Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Bốn Pháp (11 - 15)

15/04/201317:14(Xem: 7943)
Chương Bốn Pháp (11 - 15)

Kinh Tăng Chi Bộ

Chương Bốn Pháp (11 - 15)

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch

XI. PHẨM MÂY MƯA

(I) (101) MÂY MƯA (1)

1. Như vầy tôi nghe :

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-khao :

- Này các Tỷ-kheo.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau :

2.- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này. Thế nào là bốn ? Có sấm, không có mưa ; có mưa, không có sấm ; không có sấm, cũng không có mưa ; có sấm và có mưa. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại mây mưa này, có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ? Hạng người có sấm, không có mưa ; hạng người có mưa, không có sấm ; hạng người không có sấm, không có mưa ; hạng người có sấm và có mưa.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có sấm, không có mưa ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có nói, không có làm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm không có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm, không có mưa ấy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hạng người này giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có mưa, không có sấm ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có làm, không có nói. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có mưa, không có sấm. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây chỉ có mưa, không có sấm ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người không có sấm, cũng không có mưa ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có nói, không có làm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có sấm, không có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây không có sấm, không có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

7. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có sấm và có mưa ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có nói và có làm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm và có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm và có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người giống như loại mây này có mặt, hiện hữu ở đời.

(II) (102) MÂY MƯA (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này. Thế nào là bốn ? Có sấm, không có mưa ; có mưa, không có sấm ; không có sấm không có mưa ; có sấm và có mưa. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại mây mưa này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ như các loại mây mưa này, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ? Hạng người có sấm, không có mưa ; hạng người có mưa, không có sấm ; hạng người không có sấm, không có mưa ; hạng người có sấm và có mưa.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có sấm không có mưa ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuộc lòng Pháp, Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri : "Đây là Khổ"…, không như thật quán tri : "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm không có mưa Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm, không có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có mưa, không có sấm ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có học thuộc lòng Pháp, như Khế kinh, Ứng tụng, … Quảng thuyết. Vị ấy như thật quán tri : "Đây là Khổ"… như thật quán tri : "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có mưa, không có sấm. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây chỉ có mưa, không có sấm ấy. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người không có sấm và không có mưa ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không học thuộc lòng Pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri : "Đây là Khổ"… không như thật quán tri : "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có sấm, không có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây không có sấm, không có mưa, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người có sấm và có mưa ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người học thuộc lòng Pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Người ấy như thật quán tri : "Đây là Khổ"… như thật quán tri : "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có sấm và có mưa. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại mây có sấm và có mưa ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người giống như loại mây này có mặt, hiện hữu ở đời.

(III) (103) CÁI GHÈ

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ghè này. Thế nào là bốn ?

Trống và bịt ; đầy và mở ; trống và mở ; đầy và bịt. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ghè này.

2. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, có bốn hạng người được ví như các loại ghè này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Trống và bịt, đầy và mở, trống và mở, đầy và bịt.

3. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người trống và bịt ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có thái độ khả ái, khi đi tới đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, bình bát và y, Vị ấy không như thật quán tri : "Đây là Khổ"… không như thật quán tri :"Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người trống và bịt. Ví như, này các Tỷ-kheo, các ghè trống và bịt ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đầy và mở ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có thái độ dễ thương, khi đi tới đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, bình bát và y, Vị ấy như thật quán tri : "Đây là Khổ"… như thật quán tri : "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đầy và mở. Ví như, này các Tỷ-kheo, các ghè đầy và mở ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người trống và mở ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không có thái độ dễ thương, khi đi tới đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, bình bát và y, Vị ấy không như thật quán tri : "Đây là Khổ"… không như thật quán tri : "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người trống và mở, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người đầy và bịt ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có thái độ dễ thương, khi đi tới, đi lui, khi ngó phía trước, ngó hai bên, khi co tay, duỗi tay, khi mang áo tăng-già-lê, mang y bát, vị ấy như thật quán tri : "Đây là Khổ"… như thật quán tri : "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đầy và bịt. Ví như, này các Tỷ-kheo, các ghè đầy và bịt ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người giống như các loại ghè này có mặt, hiện hữu ở đời.

