Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tuyển tập 17

26/11/201102:45(Xem: 14092)
Tuyển tập 17

Tình Tự Quê Hương 17

01. Thăm nhà thương điên

02. Thăm viếng trại cùi

03. Thăm người lao động

04. Xin gởi cho anh

05. Xin gởi cho chị

06. Xin gởi cho em

07. Trao thế hệ đàn em

08. Thăm hỏi tiền nhân

09. Không biết ngày mai tôi trở về

10. Trong cuộc sống biết nhìn đời bạn nhé

Bài thơ hăm bảy :

Thăm nhà thương điên !

Tháng 03-2005

Giờ đi thăm viếng nhà thương điên

Cuộc sống người điên chẳng có phiền

Hờ hững nhìn đời như huyễn mộng

Lửng lơ bay bổng tựa thần tiên

Phần lớn người điên lớn hết rồi

Nhìn chung tuổi đã quá đôi mươi

Phần đông có lẽ vài ba chục

Một ít lão niên, sáu, bảy mười

Anh kia, đứng ngó, chỉ, rồi cười

Anh nọ, nhe răng, mở miệng : ươi . . . !

Còn chị, buồn buồn, tay quạt gió

Còn cô, bẽn lẽn, bảo : ngươi ! ngươi !

Kìa, người lửng thửng, nghêu ngao hát

Đấy, kẻ quơ quơ, khảy tay đàn

Một thế giới cuồng quay rộn rã

Âm thanh hỗn độn lộng vang vang

Tôi thoáng buồn trông hỏi mấy lời

Anh chàng lắt lắt, chỉ : ôi ! ôi !

Còn cô không nói, đưa tay quạt

Hỏi một hồi, tôi chẳng biết tôi

Viếng thăm một chút rồi ra đi

Thế giới người điên thật lạ kỳ

Không biết làm sao mà hiểu nổi

Đi rồi, còn vẳng tiếng : i !!! . . . i !!!

Chào người cai quản một đôi câu

Như thế, hiểu không, ảnh gật đầu

Vì quá quen nên mò đoán ý

Người điên, mà hiểu họ, còn lâu !!!

Bài thơ hăm tám :

Thăm viếng trại cùi !

Tháng 03-2005

Ta viếng đi thăm những trại cùi

Mới vào đến cổng đã nghe mùi

Cái mùi dần chết ôm thân phận

Một cõi trần gian, khép ngậm ngùi

Vào thăm, mới thấy cảnh thê lương

Trường đoạn còn đâu, khúc đoạn trường

Não thảm chất chồng thêm thảm não

Thương đau, rữa nát những đau thương

Bỗng nhớ ngày xưa Hàn Mặc Tử

Đường lên dốc đá, nát tan hoang

Mộng Cầm thổn thức vầng trăng lặn

Nguyệt lạc trường giang lạnh đá vàng

Trại cùi, một thế giới âm u

Bóng tối, vẽ chi cảnh mịt mù

Đến cuối đường hầm còn khép lại

Canh tàn còn đợi cửa thiên thu

Tấm thân đang sống bỏ dần thân

Từng khúc rữa ra, cắt bỏ dần

Gởi đớn đau về thăm cát bụi

Giữ trần thân đếm những phong trần

Cắt đi, cắt nữa, bỏ từng phần

Cắt bỏ khi nào hết tấm thân

Cắt chỗ thối tha, thêm chỗ chết

Ui cha ! đau quá ! thân ơi ! thân !

Thấy rồi, tội lắm, hỡi người ơi

Còn khổ nào hơn trong cuộc đời

Cùi đã cùn dần, thêm phát hủi

Còn gì mà nói nữa, người ơi !

Bài thơ hăm chín :

Thăm người lao động !

