Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiên Cung Sự Phẩm I : Lâu đài nữ giới - Phần A

16/04/201312:10(Xem: 9223)
Thiên Cung Sự Phẩm I : Lâu đài nữ giới - Phần A

Kinh Tiểu Bộ

Thiên Cung Sự
Phẩm I : Lâu Đài Nữ Giới - Phần A

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

Đảnh Lễ Đức Thế Tôn, Bậc A-La-Hán, Chánh Đẳng Giác

1- Chuyện thứ nhất - Lâu Đài Có Sàng Tọa (Pìtha-Vimàna)

Một thời đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), ở Jetavana (Kỳ Viên) trong tinh xá ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Sau khi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala (Kiều-tát-la), đã cúng dường suốt bảy ngày lễ vật vô thượng lên Tăng chúng với đức Phật là thượng thủ và nhà đại phú Anàthapindika đã cúng dường suốt ba ngày để phù hợp với lễ vật của nhà vua, và đại đệ tử nữ cư sĩ Visàkhà (Tỳ-xá-khư) đã cúng dường đại lễ vật như thế, tin đồn về sự cúng dường vô thượng được truyền đi khắp cõi Jambudìpa (Diêm-phù-đề): Phải chăng bố thí cúng dường chỉ đặc biệt phát sinh kết quả lớn khi đó là sự bố thí hào phóng với lễ vật cao sang như vậy, hay đúng hơn, đó là sự bố thí cúng dường tùy theo phương tiện của mình?'.

Khi Tăng chúng nghe lời bình luận này, chư vị trình lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo:

- 'Không phải chỉ do hiệu lực của tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng dường. Vì vậy, dù chỉ nhỏ bằng một nắm thóc hay một tấm giẻ, một tọa cụ bằng cỏ lá hay một hạt đậu trong nước tiểu hôi thối của trâu bò, được cúng dường với lòng thành cho một người xứng đáng nhận lễ vật cũng sẽ có đại kết quả, đại vinh quang và thấm nhuần khắp nơi'.

Thiên chủ Sakkha (Đế Thích) đã nói như vầy:

'Nếu có tín tâm, thì không một vật cúng dường nào có thể nói là không quan trọng.

Khi nó được dâng lên đức Như Lai, Chánh Đẳng Giác hay vị đệ tử của Ngài'.

Bấy giờ, chuyện này được phổ biến rộng khắp cõi Diêm-phù-đề.

Quần chúng tùy theo phương tiện của họ bố thí, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ lữ hành và hạng người cùng khổ; họ cung cấp nước uống trong sân nhà hoặc để ghế ngồi ở cổng ra vào.

Thời ấy có một Tỷ-kheo đầy đủ hảo tướng oai nghi, đến khất thực đúng thời trước một nhà kia. Tại đó, vị thiện gia tín nữ chào đón vị ấy, cung kính đảnh lễ và trải một tấm vải vàng được ủi thẳng trên sàng tọa của bà rồi đem lại dâng vị ấy.

Bà cúng dường món ăn mà bà có thể sắm được và quạt hầu vị ấy. Vốn tâm tín thành, bà suy nghĩ: 'Nay vừa phát sinh một phước điền vô thượng dành cho ta'.

Khi vị Tỷ-kheo đã thọ thực xong, vị ấy thuyết pháp về sự cúng dường sàng tọa và thực phẩm v.v... rồi ra đi. Khi bà ấy nghĩ về việc bố thí của bà và bài pháp thoại, tâm bà lập tức rung động với niềm hoan lạc và bà cúng dường vị Tỷ-kheo cả chiếc sàng tọa ấy nữa.

Ít lâu sau, bà mắc bệnh từ trần và được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng dài mười hai do-tuần (dặm). Bà có một đoàn tùy tùng hầu cận gồm một ngàn tiên nữ. Vì trước kia bà cúng dường sàng tọa, nên tại đấy xuất hiện cho bà một chiếc sàng tọa bằng vàng dài một do-tuần, du hành thật nhanh qua bầu trời, giống như một ngôi nhà có nóc nhọn. Vì thế nó được gọi là Lâu đài có sàng tọa. Vì chiếc sàng tọa được cúng dường trước kia có phủ tấm vải màu vàng lên, nên Lâu đài này bằng vàng, chứng tỏ sự tương tự giữa nghiệp và quả. Vì sàng tọa đã được cúng dường với tâm hoan hỷ mãnh liệt, nên Lâu đài di chuyển rất nhanh. Vì lễ vật ấy được cúng dường với sự thích thú của người xứng đáng nhận nó, nên Lâu đài có thể di chuyển tùy theo sở thích của bà. Vì hiệu quả tín tâm hoan hỷ của nữ nhân kia, nên Lâu đài rực rỡ và sáng chói.

Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi được, mỗi vị tùy theo phương tiện do uy lực của mình đến Hỷ lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển, vị Thiên nữ kia phục sức thiên y và điểm trang thiên bảo, khởi hành trong Lâu đài có sàng tọa đầy oai nghi với cả ngàn thị nữ hộ tống.

Lúc ấy, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi thiên, vừa đến cảnh giới trời Ba mươi ba và xuất hiện gần chỗ Thiên nữ này. Khi thấy Tôn giả, vị Thiên nữ vô cùng hoan hỷ, cung kính bước xuống khỏi sàng tọa tiến đến gần vị Trưởng lão, cúi mình đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, rồi đứng lên bày tỏ sự tôn trọng với đôi tay chấp lại, mười đầu ngón sát vào nhau.

Mặc dầu vị Trưởng lão này nhờ thần lực đa diện của trí tuệ, đã tự mình thấy rõ như thể ngắm quả Myrobalan trong lòng bàn tay, các thiện nghiệp và ác nghiệp do Thiên nữ này cũng như các vị khác đã tạo ra, nhờ khả năng tri kiến của Tôn giả về nghiệp quả tương ứng, tuy nhiên, vì ngay khi vừa tái sanh cõi trời, các Thiên nữ liền hỏi: - 'Tiểu nữ đã từ trần tại đâu và được tái sanh vào thế giới này?' - 'Tiểu nữ đã làm thiện nghiệp gì để được phước phần này?', và theo lệ thường, chư vị ấy đều đi đến kết luận đúng đắn, do đó, vị Trưởng lão muốn làm sáng tỏ nghiệp quả cho thế giới chư Thiên, bèn bảo Thiên nữ này kể lại hạnh nghiệp vị ấy đã làm, rồi ngâm các vần kệ sau:

1. Tọa sàng kim sắc thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.


2. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?


4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


5. Khi được làm người giữa thế nhân,

Con mang sàng tọa nhỏ đem dâng,
Vái chào cung kính khách xa đến,
Tay chắp, cúng dường theo khả năng.


6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,

Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


7. Xin trình Tôn giả đại oai thần

Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

2. Chuyện thứ hai - Lâu Đài Có Sàng Tọa Thứ Hai (Dutiyapìthà-Vimàna)

Phần giải thích và bình luận chuyện này phải được hiểu tương ứng với những gì đã nói trong chuyện thứ nhất. Song có điểm dị biệt là:

Chuyện kể rằng một nữ nhân sống ở Sàvatthi thấy một Tỷ-kheo đến nhà bà khất thực; với tâm tín thành, khi muốn cúng dường vị ấy một tọa sàng, bà trải một tấm vải xanh trên tọa sàng của bà tặng vị ấy. Vì thế, khi bà tái sanh lên thiên giới, tại đó xuất hiện cho bà một sàng tọa làm bằng ngọc bích. Do vậy, có các vần kệ:

1. Tọa sàng ngọc bích thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.


2. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?


4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


5. Khi được làm người giữa thế nhân,

Con mang sàng tọa nhỏ đem dâng,
Vái chào cung kính khách xa đến,
Tay chắp, cúng dường theo khả năng.


6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,

Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ,
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


7. Xin trình Tôn giả đại oai thần

Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

3. Chuyện thứ ba - Lâu Đài Có Sàng Tọa Thứ Ba (Tatiyapìtha-Vimàna)

Tại Ràjagaha (Vương Xá) (như chuyện số 1), vị nữ nhân phát nguyện lúc dâng cúng sàng tọa của bà: 'Ước mong hạnh nghiệp này sẽ làm nhân duyên cho ta được một sàng tọa bằng vàng trong kiếp sau'.

Do đó, có truyền thuyết như vầy:

1. Tọa sàng kim sắc thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.


2. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?


4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


5. Vì một hành vi nhỏ của con,

Đây là kết quả sắc huy hoàng,
Ngày xưa khi ở trong tiền kiếp,
Con được làm người giữa thế gian.


