Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46. Người Thầy khả kính (Thích Huệ Pháp)

17/06/201408:10(Xem: 22625)
46. Người Thầy khả kính (Thích Huệ Pháp)

 Tôi ít phước nên duyên thầy trò với thầy chậm hơn những bạn đồng tu khác, phải đến năm thứ tư ở xứ Ấn Độ thì mới có duyên gặp được thầy. Trong khi đó, những người bạn đồng tu khác qua Ấn Độ năm đầu là đã được diện kiến Thầy và được Thầy dìu dắt trên con đường tu học nơi xứ người. Có vị được Thầy chăm lo cho đến tận ngày ra trường những 8 năm học hết cấp tiến sĩ. Tuy nhiên, với tôi, duyên chậm nhưng lại được tiếp xúc gần, và rất gần với Thầy, và từ đó học được ở Thầy rất nhiều thứ, từ lời ăn tiếng nói, từ sự tu tập, hoằng pháp, nghiên cứu, viết dịch sách v.v… và áp dụng những gì Thầy chỉ bảo để tiến tu trên con đường học đạo.

 Nhớ lại những ngày đầu gặp Thầy ở chùa Viên Giác – Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ vào năm 2010, lúc đó vào mùa thu, Tăng Ni sinh đang du học tại Ấn tề tựu về Viên Giác để dự khóa tu học với Thầy 10 ngày. Trước đó vài năm, Thầy đã phát nguyện về Bồ Đề Đạo Tràng mỗi năm một lần trong mười năm để lạy Phật, hướng dẫn Tăng Ni sinh tu học. Năm đó, sau 4 năm trôi qua không gặp được Thầy vì chuyện này nọ, tôi cũng đã được diện kiến Thầy thật gần. Phong thái của Thầy thật giản dị và hiền hậu hơn là những gì tôi được nghe kể lại.

 Người ta kể rằng, trước đây Thầy khó tính vô cùng, Thầy khó từng chút một với mong muốn chúng đệ tử của mình nên người. Với những người khó tính, diện mặt lúc nào cũng đăm chiêu, ít cười khiến cho cơ mặt mau lão hóa hơn, già hơn. Ai thử xem đi, người lúc nào cũng cười, hoan hỷ thì diện mạo trong sáng hơn là kẻ sân hận, đa nghi nhiều. Thế nhưng, sự khó của Thầy trước đây lại chứa đựng hạt giống từ bi muốn cho người khác trưởng thành; và một khi chúng đệ tử trưởng thành hết rồi, đi ra làm trụ trì nơi này nơi kia rồi, thì Thầy chuyển nóng thành mát, chuyển khó thành dễ, chuyển đăm chiêu thành diện mặt của Ngài Di Lặc Bồ Tát.

 Và tôi được gặp Thầy vào thời điểm như thế.

 Tâm Thầy rộng lượng và bao dung. Thầy ban bố tài thí đến cho mọi học Tăng, học Ni mà Thầy có duyên gặp. Có lần khi ở Viên Giác bên Đức, Thầy đưa tôi một chồng giấy tờ từ nhiều năm trước bảo tôi giúp Thầy liệt kê lại tất cả giấy tờ tài chính mà Thầy giúp cho học Tăng, học Ni từ năm 1994 đến bây giờ. Tôi lúc đó phải ôm một chồng giấy tờ đi Wilhemshaven vừa thăm Phật tử ở đó vừa tranh thủ thời gian để kiểm kê. Qua một tuần rà soát, thì mới ra được con số Tăng, Ni chỉ tính riêng ở Ấn Độ mà Thầy đứng ra giúp là 170 người, với số tiền hơn nửa triệu Euro. Đó là con số chỉ tính riêng ở Ấn Độ, còn chưa tính con số Thầy giúp cho học Tăng ở các nước khác như Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Miến Điện, Hoa Kỳ, Đức Quốc; nơi nào có Tăng, Ni sinh Việt Nam cần là Thầy đưa cánh tay ra giúp đỡ. Ai cũng biết, sinh viên thì nghèo, được sự giúp đỡ ít nhiều cũng cảm thấy an lòng khi ở xa quê hương. Thầy chưa từng đặt chân về đất mẹ Việt Nam từ khi ra đi, nhưng tâm Thầy luôn hướng về đất mẹ, luôn hướng về người Việt Nam, cùng dòng máu, cùng tiếng nói như thế.

