Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V - Phẩm Năm Kệ

16/04/201312:13(Xem: 8939)
Chương V - Phẩm Năm Kệ

Kinh Tiểu Bộ

Chương V - Phẩm Năm Kệ

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

(CXCVIII) Ràjadatta (Thera. 37)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình của những người lữ hành, cha mẹ gọi ngài là Ràjadatta (Vua ban cho), vì rằng sinh được ngài là nhờ cha mẹ cầu nguyện Vesavana, một vị thiên thần hư không. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài một lần dẫn năm trăm cỗ xe hàng hóa đến Ràjagaha (Vương Xá); tại đấy ngài tiêu tất cả tiền, tiêu một ngàn đồng cho một kỹ nữ đẹp, đến nỗi ngài hết cả tiền, không có đủ ăn, phải đi lang thang trong đói khổ. Rồi ngài đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) với các cư sĩ khác, tại đấy bậc Đạo Sư đang thuyết pháp với một thính chúng rất lớn. Rồi Rajadatta, ngồi ở phía ngoài thính chúng nghe, khởi lòng tin và xuất gia. Thực hành hạnh đầu đà, ngài sống trong một nghĩa địa.

Rồi một nhà lữ hành khác cũng tiêu hết một ngàn đồng cho người kỳ nữ, nhưng trên tay người này có một chiếc nhẫn rất có giá trị và người kỹ nữ thèm muốn lấy chiếc nhẫn. Nàng cho người đánh cắp. Nhưng người hầu hạ của người lữ hành tin cho cảnh sát biết, đến lục soát nhà nàng giết nàng và quăng thân nàng trong nghĩa địa.

Trưỏng lão Rajadatta, đang đi tìm một đối tượng để quán tưởng, thấy được thi hài của người kỹ nữ. Ngài tập trung tư tưởng, nhưng các phần thi hài nàng chưa bị chó hay chó rừng ăn, làm ngài dao động và chi phối ngài. Ngài lấy làm ảo não buồn phiền, lánh xa đi một lúc rồi lại bắt đầu tự mình khích lệ, tu thiền, phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.

Rồi suy tư trên thành công của mình, cảm thấy hoan hỷ phấn khởi, ngài nói:

314. Một Tỷ-kheo đi đến
Tại một bãi tha ma,
Thấy thân một đàn bà,
Bị quăng tại chỗ ấy,
Vất bỏ trong nghĩa địa,
Làm mồi cho sâu ăn.


315. Có kẻ sinh nhàm chán,

Thấy thân chết khốn nạn,
Trong ta, dục tham hiện,
Như mù, ta bị trói.


316. Mau hơn cơm sôi trào,

Chỗ ấy, ta đi thoát,
Chánh niệm, ta tỉnh giác,
Ta đến, ngồi một bên.


317. Rồi ta tự ý tác,

Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú.


318. Và tâm ta giải thoát,

Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

(CXCIX) Subhùta (Thera. 37)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân ở Magadha, tên là Subhùta, ngài không thể sống trong gia đình, nên bỏ nhà làm nguời du sĩ. Không thấy trong bộ phái của mình cái gì là chân lý và thấy Upatissa, Kolita, Sela sống hạnh phúc hoan hỷ sau khi tu hành, ngài khởi lòng tin giáo lý đức Phật và xin xuất gia. Sau khi lấy được cảm tình các vị giáo thọ sư và truyền pháp sự, ngài vào nhập thất với một đề tài thiền quán. Nhờ phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán.

Rồi ngài tuyên bố chánh trí của ngài bằng cách ôn lại sự đau khổ khi tu hành và sự hoan hỷ khi ngài được tu thiền, ngài nói lên bài kệ:

319. Đặt mình vào tại chỗ,
Không được cho thích đáng,
Một người muốn làm việc,
Nhưng không được thành tựu
Như vậy công việc ấy,
Được xem bị thất bại.


320. Nếu từ bỏ phần thắng,

Gốc khổ được rút lên,
Nó giống kẻ đánh bạc,
Vận rủi quăng con bài,
Nếu nó quăng tất cả,
Nó chẳng khác người mù,
Không nhìn thấy con đường,
Bằng phẳng, không bằng phẳng.


