Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuốn 55

16/04/201317:19(Xem: 14833)
Cuốn 55

Luận Đại Trí Độ
( Mahàprajnàparamitàsatra)

Tác giả:Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán:Cưu Ma La Thập
Dịch Hán ra Việt:Thích Thiện Siêu

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Ấn hành 1997

---o0o---Tập 3

Cuốn 55

GIẢI THÍCH PHẨM NHƯ HUYỄN THỨ 28

(Kinh Ma ha Bát nhã ba la mật ghi: Phẩm Huyền Thính)
(Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phần 2, Phẩm Tín Thọ thứ 26)

Kinh:Bấy giờ các Thiên tử tâm nghĩ rằng: Nên dùng hạng người nào nghe Tu bồ đề nói?

Tu bồ đề biết tâm niệm của các Thiên tử, nói với các Thiên tử rằng: Như người huyễn hóa nghe pháp, tôi dùng hạng người như vậy, vì sao? Vì hạng người ấy không nghe, không thính, không biết, không chứng.

Các Thiên tử nói với Tu bồ đề rằng: Chúng sinh ấy như huyễn, như hóa, người nghe pháp cũng như huyễn như hóa ư?

Như vậy, như vậy! Các Thiên tử! Chúng sinh như huyễn nên người nghe pháp cũng như huyễn; chúng sinh như hóa nên người nghe pháp cũng như hóa.

Các Thiên tử! Ta như huyễn như mộng, chúng sinh cho đến kẻ biết kẻ thấy cũng như huyễn như mộng.

Các Thiên tử! Sắc như huyễn như mộng; thọ, tưởng, hành, thức như huyễn như mộng; mắt cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh như huyễn như mộng; nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật như huyễn như mộng.

Các Thiên tử! Bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung như huyễn như mộng; quả Tu đà hoàn như huyễn như mộng; quả A na hàm, quả A la hán, đạo Bích chi Phật như huyễn như mộng. Các Thiên tử! Phật đạo như huyễn như mộng.

Bấy giờ các Thiên tử hỏi Tu bồ đề: Ông nói Phật đạo như huyễn như mộng, ông nói Niết bàn cũng như huyễn như mộng ư?

Tu bồ đề các Thiên tử: Tôi nói Phật đạo như huyễn như mộng, tôi nói Niết bàn cũng như huyễn như mộng, nếu có pháp gì hơn Niết bàn, tôi nói cũng như huyễn như mộng, vì cớ sao? Các Thiên tử! Vì huyễn mộng và Niết bàn không hai không khác.

LUẬN: Trên kia đã nói như huyễn như mộng, không có người nói, không có người nghe. Nay sao còn hỏi nên dùng hạng người nào theo ý Tu bồ đề nghe pháp?

Ðáp: Các Thiên tử trước kia nói Tu bồ đề thuyết pháp không thể hiểu, trong đây Tu bồ đề nói ví dụ người huyễn hóa. Nay các Thiên tử lại nghĩ rằng: Hạng người nào nghe, ứng hợp với lời Tu bồ đề nói mà tín thọ, thực hành theo thì được đạo quả ư?

Tu bồ đề đáp: Người như huyễn hóa, nghe thời ứng hợp với pháp của tôi nói.

Hỏi: Người huyễn hóa ấy không có tâm tâm số pháp, không thể nghe lãnh thọ, cần gì phải thuyết pháp?

Ðáp: Chẳng phải khiến chính người huyễn hóa nghe, chỉ muốn khiến hành giả đối với các pháp dụng tâm không vướng mắc; như người huyễn hóa, người huyễn hóa ấy không nghe cũng không chứng. Chúng sinh như huyễn như mộng, nghe pháp cũng như huyễn như mộng.

Chúng sinh là người thuyết pháp, người nghe pháp là người lãnh thọ pháp, Tu bồ đề nói không những người nói pháp, người nghe pháp như huyễn như mộng, mà ta cho đến kẻ biết kẻ thấy đều như huyễn như mộng. Sắc cũng như huyễn như mộng, cho đến Niết bàn cũng như huyễn như mộng, tức là pháp được nói như huyễn như mộng.

Trong tất cả chúng sinh, Phật là đệ nhất, trong tất cả pháp, Niết bàn là đệ nhất, khi nghe nói hai việc ấy đều như huyễn như mộng thời tâm kinh ngạc nghi ngờ. Phật và Niết bàn tối thượng diệu làm sao như huyễn như mộng, vì vậy nên lại còn hỏi việc kia: Phật và Niết bàn xét đúng như huyễn như mộng ư? Tu bồ đề sẽ không nói lầm! Chúng tôi sẽ không nghe lầm! Vì thế nên lại hỏi cho chắc.

Tu bồ đề nói với các Thiên tử: Tôi nói Phật và Niết bàn chính tự như huyễn như mộng, hai pháp tuy diệu, đều từ pháp hư vọng xuất ra cho nên không, vì cớ sao? Vì từ pháp hư vọng cho nên có Niết bàn, từ phước đức và trí tuệ cho nên có Phật, hai pháp ấy thuộc nhân duyên, không có chân thật nhất định, như đã nói trong nghĩa niệm Phật, niệm Pháp.

Tu bồ đề nghĩ rằng: Như lực Bát nhã ba la mật, thời giả sử có pháp gì hơn Niết bàn còn có thể làm cho như huyễn, huống gì Niết bàn, vì sao? Vì nói Niết bàn hết thảy ưu sầu khổ não đểu rốt ráo diệt, vì thế nên không có pháp gì hơn Niết bàn.

Hỏi: Nếu không có pháp hơn Niết bàn, cớ sao nói nếu có pháp hơn Niết bàn cũng lại như huyễn?

Ðáp: Pháp dùng ví dụ hoặc lấy việc có thật, hoặc có khi giả thiết, theo nhân duyên mà nói. Như Phật dạy: Nếu khiến cây cối hiểu lời Ta nói, Ta cũng thọ ký cho được Tu đà hoàn; nhưng cây cối không có thể hiểu được, Phật vì giải ngộ cho ý người nên dẫn dụ như vậy thôi.

Niết bàn là pháp rốt ráo vô thượng trên hết thảy pháp; như biển lớn là trên các sông muôn dòng, Tu di là trên các núi, hư không là trên hết thảy pháp. Niết bàn cũng như vậy, không có khổ, già, bệnh, chết, không có các tà kiến, tham, sân, các suy hoại, không có khổ yêu thích bị xa lìa, không có khổ oán thù gặp gỡ, không có khổ cầu mong không được, không có hết thảy vô thường, hư dối, bại hoại, biến di. Nói cốt yếu, Niết bàn là tất cả khổ hết, rốt ráo thường vui, nơi quy về của mười phương chư Phật và chúng đệ tử Bồ tát, an ổn thường vui không có gì hơn, trọn không bị ma vương ma dân phá hại; như trong A tỳ đàm nói: Pháp hữu thượng là pháp hữu vi, hư không, và phi trạch diệt vô vi (phi trí duyên tận); pháp vô thượng là trạch diệt vô vi (trí duyên tận) tức là Niết bàn. Thế nên không có pháp gì hơn Niết bàn.

Tu bồ đề khen lực Bát nhã ba la mật to lớn, nên nói: Nếu có pháp hơn Niết bàn, cũng như huyễn; ví như lấy hoàn sắt lớn cháy nóng bỏ trên lông tay, đốt cháy ngay, không tổn một chút sức nóng, chỉ không còn gì để đốt nữa thôi. Trí tuệ Bát nhã ba la mật phá hết thảy pháp có, cho đến Niết bàn thẳng qua không chướng ngại mà trí lực không giảm, chỉ không còn pháp gì để có thể phá nữa thôi. Thế nên nói nếu có pháp hơn Niết bàn, lực trí tuệ cũng phá được.

KINH: Bấy giờ Tuệ mạng Xá lợi phất, Ma ha Mục kiền liên, Ma ha Câu hy la, Ma ha Ca chiên diên, Phú lâu na Di đa la ni tử, Ma ha Ca diếp và vô số ngàn Bồ tát hỏi Tu bồ đề rằng: Bát nhã ba la mật sâu xa khó thấy, khó hiểu, khó biết, tịch tịnh vi diệu như vậy, ai sẽ tín thọ?

Bấy giờ A nan nói với đại đệ tử và các Bồ tát rằng: Bồ tát ma ha tát ở địa vị bất thối chuyển, có thể tín thọ Bát nhã ba la mật sâu xa khó thấy khó hiểu khó biết, tịch tịnh vi diệu ấy. Hạng người thành tựu chánh kiến, A la hán lậu tận đã mãn sở nguyện, cũng có thể tín thọ Bát nhã đó.

*Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân thường thấy Phật nơi chỗ Phật cúng dường gieo trồng thiện căn nhiều, thân cận thiện tri thức có lợi căn, hạng người ấy có thể tín thọ, không nói thị pháp phi pháp.

