VIẾT CHO PHÁP TỬ
HUỆ ÂM
Huệ âm tiếng vi diệu
Như âm thanh hải triều
Sư bà đã khéo đặt
Cho pháp tử mến yêu.
Cô có nhiều tài nghệ
Bếp núc và cắt may
Cắm hoa và viết chữ
Việc nào cô cũng hay.
Lòng bao dung cao cả
Lại có tính thật thà
Nên dễ bị lừa bịp
Nếu gặp kẻ dối ngoa.
Ham học chuộng hiền tài
Ưa cứu giúp nạn tai
Đỡ nâng người cô thế
Kẻ hoạn nạn không may.
Chăm lo đàn hậu học
Nhờ nhập chúng lâu dài
Trong các ni trường Huế
Xử chúng cô thiệt tài.
TUỆ DUNG
Tuệ Dung người có tuệ
Bao dung mọi chuyện đời
Và cả trong việc đạo
Tâm sắc bén tuyệt vời.
Nuôi Thầy rất chu đáo
Lao ngục những năm dài
Hết tù lại lo bệnh
Cắt đặt việc trong ngoài.
Có từ, bi, hỷ, xả
Dù đã gặp bao kẻ
Lừa lọc lại đảo điên.
Hết lòng với đệ tử
Xuất gia như tại gia
Tại gia đoàn Tuệ Uyển
Do cô huấn luyện ra.
Như đàn ong vỡ tổ
Các Tuệ bay muôn nơi
Khắp góc biển chân trời
Vẫn hướng về quê mẹ.
Vì ở tại nơi đó
Có một bóng người xa
Đã ương trồng hoa Tuệ
Thơm khắp cõi người ta.
TUỆ NGUYÊN
Tuệ Nguyên nguồn tuệ giác
Tuổi đôi mươi lìa nhà
Đi tìm đạo giải thoát
Vị hảo tâm xuất gia.
Nhờ ân đức mẹ cha
Giữ lòng tin kiên cố
Dù có gặp phong ba
Sóng đào cùng cá sấu.
Cô có tính chân thật
Gan ruột bỏ ngoài da
Không cần gì làm mặt
Dễ mếch lòng người ta
Lại có tâm từ bi
Chăm sóc bao mèo chó
Từ miếng ăn lúc bệnh
Mở băng tủng đại bi.
Tắm chó hơ lông kỹ
Sợ nhiễm lạnh thì nguy
Hãy nhớ ơn con nhé
Nào Tu bong, Tu bi.
Lại chăm nuôi bệnh Thầy
Còn kỹ hơn thế nữa
Từng bữa ăn giấc ngủ
Lo vệ sinh đêm ngày.
Với một tâm phơi phới
Với một tâm hân hoan
Không nề hà gớm ghiếc
Thực rất đáng tán dương.
TUỆ NGHIÊM
Tuệ Nghiêm, Hoa Nghiêm Tuệ
Liễu ngộ thế vô thường
Trung niên cầu giải thoát
Săn sóc mẹ già thương
Biến nhà làm tịnh thất
Vui hạnh độc cư nhàn
Sớm hôm lo kinh kệ
Khác chi chốn đạo tràng
Tham gia vào đại chúng
Mỗi tháng vài ba lần
Mỗi khi có thiền hội
Tụng Pháp Hoa, Lương Hoàng.
TUỆ HOA
Tuệ Hoa, tuệ Pháp Hoa
Tuổi trung niên xuất gia
Người đầu tiên cư ngụ
Nhà Bè, thất Liên Hoa
Chuyên cần lo chánh điện
Lau quét và cắm hoa
Lại siêng lo thức chúng
Thời khóa rất đúng giờ
Thời công phu khuya sớm
Không bê trễ bao giờ
Dù có khi mõi mệt
Xứng hạnh người xuất gia.
Lại cũng thích trồng hoa
Thường mua cây phân bón
Hái hoa dâng cúng Phật
Làm vui cửa đẹp nhà.
TUỆ KHAI
Tuệ Khai, tuệ nhãn khai
Dứt vọng tưởng trần ai
Cần cầu bồ đề đạo
Diện kiến chư Như Lai
Hạnh tu chuyên giáo dục
Độ bao trẻ bụi đời
Học trò thương kính sợ
Một mình cô Tuệ Khai.
Cô lại có biệt tài
May bọc nệm xách tay
Học Hán văn mau biết
Và chăm lo phòng may.
