Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

117. Đại Kinh Bốn Mươi

19/05/202011:29(Xem: 9291)
117. Đại Kinh Bốn Mươi

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


117. Đại Kinh BỐN MƯƠI

( Mahàcattàrìsaka sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, đức Thế Tôn Thiện Thệ 

          An trú tại Xá-Vệ thành này

              Sa-Vát-Thí  cũng là đây

       Kỳ Viên Tinh Xá  hôm mai tịnh, hòa

          Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná    (1)

          Cấp-Cô-Độc Trưởng giả tín gia

             (A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka)   (2)

       Tín thành dâng đến Phật Đà trước đây.

 

          Tại nơi này Ngài gọi Tăng Chúng :

    – “ Này Tăng Chúng ! Hãy khéo nghe đây ”.

 

              Chư Tỷ Kheo tại nơi này

       Vâng đáp lời Phật. Rồi Ngài thuyết ngay :

 

     – “ Các Tỷ Kheo ! Như Lai sẽ giảng

          Thánh Chánh Định viên mãn, uyên nguyên

              Cùng các tư trợ, cận duyên

       Hãy lắng nghe, suy nghiệm xuyên suốt liền ”.  

 

    – “ Thưa vâng, bạch Phước điền Điều Ngự ! ”. 

 

    – “ Chư Phích-Khú ! Thánh chánh-định nguyên

              Thế nào với các cận duyên

       Và các tư trợ tương liên mọi thì ?

    ______________________________

 

(1) & (2) : Tinh Xá Kỳ-Viên – Jetavana-Vihàra, do Trưởng-giả

             Cấp-Cô-Độc ( Anathapindika ) dâng cúng đến Đức Phật. 

 

          Chính là chánh-tư-duy, chánh-kiến,

          Chánh-ngữ thiện, chánh-nghiệp – cùng là

              Chánh-mạng, chánh-tinh-tấn – và

       Cùng với chánh-niệm, trải qua âm thầm.

 

          Các Tỷ Kheo ! Nhất tâm nào đó

          Được tư trợ với bảy chi phần

              Là Thánh chánh-định chánh chân.

       Cùng các tư trợ, các phần cận duyên.

 

(Chánh Kiến)

 

          Các Tỷ Kheo ! Đầu tiên : Chánh kiến

          Sao chánh kiến lại đi hàng đầu ?  

              Tuệ tri tà kiến trước sau

       Cũng là tà kiến duyên sâu nghiệp tà.

          Tuệ tri chánh kiến là chánh kiến,

          Như vậy là chánh kiến vị này.

              Sao là tà kiến điều đây ?

       Không bố thí cũng không hay cúng dường,  

          Không tế tự, không tường quả báo

          Các nghiệp thiện ác đạo mình gây,

              Không có đời khác, đời này,

       Không có cha mẹ, không rày hóa sinh,

          Cũng không tin đời này có các

          Phạm-chí hoặc Sa-môn tu hành

              Chánh hướng, chánh hạnh nghiêm minh,

       Có thượng trí và tự mình có nên

          Chứng đạt, tuyên bố lên như vậy.

 

          Các Tỷ Kheo ! Kẻ ấy chính là

              Người có tà kiến xấu xa.

       Các Tỷ Kheo ! ‘Chánh kiến’ là sao đây ?

          Phải hiểu vầy : Hai loại chánh kiến        

          Loại chánh kiến hữu lậu này thì

              Thuộc phước báo, quả sanh y.

       Một loại chánh kiến thuộc vì Thánh nhân

          Là vô lậu, xuất trần siêu thế

          Thuộc đạo chỉ vi tế, thanh cao.

 

              Này các Tỷ Kheo ! Thế nào

      ‘Chánh-kiến hữu-lậu’ thuộc vào phước ni ?

          Đưa đến quả sanh y – được chỉ

          Có bố thí, có sự cúng dường,

              Có sự tế tự thường thường,

       Có quả báo thiện, ác đường nghiệp đây,

          Có đời này đời khác, cha mẹ,

          Và rành rẽ có loại hóa sanh,

              Có các Sa-môn tịnh thanh,

       Có các Phạm-chí hạnh lành chánh chân

          Cùng chánh hướng, với phần thượng trí

          Tự mình chứng đạt vị đời này

              Đời khác, rồi nói ra lời.

       Chánh kiến hữu lậu này thời là danh

          Thuộc phước báo, dẫn sanh y quả.

 

          Các Tỷ Kheo ! Hoặc giả thế nào

              Chánh kiến bậc Thánh thuộc vào ?

