Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nguyên Đạo Văn Công Tuấn Giới Thiệu Sách Mới tại Viên Giác 27.06.2019

30/06/201905:26(Xem: 12622)
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn Giới Thiệu Sách Mới tại Viên Giác 27.06.2019
Nguyên Đạo Văn Công Tuấn
Giới Thiệu Sách Mới tại Viên Giác 27.06.2019
 

Các tác phẩm giới thiệu:

  1. Đặc San Văn Hóa Phật Giáo – 40 Năm Viên Giác Đức Quốc. Nhiều Tác Giả, Phù Vân & Nguyên Đạo chủ biên. Viên Giác Tùng Thư xuất bản 2019
  2. Thích Như Điển: Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa. Viên Giác Tùng Thư xuất bản 2019
  3. Vằng vặc một mảnh lòng. Nguyễn Hiền-Đức sưu tập. Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2019

***

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa tất cả chư quan khách, chư thiện hữu và đồng hương.

Vâng lời Chư Tôn Thiền Tăng của Tổ đình Viên Giác Đức quốc và theo sự phân công của Ban Tổ chức, chúng con/ chúng tôi xin được tiếp tục Phần Giới Thiệu tác phẩm mới.

Thưa liệt quý vị,

Hôm nay chúng ta cùng vui mừng vân tập về đây là để chào mừng 3 sự kiện quan trọng của PGVN tại nước Đức trong năm 2019. Ấy là:

Thứ nhất là Lễ Khánh Tuế 70 tuổi của Hòa Thượng Phương Trượng. Xin thưa thêm là, chữ khánh tuế là cách nói văn hoa, là nói chữ, nói cho sang, thông thường mình vẫn gọi là mừng sinh nhật (tuy chữ tuế với ý trònnăm thì thích hợp với chúng ta hơn là chữ nhật chỉ mộtngày thôi).

Thứ hai là Lễ Kỷ niệm 40 Năm thành lập Chi Bộ GHPGVNTN tại CHLB Đức. Ta nói Lễ Kỷ niệm 40 năm là cách nói trang trọng cho một tổ chức quan trọng, mình vẫn cứ có thể gọi là mừng sinh nhật, sinh nhật 40 tuổi của Chi Bộ.

Thứ ba là Lễ Kỷ niệm 40 năm xuất bản tờ báo Viên Giác - Chủ nhiệm: HT Thích Như Điển. Chủ bút đến nay có 3 vị. Đầu tiên là chính HT, sau đó ông Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp đảm nhận trong 10 năm; và suốt từ 1995 đến nay (đã 25 năm) là ông Phù Vân Nguyễn Hòa. Kỷ niệm 40 năm thì cũng là mừng sinh nhật. [Nhưng xin lưu ý là sinh nhật của tờ báo chứ không phải sinh nhật 40 tuổi của ông chủ bút Phù Vân đâu nhé].

Tờ báo Viên Giác đầu tiên ra đời vào năm 1979, đến nay (6/2019) đã xuất bản liên tục 231 số - một con số kỷ lục. Đây cũng là một sự kiện vô cùng quan trọng. Tại sao? Vì từ trước đến nay chưa có tờ báo nào ở hải ngoại có tuổi thọ cao như thế. Thưa quý vị: Tờ báo Viên Giác này là một ngoại lệ - một ngoại lệ có một không hai trong lịch sử báo chíngười Việt ở hải ngoại.

Để chào mừng các dịp này, Chùa Viên Giác phát tâm ấn tống 3 bộ kinh lớn và cho xuất bản 3 tác phẩm văn học. Đó là nhân duyên!

Vậy mà lạ thật. Nhân duyên là chào mừng sinh nhật. Tức: mình là khách mời đến dự sinh nhật. Khách đến dự sinh nhật mà lại được nhận quà. Sướng không? Quà sách. Lại là những sách hay. Đúng là 1 chuyện xưa nay hiếm có.

Vừa rồi thi sĩ Đan Hà đã giới thiệu cuốn „Còn đó những tinh anh“ của tác giả Phù Vân,  là tác phẩm tưởng nhớ, hoài niệm về các cộng tác viên của báo Viên Giác đã vĩnh viễn ra đi. Bây giờ chúng tôi xin phép đi lần lượt vào ba cuốn còn lại.

