Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

143. Kinh Giáo Giới Cấp-Cô-Độc

19/05/202011:37(Xem: 9934)
143. Kinh Giáo Giới Cấp-Cô-Độc

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


143. Kinh  GIÁO GIỚI CẤP-CÔ-ĐỘC

( Anàthapindikovàda sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ 

          Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ  – trú qua

              Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na  (1)

       A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka (1) cúng dàng.

 

          Lúc ấy, hàng Cư Sĩ danh tiếng

          Cấp-Cô-Độc (1) bệnh hiện trầm kha

              Thân ông đau nhức tối đa,

       Ông gọi người giúp việc nhà, bảo ngay :

 

    – “ Hãy đến đây, này bạn thân mến !

          Hãy đi đến gặp đấng Phật Đà,

              Sau khi đến, nhân danh ta    

       Cúi đầu đảnh lễ Phật Đà cao minh

          Nơi chân Ngài, rồi trình tự sự :

 

         ‘Bạch Điều Ngự ! Ông Su-Đát-Ta (1)

             (A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka)

       Đang bị trọng bệnh, thật là khổ đau,

          Ông xin được cúi đầu đảnh lễ

    ________________________

 

(1) : Vị Trưởng-giả hộ trì Tam Bảo tích cực nhất, tên thật là ông

       SUDATTA (Tu-Đạt-Đa hay Tu-Đạt) thường được gọi bằng

      danh xưng Cấp-Cô-Độc (Anàthapindika) vì ông thường cấp

      dưỡng cho những người nghèo khổ, cô độc.     Chính ông vì

     lòng kính tin sâu sắc nơi Đức Phật, nên đã mua lại khu vườn

     của Thái-tử Kỳ Đà (Jeta) dâng lên Phật để lập thành Kỳ Viên

    Tinh Xá (Jetavanavihàra).

 

          Bàn chân đấng Thiện Thệ thiết tha’.        

 

              Rồi tiếp tục hãy đi qua  

       Nơi ngài Sa-Rí-Pút-Ta, tức là

          Xá-Lợi-Phất, thưa qua Tôn-giả :

 

         ‘Bạch Tôn-giả ! Ông Tu-Đạt-Đa

              Đang bị trọng bệnh trầm kha  

       Thân bị đau nhức thật là khổ thay !

          Ông cúi đầu lễ ngài chí thiết.

          Thưa Tôn-giả ! Quả thiệt lành thay !

              Nếu như được Tôn-giả đây

       Vì lòng từ mẫn, đến ngay nơi nhà

          Tu-Đạt-Đa tức Cấp-Cô-Độc ”.

 

          Nghe vậy, người nghĩa bộc vâng lời 

              Kỳ Viên Tinh Xá đến nơi

       Yết kiến Phật và chuyển lời như trên.

          Rồi người ấy qua bên tịnh thất  

          Của ngài Xá-Lợi-Phất, buổi trưa

              Đảnh lễ Tôn-giả, rồi thưa

       Nội dung lời dặn để thừa hành ra.  

 

          Ngài Sa-Rí-Pút-Ta im lặng  

          Là cách ngài đã nhận lời đi.

              Rồi ngài mang bát đắp y

       Cùng Tôn-giả A-Nan, vì từ tâm

          Đi đến thăm bệnh vị Phật-tử

          Tại trú xứ Cấp-Cô-Độc này.

              Rồi người nhà thỉnh hai ngài

       Ngồi chỗ soạn sẵn được bày gần bên.

          Tôn-giả trên, Sa-Ri-Pút-Tá

          Bảo Cư Sĩ bệnh đã trầm kha :

        – “ Này Cư Sĩ ! Ta mong là

       Ông hãy kham nhẫn vượt qua bệnh tình,

          Hãy chịu đựng quá trình khổ đó.

          Ta mong rằng khổ thọ giảm đi,

              Không có gia tăng, diên trì ”. 

 

 – “ Kính bạch Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Tà !

