Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Phẩm Như Lai Thần Lực - 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát

02/04/201317:36(Xem: 14540)
21. Phẩm Như Lai Thần Lực - 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa Thâm

21. Phẩm Như Lai Thần Lực - 28. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan
Nguồn: Hòa Thượng Thích Thắng Hoan

21.- PHẨM NHƯ LAI THẦN LỰC:

Thần Lực của Như Lai cũng tức là Vô Tác Diệu Lực của Diệu Pháp. Tất cả Pháp của Phật nói đều hàm chứa một năng lực phi thường được gọi là thần lực. Như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong đó cũng ẩn chứa những năng lực mầu nhiệm, những bí yếu phi phàm được gọi là Thần Lực của Như Lai. Thần Lực của Như Lai được gọi tắt là Thần Lực Như Lai. Thần Lực Như Lai là hiện sức thần thông lón, nào bảy tướng lưỡi rộng dài đến trời Phạm Thế, nào tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc và soi khắp thế giới trong vô lượng cõi, nào tiếng tằng hắng, tiếng khảy móng tay đều vang động khắp các cõi Phật trong mười phương. Nhờ Thần Lực Như Lai, chúng sanh nơi các thế giới trong mười phương thấy được cõi Ta Bà và thấy được đức Phật Thích Ca cùng đức Phật Đa Bảo đều ngồi trên tòa sư tử trong Bảo Tháp v.v...

Đức Phật Thích Ca thể hiện Thần Lực Như Lai nhằm mục đích phó chúc Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho các hàng Cựu Trụ Bồ Tát tùng địa dũng xuất để thọ trì. Cựu Trụ Bồ Tát tùng địa dũng xuất hiện hữu từ nơi Tâm Địa không phải các vị Bồ Tát hiện hữu từ nơi Đạo Tràng Linh Thứu. Đức Phật Thích Ca phó chúc cho các vị Bồ Tát hiện hựu từ nơi Đạo Tràng Linh Thứu được gọi là Đạo Tràng Phó Chúc, còn các vị Cựu Trụ Bồ Tát tùng địa dũng xuất thì khác hơn, phải dùng Thần Lực Như Lai mới có thể phó chúc. Đức Phật Thích Ca dùng Thần Lực Như Lai để phó chúc cho các vị Bồ Tát nói trên được gọi là Thần Lực Phó Chúc. Ngoài ra đức Phật còn muốn các hàng Bồ Tát khác và các bậc Thánh Chúng trong mười phương đặt trọn đức tin kiên cố vào sự mầu nhiệm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng cách khiến cho họ thấy tận mắt sự biểu hiện của Thần Lực Như Lai. Điều đó được ghi lại trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: "Thần lực của các đức Phật vô lượng vô biên bất khả tư nghì như thế; nếu ta dùng thần lực đó trong vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức vô số kiếp, vì để chúc lụy mà nói công đức của kinh này vẫn chẳng hết được". Giá trị sự thể hiện sức thần thông lớn của Thần Lực Như Lai nói trên bao gồm ý nghĩa biểu tượng sau đây:

1/- Hiện tượng lưỡi rộng dài đến trời Phạm Thế do sức thần thông của Thần Lực Như Lai mà Pháp Thân Thường Trú đức Phật Thích Ca thể hiện được tiêu biểu cho hai ý nghĩa:

a/- Căn cứ nơi Phẩm 11 Hiện Bảo Tháp, Pháp Thân Thường Trú của Phật Thích Ca trong Bảo Tháp đã to lớn vô lượng thì lẽ tất nhiên tướng lưỡi của Phật cũng phải rộng dài vô biên. Theo như trong kinh, tướng lưỡi của ngài hiện ra rộng dài đến trời Phạm Thế là lẽ cố nhiên đúng như thật không có chi lạ và cũng không trở ngại cho đức tin. Tướng lưỡi rộng dài của Phật Thích Ca thể hiện qua Thần Lực Như Lai thì cũng tương tợ như hình tướng con người chiếu hiện qua năng lực điện tử. Thần Lực Như Lai thể hiện tướng lưỡi rộng dài đến Trời Phạm Thế cũng giống như năng lực điện tử chiếu tỏa hình tướng con người hiện khắp năm châu bốn biển, nghĩa là hình tướng con người có thể thâu vào trong một hạt điện thật nhỏ và cũng có thể chiếu đại hình tướng đó thật to lớn vô cùng. Diệu dụng của Pháp Thân Thường Trú đức Phật Thích Ca qua thần lực Như Lai thì phi thường bất khả tư nghì.

b/- Tướng lưỡi rộng dài còn có ý nghĩa khác là biểu tượng cho tiếng Pháp Âm của Phật chuyển pháp luân đi khắp mười phương và lan rộng đến trời Phạm Thế. Trường hợp này cũng tương tợ như tiếng nói của con người được phát thanh qua đài và tiếng nói đó được truyền đi khắp các quốc gia trên thế giới. Pháp Âm của Phật phát thanh qua Thần Lực Như Lai thì mọi loài chúng sanh trong mười phương, đều có thể nghe biết theo nghiệp riêng của mình, cũng như ngôn ngữ loài người được phát thanh ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và bất cứ người nước nào, đều có thể nghe được cả qua ngôn ngữ của họ.

2/- Hiện tưọng tất cả lỗ chân lông phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc soi khắp mười phương, là biểu tượng cho diệu dụng không thể nghĩ bàn của Thần Lực Như Lai. Hiện tượng này cũng như nơi mỗi chân lông của thân thể con người luôn luôn chiếu tỏa một năng lực đa phương thường gọi là Từ Trường hay Nhơn Điện (Magnetic field) để thân thể con người đứng vững trong trời đất không bị nghiêng ngã. Năng lực này của con người chiếu tỏa đều bị ngăn ngại và bị hạn chế bởi thân thể vật chất cũng như bị ô nhiễm bởi chất liệu phiền não trong tâm thức, thành thử phát triển không được lan rộng khắp không gian, giống như thân thể bằng tâm linh thanh tịnh của chư Phật. Pháp Thân Thường Trú chân thật của Phật Thích Ca xây dựng bằng tâm linh thanh tịnh và to lớn vô lượng cho nên Thần Lực nơi Pháp Thân của ngài phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, soi khắp mười phương một cách tự tại không bị ngăn ngại và không bị hạn chế bởi vô số trần lao phiền não.

3/- Hiện tượng tằng hắng và khảy móng tay vang đến khắp cõi nước của các đức Phật trong mười phương điều đó chứng tỏ Pháp Thân Thường Trú của ngài to lớn vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Bản tâm của Phật càng thanh tịnh chừng nào thì tiếng động tằng hắng và tiếng khảy móng tay của ngài vang động càng mạnh chừng nấy, cũng như Pháp Thân của Phật càng to lớn chừng nào thì tiếng tằng hắng và tiếng khảy móng tay của ngài vang động càng lan xa chừng nấy.

4/- Hiện tượng các cõi nước, trong mười phương đều thông đạt một cách tự tại qua Thần Lực Như Lai và hiện tượng chúng sanh trong mười phương đều nhìn thấy đức Phật Thích Ca, đức Phật Đa Bảo cùng vô số chư Phật, chư Bồ Tát v.v... trong mỗi góc cạnh hình tướng nơi cõi Ta Bà qua Thần Lực Như Lai cũng không khác nào chúng ta nhìn thấy các quốc gia trên thế giới qua đài truyền hình phổ biến.

Tóm lại, đức Phật Thích Ca muốn sau khi diệt độ, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phải được lưu truyền mãi mãi về sau nơi cõi Ta Bà nhằm cứu độ chúng sanh sớm thành đạo quả, liền phát huy Thần Lực Như Lai để phó chúc cho các vị Cựu Trụ Bồ Tát tùng địa dũng xuất có bổn phận thọ trì, đọc tụng, giảng giải, biên chép để phổ biến khắp nơi. Đức Phật Thích Ca trao truyền nhiệm vụ cho các vị Cựu Trụ Bồ Tát tùng địa dũng xuất bằng Thần Lực Phó Chúc và đồng thời xây dựng đức tin kiên cố cho các hàng Bồ Tát khác, các thánh chúng trong mười phương tin tưởng vào sự mầu nhiệm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng cách khiến họ nhìn thấy tận mắt diệu dụng của Thần Lực Như Lai mà chính ngài biểu hiện. Họ một khi có đức tin thì mới thọ trì, nhờ thọ trì nên được chứng đắc và khi được chứng đắc thì chừng đó mới hoàn toàn được thành Phật. Đây là nguyên tắc xây dựng Khai Thị Ngộ Nhập tri kiến của Phật nơi Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

22.- PHẨM CHÚC LỤY:

Phẩm này trình bày cách thức ký thác bổn phận và những lời di chúc để giao phó trách nhiệm cho các hàng Bồ Tát cựu trụ tùng địa dũng xuất nói trên của đức Phật Thích Ca nên gọi là Phẩm Chúc Lụy. Đức Phật Thích Ca phó chúc bằng cách sử dụng Thần Lực Như Lai đưa cánh tay mặt xoa đảnh đầu vô lượng Đại Bồ Tát mà nói rằng: "Ta ở trong vô lượng trăm nghìn muôn ức vô số kiếp tu tập pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác khó đặng này, nay đem phó chúc cho các ông, các ông nên phải một lòng lưu bố pháp này làm cho thêm nhiều rộng". Đức Phật ba lần xoa đảnh đầu các vị Đại Bồ Tát và ba lần nói như thế để phó chúc.