6. Con gặp một vô lậu Thánh Tăng,

An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với người, con có lòng thành tín,
Đem đến tận tay chiếc tọa sàng.


7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,

Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,

Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

4. Chuyện thứ tư - Lâu Đài Có Sàng Tọa Thứ Tư (Catutthapìtha-Vimàna)

Hoàn cảnh chuyện này cũng ở Ràjagaha. Chuyện phải được hiểu như đã được tả ở Lâu đài thứ hai vì nữ nhân tặng sàng tọa sau khi trải tấm vải xanh lên đó, nên đời sau một Lâu đài bằng ngọc bích cũng xuất hiện cho bà. Phần còn lại cũng giống như chuyện đã được kể về Lâu đài thứ nhất. Do đó có truyền thuyết:

1. Toạ sàng ngọc bích thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.


2. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?


4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


5. Vì một hành vi nhỏ của con,

Đây là kết quả sắc huy hoàng,
Ngày xưa khi ở trong tiền kiếp,
Con được làm người giữa thế gian.


6. Con gặp một vô lậu Thánh Tăng,

An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với người, con có lòng thành tín,
Đem đến tận tay chiếc tọa tàng.


7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,

Là con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


8. Xin trình Tôn giả đại oai thần

Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

5. Chuyện thứ năm - Lâu Đài Con Voi (Kunjara-Vima ana)

Đức Thế Tôn lúc ấy đang trú tại Ràjagaha ở chỗ nuôi sóc trong Veluvana (Trúc Lâm). Bất ngờ một hôm có lễ hội được công bố khắp thành Ràjagaha. Mọi người đều phục sức thật đẹp và đi dự lễ hội.

Bấy giờ Đại vương Bimbisàra thể theo nguyện vọng của thần dân, ngự ra khỏi cung và đi dự lễ quanh kinh thành trong cảnh vô cùng uy nghi rực rỡ. Thời ấy một thiện nữ nhân trú tại Ràjagaha thấy cảnh huy hoàng của nhà vua, lòng đầy kinh ngạc thích thú, bèn hỏi những người có tiếng thông thái:

- Nhờ phước nghiệp gì ta tạo được cảnh vinh quang như thiên giới này?

Họ bảo nàng:

- Này bạn, một thiện nghiệp cũng như viên ngọc quý làm thỏa nguyện, hay cây thần ban điều ước này.

Khi nghe thế, nàng tự nhủ: 'Ta thấy kết quả trên thiên giới còn vĩ đại hơn phần thưởng kia (do việc bố thí cúng dường)'. Từ đấy nàng trở nên nhiệt tâm thực hành các công đức thiện nghiệp.

Bấy giờ, cha mẹ gửi cho nàng một bộ y phục mới, một sàng tọa mới, một bó hoa sen, sữa lạc, mật ong, đường và gạo. Khi thấy các thứ này, nàng tự bảo: 'Ta muốn bố thí, và bây giờ các lễ vật xứng đáng bố thí cúng dường đã có trong tay ta'. Và với lòng hoan hỷ, nàng chuẩn bị lễ vật, nhà cửa và bản thân vào ngày hôm sau.

Thời ấy Tôn giả Sàriputta đi khất thực trong thành Ràjagaha, vào đường phố với oai nghi của một người đang đặt xuống chiếc túi đựng một ngàn đồng tiền.

Người nữ tỳ của nàng thấy vị Trưởng lão liền thưa:

- Bạch Tôn giả, xin đưa bình bát cho tiện nữ.

Và nàng nói thêm:

- Xin Tôn giả đi lối này để làm đặc ân cho một tín nữ.

Tôn giả trao nàng chiếc bình bát. Nàng dẫn Tôn giả đến nhà. Lúc ấy nữ nhân kia chào đón và phục vụ Tôn giả. Trong lúc nàng thiết đãi ngài, nàng phát nguyện: 'Do uy lực của phước nghiệp này, ước mong ta sẽ được mọi cảnh vinh quang trên thiên giới, đầy đủ các thiên tượng, trùng các và sàng tọa, và ước mong không lúc nào thiếu hoa sen'.

Kế đó, khi vị Trưởng lão đã thọ thực xong, nàng rửa bình bát và đổ đầy lạc, mật ong, đường, cùng các thứ khác, lại lấy một xấp vải trải lên sàng tọa và trao tận tay vị Trưởng lão.