          Con không thể nào mà kham nhẫn,

          Con không thể chịu đựng bệnh thân,

              Thống khổ của con mọi phần

       Không hề giảm thiểu, rần rần gia tăng,

 

          Ví như rằng một lực sĩ, cột

          Rồi chém một người khác bay đầu

              Với thanh kiếm sắc bén nào,

       Cũng vậy, những ngọn gió mau kinh hoàng

          Thổi đầu con ngày càng đau nhói.

 

          Thưa Tôn-giả ! Phải nói rõ là

              Con không thể kham nhẫn, và

       Chịu đựng được nữa. Hoặc là ví như

          Một lực sĩ chẳng từ ác ý

          Lấy dây nịt quấn kỹ đầu con

              Nịt này bằng da cứng trơn

       Xiết chặt nịt ở đầu con mạnh vào.

          Cũng vậy, con đau đầu kinh khủng,

          Thưa Tôn-giả ! Con cũng thấy là

              Con không thể kham nhẫn qua,

       Chịu đựng thống khổ mạnh và tăng cao,

          Như người nào làm nghề đồ tể

          Rất thiện xảo, hay đệ tử y

              Cắt ngang bụng con tức thì

       Bằng dao thái thịt của y bén ngời,

          Cũng vậy thời ngọn gió kinh khủng     

          Cắt ngang bụng của con tối đa.

              Thưa ngài Sa-Rí-Pút-Ta !

       Con không thể chịu đựng và nhẫn kham.

          Cơn đau làm gia tăng thống khổ,

          Con vẫn cảm thấy khổ đau nhiều,

              Như hai lực sĩ hai chiều

       Nắm hai tay người yếu xìu, đưa lên

          Nướng y trên hố than hừng hực,

 

          Cũng vậy, có một sức nóng hừng

              Trong con, kinh khủng quá chừng !

       Nên sự thống khổ không ngừng tăng cao, 

          Không thể nào kham nhẫn, chịu đựng ”.

 

    – “ Này Cư Sĩ ! Hãy cứng rắn nào ! 

              Ông hãy học tập như sau :

      ‘Tôi sẽ không chấp thủ vào mắt tôi,

          Không có thức nương nơi con mắt’.

          Hãy học tập như vậy, chú tâm.

              Tiếp theo, học tập âm thầm :

      ‘Tôi sẽ không chấp thủ nhằm tai tôi,

          Không có thức nương nơi tai ấy’.

 

          Hãy học tập như vậy, cùng là   

             ‘Tôi sẽ không chấp thủ qua

       Mũi, lưỡi, thân, ý dù là ra sao,

          Không có thức nương vào thân, ý,

          Và mũi, lưỡi. Học kỹ như vầy.

              Ông cũng hãy học tập vầy :

      ‘Tôi sẽ không chấp thủ ngay dạng hình,

          Không có thức nương hình dạng ấy’.

          Cũng do vậy, học tập như sau :

             ‘Tôi sẽ không chấp thủ vào               

       Tiếng, hương, vị, xúc, pháp nào ở trong,

          Tôi sẽ không có thức nương ỷ

          Sắc, thinh, hương, xúc, vị, pháp nào’.

              Cư Sĩ hãy học tập vào.    

 

       Cũng thế, hãy học tập mau trong lòng : 

         ‘Tôi sẽ không chấp thủ nhãn thức,

          Cả nhĩ, tỷ, thiệt thức – cùng là

              Thân thức, ý thức trải qua,

       Sẽ không có thức nương qua sáu phần :

          Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức’.

          Cư Sĩ hãy tích cực học vầy. 

 

              Cư Sĩ Cấp-Cô-Độc này !

       Hãy nên học tập như đây trong lòng :

         ‘Tôi sẽ không chấp thủ nhãn xúc,

          Cả nhĩ, tỷ, thiệt xúc – cùng là

              Thân xúc, ý xúc trải qua,

       Sẽ không có thức nương qua sáu phần :

          Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc’.

 

          Rồi tiếp tục, hãy học như sau :  

             ‘Tôi sẽ không chấp thủ vào

       Thọ do nhãn xúc bắt đầu khởi trong,

          Tôi sẽ không có thức y cứ

          Vào thọ, tự nhãn xúc khởi ngay’.