Ngoài ra đức Phật còn dặn dò thêm rằng: "Như Lai là vị đại thí chủ chúng sanh, các ông cũng nên thọ học pháp của Như Lai, chớ sanh lòng bỏn xẻn. Ở đời vị lai nếu có người thiện nam tử thiện nữ nhơn nào tin trí tuệ của Như Lai, thời các ông phải vì đó diễn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này khiến đều đặng nghe biết, vì muốn cho người đó đặng trí huệ của Phật vậy. Nếu có chúng sanh nào chẳng tin nhận thời phải ở trong pháp sâu khác của Như Lai chỉ dạy cho được lợi ích vui mừng, các ông nếu được như thế thời là đã báo được ơn của các đức Phật".

Lúc đó các vị Bồ Tát cựu trụ tùng địa dũng xuất nghe đức Phật phó chúc xong đều vui mừng cùng nhau y giáo phụng hành và thành tâm phát nguyện rằng: "Như lời Thế Tôn dạy, chúng con sẽ vưng làm đầy đủ, kính xin đức Thế Tôn chớ có lo". Các Bồ Tát cựu trụ cũng đồng thanh phát nguyện như thế ba lần trước đức Phật.

Sau khi các Bồ Tát cựu trụ tùng địa dũng xuất phát nguyện xong, đức Phật Thích Ca ra lệnh cho các đức Phật Hóa Thân của ngài ở mười phương trở về trụ xứ để tiếp tục hóa độ chúng sanh và nói rằng: "Các Phật đều tùy theo chỗ an, tháp của Phật Đa Bảo đặng hườn như cũ".

Đây là phương thức phó chúc của đức Phật Thích Ca dành cho các vị Bồ Tát cựu trụ tùng địa dũng xuất nơi cõi Ta Bà mà ở đây không phải phó chúc cho các vị Bồ Tát ở các cõi khác trong mười phương. Các vị Bồ Tát ở các cõi khác trong mười phương không phải xuất thân từ nơi cõi Ta Bà cho nên không thể hiểu được tính tình, không thông suốt được tư chất riêng biệt từng cá nhân, từng chủng loại v.v... của chúng sanh sống nơi cõi Ta Bà để hóa độ và do đó đức Phật không phó chúc trách nhiệm cho các vị Bồ Tát ngoài cựu trụ tùng địa dũng xuất. Riêng đối với các vị Bồ Tát, các vị Thinh Văn và các Thánh Chúng v.v... trong cõi Ta Bà không phải các Bồ Tát cựu trụ tùng địa dũng xuất, đức Phật chỉ thọ ký cho họ mà không phải phó chúc.

Phương thức phó chúc của đức Phật trong Phẩm Chúc Lụy cũng giống như phương thức truyền giới cho các hàng đệ tử của đức Phật, nghĩa là đức Phật cũng trao truyền Giới Tướng ba lần và các đệ tử thọ nhận giới pháp cũng hứa khả ba lần.

Điều đặc biệt trong Phẩm Chúc Lụy, đức Phật Thích Ca có phân loại ba thứ Trí Tuệ: Trí Huệ của Như Lai, Trí Huệ của Phật và Trí Huệ của Tự Nhiên. Trí Huệ của Như Lai tức là chỉ cho Trí Tuệ của Pháp Thân chư Phật và trí tuệ này cũng chính là Thần Lực của Như Lai trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đề cập. Trí Tuệ của Như Lai là nguồn thể chân thật của tất cả Trí Tuệ, không sanh không diệt không cấu không tịnh nên gọi là Như Lai. Trí tuệ của Như Lai được phát sanh từ Tạng Như Lai trong Kinh Lăng Già Tâm Ấn hay trong luận Đại Thừa Khởi Tín và trí tuệ đây đều lấy Chân Tâm làm thể, còn Trí Huệ và Phật tức là chỉ cho Trí Tuệ nơi các đức Phật thuộc Hóa Thân, như trí tuệ của đức Phật Thích Ca sanh nơi nước Ca Tỳ La Vệ ỏ Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca sanh nơi nước Ca Tỳ La Vệ ở Ấn Độ là vị Phật Hóa Thân có trí tuệ cao tột hiểu biết nguồn gốc của tất cả pháp được ghép vào hạng Nhất Thiết Chủng Trí. Riêng Trí Huệ của Tự Nhiên tức là chỉ cho Trí Tuệ thuộc loại Vô Sư Trí, như Trí Tuệ của các đức Phật Bích Chi. Các đức Phật Bích Chi tự mình quán mười hai Nhân Duyên mà được chứng ngộ không cần đến người khác trợ duyên khai thị hay ấn chứng, cho nên các ngài được gọi là hạng vô sư trí.

Tóm lại, Phẩm Chúc Lụy thứ 22 là phẩm chỉ trình bày cách thức phó chúc của đức Phật Thích Ca, dành riêng cho các hàng Bồ Tát cựu trụ tùng địa dũng xuất có bổn phận hộ trì và truyền bá Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nơi cõi Ta Bà, không cho mai một để hóa độ chúng sanh sớm thành đạo quả. Từ Phẩm Chúc Lụy thứ 22 này trở về trước cho đến Phẩm Đề Bà Đạt Đa thứ 12 thì thuộc về phần "Ngộ Phật Tri Kiến", nghĩa là những phẩm chỉ trình bày sự tỏ ngộ tri kiến của Phật. Sau khi nhờ đức Phật chỉ bày Pháp Thân và Pháp Giới Tánh chân thật trong phần "Thị Phật Tri Kiến" ở phẩm thứ 11, các hàng Bồ Tát và các Thánh Chúng trong pháp hội liền được tỏ ngộ, tiếp theo nhờ các phẩm "Tùng Địa Dõng Xuất, Như Lai Thọ Lượng" thứ 15, thứ 16 v.v... thì sự tỏ ngộ của các vị mới được chân thật. Kế đến nhờ phẩm "Như Lai Thần Lực" thứ 21, sự tỏ ngộ của các hàng Bồ Tát và của các Thánh Chúng mới được viên mãn. Cuối cùng, phẩm "Chúc Lụy" thứ 22 là phẩm giúp các chúng hội nói trên tỏ ngộ thêm cung các và trách nhiệm hộ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho được trọn vẹn. "Ngộ Phật Tri Kiến" tức là tỏ ngộ tự tánh bình đẳng nơi Pháp Thân Thường Trú của các đức Phật không khác nhau.

IV.- PHẦN NHẬP PHẬT TRI KIẾN

Phần Nhập Phật Tri Kiến kể từ Phẩm Dược Vương Bồ Tát thứ 23 cho đến Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát thứ 28.

23.- PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ TÁT BỔN SỰ:

Từ Phẩm 22 trở về trước, đức Phật Thích Ca chỉ lý giải phần "Diệu Dụng" của Pháp Thân Thường Trú của Như Lai qua hình thức Khai, hình thức Thị và hình thức Tỏ Ngộ về tri kiến của Phật. Từ Phẩm 23 trở về sau, đức Phật Thích Ca lại trình bày phần "Diệu Hạnh" để chỉ rõ cách thức chứng đắc vào tri kiến của Phật (Nhập Phật Tri Kiến). Về phần Diệu Hạnh, tức là phần hành trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa một cách mầu nhiệm để được chứng đắc tri kiến của Phật, đức Phật Thích Ca giới thiệu thêm 6 phẩm kế tiếp là Dược Vương Bồ Tát, Diệu Âm Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Diệu Trang Nghiêm Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát là những Bồ Tát đã chứng đắc tri kiến của Phật, đồng thời các Bồ Tát này sử dụng những năng lực bí mật để gia hộ những chúng sanh thọ trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa qua Phẩm Đà La Ni.

