Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Pháp Cú Vần Lục Bát

13/03/202114:43(Xem: 19758)
Kinh Pháp Cú Vần Lục Bát

Kinh Pháp Cú

____________
Dhammapada
____________

 

Chuyển vần lục bát : Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương

 Bản gốc :
Hoà Thượng Thích Thiện Siêu dịch từ bản chữ Hán

Hoà Thượng Thích Minh Châu  từ bản chữ Pali
Kinh-Phap-Cu-Van-Luc-Bat-000
Lời Giới Thiệu

của Hòa Thượng Thích Như Điển

Phương Trượng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

Đệ Nhị Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu

Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già Thế Giới

 

         Cho đến năm 2020, Kinh Pháp Cú đã được dịch ra tiếng Việt bằng nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch thẳng từ tiếng Pali sang Việt ngữ gồm 423 bài kệ trong 26 phẩm và có kệ gồm 4 câu 5 chữ, có kệ 5 câu 5 chữ và cũng có kệ 7 câu 5 chữ. Trong khi đó bản dịch của cố Hòa Thượng Thích Thiện Siêu thì được dịch từ chữ Hán sang Việt ngữ cũng gồm có 26 phẩm và 423 bài kệ tất cả.

Trên trang nhà của thuvienhoasen.com gần đây có Đạo Hữu Nguyên Thuận dịch sang tiếng Việt, bản dịch từ bản tiếng Phạn của Pháp Sư Chướng Ngại và những vị khác ở thế kỷ thứ 3 thì chia ra làm hai quyển thượng và hạ. Quyển thượng có từ phẩm thứ 1 đến phẩm thứ 21 và quyển hạ từ phẩm thứ 22 đến phẩm thứ 39. Mỗi phẩm lại có nhiều bài kệ và mỗi bài kệ có 4 câu; mỗi câu 5 chữ. Ngoài ra thì cũng có Kinh Pháp Cú do Ngài Narada Maha Thera (người Tích Lan) dịch từ Pali sang tiếng Anh.

Sang trang nhà quangduc.com ở Úc, do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng điều hành, chúng ta thấy có Hòa Thượng Thích Minh Hiếu Trụ Trì Tổ Đình Minh Quang tại Sydney, Úc Châu đã căn cứ theo bản dịch Kinh Pháp Cú của cố Hòa Thượng Thích Minh Châu chuyển sang thể thơ lục bát thuần Việt. Ở đây chúng tôi xin trích một phẩm đầu để xem cách dịch ra thơ lục bát của Hòa Thượng Thích Minh Hiếu và sẽ đối chiếu với bản dịch lục bát của Đạo Hữu Nhuận Tâm ở phần phía dưới đây.

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu.

Phẩm Song Yếu :

1.     Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe, theo vật kéo.

 

Thi hóa: Hòa Thượng Thích Minh Hiếu như sau:;

1.        “Thế gian tâm vốn đứng đầu

Là duyên kết nối là cầu tương giao

Nhiễm tâm sóng biển xôn xao

Sóng vang gào thét, nước trào bọt trôi.

Khổ đau trong kiếp luân hồi

Xe theo vật kéo đền bồi ngựa trâu.”

 

Đạo Hữu Nhuận Tâm thi hóa theo thể lục bát như sau:

1.     Dẫn đầu các pháp là Tâm

Tâm kia là chủ, là nguồn tạo sinh

Nói năng, hành động thường tình

Với Tâm ô nhiễm , nghiệp sinh khổ sầu

Tâm ô nhiễm, khổ theo sau

Như xe bò kéo lăn vào dấu chân.

 

Tôi có được nhân duyên là đọc hết 423 bài kệ nầy và mỗi bài kệ gồm 4 hay 6 câu theo thể thơ lục bát đặc thù của Việt Nam mà trên thế giới hầu như chưa thấy nước nào có. Ví dụ như của Nhật Bản có thơ Haiku thường thì 3 hay 5 chữ và lối gieo vần không giống với lối gieo vần của thơ tiếng Việt. Hoặc giả thơ Đường luật của Trung Hoa gồm có thơ ngũ ngôn tứ tuyệt (5 chữ, 4 câu) hay thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu). Thơ nầy thì dùng theo niêm luật rất khó; một bài thơ phải gồm đủ hai câu đề, hai câu thực, hai câu luận và hai câu kết. Dĩ nhiên là cũng phải vần với nhau, mới trở thành một bài thơ Đường luật được.

