Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tình cờ nắng phai

28/06/201313:11(Xem: 10314)
Tình cờ nắng phai

canhdep_6TÌNH CỜ NẮNG PHAI

Huệ Trân

“Chiều thơm hoa cúc vàng thơ

Trà pha hương nắng tình cờ nắng phai”

Tôi “tình cờ” đọc được hai câu thơ rất thơ, rất thiền này của tác giả có bút hiệu rất ngắn: Lữ.

Tên tác giả khá xa lạ đối với tôi, không biết vì tác giả mới “xuống núi” hay vì bây giờ tôi mới có duyên đọc tới?

Điều đó không có gì đáng nói mà nội dung bài viết tôi đọc được mới đáng nói.

Ủa, mà có gì đáng nói đâu khi tất cả chỉ là tình cờ! Cứ cho là như thế đi!

Gió tình cờ làm bay phấn hoa. Đất tình cờ đón lấy. Nắng tình cờ sưởi ấm. Mưa tình cờ tưới tẩm. Nên hạt tình cờ nẩy mầm. Cây tình cờ mọc. Hoa tình cờ đơm bông. Gió lại tình cờ đem phấn hoa bay xa … bay tới đâu? nào ai biết! Đất nơi nào đón phấn? nào ai hay! Nhưng giòng chảy đó, chắc chắn vẫn quay đều, vạn hữu vẫn hiện đủ bao mùa mưa nắng.

Chỉ khép mắt, quán chiếu một giây thôi cũng có thể thấy trùng trùng duyên khởi. Giòng chảy của ba cõi, bốn loài, sáu đường chúng sanh cũng tình cờ mà tuôn chảy thế thôi; nhưng trong những tình cờ của kiếp nhân sinh, lắng tâm mà nghiệm thì có những tình cờ chẳng tình cờ chút nào đâu! Nhân loại khởi từ xa lạ, tình cờ gặp nhau kết thành thân nhân, quyến thuộc, bạn bè, mà thương, mà ghét nhau ư? Nếu thực là tình cờ thì đâu thể triền miên, bất tận như thế! Trong vòng luân hồi, chúng sanh phải có ân oán, nợ nần nhau, chìm đắm trong vô minh mới tiếp tục tìm nhau mà đòi, mà trả như thế! Nên Phật dạy, nếu có tuệ nhãn mà nhìn chúng sanh, có thể nhận ra tổ tiên, ông bà, cha mẹ, quyến thuộc từ nhiều đời nhiều kiếp.

Đôi khi, bằng tâm chân thực, chí thành, cũng có thể chiêu cảm được với đối tượng mà ta đang hướng về.

Bài viết của tác giả Lữ, mà tôi đọc được, ở trong trường hợp này.

Hai người bạn thân, cùng nghèo, cùng yêu hoa cúc và cùng có thú uống trà. Họ tự nhận, có lẽ nghèo vì hoa cúc và trà, vì không thể bước đi, nếu đã tình cờ nhìn thấy chậu cúc nào quá đẹp, không thể không vét túi, nếu biết nơi nào đang bán loại trà ngon. Những khi gặp nhau, họ thường pha trà, ngắm hoa, và không gian quanh họ lập tức tràn đầy hạnh phúc, chẳng cần xử dụng nhiều ngôn ngữ. Có chăng là người bạn của tác giả chia xẻ những câu thơ vừa khởi trong tâm, hoặc vừa viết vội trên mảnh giấy nào!

Những khi họ gặp nhau mà có trà, có hoa và tình cờ có trăng nữa thì thật là tuyệt diệu! Họ yên lặng uống trà, ngắm hoa, thưởng nguyệt, tuyệt không để một vẩn đục nào khác xen vào nên tâm họ trong suốt như thủy tinh. Người bạn nói: “Hôm nay tâm của anh bình an lắm!”. Và tác giả nghe thế thì cảm động, nghĩ thầm: “Vậy anh là tri kỷ của tôi rồi. Ngày xưa, Tử Kỳ hiểu tiếng đàn của Bá Nha cũng nhạy bén như vậy là cùng.”