Trước hết, đức Phật Thích Ca giới thiệu với Bồ Tát Tú Vương Hoa về hình ảnh Diệu Hạnh của Bồ Tát Dược Vương. Hình ảnh Diệu hạnh của Bồ Tát Dược Vương nghĩa là trong quá trình tu tập, Bồ Tát Dược Vương nương nơi Kinh Pháp Hoa để dứt sạch vô minh phiền não, để phá trừ ngã chấp pháp chấp và nhờ đó đạt thành được diệu hạnh, chứng được tri kiến của Phật. Sau khi chứng đắc tri kiến của Phật, Bồ Tát trở thành vị Đại Lương Y với danh hiệt là Dược Vương cứu lành thân bệnh và tâm bệnh của tất cả chúng sanh. Diệu Hạnh của Dược Vương Bồ Tát như sau:

Tiền thân của Bồ Tát Dược Vương chính là Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến. Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sau khi nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức thuyết kinh Pháp Hoa liền phát tâm bồ đề, tinh tấn tu tấp khổ hạnh và kết quả cuối cùng chứng đắc một thứ Thiền Định gọi là Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội. Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội nghĩa là một thứ Thiền Định có công năng thể hiện được tất cả sắc thân để tùy duyên hóa độ muôn loài chúng sanh.

Khi được chứng được Tam Muội này, liền nghĩ đến công ơn giáo hóa của đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, Bồ Tát Nhứt Thíết Chúng Sanh Hỷ Kiến, trước hết dùng vật cúng dường và sau dùng bản thân cúng dường bằng cách vận dụng thần lực tự thiêu bản thân để cúng dường, trong kinh gọi là "Chân Pháp Cúng Dường Như Lai". Nhờ tinh tấn thực hành công được Diệu Hạnh để cúng dường Phật, Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến liền đạt thành pháp môn "Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngôn Ngữ Đà La Ni" với một sắc thân khác trong những Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội ở nơi cõi của đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức. Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngôn Ngữ Đà La Ni nghĩa là một thứ thần lực có thể giảng giải tất cả ngôn ngữ của mọi loài chúng sanh. Bồ Tát nương nơi thần lực đó nghe được các bài kệ Chân Ca La, Tần Bà La và A Súc Bà của Kinh Pháp Hoa phát ra từ vô lượng hằng hà sa cõi.

Tiếp theo Bồ Tát được đức Phật Nhựt Nguyệt Minh Đức phó chúc rằng: "Sau khi ta diệt độ, có bao nhiêu xá lợi cũng phó chúc cho ông, nên làm cho lưu bố rộng bày các việc cúng dường, nên xây bao nhiêu nghìn tháp". Đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức phó chúc xong liền nhập Niết Bàn. Bồ Tát y theo lời phó chúc của Phật thực hiện hoàn tất phép trà tỳ (hỏa táng) và sau đó kế tiếp phát nguyện Diệu Hạnh lần thứ hai để cúng dường Phật, gọi là "Cúng Dường Xá Lợi". Bồ Tát cúng dường xá lợi bằng cách xả bỏ và thiêu đốt hay tay. Nhờ cách cúng dường này, Bồ Tát chứng được kim thân của Phật và trọn vẹn được phước đức cùng trí tuệ thuần hậu của một Bồ Tát. Về sau Bồ Tát chuyên cần tu trì Diệu Hạnh xả thân bố thí như thế trải qua vô lượng vô số kiếp liền chứng được ngôi vị Dược Vương. Dược Vương là ngôi vị có khả năng trị liệu thân bệnh và tâm bệnh phiền não thâm căn của muôn loài chúng sanh qua thần lực của Kinh Pháp Hoa. Giờ đây Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến được mang pháp hiệu là Dược Vương Bồ Tát và Diệu Hạnh tu tập của Bồ Tát được gọi là "Kinh Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự".

Trong phẩm này có những điều cần phải quan tâm để nhận thức chân giá trị của nó qua những hiện tượng như, sự chứng được Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội, sự thiêu thân cúng dường, sự chứng được Giải Nhứt Thiếét Chúng Sanh Ngôn Ngữ Đà La Ni, sự chứng được Kim Thân của Phật v.v... Đó là những gút đã được trình bày trong kinh mà chúng ta cần phải quán chiếu chiều sâu của chúng để lãnh hội, mặc dù chúng ta lãnh hội chỉ giới hạn một khía cạnh nào tương đối của những sự việc nói trên.

1/- HIỆN NHỨT THIẾT SẮC THÂN TAM MUỘI:
Sắc thân đây tức là chỉ cho ngã tướng của tất cả chúng sanh hữu tình từ trong Tạng Thức Alaya đã được xây dựng thành hình tướng. Tạng Thức Alaya nơi mỗi chúng sanh hữu tình đã chứa vô lượng vô số hình bóng quan hệ của tất cả chúng sanh hữu tình khác gọi là hạt giống ngã tướng. Nào hạt giống ngã tướng (hình bóng) cha mẹ anh em, bạn bè thân hữu v.v... đã chứa đầy trong Tạng Thức Alaya của mỗi người con. Giả sử hạt giống ngã tướng của một người nào nếu được Tạng Thức Alaya xây dựng thì sẽ thành sắc thân của người đó hiện hữu trong thế gian. Từ đấy cho thấy, Tạng Thức Alaya là một năng lực phi thường có thể xây dựng tất cả ngã tướng của muôn loài chúng sanh biến thành sắc thân. Như Tạng Thức Alaya thường hay biến hiện sắc thân người bạn hữu quý mến của mình trong giấc mơ để sinh hoạt. Tạng Thức Alaya theo luận Đại Thừa Khởi Tín của ngài Mã Minh chính là biến tướng của Tạng Như Lai.

Tam Muội nghĩa là chánh định, một thứ thiền định có thể điều khiển được Tạng Thức Alaya nơi mỗi chúng sanh để biến hiện vô số sắc thân từ nơi hạt giống ngã tướng theo ý muốn. Người đời tu thiền phần đông chỉ tu Ý Thức nhiều hơn là tu Tâm Thức Alaya, nhưng trong kinh đức Phật lại dạy hành giả cần phải tu Tâm Thức Alaya nhiều hơn là tu Ý Thức, nguyên vì Ý Thức thì thuộc về vọng tâm mà bản chất của nó không phải Chân Tâm. Bản chất của Tạng Thức Alaya mới thực sự là Chân Tâm và từ lý do đó Tạng Thức Alaya chính là Tạng Như Lai đã bị biến tướng. Ý Thức chỉ có khả năng xây dựng những pháp không thể chất như là người máy, cỏ cây hoa lá bằng chất nhựa hóa học thuộc loại không có sức sống ở trong v.v... và Ý Thức này không có khả năng xây dựng những pháp có thể chất chân thật như là con người, cỏ cây hoa lá thuộc loại có sức sống ở trong v.v... Năng lực của Ý Thức khác hơn năng lực của Tâm Thức Alaya. Năng lực của Ý Thức là trí tuệ Diệu Quan Sát chỉ hiểu biết bên ngoài của vạn pháp cũng tương tợ như năng lực dòng điện của bóng đèn chỉ soi sáng sự vật trong nhà. Trái lại năng lực của Tạng Thức Alaya chính là Trí Tuệ Đại Viên Cảnh có khả năng tàng trữ, xây dựng và bảo trì sự sống của tất cả vạn pháp cũng tương tợ như năng lực dòng điện trong người máy có thể thay thế con người làm tất cả mọi việc. Thiền Định thuộc Tam Muội mới đủ sức điều khiển năng lực Tàng Thức Alaya để xây dựng tất cả hạt giống ngã tướng trong nội tâm biến thành vô số sắc thân một cách tự tại theo chí nguyện. Có thể khẳng định, hành giả muốn sử dụng năng lực Tạng Thức Alaya để xây dựng vô số sắc thân theo ý nguyện của mình như Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến thì phải tu tập và hành trì thiền Tam Muội cho được thuần thục.

2/- SỰ THIÊU THÂN CÚNG DƯỜNG:
Hiện tượng thiêu thân, chặt tay, đốt ngón tay, hay đốt liều trên đầu để cúng dường chư Phật đối với Thiền Môn không phải vấn đề trọng đại trong luật lệ Phật Giáo, nhất là hiện tượng phát nguyện đốt ngón tay trong ngày đại lễ hay phát nguyện đốt liều trên đầu trong giới đàn truyền giới là việc làm bình thường của các thầy tu hành trì. Hành giả muốn thiêu thân hay chặt hai tay không bị đau đớn thì trước hết phải sử dụng Thần Lực Tạng Thức Alaya qua thiền Tam Muội để điều khiển Ý Thức tập trung tuyệt đối vào vấn đề nào không cho có cảm giác, cũng giống như Hòa Thượng Thích Quảng Độ sử dụng thiền Tam Muội hướng dẫn Ý Thức của ngài tập trung tuyệt đối vào vấn đề cứu nguy Phật Giáo, cho nên thiêu thân một cách tự tại. Trạng thái này giống như những vị bác sĩ giải phẩu bệnh nhân bằng thuốc mê hoặc chúng ta đốn cây phá rừng một cách tự nhiên không bị chúng phản ứng lại.