321. Hãy nói điều có làm,

Không nói điều không làm,
Bậc Hiền trí rõ biết,
Người chỉ nói không làm.

322. Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc nhưng không hương,
Cũng vậy lời khéo nói,
Có làm, có kết quả.


323. Như bông hoa tươi đẹp,

Có sắc lại không hương,
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm không kết quả.

(CC) Girimànanda (Thera. 38)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) con trai của vị cố vấn nghi lễ cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la). Ngài thấy uy lực và uy nghi của đức Phật khi đức Phật dự hội ở Ràjagaha, và xin xuất gia. Trong thời kỳ học tập, ngài sống trong một thời gian tại một ngôi làng rồi trở lui lại thành phố để đảnh lễ Đức Phật. Vua Bimbisàra nghe tin ngài tới, đến yết kiến ngài và nói ngài hãy ở lại đây, vua xin lo liệu tất cả. Vì vua nhiều việc nên quên đi lời hứa, và ngài phải sống giữa trời. Và thần mưa không mưa sợ làm ngài ướt. Rồi vua Bimbisàra, thấy trời hạn hán nên xây dựng một am thất cho ngài. Và ngài sống trong am thất ấy cố gắng tu hành tinh tấn, quyết tâm nỗ lực, tu tập thiền định, thiền quán, chứng được quả A-la-hán. Rồi hoan hỷ với sự kiện này, ngài nói lên lời chánh trí của ngài trong khi trời bắt đầu đổ mưa.

324. Trời mưa như bài ca,
Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, được che chở,
Tại đấy ta an trú,
Thoải mái và an tịnh,
Thần mưa, nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.


325. Trời mưa như bài ca

Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, được che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư thật tịnh chỉ,
Thần mưa, nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.


326. Trời mưa như bài ca,

Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, đuợc che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư, ly tham ái,
Thần mưa nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.


327. Trời mưa như bài ca,

Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc được che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư ly sân hận,
Thần mưa nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.


328. Trời mưa như bài ca,

Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, được che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư ly si mê,
Thần mưa nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.

(CCI) Sumana (Thera. 38)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân, ở Kosala, tên là Sumana, ngài lớn lên trong hoàn cảnh may mắn. Anh mẹ ngài trở thành vị A-la-hán, sống ở trong rừng, và khi Sumana đến tuổi trưởng thành, cậu ngài cho ngài xuất gia và trao cho ngài đề tài để thiền quán về phía giới hạnh. Cuối cùng, khi Bốn thiền và Năm thắng trí đã chứng được, vị Trưởng lão chỉ cho ngài phương pháp thiền quán, và nhờ vậy ngài chứng quả A-la-hán. Khi đi đến người cậu của ngài, ngài được hỏi về sự thành công và ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:

329. Điều giáo thọ sư muốn,
Tôi biết trong chánh pháp,
Với tôi mong bất tử,
Điều phải làm, làm xong.


330. Pháp tôi đạt, tự chứng,

Không phải chỉ nghe suông,
Trí tôi được thanh tịnh,
Không còn có nghi ngờ,
Mong tôi đứng gần ngài,
Nói lên điều xác chứng.


331. Tôi biết các đời trước,

Thiên nhãn tôi thanh tịnh,
Mục đích tôi đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.


332. Học tập, không phóng dật,

Khéo nghe lời ngài dạy,
Mọi lậu hoặc, tôi đoạn,
Nay không còn tái sanh.


333. Ngài giảng tôi thánh giới,

Từ mẫn ngài hộ trì.
Ngài dạy, không vô ích,
Tôi đệ tử học ngài.

