Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Thơ Quan Âm Thị Kính

20/10/201015:59(Xem: 12229)
Truyện Thơ Quan Âm Thị Kính

 quan am thi kinh

Lược truyện:

Truyện này do một tác-giả vô danh Việt-Nam biên soạn. Truyện diễn ca gồm có 788 câu, có thể chia làm 5 hồi:

1. Nỗi oan giềt chồng

Đức Quan-Âm nguyên trước kia là đàn ông, tu hành đắc đạo gần thành Phật. Nhưng Đức Mâu ni hiện ra người con gái đẹp để thử lòng thì ngài hẹn đến kiếp sau sẽ vầy duyên. Vì vậy Đức Phật bắt ngài sinh làm kiếp thứ mười và cho ngài đầu thai làm con gái họ Mãng ở quận Lũng-tài nước Cao ly, rồi bắt suốt đời phải chịu oan-khổ để thử lòng. Người con gái ấy tên là Thị Kính, lớn lên có tài sắc nết na. Sau cha mẹ gả cho Thiện-Sĩ, một thư sinh, con nhà họ Sùng. Hai vợ chồng ăn ở với nhau rất hòa thuận. Một đêm kia chồng ngồi đọc sách, nàng ngồi khâu bên cạnh. Chồng mệt tựa bên cạnh ngủ. Nàng nhìn thấy nơi cằm chồng có râu mọc ngược; sẵn dao nơi tay, nàng toan cắt sợi râu đi. Bỗng người chồng giật mình thức dậy, tưởng vợ có ý ám hại mình bèn tri hô lên. Cha mẹ chồng đến, một mực buộc nàng cố ý giết chồng, rồi sai mời Mãng-ông đến bảo để giao trả nàng lại.

2. Thị Kính đi tu

Về nhà cha mẹ, oan-ức và đau buồn mà không biết thổ lộ cùng ai, nàng định tự tử. Song nàng nghĩ mình là con một, mà cha mẹ thì đã già nên không nỡ dứt tình. Nàng bèn quyết chí đi tu. Nàng giả dạng nam-nhi, đến chùa Vân-tự xin qui y. Được sư cụ thừa nhận, đặt tên cho là Kính-Tâm.

3. Nỗi oan thông dâm

Nhờ câu kinh tiếng kệ, Kính-Tâm dần quên được đau buồn. Nhưng không bao lâu lại xảy ra tai vạ nữa. Nguyên trong làng có Thị Mầu, con gái của một phú ông, hiện đường kén chồng nên thường hay đến lễ chùa. Thị Mầu thấy tiểu Kính-Tâm có tư sắc thanh tao, đem lòng say mê, nhưng Kính-Tâm thì vẫn thờ ơ. Vì mơ tưởng nguyệt-hoa quá nên khi lửa dục nhóm lên, không tự chủ được, Thị Mầu mới thông dâm với đứa đầy tớ trong nhà, thành ra có mang. Chuyện đổ bể ra, làng biết, gọi ra tra hỏi thì Thị Mầu đổ cho Kính-Tâm. Kính-Tâm khó thể minh-oan nên làng phạt đánh và bắt khoán. Nhà sư thương-hại đứng ra lĩnh về.

4. Thị Kính nuôi con Thị Mầu

Sau Thị Mầu sinh được một đứa con trai, đem ra chùa trả cho Kính-Tâm. Vì dạ hiếu sinh, Kính-Tâm ẩn-nhẫn nuôi đứa hài nhi. Ba năm sau, đứa bé khôn lớn. Kính-Tâm đã đến ngày siêu hóa, bèn gọi đứa bé lại dặn dò rồi viết một bức thư để lại cho cha mẹ trước khi xả tự.

5. Rửa oan thành Phật

Khi sư vãi trong chùa liệm thi hài mới biết Kính-Tâm là đàn bà giả trai. Làng hay, bắt Phú ông phải sắp đặt việc chôn cất. Thị Mầu khi ấy hổ thẹn phải liều mình, và lúc chết phải sa vào địa ngục. Được thư báo tin, ông bà họ Mãng cùng Thiện-Sĩ và đứa bé đến chùa lo việc ma chay, cầu cho Thị Kính kiếp sau khỏi khổ nạn.

Trong lúc chay đàn, Đức Phật Thiên-Tôn hiện xuống truyền cho Kính-Tâm được lên trời làm Phật Quan-Âm, ông bà họ Mãng và đứa tiểu nhi cũng được siêu thăng. Duy chỉ có Thiện-Sĩ thì cho làm con vẹt đứng nhờ một bên.

Năm hồi trên đây, có thể chia ra làm 31 đoạn :

1. Mở đầu.
2. Vào truyện.
3. Quan-Âm thác sinh.
4. Họ Sùng ngỏ lời thông gia với họ Mãng.
5. Họ Mãng bằng lòng nhận lời cầu hôn của họ Sùng.
6. Thị Kính buồn nỗi phải xa cha mẹ.
7. Cha mẹ khuyên-giải Thị Kính.
8. Thị Kính về nhà chồng.
9. Thị Kính bị nghi oan là giết chồng.
10. Thị Kính bày tỏ nỗi oan.
11. Nhà chồng có ý ngờ Thị Kính có ngoại tình.
12. Thị Kính từ giã nhà chồng về nhà cha mẹ đẻ.
13. Lúc vợ chồng từ giã nhau.
14. Thị Kính sau khi về nhà cha mẹ đẻ.
15. Thị Kính cải trang trốn đi ở chùa.
16. Thị Kính xin vào tu tại chùa Vân-tự.
17. Thị Kính được đổi tên là Kính-Tâm làm tiểu nhà chùa.
18. Thị Mầu phải lòng tiểu Kính-Tâm.
19. Thị Mầu tư thông với với đứa ở.
20. Phú ông tra hỏi Thị Mầu.
21. Vì làng đòi hỏi, phú ông phải dẫn Thị Mầu ra đình.
22. Tiểu Kính-Tâm bị làng tra hỏi.
23. Tiểu Kính-Tâm bị đòn.
24. Nhà sư xin bảo lãnh cho tiểu Kính-Tâm.
25. Nỗi niềm tiểu Kính-Tâm khi ra ở tam-quan.
26. Thị Mầu sinh con trai, đem giao trả cho Kính-Tâm.
27. Tiểu Kính-Tâm nhận nuôi đứa tiểu nhi của Thị Mầu.
28. Tiểu Kính-Tâm viết thư dặn con rồi siêu thoát.
29. Nỗi nhà họ Mãng sau khi nhận được thư.
30. Tiểu Kính-Tâm siêu thăng được làm Phật Quan-Âm.
31. Kết-luận.