 

              Ông hãy học tập như vầy : 

      ‘Sẽ không chấp thủ thọ này nguyên nhân

          Do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc,

          Tôi sẽ không có thức nương vào.

              Thọ do sáu xúc sinh mau’.

 

       Ông cũng hãy học tập vào bên trong : 

         ‘Tôi sẽ không chấp thủ địa giới,     

          Cả thủy & hỏa & phong giới, cùng là

              Hư không giới, thức giới, và 

       Sẽ không có thức nương qua giới này’.

 

          Do như vầy, hãy học đầy đủ :

         ‘Tôi sẽ không chấp thủ sắc, và

              Thọ & tưởng & hành & thức, cùng là

       Sẽ không có thức nương qua uẩn này’.

          Cư Sĩ hãy như vầy học tập.

 

          Tiếp đến, hãy học tập như sau :

             ‘Tôi sẽ không chấp thủ vào

       Hư không Vô biên Xứ dầu ngoài trong,

          Tôi sẽ không có thức y cứ

          Vào Không vô biên xứ nơi này’.

 

              Ông hãy học tập như vầy :

      ‘Tôi sẽ không chấp thủ ngay điều này :

          Thức vô biên Xứ; hay chấp thủ

          Vào Vô sở hữu Xứ, đồng thì

          Tưởng xứ Phi tưởng phi phi,

       Tôi sẽ không có thức y cứ vào

          Các Xứ nào như trên đề cập’.

 

          Cư Sĩ hãy học tập như vầy :

             ‘Tôi sẽ không chấp thủ ngay

       Thế giới khác, thế giới này vào trong,

          Tôi sẽ không có thức nương với

          Vào thế giới này, khác’ như vầy.

 

              Cư Sĩ Cấp-Cô-Độc này !

       Ông hãy học tập điều đây nằm lòng :

         ‘Tôi sẽ không chấp ‘được thấy’ đó,

         ‘Được nghe’, ‘được cảm thọ’ trước sau

             ‘Được nhận thức’, ‘được hy cầu’,         

      ‘Được tư sát’ với ý. Sau đó thì

          Không có thức y vào các pháp,

          Cư Sĩ hãy học tập trải qua ”.

 

              Nghe xong, ông Su-Đát-Ta  

      (A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka) khóc òa.

          Tôn-giả A-Nan-Đa thấy vậy

          Hướng về Cư Sĩ ấy, nói là : 

 

        – “ Cư Sĩ ! Ông đang trải qua

       Gượng lên mà sống, hay là chìm sâu ? ”. 

 

    – “ Tôn-giả ! Không thể nào gượng dậy,

          Con đang thấy chìm xuống, đi xa

              Vượt ra khỏi cõi Ta Bà.

       Dầu con hầu hạ Phật Đà đã lâu,

          Dầu con đã từ lâu kề cận

          Nhiều Tỷ Kheo lậu tận sâu xa

              Tu tập ý lực, nhưng mà

       Con chưa từng được nghe qua pháp này ”.

 

    – “ Cư Sĩ ! Pháp như vầy tế nhị

          Không nói cho Cư Sĩ tại gia,

              Chỉ nói cho hàng xuất gia ”. 

 

 – “ Tôn-giả Sa-Rí-Pút-Ta ! Từ rày   

          Xin hãy thuyết pháp này tối thắng

          Cho Cư Sĩ áo trắng (tại gia),

              Có những Nam tử Thiện gia

       Sanh ra cấu uế nhiễm qua không nhiều

          Nếu không được nghe điều pháp lạc

          Họ sẽ bị đọa lạc trầm kha.

              Nhưng nếu họ được nghe qua

       Chánh pháp, có thể ngộ ra nghĩa mầu ”.                

          Ý cao sâu, hai ngài Tôn-giả

          Giảng dạy cho Trưởng giả đó là

              A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka,

       Sau đó đứng dậy chào và ra đi.

 

          Rồi sau khi hai vị Tôn-giả 

          Là Sa-Ri-Pút-Tá, cùng là

              Vị Tôn-giả A-Nan-Đa

       Hai vị rời khỏi nơi nhà không lâu

          Cấp-Cô-Độc chìm sâu, an nghỉ

          Vị Cư Sĩ này đã từ trần,

              Sanh ngay làm vị Thiên thần

       Cõi Trời Đâu-Suất hưởng phần phước duyên.