Tháng 03-2005

Giờ ghé qua thăm người lao động

Để nhìn từng giọt đẫm mồ hôi

Phong sương vá áo dày lao nhọc

Là biết cuộc đời khổ tới đâu

Lao động, những ai có trải qua

Khổ rồi, mới biết thương người ta

Nếu chưa, sao hiểu ngàn công khó

Từ cổng bước vô, ngập nóc nhà

Cái nghề lao động của chân tay

Sần sũi làn da đến mặt mày

Gian khổ đeo đời trôi lận đận

Cần lao cực nhọc tự xưa nay

Một nắng, hai mưa, nhuộm gió sương

Ba lao, bốn khổ, ngấm tang thương

Năm cay, sáu đắng, chồng chua chác

Bảy xót, tám xa, chất đoạn trường

Ngày, hứng mồ hôi, lớp lớp trào

Đêm, kè đau khổ, quải gian lao

Hai bờ thăm thẳm mòn đôi mắt

Cơm nếp đầy vơi, ngấy nhét vào

Của một nhưng công nặng bạc vàng

Bao nhiêu vật dụng cõi trần gian

Đều nhờ công sức người lao động

Đừng bỉ dè nhau hỡi thế nhân

Mong ai chia xẻ, quí thì thôi

Bắt nhịp cảm thông, ơn cảm rồi

Chớ trọng khinh chi bao nghiệp dĩ

Nghề nào, cũng sống vậy mà thôi !

Bài thơ ba mươi :

Xin gởi cho Anh !

Tháng 03-2005

Này anh, từ lúc gánh hai vai

Một sắt hai son cứ miệt mài

Nước chảy thấm sâu lòng đất nước

Đá mòn cho phỉ chí làm trai

Này anh, từ thuở bước lên đường

Đem sức tang bồng vá nhiểu nhương

Đem chí nam nhi bồi tích sử

Góp bàn tay hiến tặng quê hương

Này anh, đừng hỏi, đến bao giờ

Đã bảo rằng xây dựng ước mơ

Như núi cùng non reo tuế nguyệt

Như sông cùng biển tựa cơ đồ

Một khi, trái chín mộng, treo cành

Nhụy thoảng thơm thơm, hương tỏa quanh

Là đến thời kỳ thâu kết quả

Chan hòa mưa nắng, đẹp trời xanh

Chỉ sợ không rèn đức trượng phu

Biển sông, sao sánh vũng ao tù

Tiểu nhân, sao sánh cùng quân tử

Sống ở đời, chỉ khác chữ “ngu”

Trao nhau như thế, đủ rồi anh

Nếu thiếu hay dư, thì cũng đành

Nếu thiếu thì bao giờ cũng thiếu

Nếu dư, thì đã quá, rành rành

Ta hẹn nhau về nơi bến cũ

Bên dòng sông quyện, suối nguồn xưa

Quê hương thắm thiết tình non nước

Ta mãi còn nhau, anh nhớ chưa ???

Bài thơ ba mốt :

Xin gởi cho Chị !

Tháng 04-2005

Này chị, từ ngày chị bước đi

Buồn không, sao chẳng nói năng gì

Đã mang thân phận làm nhi nữ

Xuất giá, là lên cầu biệt ly

Hãy tròn bổn phận bên người ta

Còn chỗ thật sâu, cất nỗi nhà

Không ruột rà mà thương mến chị

Chừng nào như thế mới hoan ca

Một thân, chị phải chẻ làm hai

Nặng nhẹ đôi đàng gánh trĩu vai

Cứ gánh vuông tròn nghe chị nhé

Hết hôm nay đến những ngày mai

Cứ thế, chị trang trải suốt đời

Một lòng đem xẻ gởi hai nơi

Tay nâng, tay đỡ, tay mòn mỏi

Vai vác, vai mang, vai rã rời

Chị này, nhớ mẹ những ngày xưa

Dậy sớm, thức khuya, cũng chẳng vừa

Gian khổ bào mòn sao chịu nổi

Khi thương, cỏ mọc đã bao mùa

Đã biết rồi mà, chị khổ lắm

Nào nhà nào cửa nào chồng con

Hai quê một cảnh tràn mi mắt

Xót dạ thương lòng nát sắc son

Ấy thế thành người mẹ Việt Nam

Cơm lành canh ngọt quít còn cam

Cửa nhà gia thế noi giòng giống

Đưa nước về nguồn nhớ Tổ Tông.

Bài thơ ba hai :

Xin gởi cho Em !