Thương thay, tình bạn của họ cũng có điểm giống Bá Nha-Tử Kỳ, vì người bạn đã mất khi tác giả đi xa. “Đi chơi cho vui. Tôi không sao đâu!”. Nhưng khi tác giả trở vế chốn cũ thì người bạn chỉ còn là một hũ tro nguội lạnh! Tác giả buồn bã, đi quanh sân nhà, phảng phất hơi hướng người xưa; rồi trong mơ màng, bỗng nghe thấy như có tiếng ai đọc thơ! Tiếng ai? Không có ai quanh cả! nhưng giòng thơ vẫn ngân lên:

“Chiều thơm hoa cúc vàng thơ

Trà pha hương nắng tình cờ nắng phai”

Tác giả nhận ra giọng thơ của bạn. Lục trong trí nhớ, bạn chưa từng chia xẻ bài thơ này bao giờ!

Trời ơi, vậy, đây là bài thơ mới! Tác giả vội vã lấy giấy bút trong túi ra, ghi chép:

“Trà thơm nắng ấm thơ lòng

Thơ hoa trổ đóa cúc trong cõi ngoài

Trà hương khói trở về mây

Mà hoa thơ lại phô bầy cúc thơm.”

Tác giả chợt hiểu, là, bằng cách nào đó, họ đang gặp lại nhau.

Đọc câu chuyện này, có thể, nhiều người chẳng cảm thấy gì! chỉ là chút ảo tưởng hoang đường, thế thôi!

Nhưng chắc cũng nhiều người xúc động vì ngay đang khi đọc cũng cảm thấy không gian xung quanh thơm hương trà, vàng hoa cúc vì sự chiêu cảm nhiệm mầu của “Sự cảm thông không thể nghĩ bàn”. Đạo vô hình vô tướng mà người cầu đạo vẫn thấy “Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời.” thì Bá Nha có bao giờ mất Tử Kỳ, dù trở về chốn xưa, Tử Kỳ không còn nữa!

Tôi tin là tác giả đã “nghe” được tiếng thơ của bạn mình vì họ cùng đang nhiệt tình hướng về nhau.

Trước đây, tôi đã từng chia xẻ phút giây mầu nhiệm đến với mình khi nghe tiếng ấm nước sôi, reo vui trong bếp cùng lúc với tiếng gõ cửa. Tôi biết chắc, khi ấy trong bếp không có ai! “Ra mở cửa đi con! Khách quý đấy! Pha trà sen đãi khách nhé!”. Đó là tiếng của cha tôi, người đã sanh thành ra tôi, đã là tri kỷ của tôi, và đã bỏ tôi, đi về thế giới khác từ hơn mười năm qua! Tôi tin chắc người khách này do cha đưa đến để hướng dẫn đường tôi đi; nhưng người khách thì làm sao biết được điều đó! nên khi tôi mở cửa, khách vừa rũ những hoa tím vương trên áo, vừa ngại ngùng: “Tôi đến không báo trước, thật là thất lễ qúa! Nhưng tình cờ đi ngang thành phố này, nhớ tới buổi cầu siêu năm xưa cho cụ ông, không thể không ghé thăm, xin thắp một nén nhang.”

Nói theo tinh thần lời tôn-giả Tu Bồ Đề thưa Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, con không nghĩ tưởng con đã đạt đạo A La Hán, con mới thực là bậc A La Hán.”, thì có những sự tình cờ không phải tình cờ mới thực là tình cờ.

Có tình cờ không, khi tôi bỗng nhận được một cuốn sách từ nhà xuất bản Nắng Mới? Cuốn sách tựa đề “Bên trăng tôi chưa ngủ” của tác giả Lữ, trong khi tôi không hề được biết NXB cũng như tác giả.