(CCII) Vaddha (Thera. 38)

Sanh trong đời đức Phật hiện tại, tại thành Dhamkaccha trong một dòng họ thường dân, ngài được đặt tên là Vaddha. Khi lớn lên, mẹ ngài cảm thấy âu lo vì vấn đề tái sanh và chết, giao con lại cho bà con, rồi bà xuất gia giữa các Tỷ-kheo-ni. Sau bà trở thành một vị A-ha-hán. Con bà, cũng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Veludanta, học lời dạy đức Phật, trở thành một pháp sư giỏi có tiếng. Một hôm, suy nghĩ đến trách nhiệm của mình, ngài nghĩ: 'Nay ta sẽ đến thăm mẹ ta một mình và không đắp y ngoài'. Rồi ngài đi đến trú xứ các Tỷ-kheo-ni. Mẹ ngài thấy ngài vậy, chỉ trích ngài sao đi đến trú xứ Tỷ-kheo-ni một mình và không đắp y ngoài. Ngài nhận thấy mình có lỗi, trở về tinh xá, ngồi trong phòng thiền định và chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của ngài, nhờ lời chỉ trích của mẹ ngài:

334. Lành thay, bà mẹ ta,
Kích thích, khích lệ ta,
Nghe lời dạy của bà,
Được dạy bởi bà mẹ,
Ta tinh cần, tinh tấn,
Chứng Bồ-đề vô thượng.


335. Ta xứng được cúng dường,

Ba minh, thấy bất tử.
Ta chứng quả La-hán,
Xứng đáng được cúng dường,
Ba minh đã chứng đạt,
Thấy được quả bất tử,
Chiến thắng quân Ma vương,
Ta sống, không lậu hoặc.


336. Các lậu hoặc, nội, ngoại,

Trước đã có trong ta,
Tất cả bị nhổ sạch,
Không còn khởi tên nữa.


337. Bà chị tâm nhu thuận,

Nói lên ý nghĩa này,
Trong con và trong ta,
Cỏ rừng không còn nữa.


338. Khổ đã được chấm dứt,

Thân này thân cuối cùng,
Đường sanh tử đứt đoạn,
Nay không còn tái sanh.

(CCIII) Nadikassapa (Thera. 39)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha (Ma-kiệt-đà), là anh của Kassapa. Ngài thiên hẳn đời sống xuất gia, không ưa thích đời sống gia đình, và ngài trở thành một ẩn sĩ. Với ba trăm đồ chúng, ngài sống một đời sống ẩn sĩ trên bờ sông Neranjarà (Ni-liên-thiền), và do vậy ngài được biết và được gọi là Kassapa ở bên sông (Nadi-Kassapa). Ngài được Thế Tôn giáo hóa cùng với hai anh em, như đã được ghi trong Luật tạng. Sau khi Thế Tôn thuyết kinh Lửa Bốc Cháy, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó, suy tư trên thiền chứng, ngài nói lên chánh trí của mình, bằng cách nhổ lên các sai lầm:

339. Thật lợi ích cho ta
Đức Phật đến tại đây,
Đến con sông tên gọi
Sông Nê-răn-ja-ra,
Ta nghe pháp ngài giảng
Đoạn tận các tà kiến


340. Ta hành lễ tế tự,

Đọc cao lời tế lễ,
Ta đốt lên lửa thiêng,
Đổ cúng dường vào lửa,
Nghĩ rằng ta thanh tịnh,
Ta thật mù, phàm phu.


341. Lang thang rừng tà kiến,

Bị giới cấm, mờ mắt,
Không tịnh, nghĩ thanh tịnh,
Mù lòa, ta không thấy


342. Ta đoạn tận tà kiến,

Mọi sanh hữu phá tan,
Ta đốt lên ngọn lửa,
Xứng đáng được cúng dường,
Ta cúi mình đảnh lễ,
Bậc Như Lai Điều Ngự.


343. Mọi si mê, ta đoạn,

Hữu ái được phá hủy,
Đường sanh tử đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.

(CCIV) Gayà-Kassapa (Thera. 39)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, câu chuyện ngài giống như câu chuyện của Nadì-Kassapa, chỉ khác ngài chỉ có hai trăm đệ tử và sống ở Gayà, ngài nói lên chánh trí bằng cách tán thán tẩy sạch các điều ác như sau:

344. Buổi sáng, trưa, buổi chiều,
Ba lần trong một ngày,
Ta xuống dòng Gà-yà,
Sông Ga-ya-phay-gu.


345. Các điều ác, ta làm

Trong các đời sống trước,
Nay đây ta rửa sạch,
Xưa ta tin là vậy.