Tháng 04-2005

Này em, đâu có nhỏ gì đâu

Mái tóc ngày xưa đã đổi màu

Chiếc bóng thời gian lay động mãi

Sắc còn phai huống nữa là màu

Nhưng em phải hiểu cuộc đời này

Nhân thế đã mang kiếp đọa đày

Trần thế còn đeo thêm khốn khổ

Nên vô thường cứ chuyển lăn quay

Để tôi đi truớc, tiếp theo em

Đi mãi đến khi bước xuống thềm

Cùng giữ gìn nhau, trao thế hệ

Hỏi khung trời mấy ánh sao đêm

Tôi chỉ hỏi thăm những chuyện xưa

Chứ làm sao kéo tuổi ngày thơ

Hỏi thăm để nhớ về xưa cũ

Dĩ vãng cuốn trôi tận cuối bờ

Giờ em ngấm nghé tuổi hơi già

Mái tóc của tôi đã trổ hoa

Rêu phủ bên đường còn biến sắc

Hỏi chi bóng xế của chiều tà

Cuộc đời chồng chất phải không em

Máu chảy về tim thấm ruột mềm

Tươi thắm quá thời thâm tím tím

Úa tàn xơ xác cả con tim

Đuối sức mỏi mòn bên dốc đá

Hơi tàn quờ quạng cuối đường đi

Rừng già che bóng rừng non vậy

Đại thọ chở che tiểu mộc thì

Nên tôi chỉ nhắc em ngần ấy

Cộng của em, đời sẽ khá hơn

Gom góp và vun bồi mãi mãi

Như hoa thêm nhụy sắt thêm son.

Bài thơ ba ba :

Trao thế hệ đàn em !

Tháng 04-2005

Xin trao về thế hệ đàn em

Thế hệ chúng tôi đâu có quên

Gắng sức hoàn thành bao gạch nối

Từ tiền nhân gởi lại cho em

Thế hệ chúng tôi bao dấu ngoặc

Chống sào lái mũi giữa muôn chiều

Ngửa nghiêng tơi tả như chiếu rách

Bầm dập dậy men tợ cơm thiu

Có trách chúng tôi thì cứ trách

Đồng thời đồng thế mới đồng cam

Ngoài chăn, sao cảm trong chăn ấy

Há miệng đã đau bỡi nát hàm

Cũng may còn ngóp ngoi lên được

Trao lại các em hơi tạm yên

Những khổ đau, vá bằng vụn vỡ

Những tang thương, đắp bỡi oan khiên

Máu, nước mắt cùng hòa đổ ra

Một thời lịch sử đã đi qua

Bao nhiêu tình tự hy sinh ấy

Cũng bỡi vì non, nợ nước nhà

Thuyền vượt trùng dương biết biển khơi

Phong ba ụp phủ, giập tơi bời

Gió sương xơ xác, vùi tan nát

Nát cả con người, nát biển khơi

Có sống chẳng qua còn sót lại

Chỉ xin làm sỏi đá bên đường

Và xin được lót thềm loang lở

Bồi đắp quê hương, vá đoạn trường !

Bài thơ ba bốn :

Thăm hỏi tiền nhân !

Tháng 04-2005

Cho xin thăm hỏi bậc tiền nhân

Thời thế đã qua bao lưỡng phân

Chống đỡ mấy chiều hay tạp lục

Mà sao gió bụi nát phong trần

Cha ông đã đổ những ngày xưa

Xương núi máu sông chứ chẳng vừa

Nước mắt viết đầy trang lệ sử

Tâm can tan nát biết hay chưa

Dư đồ tơi tả, cùng đan, vá

Lịch sử ngửa nghiêng, cùng đắp xây

Thế hệ hôm nay còn cấu xé

Còn gì cho thế hệ ngày mai

Không phải đá vàng chẳng sắt son

Cũng không ngoại tại siết hao mòn

Bởi vi trùng nội bào sông núi

Bởi phá tam giang rẽ nước non

Thế hệ chúng ta nên thẩm thấu

Đã qua một thế kỷ, còn gì

Hoàng tuyền rêu phủ còn ân hận

Không lẽ trần gian rũ mốc xì

Đừng dày non nước thêm nông nỗi

Đừng xéo quê hương cạn dấu tình

Lịch sử cứ đi, đi tới mãi

Tro tàn vờn vợn khói lung linh

Thương người đi trước tức thương ta

Kèo cột vách xiêng chung mái nhà

Xin góp bàn tay xây dựng lại

Ngày mai con cháu sẽ thương ta

Xin cảm ơn người, hỡi cố nhân

Biết rồi, mới hết những phân vân

Thế thời, thời thế đều gai góc

Đen trắng, trắng đen, đều dự phần.

Bài thơ ba lăm :

Không biết ngày mai tôi trở về !