 

=>(Tác phẩm đầu là cuốn „Đặc San Văn Hóa Phật Giáo - 40 Năm Viên Giác Đức Quốc“

Tác phẩm này có 560 trang, in màu, với sự cộng tác của 39 tác giả, cộng thêm 3 họa sĩ, 2 nhiếp ảnh gia.  Tác phẩm chuyên chở 34 bài khảo luận, sáng tác văn học và gần 40 bài thơ nằm trong 9 trang thơ, cộng thêm một số phụ bản bằng tranh vẽ hay hình chụp.

40 nam bao vien giac (3)40 nam bao vien giac (34)40 nam bao vien giac (35)40 nam bao vien giac (36)40 nam bao vien giac (37)(Xem thêm hình ảnh)

Người khởi xướng cho việc xuất bản cuốn Đặc San này không ai khác hơn là ông chủ bút Phù Vân. Vì đa đoan Phật sự nên anh kéo tôi phụ vào để  góp thêm chút phần công quả.  Trong quá trình dàn dựng nội dung, chọn bài viết thích hợp… chúng tôi đã dựa theo các tiêu chuẩn đã được đề cập trong thư kêu gọi. Riêng về mục thứ ba (tức phần C) của Đặc San là viết về 40 năm Viên Giác và hành trạng của HT Phương Trượng thì đã có nhiều bài gởi đến nhưng ý tưởng trùng nhau, lặp lại những chi tiết như nơi sinh, xuất gia, du học, hành đạo v.v. của HT – chuyện ấy cũng dễ hiểu thôi. Trong trường hợp này, chúng tôi nhắm đến bài viết nào có tính bao quát, có thông tin mới và thực tế để độc giả hiểu rõ hơn các sinh hoạt thường nhật của nhà chùa. Mà xin thưa thật với quý vị, sau khi ĐĐ Thích Hạnh Giới gởi cho bài „40 Năm hoằng pháp của Thầy Tôi“ thì chúng tôi biết rằng, không có bài viết nào có thể viết xác thực và tình cảm hơn về đề tài này nữa. Vì sao? Vì có ai gần gũi và hiểu Thầy bằng người học trò nhiều năm thân cận này. Nhân nhắc đến việc này, chúng tôi cũng xin phép kể thêm chút chi tiết vui.

Chúng tôi đã nhận bài viết dài 22 trang A4, tương đương 47 trang sách, này đến hai lần, do ĐĐ và HT gởi cho. Bài viết quá hay, quá tình cảm này đã gây cho chúng tôi một niềm kính phục. Đọc một mạch từ đầu đến cuối, tưởng như nín thở. Nhưng khổ nỗi, bài dài quá làm sao đây? Vậy lại phải tìm cách nói khéo với Thầy xin cắt ngắn lại. Thầy hiểu và hoan hỷ ngay, không một mảy may thắc mắc, nhưng thầy không „ra tay“ giùm mà lại chuyền ngay trái banh trả lại. Thầy nói: hai chú cứ tự nhiên muốn cắt sao thì cắt. Khổ chưa? Trong suốt mấy tuần sau, hai anh em tôi chúng tôi cứ đưa bóng qua trả bóng lại cho nhau. Cố lắm, cuối cùng gọn còn 16 trang nhưng lại thấy tiếc quá nên ghi chú thêm vào cuối bài: quýđộc giả nên tìm đọc đầy đủ bài viết này ở các trang mạng Quảng Đức, Hoa Vô Ưu, Viên Giác, Rộng Mở Tâm Hồn và Thư viện Hoa Sen. Rồi lại nghĩ: sách in là bút sa gà chết, giấy trắng mực đen sẽ còn nằm hoài trên kệ. Hành trạng của Hòa Thượng đã viết được ra như thế mà cắt bỏ đi thì uổng quá. Không, phải để người đời sau đọc đầy đủ, nên quyết định cho đăng cả bài.

