Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đôi chân Thúy Kiều...

16/08/201319:09(Xem: 11341)
Đôi chân Thúy Kiều...

Thuy_KieuĐÔI CHÂN THÚY KIỀU

Qua Cung Đàn Trịnh Công Sơn Trong Mùa Phật Đản

Một đêm rằm tháng tư, trăng thanh gió mát, đèn hoa lấp lánh dưới các tàng cây, từng dòng người hân hoan trang trọng ra vào chánh điện thiền viện Vạn Hạnh, đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, để dâng hương lễ Phật cùng chờ xem buổi trình diễn văn nghệ do các văn nghệ sĩ và ca sĩ Phật tử nổi tiếng hát mừng Phật đản, trong đó có nhạc sĩ tài danh Trịng Công Sơn, người đã lưu lại trong lòng khán thính giả nhiều ấn tượng thú vị đến ngỡ ngàng.

Mở đầu, anh giới thiệu bài hát được sáng tác vào một đêm mưa bay lất phất, gió rít từng cơn, và anh bỗng thấy mình lưu gót tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt. Thế là bài hát “Ở Trọ hay Ở Đậu” ra đời. Anh cũng giải thích thêm đôi chút về tựa đề: “… cũng như giờ đây chúng ta đang trọ tại sân thiền viện Vạn Hạnh, lát nữa ra về mỗi người một phương; rồi sân viện trọ ở mô? Trọ trên trái đất, và trái đất trọ trong không gian. Một chuỗi trọ. Ha… ha …!” Anh đã hé mở cánh cửa duyên sinh cho khán thính giả có dịp tự thấy mình, thấy người, và thấy cả sơn hà đại địa. Sau đó anh dạo đàn và hát:

“Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn”

Hình ảnh con chim đong đưa trên cành tre, con cá lững lờ trong dòng nước rất sinh động, gợi cảm, nhưng cũng rất vô thường, mong manh. Con chim nào đậu mãi trên cành cây? Con cá nào trọ hoài trong dòng nước? Cành cây chuyển động theo gió, dòng nước luân lưu theo nguồn, và dòng đời cũng vận hành theo duyên nghiệp hợp tan. Thảo nào Khổng tử nhìn dòng sông mà cất lời cảm thán: “Ngày đêm chảy mãi thế này ư! (Thệ giả như tư phù bất xả trú da!ï), và Héraclite thì: “Có ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Dòng sông, theo duy thức học Phật giáo, còn là biểu tượng của tâm thức (mind) hay ý thức (consciousness), tư tưởng ở đó hiện khởi tương tục theo trần cảnh như một dòng nước chảy xiết (hằng chuyển như bộc lưu); và trần cảnh thì biến thiên, sanh diệt theo nghiệp cảm duyên khởi của vạn loại hữu tình.

“Mây kia ở đậu từng không

Mưa nắng ơ ûtrọ bên trong mắt người”

“Mây kia”, khi đen kịt vần vũ, lúc lãng đãng phiêu bồng, là hình ảnh hiện thực nhưng gợi ý giả danh (bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương). Tùy theo nhận thức về đối tượng của mỗi cá thể mà sanh ra thiên sai vạn biệt (do giả thuyết ngã pháp, hữu chủng chủng tướng chuyển). Còn mưa-nắng là cặp nhị nguyên đối đãi như hữu-vô, thường -đoạn (thử sanh tắc bỉ sanh, thử diệt tắc bỉ diệt). Nhưng tại sao mưa nắng ở trọ bên trong “mắt người” mà không bên trong “tai người”? Rõ là nhạc sĩ đang khiêu vũ với ngôn ngữ thi ca và cùng nhau bay qua khung trời hư-thực (mẹ cho em đôi mắt màu đen, để thương để nhớ để ghen để hờn). Hỷ-nộ-ai-lạc-ái-ố-dục cứ loanh quanh thấp thoáng hay ào ạt vút qua cửa sổ tâm hồn. Tất cả chỉ vì “mộng trung hữu mộng trùng mê mộng”.

“Môi xinh ở đậu người xinh

Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều”

Môi xinh ở đậu người xinh là phù hợp với quy luật tự nhiên, nhưng đi đứng tại sao không trọ đôi chân Thúy Vân hay Kim Trọng mà phải ở trọ đôi chân Thúy Kiều? Cái diệu nghĩa thâm uyên ly kỳ bi tráng là ở điểm đó. Thúy Kiều là hiện thân của trầm luân khổ hải, nhưng cũng lung linh tinh khiết như giọt nắng ban mai. Cho dù phải mười lăm năm truân chuyên phiêu bạt với thanh y hai lượt thanh lâu hai lần, nhưng Thúy Kiều vẫn một lòng thủy chung son sắt, một dạ “dưới nguyệt chén đồng” với Kim Trọng. Dân tộc Việt Nam cũng thế. Cho dù phải lang thang trôi giạt nơi thiên nhai hải giác hay âm thầm đạm bạc tại cùng cốc thanh sơn, con dân Việt Nam luôn trung thành và nhớ về tổ quốc Việt Nam. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây” lúc nào cũng bàng bạc theo lời ru của mẹ. Và qủa thực “Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người” (There is no place like home). Quê hương, đối với anh, còn là một cõi đi về: thế giới nhất như, vượt tầm đối đãi. Trịnh Công Sơn đã tiếp sóng cho ta để có cùng một xung động kỳ diệu.