Đạo Hữu Nhuận Tâm là đệ tử tại gia quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới với Thượng Tọa Thích Quảng Đạo, đương kim Trụ trì chùa Khánh Anh tại Évry, Pháp Quốc, đã dành nhiều tâm lực và vật lực để hoàn thành bản Kinh Pháp Cú vần lục bát nầy. Thiết nghĩ đây là một việc làm quá sức hữu ích cho phần tâm thức của mọi người con Phật, dầu cho tu và học theo truyền thống nào của Nam, Bắc Tông hay Kim Cang thừa đi nữa thì cũng đều ích lợi cả.

Nay tôi xin trang trọng giới thiệu tác phẩm thi hóa Kinh Pháp Cú nầy của Đạo Hữu Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương và mong rằng chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như Quý Đạo Hữu Phật Tử sau khi đọc xong tất cả 423 bài kệ nầy rồi sẽ gặp được nhiều duyên lành trong vấn đề tu, học cũng như hoằng pháp trên mọi nẻo đăng trình ở trên thế gian, mà Đức Phật đã chỉ dạy cặn kẽ qua quyển Kinh giá trị nầy.

Viết xong lời giới thiệu vào ngày 6 tháng 12 năm 2020 tại thư phòng Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

                                                        

 

 Hòa Thượng Thích Như Điển


Tri Ân

Nam Mô A Di Đà Phật 

Con xin thành kính tri ân :

  • Hòa Thượng Thích Như Điển

Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc

  • Thượng Tọa Thích Quảng Đạo

Trụ Trì Chùa Khánh Anh, Évry, Pháp Quốc

mặc dầu rất bận rộn Phật sự, đã hoan hỷ dành thời giờ để nhiệt tâm chỉ dẫn, khích lệ, đọc, duyệt bản Kinh Pháp Cú vần lục bát này và hết lòng giúp đỡ cho sách Kinh được hình thành và tới tay các Phật tử.

                            

                               

                          Con, Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương

 

 

 

 

Lời dẫn nhập

 

Trong hơn 40 năm giảng Pháp, số lượng bài giảng của Đức Phật cực kỳ lớn. Ngay sau khi Phật nhập diệt, 500 Đại đệ tử đã tập hợp ‘Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất nhằm kiểm điểm lại các bài giảng của vị Bổn sư. Vì phương tiện viết và ghi chép thời đó còn rất sơ khai, tất cả các đệ tử có mặt đã tụng thuộc lòng để bảo tồn nội dung thống nhất các bài giảng.

Hơn 400 năm sau Đại hội kết tập kinh điển này cùng 3 Đại hội kết tập kinh điển nữa, các bài giảng của Đức Phật mới được ghi lại bằng chữ viết, với chữ Pali (Phật giáo Nam truyền) hoặc với chữ Phạn (Phật giáo Bắc truyền). Sách Kinh từ đó ra đời và một số vẫn còn được lưu trữ tới ngày nay. Nếu như Phật giáo Nam truyền vẫn theo kinh điển bằng chữ Pali qua nhiều thế hệ, thì Phật giáo Bắc truyền khi  đến Trung Hoa và Tây Tạng , các bản Kinh chữ Phạn đã được dịch sang chữ Hán và chữ Tây Tạng.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) này (hoặc ‘Kinh Lời Vàng’ hay còn được gọi là ‘Lời Phật Dạy’) là quyển kinh thứ 2 trong 15 quyển kinh thuộc ‘Tiểu Bộ Kinh’ trong Kinh tạng Pali gồm tất cả 5 bộ kinh. Kinh Pháp Cú tạng Pali có 423 câu kinh, được sắp xếp trong 26 phẩm, trong khi Kinh Pháp Cú tạng Hán (dịch từ chữ Phạn) có thêm 13 phẩm nữa, tất cả là 39 phẩm với 752 câu kinh. Đây là một quyển Kinh Phật đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Riêng phần Anh ngữ, đã có khoảng 80 bản dịch của các học giả, các đại học danh tiếng Anh, Mỹ. Tại Việt Nam, Kinh Pháp Cú tạng Pali đã được Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001), cựu Viện trưởng Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức-Nha Trang, là người đầu tiên đã dịch toàn bộ Kinh này sang tiếng Việt theo thể văn xuôi vào năm 1959, căn cứ trên bản dịch từ chữ Pali ra Hán văn của Pháp sư Liễu Tham. Đến năm 1969, Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012), cựu Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Saigon, đã dịch Kinh Pháp Cú từ nguyên bản chữ Pali sang tiếng Việt, theo thể kệ 5 chữ.