Thầy Hạnh Giới đã kể lại những chuyện mà chỉ có những tăng nhân sinh hoạt ngay trong nội viện Viên Giác mới biết được. Xin kể một ví dụ. Một hôm nọ mấy sư chú có lỗi gì đó về nghi thức trong thời công phu sáng, sư phụ đã quở nặng và phạt không cho „nổi lửa“ ở nhà bếp, nghĩa là không cho nấu cơm ăn. Thật nghe như câu chuyện đời xưa, chuyện „bất tác bất thực“ của Tổ Bách Trượng hơn 12 thế kỷ trước. Mà cũng gần gần như thế đó. Tuy thầy Hạnh Giới không nói thẳng nhưng tôi hiểu rằng, hôm đó cuối cùng chỉ có sư phụ là người bị đói. Vì có một gia đình Phật tử rất thuần thành ở gần chùa nghe kể lại thấy thương quý chú quá. Sức thanh niên đang lớn mà nhịn đói cả ngày thì … chắc chết, nên đã len lén chuẩn bị bữa cơm tương, chao, tàu hủ… đạm bạc rồi mời quý chú đến dùng. Từ ngày đó – cũng theo lời Thầy Hạnh Giới – trong các thời kinh thì „hồn ai nấy giữ“, ai thủ pháp khí nào hay trách nhiệm xướng lễ câu kinh, bài kệ nào thì phải để hết tâm ý vào. Kể lại để chúng ta hiểu thêm về việc nghiêm khắc dạy dỗ tăng chúng, gìn giữ thanh quy thiền môn của Hòa Thượng. Nhờ vậy mà bây giờ các đệ tử ai cũng đạo hạnh vuông tròn, nghi thức vững vàng. Không những quý tu sĩ mà cả hàng cư sĩ thân cận, rất nhiều vị thuộc lòng 2 thời công phu, còn biết cả tán tụng nữa.

Dài dòng như thế để kính thưa rằng, hai anh em chúng tôi đã không những khổ công mà còn khổ tâm vì tác phẩm này lắm. Vì vậy, nếu có những sơ sót, mất lòng hay điều gì không vừa ý kính xin chư thiện hữu, chư văn hữu rộng lòng tha thứ cho! Ngụ ngôn xưa có kể câu chuyện ông lão đi mua lừa, đường về ngồi cỡi trên lưng lừa thì có người chê là độc ác, mà dắt lừa đi bộ thì có người cười là ngu dại. Người Đức cũng có câu nói: Man kann es niemals allen recht machen, không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người được! Nỗi lòng của hai anh em chúng tôi bây giờ là vậy đó.

Nhưng cũng may, cuối cùng tác phẩm đã ra đời với một nội dung thật phong phú và một hình thức khá trang nhã như hôm nay đây. Đó là cũng nhờ sự giúp đỡ của anh Nguyễn Minh Tiến ở Mỹ, người mà lâu nay chúng ta chỉ biết có tài viết sách, nghiên cứu, phiên dịch chứ chưa biết tài trang trí, kỹ thuật in ấn. Thêm chị Thanh Phi bên Úc đã trợ lực giúp dò lỗi chính tả, chỉ trong thời gian kỷ lục gần 2 tuần cho gần 600 trang sách. Lát nữa quý vị sẽ trực tiếp nhận được cuốn Đặc San này. Ban Tổ Chức buổi Sinh hoạt hôm nay cũng có ý dành thì giờ để quý vị có thể tiếp xúc với các tác giả. Nếu quý vị muốn xin chữ ký lưu niệm thì cứ tìm đến một, hai hay nhiều trong số các tác giả của Đặc San có mặt hôm nay tại hội trường, ít nhất cũng có khoảng 20 vị (kể cả ông tiến sĩ Olaf Beuchling, dù không hiểu tiếng Việt cũng hiện diện chung vui với chúng ta hôm nay).

 

=>Bây giờ cin tiếp tục giới thiệu Tác phẩm thứ hai:Mối tơ vương của Huyền Trân Công chúa. Tác giả Hòa Thượng Thích Như Điển.