Tu bồ đề nói: Không lấy “không” phân biệt sắc, không lấy sắc phân biệt “không”; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Không lấy vô tướng, vô tác phân biệt sắc, không lấy sắc phân biệt vô tướng, vô tác; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. không lấy vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly phân biệt sắc, không lấy sắc phân biệt vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Mắt cho đến thọ do ý và xúc làm nhân duyên sinh cũng như vậy. Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, nội không cho đến vô pháp hữu pháp không, bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, tất cả môn Tam muội, tất cả môn Ðà la ni, Tu đà hoàn cho đến A la hán, Bích chi Phật, Phật, Nhất thiết trí, cũng không lấy “không” phân biệt Nhất thiết trí, không lấy Nhất thiết trí phân biệt không, không lấy không phân biệt Trí nhất thiết chủng, không lấy Trí nhất thiết chủng phân biệt không. Vô tướng, vô tác, vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly cũng như vậy.

Tu bồ đề nói với các Thiên tử: Bát nhã ba la mật thậm thâm ai thọ thì được? Trong Bát nhã ba la mật ấy, không có pháp có thể chỉ, không có pháp có thể nói; nếu không có pháp có thể chỉ, không có pháp có thể nói thời người tín thọ cũng không có thể được.

Bấy giờ, Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Trong Bát nhã ba la mật nói rộng giáo pháp ba thừa và nhiếp thủ pháp Bồ tát từ địa vị Sơ phát tâm cho đến địa thứ mười, Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật, bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, Phật mười lực cho đến mười tám pháp không chung là giáo pháp hộ trì Bồ tát. Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật như vậy, thường hóa sinh, không mất thần thông, dạo qua các nước Phật, đầy đủ căn lành, tùy theo ý muốn cúng dường chư Phật, liền được như nguyện, từ chỗ chư Phật nghe thọ pháp giáo, đến khi được Trí nhất thiết chủng chưa bao giờ đoạn tuyệt, chưa có lúc nào lìa Tam muội, sẽ được biện tài nhanh nhẹn, biện tài lanh lợi, biện tài bất tận, biện tài không thể dứt, biện tài tùy ý, biện tài đúng nghĩa, biện tài tất cả thế gian tối thượng.

Tu bồ đề nói: Như vậy, như vậy! Như Xá lợi phất nói: Bát nhã ba la mật nói rộng giáo pháp ba thừa và giáo pháp hộ trì Bồ tát, cho đến Bồ tát ma ha tát được biện tài tối thượng hết thảy thế gian, đều không thể có được.

Ta cho đến kẻ biết, kẻ thấy đều không thể có được; sắc, thọ, tưởng, hành, thức, Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật đều không thể có được. Nội không cho đến vô pháp hữu pháp không cũng không thể có được.

Bốn niệm xứ cho đến tám Thánh đạo phần, Phật mười lực cho đến Trí nhất thiết chủng cũng không thể có được.

Xá lợi phất hỏi Tu bồ đề: Vì nhân duyên gì trong Bát nhã ba la mật nói rộng ba thừa mà không thể có được? Vì nhân duyên gì trong Bát nhã ba la mật hộ trì Bồ tát? Vì nhân duyên gì Bồ tát ma ha tát được biện tài nhanh nhẹn cho đến biện tài tối thượng trong hết thảy thế gian cũng không thể có được?

Tu bồ đề đáp Xá lợi phất: Vì nội không nên trong Bát nhã ba la mật nói rộng ba thừa, không thể có được, vì ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không nên nói rộng ba thừa, không thể có được. Vì nội không nên hộ trì Bồ tát cho đến biện tài tối thượng trên hết thảy thế gian, không thể có được. Vì ngoại không cho đến vô pháp hữu pháp không, nên hộ trì Bồ tát cho đến biện tài tối thượng trên hết thảy thế gian, không thể có được.

LUẬN: Luận giả nói: Lúc ấy các đại đệ tử như Xá lợi phất v.v... nói với Tu bồ đề rằng: Pháp Bát nhã ba la mật ấy sâu xa khó hiểu; vì các pháp không có định tướng nên là sâu xa; vì các tư duy quán hạnh dứt nên là khó thấy; cũng không chấp trước Bát nhã ba la mật nên gọi là khó hiểu khó biết; diệt ba độc và các hý luận nên gọi là tịch diệt; được diệu vị của trí tuệ nên gọi là thường được đầy đủ; không còn cầu gì nữa, hết thảy trí tuệ khác đều thô sáp chẳng vui, nên gọi là vi diệu. Các đại đệ tử nói lời ấy rằng: trí Bát nhã ba la mật sâu xa, trí tuệ người thế gian cạn mỏng, chỉ tham đắm quả báo phước đức mà không ưa tu. Phước đức đắm có thời tình mạnh, phá có thời tâm khiếp. Vốn đã nghe học tập luyện kinh sách tà kiến, dính chặt không bỏ, người như vậy thường ưa cái vui thế gian. Vì vậy nên nói ai hay tín thọ Bát nhã ba la mật thâm sâu ấy? Nếu không tín thọ thời nói làm gì?

A nan giúp đáp: Có bốn mạng người có thể tín thọ. Thế nên lời Tu bồ đề nói chắc chắn có người tín thọ, chẳng phải nói suông. Bốn mạng người có thể tín thọ là: 1. Vị Bồ tát ma ha tát, ở địa vị bất thối, biết hết thảy pháp chẳng sinh chẳng diệt, chẳng thủ tướng, không chấp đắm, thời có thể lãnh thọ.

2. Vị A la hán hết lậu hoặc, vì hết lậu hoặc, không chấp đắm, được pháp vô vi tối thượng, sở nguyện đã mãn, không còn cầu gì, thường trú không, vô tướng, vô tác Tam muội, tùy thuận Bát nhã ba la mật, thời có thể tín thọ.

3. Ba hạng học nhân, thành tựu chánh kiến, tuy chưa hết lậu hoặc, vì lực của bốn đức tin Phật, Pháp, Tăng, Giới cũng có thể tín thọ.

4. Có Bồ tát tuy chưa được địa bất thối chuyển, nhưng có phước đức lợi căn, trí tuệ thanh tịnh, thường theo thiện tri thức, người ấy cũng có thể tín thọ.

Tướng mạo của sự tín thọ là không cho rằng pháp ấy chẳng phải Phật, Bồ tát, đại đệ tử nói. Tuy nghe Bát nhã ba la mật nói các pháp đều rốt ráo không, cũng không vì đã tín thọ pháp trước mà cho pháp rốt ráo không ấy là phi pháp.

Hỏi: Từ trước lại đây, A nan hoàn toàn không luận nói gì, sao nay lại đáp thế cho Tu bồ đề?

Ðáp: A nan là vị tướng Chuyển pháp luân thứ ba, hay làm thầy đại chúng, là thị giả hầu cận Thế Tôn, tuy được Sơ quả, vì lậu hoặc chưa hết, nên tuy có trí tuệ đa văn, tự cho mình chưa có thiện xảo đối với trí tuệ không, nếu nói pháp không, mà tự mình chưa chứng nhập, thì đều là nói việc người khác, cho nên không nói. Hoặc khi nói về việc có, thời có thể hỏi có thể đáp được, như trong phẩm sau A nan hỏi Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Cớ sao chỉ tán thán Bát nhã ba la mật, mà không tán thán năm Ba la mật kia. Còn trong phẩm này hỏi ai là người có thể tín thọ Bát nhã ba la mật sâu xa, đây chẳng phải là việc “không” nên A nan liền đáp: Tu bồ đề thường ưa nói việc không, không ưa nói việc có.

Lại vì A nan lúc ấy tâm ưa nói phát sinh, cho nên Phật cho phép đáp. A nan phiền não chưa hết, nên lực trí tuệ chậm, nhưng lực tin tưởng mãnh lợi, cho nên đối với Bát nhã ba la mật thậm thâm có thể như pháp hỏi đáp.

Hỏi: Bát nhã ba la mật không có gì, không có pháp nhất định, làm sao bốn hạng người có thể tín thọ mà chẳng cho là phí pháp?

Ðáp: Nay Tu bồ đề trong đây tự nói nhân duyên rằng: Chẳng lấy không phân biệt sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, vì vậy nên Bát nhã ba la mật không bị lỗi, không bị phá; nếu không bị phá thời không có tội lỗi, cho nên không cho là phi pháp. Không tức là Bát nhã ba la mật, chẳng lấy trí tuệ không để phá sắc làm cho không, cũng chẳng lấy nhân duyên phá sắc nên có không, vì không tức là sắc, sắc tức là không. Vì Bát nhã ba la mật phá các hý luận, có công đức như vậy, nên không ai tín thọ. Vô tướng, vô tác, vô sinh, vô diệt, tịch diệt, viễn ly cũng như vậy, cho đến Trí nhất thiết chủng đều nên nói rộng.

Hỏi: Các đệ tử hỏi nghĩa ấy, cớ sao Tu bồ đề lại đáp với các Thiên tử?

Ðáp: Các đệ tử đã được A la hán, chỉ hỏi điều mình nghi, việc lợi ích ít, còn các Thiên tử phát tâm vì Bồ tát, lợi ích sâu, cho nên nói với các Thiên tử.

*Lại nữa, tuy nói cho chư thiên tức là đáp lời các đệ tử. Trên kia nói các pháp không, đây nói Bát nhã ba la mật chúng sinh rốt ráo không. Vì vậy nên trong Bát nhã ba la mật không có người nói, huống gì có người nghe và tín thọ. Nếu hiểu được các pháp không như vậy, tâm không vướng mắc, thời có thể tín thọ.