Đó là hai bản Kinh Pháp Cú tiếng Việt được phổ biến rộng rãi nhất. Ngoài ra, thư tịch trên Internet có đề cập tới các bản bằng tiếng Việt theo các thể tản văn, thể thơ Việt như lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể v.v. của nhiều tu sĩ, cư sĩ hay thi sĩ, nhưng các bản này vẫn chưa được gom góp đầy đủ trên Internet để dễ dàng truy cập và tìm hiểu xem bắt nguồn từ bản gốc nào.

Do một cơ duyên lành đặc biệt, chúng tôi đã tự nguyện làm công việc chuyển bản tiếng Việt Kinh Pháp Cú tạng Pali ra vần lục bát, dù biết mình không phải là thi sĩ hay chuyên gia về Phật học. Mục đích không phải để trình bày thêm một tập ‘thơ’ vì đã có nhiều tập thơ của các tu sĩ hay thi sĩ nổi tiếng. Và cũng vì chúng tôi quan niệm cõi ‘kinh’ và cõi ‘thơ’ là hai cõi khác biệt, không thể nào ‘kinh hoá’ thơ và lại càng không thể ‘thi hóa’ kinh. Đây chỉ là một cố gắng diễn đạt ý kinh với vần điệu lục bát, một thể điệu đặc biệt Việt Nam, đã có ít ra là từ thế kỷ 16 qua bản chứng tích “Cổ châu Pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục” do thiền sư Pháp Tính (1470-1550) dịch ra tiếng Nôm qua thể lục bát, và thể này đã đi sâu vào tâm thức người Việt với cả một kho tàng ca dao, dân ca, hát ru con đã được được đặt nền móng trên thể loại này. Nguyện vọng chính là mong sao đưa được ý kinh vào tâm khảm mọi người một cách dễ dàng với thể loại quen thuộc này, để ý kinh thấm nhuần vào lòng người, càng nhiều người càng tốt, một cách tự nhiên, như câu ca dao hay câu hát ru con. Đồng thời, cũng để diễn đạt ý kinh theo cảm nhận của mình khi đọc bản dịch văn xuôi của Hòa thượng Thích Thiện Siêu.

Phương thức làm việc là chúng tôi cố tìm hiểu, thấm nhuần ý kinh với tầm hiểu biết hạn hẹp của mình và sau đó kiểm lại với bản dịch theo thể kệ 5 chữ của Hòa thượng Thích Minh Châu xem chỗ nào đã có thể hiểu sai lạc hay chưa đúng ý kinh. Như vậy cũng kiểm chứng luôn được sự đồng nhất của ý kinh qua hai bản dịch, một thông qua bản chữ Hán, một trực tiếp từ bản chữ Pali. Sau đó, với tất cả tâm thành, cố gắng chuyển đạt những gì mình lãnh hội, cảm nhận được ra vần lục bát, cố giữ vần qua 423 câu Kinh và 26 phẩm để giữ tánh thuần nhất của quyển Kinh và giúp dễ nhớ toàn bộ Kinh. Và như đã nói, hoàn toàn không chú trọng vào tính ‘thơ’, mà cố gắng diễn đạt cho thật sát với ý kinh, tránh không thêm ý nào khác, dùng những chữ dễ hiểu, thông dụng, mộc mạc với những câu giản dị dùng thường ngày,  trừ khi phải đề cập tới những ý niệm đặc thù của Phật giáo thì giữ nguyên tên gọi, để có thể được truy cứu hoặc diễn giải sâu rộng hơn.

