Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lục Thức 2 (thơ tứ cú lục bát)

29/03/201717:39(Xem: 7861)
Lục Thức 2 (thơ tứ cú lục bát)

 Tho luc bat_Tam khong vinh huu



Chùm thơ tứ cú lục bát

LỤC THỨC 2


 

 

 

Ý thức

 

Về rồi, nằm chán lại đi

Bon chen vào chợ thõng tay dại khờ

Hai vai tĩnh động dật dờ

Té ra tuồng tích đang chờ nhập vai.

 

 

 

Thân thức

 

Bình minh thân đảo chân nghiêng

Tay gom nắng nhạt, vai khiêng gió lồng

Khom lưng nhổ bứng hoa trồng

Bán mau đổi lấy ít đồng thỉnh kinh.

 

 

 

Thiệt thức

 

Im im giấc dưới vũng lầy

Thiềm thừ đẩy lưỡi nếm cay tìm bùi

Rượu tình cạn đáy chơi vơi

Ngọt ngây một giọt đón đời lao đao.

 

 

Tỷ thức 

Gió về hương thoảng nắng mưa

Mồ hôi nước mắt chua chua nhân tình

Hít hơi đồng trống một mình

Nghe mùi danh lợi đã thành khói nhang.

 

 

Nhĩ thức

 

Đàn reo rộn rịp lao xao

Chùa thầy tùng bách rì rào trợ duyên

Tiếng nam mô vọng uyên huyền

Gõ chuông một tiếng đổ nghiêng tâm tà.

 

 

 

Nhãn thức 

Dõi tìm cảnh giới vấn vương

Thấy sân duyên úa, thấy đường nợ khô

Gần xa mờ ảo bến bờ

Dậm chân bụi bắn vần thơ lên ngàn.

 

 

TÂM KHÔNG VĨNH HỮU
(Nha Trang 28-3-2017)


hoa sen 2a


Lục Thức

 

Kính họa vần thơ của Tâm Không Vĩnh Hữu, Nha Trang

 

Ý thức

 

     Phan duyên vọng tưởng bỏ đi

Đuổi theo trần cảnh tham si dại khờ

     Tử sanh sanh tử dật dờ

Chìm trong biển khổ đôi bờ chùn vai

 

Thân thức

 

     Vai chùn gánh nặng ngả nghiêng

Thọ thân ngũ ấm triền miên khổ nàn

     Ghét ưa thô láng mịn màng

Đam mê tà xúc vô vàn hải kinh

 

Thiệt thức

 

     Hải kinh lời nói thày lay

Thị phi miệng lưỡi họa tai tương tùng

     Vị ngon béo bổ rượu nồng

Thân suy trí kiệt mạng cùng lao đao

 

Tỷ thức

 

     Lao đao chẳng kể nắng mưa

Rừng thiêng ngậm ngải sớm trưa tìm trầm

     Theo hương mắc phải mê lầm

Nguyện dâng Giới Định Ngũ Phần khói nhang

 

Nhĩ thức

 

     Khói nhang dâng lễ lao xao

Trống chuông nhịp mõ dâng cao bổng trầm

     Lắng nghe thâm diệu Pháp Âm

Đại Bi Bát Nhã cao ngâm trừ tà

 

Nhãn thức

 

     Trừ tà vọng chẳng còn vương

Mắt thường quán Phật mười phương nguyện cầu

     Đài sen trăm thức báu mầu

Hào quang tỏa sáng tầng cao ngút ngàn.

 

Bakewell, Bắc Úc, 05-04-2017

Viên Huệ Dương Chiêu Anh 





 
lotus_3
 
 TÂM CẢNH
(Kính họa theo bài thơ "Lục Thức" của Tâm Không Vĩnh Hữu)

Tâm cảnh 1
Từ ngày cất bước ra đi
Tình thân thiết thấy nhiều khi hững hờ
Buồn vui đong bấy đến giờ
Gánh hoài lưng mỏi chực chờ đổi vai.

Tâm cảnh 2
Chiếu tà ánh nắng rơi nghiêng
Trăng treo nửa mảnh, gió khiêng đêm lồng
Cây vươn luống đất mới trồng
Chùa xa vẵng tiếng mõ đồng tụng kinh.