Bấy giờ Tu bồ đề nói Bát nhã ba la mật sâu xa, Xá lợi phất tán thán giúp thành việc ấy. Bát nhã ba la mật chẳng phải chỉ vì không nên có thể tín thọ, trong Bát nhã cũng rộng nói ba thừa. Nghĩa ba thừa như trước đã nói.

Nhiếp thủ Bồ tátlà vì Bát nhã ba la mật lợí ích các Bồ tát, khiền được tăng trưởng.

*Lại nữa, nhiếp thủ là trong Bát nhã ấy có mười địa khiến Bồ tát từ một địa đến một địa, cho đến địa thứ mười. Nghĩa mười địa, từ sáu Ba la mật cho đến nghĩa Trí nhất thiết chủng như trước đã nói.

Hóa sinhlà nói hành báo của Bát nhã. Hành Bát nhã ba la mật đối với hết thảy pháp không ngại, nên được biện tài nhanh nhẹn. Có người tuy có thể nhanh nhẹn, mà vì độn căn nên không thể thâm nhập, do thâm nhập được nên lợi, ấy là biện tài lanh lợi. Nói thật tướng các pháp vô biên vô tận, nên gọi là vui nói không tận. Trong Bát nhã không có hý luận, nên không thể vấn nạn làm đoạn tuyệt; ấy gọi là biện tài không thể dứt. Dứt pháp ái nên tùy chúng sinh thích ứng mà nói pháp cho, nên gọi là biện tài tùy ứng. Nói việc đưa đến Niết bàn lợi ích ấy gọi là biện tài về nghĩa nói việc đệ nhất của hết thảy thế gian, tức là Ðại thừa; ấy gọi là biện tài tối thượng thế gian.

Tu bồ đề cho lời hỏi ấy đúng, nói: Như vậy, như vậy!

Xá lợi phất nghĩ rằng: Tu bồ đề thường ưa nói không, cớ sao nay nhận lời tôi nói rằng trong Bát nhã ba la mật có nói rộng giáo pháp ba thừa, nên phải còn có nhân duyên?

Tu bồ đề đáp: Bát nhã ba la mật tuy có rộng nói pháp ba thừa, mà chẳng phải có định tướng vì đều hòa hợp với mười tám không. Nói nhiếp thủ Bồ tát, bảy thứ biện tài cũng như vậy, vì “trí tuệ không” vậy.

GIẢI THÍCH: PHẨM TÁN HOA THỨ 29

KINH:Bấy giờ Thích đề hoàn nhơn và trời bốn Thiên vương trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến các trời Sắc cứu cánh nghĩ rằng: Tuệ mạng Tu bồ đề muốn tưới mưa pháp, chúng ta nên hóa làm hoa rải trên Phật, Bồ tát ma ha tát, Tỳ kheo Tăng, Tu bồ đề và Bát nhã ba la mật.

Thích đề hoàn nhơn và chư thiên trong ba ngàn đại thiên thế giới, hóa làm hoa rải trên Phật, Bồ tát ma ha tát, Tỳ kheo Tăng và Tu bồ đề, cũng cúng dường Bát nhã ba la mật.

Bấy giờ, ba ngàn đại thiên thế giới, hoa đều cùng khắp giữa hư không, hóa thành đài hoa, đoan nghiêm thù diệu. Tâm Tu bồ đề nghĩ rằng: Hoa của các Thiên tử rải đây, trên trời chưa từng thấy loại hoa như vậy, đây là hoa biến hóa, chẳng phải hoa từ cây sinh, hoa các Thiên tử ấy rải, từ cây tâm sinh ra; chẳng phải từ cây sinh ra.

Thích đề hoàn nhơn biết tâm Tu bồ đề nghĩ, nói với Tu bồ đề rằng: Ðại đức! Hoa ấy là hoa chẳng phải cây sinh ra cũng chẳng phải cây tâm sinh ra.

Tu bồ đề nói với Thích đề hoàn nhơn rằng: Kiều thi ca! Ông nói hoa ấy là hoa chẳng phải cây sinh, cũng chẳng phải cây tâm sinh. Kiều thi ca! Hoa ấy nếu là pháp chẳng phải sinh, chẳng gọi là hoa.

Thích đề hoàn nhơn nói với Tu bồ đề rằng: Ðại đức, chỉ có hoa ấy chẳng sinh, hay sắc cũng chẳng sinh; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng sinh?

Tu bồ đề đáp: Kiều thi ca! Chẳng phải chỉ hoa ấy chẳng sinh, sắc cũng chẳng sinh; nếu chẳng sinh là chẳng gọi là sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi là thức. Sáu nhập, sáu thức, sáu xúc, sáu xúc làm nhân duyên sinh thọ cũng như vậy. Thí ba la mật chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi là Thí ba la mật, cho đến Bát nhã ba la mật chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi Bát nhã ba la mật. Nội không chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi nội không, cho đến vô pháp hữu pháp không chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi vô pháp hữu pháp không. Bốn niệm xứ chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi bốn niệm xứ. Mười tám pháp không chung chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi mười tám pháp không chung, cho đến Trí nhất thiết chủng chẳng sinh, nếu chẳng sinh là chẳng gọi Trí nhất thiết chủng.

LUẬN: Thích đề hoàn nhơn và chư Thiên, nghe Tu bồ đề nói nghĩa Bát nhã, tất cả pháp đều là pháp đều là thật tướng, không có chỗ phân biệt. Tuy nói không mà đối với các pháp không có phá gì, cũng không mất các hành nghiệp và quả báo. Hàng Thanh văn ở trước Phật nói được pháp thậm thâm ấy, Thích đề hoàn nhơn v.v... đều hoan hỷ nghĩ rằng

Tu bồ đề nói pháp không ngại không chướng. Thí như mưa đúng thời, như có quốc độ, tưới tẩm hạt giống và mọi sự cần dùng nước, thường khổ vì không đủ nước, nếu đúng thời được mưa xuống khắp, thấm ướt hết thảy, mọi điều như nguyện. Pháp Tiểu thừa cũng như vậy. Lúc đầu mỗi mỗi tán thán bố thí, trì giới, thiền định, quán vô thường v.v... có hạn lượng, sau cuối mới nói Niết bàn. Còn trong đây Tu bồ đề nói rõ từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật đạo, chỉ nói Pháp thật tướng, không phân biệt gì.Thí như mưa lớn thấm ướt khắp Diêm phù đề, không chỗ nào không thấm.

Lại như đất trước tuy có hạt giống lúa, không mưa thời không mọc, hành giả cũng như thế. Tuy có nhân duyên, không gặp được mưa pháp, thời người đã phát tâm lại thối, người chưa phát khựng lại, nếu gặp được mưa pháp, thời người đã phát tâm được tăng trưởng, người chưa phát sẽ phát. Vì vậy nên nói như mưa trận mưa pháp.

*Lại nữa, thí như gió giữ bụi đất, sức nóng, hơi độc v.v... gặp mưa thời tiêu diệt. Mưa pháp cũng như vậy; đất bụi “ác giác quán” ba độc bất thiện, gió giữ tà kiến, ác trùng tà sư, các ác tri thức ấy gặp được mưa Bát nhã ba la mật thời trừ diệt hết. Người mong trời mưa đúng thời nên cúng dường trời. Trời nghe mưa pháp rất có lợi ích, nên muốn cúng dường pháp, nghĩ rằng: Chúng ta thà biến hóa làm hoa rải trên Phật, Bồ tát, Tỳ kheo tăng và Tu bồ đề, cũng cúng dường Bát nhã ba la mật, vì Tu bồ đề khéo nói Bát nhã ấy. Kính ngài tất trọng gọi là chơn cúng dường. Bát nhã ba la mật ấy phần nhiều nói về các pháp không, lại trên nói muốn được như người biến hóa nghe pháp, theo tướng đó nên lấy hoa biến hóa cúng dường.

*Lại nữa, chư thiên lúc đương hoan hỷ bèn khởi tâm cúng dường, không để trở lại lấy nhiều, liền hóa làm hoa rải trên Phật, Tu bồ đề, các Bồ tát, Tỳ kheo tăng và Bát nhã ba la mật.

Hoa rải trên Phật là cúng dường Phật bảo, rải trên Bồ tát, Tu bồ đề và Bát nhã ba la mật là cúng dường Pháp bảo, rải trên Tỳ kheo Tăng là cúng dường Tăng bảo. Nghĩ như vậy rồi, tùy ý biến hóa cúng dường Tam Bảo”. Ðại phước đức thành tựu nên sở nguyện theo tâm đều được như ý, không cầu nơi khác.

Hỏi: Ðài hoa đoan nghiêm là do sức của ai?

Ðáp: Ðó là sức của chư thiên, chư thiên phước đức tự tại nên có thể làm nhỏ thành lớn. Có người nói đó là thần lực của Phật, Phật do Bát nhã ba la mật này có công đức lớn, trong lúc tạo nhân ít mà quả báo rất lớn, thành tựu Phật đạo, thế nên hiện ra sự lạ ấy, Tu bồ đề liền phân biệt biết ngay chẳng phải là hoa thật.