(IV) (104) HỒ NƯỚC (1)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này. Thế nào là bốn ? Cạn nhưng có vẻ sâu, sâu nhưng thấy cạn, cạn và thấy cạn, sâu và thấy sâu. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này…

(V) (105) CÁC HỒ NƯỚC (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này. Thế nào là bốn ? Cạn có vẻ sâu, sâu có vẻ cạn, cạn có vẻ cạn, sâu có vẻ sâu. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hồ nước này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với hồ nước này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Cạn có vẻ sâu, sâu có vẻ cạn. Cạn có vẻ cạn, sâu có vẻ sâu.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người cạn có vẻ sâu ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có thái độ khả ái… (như kinh 103, từ số 3 cho đến số 6).

(VI) (106) CÁC TRÁI XOÀI

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại xoài này. Thế nào là bốn ?

Chưa chín có vẻ chín, chín có vẻ chưa chín, chưa chín có vẻ chưa chín, chín có vẻ chín, Này các Tỷ-kheo, có bốn loại xoài này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với bốn loại xoài này. Thế nào là bốn (như kinh 103, từ số 3 đến số 6).

(VII) (107) CÁC LOẠI CHUỘT

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại chuột này. Thế nào là bốn ?

Đào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại chuột này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại chuột này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Đào hang không ở, ở không đào hang, không đào hang không ở, có đào hang có ở. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có đào hang, nhưng không ở ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuộc lòng Pháp như Khế kinh… Quảng thuyết. Vị ấy không như thật quán tri : "Đây là Khổ"… "Đây là con Đường đưa đến Khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người đào hang, nhưng không ở. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại chuột có đào hang, nhưng không ở ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có ở, không đào hang ? (xem như kinh 102).

(VIII) (108) CÁC LOẠI BÒ ĐỰC

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại bò đực này. Thế nào là bốn ?

Hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người ; hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình ; hung dữ với đàn bò của mình, hung dữ với đàn bò của người ; không hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại bò đực này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví như các loại bò đực này, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Hạng người hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người ; hạng hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình ; hạng hung dữ với đàn bò của mình và hung dữ với đàn bò của người ; hạng không hung dữ với đàn bò của mình, không hung d74 với đàn bò của người.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người là một khiếp đảm cho hội chúng của mình, không là một khiếp đảm cho hội chúng của người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại bò đực hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người là một khiếp đảm cho hội chúng của người, không là một khiếp đảm cho hội chúng của mình. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại bò đực hung dữ với đàn bò của người, không hung dữ với đàn bò của mình ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

5. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người hung dữ với đàn bò của mình, hung dữ với đàn bò của người ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người là một khiếp đảm cho hội chúng của mình và cho hội chúng của người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người… (như trên)… giống như ví dụ ấy.

6. Thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hung dữ với đàn bò của mình và không hung dữ với đàn bò của người ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không là một khiếp đảm cho đàn bò của mình, không là một khiếp đảm cho đàn bò của người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không hung dữ với đàn bò của mình, không hung dữ với đàn bò của người. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại bò đực không hung dữ với đàn bò của mình và không hung dữ với đàn bò của người. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại bò đực này, có mặt, hiện hữu ở đời.

(IX) (109) CÁC CÂY

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại cây này. Thế nào là bốn ?