Điều đặc biệt hơn nữa, Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến sử dụng lửa Tam Muội nguyên thể qua chánh định để thiêu thân mà không phải dùng lửa biến thể của thế gian để hỏa táng. Ngọn lửa Tam Muội nguyên thể (Static States) phát sanh từ Hỏa Đại của pháp tánh trong ba cõi cho nên ánh sáng của nó chiếu tỏa khắp mười phương xuyên qua bản thể của vạn vật. Bồ Tát cúng dường Phật bằng cách thiêu thân với ngọn lửa Tam Muội nói trên. Nhờ phương pháp cúng dường này, Bồ Tát chứng được pháp môn Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngôn Ngữ Đà La Ni.

3/- SỰ GIẢI NHỨT THIẾT NGÔN NGỮ ĐÀ LA NI:
Thông thường ai cũng cho rằng chỉ có Ý Thức mới nhận biết được tiếng nói của mọi người qua ngưỡng cửa của Nhĩ Thức. Họ quan niệm như thế cũng không sai, nhưng chưa đúng hoàn toàn, ngoài sự hiểu biết của Ý Thức ra, Tạng Thức Alaya cũng là một loại Tâm Thức có khả năng hiểu biết siêu đẳng những âm thanh của tất cả pháp. Sự hiểu biết của Tâm Thức Alaya thì khác hơn Ý Thức lại phải nhờ Tâm Thức Mạt Na yểm trợ. Cụ thể như cây cỏ chẳng hạn chúng nó chỉ có hai Tâm Thức mà thôi: Tâm Thức Alaya và Tâm Thức Mạt na, nhưng cây cỏ cũng có sinh lý đực cái, cũng biết yêu thương khác giống, cũng sanh sản nẩy nở mầm non ra bông kết trái thì trong đó, chúng nó quyết định cũng biết nghe tiếng nói lẫn nhau. Sự sinh hoạt nghe biết của cây cỏ không giống như sự nghe biết của loài người, của loài động vật. Các nhà khoa học ngày nay đã xác nhận điều trên và họ cho rằng, bông hoa cũng biết nghe âm nhạc.

Đà La Ni là tổng trì, nghĩa là một loại thần lực của Tạng Như Lai được thể hiện qua Đại Định có công năng thâu nhiếp cùng bảo trì tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, trong đó lẽ dĩ nhiên bao gồm tất cả ngôn ngữ của muôn loài chúng sanh. Ngôn ngữ của muôn loài chúng sanh đều tàng trữ trong Thức Tạng (Alaya) với hình thức tiềm năng (Memories) và hơn nữa Thức Tạng của mỗi loại chúng sanh đều cùng một thể tánh Tạng Như Lai, cho nên Tạng Như Lai có thể dung hợp và giải bày tất cả tiềm năng ngôn ngữ qua diệu dụng của thần lực. Thần lực của Tạng Như Lai có công năng chuyển ngữ tất cả tiếng nói muôn loài chúng sanh được gọi là Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngôn Ngữ Đà La Ni. Hiện tượng này cũng tương tợ như Đài Truyền Thanh phát thanh ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến chứng được Đà La Ni này qua Đại Định nên gọi là Giải Nhứt Thiết Chúng Sanh Ngôn Ngữ Đà La Ni.

4/- KIM THÂN CỦA PHẬT:
Kim Thân là thân sắc vàng của Phật, thân này do trí tuệ của Phật tạo thành cũng như mặt trời là do khối năng lượng của điện không gian hội tụ để soi sáng trần gian. Trong kinh đức Phật nói: tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh, nhưng Pháp Thân của Phật không phải nghiệp thân của chúng sanh. Pháp Thân của Phật được xây dựng bằng Trí Tuệ sáng suốt cho nên gọi là Kim Thân của Phật. Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến chứng được Pháp Thân này của Phật qua lời phát nguyện khi hủy bỏ thân phương tiện độ tha của một Bồ Tát.

Tóm lại đây là những hiện tượng thuộc diệu dụng của Thần Lực Như Lai trong phẩm Dược Vương Bồ Tát thứ 23 mà Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến hành trì Kinh Pháp Hoa và chứng đắc qua đại định chân chánh. Diệu dụng của Thần Lực Như Lai vô cùng phi thường mà khả năng của Ý Thức không thể nghĩ bàn. Ý Thức chỉ có khả năng hiểu biết những sự vật qua ảo giác thì không thể nào thấu triệt được diệu dụng phi phàm của Thần Lực Như Lai. Muốn có diệu dụng của Thần Lực Như Lai như Bồ Tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, hành giả phải tu tập Thiền Tam Muội để có Đà La Ni làm phương châm đạt đạo và hành giả khi đạt được đạo qua phương châm Đà La Ni nói trên thì lẽ dĩ nhiên đã chứng đắc tri kiến của Phật (Nhập Phật Tri Kiến) một cách mầu nhiệm.

24.- PHẨM DIỆU ÂM BỒ TAT:

Để tăng trưởng lòng tin của chúng sanh đối với diệu dụng của Kinh Pháp Hoa, đức Phật Thích Ca giới thiệu thêm một vị Bồ Tát đã chứng đắc tri kiến của Phật với pháp hiệu là Diệu Âm.

Về phương Đông, nơi quốc độ Tịnh Quang Trang Nghiêm có một vị Bồ Tát pháp hiệu là Diệu Âm, đệ tử ưu tú của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí. Phật Thích Ca dùng thần lực của Như Lai mời Bồ Tát Diệu Âm sang thăm nơi cõi Ta Bà để ra mắt cùng thánh chúng trong đạo tràng Pháp Hoa.

Bồ Tát Diệu Âm bạch với đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí muốn đến cõi Ta Bà cúng dường đức Phật Thích Ca, nghe Kinh Pháp Hoa và thăm Bồ Tát Văn Thù. Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí bảo Bồ Tát Diệu Âm rằng: "Thân của ông bốn mươi hai nghìn do tuần. Thân của ta sáu trăm năm mươi muôn do tuần, còn thân của Phật, thân của các Bồ Tát nơi cõi Ta Bà kia thì rất nhỏ và cao thấp không bằng nhau. Hơn nữa quốc độ nơi đó đầy dãy sự nhơ xấu. Ông đến cõi ấy chớ sanh tâm khinh bỉ nhờm gớm".

Trước khi đến cõi Ta Bà, Bồ Tát Diệu Âm sử dụng Thần Lực Như Lai hóa hiện tám muôn bốn nghìn hoa sen báu nơi núi Kỳ Xà Quật ở cõi Ta Bà để giới thiệu sự mầu nhiệm của Kinh Pháp Hoa. Sau đó Bồ Tát cùng với tám muôn bốn nghìn Bồ Tát khác đến yết kiến đức Phật Thích Ca, đức Phật Đa Bảo và đồng thời ra mắt các Bồ Tát như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Dược Vương v.v... Sau khi cúng dường đức Phật Thích Ca và đức Phật Đa Bảo xong, Bồ Tát Diệu Âm cùng các hàng Bồ Tát khác đều trở về bổn độ để báo cáo lên đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí sự thành quả của chuyến viếng thăm nơi cõi Ta Bà.

Khi ra mắt trước Thánh chúng trong đạo tràng Pháp Hoa đức Phật Thích Ca liền giới thân thế Bồ Tát Diệu Âm với Bồ Tát Hoa Đức và đại chúng. Thuở quá khứ, thời đức Phật Vân Lôi Âm Dương ra đời, Bồ Tát Diệu Âm là một nhạc sĩ nổi danh đương thời và phát nguyện tu diệu hạnh cúng dường Ba La Mật. Trong một vạn hai nghìn năm chuyên cúng dường mười muôn thứ kỹ nhạc và tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu lên đức Phật Vân Lôi Âm Dương. Do nhân duyên đó, Bồ Tát chứng đắc "Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội Đà La Ni" giống như Bồ Tát Dược Vương và được sanh sang nước của Đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí với danh hiệu là Bồ Tát Diệu Âm. Nhờ chứng được "Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội", Bồ Tát tùy duyên biến hiện rất nhiều loại thân nói Kinh Pháp Hoa để hóa độ chúng sanh. Những hình ảnh phi thường mà Bồ Tát Diệu Âm thể hiện ở trên chính là bày tỏ sự chứng đắc tri kiến của Phật trong Kinh Pháp Hoa.

Điều đặc biệt trong Phẩm Diệu Âm Bồ Tát thứ 24 là nói về sự sai biệt Báo Thân và Ứng Hóa Thân của Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, của Bồ Tát Diệu Âm và của đức Phật Thích Ca trong các quốc độ nơi thế giới Ta Bà. Ngoài ra phẩm này còn trình bày pháp tu Diệu Hạnh của Bồ Tát Diệu Âm, đồng thời nói lên thái độ khiêm cung của một vị Bồ Tát là không khinh mạn khen chê những quốc độ và chúng sanh tốt xấu, nhơ sạch, sang hèn, khó dễ trong sự hành hoạt nhập thế độ sanh.