Thích đề hoàn nhơn biết Tu bồ đề đã hiểu hoa biến hóa đó, nên nói với Tu bồ đề rằng: Ðại đức! Hoa ấy là hoa chẳng phải sinh; hoa chẳng phải sinh là nói hoa ấy vô sinh, không, không có xuất sinh. Tu bồ đề nói Bát nhã ba la mật các pháp vô sinh không tịch ấy, nên lấy hoa vô sinh để cúng dường.

Cây tâmlà chư thiên theo ý nghĩ liền được. Nói cốt yếu, cây trời ứng theo ý muốn nghĩ liền đến, nên nói cây tâm.

Thích đề hoàn nhơn nạn hỏi Tu bồ đề nên nói hoa ấy vô sinh, cớ sao nói hoa ấy không từ cây sinh? Tu bồ đề gạn lại rằng: Nếu không sinh, cớ sao gọi là hoa? Nơi pháp không sinh, không có phân biệt là hoa hay chẳng phải hoa.

Bấy giờ Thích đề hoàn nhơn tâm phục mà hỏi: Chỉ là hoa không sinh, các pháp cũng không sinh ư?

Tu bồ đề đáp: Chẳng phải chỉ là hoa không sinh, mà sắc cũng không sinh, vì cớ sao? Vì nếu một pháp không, thời hết thảy pháp đều không. Nếu hành giả đối một pháp không, thời hết thảy pháp đều không. Nếu hành giả đối một pháp quyết định biết rõ là không, thời đối hết thảy pháp cũng rõ ràng. Nếu năm uẩn không sinh, thời chẳng phải tướng năm uẩn, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

KINH: Bấy giờ Thích đề hoàn nhơn nghĩ rằng: Tuệ mạng Tu bồ đề có trí rất sâu, không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp (Kinh Ðại Bát nhã ghi: Không trái giả danh – ND).

Phật biết tâm niệm của Thích đề hoàn nhơn, nói với Thích đề hoàn nhơn rằng: Như vậy, như vậy! Kiều thi ca! Tu bồ đề có trí rất sâu, không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp.

Thích đề hoàn nhơn bạch Phật rằng: Ðại đức Tu bồ đề không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp như thế nào?

Phật bảo Thích đề hoàn nhơn: Sắc chỉ là giả danh, Tu bồ đề không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp; thọ, tưởng, hành, thức chỉ là giả danh, Tu bồ đề cũng không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp, vì cớ sao? Vì thật tướng của các pháp không có hoại và chẳng hoại, nên Tu bồ đề nói cũng không có hoại và chẳng hoại; mắt cho đến ý và xúc làm nhân duyên sinh các thọ cũng như vậy. Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật; nội không cho đến vô pháp hữu pháp không; bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung cũng như vậy. Quả Tu đà hoàn cho đến quả A la hán, đạo Bích chi Phật, đạo Bồ tát, Phật đạo, Nhất thiết trí, Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Tu đà hoàn cho đến A la hán, Bích chi Phật, Phật, chỉ là giả danh. Tu bồ đề không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp, vì sao? Vì thật tướng của các pháp ấy không có hoại và chẳng hoại. Tu bồ đề nói cũng không có hoại và chẳng hoại. Như vậy, Kiều thi ca! Tu bồ đề không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp.

Tu bồ đề nói với Thích đề hoàn nhơn rằng: Như vậy, như vậy! Kiều thi ca! Như Phật nói các pháp chỉ là giả danh, Bồ tát ma ha tát nên biết như vậy, các học Bát nhã ba la mật như vậy.

Kiều thi ca! Bồ tát ma ha tát học như vậy là chẳng học sắc, chẳng học thọ, tưởng, hành, thức, vì sao? Vì không thấy sắc là cái sẽ có thể học; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là cái sẽ có thể học, Bồ tát ma ha tát học như vậy là không học Thí ba la mật, vì sao? Vì không thấy Thí ba la mật là cái sẽ có thể học; cho đến không học Bát nhã ba la mật, vì sao? Vì không thấy Bát nhã ba la mật là cái sẽ có thể học. Học như vậy là không học nội không, cho đến vô pháp hữu pháp không, vì sao? Vì không thấy nội không cho đến vô pháp hữu pháp không là cái sẽ có thể học. Học như vậy là không học bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung, vì sao? Vì không thấy bốn niệm xứ cho đến mười tám pháp không chung là cái sẽ có thể học. Học như vậy là không học quả Tu đà hoàn cho đến Trí nhất thiết chủng, vì sao? Vì không thấy quả Tu đà hoàn cho đến Trí nhất thiết chủng là cái sẽ có thể học.

Bấy giờ, Thích đề hoàn nhơn nói với Tu bồ đề rằng: Bồ tát ma ha tát vì sao không thấy sắc, cho đến không thấy Trí nhất thiết chủng?

Tu bồ đề đáp: Sắc, sắc không, cho đến Trí nhất thiết chủng, Trí nhất thiết chủng không. Kiều thi ca! Sắc không không học sắc không cho đến Trí nhất thiết chủng không không học Trí nhất thiết chủng không. Kiều thi ca! Nếu không học không như vậy, ấy gọi là học không vì không hai. Bồ tát ma ha tát học sắc không vì không hai cho đến học Trí nhất thiết chủng không vì không hai. Nếu học sắc không vì không hai cho đến học Trí nhất thiết chủng không vì không hai là Bồ tát ma ha tát có thể Thí ba la mật vì không hai, cho đến có thể học Bát nhã ba la mật vì không hai; có thể học bốn niệm xứ vì không hai, cho đến có thể học mười tám pháp không chung vì không hai; có thể học quả Tu đà hoàn vì không hai, cho đến có thể học Trí nhất thiết chủng vì không hai. Bồ tát ấy có thể học vô lượng vô biên vô số Phật pháp, nếu có thể học vô lượng vô biên vô số Phật pháp là Bồ tát không vì sắc tăng mà học, không vì sắc giảm mà học, cho đến không vì Trí nhất thiết chủng tăng mà học, không vì Trí nhất thiết chủng giảm mà học. Nếu không vì sắc tăng học giảm học, cho đến không vì Trí nhất thiết chủng tăng học, giảm học, Bồ tát ấy, không vì nhiếp thọ sắc nên học, không vì hoại diệt sắc nên học, cũng không vì nhiếp thọ thọ, tưởng, hành, thức nên học, cũng không vì hoại diệt thọ, tưởng, hành, thức nên học, cho đến cũng không vì nhiếp thọ Trí nhất thiết chủng nên học, cũng không vì hoại diệt nên học.

Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Bồ tát ma ha tát học như vậy, không vì nhiếp thọ sắc nên học, không vì nhiếp thọ sắc nên học, không vì hoại diệt sắc nên học, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng không vì nhiếp thọ nên học, cũng không vì hoại diệt nên học.

Tu bồ đề nói: Bồ tát ma ha tát nếu học như vậy, không vì nhiếp thọ sắc nên học, không vì hoại diệt sắc nên học, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng không vì nhiếp thọ nên học, cũng không vì hoại diệt nên học.

Tu bồ đề! Vì nhân duyên gì Bồ tát ma ha tát không vì nhiếp thọ sắc nên học, không vì hoại diệt sắc nên học, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng không vì nhiếp thọ nên học, cũng không vì hoại diệt nên học?

Tu bồ đề nói: Sắc ấy không thể nhiếp thọ, cũng không có người mhiếp thọ sắc, cho đến Trí nhất thiết chủng không thể nhiếp thọ, cũng không có người nhiếp thọ, vì trong ngoài không.

Như vậy, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát không nhiếp thọ hết thảy pháp nên có thể đạt đến Trí nhất thiết chủng.

Khi ấy Xá lợi phất nói với Tu bồ đề rằng: Bồ tát ma ha tát học Bát nhã ba la mật như vậy, có thể đạt đến Trí nhất thiết chủng ư?

Tu bồ đề đáp: Bồ tát ma ha tát học Bát nhã ba la mật như vậy có thể đạt đến Trí nhất thiết chủng vì không nhiếp thọ tất cả pháp.

Xá lợi phất nói với Tu bồ đề: Nếu Bồ tát ma ha tát đối với tất cả pháp không nhiếp thọ, không hoại diệt mà học, thời làm sao có thể đạt đến Trí nhất thiết chủng?

Tu bồ đề đáp: Bồ tát ma ha tát tu hành Bát nhã ba la mật chẳng thấy sắc sinh, chẳng thấy sắc diệt, chẳng thấy sắc thọ, chẳng thấy sắc chẳng thọ, chẳng thấy sắc nhơ, chẳng thấy sắc sạch, chẳng thấy sắc tăng, chẳng thấy sắc giảm, vì sao? Xá lợi phất! Vì sắc, sắc tánh không; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thấy sinh, cũng chẳng thấy diệt, cũng chẳng thấy thọ, cũng chẳng thấy chẳng thọ, cũng chẳng thấy nhơ, cũng chẳng thấy sạch, cũng chẳng thấy tăng, cũng chẳng thấy giảm, vì sao? Vì thức, thức tánh không, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng chẳng thấy sinh, cũng chẳng thấy diệt, cũng chẳng thấy thọ, cũng chẳng thấy chẳng thọ, cũng chẳng thấy nhơ, cũng chẳng thấy sạch, cũng chẳng thấy tăng, cũng chẳng thấy giảm, vì sao? Vì Trí nhất thiết chủng, Trí nhất thiết chủng tánh không.