TUỆ NHÃ
Tuệ Nhã tâm trang nhã
Có lắm tài nghệ hay
Lại có nét chữ đẹp
Như phụng múa rồng bay.
Xuất gia mười chín tuổi
Pháp sự chẳng nề hà
Diễn kịch đời Lục Tổ
Cô đóng vai mẹ già.
Các vườn tuệ chùa ta
Mỗi khi đàn trẻ nhóm
Phải nhờ cô Tuệ Nhã
Dạy các em múa ca.
Lại có khiếu thi ca
Thơ thất ngôn bát cú
Vừa biết qua niêm luật
Họa thơ “Vịnh tuổi già”.
TUỆ ĐẠO
Tuệ Đạo chọn con đường
Tâm cầu tuệ giác Phật
Tuổi xanh và duyên dáng
Từ bỏ không vấn vương.
Thon thả vóc mai gầy
Dáng ngoài trông mảnh khảnh
Mà tâm hồn dõng mãnh
Sắc bén như kim cương.
Bao công việc trong ngoài
Cô nhiệt tình cáng đáng
Nghề thợ may, hồ, mộc
Cô cũng làm được luôn.
Kinh kệ lo trau dồi
Thì giờ không bỏ phí
Học thêm Anh, Hoa ngữ
Để truyền pháp Như Lai.
TUỆ TRUNG
Tuệ Trung vốn là Bên
Một bé gái ngoan hiền
Đến chùa học may cắt
Sau khi nhập đạo thiền
Được pháp danh Thượng Sĩ
Xứng danh con nhà thiền
Cô siêng năng học đạo
Học điều gì chẳng quên
Xuất thân từ nông nghiệp
Tính chân chất thực thà
Vườn tược khéo chăm chút
Xứng hạnh người xuất gia.
TUỆ NHU
Tuệ Nhu, Tuệ thuận nhu
Người có tay phục dược
Khiêm tốn và dịu hiều
Chẳng làm ai sợ được
Viết chữ thật đều tay
Chữ to mà lại đẹp
Đã chuyên cần việc chúng
Lại còn lo học bài.
Giọng tụng kinh thâm hậu
Đầy khí lực hăng say
Xin dâng mười phương Phật
Âm thanh vi diệu này.
PHƯỚC TRANG
Phước Trang tuổi nhi đồng
Được vào chùa học đạo
Ba kinh thuộc như cháo
Kinh hồn, vía, kinh phong
Mới vào học mẫu giáo
Mỗi ngày Sư đón đưa
Dần dần em biết chữ
Thích đọc truyện đời xưa.
Đến lớp thường lén đọc
“Tam quốc chí, Tây du”
Với “Tâm hồn cao thượng”
Cô giáo than lu bù
Lại có hạnh ở dơ
Ba ngày không tắm rửa
Quần áo không giặt giũ
Mà vẫn thơm như hoa.
Rất có tài biện bác
Mau thấm nhuần Phật pháp
Lại nhờ có thâm niên
Các chị đều chịu phép
Chị hương đăng chia bánh
Bảo Trang còn nhỏ tuổi
Nên nhường cho mấy chị
Vì đời em còn dài.
Phước Trang trả lời ngay
“Chị nói lạ lùng thay
Cuộc đời chưa biết trước
Ai sống hôm chết mai
Trẻ nhiều khi chết sớm
Già mà lại sống dai
Phật đà dạy như thế
Vô thường mấy ai hay”.
PHƯỚC TUỆ
Phước Tuệ tròn chín tuổi
Đã vào nhà Như Lai
Vừa học công phu sáng
Vừa theo học trường ngoài.
Ở chùa chưa bao lâu
Em trở chứng khóc nhè
Nhớ nhà không chịu nổi
Thưa Sư cho con về.
Sư gởi lên Vạn Hạnh
Để mấy chị tìm xe
Đưa em lên Bảo Lộc
Trả về cho mẹ cha.
Chị Tuệ Nhã khuyên em
“Em thật là quá dại
Đã được vào ở chùa
Sao còn đòi về lại
Hãy sám hối Sư đi
Rằng con thật ngu si
Không biết đời là khổ
Về lại đó làm gì”.
Em y lời tác bạch
Xin ở lại tu hành
Mong tìm cầu giải thoát
Khỏi luân hồi tử sanh.
