nói ông Lê Lai là em họ ông Lê-nin vậy (vì cũng họ Lê). Thử tưởng tượng, một hôm nào đó trong một ngày đẹp trời như hôm nay, có hai người bạn tên là Tèo và Tí. Tèo hỏi Tí: Ê, chú mầy biết Nguyễn Du chứ? Tí trả lời: thừa sức! Tèo hỏi lại: biết thì nói nghe coi. Tí đáp ngay: Nhưng ý mầy nói Nguyễn Du Sài Gòn hay Nguyễn Du Gò Vấp? Mà Nguyễn Du nào cũng phê cả, chỗ có mấy quán nhậu hôm đó tụi này đánh một trận quá đã, nhậu tới bến hết biết, bộ quên rồi sao?

 

Ôi thôi! Ráng chờ đến năm 2120 thử xem. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

 

 

--

Đức quốc tháng 4 năm 2021

(tức tháng 3 âm lịch - tháng Thanh Minh)

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn

 



[1] Nhại theo câu thơ Nguyễn Du: Sè sè nắm đất bên đường; Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

[2] Nguồn: Quách Tấn: Tố Như Thi Trích Dịch. Paris, An Tiêm xuất bản, 1973.



 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/08/2019(Xem: 7882)
Thấm thoát Vu Lan, tháng bảy này Là Mùa Chữ Hiếu giữa Rằm đây Bông hồng cài áo ai thương Mẹ Hoa trắng đeo nơi kẻ nhớ ngày... Công đức sinh thành nên báo đáp... Ơn nuôi cúc dục phải làm ngay... Chăm lo cha mẹ luôn thành khẩn Phụng dưỡng song thân dạ thảo ngay...
10/08/2019(Xem: 12050)
Vu lan nhớ mẹ quá đi thôi, Năm tháng trôi qua đã lâu rồi. Nay mùa kinh sử truyền lưu tụng. Thắm nghĩa sinh thành mãi khó phai
09/08/2019(Xem: 6750)
Thiền sư thuyết pháp nổi danh Người nghe ngoài những thiền sinh trong trường Còn thêm người khắp bốn phương Tông này, phái nọ tìm đường ghé đây.
09/08/2019(Xem: 8090)
Một chàng cưới được vợ xinh Nàng tuy rất đẹp, tính tình lại hoang Chàng thương vợ thật nồng nàn Nhưng nàng trái lại phũ phàng chẳng yêu Ngoại tình một sớm một chiều Tình nhân sẵn đó nàng theo tức thì Muốn về nhà bỏ chồng kia Tìm qua người mới tính bề kết duyên.
08/08/2019(Xem: 6338)
Thắp sáng đường đi cõi Ta Bà Xoá mờ ngăn cách đẹp tình ta Bình bát muôn nhà tâm rộng mở Y vàng giải thoát cảnh phồn hoa
07/08/2019(Xem: 7387)
Công cha nghĩa mẹ tình Thầy Sánh sao cho hết đời nầy khắc ghi Mẹ cha khổ cực lắm khi Hy sinh tất cả những gì cho ta
06/08/2019(Xem: 6148)
Tháng bảy lại về ..da diết buồn nhớ Mẹ Cuộc đời con ....giờ in rập như khuôn Cô đơn trống vắng nhiều lúc ...lệ tuôn Thì ra ..... dù quê nhà hay phương xa lạ ! Đến một tuổi nào ....ai cũng đều thế cả ! Khác nhau chăng....chút quả của nghiệp duyên . Thấy được Đạo ...nhờ tu tập mật miên, Giờ đây sinh tử, luân hồi .... trường mộng . Mơ thấy Mẹ về ...đúng như hoài vọng Vẫn nụ cười thanh thản ...mắt thủy tinh . Tình thương ngày nào.. choáng ngợp lung linh Quay cuồng bao quanh ....khó dùng mực tả ! Dâng nén nhang .... kính xin Phật hứa khả Mãi mãi ....tròn giữ được TỨ TRỌNG ÂN Bốn mùa trong năm ...chẳng khác Vu Lan Thấp thoáng khói mây ..Mẹ cười ...như nguyện !
06/08/2019(Xem: 7261)
Ai từng đưa tiền người thân về ....cát bụi, Sẽ ngâm ngùi thấm được ...kiếp nhân sinh Chào đời ...ra đi ...vốn chỉ một mình Thân trần trụi ..khóc lần đầu.....lần cuối .
29/07/2019(Xem: 7099)
Con tự hứa ...gắng dành nhiều nghị lực, Tiến bước hành trình ...vững chắc niềm tin . Thử thách giúp con tìm lại ...chính mình Và tự nhủ ....MÌNH KHÔNG LÀ GÌ CẢ !
28/07/2019(Xem: 9431)
Kính Dâng Vị Thiền Sư Con Mang Ơn Sâu Thiền Sư Thích Thanh Từ sẽ tròn 95 tuổi vào ngày 24/7/2019. Để soạn lời chúc mừng sinh nhật, con thành kính dịch một vài bài thơ của Thầy để bày tỏ lòng biết ơn tới Thầy, vị Thiền Sư đã hồi phục dòng Thiền do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Con đã đọc nhiều sách Thiền do Thầy dịch và giảng. Các sách Thiền này đã cho con nhiều kiến thức và cảm hứng. Kính bạch Thiền Sư Thích Thanh Từ, Thầy là người duy nhất có thể hồi phục Thiền Phái Trúc Lâm – và Thầy đã làm như thế, toàn hảo và tuyệt vời. Mặc dù con học từ Thiền phái khác, con ngưỡng mộ Thầy và mang nợ Thầy rất nhiều.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]