Mẹ ơi ! nỗi cảm niềm thương
Con về thăm lại mảnh vườn ngày xưa
Vu Lan, hoa nở dậu thưa
Hương thơm biết mấy nắng mưa tạo thành
Đây rồi, gốc khế gốc chanh
Ươm trời vào đất cho xanh thuở nào.
Bàn tay mẹ xới mẹ cào
Hoai hoai gió thổi bên rào mồng tơi.
Một thời, nhác học ham chơi
Thương con mẹ dạy những lời đằm sâu
Đêm đêm vọng tiếng kinh cầu
Tuy nghèo cơm áo mà giàu nghĩa nhân.
Dạy con một chữ chuyên cần
Hái rau, gánh củi, xoay vần tháng năm.
Con ngồi dưới cội bóng râm
Như nhìn thấy mẹ về thăm mảnh vườn.
DOÃN LÊ
Mẹ vắng, lữ khách tha phương trở lại quê nhà, với bao nhiêu “nỗi cảm niềm thương” người mẹ hiền xưa khôn tìm thấy nữa. May mà làng cũ quê xưa hãy còn đấy mảnh vườn của mẹ.
Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, trở lại quê nhà, thấy được vườn xưa là như thực thấy mẹ hiền:
Mẹ ơi ! nỗi cảm niềm thương
Con về thăm lại mảnh vườn ngày xưa
Vu Lan, hoa nở dậu thưa
Hương thơm biết mấy nắng mưa tạo thành
Đây rồi, gốc khế gốc chanh
Ươm trời vào đất cho xanh thuở nào.
Đấy là thơ “Mẹ Quê” của nhà thơ Ngô Cang
Nhưng khu vườn ấy, hoa thơm quả ngọt ấy và hình tượng người mẹ, dù đích thực là bà mẹ của Ngô Cang, nhưng được khắc họa vào thơ thì đã trở thành bà mẹ chung của mọi người. Ôi! Bao dạn dày mưa nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, biết bao bà mẹ Việt
Bàn tay mẹ xới mẹ cào
Hoai hoai gió thổi bên rào mồng tơi.
Chính những người mẹ lam lũ một nắng hai sương, với tình thương con bao la bàng bạc biển đông, những “chuối ba hương những xôi nếp một”, lại thừa năng lực, bản lãnh đạo đức làm người, mẹ đã uốn nắn con nên người:
Một thời, nhác học ham chơi
Thương con mẹ dạy những lời đằm sâu
Đêm đêm vọng tiếng kinh cầu
Tuy nghèo cơm áo mà giàu nghĩa nhân.
Dạy con một chữ chuyên cần
Hái rau, gánh củi, xoay vần tháng năm.
Không phải mẹ khuyên con tự ti mặc cảm giữ lấy phận nghèo. Mẹ chỉ khuyên dù có nghèo cơm thiếu áo, nhưng hãy sống cho chân chất, cho ra hồn, cho có nghĩa, có nhân. Đừng vì khó khăn, nghèo khổ mà đánh mất đạo lý. Tuy trước mắt cơ cực nhưng chịu khó phấn đấu, chuyên cần chăm chỉ “hái rau, gánh củi…” thì mình vẫn sống được, vẫn tồn tại được. Đó là những lời thật “đằm” thật “sâu” người mẹ đã khắc dấu ấn vào tâm thức vào trái tim người con.
Người con cũng đã chí thú ăn nên làm ra khi biết vâng theo lời bảo ban dạy dỗ của mẹ hiền. Nên hôm nay trở về làng cũ vườn xưa là anh tiếp xúc được ngay với ba hồn chín vía của mẹ, hình ảnh mẹ hiền mồn một, rõ nét trong tâm thức anh. Hai câu cuối của bài thơ Mẹ Quê, Ngô Cang đã nói lên điều ấy.
Con ngồi dưới cội bóng râm
Như nhìn thấy mẹ về thăm mảnh vườn.
HẠNH PHƯƠNG