1. Mở Đầu
1- Nhân-sinh thành Phật dễ đâu,
Tu hành có khổ rồi sau mới thành,
Ai hay vững dạ làm lành,
Chứng-minh trong chốn minh-minh cũng tường.
Kìa Ngô thị, tụng Kim-cương,
Chân thân còn để tượng vàng nghìn thu,
Kìa Địa Tạng, dốc lòng tu,
Độ thân cũng được khỏi tù đấng thân
Ấy là những truyện gần gần,
10-Tu thân mà được, độ thân lắm người,

2. Vào Truyện
Lọ là đức-hạnh tót vời,
Đức Quan-Âm ấy truyện đời còn ghi.
Vốn xưa là đấng nam-nhi,
Dốc lòng từ thủa thiếu thì xuất gia.
Tu trong chín kiếp hầu qua,
Bụi trần dũ sạch, thói tà rửa không,
Đức Mâu Ni xuống thử lòng,
Hiện ra một ả tư dung mỹ miều.
Lần-khân ép dấu nài yêu,
20- Người rằng: "Vốn đã lánh điều nguyệt-hoa,
"Có chăng kiếp khác họa là,
"Kiếp này sợi chỉ trót đà buộc tay".
Nào ngờ phép Phật nhiệm thay,
Lỡ lời mà đã vin ngay lấy lời.
Chờ cho kiếp nữa đủ mười,
Thử cho đày đọa suốt đời xem sao?

3. Quan-Âm thác sinh
Cõi trần mượn cửa thác vào,
Hóa sinh, sinh hóa lẽ nào cho hay,
Cao ly là nước lớn thay,
30- Đại bang thành vốn xưa nay gọi là.
Lũng-tài quận ấy bao xa,
Hồ nam huyện bắc, có nhà Mãng-ông.
Gia tư thì cũng bậc trung
Chỉ hiềm trước cửa treo cung còn chầy.
Vết Kim-Tiến kể thiêng thay,
Báo thai mộng nguyệt, mãn ngày treo khăn
Tuy chưa phải đấng thạch-lân
Khấn-cầu cũng bỏ người thân muộn-màng.
Đặt cho Thị Kính tên nàng,
40- Đượm nhuần sắc nước, dịu dàng nét hoa
Não nùng chim cũng phải sa
Người tiên-cung ở đâu ta trên đời.
Gồm trong tứ đức vẹn mười.
Cửa Vương-đạo dễ mấy người giường đông.

4. Họ Sùng ngỏ lời thông gia với họ Mãng
Ở trong quận, có họ Sùng,
Sẵn khuôn y bát, vốn dòng cân-đai.
Sinh chàng Thiện Sĩ là trai,
Qua vòng tổng-giốc mới ngoài gia quan.
Kể điều tài mạo cũng ngoan,
50- Gã tào kiếp trước, chàng Phan phen này.
Đã trồng bạch-bích sẵn đây,
Còn chờ bói phượng chưa vầy bạn loan.
Thư trung dành có ngọc-nhan,
Sách đèn còn bận, buông màn Quảng Xuyên.
Vẳng nghe họ Mãng gần miền,
Lam-kiều là chốn thần tiên có người.
Bức tranh khổng-tước vẽ vời,
Tay hèn dẫu bắn mấy đời cho tin.
Đem cân mà thử nhắc lên,
60- Bên tài bên sắc đôi bên cũng vừa.
Mượn người đánh tiếng trình thưa,
Cầu hôn mới viết thư từ đệ sang.

5. Họ Mãng bằng lòng nhận lời cầu hôn của họ Sùng
Mở ra họ Mãng xem tường,
Cùng phu nhân mới lo lường trước sau.
Bấy lâu vốn đã quen nhau,
Họ người vả cũng công-hầu xưa kia
Con trai rèn cập sớm khuya,
Nhà thi thư lại giữ nghề thi thư.
Vừa đôi phải lứa quan-thư,
70- Há rằng Trịnh với Tề ư mà ngờ.
Đừng rằng oanh-yến lọc-lừa,
Lại còn nay đợi mai chờ nơi nao?
Tơ hồng đã khéo xe vào,
Viết thơ hoàn-cát mà trao họ Sùng.

6. Thị Kính buồn nỗi phải xa cha mẹ:
Nàng nghe nghĩ ngợi đã xong,
Năm canh thắc-mắc, trong lòng cảm thương.
Linh Xuân một khóm hầu vang,
Quế non Yên đã nở nang chồi nào?
Có ta một chút má đào,
80- Thần-hôn cũng đã ra vào làm khuây.
Áo Lai chưa múa sân này,
Thì đem kinh-bố mà thay gọi là,
Tòng phu nếu đã từ gia,
Thừa hoan như lúc ở nhà được đâu?

7. Cha mẹ khuyên giải Thị Kính:
Song thân thấy ý đeo sầu,
Gọi con mới dạy gót đầu cho hay.
"Kẻ làm phụ mẫu xưa nay,
"Gái sinh mong sớm đến ngày hữu gia
"Cứ xem phúc-trạch nhà ta,
90- "Một mai cũng dễ trai già nở châu,
"Sự nhà chớ lấy làm sầu,
"Miễn con giữ đạo làm dâu cho toàn.
"Núi kia ắt hẳn chưa mòn,
"Thông kia sương-tuyết hãy còn chở che.
"Vả xem lối lại đường đi,
"Quanh đây thăm viếng đôi khi cũng gần"

8. Thị Kính về nhà chồng:
Nàng nghe dạy dỗ ân-cần,
Gạt châu mới nghĩ, lại dần dần khuây.
Cá đi, nhạn lại, tin bay,
100- Đủ năm lễ đã đến ngày thừa long.
Đào yêu choi chói màu hồng,
Ngọc trao chén dặn, hương xông áo nguyền.
Gió đằng kể khéo đưa duyên,
Chàng lưu giong-ruổi đến miền Thiên-thai,
Tiếng cầm tiếng sắt bẻ bai,
Tiếng chuông, tiếng trống, bên tai rập-rình
Một đôi tài sắc vừa xinh,
Đố Tăng-Đô vẽ bức tranh nào bằng?
110- Một rằng thế thế hai rằng sinh-sinh.
Đá kia tạc lấy lời minh,
Vàng kia thếp lấy chữ tình mà treo,
Xét nàng nết đủ mọi điều,
Đã niềm hiếu thảo, lại chiều đoan-trang.
Ở trên hiếu thuận song đường,
Lòng quỳ dám trễ, tay khương nào rời.
Câu thơ liễn-nhứ ngâm chơi,
Dẫu tài nàng Tạ đã xơi cho tày.
Khuyên chàng kinh-sử đêm ngày.
120- Thang mây mong nhắc chân giầy cho cao.
Nghi gia hai chữ thơ Đào,
Nhận ra trăm nết, nết nào còn chê.

9. Thị Kính bị nghi oan là giết chồng
Hôm mai trong chốn thâm khuê,
Kẻ đường kim-chỉ, người nghề bút-nghiên.
Canh khuya bạn với sách đèn,
Mỏi lưng chàng mới tựa bên cạnh nàng.
Phải khi liếc mắt trông chàng,
Thấy râu mọc ngược ở ngang dưới cằm.
Vô tâm xui bỗng gia tâm,
130- Dao con sẵn đấy, mới cầm lên tay.
Vừa giơ sắp tiễn cho tày,
Giật mình chàng đã tỉnh ngay bấy giờ.
Ngán thay sửa dép ruộng dưa,
Dẫu ngay cho chết, cũng ngờ rằng gian.
Thất thần nào kịp hỏi han,
Một lời la lối rằng toan giết người,
Song thân nghe tiếng rụng rời,
Rằng: "Sao khuya khoắt mà lời gớm thay?"
Thưa rằng: "Giấc bướm vừa say,
!40- "Dao con nàng bỗng cầm tay kề gần.
"Hai vai hộ có quỷ thần,
"Thực hư đôi lẽ xin phân cho tường."