Có giác cây, bao vây với giác cây ; có giác cây bao vây với lõi cây ; có lõi cây bao vây với giác cây ; có lõi cây bao vây với lõi cây. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại cây này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ như bốn loại cây này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Hạng người là giác cây, bao vây với giác cây ; hạng người là giác cây, bao vây với lõi cây ; hạng người là lõi cây, bao vây với giác cây ; hạng người là lõi cây, bao vây với lõi cây.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là giác cây bao vây với giác cây ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng người ấy cũng ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người giác cây bao vây với giác cây. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại cây là giác cây, bao vây với giác cây ấy. Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là giác cây bao vây với lõi cây ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng người ấy có giới, theo thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người giác cây bao vây với lõi cây. Ví như… giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là lõi cây bao vây với giác cây ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo thiện pháp, nhưng hội chúng của người ấy theo ác giới, ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người lõi cây bao vây với giác cây. Ví như… giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người là lõi cây bao vây với lõi cây ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo thiện pháp, hội chúng người ấy cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có lõi cây bao vây với lõi cây. Ví như, này các Tỷ-kheo, là hạng người lõi cây bao vây với lõi, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người giống như ví dụ các cây này, có mặt hiện hữu ở đời.

(X) (110) CÁC CON RẮN

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại rắn. Thế nào là bốn ?

Loại rắn có nọc độc, nhưng không ác độc ; loại ác độc nhưng không nọc độc ; loại có nọc độc và ác độc ; loại không có nọc độc, không có ác độc. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại rắn độc này.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại rắn này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Hạng người có nọc độc nhưng không ác độc ; hạng người ác độc nhưng không nọc độc ; hạng người có nọc độc, có ác độc ; hạng người không có nọc độc, không có ác độc.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc, nhưng không ác độc ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ, nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có nọc độc, nhưng không ác độc. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại rắn có nọc độc, nhưng không ác độc ấy, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có ác độc, nhưng không có nọc độc ?

Ơ ۠đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không mau phẫn nộ, nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có ác độc, nhưng không có nọc… giống như ví dụ ấy.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc và có ác độc ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ và phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có nọc độc và có ác độc... giống như ví dụ ấy.

6. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không có nọc độc và không có ác độc ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ và phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có nọc độc, và không có ác độc. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại rắn không có nọc độc, không có ác độc ấy, Ta nói rằng, hạng người này giống như ví dụ ấy.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.


XII. PHẨM KESI

(I) (101) KESI

1. Rồi Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đi đến Thế tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế tôn nói với Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đang ngồi một bên :

2. - Này Kesi, Ông là người đánh xe điều phục ngựa, có chế ngự. Và này Kesi, Ông nhiếp phục ngựa như thế nào ?

- Bạch Thế tôn, con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng ; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác ; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng và thô ác.

- Này Kesi, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác, thời Ông làm gì với con ngựa ấy ?

- Bạch Thế tôn, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác của con, thời bạch Thế tôn, con giết nó. Vì sao ? Vì mong rằng nó không làm mất danh dự cho gia đình thầy của con ! Nhưng bạch Thế tôn, Thế tôn là bậc Vô thượng, đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự, như thế nào Thế tôn nhiếp phục những ai đáng được điều phục ?

3 - Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng : Đây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Đây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Đây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện, Đây là chư thiện. Đây là loài Người.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn : Đây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Đây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Đây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Đây là địa ngục. Đây là loài bàng sanh. Đây là loại ngạ quỷ.

Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn : Đây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Đây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Đây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Đây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Đây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Đây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Đây là chư Thiên. Đây là loài Người. Đây là địa ngục. Đây là loài bàng sanh. Đây là ngạ quỷ.

- Bạch Thế tôn, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Thế tôn, không chịu nhiếp phục với lời nói cúng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cúng rắn, thời Thế tôn làm gì với người ấy ?

- Này Kesi, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Ta, không chịu nhiếp phục với lời nói cúng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, này Kesi, thời Ta giết hại người ấy !

4. - Nhưng bạch Thế tôn, sát sanh không xứng đáng với Thế tôn. Tuy vậy, Thế tôn nói : "Này Kesi, Ta giết hại người ấy".