Không biết quý vị nghĩ sao, chứ khi mới nghe nhan đề sách tôi đã thấy lạ.

Lạ là: một tu sĩ mới 15 tuổi đã vào chùa, đồng chơn xuất gia, chưa hề nhuốm chút bụi trần, chưa một lần đau khổ vì tình yêu như chúng tôi ở ngoài đời, mà lại viết về Mối tơ vương của một nàng công chúa.  Nếu nhan đề này mà tác giả là những cây bút khác của báo Viên Giác như Hoa Lan, Nguyên Hạnh, Nhật Hưng , Huỳnh Ngọc Nga v.v… hay thậm chí là Tràm Cà Mau, Phù Vân, Trần Phong Lưu, Đỗ Trường… thì sẽ không có gì thắc mắc. Đằng này lại chính một vị Hòa Thượng đức hạnh, đạo hạnh vẹn toàn sao lại „tơ vương“ được? Vậy thì tơ vương chỗ nào đây?

Tôi có may mắn được Hòa Thượng đã cho đọc một phần bản thảo khi Ngài ghé thăm và nghỉ lại ở nhà tôi. Tôi hiểu ngay vấn đề. Tôi bèn chụp một vài trang bản thảo còn viết tay dở dang, gởi cho anh Nguyễn Hiền-Đức và đề nghị anh chuẩn bị tinh thần để viết Lời Bạt về tác phẩm này. Sở dĩ tôi làm như vậy vì tôi biết anh NHĐ là một người am hiểu tường tận, có thể xem như là chuyên viên về lịch sử thời Phật Giáo cực thịch Lý-Trần, từ ngày còn ở đại học Vạn Hạnh trước 1975. Nhưng anh ấy cũng đã bối rối giống tôi. Điều này quý vị sẽ đọc được trong bài anh viết tựa đề: Bước đi vào lòng muôn dân.

[Nhân đây cũng xin cám ơn cô ca sĩ Ngọc Huệ đã đáp lời yêu cầu của chúng tôi mà hát bài hát „Nước non ngày dặm ra đi“ của nhạc sĩ Phạm Duy hồi nãy, xem như là món ăn khai vị trong buổi tiệc mừng sách ngày hôm nay].

Tôi không có tham vọng tóm tắt hay phê bình tác phẩm này. Tác phẩm xuất sắc, đặc biệt lắm. Tác phẩm mang chở tấm lòng đại trí và đại bi của HT. Vả lại với một cuốn „tiểu thuyết phóng tác lịch sử“ thì mỗi người phải tự đọc, tự nghiền ngẫm, tự ghép mình vào nỗi lòng của nhân vật, rồi nếu cần thì… tự sụt sùi rồi âm thầm lau nước mắt. Theo tôi, đặc điểm chính của tác phẩm là: tác giả đã mở lòng để xóa đi một nỗi oan tình. Và không chỉ có thế, tác giả đã gỡ rối „tơ vương“ cho một nàng công chúa từng sống và đi „vào lòng muôn dân“.  Xin hiểu „lòng muôn dân“ đây là cả tấm lòng bao dung của cả một công chúa Đại Việt và một hoàng hậu Chiêm quốc. Tác giả đã tài tình mở bày ra mặtthật của một giai đoạn lịch sử.

Xin cùng nhau đọc một đoạn trong Lời Bạt của Nguyễn Hiền-Đức viết:

… là nhằm trả lại những gì của sự thật phải là sự thật, chứ không thể là những sự phán xét, nghi ngờ của những suy đoán phàm tình. Tác giả căn cứ lịch sử để khẳng định rằng Trần Khắc Chung là người có đạo đức tuyệt hảo và Phật học phải thâm hậu. Qua đó, tác giả hy vọng rằng tác phẩm này sẽ giúp cho độc giả có một cái nhìn tương đối khách quan hơn khi nhìn về Huyền Trân Công chúa của một thời xa xưa đã đi vào lịch sử của Dân Tộc và của Đạo Phật Việt Nam.