 

          Rồi vị Thiên-tử Su-Đát-Tá   

          Tức Trưởng-giả Cấp Cô Độc, và

              Khi đêm gần mãn, hiện ra

       Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na – Kỳ Hoàn  

          Với hào quang rạng ngời chói sáng

          Và dung sắc thù thắng, đến ngay

              Trước Thế Tôn, đảnh lễ Ngài

       Một bên liền đứng gần Ngài, thốt ra :

 

       “ Rừng thiền Chê-Tá-Va-Na

       ‘ Phước lành, tốt đẹp tinh hoa muôn phần

       ‘ Được Chư Thiên và Chúng Tăng

       ‘ Lui tới, an trú, nghiêm thân tu trì,

       ‘ Được đấng Pháp Vương trụ trì

       ‘ Biết bao hoan hỷ mọi thì cho ta.

 

       ‘ Nghiệp minh, chánh pháp sâu xa

       ‘ Tối thượng sinh mạng cùng là Giới đây,

       ‘ Chính nhờ các pháp như vầy

       ‘ Khiến chúng sinh khắp được đầy tịnh thanh.

       ‘ Không do giai cấp sẵn dành,

       ‘ Không phải do tài sản sanh nơi này.

 

       ‘ Do vậy, bậc Hiền-giả đây

       ‘ Thấy rõ mục đích thẳng ngay của mình,

       ‘ Suy tư chân chánh pháp minh,

       ‘ Có được thanh tịnh an bình ở đây.

 

       ‘ Như Sa-Ri-Pút-Ta ngài

       ‘ Tịch tịnh, tuệ, giới đủ đầy, thanh cao.

       ‘ Bất luận vị Tỷ Kheo nào

       ‘ Hãy đạt được tối thắng, vào bờ bên

       ‘ Trong những pháp đã kể trên.

      (‘ An tịnh giải thoát vững bền chẳng lay) ”.

 

          Thiên tử này, tức Cấp Cô Độc 

          Sau khi đọc bài kệ ngôn xong,

              Được bậc Đạo Sư tán đồng,

       Thiên tử nghĩ : “ Phật tán đồng ta đây ! ”.

          Chí thành đảnh lễ Ngài Điều Ngự

          Vị Thiên-tử hữu nhiễu quanh Ngài

              Rồi biến mất tại chỗ ngay.

 

       Sau đó, Đức Phật khi ngày mới lên

          Gọi Chúng Tăng đến bên, kể rõ :

 

    – “ Đêm qua có một vị Thiên thần 

              Khi đêm gần mãn, hiện thân

       Hào quang tỏa chiếu sáng ngần Kỳ Viên

          Vị Chư Thiên dung sắc thù thắng

          Đã đến thẳng trước mặt Như Lai

              Đảnh lễ Ta, rồi nói ngay

       Bài kệ tán thán nơi này : Kỳ Viên ”.

          Rồi Phật liền kể lại tất cả

          Những gì Thiên-tử đã nói ra

              Tán thán Giáo Pháp cao xa,

       Tán thán Phật Bảo, Tăng-Già nghiêm uy,

          Tán dương cả Sa-Ri-Pút-Tá.

          Khi Thiên-tử này đã nói xong

              Biết Như Lai cũng tán đồng,

       Đảnh lễ, hữu nhiễu với lòng kính tin

          Rồi thình lình biến ngay tắp lự.

 

          Nghe tự sự, Tôn-giả A-Nan 

              Liền bạch đức Thế Tôn rằng :

 – “ Bạch Phật ! Có phải là hàng Chư Thiên  

          Vị ấy nguyên là Su-Đát-Tá

          Tức Trưởng-giả Cấp Cô Độc này ?

              Bạch Thế Tôn ! Cư Sĩ đây

       Có lòng tịnh tín chẳng lay mọi thì

          Với Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Tá

          Sự kính tin Tôn-giả sâu xa ”.