Sau khi vị Trưởng lão đã giã từ, nàng ra lệnh cho hai gia nhân:

- Hãy đem sàng tọa này và bình bát đến tinh xá, cúng dường Trưởng lão ấy rồi trở về.

Họ tuân lệnh. Về sau, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng cao một trăm do-tuần và có một đoàn tùy tùng hộ tống, gồm một ngàn tiên nữ.

Do ước nguyện của nàng, một con voi quý cao năm do-tuần xuất hiện cho nàng, được quấn quanh mình với các vòng hoa sen và trang điểm cân đai toàn vàng.

Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi dự, mỗi vị tùy theo uy lực của mình đến Hỷ Lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển.

(Từ đây về sau câu chuyện cũng giống như phần sớ giải Lâu đài thứ nhất). Như vậy chuyện này phải được hiểu như trong chuyện ấy, song ở đây, Tôn giả Moggallàna ngâm các vần kệ sau:

1. Voi nàng như ngọn núi huy hoàng,
Tô điểm cân đai đủ ngọc vàng,
Khả ái, oai hùng, đầy tốc lực,
Nhẹ nhàng di chuyển giữa không gian.


2. Đây là một bảo tượng liên hoa,ٮh sáng sen xanh, đỏ tỏa ra,

Chân cẳng voi đầy hương phấn phủ,
Sen vàng treo lủng lẳng trên ngà.


3. Rải rác hoa sen khắp mặt đường,

Phẳng lì, tô điểm cánh sen tàn,
Khiến lòng mê mẩn, đầy êm ái,
Vương tượng bước đi thật nhịp nhàng.


4. Trong lúc tượng vương tiến bước lên,

Chuỗi chuông vàng trổi khúc êm đềm,
Chung thanh chẳng khác nào âm nhạc
Năm thứ đàn tơ hợp tấu nên.


5. An tọa trên lưng đại tượng vương,

Xiêm y nàng trắng, khéo trang hoàng,
Trông nàng thù thắng về dung sắc,
Vượt hẳn bao tiên nữ cả đoàn.


6. Kết quả này do việc cúng dường,

Hay trì giới, hoặc chắp tay nàng?
Khi nàng được hỏi điều như vậy.
Hãy nói cho ta biết rõ ràng.


7. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


8. Thấy một Sa-môn đủ tướng hiền,

Hân hoan Thiền định, trí an nhiên,
Con dâng sàng tọa đầy hoa rắc,
Với một tấm khăn vải phủ lên.


9. Tâm tín thành, tay tự trải khăn,

Rải hoa sen nở đã gần tàn,
Cùng chung các cánh hoa sen rụng,
Khắp chốn bao quanh chiếc tọa sàng.


10. Kết quả này do thiện nghiệp duyên,

Nên con nhận được của chư Thiên® tình phụng sự và thương mến,
Con được tôn vinh ở cõi tiên.


11. Quả thực kẻ nào có tín tâm

Muốn đem sàng tọa để cung dâng
Những người giải thoát, tâm thanh tịnh,
Sẽ được như con, hưởng phước ân.


12. Vậy do ước vọng được an lành,

Mong quả lớn sau sẽ đạt thành,
Phải tặng tọa sàng cho những vị
Mang thân đời cuối chẳng lai sanh.

6. Chuyện thứ sáu - Lâu Đài Có Chiếc Thuyền (Nàvà-Vimàna)

Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), mười sáu Tỷ-kheo đã an cư mùa mưa trong một ngôi làng, khởi hành đến Sàvatthi vào mùa nắng, bảo nhau: 'Chúng ta sẽ đến yết kiến đức Thế Tôn và nghe Pháp'.

Trên đường đi, có một sa mạc không có nước, vì chư vị bị sức nóng bức bách và không tìm ra nước, chư vị liền đến vùng lân cận một ngôi làng. Tại đó, một nữ nhân cầm bình nước đang đi tới giếng.

Bấy giờ chư Tăng thấy nàng bèn bảo:

- Nếu ta đi đến nơi mà nàng đang đi, thì chúng ta có thể xin nước.

Chư vị đi theo nàng, thấy cái giếng, bèn dừng lại bên nàng. Nàng kéo nước từ giếng lên và thấy chư vị, nàng tự nhủ: 'Những bậc chân chánh này đang khát nước', rồi cung kính mời chư vị uống nước. Chư vị lấy cái lọc nước từ túi xách ra, lọc nước và uống thật nhiều nước như ý muốn, tẩm mát tay chân, nói lời chúc lành với nữ nhân vì đã tặng nước cho chư vị, rồi ra đi. Nàng ghi nhớ công đức ấy trong lòng và thỉnh thoảng nàng lại nghĩ đến việc ấy.

