Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Bảy

16/04/201317:17(Xem: 9796)
Phẩm Bảy

Kinh Tiểu Bộ

Phẩm Bảy

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(LXI) Vappa (Thera. 9)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavàthu, con Bà-la-môn Vàsetha. Khi nghe Tu sĩ Asìta đoán tướng Thái tử Siddhatta sẽ thành đạo, Vappa cùng bốn người con Bà-la-môn với Kondannà (Kiều Trần Như) là người dẫn đầu, trở thành những người Tu sĩ. Khi Thái tử tu khổ hạnh trong sáu năm, Vappa với bốn người bạn cùng đồng tu khổ hạn. Về sau khi Thái tử thôi tu khổ hạnh, năm vị này chán nản đi về Isipatana. Sau khi đức Phật thành đạo và Chuyển pháp luân ở Isapatana, Vappa với bốn người bạn được cảm hóa và đến ngày thứ năm cả năm vị đều chứng quả A-la-hán. Suy tư trên sự hùng lực của bậc Đạo Sư, sự mù quáng của thế giới, và như thế nào thánh quả đem lại chánh trí, ngài nói lên bài kệ:

61. Vị đã thấy, thấy được,
Người thấy, người không thấy,
Vị không thấy, không thấy,
Người không thấy, người thấy.

(LXII) Vajji-Putta (Thera. 10)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình vị nghị sĩ và được gọi là con của Vajji. Ngài thấy uy nghi đức độ của bậc Đạo Sư khi bậc Đạo Sư đến Vesàli. Ngài khởi lòng tin và xuất gia sau thời kỳ làm Sa-di, ngài ở trong một ngôi rừng gần Vesàli. Một ngày lễ được tổ chức ở Vesàli có hát, có nhạc, có múa và mọi người hoan hỷ tham gia ngày lễ, tiếng ồn làm vị Tỷ-kheo dao động. Ngài bỏ chỗ tịnh cư của ngài, dừng nghỉ tu tập thiền quán và nêu rõ sự yểm ly của mình trong câu kệ:

Một mình chúng tôi sống,
Trong rừng núi hoang vu,
Như khúc gỗ bị quăng,
Bỏ rơi trong rừng núi,
Như vậy ngày tháng qua,
Ngày này tiếp ngày khác,
Còn có ai bất hạnh,
Hơn bất hạnh chúng tôi.

Một Thiên nhân trong rừng nghe vậy, thương xót vị Tỷ-kheo, nên đến trách vị Tỷ-kheo: 'Này Tỷ-kheo, dầu Ông có khinh thường đời sống trong rừng núi, nhưng những vị sáng suốt muốn sống thanh tịnh đều nói nhiều đến núi rừng'.

Thiên nhân ấy nói lên bài kệ tán thán đời sống ở rừng núi:

62. Một mình chúng tôi sống,
Trong rừng núi hoang vu,
Như khúc gỗ bị quăng,
Bỏ rơi trong rừng núi,
Nhưng nhiều người thương mến,
Đời sống ấy của ta,
Như kẻ đọa địa ngục,
Ưa đón cảnh thiên giới.

Rồi vị Tỷ-kheo, như con ngựa hay được thúc đẩy, ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nghĩ: 'Bài kệ của Thiên nhân đã thúc đẩy ta'. Và ngài đọc lại bài kệ ấy.

(LXIII) Pakkha (Thera. 10)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh thuộc dòng họ Thích-ca, thành Devadahi, trong gia đình vua chúa Thích-ca và được gọi là thanh niên Sangmoda. Nhưng khi còn nhỏ, ngài bị bệnh tê thấp, có khi bước đi như người bị què, vì vậy được tên là Pakkha (vị què quặt) và giữ lại tên ấy. Sau khi ngài lành bệnh, ngài có mặt khi đức Phật về thăm gia đình, ngài khởi lòng tin, xuất gia và sống ở trong rừng. Một hôm vào làng khất thực, ngài ngồi dưới một gốc cây, một con diều hâu ngoạm được miếng thịt, bay bổng trên trời cao, các con diều hâu khác bay theo dành cướp lấy miếng thịt, thấy vậy, vị Tỷ-kheo suy nghĩ: 'Các dục ở đời cũng vậy, đầy những đau khổ'. Ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán, ngài nói lên bài kệ tuyên bố chánh trí của ngài:

63. Chúng rơi theo, sà xuống,
Cái đang bị rơi xuống,
Với lòng tham thúc đẩy,
Chúng lại đến, đến nữa.
Bổn phận ta làm xong,
Ta vui thích sung sướng,
Với an lạc, đón mừng,
Ta đón mừng an lạc.

