Xe chết máy trên đường Phan Huy Ích hôm nay. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Đến trưa 26/11, đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) vẫn như một bãi chiến trường. Cả trăm ôtô 4-50 chỗ chết máy nằm la liệt, xếp hàng dài trên con đường. Len lỏi trên con đường ngập sâu hơn nửa mét là đoàn người dắt xe máy bì bõm, áo quần ướt sũng, gương mặt đầy vẻ mệt mỏi.
Hàng nghìn người khác cũng chịu chung số phận ở các tuyến đường còn ngập nặng như Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu (quận 7), Quốc Hương (quận 2), An Dương Vương, Hồ Học Lãm (Bình Tân), khu chợ Văn Thánh, Nguyễn Xí (Bình Thạnh)...
Nhai ngấu nghiến ổ bánh mỳ, tài xế xe khách Nguyễn Công Bá cho biết rất đói và mệt. Chiều tối qua chạy đến đường Phan Huy Ích lúc mưa to gió lớn, ngập sâu, ôtô chết máy. Hàng loạt xe khác cũng bị tương tự. Không thể xử lý, anh đành ở lại trông xe đến giờ.
"Tôi gọi cứu hộ nhưng Sài Gòn nhiều xe chết máy quá nên họ cũng quá tải, cứ bảo đợi. Xung quanh có nhiều tài xế cùng hoàn cảnh như tôi, nên anh em túm tụm lại tán gẫu cho đỡ buồn", tài xế Bá ngáp dài.
Tương tự, nhiều chủ ôtô bị chết máy tối qua trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài, Tô Hiến Thành (quận 10) không gọi được cứu hộ đành thuê 4 người hỗ trợ đẩy về nhà. Một số chủ xe khác không dám chạy qua đoạn ngập nên tắt máy, thuê người đẩy qua với giá 500.000 đồng rồi mới nổ máy chạy tiếp. Ở nhiều khu vực khác, chủ xe sau thời gian xử lý không được đã bỏ xe trên đường để về nhà.
Quanh các điểm ngập, những tiệm sửa xe đều quá tải, có tiệm phải làm việc đến sáng.
Người dân bì bõm trong nước ngập. Ảnh: Khoa Quỳnh. |
Tình cảnh này cũng diễn ra ở hầu hết các quận huyện do mưa như trút nước suốt nhiều giờ, lại trúng thời điểm triều cường lên cao. Trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) lục bình từ sông rạch, nước hôi tanh tràn lên nổi lềnh bềnh không khác một dòng sông.
Ngoài những điểm đen về ngập ở quận 2, 7, 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức... đêm qua lần đầu ghi nhận hàng loạt tuyế n đường tại trung tâm Sài Gòn như Calmette, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Cừ, Bùi Viện (quận 1), Ba Tháng Hai, Sư Vạn Hạnh (quận 10), các tuyến đường ở quận 4... ngập nghiêm trọng.
Nhà dân, tầng hầm trụ sở ngập nặng; cây đổ la liệt
Không chỉ làm người đi đường khốn khổ, nước còn tấn công vào nhà dân khiến hàng nghìn gia đình phải thức trắng đêm tát nước, thu dọn đồ đạc. Nghiêm trọng nhất là khu vực Thanh Đa (Bình Thạnh), phường Bình Hưng Hòa B quận Bình Tân, quận 2, quận 7, Nhà Bè... Cuộc sống bị đảo lộn, hiện người dân vẫn tìm mọi cách để trở lại với sinh hoạt thường ngày.
Ngoài ra, hàng loạt tầng hầm toà nhà là trụ sở ngân hàng, khách sạn, chung cư... bị nước tràn vào nhấn chìm xe máy, ôtô.
Mưa gió cũng khiến 19 cây ngã đổ, hai căn nhà tốc mái. Nghiêm trọng nhất là cổ thụ trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) đổ ra đường, đè người đàn ông tử vong. Một cây khác ở quận Thủ Đức đổ trúng nam thanh niên khiến nạn nhân bị thương...
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, Tổng công ty điện lực TP HCM cắt điện ở một số khu vực thuộc quận 7, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp. Tổng cộng có khoảng 130.000 hộ bị ảnh hưởng.
Ngập ở quận 1, trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Khoa Quỳnh. |
36 chuyến bay bị ảnh hưởng
Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific chiều tối qua phải thông báo trễ giờ hàng loạt chuyến bay khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất vì thời tiết xấu.
Các chuyến bay đến TP HCM cũng bị trễ so với lịch trình. Thậm chí nhiều máy bay phải bay vòng vòng mới đáp xuống được sân bay Tân Sơn Nhất, hoặc phải đáp xuống sân bay khác. Một số chuyến bay từ Bangkok khi đến Tân Sơn Nhất không thể hạ cánh phải quay ngược trở lại Thái Lan.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thống kê có 30 chuyến bay bị trễ và 6 chuyến bay phải đi hạ cánh ở các sân bay khác do tắc nghẽn không lưu. Tình trạng này xảy ra là không thể tránh khỏi do thời tiết xấu ảnh hưởng đến việc điều phối các chuyến bay. Việc đảm bảo an toàn bay phải được đặt lên hàng đầu nên nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng.
Cảnh sát hút nước giải cứu trạm biến áp Nhà Bè. Ảnh: PCCC TP HCM |
Nghìn người trắng đêm chống ngập
Trận mưa hôm qua làm toàn thành phố có 102 điểm ngập. Đến trưa nay vẫn còn hơn 20 điểm chưa rút hết như vòng xoay An Lạc, khu Thảo Điền (quận 2), đường Nguyễn Văn Quá (quận 12)...
Cảnh sát PCCC TP HCM nhận được tổng cộng 1065 tin báo nhờ hút nước. Đặc biệt, cảnh sát phải liên tục hút nước suốt 9 tiếng tại điểm ngập trạm biến áp 500KV - 220KV Nhà Bè. Trạm này và đường dây 500KV Nhà Bè - Cai Lậy - Ô Môn có tổng chiều dài 150 km, cung cấp điện cho TP HCM và nhiều tỉnh. Nếu xảy ra ngập nặng sẽ phải cắt điện trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn.
Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết thêm, ngay sau khi mưa lớn, xuất hiện tình trạng ngập ở một số tuyến đường, trung tâm đã huy động tổng lực cán bộ công nhân viên ra chống ngập theo kế hoạch đã được chuẩn bị.
Tuy nhiên, do ngập xảy ra trên diện rộng kết hợp mưa và triều cường nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị đã huy động gần 700 người, vận hành 27 máy bơm công suất từ 168 đến 64.000 m3/h để hỗ trợ những khu vực ngập nước.
Các công nhân tỏa khắp các tuyến đường để vớt rác, mở nắp hố ga để nước thoát nhanh hơn. Đồng thời phối hợp Cảnh sát PCCC để tổ chức cứu hộ cho những khu vực có tầng hầm bị ngập...
Theo ông Dũng, công tác này được duy trì xuyên đêm qua và đến cả ngày hôm nay để xử lý các điểm ngập còn lại. Như kế hoạch trước đó, chỉ tính riêng công tác trực vớt rác là khoảng 160 người. Hàng chục xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm cố định và di động đều được huy động tham gia chống ngập. Mục tiêu là giảm ngập đến mức thấp nhất (độ sâu, phạm vi và thời gian ngập); không để xảy ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân.
Ban Thời sự
vnexpress.net