- Thất vậy, này Kesi, sát sanh không xứng đáng với Như Lai. Nhưng người đáng được điều phục ấy không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, Như Lai nghĩ rằng người ấy không xứng đáng đẻ được nói đến, để được giáo giới. Và các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Bị giết hại, này Kesi là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới.

- Bạch Thế tôn, người ấy bị bậc Thiện Thệ giết hại là người nào bị Như Lai nghĩ rằng không xứng đáng được nói đến, không xứng đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới. Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn ! Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn ! … bắt đầu từ nay, mong Thế tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(II) (112) TỐC ĐỘ

1. - Thành tựu với bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn ? Với trực tánh, với tốc độ, với nhẫn nhục, với thiện ngôn.

Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục, hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là với bốn ? Với trực tánh, với tốc độ, với kham nhẫn, với thiện ngôn.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(III) (113) GẬY THÚC NGỰA

1. - Có bốn loài ngựa hiền thiện thuần thục này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa liền bị dao động, kích thích nghĩ rằng : "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào ?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục thứ nhất, có mặt, hiện hữu ở đời.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng : "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào ?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ hai, có mặt, hiện hữu ở đời.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng : "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào ?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ ba, có mặt, hiện hữu ở đời.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích ; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào lông, không bị dao động, kích thích ; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, không bị dao động, kích thích ; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương, bị dao động, kích thích, nghĩ rằng : "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào ?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục thứ tư, có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loài ngựa hiền thiện, thuần thục, có mặt, hiện hữu ở đời.

5. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện, thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mạng chung ; người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được tối thắng sự thật ; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện, thuần thục ấy, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, bị dao động kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ nhất có mặt, hiện hữu ở đời.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị đau khổ hay bị mệnh chung, nhưng khi tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng ; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào da, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ hai có mặt, hiện hữu ở đời.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung. Nhưng, khi có một người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng ; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay bị mệnh chung, không có người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung. Nhưng khi tự mình cảm xúc những cảm thọ về thân khổ đau, nhói đau, chói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không phải khả hỷ, không khả ý, đoạt mạng sống, vị ấy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng ; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương mới bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời.

(IV) (114) CON VOI

1. - Thành tựu bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, con voi của vua xứng đáng cho vua, là tài sản của Vua, được xem là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua biết nghe, biết sát hại, biết nhẫn, biết đi đến.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết nghe ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài sai làm một công tác, hoặc đã làm từ trước hay chưa làm từ trước, sau khi nhiệt tâm tác ý, hoàn toàn chú tâm lóng tai và lắng nghe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết nghe.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết sát hại ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua sau khi đi đến chiến trận, giết voi, giết người cưỡi voi, giết ngựa, giết người cưỡi ngựa, giết hại xe, giết hại người cưỡi xe, giết các bộ binh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết sát hại.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết kham nhẫn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua sau khi đi đến chiến trường, chịu đựng cây giáo đâm, chịu đựng kiếm chém, chịu đựng tên bắn, chịu đựng búa chặt, chịu đựng tiếng trống lớn, tiếng thanh la, tiếng tù và, tiếng trống nhỏ và các tiếng ồn ào khác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết kham nhẫn.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết đi đến ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài sai đi đến hướng nào, hoặc trước kia đã có đi hay trước kia không có đi, liền đi đến chỗ ấy một cách mau mắn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết đi đến.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua xứng đáng là của vua, là tài sản của vua, đi đến làm biểu tượng của vua.

6. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bốn ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết nghe, biết sát hại, biết nhẫn, biết đi đến.

7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết nghe ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi Pháp và Luật do Như Lai thuyết được thế thuyết giảng, sau khi nhiệt tâm tác ý hoàn toàn, chú tâm và lắng nghe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết nghe.