Về sau nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Do uy lực công đức của nàng, tại chỗ ấy đã xuất hiện cho nàng một Lâu đài vĩ đại, được làm tăng vẻ mỹ lệ bằng một cây thần ban điều ước. Chung quanh cây là một dòng suối chảy với nước trong như khối ngọc và đôi bờ cát trắng trải dài lấp lánh như những chuỗi ngọc trai và dải bạc.

Ở hai bên bờ và ngay cổng đi vào lạc viên của Lâu đài là một hồ sen lớn, được tô điểm với các chùm sen ngũ sắc và một chiếc thuyền bằng vàng.

Thiên nữ ấy an trú tại đó, hưởng thiên lạc, vui chơi nhàn nhã trong chiếc thuyền kia. Rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna trong lúc du hành đến cõi trời, thấy nàng Thiên nữ đang vui chơi như vậy, bèn hỏi:

1. Tiên nương đang đứng ở trong thuyền
Có mái vàng che phủ phía trên,
Nàng bước xuống hồ sen ngắt hái
Một hoa sen với cánh tay tiên.


2. Trùng các là nơi nàng trú thân,

Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.


3. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.


5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


6. Khi được làm người giữa thế nhân,

Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con thấy chư Tăng đang khát nước,
Quyết lòng, con kéo nước lên dâng.


7. Quả thật ai đầy đủ nhiệt tâm,

Đem dâng nước uống đến chư Tăng
Khát nhiều, mỏi mệt, ngày sau được
Suối mát đầy sen nở trắng ngần.


8. Bên mình nước mát với đôi bờ

Cát trắng viền luôn chảy lững lờ,
Đầy đủ sà-la, xoài, ngọc quế,
Kèn, đào, ti-lak nở muôn hoa.


9. Phong cảnh càng tăng vẻ mỹ quang,

Lâu đài rực sáng tuyệt trần gian,
Đây là kết quả hành vi ấy,
Ai tạo phước lành hưởng lạc an.


10. Trùng các là nơi con trú thân,

Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.


11. Vì vậy sắc con đẹp thế này,

Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


12. Xin trình Tôn giả đại oai thần,

Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

7. Chuyện thứ bảy - Lâu Đài Có Chiếc Thuyền Thứ Hai (Dutiyanàvà Vimàna)

Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, có một Tỷ-kheo đã đoạn tận lậu hoặc, vào đầu mùa mưa, muốn khởi sự an cư trong một l஧ xóm, nên vị ấy khởi hành sau buổi ngọ trai, lên đường đi từ Sàvatthi đến làng ấy.

Khi mệt mỏi vì khát nước và đường xa, vị ấy ghé đến một làng nọ. Thấy không nơi nào có bóng cây và nước uống trong vùng lân cận, lại bị cơn mệt nhọc trấn áp, vị ấy đắp thượng y đi vào làng, dừng chân ở cửa nhà thôn trưởng. Tại đó, có một nữ nhân thấy vị này bèn hỏi:

- T��n giả từ đâu đến?

Và khi thấy vị ấy mỏi mệt, khát nước, bà mời vị ấy vào nhà và ngồi trên sàng tọa. Bà lại đưa nước rửa chân, dầu để xoa chân và quạt hầu vị ấy.

Khi cơn nóng đã dịu, bà dọn nước ngọt, thơm mát mời vị ấy. Vị Trưởng lão uống nước xong, cơn khát lắng xuống, vị ấy cám ơn bà và ra đi. Về sau bà từ trần, được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba. Mọi việc cần được hiểu như ở chuyện Lâu đài trước. Các vần kệ cũng giống như vậy.

8. Chuyện thứ tám - Lâu Đài Có Chiếc Thuyền Thứ Ba (Tatiyanàvà-Vimàna )

Trong lúc đức Thế Tôn du hành quanh thị trấn với hội chúng Tỷ-kheo đông đảo, Ngài đến một ngôi làng Bà-la-môn tên là Thùna ở quốc độ Kosala. Các gia chủ Bà-la-môn ở Thùna nghe tin: 'Người ta nói rằng Sa-môn Gotama đã đến tại cánh đồng làng ta'.