 

 Lần gặp đầu tiên ấy là vào tháng 10 năm 2010, khóa tu học 10 ngày diễn ra rất nhanh chóng hơn mình tưởng tượng. Sự đời là thế, cái gì không thích thì lại thấy thời gian rất chậm, cái gì mình thích thì thời gian dường như lại chóng qua. Cho đến chỉ còn vài ngày nữa là khóa tu học chấm dứt thì đại nhân duyên của tôi với Thầy mới xuất hiện và từ đó đến nay khiến mối liên hệ giữa tôi với Thầy thêm gắn bó, tình thầy trò thêm sâu đậm.

 Số là thường khi kết thúc khóa tu học tại Bồ Đề Đạo Tràng, sẽ có một chuyến dã ngoại, thầy trò cùng đi thăm một thánh tích nào đó. Năm ấy, thầy chọn đi núi Kê Túc nơi Ngài Ca Diếp giữ bình bát của đức Thế Tôn nhập thiền định tại núi này để đợi đức Phật Di Lặc ra đời. Xe đi từ sớm, Thầy thì lúc nào cũng đeo cái đãy bên mình vì không có ai làm thị giả. Ở Việt Nam khi đi đâu với sư phụ hay với các bậc Trưởng lão, Tăng, ni trẻ chúng tôi thường nhận lãnh giữ hộ những vật ấy để các Ngài nhẹ người. Thấy thế, tôi xin Thầy để tôi giữ hộ. Thầy Như Tú nói nửa đùa và thật rằng: thôi thầy Huệ Pháp làm thị giả cho Ôn luôn đi. Thế là tôi trở thành thị giả bất đắc dĩ của Thầy.

 Và từ đó đến sau này, mỗi khi đi ra nước ngoài có duyên gặp Thầy, tôi lại được làm thị giả cho Thầy, hầu cận Thầy, làm thư ký vi tính cho Thầy, chụp hình cho Thầy v.v… Và cũng từ đó, tôi mới khám phá ra một kho tàng trí tuệ sống mà Thầy sở hữu. Thầy sở hữu trí nhớ tuyệt vời, những bài hát, bài thơ học từ nhỏ, Thầy đọc vanh vách. Trí nhớ siêu đẳng đó cũng giúp Thầy nói, nghe, đọc và viết lưu loát được nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Pháp, Đức, Hoa, Nhật. Nói thì khó tin nhưng tận mắt thấy thì mới hiểu. Có lần khi dự lễ khánh thành chùa Việt Nam tại Nhật, Thầy được Hòa Thượng Trụ Trì chùa đó mời làm thông dịch cho ông Thị trưởng vùng tới dự. Thầy đối đáp và dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt cho bà con kiều bào nghe. Đến tận bây giờ, Thầy đã có hơn 60 tác phẩm viết và dịch từ nhiều ngôn ngữ khác nhau sang tiếng Việt và ngược lại. Sức làm việc của Thầy phải nói là hơn người.

 Trong chuyến lên núi Kê Túc chiêm bái Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, tôi còn được nghe Thầy đọc lại những vần thơ Kiều đã quên tự thuở nào. Đường lên núi cao và khó đi nhưng nhờ thế mà huynh đệ chúng tôi lại có dịp nghe Thầy ngâm Kiều. Cứ mỗi lần nghỉ chân là được quây quần bên Thầy nghe ngâm thơ; nhờ thế mà đoạn đường leo cao cứ ngỡ không cao, đoạn đường xa tít cứ ngỡ như bên cạnh.

 Tôi học được từ Thầy nhiều thứ lắm, kể ra không hết và đến giờ vẫn áp dụng trong những chuyến đi, khi hoằng pháp, lúc tu tập. Thầy khuyến khích tôi dịch và viết sách. Có lần trong lúc thầy trò chuẩn bị rời Sri Lanka để về Ấn Độ, cả đoàn ra tiệm sách mua vài cuốn về đọc thì Thầy trao tay đưa một cuốn rồi nói Huệ Pháp dịch cho thầy, tháng 10 tới thầy qua trình cho thầy xem. Nếu tự tôi làm có thể không thể xong một cuốn sách chuyên về phê bình lịch sử, nhưng nhờ sự khuyến khích của Thầy về tinh thần, sau ba tháng năm đó tôi đã trình cho Thầy xem bản dịch. Những chỗ nào còn vấp hay chưa rõ, Thầy dành thời gian của mình để cùng tôi xem lại. Hơn 100 trang sách, thế nhưng vì thương tưởng hàng hậu học, Thầy đọc liền một mạch trong hơn 2 tiếng đồng hồ, để rồi viết những lời giới thiệu thật dễ thương cho đầu sách.