10. Thị Kính bày tỏ nỗi oan
Nàng vâng thưa hết mọi đường,
Rằng: "Từ gảy khúc loan-hoàng đến nay.
"Án kia nâng để ngang mày,
"Sạch trong một tiết, thảo ngay một bề.
"Bởi chàng đèn sách mỏi mê,
"Gối Ôn Công thủa giấc hòe thiu thiu.
"Thấy râu mọc chút chẳng đều,
150- Cầm dao tiễn để một chiều như nhau.
"Há rằng có phụ tình đâu
"Muôn trông xét đến tình đầu kẻo oan.
"Thác đi phỏng lại sinh hoàn,
"Thì đem lá phổi buồng gan giãi bày".

11.Nhà chồng có ý ngờ Thị Kính có ngoại tình
Cô, công rằng: "Bảo cho hay,
"Trộm hương, cắp phấn cũng đầy chan-chan.
"Mấy người một ngựa một an,
"Nay Trương, mai Lý thế gian hiếm gì?
"Ấy may mà tỉnh ngay đi,
160- "Đỉnh-đình-đinh nữa có khi còn đời.
"Sự này chớ lấy làm chơi",
Sai người tức khắc đến mời Mãng-Ông.
Trách rằng: "Sự mới lạ lùng,
"Sinh con ai dễ sinh lòng ấy đâu?
"Sắt cầm bỗng dở dang nhau,
"Say đâu với đứa trong dâu hẹn-hò.
"Sông kia còn có kẻ dò,
"Lòng người ai dễ mà đo cho cùng.
"Sự này mười mắt đều trông,
170- "Thôi đừng tra hỏi, gạn-gùng nữa chi.
"Nghe anh nào có bụng gì,
"Đem lòng dạy dỗ sau thì mặc anh."
Lặng nghe kể hết sự tình,
Ngậm-ngùi nghĩ đến con mình mà thương.
Nỗi kia, đoạn nọ ngổn ngang,
Tủi thân khôn đậu hai hàng mưa sa.
Thưa rằng: "Trong nghĩa thông-gia,
"Ơn lòng chiếu cố thực là hậu thay.
"Hiếm hoi mới một chút này,
180- "Được nương cửa ấy, đã may bội phần,
"Nguyền xưa mong vẹn Tấn Tần,
"Hai non ngảnh lại cho gần cả hai,
"Nào ngờ trẻ mỏ nghe ai,
"Thả chông đường nghĩa, rắc gai lối tình.
"Phù dung nỡ để lìa cành,
"Giếng thơi nỡ để rơi mình từ đây.
"Nước trong bát, đã rời tay,
"Có còn bốc lại cho đầy được chăng?
"Mưa tan mây cuốn nửa chừng,
190- "Rộng dung dạy thế, xin vâng lĩnh về.
"Lờn-bơn chịu ép một bề,
"Quản làm sao được kẻ chê người cười".
Gọi con đến trước lạy người,
Lạy lương-nhân đã, sẽ rời chân ra.

12. Thị Kính từ giã nhà chồng về nhà cha mẹ đẻ
Lòng nàng xiết nỗi xót-xa,
Má đào ủ dột mặt hoa âu sầu.
Đến nơi làm lễ khấu đầu,
Lạy công cô đoạn, rồi sau lạy chồng.
Như tuôn giọt lệ ròng ròng,
200- Nín hơi thổn-thức giãi lòng sau xưa.
Kể từ kim-cải duyên ưa,
Giây leo cây bách mong nhờ về sau.
Dù ai phụ bạc cùng nhau,
Đã thần ba thước trên đầu chứng tri.
Vì đâu phút hợp, phút ly,
Kiếp này đã lỡ, chắc gì kiếp sau.
Tiếc công ô thước bắc cầu,
Chàng Ngưu, ả Chức gĩa nhau từ rày.

13- Lúc vợ chồng từ giã nhau
Ngập-ngừng tới lúc chia tay,
210- Đôi bên sùi sụt, bốn mày châu chan.
Ai làm cho phượng lìa loan,
Đang tay nỡ bẻ phím đàn làm đôi.
Lòng chàng nghĩ lại bồi hồi,
Trước kia còn giận, sau rồi lại thương,
Duyên này mà đã dở dang,
Còn nên gảy khúc Cầu-hoàng nữa sao?
Lưu tô sương gió lọt vào,
Đem mâm mà chứa ngọc giao hẳn đầy,
Phấn kia còn dấu bình này,
220- Hương kia còn dính áo này chưa phai.
Xanh xanh khóm liễu Chương-đài,
Tiếc thay đã để tay ai vin cành.
Muôn thu viếng chốn Giai thành,
Vẫn còn hai chữ bất bình mang đi.

14. Thị Kính sau khi về nhà cha mẹ đẻ
Nàng đi từ dở bước vu quy,
Nhânđuyên thôi có nghĩ gì như ai.
Đã oan về chiếc tăng-hài,
Mặt nào mà lại đi hai lần đò.
Trách người sao nỡ dày vò,
230- Để cho Tiểu Ngọc giận no cũng già.
Nhạn hàng phỏng có đôi ba,
Thà rằng minh mục, hơn là ô danh.
Tủi vì phận liễu một cành,
Liễu đi thì để mối tình cậy ai?
Phòng riêng vò võ hôm mai,
Trông ngày đằng-đẵng lại dài hơn năm.
Buồng trong giọt ngọc đầm đầm,
Mùi ăn không nhớ, giấc nằm không ngon
Nực cười sự nhỏ cỏn-con,
240- Bằng lông mà nảy nên cồn Thái sơn.
Vẻ chi chút phận hồng-nhan,
Cành hoa nở muộn thì tàn mà thôi.
Xót thay tóc bạc da mồi,
Vì ai nên nỗi đứng ngồi chẳng khuây.
Dày vò chút phận thơ ngây,
Sự vui chưa thấy, thấy ngay sự phiền.
Lấy gì báo đáp thung, huyên,
Dễ đem má phấn mà đền trời xanh,
Có khi dốc chí tu hành,
250- Lánh mình trần tục, nương miền Thiền-môn
Độ trì nhờ đức Thế Tôn.
Dở dang thủa trước, vuông tròn mai sau.
Nghiêm, từ hưởng phúc về lâu,
Họa đền nghĩa nặng ơn sâu cho bằng.
Thượng-thừa là Phật là Tăng,
Xích-thằng đã ủi, kim-thằng hẳn giai,
Chỉn e thưa gửi rõ bài,
Thương con hẳn chẳng nỡ hoài cho đi.
Thôi thôi xuất cáo làm chi,
260- Thân này còn quản thị phi được nào!
Bàn thầm mọi lẽ thấp cao.
Ba mươi sáu chước chước nào là trên?