Bây giờ các gia chủ Bà-la-môn là ngoại đạo có tà kiến, bản tính keo kiệt, bảo nhau:

- Nếu Sa-môn Gotama vào làng này và ở lại độ hai ba ngày, vị ấy sẽ an trú tất cả dân làng này vào Giáo pháp của vị ấy. Khi ấy giáo lý Bà-la-môn sẽ không có nơi nương tựa.

Và cố ngăn cản đức Thế Tôn dừng chân tại đấy, họ đưa thuyền bè ra khỏi bến đậu và làm cho cầu cống trở thành vô dụng. Họ lấp kín các giếng nước trừ một giếng cũ đầy cỏ rác và che giấu các mạch nước, nhà nghỉ và lầu trọ. Chuyện được kể trong Kinh Udàna (Cảm Hứng Ngữ) như vậy ở phẩm VII, 9.

Đức Thế Tôn biết được ác nghiệp của họ và sinh lòng thương xót họ, bèn du hành giữa không gian cùng chư Tỷ-kheo vượt qua sông, rồi tiếp tục đi đến làng Bà-la-môn Thùna. Ngài rời đường cái và ngồi xuống một gốc cây.

Vào lúc ấy, một số nữ nhân đi ngang và xách nước gần đức Thế Tôn, trong lòng đã có sự giao ước: 'Nếu Sa-môn Gotama đến đây, không được ai tiếp đón vị ấy, và khi vị ấy đến nhà nào thì không ai được đem thực phẩm cho vị ấy hoặc đệ tử của vị ấy cả'.

Rồi một nữ tỳ của một gia chủ Bà-la-môn đi đến với một ghè nước, thấy đức Thế Tôn được một hội chúng Tỷ-kheo vây quanh, nhận ra rằng chư vị đều khát nước và mệt mỏi; với lòng đầy tín thành, nàng muốn đem nước cúng dường chư vị. Nàng tự nhủ: 'Cho dù dân chúng làng này đã quyết định không được cho Sa-môn Gotama thứ gì cả, thậm chí cũng không được đảnh lễ cung kính, tuy nhiên, nếu khi ta đã tìm ra các phước điền vô thượng, xứng đáng được cúng dường này, ta lại không làm nơi nương tựa cho ta bằng cách chỉ đem nước cúng dường mà thôi, thì biết bao giờ ta mới được giải thoát khỏi cuộc sống đau khổ trong đời sau? Ta hãy vui lòng để chủ ta và mọi người trong làng này đập ta, trói ta, ta vẫn quyết cúng dường nước cho phước điền như thế'.

Khi nàng đã quyết tâm như vậy, mặc dù các nữ nhân khác đang xách nước cố ngăn cản nàng, nàng vẫn không quan tâm đến tính mạng mình, nhấc ghè nước trên đầu xuống, đặt sang một bên, đến gần đức Thế Tôn với lòng đầy hân hoan, hạnh phúc, nàng đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, và dâng nước lên Ngài.

Đức Thế Tôn nhận ra tín tâm của nàng, và để ban đặc ân cho nàng. Ngài rửa tay chân và uống nước mát. Nước trong bình không giảm xuống. Cô gái thấy vậy càng tăng tín tâm, đem nước đến lần lượt cho mỗi vị Tỷ-kheo, rồi cho tất cả chư vị. Nước cũng vẫn không giảm bớt. Lòng đầy hân hoan phấn khởi, với bình nước vẫn đầy như bao giờ, nàng trở về nhà.

Gia chủ Bà-la-môn của nàng nghe tin nàng đem cho nước uống. 'Nó đã phá luật lệ của làng này và ta sẽ bị chê cười', ông bảo. Lòng nổi cơn giận bừng bừng sôi sục, ông ném nàng xuống đất đấm đá túi bụi. Vì bị trận đòn tàn nhẫn ấy, nàng qua đời, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và một Lâu đài xuất hiện cho nàng như được tả trong chuyện Lâu đài có chiếc thuyền thứ nhất.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:

- Này Ananda, hãy đem nước giếng cho Ta.

Vị Trưởng lão đáp:

- Bạch Thế Tôn, giếng ở đây đã bị dân chúng Thùna làm ô nhiễm. Con không thể lấy nước được.

Nhưng đức Thế Tôn ra lệnh cho vị này lần thứ hai, lần thứ ba, vị Trưởng lão cầm bình bát của đức Thế Tôn và đi về phía giếng. Khi vị ấy đến, nước giếng đã dâng đầy lên cao, tràn khỏi miệng, và chảy ra mọi phía.