Như vậy đó! Học giả đời sau đã vô tình chỉ tin dựa theo một nguồn tài liệu là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do một nhà nho hương nguyện, trung thần của nhà Lê làNgô Sĩ Liên soạn vào năm 1479. Cuốn sử ấy đã theo ý của nhà Lê mà bôi bác, hạ bệ nhà Trần, nhất là đối với Vua Trần Thái Tông. Chínhsử gia uyên thâm Trần Trọng Kim cũng nhận định, rằng: “Việt Nam đến thế kỷ thứ 13 mới bắt đầu viết lịch sử; mà các sử gia là những người làm việc dưới quyền chỉ đạo của Vua chúa, cho nên sự kiện lịch sử chưa hẳn đã được ghi lại trung thực, ngòi bút của sử gia vẫn thường hay bị chính trị bóp méo.

Cuốn sử ấy có rất nhiều chỗ thiếu tính khách quan, nghiêm túc. Xin trích tiếp:

(…) Năm 1479, sử (sứ?) thần Ngô Sĩ Liên là người đầu tiên tuân lệnh Vua Lê Thánh Tông sử dụng truyền thuyết dân gian để biên soạn lịch sử: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Mà đã là truyền thuyết thì không thể hoàn toàn là sự thật vì truyền thuyết được nhân gian tưởng tượng thêu dệt bằng những chi tiết ly kỳ nên có phần mang tính hư cấu của nó.

Miệng nhân thế lúc trà dư tửu hậu lại theo đó tán hươu tán vượn thêm câu chuyện sai lệch, rằng Huyền Trân Công chúa có tư tình với Lão tướng Trần Khắc Chung. Sách „Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa“ này công bố những sự thật khác. Ví dụ tác giả đặt câu hỏi: Làm sao một công chúa mới 20 tuổi đầu có thể yêu một ông lão bằng tuổi ông ngoại của mình? (ông ngoại của nàng tức vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, dân gian vẫn tôn sùng là đức Thánh Trần).Rồi sau những biến động tang thương não lòng ấy, khi Huyền Trân đặt chân về đến kinh đô Đại Việt, nàng đã thế phát xuất gia ngay ở tuổi 21, sống đời tu hành nghiêm minh giới luật vuông tròn đạo hạnh. Những chi tiết như thế ít ai biết hay nói đến.

Xin cùng đọc một đoạn ngắn trong tác phẩm „Mối Tơ Vương của Huyền Trân Công Chúa“:

(…) Những ngày tháng sau đó từ năm 1313 đến năm 1340, cả gần 30 năm như vậy, năm nào Tỳ Kheo Ni Hương Tràng (tức đạo hiệu Huyền Trân Công chúa) cũng an cư kiết hạ tại Quảng Nghiêm Tự hay các chùa khác tại núi Trấn Sơn nhằm thúc liễm thân tâm, tu hành thanh tịnh. Bà cũng được nhiều giới đàn mời làm Tôn Chứng Sư hay Yết Ma, Giáo Thọ Ni. Đôi lần bà cũng được thỉnh cầu làm Đàn Đầu Hòa Thượng (Ni) để trao giới cho các giới tử Ni.

[Ngày mốt tại Viên Giác đây cũng sẽ có Lễ Tấn Đàn Truyền Giới Tỳ Kheo Ni, không chừng HT cũng có mời Ni sư Hương Tràng của chúng ta đến dự đó.]

Nhưng thưa quý vị - chưa hết! Cái đặc điểm khác của tác giả cuốn sách Mối tơ vương của Huyền Trân Công chúa là đã công bố các sự kiện lịch sử trên bằng một cuốn tiểu thuyết. Đây là thể loại văn học mà ai cũng đọc được và ai cũng muốn đọc, không giới hạn như loại sách lịch sử hay nghiên cứu. Lịch sử văn học thế giới có nhắc ta một câu chuyện. Chính nhờ đại văn hào Victor Hugo đã viết cuốn tiểu thuyết „Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà“ năm 1831 mà sau này bất cứ ai đến thăm nhà thờ Notre Dame ở Paris cũng đều ngước mắt nhìn chằm chặp về phía gác chuông, cố tìm hình ảnh anh chàng gù Quasimodo, tuy xấu xí nhưng đầy liêm sĩ và nhân từ, như đang vẫn còn đứng ở đó. Và ai đến Paris cũng muốn một lần đến viếng Notre Dame. Thêm nữa, cũng y hệt vậy! Vào năm 1996 tác phẩm Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà đã được dựng thành phim nổi tiếng, thì bây giờ Mối tơ vương của Huyền Trân Công chúa cũng đang được biên soạn, dàn dựng thành một tuồng cải lương, để nếu ai không thể đọc sách thì cũng có thể cùng cảm nhận được sự thật này của lịch sử. Cái hay của tác phẩm, cái khéo của tác giả là như thế đó. Thể hiện tâm từ bi có khi chỉ đơn giản như vậy thôi.