Sự sai biệt giữa Báo Thân và Ứng Hóa Thân như đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí trong cõi quốc độ Tịnh Quang Trang Nghiêm, đức Phật Thích Ca trong quốc độ Ta Bà v.v... cùng với Báo Thân của các Bồ Tát như Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Diệu Âm v.v... Sự sai biệt giữa Báo Thân và Ứng Hóa Thân có nhiều hạng cao thấp khác nhau, như thân thể của đức Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí thì cao sáu trăm năm mươi muôn do tuần, thân thể của Diệu Âm Bồ Tát thì cao bốn mươi hai nghìn do tuần v.v... (Một do tuần là một hải lý). Sự sai biệt thân tướng này được thấy trong Thập Đại Đệ Tử của Thích Tinh Vân, do Như Đức dịch, trang 53-54 ghi rằng: Đệ tử của đức Phật Thế Tự Tại Vương gọi ngài Mục Kiền Liên, đệ tử lớn của đức Phật Thích Ca, cao một thước tám tấc cho là con sâu lớn (Đại trùng), nói: "Đức Thế Tự Tại Vương thuyết pháp xong, một vị Bồ Tát hướng về Phật đảnh lễ và chỉ Mục Kiền Liên nói: Như Lai! trong khi ngài thuyết pháp, chẳng biết từ đâu bò đến một con đại trùng (sâu lớn), trông thật quái dị, chúng con muốn đuổi nó đi!" Đức Phật vội ngăn: "Đừng nói thế! đó là Mục Kiền Liên, đệ tử thần thông đệ nhất của đức Phật Thích Ca ở cõi Ta Bà!" Điều đó chứng tỏ thân thể của các đức Phật ở những cõi trên so với thân thể ngũ trược của các chúng sanh ở cõi Ta Bà này thật quá to lớn vô cùng tận.

Ứng Hóa Thân là những loại thân ứng hóa để tùy duyên độ sanh, như thân tướng của Phật Thích Ca hóa sanh nơi Ấn Độ, thân tướng của Quán Thế Âm ứng hiện nơi cõi Ta Bà để cứu khổ chúng sanh v.v... Theo như Bát Thức Quy Củ Tụng của ngài Khuy Cơ do Thích Thắng Hoan dịch, trang 37, Ứng Hóa Thân có ba loại: Hiện Đại Hóa Thân, Tiểu Hóa Thân và Tùy Loại Hóa Thân.

Hiện Đại Hóa Thân là một loại thân thể được hóa hiện để hóa độ hàng đại thừa Bồ Tát và thân này cao một ngàn trượng (một trượng là mười thước ta). Tiểu Hóa Thân là một loại thân thể được hóa hiện để hóa độ hàng Tam Hiền, hàng Nhị Thừa và thân này cao một trượng sáu thước. Tùy Loại Hóa Thân là những thứ thân thể được hóa hiện nhiều hình tướng khác nhau, tùy theo chủng loại để hóa độ chúng sanh. Loại thân thể này có khi là hình tướng con người, có khi là hình tướng súc sanh v.v... tùy theo cơ duyên muôn loài hiện ra để hóa độ.

Ngoài ra Bồ Tát Diệu Âm tu hạnh Cúng Dường Ba La Mật tức là hạnh Bố Thí Ba La Mật, một hạnh trong Lục Độ Ba La Mật của Bồ Tát hành trì. Bồ Tát suốt đời đem tất cả nghệ thuật siêu đẳng của âm nhạc biểu diễn qua Tam Muội dâng lên cúng dường Phật. Nhờ đó Bồ Tát được chứng quả với danh hiệu là Diệu Âm. Kinh ghi Bồ Tát Diệu Âm chứng được mười sáu Tam Muội (Chánh định của diệu tâm) và mỗi Tam Muội đều có diệu dụng riêng biệt để tùy cơ đô chúng sanh. Ngoài ra, mười sáu Tam Muội nói trên có công năng biến 84,000 phiền não trần lao trở thành 84,000 bảy báu diệu âm của nhạc lý để cúng dường mười phương chư Phật.

Tóm lại, Bồ Tát Diệu Âm trong một vạn hai nghìn năm nhờ tu diệu hạnh cúng dường mười muôn thứ kỹ nhạc và tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu dâng lên đức Phật Văn Lôi Âm Dương nên chứng được Diệu Âm. Sau đó Bồ Tát sử dụng Hiện Nhứt Thiết Sắc Thân Tam Muội hiện ra rất nhiều loại thân nói Kinh Pháp Hoa trong các cõi bằng Pháp Hoa Tam Muội để tùy duyên hóa độ chúng sanh. Hơn nữa Bồ Tát còn hòa tấu 84,000 loại nhạc lý Diệu Âm của Tri Kiến Phật trong kinh Pháp để cúng dường các đức Phật trong mười phương.

25.- PHẨM QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT PHỔ MÔN:

Tiếp theo, đức Phật Thích Ca giới thiệu thêm một vị Bồ Tát rất thân cận với tất cả chúng sanh nơi cõi Ta Bà đã chứng đắc tri kiến của Phật mang pháp hiệu là Quán Thế Âm. Quán Thế Âm là quán sát tiếng kêu thương đau khổ của chúng sanh trong cõi Ta Bà và Phổ Môn là thị hiện sức diệu dụng thần lực của Diệu Pháp khắp muôn nơi để hóa độ. Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn nghĩa là một vị Bồ Tát thường quán sát tiếng kêu cứu đau thương của muôn loại chúng sanh khắp chốn cùng nơi trong cõi Ta Bà để tùy duyên thị hiện hóa độ và do đó người đời gọi ngài là Bồ Tát Quán Thế Âm hay Bồ Tát Quan Thế Âm.

Các kinh luận thường đề cập đến Bồ Tát Quán Thế Âm rất nhiều như:
a) Kinh Karanda-Vaỳuha thì xưng tụng công đức của Bồ Tát Quán Thế Âm.
b) Kinh Địa Tạng quyển 12, đức Phật ca ngợi hạnh độ tha của Bồ Tát Quán Thế Âm.
c) Kinh Lăng Nghiêm quyển 6, đức Phật nói hạnh tu Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ Tát Quán Thế Âm.
d) Kinh Đại Bi thì nói về oai lực của Bồ Tát Quán Thế Âm.
e) Kinh Bát Nhã thì nói về phương pháp tu tập của Bồ Tát Quán Thế Âm.
g) Kinh Bi Hoa thì nói về gia phả của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Riêng Phẩm 25 của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật giới thiệu hạnh nguyện thanh tịnh rộng sâu như biển cả của Bồ Tát Quán Thế Âm tầm thinh cứu khổ không bỏ sót chúng sanh nào. Đức Phật nói: "Vô lượng chúng sanh đang đau khổ nếu như nhứt tâm xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm thì liền được giải thoát".

Đại ý trong Phẩm Phổ Môn, người nào nếu như chuyên trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì không bị tai nạn như: không bị lửa cháy, không bị nước cuốn trôi, không bị quỷ dữ làm hại, không bị đánh đập giết hại, không bị La Sát sát hại, không bị xiềng xích gông cùm, không bị nạn cướp.

Chúng sanh nào nhiều tham dục, sân hận, ngu si nếu như thường niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì được dứt sạch. Hơn nữa người nào muốn cầu con trai hay cầu con gái thường lễ lạy cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm thì được như ý muốn v.v...

Về phương tiện độ sanh, Bồ Tát Quán Thế Âm tùy theo mong cầu của chúng sanh thị hiện 32 loại thân để hóa độ, như có khi hiện thân Phật để hóa độ, có khi hiện Đế Thích để hóa độ, có khi hiện thân Trưởng Giả để hóa độ v.v...
Người muốn cầu Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ thì phải nhứt tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát bằng những phương pháp sau đây sẽ được linh cảm:

a) Chơn Quán Niệm Quán Thế Âm: nghĩa là niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm bằng cách quán chiếu hình tướng chân thật của Bồ Tát hiện ra một cách cụ thể để trực tiếp cầu nguyện. Hình tướng chân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm không phải là hình tượng bằng vật liệu đang tôn thờ. Hình tướng chân thật là thân tướng chánh báo của Bồ Tát đã tu chứng với danh hiệu "Biến Xuất Nhất Thế Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai". Thân tướng này của Bồ Tát Quán Thế Âm gọi là báo thân (thân thể chánh báo) tu chứng và nó không phải là hóa thân của Bồ Tát thường biến hiện độ sanh. Hành giả quán tưởng đến khi nào thân tướng chánh báo chân thật nói trên của Bồ Tát hiện ra và lúc đó nhứt tâm cầu nguyện thì nhất định được linh cảm ngay lập tức, nên gọi là Chơn Quán Niệm Thế Âm. Hành giả muốn quán tưởng bằng cách này thì trước hết phải đóng nhãn căn lại (nhắm đôi mắt lại) đừng cho bất cứ hình ảnh nào bên ngoài ảnh hưởng vào trong lúc quán tưởng và sau đó mới quán thân tướng chánh báo của Bồ Tát Quán Thế Âm.