8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết sát hại ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có chấp nhận dục tầm đã khởi lên, từ bỏ, gạn lọc, chấm dứt, làm cho không hiện hữu, không có chấp nhận sân tầm đã khởi lên … không có chấp nhận hại tầm đã khởi lên, từ bỏ, gạn lọc, chấm dứt, làm cho không hiện hữu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết sát hại.

9. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết kham nhẫn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn lạnh, kham nhẫn nóng, kham nhẫn đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói chửi mắng, phỉ báng, chịu đựng các cảm thọ về thân, khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, không khả hỷ, không khả ý, chết điếng người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết kham nhẫn.

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết đi ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo theo phương hướng nào từ trước chưa từng đi, tại đấy, mọi hành được chỉ tịnh, mọi sanh y được từ bỏ, ái được đoạn diệt. Niết-bàn, vị ấy đi đến chỗ ấy một cách mau chóng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết đi.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(V) (115) CÁC TRƯỜNG HỢP

- Này các Tỷ-kheo, có bốn trường hợp này. Thế nào là bốn ?

Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm không thích ý, đưa đến không lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm không thích ý, đưa đến lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm được thích ý, không đưa đến lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm được thích ý, đưa đến lợi ích cho người làm.

2. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm không thích ý; không đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện không nên làm. Trường hợp này làm không thích ý, đây là trường hợp nghĩ rằng không nên làm. Trường hợp làm không đem lại lợi ích cho người làm, đây là trường hợp nghĩ rằng không nên làm. Đây là trường hợp, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện không nên làm.

3. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm không thích ý, nhưng đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, người ta có thể biết kẻ ngu, bậc trí, về sức kiên trì của con người, tinh tấn của con người, nỗ lực của con người. Và này các Tỷ-kheo, người ngu không suy xét rằng : "Dầu trường hợp này không thích ý, nhưng trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy không làm trường hợp này. Do không làm trường hợp này, nên không đưa lại lợi ích cho người ấy. Còn người trí, này các Tỷ-kheo, suy xét rằng : "Dầu trường hợp này làm không được thích ý, nhưng trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy làm trường hợp này. Do làm trường hợp này, nên đem lại lợi ích cho người ấy.

4. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm được thích ý, nhưng không đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, người ta có thể biết kẻ ngu, bậc trí, về sức kiên trì của con người, tinh tấn của con người, nỗ lực của con người. Này các Tỷ-kheo, người ngu không suy xét rằng : "Dầu trường hợp này, làm được thích ý, nhưng trường hợp này không đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy làm trường hợp này không đem lại lợi ích cho người làm. Người ấy làm trường hợp này, và trường hợp này không đem lại lợi ích cho người ấy. Còn người trí, này các Tỷ-kheo, suy xét như sau : "Dầu trường hợp này làm được thích ý, nhưng không đem lại lợi ích cho người làm". Vị ấy không làm trường hợp này, do không làm trường hợp này, nên đem lại lợi ích cho người ấy.

5. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm được thích ý, và đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện đều nên làm. Trường hợp này, làm được thích ý, đây là trường hợp nghĩ rằng cần phải làm. Trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm, đây là trường hợp nghĩ rằng cần phải làm. Trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện đều phải làm.

Này các Tỷ-kheo, có bốn trường hợp này.

(VI) (116) KHÔNG PHÓNG DẬT

1. - Trong bốn trường hợp, này các Tỷ-kheo, cần phải không phóng dật. Thế nào là bốn ?

Hãy từ bỏ thân làm ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thân làm lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ lời nói ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập lời nói lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ ý nghĩ ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập ý nghĩ lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ tà kiến, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập chánh kiến, và ở đây chớ có phóng dật.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm lành … (như trên) … đã từ bỏ tà kiến, đã tu tập chánh kiến, vị ấy không sợ hãi về đời sau, về chết.

(VII) (117) HỘ TRÌ

1. - Trong bốn trường hợp, này các Tỷ-kheo, không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình. Thế nào là bốn ?