Tựa cuốn sách chính là một, trong hai mươi truyện ngắn của tác giả mà tôi đã tình cờ đọc được hai câu thơ rất thơ, rất thiền. Vì có cuốn sách nên tôi lại tình cờ bắt gặp những chia xẻ mầu nhiệm. Chẳng hạn như tác giả ngồi bên giường bệnh của Mẹ, hát ru Mẹ những câu thơ để Mẹ đi dần vào thiên thu:

“Ngày mai có người tới hỏi:

Có thấy sợi nắng hôm qua?

Tôi nhìn trời cao vòi vọi

Chắc sợi nắng đã đi xa!”

Đẹp qúa! Và thanh tịnh quá, khi mẹ đã là sợi nắng. Tác giả nói, sợi nắng đã đi xa, nhưng thật ra, đã là sợi nắng thì chẳng bao giờ đi xa. Sợi nắng chỉ ngủ trong mây. Rồi mây trôi lãng đãng, khuất dần, tưởng như không còn nữa, nhưng thật ra mây đang là những hạt mưa thánh thót, tưới tẩm cỏ cây hoa lá. Mây đang là giòng suối vì mây đã thành mưa …

Tác giả hạnh phúc gặp Mẹ là sợi nắng vĩnh cửu, vô thỉ vô chung như thế. Còn tôi, cũng đã từng:

“Con xuống tóc, đi tìm Cha,

Sợi vương cửa động, san hà lung lay

Rừng chiều một bóng chim bay

Chợt nghe gió thoảng hương say hoa rừng.”

Cha là hương hoa rừng. Cha bát ngát không gian. Con hít thở nơi nào mà chẳng là hít thở tình Cha? Vậy thì, Cha có bao giờ mất, có bao giờ xa?

Xin cám ơn NXB Nắng Mới.

Xin cám ơn Lữ.

Xin cám ơn Chân Minh.

Và cám ơn những tình cờ chẳng phải tình cờ.

Như ta đã tình cờ gặp nhau.

Và tình cờ xa nhau.

Huệ Trân

(Cốc Thảnh Thơi, tháng năm 2008)