       Vô lậu, siêu thế thanh cao mọi bề

          Và thuộc về đạo chỉ như thế ?

 

          Các Tỷ Kheo ! Phàm hễ cái gì

              Thuộc trí tuệ, các giác-chi

       Tuệ căn, tuệ lực hành trì uy nghi

          Cùng trạch-pháp-giác-chi, chánh kiến

          Đạo chỉ hiện một vị tu hành

              Thánh đạo, thành thục tinh anh

       Trong Thánh đạo, có tựu thành Thánh tâm

          Và có vô-lậu-tâm tròn đủ.

          Chư Phích Khú ! Như vậy thuộc liền

              Bậc Thánh vô lậu, siêu nhiên.

 

       Những ai tinh tấn cần chuyên diệt phần

          Tà kiến, thành tựu phần chánh kiến

          Là biểu hiện ‘Chánh-tinh-tấn’ này.

              Cũng vậy, một khi vị đây

       Chánh niệm để đoạn diệt ngay kiến tà

          Chánh niệm đạt được và an trú

          Vào chánh kiến đầy đủ như vầy,

              Là ‘chánh niệm’ của vị này. 

       Các Phích-Khú ! Ba pháp này chạy theo 

          Chạy vòng theo, tức là chánh kiến,

          Chánh tinh tấn, chánh niệm như vầy.

 

(Chánh Tư Duy)

 

              Này các Tỷ Kheo ! Ở đây

       Đi đầu là chánh kiến này. Vì sao ?

          Như thế nào đi đầu chánh kiến ?

          Tuệ tri chuyện tà tư duy thì

              Nó chính là tà tư duy,

       Còn tuệ tri chánh tư duy, chính là

          Chánh tư duy – Đó là chánh kiến.

 

          Sao biểu hiện là tà tư duy ?

              Dục tư duy, sân tư duy,

       Hại tư duy nữa, mọi thì có ra

          Chính là tà tư duy gồm đủ.

 

          Các Phích-Khú ! Còn chánh tư duy, 

              Thế nào là chánh tư duy ?

       Ta nói có chánh tư duy hai phần :

          Chánh tư duy thuộc phần hữu lậu

          Thuộc phước báo, đến quả sanh y.

              Còn có loại chánh tư duy

       Thuộc bậc Thánh vô lậu thì thanh cao

          Siêu thế và thuộc vào đạo chỉ.

 

          Sao là vị có chánh tư duy ?

              Hữu lậu, dẫn quả sanh y,

       Thuộc về phước báo ? Chính ly dục này,

          Vô sân hay tư duy bất hại,

          Thời như vậy là chánh tư duy

              Hữu lậu, dẫn quả sanh y,

       Thuộc phước báo. Còn tư duy chánh nào

          Thuộc bậc Thánh thanh cao, vô lậu,

          Siêu thế, đạo chỉ ấy tư duy.

 

              Các Tỷ Kheo ! Phàm cái gì

       Thuộc suy tư, tâm cầu, vì tư duy

          Ngữ hành chi do chú tâm tới,

          Chuyên tâm với một vị tu trì

              Thánh đạo, thuần thục đường ni

       Có tâm-vô-lậu, đồng thì Thánh tâm.

          Nói không lầm : Tư duy như thế

          Thuộc bậc Thánh, siêu thế, an như.

 

              Những ai tinh tấn đoạn trừ

       Tà tư duy và chánh tư duy này

          Được thành tựu, như vầy đích thị

          Chánh tinh tấn của vị ấy đây.

              Ai chánh niệm đoạn trừ ngay

       Tà tư duy, chánh niệm này đạt xong

          An trú trong chánh tư duy ấy

          Thời như vậy là chánh niệm rồi !

              Như vậy, ba pháp chẳng rời

       Chạy theo chánh tư duy, thời gọi qua :

          Chánh kiến và chánh tinh tấn ấy

          Cùng chánh niệm, cứ mãi duyên theo.

 

(Chánh Ngữ)

 

              Ở đây, này các Tỷ Kheo ! 

       Đi đầu chánh kiến, duyên theo dần dà :

          Tuệ tri tà ngữ là tà ngữ

          Và chánh ngữ là chánh ngữ ngay

              Là chánh kiến của vị này.

       Sao là tà ngữ ?  – Những ai dùng lời

          Nói dối trá, nói lời hai lưỡi,

          Lời mắng chửi (ác khẩu xấu xa)

              Nói lời phù phiếm, ba hoa…

      Các Tỷ Kheo ! Đó là tà ngữ sâu.

         Còn thế nào là chánh ngữ vậy ?