Tâm cảnh 3
Đời chưa thoát khỏi vũng lầy
Tình trường đầy đủ đắng cay ngọt bùi
Nhỡ mai biển cạn sông vơi
Cũng may thoát khỏi cuộc đời binh đao.

Tâm cảnh 4
Chuyện đời sáng nắng chiều mưa
Nghĩa nhân đôi lúc thấy chua chát tình
Gắng tu chuyển hóa nghiệp mình
Cuối đời đừng để trở thành khói nhang.

Tâm Cảnh 5
Gió chiều thổi lạnh xanh xao
Như cây nghiêng bóng rì rào hóa duyên
Đêm về tâm cảnh diệu huyền
Trăng rằm treo mảnh đổ nghiêng ánh tà.

Tâm Cảnh 6
Mỏi mòn con mắt sầu vương
Lời trăm năm đã cuối đường cạn khô
Cuộc đời lơ lững đôi bờ
Mai về chuốt lại vần thơ khuất ngàn.

TRẦN ĐAN HÀ
(Đức Quốc, 29-3-2017)



lotus_8



 TÂM CẢNH
 Kính họa theo bài thơ Lục Thức của Tâm Không Vĩnh Hữu .

Tâm cảnh 1
Cuộc đời đến lại rồi đi
Tranh đua rồi cũng mộ ghi chẳng chờ
Thôi ta đừng có dại khờ
Ráng tu cho khỏi mê mờ cõi say .

Tâm cảnh 2
Bình minh ta đứng lặng yên
Một ngày vui mới chẳng phiền muộn lây
Ta tu ta sống từng giây
Nương thuyền Bát Nhã tháng ngày liễu Kinh .

Tâm cảnh 3
Bao năm đi dưới sình lầy
Nay ta tỉnh giấc đắng cay ngọt bùi
Rượu tình chẳng thấm trên môi
Đời ta là cả núi đồi trăng sao .

Tâm cảnh 4
Ai về nhớ lại tánh xưa
Cho khô dòng lệ đẩy đưa cuộc tình
Trăm năm rồi cũng một mình
Còn đâu danh lợi sắc hình biến tan .

Tâm cảnh 5
Đường tu có lúc lao đao
Dõi theo giáo pháp đi vào Tánh Nguyên
Bỏ buông vọng niệm ảo huyền
Chẳng cần chuông mõ cũng yên cõi tà .

Tâm cảnh 6
Nhìn bao oan trái sầu thương
Cuộc đời duyên hợp vô thường ảo mơ
Ta về họa lại bài thơ
Gởi người xứ cát biển bờ Nha Trang .

         Dallas Ngày 30-3-2017
                  Tánh Thiện



white_lotus_6

LỤC THỨC 
 Kính họa theo bài thơ Lục Thức của Tâm Không Vĩnh Hữu .

 

Lục căn dính với lục trần

Sanh ra lục thức tham sân si đời

Mau tu kẻo trể ai ơi !

Không còn phân biệt rạng ngời chân tâm

 

Nhãn thức:

Vuông tròn xấu tốt như nhiên

Hồ đồ phán đoán vội liền trái sai

Thánh nhân đánh giá hiền tài (1)

Bài học đáng nhớ muôn đời khắc ghi

 

Nhỉ thức:

Âm thanh sắc tướng vô nghì

Bàn bạc khắp chốn dính chi mất thần

Thường nghe những tiếng Pháp âm

Thâm nhập chuyển hóa âm thầm huyền cơ

 

Tỉ thức:

Hương sen tỏa khắp bến bờ

Dâng cúng Phật Thánh chớ quơ riêng minh (2)

Giữ giới hạnh mới thật xinh

Hương thoa phấn đắp chút tình ngoài da

Thiệt thức:

Cơm Hương Tích, Tào Khê trà (3)

Cao lương mỹ vị chớ mà thích mê

Bệnh khẩu nhập họa cận kề

Cũng từ miệng lưỡi hướng về thị phi

 

Thân thức:

Thân thường lạy Phật hồ quỳ

Khiêm cung đối đãi tránh đi thời nhàn

Se sua gấm vóc bạc vàng

Chỉ thêm khổ lụy ách càng nặng gông

 

Ý thức:

Tốt hiện tại, đừng chờ mong

Rõ ràng thường biết thoát vòng trầm luân

Không dính mắc, Pháp thấm nhuần

An vui giải thoát công huân đức dày

 

Hoa nở rồi tàn hằng ngày

Đừng buồn khi mất vui say khi còn

Sắc trần đừng dính mới ngon

Vọng tưởng phân biệt chẳng tròn quả tu

 

Chùa Pháp Hoa, Nam Úc, Quý Xuân – Đinh Dậu

Thích Viên Thành


GHI CHÚ:

(1)     Chuyện Nồi Cơm Nhan Hồi:

Nhân một ngày Khổng Tử cùng học trò đi từ nước Lổ qua Tề gặp lúc bị hạn hán mất mùa, phải ăn khoai sắn thay cơm, đến Tề có được một người, dâng hiến ít gạo đủ nấu cho mấy thầy trò, Nhan Hồi được tin tưởng giao cho việc nấu cơm, chẳng may bị gió bụi bay vào nồi cơm, nên xảy ra cớ sự…: “"Thưa Thầy, con nghĩ là không nên cúng, vì trong lúc mở vung ra xem cơm trong nồi đã chín đều chưa, thì tự nhiên cơn gió mạnh thổi đến, làm cho bụi bặm và bồ hóng ở trên gác bếp rơi xuống. Con vội đậy vung lại nhưng vẫn không kịp, cơm trong nồi đã có đầy bụi ở mặt trên. Sau đó con dùng đũa lấy ra lớp cơm bẩn định sẽ đem vất đi. Nhưng rồi con lại nghĩ rằng: Thầy trò ta lâu không được ăn cơm. Mà số cơm bẩn lại nhiều tương đương với phần ăn của một người. Do đó con đã mạn phép thầy và các anh em để ăn trước phần cơm bẩn ấy. Thưa Thầy, thế là hôm nay con đã được ăn rồi và bây giờ con chỉ ăn thêm phần rau thôi. Vừa nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng : "Ôi chao ! Thế là trên đời này cũng có những sự việc chính mắt ta trông thấy tỏ tường mà vẫn không biết rõ thực hư ! Suýt nữa ta trở thành một kẻ xét đoán hồ đồ và bất công rồi". nên Khổng Tử nói: Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Vậy đừng nên vội xét đoán một việc gì, khi chưa hiều được sự thật.

 

(2)     Ngửi mùi hương sen trong ao mà Địa thần còn quở.

Đây là dẫn câu chuyện một ông Sa-di đi qua hồ sen, thấy hoa nở có mùi thơm đứng lại nhìn và ngửi mùi sen thơm. Chợt có Địa thần xuất hiện và quở: “Tại sao ông ngửi trộm hương hoa sen của tôi?” Ông Sa-di nói: “Tôi chỉ ngửi mùi hương, đâu có hại gì đến hoa của ông.” Địa thần bảo: “Ngửi như vậy là đã phạm tội trộm rồi.” Ngay lúc đó có đôi ba người ào xuống hồ sen kẻ hái gương người nhổ ngó. Ông Sa-di hỏi lại ông thần: “Tôi chỉ ngửi một chút hương sen mà ông đã quở, còn những người kia bẻ gương móc ngó, sao ông không rầy?” Địa thần nói: “Ví như có người mặc chiếc áo trắng chỉ cần dính một điểm mực nhỏ đã thấy dơ rồi. Còn người mặc áo đen nếu dính một bệt mực to cũng không thấy là dơ.” Ông thần nói tiếp: “Cũng như vậy, vì ông là người tu thanh tịnh, nên ngửi lén một chút hương sen, ông đã nhơ rồi, còn các người kia là kẻ phàm tục dù họ có làm những điều tội lỗi cũng như bệt mực phết lên chiếc áo đen không ai thấy, nên tôi không rầy.” Qua câu chuyện này chúng ta thấy người tu là phải dè dặt tối đa, đừng nghĩ rằng người ta ăn trộm còn không sao, mình hái có trái cà trái ớt đâu có gì quan trọng. Song thái độ người tu phải khác hơn, dù một chuyện nhỏ cũng phải tránh, vì mình là người trong sạch, một vết nhơ tuy nhỏ cũng làm nhơ mình rồi. Còn người đã nhơ sẵn thì một vết nữa cũng không thấm vào đâu.