346. Nghe lời nói khéo giảng,

Con đường đủ pháp nghĩa,
Với ý nghĩa chân thật,
Ta như lý quán sát.


347. Ta tắm sạch mọi ác,

Ta không uế, trong sạch.
Ta trong sạch thuần tịnh,
Thừa tự bậc trong sạch,
Ta chính là con trai,
Con chính tông đức Phật.


348. Lặn vào dòng Tám chánh,

Ta gột sạch mọi ác,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

(CCV) Vakkali (Thera. 39)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một dòng họ Bà-la-môn và được gọi tên Vakkali. Khi đến tuổi trưởng thành, và học xong ba tập Vệ-đà, trở thành thuần thục trong những thành tích Bà-la-môn, ngài thấy bậc Đạo Sư, ngài nhìn không chán thân hình tuyệt vời của đức Phật, và ngài đi theo bậc Đạo Sư. Khi ngài trở về nhà, ngài nghĩ nếu ở lại nhà, ngài sẽ không có dịp luôn luôn thấy được đức Phật. Do vậy, ngài xuất gia, và từ khi ăn uống và tắm rửa, ngài để toàn thì giờ để chiêm ngưỡng đức Phật. Bậc Đạo Sư, chờ đợi thiền quán của ngài được chín muồi, nên trong một thời gian dài, đức Phật không nói gì. Một hôm đức Phật hỏi: 'Này Vakkali, thân bất tịnh này mà Thầy thấy, đối với Thầy như thế nào? Ai thấy Pháp người ấy tức thấy Ta. Vì rằng thấy Pháp tức là thấy Ta, và thấy ta tức là thấy Pháp'. Nghe lời nói đức Phật, ngài không chiêm ngưỡng thân đức Phật nữa, nhưng ngài chưa bỏ đi xa được. Bậc Đạo Sư nghĩ rằng: 'Tỷ-kheo này, nếu không được xúc động mạnh, sẽ không thức tỉnh', nên vào cuối ngày an cư mùa mưa, đức Phật nói: 'Này Vakkali, hãy đi đi'. Nghe bậc Đạo Sư nói vậy, ngài tự nghĩ ngài phải đi, nhưng nghĩ rằng đời ngài có ý nghĩa gì, nếu không được gặp bậc Đạo Sư, nên ngài có ý định leo lên núi Linh Thứu để gieo mình xuống vực núi tự tử. Đức Phật biết được Vakkali có ý định như vậy, nên sợ ngài phá hoại những điều kiện chứng được thánh quả, nên hiện ra trước mặt ngài và đọc lên bài kệ:

Tỷ-kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc.

Đức Phật đưa tay và nói: 'Hãy đến, này Tỷ-kheo!' Vakkali rất lấy làm sung sướng được nghe lời Phật dạy, thấy được điều gì mình đang làm, đứng trên hư không suy tư đến lời Phật dạy, chứng quả A-la-hán với sự hiểu biết về nghĩa và về pháp. (Đây là những tài liệu được tập sớ của bộ Anguttara Nikàya và tập sớ của Dhammapaca ghi chép lại).

Theo những tài liệu khác, Vakkali chưa chứng quả A-la-hán, sau khi nghe lời dạy của bậc Đạo Sư, ngài ở trên núi Linh Thứu, phát triển thiền quán. Thế Tôn cho ngài một đề tài tu tập, nhưng vì quá đói và bị tê liệt nên ngài không chứng quả được. Biết vậy, Thế Tôn nói với ngài như sau:

349. Bị bệnh gió chi phối,
Thầy sống trong rừng sâu,
Chỗ khất thực hạn chế,
Thân gầy mòn ốm yếu,
Tỷ-kheo sẽ làm gì?
Với thân thể như vậy?