         Ta nói có hai loại cần tri :

             Chánh ngữ hữu lậu thực thi

       Thuộc phước báo, quả sanh y đưa về.

 

          Còn vấn đề chánh ngữ vô lậu

          Thuộc bậc Thánh toàn hảo tròn đầy,

              Siêu thế, thuộc đạo chỉ này,

       Cái gì từ bỏ, dứt ngay, xa rời

          Bốn ác ngữ đó, thời đích thị

          Đối với vị Thánh đạo tu chuyên,

              Thuần thục trong Thánh đạo tuyền,

       Có tâm vô lậu, có Hiền thánh tâm,

          Nói chẳng lầm đó là chánh ngữ

          Thuộc Thánh dự vô lậu, siêu trần.

              Những ai đoạn trừ tinh cần      

       Các ác tà ngữ, tựu thành lời chân

          Đó là phần chánh-tinh-tấn đấy

          Của vị ấy. Chánh niệm đoạn trừ

              Tà ngữ – chánh ngữ an như

       Đạt và an trú, thời như vậy là

          Chánh niệm của vị mả tu tập

          Và ba pháp cứ chạy theo hoài,

              Chạy vòng theo chánh ngữ này

       Tức chánh kiến, chánh niệm và thứ ba

          Chánh tinh tấn (cả ba pháp ấy).

 

(Chánh Nghiệp)

 

          Và ở đấy, này các Tỳ Khưu !

              Chánh kiến luôn đi hàng đầu.

       Sao chánh kiến lại đi đầu trải qua ?

          Tuệ tri tà nghiệp là tà nghiệp,

          Biết chánh nghiệp là chánh nghiệp ngay,

              Là chánh kiến của vị này.

 

       Sao là chánh nghiệp ? Như Lai nói rằng

          Có hai loại thuộc phần chánh nghiệp

          Là chánh nghiệp hữu lậu, phước dày

              Đưa đến quả sanh y ngay,

       Chánh nghiệp thuộc bậc Thánh đầy tinh hoa

          Vô lậu và siêu thế, đạo chỉ.

          Cái gì thuộc dứt kỹ, trừ nhanh

              Viễn ly ba thân ác hành

       Thời đối với vị tu hành tịnh thanh

          Thánh đạo, thành thục, rành Thánh đạo,

          Có Thánh tâm, vô-lậu-tâm phần

              Là chánh nghiệp bậc xuất trần,

       Vô lậu, siêu thế, Thánh nhân thuần từ.       

          Ai tinh tấn đoạn trừ tà nghiệp

          Cùng thành tựu chánh nghiệp ; như vầy

              Là chánh-tinh-tấn vị này.

       Ai chánh niệm, đoạn trừ ngay nghiệp tà

          Chánh niệm đạt được và an trú

          Trong chánh nghiệp, thực thụ điều đây

              Là chánh niệm của vị này.

       Như vậy ba pháp theo hoài, dính đeo

          Chạy vòng theo chánh nghiệp bất biến

          Là chánh kiến, chánh tinh tấn, và 

              Chánh niệm – tròn đủ cả ba.

 

( Chánh Mạng)

 

       Các Tỷ Kheo ! Phải hiểu qua thế nào

          Chánh kiến đi hang đầu ? Biết rõ

          Tà mạng đó là tà mạng ngay,

              Chánh mạng là chánh mạng vầy,

       Đó là chánh kiến vị này hằng theo.

 

          Các Tỷ Kheo ! Sao là tà mạng ?   

          Lừa đảo, nói dưới dạng điêu ngoa

              Hiện tướng xảo trá, gian tà

       Lấy lợi cầu lợi – là tà mạng ngay.

          Còn ở đây, sao là chánh mạng ?

          Có hai loại : một hạng tường tri

              Chánh mạng hữu lậu hữu vi

       Thuộc phước báo, quả sanh y đưa vào.

          Vị Thánh đệ tử nào trừ đoạn

          Tà mạng, nuôi sống mạng chánh chân,

              Chánh mạng hữu lậu thuộc phần.

       Chánh mạng vô-lậu Thánh nhân thuộc về

          Siêu thế, thuộc một bề đạo chỉ  

          Cái gì chỉ từ bỏ, dứt đi,

              Từ khước, tà mạng viễn ly

       Đối với tu tập một vì kính tuân

          Theo Thánh đạo và thuần thánh đạo,

          Có vô-lậu-tâm với thánh-tâm.