(LXIV) Vimala- Kondanna (Thera. 10)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh là con của Ambapàli và thân phụ ngài là vua Bimbisàra. Ambapàli đặt tên con là Vimala và sau ngài được biết với tên là Vimala-Kondanna. Ngài chịu ảnh hưởng bởi uy nghi đức độ của bậc Đạo Sư, xuất gia và chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài trong bài kệ này:

64. Dưới cờ trắng ta sanh,
Từ nàng tên một cây,
Với cờ đánh đổ cờ,
Lá cờ lớn hủy diệt.

(LXV) Ukkhepakàta vaccha (Thera. 10)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) con một Bà-la-môn thuộc dòng họ Vaccha. Ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp phát tâm xuất gia, sống tại một làng Kosala. Nhờ các Tỷ-kheo đến thăm, ngài thâm hiểu Chánh pháp, nhưng ngài không phân biệt được Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Tuy vậy ngài học hỏi được từ tôn giả Sàriputta, nên có các vị Tỷ-kheo giỏi về Luật tạng hay một bộ phận của ba Tạng, ngài học thuộc lòng cả ba Tạng, trước khi ba Tạng được kiết tập. Sau khi thuộc lòng cả ba Tạng, ngài chứng quả A-la-hán, trở thành vị giảng dạy giáo lý. Một hôm, ngài nói với chính mình như với một người khác trong bài kệ sau đây:

65. Tài sản được chất chứa,
Trải nhiều tháng nhiều năm,
Do Vaccha tác thành,
Nay Vaccha quăng bỏ,
Ngài thuyết giảng như vậy,
Cho các hàng cư sĩ,
Khéo ngồi chỗ trịnh trọng,
Tâm hân hoan rộng lớn.

(LXVI) Meghiya (Thera. 10)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong gia đình một hoàng tộc Thích-ca, được đặt tên là Meghiya (như mây). Lớn lên, ngài xuất gia hầu hạ Thế Tôn, khi Thế Tôn ở Càlikà, trên bờ sông Kimikàlà. Khi thấy một rừng xoài xinh đẹp, ngài muốn sống tại đấy, nhưng hai lần Thế Tôn không chấp nhận, cuối cùng trước lời yêu cầu khẩn khoản, Thế Tôn cho phép. Nhưng ở đấy vì tâm tư bất thiện không chế ngự được, vì bị ruồi muỗi cắn, nên tâm ngài không được định tĩnh và ngài lại về hầu hạ Thế Tôn.

Thế Tôn dạy:

Này Meghiya, khi tâm chưa chín muồi để giải thoát, năm pháp đưa đến tâm trạng ấy và bậc Đạo Sư giáo giới cho ngài. Nhờ đấy Meghiya chứng quả A-la-hán và nói lên chánh trí của mình trong bài kệ này:

66. Bậc Đại hùng giảng dạy,
Vượt qua tất cả pháp,
Ta nghe pháp Ngài dạy,
Sống hoan hỷ cạnh Ngài,
Ba minh đã chứng đạt,
Lời Phật dạy làm xong.

(LXVII) Ekadhamma Savannìya (Thera. 10)

Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sitavyà, trong gia đình một vị nghị sĩ. Khi Thế Tôn đến thăm Sitavyà, và ở tại rừng Singsapa, ngài đến nghe Thế Tôn giảng, đảnh lễ ngồi xuống một bên, Thế Tôn hiểu được tâm tư ngài, dạy pháp cho ngài với câu kệ:

'Các hành là vô thường'.