Vị Trưởng lão nói lên sự hân hoan thường xuyên của mình, nhờ được sự an lạc siêu nhân:


350. Thân con được tràn ngập,

Với hỷ lạc tỏa rộng,
Dầu có bị gầy ốm,
Con sẽ sống trong rừng.


351. Tu tập Bốn niệm xứ,

Năm căn và Năm lực,
Tu tập các Giác chi,
Con sẽ sống trong rừng.


352. Con thấy bạn đồng tu,

Sống hòa hiệp, dõng mãnh,
Luôn kiên trì tinh tấn,
Con sẽ sống trong rừng.


353. Tùy niệm Phật thiền định,

Bậc Tối thượng Điều Ngự,
Ngày đêm không biếng nhác,
Con sẽ sống trong rừng.

Khi nói vậy, ngài phát triển thiền quán và ngay khi ấy chứng quả A-la-hán.

(CCVI) Vigitasena (Thera. 39)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ra trong một gia đình huấn luyện voi ở nước Kosala, và được đặt tên là Vigitasena. Những người cậu bên ngoại, Sena và Upasena cả hai đã xuất gia và chứng quả A-la-hán. Vigitasena sau khi đã thuần thục nghề của mình, thấy thần thông song hành của bậc Đạo Sư khởi lòng tin, và theo bản năng tự nhiên, xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của các người cậu. Nhờ các người cậu giảng dạy, ngài đạt đến thiền quán, nhưng tâm trí ngài thiên về lý luận chạy theo những vật bên ngoài, nên ngài giảng dạy cho tâm trí ngài như sau:

354. Ta sẽ chế ngự ngươi,
Như cửa khóa ngăn voi,
Ta sẽ không thúc ngươi,
Này tâm trong điều ác,
Ngươi chính là lưới dục,
Ngươi do thân sanh ra.


355. Chế ngự ngươi không đi,

Như voi, không cửa mở,
Này tâm, kẻ phù thủy,
Dầu ngươi cố gắng mãi,
Ngươi không còn lang thang,
Ưa thích làm điều ác.


356. Như người cầm câu móc,

Ngăn mãi voi chưa thuần,
Như người dùng sức mạnh,
Cải hóa kẻ không muốn,
Cũng vậy đối với ngươi,
Ta sẽ cải hóa ngươi.

357. Như bánh xe tuyệt hảo,
Khéo huấn luyện ngựa hay,
Cũng vậy ta điều ngươi,
Dựa lên trên Năm lực.


358. Ta sẽ cột chặt ngươi,

Với chánh niệm vững chắc,
Tự mình đã chế ngự,
Ta sẽ chế ngự ngươi,
Nhờ sức nặng tinh tấn,
Ngươi được ta áp lực,
Do vậy, hỡi này tâm,
Ngươi sẽ không xa ta.

(CCVII) Yasadatta (Thera. 40)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong dòng họ vua Malla, được đặt tên là Yasadatta, ngài được học ở Takkasilà. Sau khi đi du hành vói du sĩ Sabhiya, cả hai đến Sàvatthi, tại đây hỏi Thế Tôn một số câu hỏi. Yasadatta ngồi nghe những câu trả lời, ý muốn ưa chỉ trích: 'Ta sẽ nêu lên những khuyết điểm trong những câu trả lời của Sa-môn Gotama'. Thế Tôn hiểu tâm tư của Yasadatta, nên sau khi nói kinh Sabhiya, Thế Tôn giáo huấn Yasadatta như sau:

359. Với tâm, muốn chỉ trích,
Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã thắng trận,
Người ấy, thái độ vậy,
Rất xa vời Chánh pháp,
Như đất xa bầu trời.


360. Với tâm muốn chỉ trích,

Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã chiến thắng,
Người ấy thái độ vậy,
Tổn giảm xa Chánh pháp,
Như trăng nửa tháng đen.


361. Với tâm muốn chỉ trích,

Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã chiến thắng,
Người ấy thái độ vậy,
Khô cạn trong diệu pháp,
Như cá mắc nước cạn.


362. Với tâm muốn chỉ trích,

Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã chiến thắng,
Người ấy thái độ vậy,
Không lớn trong diệu pháp,
Như giống thối trong ruộng.