 

        – “ Lành thay ! Này A-Nan-Đa ! 

       Những gì có thể đạt qua do từ

          Sự suy tư đã được đạt đến

          Vị Thiên-tử xuất hiện sáng lòa

              Chính là ông Tu-Đạt-Đa

       A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka Thiên thần ”.

 

          Đức Thế Tôn tự thân thuyết giảng

          Về sự kiện viên mãn liên quan

              Chúng Tăng cùng ngài A-Nan

       Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-

 

   Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

(  Chấm dứt Kinh số 143 :  GIÁO GIỚI CẤP CÔ ĐỘC  –  ANÀTHAPINDIKOVÀDA  Sutta  )  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/08/2024(Xem: 2170)
Thơ Chuyển Ngữ - Khu vườn của Mẹ tôi - My Mother's garden
17/08/2024(Xem: 2369)
Gió lộng mưa giăng tháng Bảy về, Xa rồi bóng Mẹ… những ngày thê. Âm thầm sinh dưỡng như trời bể Lặng lẽ chan hòa tựa thủy khê. Chịu thiệt nuôi con nào lúc kể, Sống hiền với xóm chẳng đường chê. Nhà không Người, vắng tìm đâu dễ, Nhận cả ân thâm, hiếu nghĩa kề.
16/08/2024(Xem: 1854)
Phiền não tụ hội thành năng lực tạo khổ đau. Đây chính là nguồn gốc các nỗi đau đời người. Khi nhận thức bản chất của khổ rõ ràng rồi, Ta mới có thể đoạn tận lần hồi sầu đau. *** Nguyên nhân khổ, chính là THAM ÁI bám luôn. Không thỏa mãn dục lạc, tâm thường rứt ray. Vô minh: nguyên nhân sâu sắc cho điều này. Nên đối tượng lạc thú hàng ngày khó xa.
15/08/2024(Xem: 2018)
Hoa tàn hoa lại nở Triều xuống lại triều cường Âm với dương đắp đổi Đời là chuỗi vô thường Sương mai đầu ngọn cỏ Lấp lánh dưới vầng dương
14/08/2024(Xem: 2005)
Càng thêm tuổi đời, càng cảm nhận sâu sắc ! Tuy khoảng cách địa lý dẫu xa, nhưng tình thương của Mẹ vẫn đong đầy Từng câu niệm Phật, lời khấn nguyện vào mỗi sớm mai Vẫn là hậu phương vững chắc, để đồng hành cùng con phụng hiến!
13/08/2024(Xem: 1827)
Vì Tham: sinh ra lắm chuyện thật đau đầu. Cha mẹ, con cái xung đột nhau: chuyện thường. Đi xa, gửi nhà con giữ, nó bán luôn. Nước ngoài, nhờ mua đất, gạt lường lấy ngay.
13/08/2024(Xem: 1315)
Cố quên lại khiến nhớ nhiều hơn Nhìn đâu cũng thấy nỗi cô đơn Trốn vào dĩ vãng trôi ngày tháng Mượn Phật kinh nhận biết thiệt hơn. Quên là thôi nghĩ chuyện đau buồn Dẫu lòng chất nặng khổ chưa buông Nhờ tiếng mõ chuông tiêu nghiệp cũ Mượn thời gian phai nhạt nguồn cơn.
12/08/2024(Xem: 1203)
Đêm mơ, mơ nhớ về cố hương Nhớ mái tranh nghèo đậm tình thương Cây táo già trước sân che nắng Bên hè hoa dại xinh bông trắng.
10/08/2024(Xem: 2396)
Chúng tôi trình bày phần dưới đây vì muốn người đọc thơ cần phải hiểu sơ qua về niêm luật thơ. Vì hiểu niêm luật, khi đọc thơ, thấy đúng niêm luật mới thấy thú vị và hứng khởi để đọc tiếp. Trước khi vào phần niêm luật, xin được ghi:
09/08/2024(Xem: 2682)
Thành tâm Khánh Tuế thập phương Tăng Ba tháng an cư pháp Phật hoằng Chuyển vận bi nguyền xây đạo sáng Truyền trao tuệ nguyện dựng đời an
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]