Như vậy, Xá lợi phất! Bồ tát ma ha tát vì tất cả pháp chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng thọ, chẳng bỏ, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng hợp, chẳng tán, chẳng tăng, chẳng giảm, nên học Bát nhã ba la mật có thể đạt đến Trí nhất thiết chủng, vì không học không đến vậy.

LUẬN: Thích đề hoàn nhơn hoan hỷ nói: Tu bồ đề trí rất sâu, không phá hoại giả danh mà nói thật tướng các pháp.

Bấy giờ Phậrt khen Tu bồ đề rằng: Như vậy, như vậy, như lời giải thích nói.

Hỏi: Cớ sao Phật khen Tu bồ đề?

Ðáp: Chỉ dạy người mà không tự cao, còn đệ tử thì thừa thuận giáo pháp của thầy. Có người thầy nói đệ tử không tín thọ, đệ tử nói thầy không nghe; như người phàm phu khi ở giữa chúng nói pháp, tất cả lời nói đều bị phá không tin thọ. Vì Phật không có tâm tôi, ta, nên khen Tu bồ đề: Như vậy, như vậy!

*Lại nữa, Phật lấy tâm đại bi, muốn khiến chúng sinh tín thọ lời Tu bồ đề nói: nên khen trí Tu bồ đề rất sâu.

Năm uẩn do nhân duyên hòa hợp sinh, không có tánh nhất định, chỉ có giả danh, giả danh thật tướng là năm uẩn như như, pháp tánh, thật tế. Tu bồ đề nói không trái lý ấy, vì sao? Vì Thánh nhân biết danh tự là Tục đế, thật tướng là đệ nhất nghĩa đế. Có sự nói ra là tùy theo người phàm phu, còn trong dệ nhất nghĩa đế không kia đây, cũng không tranh cãi, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy, Chúng sinh không, cho đến kẻ biết kẻ thấy cũng không. Tu đà hoàn chỉ có giả danh, cho đến Phật cũng như vậy.

Bồ tát biết hết thảy pháp giả danh, thời nên học Bát nhã ba la mật. Vì cớ sao? Vì hết thảy pháp chỉ có giả danh, đều không thuận theo tướng rồt ráo không của Bát nhã ba la mật.

Học như vậy không học sắclà trong pháp giả danh không có sắc nhất định. Nếu không có sắc thời làm sao học sắc. Vì sao? Vì Bồ tát dủng năm mắt tìm sắc, mà không thấy sắc ấy tướng hoặc ngã hoặc vô ngã, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Hỏi: Vì sao chẳng thấy sắc?

Ðáp: Trong sắc, sắc tướng không, không thể có được. Không thể thấy tức là tự tướng không, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

*Lại nữa, không học sắc là sắc ấy không, tức tự không thể học sắc không, vì các pháp duyên biết tướng khác, không duyên biết tướng mình. Thí như người cưỡi ngựa, chẳng phải ngựa cưỡi ngựa.

Hỏi: Nếu không học hết thảy pháp như vậy, làm sao học Nhất thiết trí?

Ðáp: Trong đây nói nếu đối với các pháp không mà không chấp trước ấy là chơn thật học sắc không. Nếu lại chấp trước không, ấy là phá các pháp mà không phá không. Nếu người phá sắc mà không chấp trước không, ấy thời sắc và không không hai không khác. Ấy là học được sắc không, vì không thể có được nên chẳng thấy, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Vô lượng vô biên vô số Phật pháplà khen Trí nhất thiết chủng. Trí nhất thiết chủng trên ở trong tâm Bồ tát thời có hạn lượng, ở trong tâm Phật thời không hạn lượng. Vì vậy nên trên tuy nói học Phật pháp, nay lại nói riêng. Nếu học được như vậy, là chánh hành đạo Bồ tát, học sắc không tăng không giảm. Tăng là nếu chỉ thấy bốn đại và bốn đại tạo sắc (sắc, hương, vị, xúc) hòa hợp thành thân, thời không sinh tâm chấp trước, để đối với thân này khởi lên các tướng nam nữ, tốt xấu, dài ngắn v.v... cho nhất định là có thật sinh tâm nhiễm đắm; ấy là tăng. Nếu phá sắc khiến cho không, tâm nhiễm đắm không ấy; ấy là giảm; cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Chẳng thọ chẳng diệtlà “không” nên chẳng thọ, nghiệp quả nhân duyên nối nhau nên chẳng diệt. Trong đây Tu bồ đề tự nói nhân duyên: Sắc, thọ là không thể có được nên chẳng thọ, lại vì sắc trong ngoài không nên chẳng thọ; sắc trong ngoài không, không nên chẳng diệt.

Hỏi: Nến lấy mười tám không mà làm các pháp không, sao trong đây chỉ nói nội ngọi không?

Ðáp: Sắc thọ là không có, nên nói nội không, sắc không thể thọ nên nói ngoại không. Vì Nội ngoại không thời nhiếp tất cả pháp không, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy. Nếu Bồ tát học được như vậy thời xuất sinh Trí nhất thiết chủng, vì Trí nhất thiết chủng là tướng không chướng ngại. Nếu Bồ tát quán tất cả pháp như hư không, không chướng ngại, thời ấy là học Trí nhất thiết chủng, vì nhân quả giống nhau.

Xá lợi phất nghĩ rằng: Bồ tát nên phải diệt tất cả phiền não, nên phải lãnh thọ tất cả các pháp, nay học không thọ không diệt thời làm sao xuất sinh Trí nhất thiết chủng? Nghĩ như vậy rồi, hỏi Tu bồ đề, Tu bồ đề đáp: Phá tướng sinh của tất cả pháp nên chẳng sinh, phá tướng vô thường của tất cả pháp nên chẳng diệt. Quán các tội lỗi của tất cả pháp nên chẳng thọ, quán các lợi ích của tất cả pháp nên chẳng bỏ. Tất cả pháp tánh thường thanh tịnh nên chẳng nhơ, tất cả pháp hay sinh tâm nhiễm trước nên chẳng sạch, tất cả pháp tuy là có làm không làm, khởi diệt, ra vào, qua lại v.v... mà chẳng nhiều chẳng ít, chẳng tăng chẳng giảm. Ví như biển cả, muôn dòng chạy về mà chẳng tăng, hỏa châu nấu không giảm. Các pháp cũng như vậy, vì pháp tánh thường trú, vì tất cả pháp tự tánh không thể có được.

Học được như vậy thời xuất sinh đạt đến Trí nhất thiết chủng, không thấy tướng học, không thấy tướng xuất, không thấy tướng Bồ tát, không thấy tướng Bát nhã ba la mật. Trong đây nói lược nên chỉ nói không học không xuất.

KINH: Bấy giờ, Thích đề hoàn nhơn hỏi Xá lợi phất: Bồ tát ma ha tát nên tìm Bát nhã ba la mật ở đâu?

Xá lợi phất đáp: Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát nên tìm ở trong phẩm Tu bồ đề nói.

Thích đề hoàn nhơn hỏi Tu bồ đề: Ðó là do thần lực của ông sai Xá lợi phất nói Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát nên tìm ở trong phẩm Tu bồ đề ư?

Tu bồ đề đáp Thích đề hoàn nhơn: Chẳng phải do thần lực của tôi.

Thích hoàn nhơn hỏi Tu bồ đề: Ấy là do thần lực của ai?

Tu bồ đề đáp: Là do thần lực của Phật.

Thích đề hoàn nhơn nói: Hết thảy pháp đều không có chỗ lãnh thọ, cớ sao nói đó là do thần lực của Phật? Vì lìa tướng không có chỗ lãnh thọ (Kinh Ðại Bát nhã ghi: Không chỗ nương tựa giữ gìn) Như Lai không thể có được; lìa như như, Như Lai không thể có được?

Tu bồ đề nói với Thích đề hoàn nhơn: Như vậy, như vậy! Kiều thi ca! Lìa tướng không có chỗ lãnh thọ, Như Lai không thể có được; lìa như như, Như Lai cũng không thể có được. Trong tướng không có chỗ lãnh thọ, Như Lai không thể có được; trong như như Như Lai không thể có được; trong sắc như như, Như Lai như như không thể có được, trong Như Lai như như, sắc như như không thể có được; trong tướng sắc pháp, tướng Như Lai pháp không thể có được; trong tướng Như Lai pháp, tướng sắc pháp không thể có được; trong tướng thọ, tưởng, hành, thức pháp cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Kiều thi ca! Trong Như Lai, với sắc như như chẳng hợp chẳng tán (Kinh Ðại Bát nhã ghi: Chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng); trong thọ, tưởng, hành, thức như như chẳng hợp chẳng tán; Như Lai lìa sắc như như, chẳng hợp chẳng tán, lìa thọ, tưởng, hành, thức như như chẳng hợp chẳng tán, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Như Lai với tướng sắc pháp chẳng hợp chẳng tán, với tướng thọ, tưởng, hành, thức pháp chẳng hợp chẳng tán, Như Lai với tướng lìa sắc pháp, chẳng hợp chẳng tán, với tướng lìa thọ, tưởng, hành, thức pháp, chẳng hợp chẳng tán, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Kiều thi ca! Như vậy trong hết thảy pháp chẳng hợp chẳng tán, lìa thần lực Phật, vì dùng phương tiện không nhiếp thọ pháp gì (vì không y trì – ND).