Với ý nghĩ : "Mong rằng đối với các pháp khiến cho tham đắm, tâm ta chớ có tham đắm !", không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình. Với ý nghĩ : "Mong rằng đối với các pháp khiến cho sân hận, tâm ta chớ có sân hận !", không phóng dật, niệm … do tự mình. Với ý nghĩ : "Mong rằng đối với các pháp khiến cho si mê, tâm ta chớ có si mê !", không phóng dật, niệm … do tự mình. Với ý nghĩ : "Mong rằng đối với các pháp khiến cho say đắm, tâm ta chớ có say đắm !", không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các pháp khiến cho tham đắm, tâm không tham đắm, tự ngã được ly tham; đối với các pháp khiến cho sân hận, tâm không sân hận, tự ngã được ly sân đối với các pháp khiến cho si mê, tâm không si mê, tự ngã được ly si ; đối với các pháp khiến cho say đắm, tâm không say đắm, tự ngã được ly đắm say; thời vị ấy không có sợ hãi, không có dao động, không có hốt hoảng, không rơi vào hoảng sợ, không có đi do nhân các Sa-môn có nói gì.

(VIII) (118) XÚC ĐỘNG

1. - Có bốn trú xứ, này các Tỷ-kheo, khi một tín nam thấy cần phải xúc động mãnh liệt. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh. Đây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Đây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai chuyển pháp luân vô thượng. Đây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã nhập Niết-bàn giới, không có dư. Đây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt.

Có bốn trú xứ, này các Tỷ-kheo, khi một tín nam thấy cần phải xúc động mãnh liệt.

(IX) (119) SỢ HÃI (1)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn ? Sợ hãi về sanh, sợ hãi về già, sợ hãi về bệnh, sợ hãi về chết.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này.

(X) (120) SỢ HÃI (2)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn ? Sợ hãi về lửa, sợ hãi về nước, sợ hãi về vua, sợ hãi về ăn trộm.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này.


XIII. PHẨM SỢ HÃI

(I) (121) TỰ TRÁNH

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn ? Sợ hãi tự mình trách, sợ hãi người khác trách, sợ hãi hình phạt, sợ hãi ác thú.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sợ hãi tự mình trách ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy xét : "Nếu thân ta làm ác, lời nói ta ác, ý nghĩa ta ác, thời tự ngã có thể trách ta về phương diện giới : "Sao lại làm nghiệp ấy ?". Người ấy do sợ hãi tự trách, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành, đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành, đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi tự trách.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về người khác trách ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy xét : "Nếu thân ta làm ác, lời nói ta ác, ý nghĩ ta ác, thời người khác có thể trách ta về phương diện giới : "Sao lại làm nghiệp ấy ?". Người ấy do sợ hãi người khác trách, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành, đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành, đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi người khác trách.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi hình phạt ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thấy vua chúa khi bắt được người ăn trộm, kẻ đi cướp đường, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình (lấy xương và thịt cho rộng ra, rồi đổ dầu sôi vào miệng), hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), đốt tay, lấy rơm bện lại rồi siết chặt, lấy vỏ cây làm áo, hình phạt con dê núi, lấy câu móc vào thịt, quẳng sắt chảy trên thân đầy vết thương rồi chà mạnh, chuyển hình (bắt nằm dưới đất, đâm một gậy sắt qua hai lỗ tai rồi xoay tròn), cao đạp đài (lột da phần trên, lấy chày giã cho nát thân). Họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gương chặt đầu. Người ấy suy nghĩ như sau : "Do nhân làm các nghiệp ác như vậy, các vua chúa khi bắt được người ăn trộm, kẻ đi cướp đường, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác … họ lấy gươm chặt đầu". Người ấy vì sợ hãi sự sợ hãi hình phạt, không có đi ăn trộm, cướp tài sản người khác.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự sợ hãi hình phạt.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sợ hãi ác thú ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người suy nghĩ như sau : "Với ai thân làm ác, có ác dị thục trong tương lai, với ai lời nói ác … với ai ý nghĩ ác, có ác dị thục trong tương lai. Làm thế nào cho ta sau khi thân hoại mạng chung, không có sanh tại cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục ?". Người ấy vì sợ hãi ác thú, đoạn tận thân làm ác, tu tập thân làm lành; đoạn tận lời nói ác, tu tập lời nói lành; đoạn tận ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ lành; sống với tự ngã trong sạch. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sợ hãi ác thú.