Tháng 04-2005

Không biết ngày mai tôi trở về

Đường làng có trách nỗi tình quê

Cô thôn có dỗi buồn hương vị

Cây cỏ dọc ngang có ủ ê

Không biết ngày mai qui cố hương

Tiếng kêu con quốc có ai thương

Sông xưa con nước còn in bóng

Bến cũ con đò có vấn vương

Không biết ngày mai tôi bước đi

Bao năm mong mỏi có còn gì

Có còn một chút tình quê cũ

Hay lạ quá rồi có nghĩa chi

Không biết ngày mai tôi viếng thăm

Mừng mừng, hay bảng lảng xa xăm

Thân thương, hay dửng dưng xa lạ

Như vải bỏ gai, kén bỏ tằm

Dù sao tôi cũng bước đi về

Không hẹn nào ai có lỗi thề

Lối cũ khép hờ không đóng mở

Đường xưa bỏ ngõ rộng tình quê

Cho nên tôi sẽ bước đi qua

Nối nhịp ruộng đồng vang hát ca

Trổi khúc hương quê lồng gió nắng

Vương vương ôm ấp vạn tình ta

Nhìn cánh đồng quê mỉm miệng cười

Nhìn bông lúa trắng ngậm xinh tươi

Tiếng chim ca hót tình quê gọi

Bếp lửa hồng êm, ấm mọi người.

Trong cuộc sống, biết nhìn đời bạn nhé !

Tháng 04-2005

Trong cuộc sống, biết nhìn đời bạn nhé !

Có người cao, người thấp, người bình thường

Trong cái ghét, vẫn còn có cái thương

Trong cái thương, vẫn còn nhiều cái ghét

Trong cuộc sống, biết nhìn đời bạn nhé !

Có người khôn, có người dại hơn mình

Có người giàu, có người khổ cùng đinh

Như bạn đó, vẫn còn nhiều may mắn

Trong cuộc sống, biết nhìn đời bạn nhé !

Khổ có vui, vui có khổ mới đều

Khi khổ thì bình tâm, tự nó tiêu

Khi vui thì biết vừa, đừng quá độ

Trong cuộc sống, biết nhìn đời bạn nhé !

Đừng khinh ai, bỉ mặt, trét bùn lầy

Đừng khen ai, nhất bổng, thổi lên mây

Mà hãy trọng lương tri, đừng giả dối

Trong cuộc sống, biết nhìn đời bạn nhé !

Sông có khúc, người có lúc, thường tình

Khi lên voi, lúc xuống chó, nhục vinh

Đừng đeo mãi bóng phù du trước gió

Trong cuộc sống, biết nhìn đời bạn nhé !

Khi cười người, đừng có cố cười lâu

Khi trách ai, đừng có mãi đâu mâu

Nhân thập toàn, đã là người thánh thiện ???

Sống ở đời, luôn dùng gương phản hiện

Biết tương lân, soi rọi cả hai chiều

Biết nhìn đời bằng ánh mắt thương yêu

Sẽ đón nhận tình bao la nhân thế !

Tình quê hong giọt nắng !