 Thầy là thế, một khi đã hứa với ai điều gì, đã nói điều gì đều không bao giờ quên và cố làm bằng được. Tôi học Thầy ở nơi đúng giờ. Và giờ tôi cũng áp dụng điều đó vô cuộc sống của mình. Tôi qua Viên Giác – Đức Quốc để ý thấy, thời tụng kinh sáng không khi nào Thầy bỏ. Thế nhưng điều đó chưa ấn tượng bằng việc đúng giờ của Thầy. Thời tụng kinh sáng lúc 5h45, chúng tôi tập trung lúc thì trước 10 phút, lúc thì trước 5 phút ở hậu Tổ chờ Thầy. Cứ ngỡ nếu Thầy ra sớm 5 hay 10 phút thì cho xá Tổ lên chánh điện, nhưng không bao giờ. Khi kim giây đồng hồ quay về số không của 5h45 thì Thầy mới xá Tổ và dẫn đại chúng lên chánh điện. Ở đó được hơn tháng nhưng không bao giờ thấy Thầy đi sớm hay trễ vài giây phút như thế. Ăn cơm xong, Thầy dạy: Huệ Pháp đúng 8 giờ ra sảnh trước đợi thầy rồi đi. Thì đúng 8 giờ kém 5 phút Thầy đã có mặt đợi. Sự đúng giờ giấc cũng là một phương pháp tu tập mà Thầy không bỏ bê.

 

 Đó vẫn chưa phải ấn tượng bằng việc Thầy đi… lượm rác. Một vị Hòa Thượng đạo cao đức trọng như thế tôi chưa bao giờ thấy đi lượm rác cả. Thế nhưng, ở Âu châu có một vị Hòa Thượng như thế. Có thể tôi ít đi, chưa thấy cũng nên. Với Thầy đó là lần đầu tiên trong đời tu hành đến giờ tôi thấy. Chiều đó, sau 3 ngày chùa tổ chức lễ hội Quán Thế Âm, khi mọi người ra về hết, Thầy gọi tôi tới và dạy rằng sau khi ăn cơm chiều xong, xuống hầm lấy cái kẹp rác theo Thầy. Tôi chỉ nghĩ là Thầy bảo tôi làm chứ Thầy sao làm. Nên tôi chỉ lấy có một cái cho riêng mình. Xong khi lên thì thấy Thầy cũng cầm sẵn cái bị và đồ kẹp rác từ bao giờ đợi tôi. Tôi không thốt nên lời cứ theo sau Thầy. Thầy một bên đường, tôi một bên đường, đi từ chùa đến bãi đỗ xe, cỡ 200 mét, cứ thế, hai thầy trò lúc thẳng người, lúc cong người, mắt căng ra xem rác ở đâu để nhặt. Thầy nói, Thầy làm chuyện này hơn 20 năm rồi, lúc nào cũng vậy, mỗi khi mùa lễ hội kết thúc, lúc mọi người về nhà hết, Thầy đi lượm rác mà họ vô tình hay cố ý để lại, làm sạch môi trường sống, cũng là một pháp môn tu học mà Thầy đã thực hiện.

 

 Với tuổi của Thầy bây giờ, công việc đó cũng chưa là gì cả, bởi thỉnh thoảng mới làm một lần, nhưng với việc siêng tu lạy Phật trong ba tháng an cư mới đích thực là Thầy. Vì may mắn được làm thị giả của Thầy, được làm thư ký ngắn hạn cho Thầy nên mới tiếp xúc được những điều mà Thầy ít nói ra cho người khác biết. Hơn 30 năm qua, Thầy đã phát nguyện lạy nhất tự nhất bái các bộ kinh như Ngũ Bách Danh, Tam Thiên Phật Danh, Kinh Vạn Phật, Kinh Pháp Hoa, và Kinh Đại Bát Niết Bàn. Trẻ khỏe như huynh đệ chúng tôi cũng không bằng sức khỏe mà Thầy sở hữu. Lần đầu về Viên Giác thăm vào dịp An cư kiết hạ, tối đầu tiên tụng kinh mới thấy rõ sự kiên trì và tinh tấn phi thường của Thầy. Chúng tôi có lúc còn quỳ lạy, thế nhưng với Thầy hai chữ quỳ lạy không có trong tâm tưởng của Thầy. Mỗi thời tụng kinh tối 350 lạy, Thầy vẫn đều đặn đứng lên lạy xuống như thế. Một bộ kinh Đại Bát Niết Bàn chúng ta ngồi đọc đã thấy mệt, huống hồ, Thầy lạy trong 30 mùa hạ liên tiếp như thế. Phải kiên trì, tinh tấn lắm với sức của một vị Hòa Thượng niên cao lạp trưởng mới thành tựu được.