(3)     Cơm Hương Tích,

Vốn là cơm lưu phạn từ cõi nước Chúng Hương. Chuyện kể rằng, một hôm nọ, đến thăm bệnh Cư Sĩ Duy Ma Cật ở thành Tỳ Xá Ly, gần giờ ngọ trai, Tôn giả Xá Lợi Phấtđã thắc mắc và khởi niệm "sắp đến giờ ăn, chưa biết các Bồ Tát sẽ thọ thực ở đâu? ". Ngài Duy Ma Cật (vốn là một vị cổ Phật thị hiện xuống thành Tỳ Xá Ly, cách Bồ Đề Đạo Tràngkhoảng 253 cây số về hướng Bắc, để hỗ trợ cho Đức Phật Thích Ca trong công cuộc giáo hóa độ sinh) với thần thông diệu dụng biết tâm niệm đó nên nói rằng " hãy đợi giây lát, tôi sẽ đãi cho ông được bữa ăn chưa từng có ". Nói xong, Ngài Duy Ma Cật liền vào chánh định, dùng thần thông thị hiện cho đại chúng nhìn thấy cõi Phật Hương Tích. Mùi hương ở cõi nước đó vượt hơn mùi hương của trời người và các cõi Phật trong mười phương thế giới. Mọi sự, mọi vật trong cõi đó, đều dùng hương thơm tạo thành. Từ đất đai, kinh thành, lầu các, cỏ cây hoa lá… đều ngào ngạt hương thơm. Mùi hương của cơm cõi ấy tỏa ngát khắp mười phương thế giới. Lúc ấy, Phật Hương Tích cùng các Bồ Tát đang ngồi thọ trai, có các Thiên tử cùng một danh hiệu gọi là Hương Nghiêm, đều đã phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, cúng dường Phật và các Bồ Tát.