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/12/2015(Xem: 14921)
Bạch Đằng giang xóa tan ngàn năm Bắc thuộc Vua Ngô Quyền xây dựng thiết lập triều ca Tiếp ngàn xưa bao đời lịch sử Ông Cha Nối ngàn sau Việt Nam non nước một nhà
17/12/2015(Xem: 14795)
Trong khu rừng kia có một con khỉ rất hạnh phúc. Nó tìm ăn những trái cây ngọt lịm khi đói và nằm nghỉ ngơi khi mệt. Một ngày, con khỉ đang lang thang bìa rừng thì thấy một ngôi nhà… Trong ngôi nhà nhỏ bé đó, nó thấy một cái bát to đựng toàn táo, những quả táo tuyệt đẹp. Con khỉ liền trộm lấy một quả và chạy thật nhanh trở lại khu rừng.
15/12/2015(Xem: 22692)
- Tên thật: Triệu Thị Trinh, hoặc Triệu Thị Chinh, Triệu Trịnh Nương, còn có tên: Triệu Ẩu, Nhụy Kiều Tướng Quân, Lệ Hải Bà Vương. - 19 tuổi, thu phục con voi trắng một ngà dữ dằn, phá hại mùa màng, giết hại dân lành. Chính con voi này Bà cỡi mỗi khi ra trận. Cũng năm 19 tuổi này, Bà đã vào rừng lập chiến khu tại Sơn Tùng, hàng ngàn tráng sĩ xin theo, học kỹ chiến thuật, rèn binh bày trận. Và chính nơi đây là Trung tâm cuộc Khởi Nghĩa vào năm 248, thời kỳ Bắc thuộc lần Thứ Hai. - Bà tuẩn tiết ngày 21 tháng 02 năm Mậu Thìn 248 tại Núi Tùng, Thanh Hóa, lúc bấy giờ Bà mới 23 tuổi. - Bà sinh tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Nhưng về năm sinh, tôi xin đánh dấu hỏi ở đây: Nhiều sử sách bài viết đã ghi nằm trên tủ sách và online trên hệ mạng, rõ ràng rằng: "Triệu Thị Trinh - Bà Triệu (225-248)" ; Lại rõ ràng rằng: "Bà Triệu Thị Trinh sinh ngày 02 tháng 10 năm 226 (Bính Ngọ)". Điểm này xin dành cho những bậc Thức giả và các nhà Sử học.
15/12/2015(Xem: 12213)
KHUYẾN TU Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày, Tu hành gắng lấy, để cầm tay, Bến mê lánh khỏi trăm phần khó, Cửa Pháp nương nhờ lắm chuyện may ! Nợ trước bốn ơn, lo gắng trả, Thân sau ba cõi, nguyện đừng vay, Vô thường niệm niệm xin ghi nhớ, Chớ bỏ trôi qua uổng tháng ngày!" Thơ của HT Huyền Vi
14/12/2015(Xem: 13067)
- Một bậc anh hùng kiệt hiệt - Một nhà quân sự lỗi lạc - Một vị tướng lãnh phi thường - Một nhà Vua trẻ nhưng đường đường chính chính nhất trong các triều đại Vua Chúa VN. Vua Quang Trung - Vua Quang Trung Người anh hùng áo vải Tây Sơn Đệ nhất tướng tài nước Việt Nam Đánh Nam, dẹp Bắc yên thiên hạ Thống nhất giang sơn hưởng thái bình
12/12/2015(Xem: 16800)
Vua Trần Nhân Tôn Vua Trần Nhân Tôn Đệ nhất quân vương đất trời Nam An dân, an quốc, bình thiên hạ Quốc Tổ, quốc Tông, đã định ban Vua Trần Nhân Tôn Vua Trần Nhân Tôn
12/12/2015(Xem: 11902)
- Đời đời nhớ ơn Trưng Nữ Vương - Đời đời tôn thờ Hai Bà Trưng - và tất cả Nữ Quân Nữ Tướng của Hai Bà: a) Vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay dựng đền thờ 35 Nữ Tướng b) Vùng Hà Tây, Hòa Bình, Bắc Ninh thờ hơn 30 Nữ Tướng c) Người Tày, người Nùng Việt Bắc, người Choang Quảng Tây truyền lưu nhiều truyền thuyết kỷ niệm Tổ Tiên xưa tham gia và tử trận trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. - Đương nhiên, không quên tất cả đấng nam nhi đã phủ phục dưới trướng Hai Bà, bởi, vì nợ nước hiến thân mình, vì thù nước phải hy sinh, sẵn sàng đứng dưới cờ, không hổ mặt mày râu. - Dấu ấn điểm son đất nước Việt Nam ta tiên phong nam nữ bình quyền, tôn trọng pháp nước luật nước đã 2000 năm trước - ngay từ thời kỳ quân chủ xa xưa.
12/12/2015(Xem: 9377)
Ta đi cho vững bước mình Ta đi để thấy sắc hình là không Cuối đời học mãi chưa xong Duyên sanh diệu hữu pháp không nhiệm mầu Ta về nhớ Phật ân sâu Ta về quán chiếu từng câu thấm vào
11/12/2015(Xem: 13992)
Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Đại Vương Một danh tướng kiệt xuất nhất đời Trần Một danh tướng kiệt xuất nhất Việt Nam Một danh tướng ba lần đại phá Nguyên - Mông Trong an quốc dân, ngoài vững sơn hà Sinh vi Trung Thần - Tử tôn Đức Thánh
09/12/2015(Xem: 20487)
- Một bậc anh hùng kiệt hiệt - Một nhà quân sự lỗi lạc - Một vị tướng lãnh phi thường - Một nhà Vua trẻ nhưng đường đường chính chính nhất trong các triều đại Vua Chúa VN. Vua Quang Trung - Vua Quang Trung Người anh hùng áo vải Tây Sơn Đệ nhất tướng tài nước Việt Nam Đánh Nam, dẹp Bắc yên thiên hạ Thống nhất giang sơn hưởng thái bình
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]