Này các Tỷ-kheo, có bốn sợ hãi này.

(II) (122) SÓNG BIỂN

1. - Có bốn sự sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi với người đi xuống nước. Thế nào là bốn ? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ. Có bốn sự sợ hãi này, này các Tỷ-kheo, được chờ đợi với người đi xuống nước.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, đối với một số thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, có bốn sự sợ hãi được chờ đợi. Thế nào là bốn ? Sợ hãi về sóng, sợ hãi về cá sấu, sợ hãi về nước xoáy, sợ hãi về cá dữ.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về sóng ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau : "Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo : "Thầy cần phải đi ra như vậy, Thầy cần phải đi về như vậy, Thầy cần phải ngó tới như vậy, Thầy cần phải ngó quanh như vậy. Thầy cần phải co tay như vậy, Thầy cần phải duỗi tay như vậy, Thầy cần phải mang y sanghati như vậy, mang bát y như vậy". Vị ấy suy nghĩ như sau : "Trước kia, khi chúng ta chưa xuất gia, chính chúng ta giảng dạy, khuyên giáo người khác. Những người này giống như con chúng ta, giống như cháu chúng ta, lại nghĩ rằng cần phải giảng dạy chúng ta, cần phải khuyên giáo chúng ta". Vị ấy phẫn nộ, không hoan hỷ, từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi là vị Tỷ-kheo sợ hãi về sóng.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá sấu ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau : "Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này được các vị đồng Phạm hạnh giảng dạy, khuyên giáo : "Thầy cần phải nhai cái này, Thầy không nên nhai cái này; Thầy nên ăn cái này, Thầy không nên ăn cái này; Thầy nên nếm cái này, Thầy không nên nếm cái này; Thầy nên uống cái này, Thầy không nên uống cái này; cái gì Thầy được phép, Thầy nên nhai, cái gì Thầy không được phép, Thầy không nên nhai; cái gì được phép, Thầy nên ăn, cái gì không được phép, Thầy nên ăn; cái gì được phép, Thầy nên nếm, cái gì không được phép, Thầy nên nếm; cái gì được phép, Thầy nên uống, cái gì không được phép, Thầy nên uống ; đúng thời Thầy nên nhai, không đúng thời Thầy không nên nhai; đúng thời Thầy nên ăn, không đúng thời Thầy không nên ăn; đúng thời Thầy nên nếm, không đúng thời Thầy không nên nếm; đúng thời Thầy nên uống, không đúng thời Thầy không nên uống". Vị ấy suy nghĩ như sau : "Trước kia, khi chúng ta chưa xuất gia, cái gì chúng ta muốn, chúng ta nhai, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nhai. Cái gì chúng ta muốn, chúng ta ăn, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không ăn. Cái gì chúng ta muốn, chúng ta nếm, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không nếm. Cái gì chúng ta muốn, chúng ta uống, cái gì chúng ta không muốn, chúng ta không uống. Cái gì được phép, chúng ta nhai, cái gì không được phép, chúng ta cũng nhai. Cái gì được phép, chúng ta ăn, cái gì không được phép, chúng ta cũng ăn. Cái gì được phép, chúng ta nếm, cái gì không được phép, chúng ta cũng nếm. Cái gì được phép, chúng ta uống, cái gì không được phép, chúng ta cũng uống. Cái gì đúng thời, chúng ta nhai, cái gì không đúng thời, chúng ta nhai. Cái gì đúng thời, chúng ta ăn, cái gì không đúng thời, chúng ta ăn. Cái gì đúng thời, chúng ta nếm, cái gì không đúng thời, chúng ta nếm. Cái gì đúng thời, chúng ta uống, cái gì không đúng thời, chúng ta uống. Khi các gia đình có tín tâm cúng dường chúng ta ban ngày, phi thời, những món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, hình như những món này, chúng ta bị chận đứng lại trên miệng". Như vậy, vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Sợ hãi về cá sấu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tham ăn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự sợ hãi về cá sấu.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về nước xoáy ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau : "Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, tay cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không phòng hộ, hưởng thụ được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong ấy. Vị này suy nghĩ như sau : "Chúng ta xưa kia chưa xuất gia đã hưởng thọ, được cung cấp đầy đủ, được thực hiện năm dục trưởng dưỡng và cảm thấy hoan hỷ trong đó. Vì nhà ta có tài sản, ta có thể vừa hưởng thị tài sản, vừa làm các công đức". Vị ấy từ bỏ học tập và trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là vị Tỷ-kheo bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về nước xoáy, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về nước xoáy là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự sợ hãi về nước xoáy.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sợ hãi về cá dữ ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy suy nghĩ như sau : "Ta nay bị sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, bị khổ áp bức, bị khổ chi phối. Tuy vậy, ta mong có thể thấy được sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này". Khi được xuất gia như vậy, vị này buổi sáng đắp y, tay cầm y bát, đi vào làng hay thị trấn để khất thực, không phòng hộ thân, không phòng hộ lời, không phòng hộ tâm, niệm không an trú, các căn không chế ngự. Vị này thấy ở đây những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh. Khi thấy những phụ nữ mặc y phục không đoan chánh hay đắp y phục không đoan chánh, ái dục phá hoại tâm của vị ấy. Vị này, tâm bị ái dục phá hoại, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là vị Tỷ-kheo bị sợ hãi bởi sự sợ hãi về cá dữ, từ bỏ học tập, trở về hoàn tục. Này các Tỷ-kheo, sợ hãi về cá dữ là đồng nghĩa với phụ nữ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sự sợ hãi về cá dữ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này, ở đây, một số thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này.