              Những ai nỗ lực, tinh cần

       Đoạn trừ tà mạng, tự thân tựu thành

          Chánh mạng lành – là chánh tinh tấn,

          Ai chánh niệm, tà mạng diệt ngay,

              Chánh niệm đạt được đủ đầy

       An trú chánh mạng như vầy chỉ ra

          Ba pháp mà chạy theo chánh mạng :

          Chánh kiến, chánh tinh tấn, cùng là

              Chánh niệm – cả thảy là ba.  

 

(Đại pháp môn Bốn Mươi)

 

       Các Tỷ Kheo ! Như vậy là trước sau

          Chánh-kiến đi hàng đầu, cùng tiến

          Sao chánh kiến đi đầu mọi thì ?

              Do nó mà chánh-tư-duy

       Khởi lên. Do chánh tư duy tiếp liền

          Chánh-ngữ được khởi lên. Tương tự

          Do chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên.

              Rồi chánh-mạng được khởi lên

       Do chánh nghiệp đó. Khởi lên tiếp phần

          Chánh-tinh-tấn là do chánh mạng.

          Do tinh tấn chân chánh, cho nên

              Chánh-niệm đã được khởi lên.

       Do chánh niệm được khởi lên tiếp liền

          Mà chánh-định khởi lên thuận lợi

          Chánh-trí với chánh-định khởi lên.

              Chánh-giải-thoát được khởi lên

       Do từ chánh trí, nêu tên đủ đầy.

 

          Các Tỷ Kheo ! Như vầy đạo lộ

          Của vị hữu-học đó trải qua

              Gồm có tám chi phần, và

       A-La-Hán đạo lộ là mười chi.

 

          Sao chánh kiến lại đi đầu vậy ?

          Tà kiến thảy do chánh kiến mà

              Làm cho đoạn diệt, tiêu ma.

       Ác bất thiện pháp được tà kiến kia

          Đã duyên khởi – đoạn lìa, diệt nó.

          Trong vị có chánh kiến tuệ tri

              Và những thiện pháp duy trì

       Được chánh kiến duyên khởi thì pháp trên

          Được tu tập, trở nên viên mãn.

          Tà-tư-duy bị đoạn diệt vì

              Chính do từ chánh-tư-duy.

 

       Tà-ngữ do chánh-ngữ ni diệt liền,  

          Tà-nghiệp thì do duyên chánh-nghiệp

          Làm tiêu diệt. Tà-mạng cũng vầy

              Do chánh-mạng tiêu diệt ngay.

       Rồi chánh-tinh-tấn ở đây diệt liền

          Tà-tinh-tấn. Cần chuyên chánh-niệm

          Làm tiêu diệt tà-niệm đêm ngày.

              Chánh-định diệt tà-định này,

       Do chánh-trí làm diệt ngay trí tà.

 

          Các Tỷ Kheo ! Còn tà-giải-thoát

          Thì do chánh-giải-thoát diệt qua.

              Những bất thiện pháp ác tà

       Được duyên khởi bởi : hoặc tà-tư-duy, 

          Hoặc tà ngữ, hoặc vì tà nghiệp,

          Hoặc tà mạng, hoặc tiếp theo là

              Tà tinh tấn, tà niệm, và

       Tà định, tà trí, hoặc là kể ra

          Tà giải thoát… đều là duyên khởi

          Bị diệt bởi chân chánh thực thi

              Của hai mươi phần hành trì :

 

       Là chánh kiến, chánh tư duy, cùng là

          Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh tiến,

          Chánh niệm, chánh định, khiến có ngay

              Chánh trí, chánh giải thoát này,

       Với người chân chánh đủ đầy điều trên,

          Các thiện pháp khởi lên do sự

          Pháp tuần tự cần hành trên đây

              Được phát triển và tròn đầy.

 

       Do đó, các Tỷ Kheo này ! Chánh chân

          Có hai mươi thiện phần chân thật

          Hai mươi bất thiện phần hại thay.

              Đại pháp môn Bốn Mươi này

       Đã được chuyển bvận không rày bị ngăn,

          Bị chận đứng bởi nhân một vị

          Sa-môn hay Phạm-chí, Thiên, Ma,

              Phạm Thiên hay cõi người ta.

 

       Nếu có Phạm-chí hay Sa-môn nào

          Nghĩ tào lao : ‘Đại pháp môn đó

         (Đại pháp môn gồm có Bốn Mươi)

              Đáng bị phê bình nặng lời,

       Đáng bị phỉ báng’. Thì nơi hiện thời

          Mười thuận thuyết hay mười tùy thuyết

          Hợp pháp, được chi tiết nói lên

              Để chỉ trích người ấy liền.