Hóa Thân của Ngài Duy Ma Cật đã đến đảnh lễ Phật và thỉnh cơm lưu phạn về cúng dường cho chư vị ở thế giới này. Hóa Thân Bồ tát bay đến Cõi nước Chúng Hương và bạch Phật rằng : “Duy Ma Cật xin đảnh lễ Đức Thế Tôn và cung kính có lời hỏi thăm sức khỏe Thế Tôn, có được ít bệnh, ít não, an ổn không? Chúng con mong được xin chút cơm lưu phạn của Thế Tôn, đem về cõi giới Ta Bà để làm Phật sự. Để giúp cho những ai thích pháp nhỏ được phát tâm đi vào con đường lớn, và cũng để cho danh hiệu của Ngài được lan truyền cùng khắp”. Đức Phật Hương Tích liền dùng bát Chúng Hương đựng đầy hương phạn rồi trao cho hóa thân Bồ Tát. Hóa thân Bồ Tát thọ lãnh bát cơm xong, cùng với chín triệu Bồ Tát cõi Chúng Hương bay về cõi giới Ta Bà. Trong chốc lát đã đến nhà Duy Ma Cật. Hóa thân Bồ Tát đưa bát cơm hương phạn cho Duy Ma Cật. Mùi thơm của cơm tỏa khắp thành Tỳ Xá Ly và Đại thiên thế giới. Dân chúng trong thành ngửi được mùi hương, thân tâm an lạc, khoan khoái và tán thán việc chưa từng có. (lược theo Kinh Duy Ma CậtSở Thuyết, bản dịch của HT Duy Lực)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/09/2010(Xem: 7748)
Người phương tây thường nói “trẻ ước mơ, già hoài niệm”, nhưng sau khi đọc xong tập thơ Hành Trình Quê Mẹ, tôi thấy tác giả, một nhà thơ ở tuổi tri thiên mạng, nhưng lại luôn ghi lòng tạc dạ, nâng niu trân trọng các giá trị được tài bồi bởi tiền nhân; tác giả còn hoài bảo, mơ vọng một hướng sống thiết thực cho người Việt Nam nói chung. Với Mặc Giang, hoài niệm và ước mơ nào có hạn cuộc bởi tuổi tác. Hoài niệm và ước mơ ấy đã trở thành chất liệu tài bồi cho dòng thơ với chủ đề Hành Trình Quê Mẹ tuôn chảy không mỏi mệt, để nguồn thơ của thi nhân vốn nhào nặn từ cuộc sống, trở lại phụng sự cuộc sống ấy, trở thành niềm tự hào kiêu hãnh của trào lưu thi ca hiện đại.
06/09/2010(Xem: 10079)
Qua năm mươi năm, tiếp bước tiền nhân tôi trót vào con đường khảo cứu lịch sử văn học dân tộc. Tôi đã đọc rất nhiều thơ và cũng làm được một số việc cho các thế hệ thơ ca. Nhưng khi may mắn được đọc tập thơ Quê Hương Nguồn Cội (và khoảng 650 bài khác nữa) của nhà thơ Mặc Giang, một tập thơ chan chứa tình quê hương dân tộc, với tâm hồn bao la, sâu rộng bằng trái tim và dòng máu của người Việt Nam, tập thơ đã làm cho tôi hòa đồng trong tác phẩm không còn phân biệt được tâm tư và cảm giác của mình và chỉ còn là một con tim, một dòng máu chung của dân tộc trộn lẫn vào sự cấu tạo chung trải qua mấy ngàn năm lịch sử của núi sông.
06/09/2010(Xem: 8083)
Nhịp Bước Đăng Trình, TNT Mặc Giang
01/09/2010(Xem: 9945)
Theo dòng diễn tiến của những cuộc du hóa qua những quốc gia trên thế giới, giàu và nghèo, Đông và Tây, chúng tôi đã từng thấy con người say sưa với niềm vuisướng, và những con người khổ đau. Sự phát triển của khoa học kỷ thuật dường như có đạt được thêm một ít đường nét, một số cải tiến; phát triển thườngcó nghĩa thêm ít nhiều những tòa nhà ở thành thị.
31/08/2010(Xem: 10210)
Em có về cồn phượng là tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Hoàng Ngọc Hiển.(Tên thật Trần Ngọc Hiển) Sinh năm 1942 tại Phú Lý, Hà Nam. Di cư vào Sài Gòn năm 1954. Cựu học sinh Chu Văn An. Sinh viên Luật khoa (dở dang). Sinh viên ban Triết Tây, Đại học Văn Khoa (cũng dở dang). Tốt nghiệp khả năng Sư Phạm Trung Cấp, ban Văn Chương. Giáo sư văn chương các trường trung học Côn Sơn, Ngô Quyền, Minh Đức, Trí Đức Sài Gòn và Kỷ Thuật Biên Hòa.
30/08/2010(Xem: 7139)
Nửa đời người tôi hiểu được Vô thường - ấy lẽ thường nhiên Và ta chỉ là chiếc lá Trong rừng nhân loại vô biên..
28/08/2010(Xem: 9534)
Chén cơm trong chốn lao tù, Con xin cúng Phật con tu quá đường ! Thế gian huyết hận đau thương ! Nghẹn nào lệ nhỏ vô phương kêu gào !.
12/08/2010(Xem: 8394)
Nằm ngủ ôm vầng trăng Đồi Cù nghiêng nghiêng mộng Đà Lạt chảy trong thân Tôi như rừng thông im bóng. Em như sương trăng áo mộng Đêm thu xưa quyến hớp hồn tôi.
04/08/2010(Xem: 6500)
Để hướng về Mùa Hiếu Hạnh Thiêng Liêng Để tưởng nhớ công ơn Công Đức Sinh Thành Để cùng nhau nhắc nhở Con Hiền Cháu Thảo Để đền đáp trong muôn một công đức Cha Mẹ Và lễ tạ Thù Ân Bốn Ơn Trọng cưu mang. Chúng tôi xin viết, cảm ơn quý vị đón nhận và phổ biến. Trân trọng, TNT Mặc Giang macgiang@y7mail.com
04/08/2010(Xem: 5882)
Quê tôi còn đó dòng sông Nước đi nước đến chờ con nước về Quê tôi còn đó sơn khê Sắt son tô thắm ước thề không phai Ơn sâu nghĩa nặng tình dài Đường quê lối nhỏ hoa cài thơm hương Tin yêu hòa ái mến thương Chia mưa sẻ nắng gió sương không màng Quê tôi còn đó đò ngang Chờ người lữ thứ miên man chưa về
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567