Như Kiều thi ca nói, Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát nên tìm ở chỗ nào? Kiều thi ca! Không nên ở trong sắc tìm Bát nhã ba la mật, cũng không nên lìa sắc tìm Bát nhã ba la mật, không nên ở trong thọ, tưởng, hành, thức tìm Bát nhã ba la mật, cũng không nên lìa thọ, tưởng, hành, thức tìm Bát nhã ba la mật, vì cớ sao? Vì Bát nhã ba la mật với sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tất cả pháp ấy đều chẳng hợp

chẳng tán, không sắc, không hình, không dối, chỉ một tướng tức là vô tướng, cho đến trong Trí nhất thiết chủng không nên tìm Bát nhã ba la mật, cũng không nên lìa Trí nhất thiết chủng tìm Bát nhã ba la mật, vì sao? Vì Bát nhã ba la mật với Trí nhất thiết chủng, tất cả pháp ấy đều chẳng hợp chẳng tán. Không sắc, không hình, không dối chỉ một tướng tức là vô tướng, vì sao? Vì Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc, cũng chẳng phải lìa sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức, cho đến chẳng phải Trí nhất thiết chủng, cũng chẳng phải lìa Trí nhất thiết chủng. Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc như, cũng chẳng phải lìa sắc như, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức như, cũng chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức như.

Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc pháp, cũng chẳng phải lìa sắc pháp; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức pháp, cũng chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức pháp; cho đến chẳng phải Trí nhất thiết chủng như, cũng chẳng phải lìa Trí nhất thiết chủng như.

Bát nhã ba la mật chẳng phải pháp Trí nhất thiết chủng, cũng chẳng phải lìa pháp Trí nhất thiết chủng, vì sao? Kiều thi ca! Vì hết thảy pháp đều không có gì, không thể có được, vì không có gì, không thể có được nên Bát nhã ba la mật chẳng phải sắc, cũng chẳng phải lìa sắc; chẳng phải sắc như, cũng chẳng phải lìa sắc như; chẳng phải sắc pháp, cũng chẳng phải lìa sắc pháp, cho đền chẳng phải Trí nhất thiết chủng, cũng chẳng phải lìa Trí nhất thiết chủng; chẳng phải Trí nhất thiết chủng như, cũng chẳng phải lìa Trí nhất thiết chủng như; chẳng phải pháp Trí nhất thiết chủng, cũng chẳng phải lìa pháp Trí nhất thiết chủng.

LUẬN. Hỏi: Phật, Xá lợi phất, Tu bồ đề, từ trước lại đây đã dùng mỗi mỗi nhân duyên thuyết minh tướng Bát nhã ba la mật, nay cớ gì Thích đề hoàn nhơn hỏi nên tìm Bát nhã ở đâu?

Ðáp: Ðây không hỏi về thể Bát nhã, chỉ hỏi việc ngôn thuyết danh tự Bát nhã có thể tụng đọc. Thế nên Xá lợi phất nói: Nên nơi phẩm của Tu bồ đề nói mà tìm.

Tu bồ đề ưa nói không, vì thường khéo tu tập không. Xá lợi phất tuy trí tuệ đệ nhất, vì không có tâm tôi, ta, tật đố, lại dứt pháp ái nên nói hãy tìm ở nơi phẩm của Tu bồ đề nói.

Hỏi: Phật nơi nơi nói Bát nhã ba la mật, muốn sánh với điều Tu bồ đề nói gấp trăm ngàn vạn không thể dùng toán số thí dụ sánh được, cớ sao không nói tìm trong phẩm của Phật nói?

Ðáp: Ý của Thích đề hoàn nhơn là trừ Phật ra, ai là người khéo nói? Vì vậy Phật suy cử Tu bồ đề.

*Lại nữa, Phật thường ngày đêm sáu thời, dùng Phật nhãn quán xét chúng sinh, không để cho vì không nghe pháp phải đọa lạc, nên tùy chỗ chúng sinh có thể hiểu, có thể được, có thể tu tập mà nói. Hoặc nói Bát nhã ba la mật vô thường, khổ, không, vô ngã, như bệnh, như ung v.v... gọi là Bát nhã ba la mật, hoặc phân biệt tướng chung tướng riêng của các pháp, hoặc nói các pháp nhân duyên hòa hợp sinh, không có kẻ làm, kẻ thọ, kẻ biết, kẻ thấy, gọi là Bát nhã ba la mật. Hoặc nói pháp không, hoặc nói rốt ráo không, gọi là Bát nhã ba la mật. Vì vậy nên không bảo nên tìm trong phẩm của Phật dạy.

Lại, tâm niệm Thích đề hoàn nhơn, không biết thế nào chắc chắn là tướng Bát nhã nhất định? Vì vậy Xá lợi phất nói Tu bồ đề thường thâm nhập không, lời nói ra đều hướng về không, cái không được nói ấy cũng không, cho nên nói hãy tìm trong phẩm của Tu bồ đề nói. Thích đề hoàn nhơn hoan hỷ tán thán Tu bồ đề rằng: Thần lực đại đức rất lớn! Tu bồ đề khiêm nhường nói: Chẳng phải sức tôi, đó là thần lực nhiếp thọ của Phật.

Thích đề hoàn nhơn nói: Nếu hết thảy pháp đều không có nhiếp thọ làm sao nói đó là thần lực nhiếp thọ của Phật? Nếu lìa tướng không nhiếp thọ thì Như Lai không thể có được, lìa như như thì Như lai không thể có được. Thích đề hoàn nhơn nghĩ rằng: Hết thảy không có tướng nhiếp thọ, hết thảy pháp không, không nơi nương tựa, thời làm sao sẽ nói nhất định có Như Lai? Nếu không có Như Lai làm sao có thần lực nhiếp thọ?

Lại, lìa tướng không nhiếp thọ thì Như Lai cũng không thể có được, nay lìa như như, Như Lai không thể có được.

Hỏi: Tướng không nhiếp thọ với như như có gì sai khác?

Ðáp: Thật tướng các pháp cũng gọi là không nhiếp thọ, cũng gọi là như như. Các pháp không thể dính mắc nên gọi là không nhiếp thọ, các hý luận không thể phá hoại nên gọi là như như. Nay nơi không, Như Lai không thể có được, lìa không, cũng không thể có được.

Tu bồ đề nhận đúng, nói: Như vậy, như vậy! Nay Tu bồ đề nói rộng việc ấy, nơi tướng không nhiếp thọ, tướng như như, Như Lai không thể có được; hoặc dùng danh tự Phật, gọi là Như Lai; hoặc dùng danh tự chúng sinh gọi là Như Lai (Tathagata).

Như đời trước đến, đời sau cũng đi như vậy, ấy cũng gọi là Như Lai, cũng gọi là Như Khứ. Như trong mười bốn trí nạn nói: Sau khi chết Như Khứ (Như Lai) là có tồn tại hay không tồn tại? Hay cũng có cũng không tồn tại? Hay cũng chẳng phải có chẳng phải không tồn tại?

Phật gọi là Như Lai, là như Phật Ðịnh Quang (Nhiên đăng) hành sáu Ba la mật, được thành Phật đạo. Phật Thích ca văn cũng như vậy mà đến, nên gọi là Như Lai.

Như Phật Ðịnh Quang có trí biết các pháp như như, từ trong như như mà đến, nên gọi là Như Lai. Phật Thích ca văn cũng như vậy mà đến, nên gọi là Như Lai.

Trong hai nghĩa Như Lai trên, đây là nói về Phật Như Lai. Nhân hiểu Phật Như Lai không có gì, hết thảy chúng sinh, hết thảy pháp, đều như vậy, cũng không có gì, không có nghĩa nhiếp thọ và Như Lai. Như trước đã nói, nay sẽ lược nói lại. Tướng không nhiếp thọ, tướng Như Lai đều không, không có gì, không có tướng nhiếp thọ, không có tướng như như, vì không có định tánh nên không có Như Lai.

Có người nói: Có hai cách nói thật tướng các pháp: 1. Tướng các pháp rốt ráo không, là thật; 2. Có người nói rốt ráo không ấy có thể chỉ có thể nói, nên chẳng phải thật. Như tướng Niết bàn chẳng thể chỉ, chẳng thể nói, ấy gọi là thật. Nơi hai việc ấy, trong rốt ráo không, Như Lai không thể có được, trong thật tướng phá rốt ráo không, Như Lai cũng không thể có được. Rốt ráo không tức là tướng không nhiếp thọ, thật tướng phá rốt ráo không tức là như như. Từ đây trở đi, nói rộng hai nghĩa. Nơi năm uẩn cho đến Trí nhất thiết chủng, Như Lai không thể có được, vì Như Lai không thể có được, làm sao sẽ có thần lực Như Lai? Như Lai không thể có được, như trên đã nói. Năm uẩn chẳng phải Như Lai, lìa năm uẩn chẳng phải Như Lai, năm uẩn không ở trong Như Lai, Như Lai không ở trong năm uẩn, Như Lai cũng chẳng có năm uẩn; tướng năm uẩn sinh diệt vô thường, khổ, không, vô ngã, nên chẳng phải là Như Lai, nếu là Như Lai thời Như Lai cũng phải sinh diệt.