       Nếu Tôn-giả chỉ trích trên đồng thời

           Chỉ trích đó là người chánh kiến

           Các Sa-môn tà kiến, lầm đường

               Tôn-giả ấy đáng cúng dường,

       Đáng được ca tụng, tán dương hết lời.

 

          Nếu Tôn-giả ấy thời chỉ trích

          Chánh tư duy hay chánh ngữ lời,

              Chánh nghiệp, chánh mạng đồng thời

       Chánh tinh tấn, chánh niệm rồi thiền-na

          Chánh định và chánh trí, giải thoát

          Các Sa-môn hay các Bàn-môn

              Có tà tư duy, tà ngôn,

       Tà nghiệp, tà mạng cùng tinh tấn tà,

          Tà định, tà trí, tà giải thoát…

          Các Bà-la-môn, các Sa-môn  

              Có các tà ấy bảo tồn

       Thời Tôn-giả ấy đáng tôn, cúng dường,

          Đáng tán dương. Này chư Xuất-Sĩ !

 

          Nếu Sa-môn, Phạm-chí nào thời

              Nghĩ Đại pháp môn Bốn Mươi

       Đáng bị phỉ báng, đáng lời chê bai

          Thời ngay hiện tại này, đặc biệt  

          Mười thiện thuyết hợp pháp nêu lên

              Để chỉ trích người ấy liền.

 

       Này các Phích-Khú ! Hãy nên biết là

          Dân chúng ở Úc-Ka-Lá ấy      (Ukkala)

          Hoặc ở tại Vát-Sá, Phan-Na    (Vassa, Bhanna)

              Theo vô-nhân-luận, hoặc là

       Theo vô-tác-luận, hoặc là hư-vô  

          Họ cũng không hồ đồ nghĩ quẩn

          Đại pháp môn này vẫn đáng chê,

              Đáng bị chỉ trích nặng nề,

       Hay đáng phỉ báng. Vấn đề ở đây

          Vì sao vậy ? Vì ngay chính họ

          Sợ quở trách, phẩn nộ, phản công

              Vì họ tự biết thật lòng

       Đó là chân lý, khó mong đổi dời ”.

 

          Nghe những lời Thế Tôn thuyết giảng 

          Pháp Bốn Mươi viên mãn, vẹn toàn

              Chư Tỷ Kheo trong đạo tràng

       Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*   *

 

( Chấm dứt Kinh số 117 :  BỐN MƯƠI  –

MAHÀCATTÀRÌSAKA  Sutta )

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/04/2012(Xem: 11736)
Bài này khuyết danh và có niên đại khoảng năm 1950, HT Thích Như Điển đã đọc cho Hạnh Tuệ chép lại để lưu truyền.
26/04/2012(Xem: 10819)
Thôi em hãy cứ phiêu bồng, Để ta kiết giới tu đông một mình, Soi gương đối diện bóng hình, Đập gương chợt thấy mông mênh đất trời
26/04/2012(Xem: 11851)
Bao la biển rộng sông dài. Tháng Tư ấm đậm tình người Việt Nam Lũy tre hiện mái chùa làng...
26/04/2012(Xem: 7264)
Tu không đòi hỏi cấp bằng Tu không đòi hỏi lăng xăng suốt ngày Tu không đòi hỏi trường chay Tu không cần phải suốt ngày kệ kinh Tu là phải biết soi mình Xét suy tội lỗi nhẹ khinh não phiền
22/04/2012(Xem: 6708)
Xuân tha phương nhớ quê nhà da diết Nhớ ngôi chùa từng sinh hoạt ngày xưa Chùa Pháp Bão chuyên tu học sớm trưa Đã gắn bó mười năm dài tu tập
18/04/2012(Xem: 12433)
Dòng sông êm ả, bóng trăng thơ Nhành liễu rũ ngang mơ gió đùa Chèo xa thấp thoáng ai khua nước
17/04/2012(Xem: 11307)
Lumbini…! Sáng nao bình minh xanh lấp lánh Rừng cây reo, chim muôn cành xào xạc Khấp khởi nắng vàng, rộn rã nghìn hoa
13/04/2012(Xem: 11701)
Thi ca là sự trở mình của cảm xúc, công án bằng thi ca là sự đánh động, chạm thẳng vào tâm thức, tạo thành một thứ năng lượng cho giác ngộ vụt khởi.
10/04/2012(Xem: 15241)
Đức Phật Đản Sanh qua thi phẩm Ánh Sáng Á Châu của Edwin Arnold - Trần Phương Lan dịch và chú giải
21/03/2012(Xem: 10497)
Khi vắng -- anh nhớ em Không nhớ tóc thơm mềm Không vì môi hồng thắm Cũng không do hiền diệu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]