Sư bảo em thôi được
Cho con ở lại đó
Nếu còn khóc bù lu
Sư sẽ cho vào giỏi
Cột kỹ vứt lên xe
Giao cho bác xe đò
Mang hàng về Bảo Lộc
Y như một món đồ
Vì các chị đây bận
Không ai có thì giờ
Để đưa con về mô
Hãy nhớ cho kỹ đấy.
Từ đấy em ở lại
Tiếp tục học trường ngoài
Cô bảo mặc áo đời
Vì chú tiểu hay quậy.
Em trả lời thưa cô
“Cho em mặc đồ tu
Khi nào thấy em quậy
Cô phạt mặc áo đời”
Mỗi lần họp phụ huynh
Cô giáo rất khen em
Biết nghĩ thương cô giáo
Thường lên bục hỏi thăm.
Trẻ ngoài mấy ai được
Đáng yêu như bé Quỳnh
Nhờ tu trong pháp Phật
Biết nghĩ đến chúng sinh.
PHƯỚC NGỌC
Phước Ngọc tâm bồ tát
Tám tuổi mẹ qua đời
Để lại một em trai
Một mình em chăm sóc.
“Con muốn xuất gia lắm
Nhưng đi ai nuôi em
Khi nào em ba tuổi
Con xin theo Sư liền”.
Năm em mười hai tuổi
Dịp Sư về quê em
Em thu xếp đồ đạc
Theo Sư học đạo thiền.
Vào Tuệ Uyển Vạn Hạnh
Thấy em bé ngoan xinh
Các bà đều cạnh tranh
Xin nuôi em ăn học.
Sư bảo “Các bà nuôi
Sao cho bằng Phật nuôi
Em đã là con Phật
Để Phật lo mà thôi”.
Ở chùa em siêng năng
Các chị đều mến thương
Thấy em làm việc nặng
Sư vội vã can ngăn,
“Con quen làm việc nặng
Lúc còn ở nhà cơ”
Sư nghe mà xót xa
Cho tuổi thơ mất mẹ
Thấy em ăn ớt cay
Y như người lớn tuổi
Ai cũng ngạc nhiên hỏi
Bé mà biết ăn cay?
Em kể lúc ở nhà
Nuôi mẹ đang nằm bệnh
Em vẫn tập ăn ớt
Chờ lúc mẹ khoẻ ra
Vì bà hứa khoẻ ra
Sẽ cho đi đây đó
Theo bà lên thị xã
Ăn bún Huế rất cay.
“Nhưng rồi mẹ qua đời
Con hết được đi chơi
Cũng chưa ăn bún Huế
Sau khi tập ăn cay”.
PHƯỚC TỊNH
Phước Tịnh tuổi mười ba
Đã vào chùa xuất gia
Vừa học đời học đạo
Thầy cô đều mến ưa.
Buổi đầu vào lớp học
Điểm danh đến tên em
Em chấp tay đứng dậy
Thầy giáo rất ngạc nhiên
Giữa thời buổi đảo điên
Chỉ ở trong chùa chiền
Còn duy trì chút ít
Lễ nghi của nhà thiền.
Chị Nguyên Vân hỏi em
Vì sao em xuất gia
“Vì sợ đọa địa ngục”
Trả lời không đắn đo.
Em có hạnh vui tươi
Dù những lúc biếng lười
Bị các chị la mắng
Em vẫn giữ nụ cười.
PHƯỚC NHẪN
Phước Nhẫn tên Bé Na
Con cưng của mẹ cha
Vì có duyên với đạo
Em đoạn dứt tình nhà.
Tuổi mười hai xuất gia
Sư đặt tên Phước Nhẫn
Em siêng năng tu học
Làm đủ việc trong chùa.
Ngoài công phu kinh kệ
Em quét nhà quét sân
Tưới cây và bắt rắn
Việc nào cũng kham năng.
Lại có lúc chở phân
Để đem về bón vườn
Em vui làm theo chúng
Khiến ai cũng mến thương.
Noi gương Thái tử xưa
Xuất thân từ hoàng gia
Vẫn ôm bát khất thực
Gieo duyên cho mọi nhà.
PHƯỚC LẠC
Phước Lạc mới xuất gia
Tuổi đời vừa hăm ba
Thầy đưa vào nhập chúng
Từ Qui Nhơn rất xa
Nét mặt em vui hòa
Nụ cười tươi như hoa
Chuyên môn làm việc nặng
Nhờ ngón võ truyền gia.
Thông minh nhưng làm biếng
Em chỉ thích chấp tác
Nói “Ở chùa tạo phước
Làm chó chùa cũng sướng”.