Mọi thứ rác rến trồi lên mặt nước và chảy đi sạch. Vì nước dâng lên, các mạch nước khác cũng tràn đầy, nên làng này bị nước vây quanh, và vùng đất quanh làng bị chìm ngập. Các Bà-la-môn thấy việc hi hữu, lòng đầy kinh ngạc lẫn kỳ thú, họ đến xin đức Thế Tôn tha lỗi. Lập tức nước lụt biến mất dần.

Dân chúng liền cung cấp chỗ ở lên đức Thế Tôn và chư Tăng, thỉnh cầu chư vị ngày mai và ngày kế tiếp đi đến thọ trai. Sau khi đã chuẩn bị đại lễ cúng dường, họ dâng cao lương mỹ vị đủ loại cứng và mềm lên chư Tăng với đức Phật là vị thượng thủ.

Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, và cất tay ra khỏi bình bát, toàn thể dân chúng Thùna đều ngồi đảnh lễ cung kính quanh Ngài.

Ngay lúc ấy, Vị Thiên nữ quán sát thành tựu của nàng và nhận ra nguyên nhân chính là việc nàng cúng dường nước uống. Lòng đầy hoan hỷ, nàng nói:

- Tốt lắm, nay ta muốn đảnh lễ đức Thế Tôn, ta muốn tuyên bố cho thế giới loài Người biết thành quả to lớn của các thiện nghiệp, thậm chí rất nhỏ nhặt, được thực hành cho những người theo đúng chánh đạo.

Với nhiệt tâm tràn trề, cùng đoàn tùy tùng một ngàn tiên nữ hộ tống trong lạc viên của nàng có cả tòa Lâu đài kia, nàng xuất hiện với đại oai thần của Thiên giới trước sự chứng kiến của toàn thể dân chúng.

Nàng bước xuống khỏi Lâu đài, đến gần đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng trong dáng điệu cung kính. Sau đó đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ kết quả công đức của nàng cho đám quần chúng trước mặt Ngài, bèn hỏi nàng qua các vần kệ:

1. Tiên nương đang đứng ở trong thuyền
Có mái vàng che phủ phía trên,
Nàng bước xuống hồ sen ngắt hái
Một hoa sen với cánh tay tiên.


2. Trùng các là nơi nàng trú thân,

Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.


3. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.


5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Đức Phật tòan giác hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


6. Khi được làm người giữa thế nhân,

Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con thấy chư Tăng đang khát nước,
Quyết lòng, con kéo nước lên dâng.


7. Quả thật ai đầy đủ nhiệt tâm,

Đem dâng nước uống đến chư Tăng
Khát nhiều, mỏi mệt, ngày sau được
Suối mát đầy sen nở trắng ngần.


8. Bên mình nước mát với đôi bờ

Cát trắng viền luôn chảy lững lờ,
Đầy đủ sà-la, xoài, ngọc quế,
Kèn, đào, ti-lak nở muôn hoa.


9. Phong cảnh càng tăng vẻ mỹ quang,

Lâu đài rực sáng tuyệt trần gian,
Đây là kết quả hành vi ấy,
Ai tạo phước lành hưởng lạc an.


10. Trùng các là nơi con trú thân,

Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngắn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.


12. Vì vậy sắc con đẹp thế này,

Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


13. Nhờ đấy, nay con có lực thần,

Dung quang sáng chói khắp mười phương,
Đây là kết quả phần công hạnh
Đem nước dâng đức Phật cúng dường.

Sau đó đức Thế Tôn thuyết pháp và giảng Bốn Thánh Đế. Khi pháp thoại chấm dứt, vị Thiên nữ được an trú vào sơ quả Dự Lưu.

9. Chuyện thứ chín - Lâu Đài Có Ngọn Đèn (Dìpa-Vimàna)

Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, vào ngày Bố-tát (trai giới) nhiều thiện nam tín nữ cư sĩ tuân thủ ngày này, thực hành sự bố thí buổi sáng trước giờ ngọ, mỗi người tùy theo phương tiện của mình, thọ thực trước giờ quy định và y phục chỉnh tề với áo khoác ngoài sạch sẽ, cầm vòng hoa, hương liệu đi đến tinh xá vào buổi chiều, hầu cận chư Tỷ-kheo làm phát khởi tín tâm và nghe pháp buổi chiều tối.