Tháng 04-2005

Tình quê hong giọt nắng

Reo ngọn cỏ bên đường

Chiều về trên bến vắng

Thuyền ai vỗ bên sông

Tình quê hương dịu ngọt

Đằm thắm như đường lau

Mặn mà chim ca hót

Trăng trắng như hoa cau

Tình quê hương thương nhớ

Ta cùng đợi nhau về

Tình quê hương muôn thuở

Ta cùng đón hương quê

Quê hương đồng lúa chín

Chờ mùa mới đơm bông

Mộng ươm mơ đan kín

Cùng khơi bếp lửa hồng

Ai đi không lỗi hẹn

Ai đến không lỗi thề

Tình quê hương vun vén

Sông bến cũ đi về

Tình quê hong giọt nắng

Bông lúa chín hoen vàng

Gừng ơi chờ muối mặn

Đêm ơi đợi trăng vàng

Ngày mai tròn nguyện ước

Hoa nở khắp đường quê

Ngày mai cùng dấn bước

Cho non vẹn nước thề.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2021(Xem: 9472)
Thiền sư, thi sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ, cuồng sỹ, du sỹ, lang thang sỹ, văn nghệ sỹ tự thuở nào đi về thấp thoáng, nhấp nhô trong sương mờ vạn cổ. Từ buổi mới khai thiên lập địa lúc ban sơ, nguyên thủy đến bây giờ, họ đã ra đi và đi mãi trên con đường mây trắng, con đường sáng tạo vừa lao đao, khổ lụy vừa hùng tráng, thênh thang, vượt qua mộng thực đôi bờ sinh tử, bằng một bước nhảy trọng đại, xuất thần nhập thánh đáo thiên tiên. Huyền cảm tự do, họ thuận nhiên về trên cuộc lữ phong trần giữa một chiều diệu hóa hay một đêm trăng sao ảo huyền cùng tao ngộ bên “thềm cô phong tuyệt đỉnh hội mây ngàn” và hòa âm cung bậc với toàn thể cuộc đời. Đó là thể điệu chịu chơi Cưỡi Sóng Phiêu Bồng mà nhà thơ Thái Huyền đã hý lộng hát ca Khúc Lý Lả:
05/01/2021(Xem: 7944)
Theo thống kê chưa đầy đủ, Nhạc sĩ Lam Phương sáng tác khoảng 170 ca khúc phổ biến từ giữa thập niên 1950 đến nay, trong số đó đặc biệt là nhạc phẩm đầu tay “Chiều thu ấy” được chào đời vào lúc ông mới 15 tuổi. Riêng nhạc phẩm "Thành phố buồn" thì chắc rất nhiều người đã từng nghe qua nhiều lần trong đời mình đến quen thuộc... Tưởng niệm bậc tài danh của làng tân nhạc Việt Nam, xin mạn phép lắp ghép tên một số nhạc phẩm của ông thành bài “Lục Bát Ngắt Dòng” để thay cho nén tâm hương cầu nguyện hương linh nhạc sĩ được sớm về cõi tịnh an!
03/01/2021(Xem: 8737)
Kính mừng Khánh Tuế lần thứ 77 Sư Thúc Giới Đức ( Minh Đức Triều Tâm Ảnh ) Kính dâng Thầy bài thơ Chúc mừng Khánh Tuế của Sư Thúc nhằm ngày 4/1/2021 ( 22-11 âm lịch ) Kính đa tạ Thầy , HH Kính bạch Sư Thúc, Khánh Tuế hai hai một một năm nay rơi vào năm mới, Chúc thọ Ngài kính lễ thật thành tâm Đại dịch hoành hành ngay ngày ra Thất sau ba năm Chưa kịp xưng tán ... tròn đủ năm mươi hạ lạp,
01/01/2021(Xem: 7155)
Niềm Hy Vọng cho năm 2021 ! Niềm Hy Vọng cho năm 2021 ! Kính dâng Thầy những gì con được nhìn thấy vào lúc không giờ sáng nay 1/1/2021 .Kính chúc Thầy và đạo tràng ĐGĐQĐ vạn sự như ý trong năm nay HH Đón chúa Xuân 2021 về trong hy vọng, Thành tâm chúc mọi người an lạc từ đây. Nguyện đem công đức tu tập hằng ngày, Trang nghiêm thanh tịnh hồi hướng về pháp giới !
01/01/2021(Xem: 5112)
Có nên quên năm 2020?  Đây là tâm sự của các bạn đồng tuổi bên Mỹ và Canada Nhân dịp đầu năm thăm hỏi nhau Kính được dâng Thầy như một thông tin cần xem để hiểu cộng đồng dân mình nghĩ gì về một năm qua . Kính chúc Thầy một năm mới 2021 được vạn sự như ý ? Kính. HH Đầu năm dương lịch gọi hỏi thăm thân hữu ! Hải ngoại phương xa, nghe tâm sự thảm thê Không nói về tiền bạc ... cảnh phong tỏa ... quá não nề Từ nhà dưỡng lão đến tuổi già đơn độc !
01/01/2021(Xem: 5906)