15. Thị Kính cải trang trốn đi ở chùa
Xuất gia quyết một gan liều,
Phụ tinh, đới nguyệt bước lên dặm đường.
Quần chân áo chít dịu dàng,
Gỉa hình nam-tử ai tường căn-nguyên.
Song đường thấy sự ngạc-nhiên,
Ruột tằm bối rối, thêm phiền não ra.
Biết đâu dặm thẳm đường xa,
270- Biết đâu giếng cạn, hay là bể sâu.
Chốc là phần ấy tuổi đầu,
Đến nay cả lớn, vừa hầu cậy trông.
Giải kia lầm giắt chữ đồng.
Tủi duyên ấy, để nỡ lòng sâm-thương.
Hay là bực tuyết buồn sương.
Như ai khoét vách, trèo tường, chớ chơi.
Vậy thì sao chẳng một lời,
Biết mà gả phắt cho đời là xong.
Đá vàng nghe cũng bền lòng.
280- Lẽ nàotrốn trống thủng bồng long đến điều,
Vì đâu gió quở mưa trêu,
Để nguồn trôi nổi, cho bèo mênh-mông.
Mắt lòa, chân chậm, răng long,
Để như Lữ Ngọc hết công tìm tòi,
Biết bao nước mắt mồ hôi,
Cây đồng được mấy mươi chồi cho cam?
Bây giờ đôi ngả bắc nam,
Biết còn quanh-quẩn cõi phàm hay không?
Nghìn năm nghiêng lở non Đồng,
290- Biết còn ứng tiếng Lạc-chung đó là?
Thương thay lụ khụ tuổi già,
Dế năm canh nguyệt, quốc ba tháng hè.

16. Thị Kính xin vào tu tại chùa Văn-Tự
Nàng từ xa chốn hương-khuê,
Nỗi nhà man mác mọi bề mà lo.
Cũng toan gỡ mối tơ vò.
Thành sầu cao ngất phá cho tan tành.
Tưởng ơn trời bể mông- mênh,
Dễ mà đền được ân-tình ấy đâu?
Tà tà bóng ngả cành dâu
300- Sớm khuya dưới gối ai hầu hạ thay?
Vắng người khuất mặt lúc này,
Lòng người thiểu não biết ngày nào nguôi?
Nghĩ điều mưa nắng xa xôi,
Cảm thương đòi đoạn, bồi hồi chừng nao!
Chân trời đất khách đã lâu,
Chiêm bao lẩn thẩn ở đâu quê nhà.
Hỏi thăm dặm liễu dầnđà,
Ngờ đâu Văn-Tự chẳng là ở đây,
Bốn bề phong cảnh lạ thay,
310- Bồng-lai khi cũng thế này mà thôi.
Cửa Thiền sẽ lẻn chân coi,
Trông lên sư phụ vừa ngồi tụng kinh.
Mưa hoa rảy khắp bên mình,
Nhấp-nhô đá cũng xếp quanh gật đầu.
Mới hay đạo Phật rất mầu,
Nghĩ đây cũng dễ đổi sầu làm vui,
Chờ khi kinh giáo vừa rồi,
Lạy sư phụ, bạch khúc-nôi tỏ tường.
Trình-bày tên họ gia hương,
320- Nhà xưa theo dấu văn-chương cũng là.
Chán vùng danh lợi phồn-hoa,
Chắp tay xin đến Thiền già quy y.
Sư rằng : "Này đạo từ bi,
"Rộng đường phổ độ, hẹp gì trầnđuyên.
"Nhưng sao đương độ thiếu niên,
"Nhìn xem phong-thể cũng nên con người.
"Cớ chi nhà lối xa khơi,
"Đem mình đài các, vào nơi lâm-tuyền.
"Hay là tủi phận hờn duyên,
330- "Hay là đeo lụy mang phiền chi chăng?
"Chỉn e vượn Sở lạc chừng,
"Bận lòng đến cả cây rừng, chưa minh?"
Thưa rằng: "Trẻ nhỏ thư sinh,
"Làm chi cho được lụy mình, chớ e!
"Nền nhân nhờ bóng sân hòe,
"Cũng may tới cửa ngựa xe với ngươi.
"Đoái trông thế sự nực cười,
"Như đem trò rối mà chơi khác gì.
"Phù vân một đóa bay đi,
340- "Khi thì áo trắng, khi thì muông đen
"Chật đường chen-chúc như nen,
"Cân đai nhan-nhản người quen với mình.
"Chẳng thèm ra áng công -khanh,
"Mà đem thân-thế làm hình dịch chi.
"Cho nên mến cảnh trụ trì
"Dám xin nhờ bóng tăng-huy xét lòng."
Sư khen rằng: "Kẻ nho phong,
"Đã say đến chữ sắc không đấy mà!
"Kìa bào, kìa ảnh vút qua,
350- "Kìa sương, kìa chớp, kìa là chiêm-bao
"Lọ là tranh trí thấp cao,
"Kẻ xem khoái chí, người gào thất thanh
"Lấy ai làm nhục làm vinh,
"Trăm năm là nấm cỏ xanh rì rì.
"Sao bằng vui thú liên-trì,
"Dứt không tứ tướng, sá gì nhị biên,
Đạo này huyền thực là huyền,
Hư vô mà vẫn trang nghiêm thế này,

17. Thị Kính được đổi tên là Kính-Tâm làm tiểu ở chùa
"Tiểu đà mến đạo đến đây,
360- "Kính-Tâm tên đặt từ nay gọi thường.
Vâng lời nương cảnh thượng phương,
Khêu đèn bát-nhã, gióng chuông tam-huyền.
Chân-kinh ghi chữ tâm truyền,
Trực tòa Long-nhiễu, vui miền Hổ khê.
Đòi cơn tưởng nỗi hương-khuê,
Người đi nghìn dặm, bóng về năm canh.
Sự mình, mình giận với mình,
Nặng tình cũng phải nén tình làm khuây.
Thanh gươm trí tuệ mài đây,
370- Bao nhiêu khổ não cắt ngay cho rồi.
Hương xông pháp-giới ngùi ngùi,
Thông rung trống kệ, trúc hồi mõ kinh.
Có người cảnh lại càng thanh,
Bồn không cũng nảy ra cành liên-hoa.
Đã lồng ba tấm cà sa,
Nhưng người tiên vẫn trông ra khác phàm.
Dập dìu trước chốn thiền-am,
Kẻ hoài xuân những muốn làm ni cô.
Ngỡ chàng Phan Nhạc đấy ru,
380- Ra đâu cũng ném quả cho tiếc gì.

