Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. ĐIỀU KIỆN HUÂN TẬP

16/04/201313:49(Xem: 8715)
IV. ĐIỀU KIỆN HUÂN TẬP

成唯識論

LUẬN THÀNH DUY THỨC

Bản dịch Việt

TUỆ SỸ

---o0o---

IV. ĐIỀU KIỆN HUÂN TẬP

Theo ý nghĩa nào mà nói là huân tập? [1]Cái được huân tập và cái huân tập cần hội đủ bốn nghĩa.

1. Sở huân

Bốn nghĩa cho cái được huân tập [2]là gì?

(1) Tính kiên trụ. Tính bền lâu. Pháp mà thủy chung đồng một loại tiếp nối nhau liên tục để duy trì tập khí; pháp ấy chính là cái được huân tập. Ý nghĩa này loại ra các chuyển thức, và âm thanh, gió, v.v., [3]vì tính chất không bền lâu nên chúng không thể bị xông ướp (huân tập).

(2) Tính vô ký. Tính trung hòa. Pháp bình đẳng, không có tính kháng cự khả năng dung nạp tập khí; pháp ấy mới có thể được huân tập. [4]Ý nghĩa này loại ra ngoài các pháp thiện ô nhiễm, do thế lực cường thịnh nên không dung nạp bất cứ cái gì; do đó chúng không thể bị huân tập.

Do ý nghĩa này, thức thứ tám của Như lai, vốn là tịnh thức, duy chỉ mang chứa chủng tử cố cựu chứ không dung nạp sự huân tập mới.

(3) Tính khả huân. Tính hấp thu. Pháp nào có tính tự tại (tự do), không chặt cứng (như đá) để có khả năng dung nạp tập khí, pháp đó mới có thể bị huân tập. Ý nghĩa này lọai ra ngoài tâm sở và vô vi pháp, vì y tha và chặt cứng nên không thể bị huân tập.

(4) Tính cộng đồng hòa hiệp với năng huân. Pháp nào cùng đồng thời và đồng xứ với cái huân tập, pháp ấy mới được huân tập. Ý nghĩa này loại ra ngoài tha thân, sát na trước sau, vốn không có ý nghĩa hòa hiệp nên không thể bị huân tập.

Duy chỉ dị thục thức có đầy đủ bốn ý nghĩa này mới có thể được huân tập, chứ không phải tâm sở các thứ.

2. Năng huân

Bốn tính chất của cái huân tập [5]là gì?

(1) Có tính sinh diệt. Pháp mà không thường hằng, có tác dụng sinh trưởng tập khí; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại ra pháp vô vi; nó không thể là năng huân, vì trước sau không biến đổi, không có tác dụng sinh trưởng.

(2) Có tác dụng ưu thắng. [6]Pháp có tính sinh diệt mà thế lực tăng thịnh để dẫn sinh tập khí; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại ra tâm, tâm sở thuộc dị thục [7]; vì thế lực yếu kém nên chúng không thể là năng huân.

(3) Có tăng giảm. Pháp có tác dụng ưu thắng, lại có tăng có giảm, duy trì tập khí; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại trừ pháp thiện viên mãn nới Phật quả; vì không tăng không giảm nên không thể là năng huân. Nếu nó là năng huân thì không phải là viên mãn; vì như vậy Phật quả trước sau có ưu có khuyết.

(4) Cùng với sở huân hòa hiệp mà chuyển. Nếu cùng với cái được huân tập mà đồng thời, đồng xứ, không tương tức, không tương ly; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại trừ tha thân, sát na tước sau, vốn không có ý nghĩa hòa hiệp; cho nên nó không phải là năng huân.

Duy bảy chuyển thức cùng với các tâm sở của chúng có thế lực, tác dụng nhưng có tăng giảm, đủ bốn nghĩa này mới có thể nói là năng huân.

Cái năng huân và thức được huân tập cùng sinh cùng diệt như vậy, ý nghĩa huân tập được xác chứng. Làm cho chủng tử tăng trưởng trong cái được huân tập, như ướp mùi cho vừng, đó gọi là huân tập.