Trong lúc chư vị vẫn còn nghe pháp và muốn ở lại qua đêm trong tinh xá, thì trời tối dần. Lúc ấy một nữ nhân suy nghĩ: 'Mọi người cần có đèn ở đây', và bà đem đèn cùng các vật để thắp đèn từ nhà đến, thắp đèn lên, đặt trước pháp tòa và nghe pháp. Hài lòng vì đã cúng dường đèn, bà tràn ngập niềm hân hoan, hạnh phúc và ra về sau khi cung kính đảnh lễ chư Tăng.

Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng ngọc báu rực rỡ. Song vì hào quang của thân thể Thiên nữ này quá vĩ đại, nàng sáng chói hơn các Thiên nữ khác và tỏa ánh sáng khắp mười phương.

Bấy giờ, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên Thiên giới (như các truyện trước) nhưng ở đây, Tôn giả đặt câu hỏi bắt đầu bằng ba vần kệ:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.


2. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


3. Vì sao nàng có được hào quang

Thanh tịnh, vượt xa hẳn mọi nàng?
Vì cớ gì thân nàng rực rỡ,
Làm cho sáng chói khắp mười phương?


4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.


5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


6. Thuở được làm người giữa thế nhân,

Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Khi màn đêm tối buông dày đặc,
Con thắp đèn lên để cúng dâng.


7. Khi trời tốt mịt một đêm đen,

Ai thắp đèn cho tỏa sáng lên,
Sẽ tái sanh trong lầu bảo ngọc
Đầy hoa nở rộ cạnh hồ sen.


8. Vì vậy sắc con đẹp thế này,

Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


9. Con là Thiên nữ tỏa hào quang

Thanh tịnh, vượt xa hẳn mọi nàng,
Vì thế toàn thân con rực rỡ,
Làm cho sáng chói khắp mười phương?


10. Xin trình Tôn giả đại oai thần,

Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.

10. Chuyện thứ mười - Lâu Đài Do Cúng Mè (Tiladakkhina-Vimàna)

Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Kỳ Viên, trong tinh xá ông Cấp Cô Độc. Thời ấy tại Ràjagaha có một nữ nhân đang mang thai, rửa sạch mè và phơi khô vì bà muốn uống một ít dầu mè.

Thọ mạng của bà sắp chấm dứt, và bà có số phận phải chết ngay hôm ấy với các hạnh nghiệp chồng chất đưa đến tái sanh vào địa ngục.

Bấy giờ, đức Thế Tôn, trong khi quán sát thế gian vào lúc rạng đông, với Thiên nhãn Ngài thấy bà và suy nghĩ: 'Nữ nhân này sắp chết hôm nay có thể tái sanh vào địa ngục. Vậy bây giờ Ta hãy làm cho bà ấy tái sanh thiên giới bằng cách nhận mè do bà ấy bố thí'.

Chỉ trong chốc lát, Ngài đi từ Sàvatthi đến Ràjagaha, và trong khi Ngài đi khất thực ngang qua thành Ràjagaha, Ngài đến cửa nhà bà. Nữ nhân ấy thấy đức Thế Tôn, lòng tràn ngập hân hoan hạnh phúc, vội đứng lên chắp hai tay, và thấy không có gì khác xứng đáng để cúng dường, bà rửa tay chân và lùa mè lại thành một đống, bà bụm cả hai tay lại, bốc đầy mè và đặt nắm mè vào bình bát đức Thế Tôn. Do lòng từ mẫn đối với bà, đức Thế Tôn bảo: 'Mong con được an lạc', rồi tiếp tục lên đường.

Đêm ấy, lúc gần rạng đông, bà kia từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần.

Tôn giả Mahà-Moggallàna, trong lúc du hành lên cõi trời (như được tả trên đây), gặp bà và hỏi:

1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Đang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.


2. Vì sao nàng được sắc như vầy,

Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?


3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,

Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang sáng chói khắp mười phương.


4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,

Được Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:


5. Trong đời sống trước giữa phàm trần,

Con được sinh làm một thế nhân,
Con gặp Phật-đà vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm.


6. Gặp Phật, con đầy đủ tín thành,

Cúng dường lễ vật chính tay mình,
Lòng không tham vọng, đem mè tặng
Đấng Giác Ngộ là bậc xứng danh.


7. Vì thế sắc con đẹp thế này,

Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.


8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,

Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]