b) Thanh Tịnh Quán Niệm Quán Thế Âm: nghĩa là hành giả phải dùng tâm thanh tịnh để quán tưởng đến hình tướng chân thật của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hành giả dùng tâm thanh tịnh để quán tưởng nghĩa là chỉ mong cầu Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân cứu nạn cho mình và cho muôn loài chúng sanh sớm thoát khỏi tất cả phiền não khổ đau. Hành giả không nên dùng tâm không thanh tịnh để cầu nguyện, như mong cầu lợi lạc chỉ riêng cho mình, cho gia đình con cháu mình hoặc mong cầu mua may bán đắc, làm ăn phát tài, trúng số độc đắc v.v... đó là những thứ mong cầu không thanh tịnh. Hành giả muốn Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ phải nhớ giữ tâm mình luôn luôn ở trạng thái "buông tất cả thì được tất cả và bắt tất cả thì mất tất cả". Buông tất cả thì được tất cả nghĩa là hành giả quán tưởng làm sao giao cảm được Bồ Tát Quán Thế Âm thì tất cả mọi khổ đau của mình sẽ tự nhiên tiêu trừ và mọi thứ lợi lạc sẽ tự hiên đạt đến mà không cần phải mong cầu. Bắt tất cả thì mất tất cả nghĩa là hành giả cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm đặt trên lòng tham vọng mong muốn đủ thứ thường tình của thế gian thì không bao giờ đạt được kết quả như ý.

c) Quảng Đại Trí Huệ Quán: nghĩa là quán tưởng Năng Lực Diệu Trí của Bồ Tát Quán Thế Âm (Quán Âm Diệu Trí Lực) và năng lực mầu nhiệm của trí huệ này rộng lớn bao la không cùng tận nên gọi là Quảng Đại Trí Huệ. Hành giả trước hết phải nhứt tâm quán tưởng đến khi nào phát huy được "Năng lực Diệu Trí của Quán Âm" (Quán Âm Diệu Trí Lực) và nhờ năng lực này cứu nguy tất cả đau khổ của chúng sanh trong thế gian (Năng cứu thế gian khổ). Hành giả phát huy được năng lực trí huệ mầu nhiệm rộng lớn này (Quảng Đại Trí Huệ Quán) thể hiện tức là thực sự nhứt tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm.

d) Bi Quán: nghĩa là niệm Quán Thế Âm bằng cách phát huy bi nguyện của mình giao cảm được tâm Đại Bi của Bồ Tát. Tâm Đại Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm là tâm thương xót tất cả chúng sanh đang chìm đắm trong bể sanh tử khổ đau, đang mê lầm và sa đọa trong biển ái dục trầm luân, đang hoạn nạn cuồng loạn trong bầu trời vô minh phiền não không lối thoát. Bồ Tát hiện đang vận dụng tâm đại bi tìm phương cứu khổ chúng sanh sớm được giải thoát an vui. Hành giả vận dụng tâm bi sẵn có của mình bằng cách quán tưởng giao cảm được tâm đại bi của Bồ Tát chính là niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và được tất cả lợi ích an vui theo sở nguyện.

e) Từ Quán: nghĩa là niệm Quán Thế Âm bằng cách phát huy tâm từ của mình giao cảm được tâm Đại Từ của Bồ Tát. Tâm Đại Từ của Bồ Tát Quán Thế Âm là tâm thương tưởng bình đẳng đến tất cả mọi từng lớp chúng sanh, không phân biệt kẻ oán người thân, không chọn lựa kẻ thông minh người ngu độn hoặc kẻ hiền người dữ, sẵn sàng cứu giúp khiến họ được các sự lợi ích an vui về đời sống đến tinh thần. Tâm Đại Từ có ba hạnh:
1* CHÚNG SANH DUYÊN TỪ: nghĩa là Bồ Tát vận chuyển tâm Đại Từ cứu độ tất cả chúng sanh, không bỏ sót một chúng sanh nào.
2* PHÁP DUYÊN TỪ: nghĩa là Bồ Tát vận chuyển tâm Đại Từ khiến cho tất cả chúng sanh giác ngộ được nguyên lý các pháp đều do nhân duyên hòa hợp sanh thành và không một pháp nào có thể tánh chân thật cả.
3* VÔ DUYÊN TỪ: nghĩa là Bồ Tát vận dụng tâm Đại Từ mầu nhiệm không phân biệt năng sở để hóa độ chúng sanh một cách bình đẳng.
Hành giả vận dung tâm từ sẵn có của mình bằng cách quán tưởng giao cảm được tâm Đại Từ của Bồ Tát Quán Thế Âm chính là niệm danh hiệu của Bồ Tát và được tất cả mọi lợi ích an vui theo sở nguyện.
Những phương pháp "Chơn Quán, Thanh Tịnh Quán, Quảng Đại Trí Huệ Quán, Bi Quán và Từ Quán" đã trình bày trên là những các tu tập thiền quán để niệm Bồ Tát Quán Thế Âm để được hữu hiệu. Hành giả nhếu như không thể hành trì những phương pháp thiền quán để niệm Bồ Tát Quán Thế Âm nói trên thì có một phương pháp cuối cùng dễ dàng nhứt và phổ thông nhất mà bất cứ hạng nào đều cũng có thể hành trì, đó là pháp môn "Thường niệm thường chiêm ngưỡng".

g) Thường Niệm Thường Chiêm Ngưỡng: nghĩa là đi đứng nằm ngồi luôn luôn niệm tưởng đến danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và hai buổi sớm chiều phải thường xuyên chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát để cầu nguyện. Hành giả thường xuyên hành trì như thế đến khi nào giao cảm được Bồ Tát Quán Thế Âm là khi đó hạnh nguyện được viên thành. Phương pháp tu tập này dành cho những hạng sống trong những hoàn cảnh khó khăn ngang trái để gieo duyên với Bồ Tát Quán Thế Âm trong sự tín tâm kiên cố. Hành giả hành trì phương pháp này nếu như không có tín tâm kiên cố thì không thể thành quả dễ dàng trong sự cầu nguyện. Tín tâm kiên cố nghĩa là đặt trọn đức tin vào sự cầu người không có chút nghi ngờ trong đó thì sự giao cảm giữa những người cầu nguyện và tâm nơi Bồ Tát tiếp nhận một cách không ngăn ngại.

Đây là sáu phương pháp niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm để được linh cảm mà đức Phật Thích Ca đã giới thiệu trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn và trong sáu phương pháp này, phương pháp "Thường niệm thường chiêm ngưỡng" không thể đoán trước sự thành quả của những lời cầu nguyện; hành giả chỉ biết được khi nào những lời cầu nguyện đó đạt đến những điều linh nghiệm trong sự bất ngờ, còn năm phương pháp trên nếu như hành trì quán chiếu thì có thể dự trù được sự thành quả dung thông với Bồ Tát trong mọi lãnh vực giải thoát khổ nạn.

26.- PHẨM ĐÀ LA NI:

Theo Phật Học Tự Điển "Đà La Ni", tiếng Phạn Dhàrani, Trung Hoa dịch là Tổng Trì, nghĩa là một loại thần lực của Tạng Như Lai được thể hiện qua đại định có năng lực thâu nhiếp cùng bảo trì tất cả pháp thế gian và xuất thế gian không cho các thiện pháp bị tán loạn và ngăn che các ác pháp không cho phát sanh. Đà La Ni có chia làm bốn loiạ: Pháp Đà La Ni, Nghĩa Đà La Ni, Chú Đà La Ni và Nhẫn Đà La Ni.
a) Pháp Đà La Ni: (còn gọi là Văn Đà La Ni), nghĩa là nghe giáo pháp của Phật liền giữ gìn không cho quên.
b) Nghĩa Đà La Ni: nghĩa là đối với nghĩa lý của các pháp thì nhớ lấy tất cả không cho quên.
c) Chú Đà La Ni: nghĩa là đối với những câu bí mật của chư Phật, chư Bồ Tát truyền lại để ủng hộ nhà tu hạnh, trừ khử mọi độc ác, thần nghiệm không thể nghĩ bàn, phải nhớ lấy tất cả.
d) Nhẫn Đà La Ni: nghĩa là đối với thật tướng của các pháp phải nhẫn nhục, an trụ thân tâm không giao động để bảo trì cho được nó.