*Lại nữa, năm uẩn là năm pháp, Như Lai là một, làm sao năm pháp làm một? Nếu năm tức là một, một cũng phải tức là năm? Nếu như vậy, pháp thế gian, pháp xuất thế gian đều bị rối loạn, hư hoại. Do các nhân duyên như vậy nên năm uẩn chẳng phải Như Lai. Nếu lìa năm uẩn có Như Lai, thời Như Lai phải không có thấy, không có nghe, không có biết, không có hiểu, cũng không có cảm giác khổ vui, vì cớ sao? Vì tri giác là pháp của năm uẩn.

Hỏi: Như Lai dùng mắt, tai, trí tuệ, thấy biết được thì có lỗi gì?

Ðáp: Hay thấy là mắt, chẳng phải Như Lai. Nếu Như Lai chẳng phải là tướng hay thấy, dùng mắt mới thấy được, vậy khi chưa tiếp nhận sắc, làm sao biết dùng mắt để thấy? Và như thế thì cũng có thể dùng tai thấy chứ!

Hỏi: Như Lai dùng trí tuệ phân biệt có thể biết, mắt có thể thấy, các căn khác không thể thấy, vì vậy nên dùng mắt mà không dùng các căn khác?

Ðáp: Biết cũng có lỗi như mắt, vì biết là việc của năm uẩn, chẳng phải là Như Lai. Nếu dùng cái biết để biết mắt, vậy lại dùng gì để biết cái biết đó?

Hỏi: Như Lai dùng biết để biết mắt, dùng mắt để biết sắc, nếu muốn biết Như Lai thời lấy gì biềt được? Nếu lấy Như Lai biết Như Lai, ấy thời vô cùng?

Ðáp: Tướng biết ở trong biết. Như Lai nếu biềt tức là tướng biết. Nếu là tướng biết thời là vô thường, nếu vô thường thời không có đời sau!

*Lại nữa, lìa năm uẩn có Như Lai thời Như Lai lý đáng phải là thường; như tướng hư không, không nên biến khác, chịu khổ chịu vui; cũng nên không có trói, không có mở v.v... Có các sai lầm như vậy, phá dị biệt nên năm uẩn chẳng ở trong Như Lai, Như Lai chẳng ở trong năm uẩn, cũng chẳng phải Như Lai có năm uẩn.

Hỏi: Lẽ đáng do nhân duyên năm uẩn nên có Như Lai, nếu không có năm uẩn thời không có Như Lai?

Ðáp: Nếu do nhân duyên năm uẩn có Như Lai thời Như Lai không có tự tánh; nếu không có tự tánh thời đâu từ tha tánh sinh được! Trong năm uẩn tìm nơi mỗi uẩn không thể có được Như Lai, vì thế nên không có Như Lai; chỉ do hý luận nên nói Như Lai, vì dứt hý luận nên không có Như Lai. Như Lai là pháp chẳng sinh chẳng diệt, làm sao dùng hý luận mà tìm Như Lai? Nếu dùng hý luận tìm Như Lai thời không thấy Như Lai. Nếu cho hoàn toàn không có Như Lai, thời rơi vào tà kiến. Thế nên nếu dùng hý luận có hay không có mà tìm Như Lai thời không đúng. Tướng Như Lai tức là tướng tất cả pháp, tướng tất cả pháp tức là Như Lai; tướng Như Lai tức là tướng rốt ráo không, tướng rốt ráo không tức là tướng tất cả pháp.

Hỏi: Trong đấy cớ sao chỉ nói hai việc, là nói trong năm uẩn như như không có Như Lai như như, trong Như Lai như như không có năm uẩn như như?

Ðáp: Ðây là nói lược. Nói hai thời cả năm việc đều thu nhiếp.

Lại nữa, hai mươi ngã kiến (Sắc là ngã, ngã là sắc, sắc lớn ngã nhỏ, ngã ở trong sắc, ngã lớn sắc nhỏ, sắc ở trong ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy – ND), tuy tất cả phàm phu đều có nhưng không thể khởi lên một lần. Nay trong hội này, mê lầm hai việc ấy, nên chỉ nói hai việc, như năm uẩn, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy; tướng pháp năm uẩn cho đến tướng pháp Trí nhất thiết chủng cũng như vậy. Năm uẩn như như tức là pháp tướng.

Hỏi: Nếu như như tức là pháp tướng, cớ sao nói lập lại?

Ðáp: Hành giả khi biết đến năm uẩn như như, tâm kinh sợ rằng cớ sao pháp tướng rốt ráo không, không có gì? Vì thế nên nói pháp tướng năm uẩn tự nó như vậy, như người đụng lửa cháy tay thời không có tâm giận, vì biết tướng lửa tự nó như vậy. Nếu người chấp lửa đốt thời sẽ oán giận, vì nó chấp lửa đốt.

Như Lai nói năm uẩn như như, nói pháp tướng năm uẩn chẳng hợp chẳng tán(chẳng phải tương ưng, chẳng phải không tương ưng) là trừ năm uẩn như như không có Như Lai, thời là một tướng, tức là vô tướng, vì cớ sao? Vì một pháp thì chẳng hợp chẳng tán; có hai pháp nên mới có hợp có tán; lìa pháp tướng năm uẩn cũng không có hợp có tán, vì cớ sao? Vì lìa pháp tướng năm uẩn, Như Lai không thể có được. Pháp tướng Như Lai như như và pháp tướng năm uẩn như như, không hai không khác. Lìa năm uẩn như như, năm uẩn pháp tướng, cũng chẳng hợp chẳng tán, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Biết được pháp tướng như như như vậy, chẳng hợp chẳng tán, nên có thần lực ấy.

Nên tìm ở chỗ nàolà từ trước lại đây, nhân nơi thần lực của Phật nói tướng Bát nhã, ở đây nói thẳng làm sao tìm Bát nhã. Luận giả nói: Năm uẩn hư dối vô thường, trước không nay có, có rồi lại không, như huyễn như mộng, Bát nhã ba la mật là trí tuệ của chư Phật, làm sao lại tìm trong năm uẩn? Thí như tìm ngọc báu chắc chắn phải tìm trong biển lớn, núi báu, chớ không thể tìm ở chỗ khe rãnh xú uế. Lìa năm uẩn thời không sinh không diệt, không làm không khởi lên, không có pháp tướng, trong đó làm sao có thể tìm?

*Lại nữa, năm uẩn và Bát nhã ba la mật chẳng một chẳng khác, chẳng hợp chẳng tán, không sắc không hình, không đối, một tướng tức là vô tướng.

Hỏi: Bát nhã ba la mật là tâm số pháp trí tuệ (tuệ tâm sở) nên có thể là không sắc, không hình, không đối, còn sắc uẩn trong năm uẩn, làm sao nói là không sắc, không hình, không đối?

Ðáp: Thánh nhân dùng tuệ nhãn quán các pháp bình đẳng đều không, một tướng tức là vô tướng, vì vậy nên sắc uẩn không hình, không đối.

Lại nữa, sắc của người phàm phu thấy chẳng phải thật, như trước đã phá.

*Lại nữa, có nhân duyên, Bát nhã ba la mật thấy năm uẩn không như người phàm phu thấy, vì phá năm uẩn của người phàm phu thấy, tức là Bát nhã ba la mật, nên nói chẳng lìa. Cho đến Trí nhất chủng cũng như vậy, tướng như như, tướng pháp tướng như trước đã nói.

KINH:Thích đề hoàn nhơn nói với Tu bồ đề: Ma ha ba la mật ấy là Bát nhã ba la mật của Bồ tất ma ha tát; vô lượng Ba la mật , vô biên Ba la mật là Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát. Các Tu đà hoàn, quả Tu đà hoàn, từ nơi Bát nhã ba la mật ấy học thành, cho đến các A la hán, quả A la hán, các Bích chi Phật, đạo Bích chi Phật, các Bồ tát ma ha tát, đều từ nơi Bát nhã ba la mật ấy học thành. Việc thành tựu chúng sinh tịnh quốc độ Phật, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đều từ Bát nhã ba la mật ấy học thành.

Tu bồ đề nói với Thích đề hoàn nhơn rằng: Như vậy, như vậy! Kiều thi ca! Ma ha ba la mật ấy là Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát ; vô lượng Ba la mật, vô biên Ba la mật là Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát từ trong ấy học thành, quả Tu đà hoàn, cho đến quả A la hán, đạo Bích chi Phật, các Bồ tát ma ha tát từ trong Bát nhã ba la mật ấy học thành, việc thành tựu chúng sinh, tịnh quốc độ Phật, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đã được, nay được, sẽ được.