18. Thị Mầu phải lòng Kính-Tâm
Trời sinh tư sắc làm chi,
Hoa thơm bướm cũng có khi bợn lòng.
Trong làng có một phú ông,
Gia tư đọ với Thạch Sùng kém đâu.
Tiểu thư ở chốn hồng-lâu,
Tuổi vừa đôi tám Thị Mầu là tên.
Lá hồng đặt xuống nâng lên,
Mối duyên đo đắn chưa nên mối gì.
Nào rằng giữ nết khuê vi,
390- Ngày rằm mồng một cũng đi cúng dàng
Nhác trông thấy tiểu dịu dàng,
Sóng thu xui khiến cho nàng khát-khao.
Người đâu có dáng thanh tao,
Bóng trăng dưới nước, vẻ sao trên trời.
Đáp thưa chưa kịp hết lời,
Mới giàn mặt, thoắt đã rời chân đi.
Khấn sao Đức Phật độ trì,
Xui ra, họa có chước gì được thân.
Như không phải kiếp Châu Trần.
Thì xin một trận phong vân cũng nhờ.
Lạ thay tiểu vẫn hững-hờ,
Mấy phen thời cũng thờ ơ với mình.
Hoa kia nói, hẳn nghiêng thành,
Chào hoa hoa lại vô tình mới căm.
Tri âm chẳng gặp tri âm,
Để ai mong đứng mong nằm, sầu riêng,
Trách ông Nguyệt-lão nào thiêng,
Có khi bên Thích cũng kiêng kẻo là!
Đăm đăm tưởng nguyệt, mơ hoa,
410- Biết sao khuây khỏa cho qua cơn sầu.

19. Thị Mầu tư thông với đứa ở
Trong nhà sẵn có đứa thương-đầu,
Quyền nghi một chút dễ hầu ai hay
Nào ngờ gió thổi mây bay
Hạt kia gieo xuống đợi ngày mà sinh
Ba trăng coi đã khác hình
Bữa cơm thì biếng, mùi chanh thì thèm

20. Phú Ông tra hỏi Thị Mầu
Song thân ngờ, mới hỏi xem,
"Sao con lại mọc ra điềm chẳng hay?
"Thế mà ai hỏi bấy nay,
420- "Đôi bên tay áo chẳng day bên nào
"Lỡ ra rồi biết làm sao,
"Chớ con trả mận gieo đào với ai?
"Dễ mà ăn cáy bưng tai,
"Dăng dăng nghe chuyện bên ngoài hổ ngươi!"
Nàng rằng: "Đâu khéo những lời,
"Ngọc lành ai có dại đời thế đâu?
"Cành hoa vẫn giữ còn màu,
Con oanh dẫu hót cho sầu, trối thây.
"Ví dù tính nước lòng mây
430- Nhà ma nào chịu đến rày chửa đi.
"Năm xung tháng hạn phải khi,
Hóa ra thế ấy hỏi chi tức mình?"
Dứt lời nghe mõ nguyệt-bình,
Rằng đòi con gái ngoại tình ra tra.
Phú ông thấy sự xấu xa,
Trở vào tắc lưỡi, trở ra vật mình.
Rằng: "Con sinh sự, sự sinh,
"Há rằng vạ ở trời xanh gieo vào,
"Một là động địa làm sao,
440- Nước phương mộc dục chảy vào chẳng sai,
"Hai là lầm thuốc dông dài,
"Cái dâm dương-hoắc thì ai cũng vừa,
"Ba là phải đứa trao bùa,
"Miếng trầu hoan-hỷ nó cho bao giờ.
"Vô tình nào có ai ngờ,
"Thế mà ăn nói ỡm-ờ như không.
"Khôn mà thưa gửi cho xong,
"Chẳng thì bè chuối trôi sông chẳng hòa".

21. Vì làng đòi hỏi, phú ông phải dẫn Thị Mầu ra đình.
Dắt tay kính dẫn nàng ra,
450- Con mang bụng nặng, cha già theo sau.
Những là chê khó chê già,
Đến nay con dại dễ hầu ai mang?
Phú ông nghe nói hổ hang,
Nhủ rằng: "Sao đấy liệu đường mà đi"
Thưa rằng: "Hổ phận nữ nhi,
"Tam tòng vẫn giữ một ly dám rời
Dẫu khi bãi Hán chơi bời,
"Đố người cường bạo một đời dám trêu.
"Điều đâu như dệt như thêu,
460- "Điều đâu ai khéo đặt điều xấu xa.
"Có đâu những thói dâm-tà,
"Bởi chưng xấu máu hóa ra thế này.
"Thực là vạ gió tai bay,
"Bỗng dưng gắp lửa bàn tay tội đời"
Làng rằng: "Nào phải nói chơi,
"Đừng quen dao lá những lời vắt chanh,
"Tướng kia coi đã hiện hình
"Nhỡn quang như thủy có lành được đâu,
"Chẳng hay ngày tháng bao lâu,
470- Má hồng coi đã ra màu xanh xanh.
"Phải ai thì thú thực tình,
"Luật cho đoàn tụ cũng thành thất-gia
"Không thì một chữ thân qua,
"Chín trâu chưa dễ chuộc ra được nào"
Nghe lời đe nạt mà nao,
Nghĩ mình đã trót, dễ sao bưng bồng.
Thương-đầu nó đã tếch xong,
Nói ra thêm xấu, vả không có bằng.
Phép người đã cứ cung xưng,
480- Yêu ai chỉ nấy, may chưng được nhờ.
Thưa rằng: "Trước hãy còn sơ,
"Cạn sông thì đá sờ sờ khôn che.
"Xưa nay ở chốn thâm khuê,
"Dù ong hay bướm chưa hề biết ai.
"Phải khi lên chốn thiền-trai
"Kính-Tâm tiểu ấy gặp ngoài sân bia.
"Quá yêu tôi đã nguyền thề,
"Nhụy hoa phó mặc bướm kia ra vào.
"Dù nên cầu bắc bến nào,
490- "Nhờ làng ơn ấy đời nào dám quên."
Rõ ràng chỉ mặt rõ tên,
Truyền đời tiểu đến nhỡn tiền đôi co.

22. Tiểu Kính-Tâm bị làng tra hỏi
Mảng tin, thầy, tớ đều lo,
Dữ, lành nào biết duyên do việc gì?
Vâng lời sư dẫn tiểu đi,
Tay thì lần hạt, miệng thì tụng kinh.
Đến nơi làng hỏi thực tình :
"Tiểu kia đã quyết tu hành đến đây.
"Sóng thu sao hãy còn lay,
500- "Thị Mầu kia đã trình-bày phân minh.
"Nói ngay thì cũng thứ tình,
"Liệu ta chớ có dối quanh nữa đòn!"
Lặng nghe đau đớn lòng son,
Kiếp tu, quả ấy có tròn được chăng?
Bây giờ cải dạng nam-trang
Nói ra dễ giữ thói hằng được nao!
Thật vàng dẫu lửa mà sao,
Đốt than mà thử mấy tao cũng dầu!
Trước sau nông-nỗi gót đầu,
510- Rằng: " Câu không sắc dễ hầu dám sai.
"Như còn bợn dạ trần-ai,
"Thì xin có Đức Như Lai trên đầu".
Trái tai, làng hỏi Thị Mầu,
Cứ thưa một mực trước sau rành-rành.
Làng rằng: " Thôi chẳng oan tình,
"Tiểu kia cứ thực mà trình mới xong.
"Phải suy Phật ấy là tòng,
"Như đường gia thất cũng không cấm nào.
"Thôi đừng dối Phật, dối nhau,
520- "Ăn hoa lội nước xơi rau qua rào.
"Mộc thiên chẳng dỗ được nào,
"Buồn mình lại quyến đứa vào vui chơi.
"Giả hình làm tiểu đời đời,
"Dối ai dễ dối được trời kia ru!
"Liệu ba mươi sáu đường tu,
"Chẳng thì văn bút, vũ vồ dễ chi!"