363. Ai tâm tư thỏa mãn,

Nghe bậc Thánh giảng dạy,
Từ bỏ mọi lậu hoặc,
Chứng ngộ không dao động,
Đạt tịch tịnh tối thượng,
Chứng Niết-bàn vô lậu.

(CCVIII) Sonakutikanna (Thera. 40)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Avanti, trong một gia đình rất giàu có, và được đặt tên là Sona. Vì đeo một bông tai đắt giá, ngài cũng được gọi là Koti hay Kutikanna (người có lỗ tai đắt giá). Lớn lên, ngài trở thành một điền chủ, và khi Trưởng lão Mahà Kaccàna ở gần bên nhà, ngài cung cấp các vật dụng nhu yếu, nghe Chánh pháp, cuối cùng cảm thấy dao động, xin xuất gia với Trưởng lão Kaccàna. Rủ thêm mười người một cách khó khăn, ngài xin phép vị Trưởng lão đi đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Được phép ngủ đêm trong chái phòng đức Phật, và buổi sáng được mời tụng đọc, ngài được khen khi đọc mười sáu Athaka. Khi đọc đến câu: 'Thấy sự nguy hiểm của một đời thế tục', ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.

Khi ngài được đức Bổn Sư bằng lòng về ba vấn đề mà vị Trưởng lão Mahà Kaccàna giao cho ngài hỏi, ngài trở về chỗ cũ và thưa lại với bậc giáo thọ sư của mình (Sự kiện này được ghi chép đầy đủ trong tập Udàna và tập sớ Anguttara, nhưng ở đây lại nói ngài chứng quả A-la-hán khi còn học tập với vị giáo thọ sư của mình).

Rồi, trong khi sống, thọ hưởng an lạc giải thoát, ngài ôn lại sự thanh đạt của mình, và với tâm hoan hỷ, ngài nói lên những bài kệ như sau:

364. Ta thọ được đại giới,
Ta giải thoát vô lậu,
Thế Tôn, ta được thấy,
Ta sống chung tinh xá.


365. Thế Tôn, trải nhiều ngày

Sống ngay ở ngoài trời,
Đạo Sư khéo an trú,
Rồi mới vào tịnh xá.


366. Trải y Tăng-già-lê

Gotama nằm xuống,
Như sư tử hang đá,
Đoạn tận mọi sợ hãi.


367. Khéo lựa lời tốt lành,

Đệ tử bậc Chánh Giác,
Trước đức Phật tuyệt hảo,
Sona thuyết diệu pháp.


368. Liễu Tri Năm thủ uẩn,

Tu tập con đường Thánh
Đạt an tịnh tối thượng,
Chứng Niết-bàn vô lậu.

(CCIX) Kosiya (Thera. 41)

Trong thời Đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha và được đặt tên là Sona. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài hay đến nghe Trưởng lão Sàriputta thuyết pháp, tin tưởng ở nơi giáo lý, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ôn lại quá trình giải thoát của mình, ngài tán thán đức hạnh và sức mạnh quyết định hành thiện của các bậc Thánh với những bài kệ sau đây:

369. Ai hiểu những lời dạy
Của các bậc Đạo Sư,
Bậc trí sống an trú,
Phát sanh lòng ái niệm,
Bậc trí có lòng tin,
Biết thù thắng trong Pháp.


370. Vị khi nạn lớn khởi,

Suy tư không tê liệt,
Bậc trí có kiên trì,
Biết thù thắng trong Pháp.


371. Ai vững trú như biển,

Không dục, trí tuệ sâu,
Thấy rõ chân nghĩa lý,
Tế nhị và vi diệu,
Bậc trí trú bất động,
Biết thù thắng trong Pháp.


372. Bậc nghe nhiều, trì Pháp,

Hành pháp và Tùy pháp,
Bậc trí gọi như thị,
Biết thù thắng trong Pháp.


373. Ai hiểu nghĩa lời nói,

Biết nghĩa, hành như thật,
Bậc trí gọi nội nghĩa,
Biết thù thắng trong Pháp.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]