Và ngài nhờ ảnh hưởng đời trước, thấy sự thật rõ ràng hơn, xuất gia tìm học nghĩa chữ đau khổ, nghĩa chữ vô ngã, triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Vì ngài chỉ nghe một pháp và chỉ nghe một mình mà chứng được thánh quả, nên ngài được tên Ekadhamma Savanìya (vị được nghe một pháp), ngài tuyên bố chánh trí trong bài kệ như sau:

67. Phiền não ta đốt cháy,
Mọi hữu được nhổ lên,
Đường luân hồi đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.

(LXVIII) Ekudàniya (Thera. 10)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị nghị sĩ giàu có. Khi lớn lên, ngài thấy được uy đức của đức Phật khi được dâng cúng rừng Jeta (Kỳ Viên), ngài xuất gia từ bỏ gia đình, làm bổn phận người Sa-di, sống trong rừng, ngài đến đức Phật để học hỏi. Khi ấy Thế Tôn thấy Sàriputta đang ngồi thiền định gần ngài nên nói lên câu kệ này:

'Tâm tăng thượng ẩn sĩ'.

Ngài nghe câu kệ này, nên về rừng sâu chỉ lập đi lập lại câu kệ này, đến nỗi người ta đặt tên ngài là Ekuddàniyo (vị thuộc một câu kệ).

Một ngày kia, tâm tư ngài được định tĩnh với thiền quán triển khai, ngài chứng quả A-la-hán sống trong an lạc giải thoát, ngài được Tôn giả Sàriputta mời đến để trình bày sự thành đạt của mình, ngài nói lên bài kệ này:

68. Tâm tăng thượng ẩn sĩ,
Không phóng dật, tu tập,
Trên con đường chánh trí,
Vị ấy không sầu muộn,
Luôn luôn được an tịnh,
Thường nắm giữ chánh niệm.

Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.

(LXIX) Channa (Thera. 10)

Khi Thế Tôn còn sống trong gia đình vua Suddhodana (Tịnh Phạn), ngài xuất thân từ con một người nô lệ và được đặt tên là Channa. Sống đồng thời với đức Phật, ngài khởi lòng tin đức Thế Tôn, khi bậc Đạo Sư về thăm lại gia đình, rồi ngài xuất gia. Vì lòng thương mến Thế Tôn, vì tự phụ tự đắc đối với 'đức Phật của chúng ta, giáo pháp của chúng ta' ngài không thể chinh phục khuyết điểm này và không làm tròn bổn phận của một người Sa-di, khi Thế Tôn mệnh chung, theo lời dặn của Thế Tôn cần phải phạt nặng Channa, ngài xấu hổ, chế ngự được khuyết điểm này, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Sung sướng với quả chứng của mình, ngài nói lên sự sung sướng của mình trong bài kệ như sau:

69. Sau khi nghe Chánh pháp,
Vị ngọt lớn pháp lớn,
Do nhất thiết thắng trí,
Thuyết giảng và trình bày,
Ta dấn thân trên đường,
Đường đưa đến bất tử,
Ngài thật bậc thiện xảo,
Con đường diệt khổ ách.

(LXX) Punna (Thera. 11)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Sunàparanta, tại hải cảng Suppàraka, trong nhà một thị dân tên Punna (Phú-lâu-na). Đến tuổi trưởng thành, ngài đi với một đoàn thương gia đến Sàvatthi, khi bậc Đạo Sư cũng ở đấy. Ngài đi nghe Thế Tôn thuyết pháp tại ngôi tinh xá cùng với các cư sĩ địa phương, ngài khởi lòng tin rồi xuất gia. Và trong một thời gian, ngài rất được quý mến giữa các vị giáo thọ sư, bởi ngài tài giỏi về biện luận. Một ngày kia, ngài đến bậc Đạo Sư, nhờ bậc Đạo Sư giảng dạy để có thể đi Sunàparanta giảng dạy và an trú tại đấy. Đức Phật rống tiếng rống con sư tử bảo ngài: 'Này Punna, có những pháp do con mắt nhận thức....' Rồi Punna ra đi, tu tập thiền định trí tuệ, chứng được Ba minh. Khi ngài chứng quả A-la-hán, ngài giáo hóa được nhiều người theo đạo, hơn năm trăm nam cư sĩ và nữ cư sĩ.

Khi ngài sắp mệnh chung. Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:

70. Ở đây chỉ có giới,
Là pháp thật tối thượng,
Nhưng vị nào có tuệ,
Vị ấy là vô thượng,
Vị đủ giới và tuệ,
Chiến thắng giới Nhân, Thiên.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]