Bởi vậy ta có thể nói: qua tác phẩm này, tác giả là HT Thích Như Điển đã giúp chúng ta hiểu thêm nỗi lòng của một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, người đã hy sinh tuổi xuân mang gót hài vương giả „bước đi vào lòng muôn dân“ Hơn thế nữa, tác giả cũng đã gỡ rối mối tơ vương của một sự thật lịch sử mà người đời trong suốt 540 năm qua (xin nhấn mạnh, 540 năm, dễ sợ chưa!) đã vô tình hay cố ý nói sai lệch. Và sợi tơ này chính là thứ tơ mà tác giả đặt làm tiêu đề cho Chương 10 của tác phẩm là: TƠ TRỜI AI DỆT?

Thưa chư thiện hữu, giờ thì chúng ta đã rõ rồi nhé, và hết lo! Không có „sợi tơ“ nào có thể vướng chân HT Phương Trượng được. Xin đừng lo xa nữa.

Nhưng, tôi lại xin phép có thêm lời cuối về tác phẩm này, một lời đề nghị với độc giả khi đọc nó. Do vì đây là một tiểu thuyết phóng tác lịch sử nên có khi các bối cảnh diễn ra quá nhiều tình tiết, sự kiện, kéo dài qua nhiều năm tháng, niên hiệu. Người đọc như đứng trước đám hỏa mù, không nhớ hết ai là ai, ai đã làm gì. Vì vậy tôi xin mạn phép đề nghị quý vị mấy cách đọc cuốn sách này như sau:

a. Cầm sách ngồi vào bàn (vì sách hơi nặng ký lô) và đọc một mạch đến cuối sách. Xong quay lại đọc lần thứ hai (ba), đọc kỹ và theo dõi từng chi tiết một.

b. Đọc bài Lời Bạt cuối sách của anh Nguyễn Hiền-Đức trước, nắm các chi tiết vì anh ấy có phần tóm lược lại các chương sách. Khi nắm bắt toàn cục rồi mới quay lại đọc chính bản.

c. Còn nếu vẫn mơ hồ không nắm bắt được thì cứ tha hồ ngắm bìa sách, bìa màu rất đẹp mắt, sau đó dở vào bên trong đọc hết bài Lời Dẫn Nhập. Chỉ vậy thôi. Chờ mai mốt tuồng cải lương của soạn giả Dương Kinh Thành ra đời thì tha hồ xem thỏa thích. Nhưng nhớ đừng bỏ qua chi tiết này ở góc cuối bìa sau: Giá ủng hộ 10 Âu Kim (tức 10 Euro). Các chị ngồi ở quầy sách đó sẽ chỉ cho chúng ta cách ủng hộ.

Và quý vị cũng có thể ủng hộ cho các sách khác tùy hỷ. Việc in ấn chuyên chở 10 tấn sách từ Đài Loan về cũng rất tốn kém cho Chùa VG.

 

=> Tác phẩm thứ ba:Do thời gian còn lại eo hẹp, nên xin nói gọn về cuốn số 3: „Vằng vặc một mảnh lòng“.