23. Tiểu Kính-Tâm bị đòn
Nhời sao cũng cứ tri tri,
Túi roi vồ nọc tức thì truyền mau.
Làm cho chín khúc cùng đau,
530- Đào nhăn-nhó mặt, tiểu cau có mày.
Hãy đường gặp trận gió tây,
Lá rơi rải rác, hoa bay tơi bời.
Mười phương Phật chín phương Trời,
Chưa hay đến sự dưới trời oan ru?
Đuốc nào soi thấu lời vu,
Bôi nhoà đen trắng lộn mù phải chăng?
Càng van, càng buộc khăng-khăng,
Nỡ nào để tiếng thầy tăng giết người.

24. Nhà sư xin bảo lĩnh cho tiểu Kính-Tâm
Vóc bồ xem đã tơi bời,
540- Thương thay sư mới cất lời van-lơn.
Thưa rằng: " Làm phúc nào hơn,
"Mở lòng Bồ tát dẹp cơn lôi đình.
Khoán làng xin nộp phân minh,
"Dại khôn xin hãy thứ tình một phen"
Một lời đạo, đức nói lên,
Dẫu người độc dữ cũng nên xuôi lòng.
Rấp toan khảo đảõ cho cùng,
Nay sư đã lĩnh thì dung cho về.
Bè từ tế độ cũng ghê,
550- Chẳng thì sa chốn sông mê còn gì?
Ngửa nhờ giọt nước dương chi,
Dẫu cho đã héo rồi thì lại tươi.
Dần dà sư mới ngỏ lời,
Rằng: "Con đã mắc tiếng người chê bai.
"Tam quan ra ở mái ngoài,
"Kẻo e miệng thế mỉa mai đến thầy,
"Dù con thiệt có chuyện này
Lòng trần dũ sạch, từ nay thì chừa.
Như không, mà phải tiếng ngờ,
560- "Cũng nên khuyên gượng làm ngơ kẻo buồn".

25. Nỗi niềm tiểu Kính-Tâm khi ra ở tam-quan.
Vâng lời ra ở thuyền môn,
Trong toà phương-trượng dám còn vào ra.
Nương mình bên khóm cúc hoa,
Một hai chồi trúc, năm ba cụm tùng,
Gương bạch-nguyệt quạt thanh phong.
Cười cùng thiếu nữ bạn cùng thuyền quyên.
Lấy gì làm thú giải phiền,
Quyển kinh trăm lá, ngọn đèn một hoa.
Bạch vân kìa nẻo xa xa,
570- Song thân ta đấy là nhà phải không?
Bể, non chưa chút đền công,
Bấy lâu nay những nặng lòng vì con.
Ngỡ đà qua nạn Cự môn,
Ai hay Thái tuế hãy còn theo đây,
Tiền sinh nghiệp-chương còn đầy,
Cho nên trời mới đem đày nhân-gian,
Mắt phàm khôn tỏ ngay gian,
Hai phen đem buộc tiếng oan tày trời.
Châu kinh tụng mấy muôn lời,
580- Tai uơng hay cũng rụng rời như tro.
Sá thù chi đứa dâm ô,
Nước tùy duyên rửa đi cho kẻo mà!
Chữ rằng: "Nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu".
Lọc vàng nào quản công-phu,
Mắt ngừng trên vách, mấy thu đã chầy,

26. Thị Mầu sinh con trai, đem giao trả cho Kính-Tâm.
Lần lần tính đốt ngón tay,
Thị Mầu đã đủ đến ngày sinh trai.
Phú ông chi khéo nỡ hoài,
590- Con ai thì phó trả ai giữ giàng.
Lòng này dở dở, dang dang,
Lọt lòng hôi hổi chẳng thương được nào?
Trên tay nâng giọt máu đào,
Hầu đi lại đứng, toan vào lại ra.
Ngỡ chơi đâu biết thế mà,
Cắn răng đem vứt ruột già cho ai.
Cắm đầu ra nẽo thiền trai,
Ôm con len-lén đứng ngoài mái hiên,
Tiểu đương tụng-niệm khấn-nguyền.
600- Bỗng nghe tiếng trẻ khóc lên giật mình.
Ngảnh đi thì dạ chẳng đành,
Nhận ra thì hóa ra mình chẳng ngay.
Gớm thay mặt dạn mày dày,
Chân chân đem trả con đây mà về,
Cơ thiền kể cũng khắt-khe,
Khéo xui ra đứa làm rê riếu mình.

27. Tiểu Kính-Tâm nhận nuôi đứa tiểu nhi của Thị Mầu.
Nhưng vì trong dạ hiếu sinh,
Phúc thì làm phúc, dơ đành chịu dơ.
Cá trong chậu nước bơ vơ,
610- Khi nay chẳng cứu, còn chờ khi nao?
Chẳng sinh cũng chịu cù lao,
Xót tình măng sữa, nâng vào trong tay,
Bữa sau sư phụ mới hay,
Dạy rằng: " Như thế thì thày cũng nghi.
"Phỏng như khác máu ru thì,
"Con ai mặc nấy can gì đa mang?"
"Bạch rằng: " Muôn đội thầy thương,
"Xưa nay thầy dạy mọi đường nhỏ to.
"Dù xây chín đợt phù đồ,
620- "Sao bằng làm phúc cứu cho một người.
Vậy nên con phải vâng lời,
Mệnh người dám lấy làm chơi mà liều".
Sư nghe thưa thốt mấy điều,
Khen rằng: "Cũng có ít nhiều từ tâm".
Rõ là nước lã vẫn lầm,
Mà đem giọt máu tình thâm hòa vào.
Mẹ vò thì sữa khát-khao,
Lo nuôi con nhện làm sao cho tuyền.
Nâng-niu xiết nỗi truân chuyên,
630- Nhai cơm mớm sữa, để nên thân người,
Đến đâu ai cũng chê cười,
Tiểu kia tu có trót đời được đâu?
Biết chăng một đứa thương đầu,
Mình là hai với Thì Mầu là ba.
Ra công nuôi hộ thiệt là,
Đương buồn có trẻ hóa ra đỡ buồn.
Khi trống giục, lúc chuông dồn,
Tiếng chuông lẫn tiếng ru con tối ngày.
Phù trì như thổi ra ngay,
640- Lọ phương hoạt-ấu, lọ thầy bảo anh.
Bùa thiêng đã sẵn kim kinh,
Ma vương kia cũng phải kinh lọ là.
Thoi đưa tháng lại ngày qua,
Mấy thu mà đã lên ba tuổi rồi.
Con mày mà giống cha nuôi,
Hình dung ý tứ khác nòi bản-sinh.
Mai ngày đến lúc trưởng-thành,
Cơ cừu dễ rạng tiền-trình hơn xưa.
Vừa mừng con đã sở sơ,
650- Ai ngờ tằm kéo hết tơ thì già.
Gió vàng một phút thoảng qua,
Lá ngô biến sắc cành hoa ủ màu.
Than rằng này đạo cao sâu,
Cam lòng tịch diệt ngon đâu phàm-trần.
Hóa thân thì mượn chân thân,
Siêu thân được lượm tinh-thần mang đi.
Ký quy đành chẳng lệ chi,
Đoái tình trứng nước, nghĩ thì càng thương.