Theo tinh thần kinh Pháp Hoa, Phẩm Đà La Ni ở đây là thuộc về Chú Đà La Ni, một trong bốn loại Đà La Ni nói trên. Chú Đà La Ni đây thì thuộc về Chân Ngôn Giáo, là những lời nói bí mật được phát ra từ nơi tu thiền định của chư Phật và chư Bồ Tát để giữ gìn những pháp ngữ của các ngài. Chư Phật thì có ngôn ngữ riêng của các ngài cũng không khác nào mỗi chủng loại đều có tiếng nói riêng của họ, như người Việt Nam thì có tiếng Việt, người Mỹ thì có tiếng Mỹ, người Nhật Bản thì có tiếng Nhật v.v... Ngôn ngữ của các đức Phật trong các kinh điển thường gọi là Mật Ngôn. Phật Ngôn hay Thần Chú. Chúng ta không thể nghe hiểu được tiếng nói của các chủng tộc khác thì làm sao nghe biết được ngôn ngữ của các đức Phật, chư Bồ Tát trao đổi với nhau bằng Mật Ngôn qua sự dung thông của Thần Lực. Những Mật Ngôn (Đà La Ni) đối với phái Mật Tông chính là những Mật Mã (Codes) để chuyển âm những lời cầu nguyện của những người hành trì đến với các đức Phật và các vị Bồ Tát trong mười phương cảm nhận và nhờ đó các đức Phật, các vị Bồ Tát liền phái các Thiên Long Bát Bộ hộ pháp đến để hộ trì.

Chú Đà La Ni nói trên còn có một năng lực phi phàm và năng lực này được gọi là Thần Lực Gia Trì có huyền năng tẩy trừ tất cả hạt giống vô minh phiền não bám chặt sâu kín lâu đời lâu kiếp trong Thức Thể Alaya và thúc đẩy Vô Tát Diệu Lực của Kinh Pháp Hoa phát huy tri kiến của Phật. Cho nên Thần Lực Gia Trì có danh nghĩa là gia trì pháp lực và gia trì hiện thân diệu ngôn của chư Phật. Ngoài chư Phật chư Bồ Tát ra, Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp Thiện Thần v.v... mỗi vị đều có Chú Đà La Ni riêng là những thứ ngôn ngữ đặc biệt của họ để trao đổi tâm nguyện với nhau. Sau khi nghe đức Phật nói xong công đức thọ trì Kinh Pháp Hoa, các vị Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp Thiện Thần v.v... muốn gia hộ những người sau này thọ trì Kinh Pháp Hoa không gặp trở ngại trên đường tu tập, liền phát tâm trao truyền những Chú Đà La Ni của mình cho những hành giả thọ trì để họ trực tiếp giao duyên đến các vị khi cần hộ trì.

Hành giả nào hành trì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và thọ trì đến Phẩm Đà La Ni thì bao nhiêu lời nguyện, bao nhiêu công đức của họ đều được năng lực Đà La Ni chuyển đến chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp tiếp nhận, đồng thời các Hộ Pháp nói trên liền đến hộ trì hành giả trong mọi công đức. Chẳng những thế, hành giả hành trì tinh tấn trường kỳ thì được thần lực của Đà La Ni tẩy trừ lần tất cả hạt giống vô minh phiền não hữu lậu tiềm phục sâu kín, bám chặt lâu đời lâu kiếp trong Tạng Thức và khiến cho tạng Thức chuyển thành tạng Như Lai. Từ đó bao nhiêu tri kiến của Phật đều được thể hiện một cách tự tại trước hành giả.

27.- PHẨM DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BỔN SỰ:

Phẩm Diệu trang Nghiêm Vương Bổn Sự là một sự kiện chứng tích của một vị Phật hiệu là Ta La Thọ Vương Như Lai mà không phải là "biểu tượng chuyển thức thành trí để chỉ rõ Pháp Lực Gia Trì" như một số học giả nhận định. Trong Phẩm 27 cũng như các Phẩm khác, từ Phẩm 23 cho đến Phẩm 28, đức Phật giới thiệu một số vị Phật và Bồ Tát đã chứng đắc Tri Kiến của Phật để chứng minh giá trị Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Diệu Trang Nghiêm Vương đích thực một vị Phật hiệu Ta La Thọ Vương đã chứng đắc Tri Kiến của Phật cũng như các Bồ Tát: Dược Vương Bồ Tát trong phẩm 23, Diệu Âm Bồ Tát trong phẩm 24, Quán Thế Âm Bồ Tát trong phẩm 25, Phổ Hiền Bồ Tát trong phẩm 28, không phải là biểu tượng Như Lai Tạng hay Đệ Bát Thức Tâm Vương. Tịnh Tạng cùng Tịnh Nhãn là hai vị Bồ Tát đã chứng đắc Tri Kiến của Phật phát đại nguyện độ sanh không phải biểu tượng Ý Thức thứ sáu và Mạt Na Thức thứ bảy. Cho đến Tịnh Đức cũng là một vị Bồ Tát đã chứng đắc Tri Kiến của Phật và cũng phát nguyện độ sanh không phải biểu tượng "Chỉ Quán Nội Huân, Trị Trạch Vô Minh" như một số người giải thích.

Đại ý Phẩm này là nói lên hạnh phương tiện độ sanh của chư Phật khiến cho tất cả chúng sanh cải tà quy chánh sớm đạt thành đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Cụ thể như Tịnh Đức, Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn.

a) Tịnh Đức, một vị Bồ Tát với danh hiệu là Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng, từ vô lượng kiếp về trước tu hành đã từng chứng quả pháp môn "Chư Phật Tập Tam Muội" thông suốt được tạng pháp bí mật của các đức Phật. Bồ Tát thật hành hạnh phương tiện độ sanh, tình nguyện hóa thân làm vợ của vua Diệu Trang Nghiêm để tìm mọi cách chuyển hóa đức vua cải tà quy chánh.

b) Tịnh Tạng, một vị Bồ Tát với danh hiệu là Dược Vương, từ vô lượng kiếp về trước tu hành đã từng chứng quả pháp môn "Ly Chư Ác Thú Tam Muội" hay khiến tất cả chúng sanh xa lìa các đường dữ. Bồ Tát thật hành hạnh phương tiện độ sanh, tình nguyện hóa thân làm con của Vua Diệu Trang Nghiêm để tìm mọi cách chuyển hóa đức vua cải tà quy chánh.

c) Tịnh Nhãn, một vị Bồ Tát với danh hiệu là Dược Thượng, từ vô lượng kiếp về trước tu hành đã chứng quả pháp môn "Pháp Hoa Tam Muội", phát huy được Vô Tác Diệu Lực của diệu pháp, Bồ Tát thật hành hạnh phương tiện độ sanh, tình nguyện hóa thân làm con của vua Diệu Trang Nghiêm để tìm mọi cách chuyển hóa đức vua cải tà quy chánh.

d) Diệu Trang Nghiêm Bổn Sự là phẩm nói về tiền thân của Bồ Tát Hoa Đức. Trong kiếp quá khứ, Bồ Tát Hoa Đức là một vị vua tên Diệu Trang Nghiêm. Diệu Trang Nghiêm là một vị vua hung ác, sanh tâm tà kiến, thâm tín tà đạo, thế lực rộng lớn, nhưng kiếp trước có gieo trồng căn lành nên gặp được người vợ hiền và sanh được hai người con làm thiện tri thức. Bản tánh con người hay kiêu mạn, vua không chịu nghe lời vợ con khuyên bảo theo đường chánh, nhưng có nhược điểm ham thích thần thông biến hóa. Bà Hoàng Hậu biết điều đó, khuyên hai con nên phương tiện sử dụng thần thông biến hóa để chinh phục vua cha bỏ tà về chánh. Khơi đúng tâm lý nhà vua, Diệu Trang Nghiêm Vương thấy hai con có sức thần thông thì vui mừng khôn tả liền hỏi rằng: "Thầy của hai con là ai và hai con là đệ tử của ai?" Từ đó Vua Diệu Trang Nghiêm liền bỏ ngai vàng theo Phật xuất gia tu hành và được Phật Văn Lôi Âm Tú Vương Hoa trí thọ ký tương lai sẽ thành Phật hiệu là Ta La Thọ Vương.

Đây cũng là vị chứng đắc tri kiến của Phật với danh hiệu là Diệu Trang Nghiêm Vương và điều đặc biệt vị này được chứng đắc qua hình thức phương tiện chuyển hóa của các bậc Thiện Tri Thức, như vợ con tìm mọi cách tâm lý khiến nhà vua cải tà quy chánh. Đức Phật sở dĩ nói phẩm này là giới thiệu hạnh phương tiện độ tha là một trong những hạnh của Bồ Tát. Hạnh phương tiện này không đòi hỏi chúng sanh phải có trình độ Tam Thừa Thánh Quả mới được cứu độ mà ở đây bất cứ hạng nào, khuynh hướng ra sao đều có thể dùng phương tiện thiện xảo khơi dậy đúng nguồn tâm lý sở thích và nhu cầu của họ nhằm để đưa họ về chánh đạo, điển hình như vua Diệu trang Nghiêm đã được thọ ký thành Phật.