Kiều thi ca! Sắc lớn nên Bát nhã ba la mật cũng lớn, vì sao? Vì sắc ấy tiền tế (đời trước) không thể có được, hậu tế không thể có được, trung tế không thể có được. Thọ, tưởng, hành, thức lớn nên Bát nhã ba la mật cũng lớn, vì sao? Vì thọ, tưởng, hành, thức, tiền tế không thể có được, hậu tế không thể có được, trung tế không thể có được, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Do nhân duyên ấy, Kiều thi ca! Ma ha ba la mật ấy là Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát.

Kiều thi ca! Sắc vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng, vì sao? Vì sắc lượng không thể có được. Kiều thi ca! Thí như hư không lượng không thể có được, sắc cũng như vậy, lượng không thể có được. Hư không vô lượng nên sắc vô lượng; sắc vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng; thọ, tưởng, hành, thức cho đến Trí nhất thiết chủng vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng, vì sao? Vì Trí nhất thiết chủng vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng, vì sao? Vì Trí nhất thiết chủng, lượng không thể có được; thí như hư không, lượng không thể có được. Trí nhất thiềt chủng cũng như vậy, lượng không thể có được. Hư không vô lượng nên Trí nhất thiết chủng vô lượng, Trí nhất thiết chủng vô lượng nên Bát nhã ba la mật vô lượng. Do nhân duyên ấy, nên Bát nhã ba la mật của Bồ tàt ma ha tát vô lượng.

Kiều thi ca! Sắc vô biên nên Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát vô biên, vì sao? Kiều thi ca! Vì sắc ấy tiền tế không thể có được, hậu tế không thể có được, trung tế không thể có được; thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên, vì sao? Vì thọ, tưởng, hành, thức tiền tế, hậu tế, trung tế đều không thể có được, cho đến Trí nhất thiết chủng vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên, vì sao? Vì Trí nhất thiết chủng tiền, hậu, trung tế không thể có được. Do nhân duyên ấy, Kiều thi ca! Bát nhã ba la mật vô biên, sắc vô biên, cho đến Trí nhất thiết chủng vô biên.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Duyên vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên.

Tu bồ đề! Thế nào là duyên vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên?

Tu bồ đề đáp: Duyên hết thảy pháp vô biên, nên Bát nhã ba la mật vô biên.

Thế nào là duyên hết thảy pháp vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên?

Tu bồ đề đáp: Duyên pháp tánh vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Duyên như như vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên.

Thích đề hoàn nhơn hỏi: Làm sao duyên như như vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên?

Tu bồ đề đáp: Như như vô biên, nên duyên cũng vô biên, duyên vô biên nên như như cũng vô biên. Do nhân duyên ấy, Bát nhã ba la mật của Bồ tát ma ha tát vô biên.

*Lại nữa, Kiều thi ca! Chúng sinh vô biên, nên Bát nhã ba la mật vô biên.

Thích đề hoàn nhơn hỏi Tu bồ đề: Thế nào là chúng sinh vô biên, nên Bát nhã ba la mật vô biên?

Tu bồ đề đáp: Ý ông nghĩ sao? Những pháp gì gọi là chúng sinh?

Thích đề hoàn nhơn đáp: Không có pháp gọi là chúng sinh, giả danh nên gọi là chúng sinh, danh tự ấy vốn không có pháp, cũng không chỗ xu hướng, chỉ gượng làm danh tự.

Kiều thi ca! Ý ông nghĩ sao? Trong Bát nhã ba la mật nói chúng sinh có thật chăng?

Thích đề hoàn nhơn đáp: không.

Kiều thi ca! Nếu Bát nhã ba la mật không nói thật, thời chúng sinh vô biên cũng không thể có được.

Kiều thi ca! Ý ông nghĩ sao? Phật sống hằng hà sa kiếp nói chúng sinh, danh tự chúng sinh, vả lại có thể có pháp chúng sinh có sinh có diệt chăng?

Thích đề hoàn nhơn đáp: Thưa không, vì sao? Vì chúng sinh từ xưa lại đây thường thanh tịnh.

Do nhân duyên ấy, Kiều thi ca! Chúng sinh vô biên, nên biết Bát nhã ba la mật cũng vô biên.

LUẬN. Hỏi: Thích đề hoàn nhơn là người Tu đà hoàn làm sao hỏi được Bát nhã ba la mật sâu xa?

Ðáp: Như Tu bồ đề, là vị A la hán hoàn toàn mà vì lợi ích cho Bồ tát, thương xót chúng sinh nên hỏi việc của Bồ tát làm. Thích đề hoàn nhơn tuy là người Thanh văn, là thiên chủ của các trời, có trí tuệ lanh lợi, thương xót chúng sinh nên hỏi Bát nhã ba la mật cũng như vậy.

*Lại nữa, có người nói: Trong ba ngàn đại thiên thế giới, có trăm ức Thích đề hoàn nhơn. Trong kinh Trung A hàm nói Thích đề hoàn nhơn là người dược quả Tu đà hoàn, khác với Thích đề hoàn nhơn ở đây. Thích đề hoàn nhơn ở đây là đại Bồ tát, vì thương xót chúng sinh nên ba cách tán thán Bát nhã ba la mật, là Ma ha ba la mật, vô lượng ba la mật, vô biên ba la mật là Bát nhã ba la mật. Vì từ trong Bát nhã ba la mật ấy học thành các Thánh đạo. Tu bồ đề nhận lời tán thán của Thích đề hoàn nhơn đúng mà giải rộng lời tán thán đó, bằng cách nói năm uẩn lớn nên Bát nhã ba la mật lớn.

Năm uẩn lớnlà tìm ở ba đời (tam tế) đều không thể có được, cũng vì vô lượng vô biên nên gọi là lớn. Phá vô lượng vô biên năm uẩn ấy mà đưa chúng sinh vào Vô dư Niết bàn nên nói Bát nhã ba la mật lớn, cho đến Trí nhất thiết chủng cũng như vậy.

Vô lượngcũng như vậy, chỉ vì dùng hư không để thí dụ là khàc. Có pháp tuy lớn mà không hẳn vô lượng, thế nên không được lấy hư không để ví dụ... Như núi Tu di tuy lớn giữa các núi mà có hạn lượng, khoảng 84.000 do tuần.

Vô biên là, vì năm uẩn rộng lớn vô lượng cho nên nói vô biên; cũng vì năm uẩn có biên, thời còn có thỉ, có thỉ thời có chung, tức là không nhân không duyên, bị rơi vào các sai lầm chấp đoạn diệt.

*Lại nữa, năm uẩn tìm ở trong ba đời đều không thể có được, nên nói là vô biên.

Duyên vô biênlà tất cả pháp có bốn duyên là nhân duyên, sinh tất cả pháp hữu vi; thứ đệ duyên, là tâm tâm số pháp quá khứ hiện tại; duyên duyên tăng thượng duyên là chỉ tất cả pháp. Bốn duyên ấy ở tất cả chỗ, tất cả thời đều có nên nói là duyên vô biên. Duyên vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên.

*Lại nữa, duyên vô biên là bốn duyên hư dối không thật, rốt ráo không, cho nên vô biên.

*Lại nữa, duyên như như, pháp tánh, thật tế vô biên, nên Bát nhã ba la mật vô biên. Như như, pháp tánh, thật tế là tướng vô vi tự nhiên nên vô lượng vô biên. Năm uẩn vô biên là do sức tu quán cưỡng làm nó vô biên.

Lại nữa, chúng sinh vô biênlà vì chúng sinh nhiều. Vô lượng vô số chúng sinh trong ba đời mười phương, không ai có thể đếm biết được, nên nói vô biên.

*Lại nữa, trong đây nói chúng sinh không, nên nói là vô biên, chỉ cưỡng đặt tên.

Cũng không chỗ thú hướng là vì chúng sinh có định pháp có thể thú hướng; như lửa định có chỗ thú hướng, còn danh tự chúng sinh không thật có chúng sinh có thể thú hướng.

- Ý ông nghĩ sao? Trong Bát nhã ba la mật, có thể nói thật có chúng sinh chăng?

- Thưa không, bạch Ðại đức!

- Nếu chúng sinh thật không có, thời làm sao có biên?

Như chư Phật là bậc đệ nhất trong tất cả người nói thật, sống trong vô lượng hằng hà sa kiếp nói danh tự chúng sinh, mà pháp chúng sinh ấy không vì nói mà có sinh có diệt, huống gì các người khác điên đảo hư dối, chỉ nói một lúc? Vì làm phát sinh tâm ta, nên sẽ có chúng sinh thật. Chúng sinh ấy không vì đưa vào Bát nhã ba la mật nên nói không có, mà chính từ xưa lại đây, thường thanh tịnh, không có, hý luận nói có nói không đều dứt.Vì vậy nên nói chúng sinh vô biên nên Bát nhã ba la mật vô biên.

Hỏi: Sao đối với vô biên lại nói rộng, còn lớn và vô lượng thì nói lược?

Ðáp: Do nhân duyên chúng sinh mà nói. Kẻ phàm phu khởi các phiền não, đối với năm uẩn sinh các tà kiến khó phá, cho nên nói rộng, nếu phá chấp tướng chúng sinh, thời các tướng khác dễ phá.

(Hết cuốn 55 theo bản Hán)

--o0o --
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]