Những lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú thật thực tiễn, dễ ứng dụng trong đời sống đạo đức hàng ngày cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Sau hơn 2500 năm, những lời dạy đó vẫn hiện đại một cách khác thường, khiến cho người đọc có cảm tưởng như đang được Đức Phật giáo hóa trực tiếp trong thời đại này, với những ý tưởng thực dụng, gần gũi, thân thiết, dễ hiểu thì cũng thật dễ hiểu, mà vẫn mênh mông, bao la, đợi chờ những suy tư sâu sắc.

Mong rằng bản chuyển vần lục bát Kinh Pháp Cú này mang được những ý tưởng giáo hoá của Đức Phật tới gần thêm được càng nhiều Phật tử càng tốt. Đó là tâm nguyện của chúng tôi. 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.    

 

Sceaux, năm Canh Tý (2020), tiết Bạch Lộ, Phật lịch 2564

 

Nhuận Tâm Nguyễn Kim Cương



***

facebook-1


***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/08/2015(Xem: 9822)
Tôi về nương bóng Dược Sư Không tìm sức khỏe dôi dư dồi dào Không cầu năng lực nhiệm mầu Không xin thoát khỏi bệnh đau thân này Không khấn nguyện được hên may Không lạy lục để được đầy bình an Không thì thầm, không hỏi han
13/08/2015(Xem: 9611)
Mong sao chớ hóa thành mây, Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. Chỉ mơ hóa kiếp con người, Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ. Lớn khôn biết tự bao giờ?
06/08/2015(Xem: 10736)
Khi mà bạn có Mẹ hiền Chăm lo cho bạn ngày đêm an phần Những gì bạn muốn bạn cần Mẹ hoan hỉ giúp, xả thân chẳng phiền.
06/08/2015(Xem: 9998)
Hôn lên tóc Mẹ bạc nhòa Chín mươi năm lẻ chưa già với Thơ Bóng chiều hương đậm nắng mưa Cho con nguồn sống giữa bờ tử sinh Hôn lên tóc Mẹ yên bình Thơm hương ân nghĩa sinh thành mênh mông
06/08/2015(Xem: 10490)
Tới giờ con phải đi rồi Mẹ ơi con phải đi thôi mẹ à. Khi trong bóng tối nhạt nhòa Bình minh cô tịch hiện ra dịu hiền Mẹ vươn tay xuống giường bên Tìm con bé bỏng. Con bèn thưa mau: “Bé nào còn ở đó đâu!” Mẹ ơi Con phải đi nào còn đây.
30/07/2015(Xem: 7817)
Thơ tôi chết biến làm thân rác mục Đốt thành tro bón lại cỏ bên đường Để ngày ngày tro quyện với hơi sương Cho cỏ tốt dưới chân đi của bạn
29/07/2015(Xem: 9485)
Trước bàn thờ Phật Bóng Từ soi chiếu vô minh Diệu âm Bát Nhã Chúng sinh hồi đầu Chấp tay sen nở nguyện cầu An vui cảnh giới Nhiệm mầu độ sinh
24/07/2015(Xem: 9817)
Mỉm cười không phải là khinh Mỉm cười là để tự mình hiểu thôi Mỉm cười là hiểu xa xôi Mỉm cười là biết nhưng rồi bỏ qua Mỉm cười chấp nhận thứ tha Mỉm cười thông cảm chứ la làm gì Mỉm cười biểu hiện từ bi Mỉm cười như Phật sân si đâu còn Mỉm cười nét đẹp sắt son
24/07/2015(Xem: 9339)
Núi rừng đùa với mây ngàn Chim chao cánh đậu trên tàng cây xanh Mùa về thơm ngát hương lành Ngại ngùng khép mở mấy cành mẩu đơn Ráng chiều đỏ tựa màu son Ngoài vườn tiếng gió từng cơn thổi dài Nắng vàng đón bước chân ai Về đây vui với mấy ngày “Niệm Thân” (2)
21/07/2015(Xem: 12823)
Cõi riêng cửa đóng then cài Không màng những chuyện trần ai Xá chi thắng bại bên đời Mọi điều gác bỏ ngoài tai!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]