Xuất phát từ một mối quan hệ thân thiết thầy trò, quan hệ văn học, quan hệ „đồng thanh tương ứng“, và cả đồng hương… nên anh Nguyễn Hiền-Đức bên Mỹ mới có ý tổng hợp nhiều bài viết quan trọng, cốt tủy trong Phật Giáo Việt Nam của những vị lỗi lạc nhất từ suốt cả thế kỷ qua để làm quà tặng nhân sinh nhật tuổi ta của Hòa Thượng Phương Trượng Viên Giác năm vừa rồi. Từ các bài viết của những bậc đại tôn túc PGVN như quý ngài Trí Tịnh, Thiện Siêu, Minh Châu, Thanh Từ, Mật Thể, Tuệ Sỹ v.v… đến các trí thức khả kính như các cụ Lê Đình Thám, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Khắc Khoan…, anh  gom thành một cuốn sách dày 400 trang này đây. Tuyển tập cũng thật đặc biệt kỳ lạ. Nhan đề Tuyển Tập lấy từ một câu thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du, do cụ Quách Tấn dịch lại: „Vằng vặc một mảnh lòng; Giếng xưa trăng rọi bóng“. Thật tuyệt diệu. Tuyệt diệu cả ý lẫn lời!

Đạo hữu Nguyên Trí Nguyễn văn Tâm đọc và tâm đắc quá, lại thấy mọi người ai cũng tán  thán một sưu tập vô cùng quý giá như vậy nên phát tâm in và cúng dường, nhân dịp Hòa Thượng 70 tuổi. Nhờ đó mình có được thêm một món quà sách. Quá trình chuẩn bị in ấn giờ cuối cũng có một chút trục trặc nhỏ, cá nhân chúng tôi cũng được phép góp phần mọn vào để tác phẩm hoàn thành như hôm nay, nên giờ được vinh dự đứng đây thay mặt anh Nguyễn Hiền-Đức và anh Nguyễn văn Tâm kính giới thiệu với chư tôn đức và chư thiện hữu. Chắc chắn chúng ta sẽ được vô vàn lợi lạc khi đọc và học hỏi theo những lời vàng ngọc này.

 

 

***

Kính bạch chư Tôn đức, kính thưa toàn thể đại chúng,

Đứng trước ba tác phẩm lớn như thế mà nói thêm nhiềunữa thì cũng chỉ là thêm phần dại dộtmúa rìu trước cửa Lỗ Ban. Xin kính mờiquý vị cứ tìm đọc và sẽ cảm nhận những tinh hoa các cuốn sách xuất bản nhân dịp buổi lễ kỷ niệm ba sự kiện PGVN tại Đức quốc đầy ý nghĩa,bắt đầu từ hôm nay và 3 ngày sắp đến. Đây là một món quà quý mà HT Phương Trượng và Tăng chúng Tổ đình Viên Giác Hannover Đức quốc dành cho chúng ta, những khách mời đến dự sinh nhật hôm nay.

Xin đê đầu đảnh lễ chư tôn đức đã cho phép đệ tử nói những lời này từ đáy lòng, xin cám ơn đại chúng, cử tọa đã chịu khó lắng nghe.