28.Tiểu Kính-Tâm viết thư dặn con rồi siêu thoát.
Gọi con từ giã mọi đường,
660- Bút hoa mới viết vài hàng căn nguyên.
Thảo thư dặn rõ cẩn truyền,
Cầm tay, rồi sẽ tìm lên quê nhà.
Chờ khi xả tự thoát ra,
Lên hầu Sư phụ rồi mà bạch ngay.
Dứt lời thoắt đã chia tay
Hồn hương đã sẵn xe mây rước về.
Khen cho bé nhỏ mà ghê,
Vật mình lăn khóc ngồi kề một bên.
Vâng lời nhủ lại dám quên,
670- Xăm xăm lên bạch Sư trên thiền đường.
Nghe lời, sư nghĩ mà thương,
Dạy rằng: "Nào bản đạo trường ra coi.
"Kính-Tâm chầu Phật đi rồi,
"Phải ra xem sóc, cứ noi lệ thường".
Giờ lâu vào bạch rõ ràng,
Rằng nay tiểu ấy coi dường nữ nhi.
Sư rằng: "Nghe nói hồ nghi,
Vãi đâu ra thử, có thì lại thưa".
Vãi rằng: "Sự chẳng còn ngờ,
680- Thế mà đày đọa bấy giờ đến nay".
Sãi vào trình với làng hay,
Quả nhiên xóm nọ thôn này đổ ra.
Xôn-xao tín nữ, lão bà,
Đều rằng tu thế mới là chân tu.
Cha con Mầu thị phao vu,
Mõ truyền lập tức ra cho làng đòi.
Khoán sư dân đã thu rồi,
Chiểu thu nộp một bắt bồi làm hai.
Trị tang các việc trong ngoài,
690- Phú ông còn đổ cho ai được nào?
Tiểu nhi sư mới gọi vào,
Cha con nhủ lại những sao bây giờ?
Bạch rằng: "Thương-xót con thơ,
Trối trăng có viết một tờ lại đây.
Xem thư sư phụ mới hay,
Thương cho tiếng nọ điều này những oan.
Xa xôi cách mấy trùng-san,
Cho đưa thư tới Hương-quan quê nàng,
Sắm-sanh lễ vật mọi đường,
700- Phú ông vâng phải tính phương chu tuyền.
Ngửa tay chịu việc tần-phiền,
Nhờ con báo bổ đã nên cam lòng.
Thị Mầu cùng bạn má hồng,
Để tang phải khóc là chồng dở dang.
Phần thì hổ với dân làng,
Phần thì rầu với song đường nơi đây.
Còn người con cái thẹn này,
Phải liều như thể vợ thầy Trang-sinh,
Trầm-luân kiếp ấy đã đành,
710- May ra còn có chút tình xót-xa.

29. Nỗi nhà họ Mãng sau khi nhận được thư.
Xót thay họ Mãng tuổi già,
Bức thư đưa đến mở ra rụng rời.
Vân mòng đã mấy năm trời,
Thấy thư lại hóa ra người biệt-ly.
Ỷ hòe một giấc còn chi,
Người là người cổ, thư thì thư không.
Quản bao nước thẳm, non cùng,
Đeo khăn quảy gánh thẳng giong tức thì,
Nghe tin Thiện-sĩ theo đi,
720- Gánh sầu san xẻ, nặng-nề cả ba
Thắp cao dặm trúc ngàn hoa,
Qua hồ tây đến đây là chùa Văn.
Cần quyền xót nỗi song thân,
Nước non len-lỏi mấy lần thẳm xa.
Ngửng trông ba thước hồng-la,
Trách thầy Tử hạ khóc mà được chăng?
Thiềm cung từ vắng ả Hằng,
Tìm kim đáy nước mò trăng giữa đầm.
Non Hành nhạn vắng tin thăm,
730- Sông ngô tìm cá, thì tăm cũng chìm,
Bấy lâu tin-tức đã im,
Ai hay di thể còn tìm thấy đây?
Giữa đường thoát gánh khỏi tay,
Thông già, huyên cỗi sau này làm sao?
Lòng chàng chín khúc tiêu hao,
Hạt châu lai láng, thấm bào như dong.
Lời nguyền chỉ núi thề sông,
Tiếng là da mở, nghĩa cùng thịt xương.
Tơ duyên bỗng xẻ đôi đường,
740- Vì anh lỗi đạo, cho nàng ngậm oan,
Châu rồi có lẽ phục hoàn,
Cũng mong Liễu lại tay Hàn mai ngay.
Nửa chăn để bụi đã đầy,
Uyên-uơng ước lại sum-vầy đồng khâm
Vi Cao lòng vẫn chăm-chăm,
Ngọc-Tiêu phỏng độ mấy năm tái hoàn?
Thề rằng chán nguyện nhân-gian,
Lại xin theo dấu Niết-bàn ở đây.
Hoạ chăng gặp kiếp sau này,
750- Chẳng thì xin hóa làm cây Hàn Bằng.
Ai trông thấy chẳng ngập-ngừng,
Động lòng mà khóc người dưng sụt-sùi.
Một đoàn bồ bạt tới lui,
Dọn đường tổ đạo đặt nơi uỷ hình.
Theo đưa kia biết bao tình,
Đứa nuôi hoàng-khẩu, đấng sinh bạch-đầu
Tiếng-tiêu inh ỏi giọng sầu,
Một giây bạch bố bắc cầu độ vong,
Kìa ai muốn khảo cho cùng,
760- Theo đưa cũng chạnh tấm lòng ăn-năn.
Nỗi cơn lệ vũ sầu vân,
Vang hồi pháp-khí, rung cành linh phan.
Vùi hương chôn ngọc đã an,
Cửa thiền mới đặt pháp đàn làm chay.
Đủ đồ thập-cúng sẵn bày,
Lòng đi ba cõi hương bay chín trời,
Bảo đường tụng niệm mấy lời,
Chúc cho giải thoát sang đời mai sau.

30. Tiểu Kính-Tâm siêu thăng được làm Phật Quan-Âm.
Ai hay phép Phật nhiệm mầu,
770- Có khi nước Trúc ở đâu cũng gần
Giữa trời kết đóa tường-vân,
Đức Thế Tôn hiện toàn thân xuống đàn.
Ào ào dạng bóng tường loan,
Tràng-phan bảo cái giao quan âm thầm.
Truyền rằng nào Tiểu Kính Tâm,
Phi thăng làm Phật Quan Âm tức thì.
Lại thương đến đứa si nhi,
Trên tay cho đứng liền khi bấy giờ.
Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ,
780- Cho làm chim vẹt đứng nhờ một bên,
Độ cho hai khóm thung, huyên,
Giơ tay cầm quyết, bước lên trên tòa
Siêu thăng thoát cả một nhà,
Từ nay phúc đẳng hà sa vô cùng,
Lên miền cực-lạc hội đồng,
Mọi người khi ấy đều trông rành-rành.