Thêm một ngày bạc râu tóc nhẩm từng chữ gió vô thường trang sách cũ mỏi gân cốt nghe thiên cổ lạnh buốt xương. . Học vô cùng tâm như nắng soi khắp cõi chiều rất vàng đêm Niết bàn vui tịch lặng ngày Bồ Tát hạnh cưu mang. . Thêm một ngày đi rất mỏi từng bước tâm từng bước thiền ngồi bên sông, xem mây nổi thấy không ta, thấy không thuyền. .
27/12/2020(Xem: 7180)
Chẳng Trụ Vào Đâu Để Sanh Tâm Mình Đối với các bậc đạo sư thì ngồi trong cung vàng điện ngọc, Hay ở lều cỏ cũng giống như nhau. Hãy lên Núi Yên Tử để xem am nhỏ, Của ông vua từ bỏ ngai vàng. Đối với bậc đạo sư thì ngồi trên ghế nạm vàng, Hay ngồi trên tảng đá cũng đều như vậy. Đối với các bậc đạo sư thì mặc chiếc áo vài ngàn đô-la của Luân Đôn, Ba Lê, Nữu Ước, Hay mặc chiếc áo vá của các A La Hán thời xưa thì cũng chẳng khác gì. Đối với các bậc đạo sư thì thuyết pháp cho ba, bốn người nghe, Thì cũng giống như thuyết pháp cho ngàn vạn. Tại sao thế? Bởi vì các bậc đạo sư không chấp vào nhiều-ít để sanh tâm. Đức Phật khởi đầu chỉ thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như. Sao giáo pháp của Ngài lưu truyền mãi mãi? Nếu ngàn vạn người nghe, Chỉ nghe cho sướng mà không tu, giống như giải trí, Thì cũng chẳng bằng ba bốn người nghe mà quyết chí tu hành.
27/12/2020(Xem: 6553)
Từ thuở ấu thơ, đến lúc trưởng thành, và cho đến khi đã "đầu bạc răng long" như hôm nay đây, với tôi, ngày "Nô-en", lúc nhỏ anh em chúng tôi thường gọi vậy, không là ngày mừng một đấng Tối Cao Thiêng Liêng sanh hạ dương thế, mà đơn thuần chỉ là "Lễ Kỷ Niệm Ngày Thành Hôn của Ba Me". Vâng, đúng là vậy. Song thân tôi thành hôn vào ngày 25 tháng 12 năm 1940. Tôi vẫn còn nhớ như in những đêm Noel hằng năm ngoài trời lạnh buốt, nhưng bên trong nhà anh chị em chúng tôi sum vầy bên Ba Me thật ấm cúng, quây quần bên những phần quà to nhỏ gói giấy hoa giấy kính sặc sỡ vui mắt, để rồi dự trò chơi "bốc thăm nhận quà", ai cùng có quà nhưng nhiều ít lớn nhỏ khác nhau, hên xui, sau đó còn được Ba phát cho cọc tiền cắc mới cứng keng... Mấy em nhỏ thì bị dụ lên giường ngủ sớm, để sáng mai dậy sớm thấy trên đôi dép của mình có... tiền, tiền của "Ông già Nô-en" mới lén cho hồi nửa khuya. Hihihi...."Ông già Nô-en" đó là Papa kính yêu của chúng tôi chứ ai vô?!
27/12/2020(Xem: 5325)
Thăm Mẹ Những vần thơ con viết và dâng tặng những bà Mẹ trong viện dưỡng lão Con vào thăm Má giữa ngày đông Khẩu trang che mặt chẳng che lòng Đàn chim chíu chít bên khung cửa Ríu rít cười vui mặc gió đông Má biết ngoài kia khắp nơi nơi Thế giới này đây sắp rụng rời Cô Vít năm nay tung hoành quá Ngăn chặn đường đi khắp muôn nơi Người người đối mặt khăn che mặt Chẳng nhận ra nhau nở nụ cười Tết đến rồi đây Má biết không? Năm nay cấm pháo không người tụ Chỉ có cho nhau một tấm lòng Cùng nhau chung sức dâng lời nguyện Thế giới rồi đây khỏi đảo điên Diệt con vi rút qua mùa bệnh Để thấy được nhau nở hoa cười Đời người qua lắm bao năm nhỉ? Người đã đi rồi để tiếng thơm Con nhớ lời thương Thầy con dặn Hãy nói cho nhau được những lời Yêu thương, sầu ghét của lòng tôi Thương yêu sầu ghét của lòng tôi Đừng đợi đi rồi ngồi thương tiếc Non xanh nước biếc đã qua rồi! Má nhìn qua cửa xem chim hót Tuyết cũng rơi rơi thấy ấm lòng Má nhớ ngày xưa khi còn trẻ Con cườ
26/12/2020(Xem: 6974)
Những ngày cuối của năm 2020.! Mong rằng bạn giống như mình đồng ...tâm trạng Chờ đón niềm vui khi năm mới sẽ sang Trọn năm hai không hai không lúc nào....chẳng kinh hoàng! Đại dịch cúm đang biến thể, rắc gieo sợ hãi!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]