Nam Mô Hoan HỷTạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/10/2015(Xem: 15241)
Con xin đảnh lễ tâm đại bi. Con xin đảnh lễ chư đạo sư cao cả. Con xin đảnh lễ chư Bổn Tôn, Là chư vị ban nguồn cảm hứng về lòng tín tâm và sùng mộ.
05/10/2015(Xem: 9472)
Lại thêm thu nửa trở về, Nghĩ thân đất khách mà tê tái buồn. Nhớ về quê mẹ cội nguồn, Khi nhìn đôi cánh lá vàng nhẹ bay, Nhón chân dạo bước vườn ngoài, Nghiêng mình nhặt lá rụng rơi bên thềm. Sắp từng chiếc lá gọi tên, Thì thầm tên lá theo miền thế gian. Cảnh thu dễ gợi u buồn, Hỏi sao tâm để rộn ràng triền miên. Nhắn lòng ta ráng tịnh yên, Đem sao cho được chữ Thiền vào Thu !
03/10/2015(Xem: 18945)
Bằng nguyện lực của Tam Bảo Tối Thượng đáng tin cậy Và chân lý của tinh thần trách nhiệm toàn cầu của chúng con, Nguyện cho Phật pháp quý báu lan rộng và hưng thịnh Ở mọi vùng đất, theo chiều dài và chiều rộng của phương Tây.
02/10/2015(Xem: 12100)
Bài thơ vô cùng súc động Do not stand at my grave and weep (Đừng đứng khóc bên nấm mồ của mẹ) của Mary Elizabeth Frye (1905-2004) đã được dịch ra không biết bao nhiều thứ tiếng và đã được đọc lên, phổ nhạc, trình bầy không biết bao nhiêu lần bởi các ca sỹ trứ danh. Mary Elizabeth Frye là một bà nội trợ người Mỹ, làm nghề bán hoa. Bà được cả thế giới biết tên vì một lý do độc nhất : bà là tác giả bài thơ « Đừng đứng khóc bên nấm mồ của mẹ », được viết vào năm 1932. Mary Elizabeth sinh ra ở Dayton, Ohio. Mới ba tuổi đã mồ côi. Sau đến ở Baltimore, Maryland. Năm 27 tuổi lập gia đình với Claud Frye, ông làm nghề buôn bán quần áo. Bài thơ làm bà sau này trở nên nổi tiếng được viết trên một chiếc túi mua sắm, lấy cảm hứng từ chuyện một cô gái trẻ tuổi, Margaret Schwarzkopf, ở với gia đình Frye, đã không thể đến thăm mẹ đang hấp hối ở Đức, vì cô gái là dân Do Thái. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có 12 dòng, không có chủ đề. Frye thấy bạn bè thích nên đã sao nhiều bản và lưu hành, nhưng chưa bao giờ
29/09/2015(Xem: 8834)
Dáng ngồi như núi như non Trăm năm sương gió vẫn còn uy nghiêm Trên cao sừng sững bóng hiền Mưa sa nắng chiếu địa thiên lưu tình Giữa đời lặng lặng thinh thinh Tỏa hương đạo hạnh hậu sinh hồi đầu Tử tôn gánh đội ân sâu Chuông ngân trưa tối, kinh cầu sớm khuya Bước chân hoằng độ đi, về Vườn ươm tỏa bóng bồ đề mát tươi Như non như núi không dời Đạo thành như ý, dáng ngồi thiên thu.
27/09/2015(Xem: 10145)
Nhìn lá rơi VÔ THƯỜNG luôn biến hoại Thân xác nầy cũng duyên hợp tử sanh Vũ trụ kia do tứ đại hợp thành Đâu còn mãi mà thâu gom chấp thủ !
23/09/2015(Xem: 8088)
Em quỳ rạng rỡ nét vui Như sen một đóa vừa ngoi khỏi bùn Chấp tay tâm sáng diệu thường Tàm quý hướng thiện giữa đường tôi qua... Em quỳ thanh khiết ngọc ngà Nguyện xin bất tịnh nhạt nhòa phàm thân Chấp tay tuệ giác bừng tâm Nẻo phù hoa ấy lặng câm tôi nh
23/09/2015(Xem: 9357)
Từ cao sơn dõi mắt nhìn Xuống non ra biển, một miền thùy dương Hồng trần mãi nhịp bi thương Lao xao tất bật rộn đường mưu sinh Lăng xăng đấu đá tranh giành Thất tình lục dục, trần căn dập dìu... Vui nhất thời chẳng bao nhiêu Khổ triền miên khổ vẫn nhiều khóc than Trời xanh, nắng đẹp, cát vàng Phố xinh, nhà lớn, cao sang sắc hình
09/09/2015(Xem: 8593)
Bé nằm ngủ trên cát Êm ả như nôi hồng Xoải tay nghe gió hát Sóng vỗ bờ mênh mông …
08/09/2015(Xem: 9192)
Aylan ơi! Sao em nằm úp mặt? Hãy ngước lên! Trông kìa, rạt rào muôn ngọn sóng của trùng khơi! Aylan ơi! Ta muốn trông thấy dấu chân em bé xíu, Xinh xinh trên bãi cát phẳng lì. Trông kìa, sao trông giống dấu chân ta thuở bé.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]