31- Kết-luận.
Cho hay lành lại gặp lành,
788-Nam-mô-di Phật tu hành thì coi,

Phụ Lục
Bức thư của Thị Kính gửi cho cha mẹ:

Ơn sơn-hải một chút chi chưa báo, ở sao đành dù đi có sao đành.

Phận liễu bồ mười đấy cũng là không, sống đã tủi dù thác đi cũng tủi.

Trăm hơn dặm bỗng xảy ra muôn kiếp,

Một tấm lòng xin gửi lại mươi hàng.

Thị Kính nay:

Hổ Phận nữ nhi,

Nhờ nền phúc-ấm,

Từ kết tóc sớm trao giây tú mạc, ba thu vừa mới ấm chăn loan.

Vì cắt râu nên nỗi sóng Ngân-hà, một khắc nào ngờ tan dịp thước.

Tòa Ngưu Nữ đôi bên cách trở, Khóm thung-huyên đòi đoạn bồi hồi.

Chốn phấn-hương thẹn với nước-non, Đặt gánh hiếu phải sa rời dặm khách

Miền Bát-Nhã tìm vào mây khói, nương bè Từ cho vượt khỏi sóng mê.

Đuốc quang-minh đốt cháy thành sầu, Bể khổ hạnh bỗng nảy lên bãi giác.

Cảnh Văn-Tụ mừng vui miền Thứu lĩnh, rảy cành dương chẳng bợn chút trần-ai.

Ả Thị Mầu đơm đặt chuyện Vu sơn, gầy vóc liễu đã cam lòng giả sở.

Thủa làm vợ để chồng ngờ thất tiết,

Lúc làm trai cho gái đổ oan tình.

Đoái nghĩ ơn chín chữ cù lao, xa xôi chốc đã sáu thu, khoải khoắc bận lòng khi đán-mộ.

Tưởng đến nỗi đôi bờ ly biệt, nuôi nấng gọi là một chút, viếng thăm thay mặt buổi

thần-hôn,

Muôn phần bội bạc đã cam rồi,

Trăm lạy nghiêm từ xin ở lại!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2024(Xem: 1364)
Những lời vàng trong kinh điển chuyển sang PDF Luôn sống cùng, lớn lên theo mãi thời gian Từ sáng tinh mơ, ngồi chăm chú theo âm vang Những pháp thoại đến từ năm cũ hòa với hiện tại Lời động viên, giải đáp giúp nuôi dưỡng mãi Sống để hạnh phúc hay tồn tại, hãy tự tìm ra Làm sao cho những ý tưởng ác là gió thoảng qua, Tạo thêm nhiều điều thiện biến thành châu ngọc Con đường ấy chỉ phải là Nghe, Đọc Để rồi rưng rưng hai hàng giọt lệ tri ân
02/10/2024(Xem: 1937)
Nguyễn Bá Chung cùng quê hương đại thi hào Nguyễn Trãi. Một sớm tinh mơ nào, vào cuối thu 1949, nhà thơ mở mắt chào đời nơi vùng quê Định Giàng, Đại Đức, cách chân núi Chí Linh, Hải Dương một đường chim bay. Khoảng giữa năm 1954, mới vừa 6 tuổi đã vội vã chạy theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn. Bản chất thông minh, học hành quá xuất sắc, nên được Đại học Brandeis cấp học bổng du học tự túc Hoa Kỳ (1971) và sống định cư luôn bên Mỹ, từ đó cho đến bây giờ.
30/09/2024(Xem: 1487)
Dưới cái nhìn trí tuệ trong thời đại mới. Người Phật Tử phải thể hiện được… Bát Chánh Đạo trong sự sống! Dùng pháp chăn trâu mang Đạo Phật vào đời Tư duy đa chiều theo khoa học sẽ rạng ngời (1) Bằng thể hiện phương thức phù hợp xã hội phát triển!
28/09/2024(Xem: 1220)
Quán Âm đứng giữa trời thanh Tay bình tịnh thủy tay nhành liễu xanh Nhìn đời qua ánh mắt lành Bằng tâm Bồ Tát chúng sanh không rời. Mẹ ơi! Đứng từ bao giờ Người đời qua lại vui cười thản nhiên Biết đâu rằng khí linh thiêng Từ vô lượng kiếp hiện tiền nơi đây
27/09/2024(Xem: 1389)
Phật Pháp là cứu cánh Với mỗi một chúng ta, Để sống thiện, hữu ích, Hạnh phúc và an hòa. Khi thấm nhuần Phật Pháp, Hiểu cái khổ chúng sinh, Ta sống có ý nghĩa, Với đời và với mình.
27/09/2024(Xem: 1226)
Hôm nay con vào nghe Ni Sư Tâm Vân giảng Những Người Mẹ Vĩ Đại Sư nhắc Mẹ Tâm Thái Khi Sư qua bên Mỹ Để gieo mầm Phật Pháp Mẹ chia tay dặn Sư: Con gái yêu của Mẹ, con làm con của Mẹ Chỉ được mười mấy năm Duyên của Mẹ cùng con Bây giờ con ra đi Trên con đường của con,
25/09/2024(Xem: 1085)
Đạo Phật ngày nay lắm nhiễu nhương Giới luật lỏng lẻo thiếu kỷ cương Lạm dụng phương tiện sai chánh pháp Khiến đạo vàng dở dở ương ương. Xuất gia không còn đúng lý nghĩa Thế gia, phiền não, tam giới gia Tục gia không còn xuất ra được Mong gì được tự tại an nhiên.
25/09/2024(Xem: 4637)
Con vừa ghi lại buổi pháp thoại Thầy thuyết giảng về "Đại Sư Thiếu Khang, vị Tổ thứ 5 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa", con kính gửi Thầy xem và chỉnh sửa thêm trước khi online. Con kính cám ơn Thầy cho phép con phiên tả, vì đây là cơ hội để con chú tâm để hiểu ít nhiều về Phật pháp thêm vào vốn liếng giáo lý quá ít ỏi của con. Bạch Thầy, con chợt nhận ra rằng, Thầy đã dùng phương tiện này để dẫn dắt con, thay vì như Tổ Thiếu Khang cho tiền để trẻ niệm A Di Đà, Thầy đã khéo léo bảo con tường thuật để cột tâm con vào một mối không đi lang thang như khi ngồi nghe giảng hay tụng kinh. Con kính tri ân Thầy.
24/09/2024(Xem: 1530)
Muốn được phước phải có đức và ngược lại ! Đức trong đạo Phật gồm ngủ giới và thập thiện nên làm. Giá trị sống sẽ đổi thay theo thời gian Khi đã trang bị cho mình, những đức hạnh căn bản! Bao gồm sự nỗ lực, cần kiệm tinh thần trách nhiệm can đảm!
24/09/2024(Xem: 1763)
Chín sáu tuổi rồi chửa thấy già Không quên không lẫn mắt chưa lòa Yêu đời luôn thích ngâm thi phú Mến Đạo thường hay tụng sám ca Chí quyết tu hành luôn biết đủ Nếp nhà thanh tịnh chẳng xa hoa Nguyện tu giải thoát dòng sanh tử Tịnh Độ đường về đâu có xa.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]