 Tôi còn nhiều điều để nói về Thầy lắm, vài dòng trang giấy trên chẳng thấm gì so với công hạnh hơn 50 năm cuộc đời tu hành của Thầy. Tôi lại chỉ được diện kiến Thầy vài tháng trong một năm, vào những năm cuối chương trình tiến sĩ thôi, giờ thì về lại Việt Nam lo Phật sự rồi thì lại càng khó hầu thăm Thầy hơn. Nay đây, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 cuộc đời tu học của Thầy, những kỷ niệm trong tôi như sống dậy, ký ức dâng trào ngòi bút, xin viết vài dòng ghi lại kỷ niệm. Nếu con có viết chỗ nào còn chưa đúng, xin Ôn hoan hỷ cho con.

 

 Tôi viết cho bạn đọc những kỷ niệm của tôi với Thầy, có chỗ nào thêm thắt, chỗ nào quá mà bạn đọc biết thì xin lượng tình chỉ giáo. Bài viết này nói lên công hạnh của một bậc xuất sĩ, đọc cũng là để học vậy.

 

Viết trong Mùa Phật Đản Vesak 2014

Tại chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa – Nha Trang.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2011(Xem: 8683)
Chiều đông lạnh đứng trên thềm gạch cũ, Lòng nao nao nhớ lại thuở huy hoàng. Khi Đức Phật và Tăng đoàn tựu đủ, Từ nơi này truyền đạo khắp nhân gian. Bao mùa hạ nơi Trúc Lâm Tịnh Xá, Phật vẫn thường lui tới ngụ dưỡng an. Một tịnh cảnh nằm giữa thành Vương Xá,
05/01/2011(Xem: 10862)
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư Học hành không thiếu cũng không dư Năm nay tính lại chừng quên hết Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ
05/01/2011(Xem: 9342)
sỏi đá vun lên mấy cội tòng, đất trời ai biết có ai không?
04/01/2011(Xem: 8516)
Tôi nghe một cõi tâm tư Rung lên tiếng vọng xa rồi thời gian Tôi nghe một cõi âm vang Rung lên cung điệu bên đàng chưa pha Một thời dĩ vãng đi qua Mờ mờ ẩn hiện nhường xa hóa gần Phong trần mấy độ thương thân Tang thương mấy độ cũng ngần ấy thôi Khi cao cao vút lưng đồi
04/01/2011(Xem: 9288)
Bữa hôm nay mặt trời đi ngủ sớm Nắng nhẹ rơi vàng vọt kéo nương chiều Đẩy lưng trời nhè nhẹ gió hiu hiu Nắng gát đầu non ngập ngừng chưa muốn tắt
04/01/2011(Xem: 9289)
Cho khoai tây, gừng, đậu xanh, măng non, muối, bột ngọt, đường, gừng vào một cái thố, trộn đều rồi ép nhẹ thành miếng hình chữ nhật dày 1.5cm.
03/01/2011(Xem: 9168)
Hễ còn sống, còn làm, không nói trước Nếu chết đi, từ tạ, thế là xong Nên an vui cho trọn vẹn tấm lòng Kẻo uổng phí một lần vào sinh tử.
03/01/2011(Xem: 8740)
Tôi còn nhớ, những ngày xưa mẹ nói Khi lớn lên đối mặt với trường đời Dù làm gì vẫn chừa lại một nơi Sống có hậu lương tâm nghe không thẹn
02/01/2011(Xem: 12084)
Trăng đang sáng bỗng mờ đi bất chợt Bầu trời đêm còn lại những vì sao Cả vũ trụ chìm sâu vào bóng tối Đã bao lần trăng Nguyệt Thực trên cao
01/01/2011(Xem: 9419)
Đứng nhìn bóng phượng liên chiều Chiều ơi! Chiều dai! Chiều xiêu ngã lòng! Chiều vàng,chiều trắng,chiều không! Ồ. Tôi đứng hát giữa mông mênh chiều!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]