28.- PHẨM PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁT:

Nhân hạnh quả đức Bồ Tát Phổ Hiền đã thành viên mãn ở ngôi vị Diệu Giác và xứng hợp với danh nghĩa là Phổ Hiền. Đứng về nhân hạnh của ngôi vị Đẳng Giác, Bồ Tát đã thành tựu khắp pháp giới nên gọi là PHỔ và Bồ Tát gần hoàn thành quả Phật nên gọi là HIỀN, còn đứng về nhân hạnh quả đức của ngôi vị Diệu Giác, Bồ Tát đã thành tựu hạnh nguyện độ tha cứu vớt muôn loài chúng sanh nên gọi là HIỀN.

Bồ Tát Phổ Hiền có bốn việc thành tựu (tức tất đàn):
a/ Thế Giới Tất Đàn: nghĩa là Bồ Tát thành tựu hạnh nguyện khiến cho tất cả chúng sanh khắp thế giới mỗi khi thấy được thân tướng của Bồ Tát liền sanh tâm hoan hỷ.

b/ Vi Nhơn Tất Đàn: nghĩa là Bồ Tát thành tựu hạnh nguyện chứng đắc tri kiến của Phật qua sự Tinh Tấn Ba La Mật.

c/ Đối Trị Tất Đàn: nghĩa là Bồ Tát thành tựu hạnh nguyện đối trị tất cả phiền não của muôn loài chúng sanh để cứu độ mà không một ai phá hoại được.

d/ Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn: nghĩa là Bồ Tát thành tựu đầy đủ công hạnh của Đạo Đệ Nhất Nghĩa nơi bậc Diệu Giác khắp pháp giới.

Một vị được gọi là Bồ Tát phải trải qua 52 ngôi vị tu tập và đạt đạo gọi là Bồ Tát Giai Vị. 52 ngôi vị tu tập của Bồ Tát gồm có bảy bậc: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác. Ý nghĩa từ Thập Tín đến Thập Trụ đã được giải thích ở phần Phụ Bản trong Bát Thức Quy Củ Tụng, trang 108 về Quá Trình Tu Tập Của Bồ Tát của Thích Thắng Hoan dịch.

Riêng bậc Bồ Tát Đẳng giác, còn gọi là Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ, Bồ Tát Kim Cương Tâm, Bồ Tát Hữu Thượng Sĩ, Bồ Tát Vô Cấu Địa, nghĩa là một vị Bồ Tát đã đạt đến ngôi vị Giác Ngộ Bình Đẳng Nhất Như nên gọi là Đẳng Giác. Giác Ngộ Bình Đẳng Nhất Như theo Tam Tạng Pháp Số quyển 4 nghĩa là giác ngộ chân như các pháp đều bình đẳng không hai nên gọi là Đẳng Giác và cũng gọi là Chánh Đẳng Giác. Theo Tứ Giáo Nghi quyển 4, ngôi vị Đẳng Giác thì thấp hơn ngôi vị Diệu Giác, nhưng cao hơn ngôi vị Pháp Vân Địa của Thập Địa Bồ Tát. Theo Tông Thiên Thai, Thập Tín thì thuộc về Ngoại Phàm Tam Hiền, còn Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng thì thuộc về Nội Phàm Tam Hiền. Riêng Thập Địa và Đẳng giác thì thuộc về nhân của ngôi vị Phật, còn Diệu Giác thì thuộc về quả của ngôi vị Phật.

Điều đặc biệt, ngôi vị Diệu Giác cũng tức là bậc Vô Thượng Chánh giác của quả Phật, nhưng bậc Diệu Giác này mặc dù ở ngôi vị vị Phật Quả nhưng chưa tròn đầy Giác Thể của công hạnh tự giác và giác tha nên chỉ gọi là Vô Thượng Chánh Giác, còn các đức Phật khi ở trong Diệu Giác đã tròn đầy Giác Thể của công hạnh tự giác giác tha không thể nghĩ bàn nên gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Ngài Phổ Hiền là một vị Bồ Tát hiện đang ở ngôi vị Diệu Giác thuộc về quả vị Phật và ngài cũng được gọi là bậc Vô Thượng Chánh Giác, nhưng về phần Giác Thể của tự giác và giác tha chưa đầy tròn đầy, cho nên ngài chưa có thể thành Phật và chưa được gọi là bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Trong Hội Pháp Hoa, đức Phật giới thiệu nhân vật sau cùng là một vị Bồ Tát "Nhập Phật Tri Kiến" cao nhất ở ngôi vị Diệu Giác đã từng thọ trì Kinh Pháp Hoa. Yếu chỉ trong Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát không bàn sâu về nhân hạnh quả đức của ngài Phổ Hiền mà ở đây chỉ bàn vấn đề sự hiện diện của ngài trong Hội Pháp Hoa. Sự hiện diện của ngài Phổ Hiền trong Hội Pháp Hoa có hai lý do:

Lý do thứ nhất, ngài phát nguyện gia hộ cho những người sau này thọ trì Kinh Pháp Hoa với mục đích tiếp tục thực hiện công hạnh tự giác giác tha để Giác Thể sớm được tròn đầy ở ngôi vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của quả Phật. Lý do thứ hai sự góp mặt của ngài để nói lên những người thọ trì Kinh Pháp Hoa không những được các vị Bồ Tát cho đến các vị Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp Thiện Thần v.v... đều gia hộ và còn được các Bồ Tát thượng đẳng sắp thành Phật như ngài Phổ Hiền cũng đồng tâm hộ trì. Nhằm đặt trọn niềm tin đó cho sự an tâm tu hành của chúng sanh ở 500 năm sau thọ trì Kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Phổ Hiền liền bạch Phật: "Sau khi Như Lai diệt độ, thế nào mới có thể chứng được Kinh Pháp Hoa?"
Đức Phật bảo: "Người nào thành tựu được bốn pháp sẽ chứng được kinh này:
* Một là được chư Phật hộ niệm.
* Hai là trồng nhiều công đức.
* Ba là vào trong chánh định.
* Bốn là phát tâm cứu tất cả chúng sanh."
Tiếp theo Bồ Tát Phổ Hiền phát nguyện với Phật là 500 năm sau ở trong đời ác trược, ngài thường xuyên gia hộ những người thọ trì Kinh Pháp Hoa này sớm được thành tựu và cũng khuyên mọi người sau này nên giữ vững niềm tin trong việc tinh tấn hành trì Kinh Pháp Hoa vì có ngài hiện thân để gia hộ, đồng thời Bồ Tát còn trao truyền Chú Đà La Ni cho những người thọ trì Kinh Pháp Hoa để họ gieo duyên trực tiếp với ngài.

Tóm lại vì một đại sự nhân duyên, đức Phật mới ra đời để khai mở, để chỉ bày, để giác ngộ và để chứng nhập tri kiến của Phật. Nhằm mục đích sớm hoàn thành đại sự nhân duyên ở trên, đức Phật liền mở hội giảng Kinh Pháp Hoa. Toàn bộ Kinh Pháp Hoa gồm có 28 Phẩm và nội dung 28 Phẩm, đức Phật trình bày Khai Phật Tri Kiến, Thị Phật Tri Kiến, Ngộ Phật Tri Kiến và Nhập Phật Tri Kiến. Trong 28 Phẩm, 10 Phẩm đầu, đức Phật Khai Phật Tri Kiến và trong 10 Phẩm đầu, Phẩm 1 (Phẩm Tựa) thì thuộc về phẩm Khai Pháp, tức là hiện bày tổng quát sự tướng của pháp giới. Từ Phẩm 2 đến Phẩm 7 thì thuộc về phẩm Khai Dụ và từ Phẩm 8 đến Phẩm 10 thì thuộc về phẩm Khai Nhân Duyên. Riêng Phẩm 11, đức Phật trình bày Thị Phật Tri Kiến. Từ Phẩm 12 đến Phẩm 22, đức Phật trình bày Ngộ Phật Tri Kiến. Từ Phẩm 23 đến Phẩm 28, đức Phật trình bày Nhập Phật Tri Kiến. Riêng phần Nhập Phật Tri Kiến, ba Phẩm đầu, từ Phẩm 23 đến Phẩm 25 thì nói lên ý nghĩa do hành trì tu tập làm nhân mà khắc phục được tất cả chướng duyên để đi đến kết quả là phát sanh được Bản Thân Như Ý. Ba Phẩm sau từ Phẩm 26 đến Phẩm 28 thì nói lên ý nghĩa nhờ công phu gia trì, quả Phật nhất định sẽ chứng đắc. Có thể nói Phần Nhập Tri Kiến nếu đã được thành tựu thì "Đại Sự Nhân Duyên" của Phật ra đời kể như viên mãn và cũng từ đó mới có danh nghĩa "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]