Thắc năng huân khi sinh khởi từ chủng tử, ngay lúc đó nó làm nhân để huân tập trở lại thành chủng tử. Ba pháp lần lượt, [8]nhân quả đồng thời. Như bấc đèn sinh ngọn lửa. Ngọn lửa đốt trở lại bấc đèn. Cũng như bó lau, các cọng lau nương tựa lẫn nhân. Nhần và quả cùng tồn tại trong một thời; điều này không làm đảo lộn lý tính.

Cái năng huân sản sinh chủng tử; chủng tử phát khởi hiện hành; như nhân câu hữu đạt được quả sĩ dụng. [9]Chủng tử cùng với đồng loại trứoc sau sinh sản nhau, như nhân đồng lọai dẫn đến quả đẳng lưu. [10]Cả hai cái này là nhân duyên tính cho kết quả. Trừ đó ra, các pháp còn lại đều không phải là nhân duyên. Nhưng đặt tên là nhân duyên, nên biết, đó chỉ là giả thuyết.

Như vậy, đã tóm tắt các đặc tướng của chủng tử.



[1]Nhiếp luận thích(TTh) 2 (tr. 328a01): “Luận: Thế nào là huân tập (vāsanā)? …Cái y nơi pháp kia mà cùng sinh cùng diệt; trong đó nó mang tính chất của nhân để sản sinh pháp kia; cái đó là sự huân tập. Như vừng được ướp hoa; vừng và hoa cùng sinh cùng diệt. Vừng mang trong nó cái tự thể làm nguyên nhân cho mùi thơm xuất hiện. Thích: Y nới các pháp tạp nhiễm kia, cùng sinh cùng diệt, thức a-ại-da sản sinh pháp kia, là nhân tính của các pháp. Đó gọi là huân tập.”

[2]Sở huân; Skt. vāsya.

[3]Nhiếp luận thích, ibid., bản tính của gió là lưu động, không thể mang theo mùi được xông ướp đi đến một do-tuần. Tinh dầu của hoa chiêm-băc (champaka) có thể mang theo nó mùi xông ướp xe đên một do tuần.

[4]ibid., không quá thơm cũng không quá hôi. Như tỏi, vì quá hôi, không thể được xông ướp bangừ mùi khác.

[5]Năng huân; Skt. vāsaka.

[6]Thuật ký: thắng dụng có hai: 1. năng duyên thế dụng, loại trừ hững gì là sắc không thể là năng huân; 2. cường thịnh thắng dụng, loại trừ tâm tâm sở dị thục tức thức thứ tám và các tâm sở tương ưng.

[7]Di thục tâm tâm sở: các yếu tố tâm lý hoàn toàn bị chi phối bởi hậu quả của nghiệp quá khứ.

[8]Thuật ký(tr. 310b09): “Ba pháp: Chủng tử và hiện hành làm nhân duyên sản sinh chủng tử mới nữa.”

[9]Sĩ dụng quả (puruṣakārahetu). Tì-bà-sa121 (tr. 630b01): “Pháp mà dược tác thành do bởi hành vi của con người, pháp ấy được gọi là sĩ dụng quả.” Câu-xá6 (35a28): “Pháp mà tác động của nó như hành vi của con người, pháp ấy được gọi là sĩ dụng quả. Cung như người ta gọi mô0jt loại dược thảo là chân quạ ( kākajaṅghā) vì nó giống chân quạ; hoặc gọi vị tướng quân là voi say vì ông dũng cảm như con voi say.” Ibid. (tr. 35a27): Nhân câu hữu (sahabhūhetu) va nhân tương ưng (saṁprayuktaka- hetu) cho kết quả sĩ dụng.

[10]Ibid(tr. 35a26): nhân đồng loại (sabhāgahetu) và nhân biến hành (sarvatragahetu) cho quả đẳng lưu (niṣyandaphala). Vì cả hai đều cho quả tương tợ nhân.

---o0o---

---o0o---
Nguồn: www.phatviet.net
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]