“Xin cho về trọ gần nhau

Mai kia dù có ra sao cũng đành”

Thật là lãng mạn và đượm mầu nhân bản. Tất cả mọi chủng loại đều đang trọ trên khắp mặt địa cầu. Nhưng vì sao phải “xin cho về trọ gần nhau”? Vì thế gian vô thường, vũ trụ nguy khốn (thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy). Trọ gần nhau đề hiểu nhau, thương nhau và san sẻ cho nhau chút tình đồng loại. Tà kiến, định kiến nhân đó mà tan biến dần, thọ mạng con người nhờ thế mà được thêm hương thêm sắc. Còn “Mai kia dù có ra sao cũng đành” không phải là thái độ phó mặc hay ngữ khí liều mạng. Mà “Mai kia” – theo tư tưởng Tây phương – không bao giờø đến (Tomorrow never comes), chỉ có hiện tại là tuyệt vời (No time like the present). Và theo ngôn ngữ thiền môn thì: quá khứ đã qua, tương lai chưa tới; chỉ có hiện tại, tức đương niệm hay chánh niệm (mindfulness) là quan trọng hơn cả. Và đúng như vậy. Trong khi khán thính giả đang lắng lòng nghe hát, ca sĩ, nhạc sĩ đang hưng phấn theo nhịp phách cung đàn, tất cả đang ở trong một trạng thái hỷ lạc, hòa điệu, trạng thái “vô công dụng xứ” thì cái “Mai kia” có dính dáng gì với cái hiện tại hay đương niệm này. Nói cách khác, “Mai kia” cũng chính là đương niệm này. (Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế qủa, kim sanh tác giả thị.)

Trịnh Công Sơn đã tự thân quán chiếu duyên nghiệp tại thế của mình “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” mà cảm thông, lân mẫn với người, với đời, với cỏ cây sỏi đá và tất cả sinh linh “làm sao em biết bia đá không đau!” qua lời tâm sự: “Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khoảng trời vắng chân mây địa đàng”. Vâng, chân mây địa đàng, cực lạc trần gian hay niết bàn tại thế đều là mục tiêu tối thượng của mọi dòng sinh mệnh. Anh đã chuẩn bị hành trang qua cuộc hành trình “nối vòng tay lớn” và đã ra về trong chánh kiến ban sơ. Anh đã cất cao tiếng hát đập nát xích xiềng, phá tan định kiến thì khái niệm “xưng, cơ, hủy, dự” cũng chỉ là bóng dáng của những giọt sương, hạt móc trên đóa hoa hồng dưới ánh nắng xuân.

(Đã đăng trong tuần báo Giác Ngộ số 118, ngày1/5/2002)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/12/2010(Xem: 14345)
Following disappointments in love and career, Ka-jo-ju went to a monastery high in the mountain and told the master: “Master, I have seen the faces of life and wish to be released from suffering...
01/12/2010(Xem: 10813)
Bagan - chùa tháp cổ sương Có con trăng dệt con đường sử kinh Ngọn đèn pháp bảo lung linh Dấu son một thuở phục sinh đạo vàng
29/11/2010(Xem: 11495)
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện Cả rừng cây không ai lên tiếng Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến
21/11/2010(Xem: 14543)
La dieu bong Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng Chị thẩn thơ đi tìm Đồng chiều Cuống rạ Chị bảo Đứa nào tìm được lá diêu bông Từ nay ta gọi là chồng Hai ngày em tìm thấy lá Chị chau mày Đâu phải lá diêu bông
21/11/2010(Xem: 10042)
Này em ! Có phải khi mình mất đi hạnh phúc Thì mới hay... hạnh phúc có trong đời.
16/11/2010(Xem: 6793)
Viễn Hành Thích Tâm Ngoạn Trên đường vạn dặm tuyệt vời Lòng ai như chẳng hề rời quê hương Vui cười, sống đẹp yêu thương Lòng ai hạnh phúc, quê hương chẳng rời.
16/11/2010(Xem: 10997)
“Nam Kha nhất mộng đoạn, Tây Vức cửu liên khai, phiên thân quy Tịnh Độ, hiệp chưởng lễ Như Lai
16/11/2010(Xem: 10274)
Ước mộng đi em, đời quàng hoa nguyệt quế Con số tính toan hiện bảy sắc cầu vồng Mây du tử đã bao đời hoạn nạn...
14/11/2010(Xem: 6651)
Cảnh Thiền Thích Tâm Ngoạn Ngôi chùa đẹp ở phương xa Có thầy phục vụ vị tha ân cần Vui lòng thiện tín xa gần Một trời hạnh phúc, một lần viếng thăm
14/11/2010(Xem: 9118)
Thúy Kiều, con của viên ngoại họ Vương, người ở Bắc Kinh. Nàng yêu kiều diễm lệ, có một thái độ phong lưu, tính thích hào hoa, thích âm luật...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]