(III) (123) HẠNG NGƯỜI SAI KHÁC (1)

1. - Có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly pháp bất thiện, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Phạm chúng thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy … được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang âm Thiên. Hai kiếp này, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Quang A⭠thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú … Đây là sự đặc thu, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy … được sanh cộng trú với chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Bốn kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng của chư Thiên ở Biến tịnh Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú … Đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là tuổi thọ vô lượng các chư Thiên ở Quảng quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

(IV) (124) CÁC HẠNG NGƯỜI SAI KHÁC (2)

1. - Có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ly dục, ly ác pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Ở đây, về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc trưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng các hàng phàm phu.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người làm cho tịnh chỉ tầm và tứ … Thiền thứ hai … Thiền thứ ba … Thiền thứ tư và an trú. Vị ấy, ở đây về các pháp thuộc sắc, thuộc thọ, thuộc trưởng, thuộc hành, thuộc thức, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là bệnh hoạn, là hướng ngoại, là hoại diệt, là trống không, là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Sự sau khi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng các hàng phàm phu.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

(V) (125) TỪ (1)

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người với tâm, cùng khởi với từ, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Phạm chúng Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người với tâm cùng khởi với bi … với tâm cùng khởi với hỷ … với tâm cùng khởi với xả, biến mãn một phương rồi an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới. Vị ấy an trú biến mãn với tâm cùng khởi với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy nếm được vị ngọt của Thiền ấy, ái luyến Thiền ấy và do vậy tìm được an lạc; an trú trên ấy, chú tâm trên ấy, sống phần lớn với Thiền ấy, không có thối đọa; khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quang âm Thiên. Hai kiếp, này các Tỷ-kheo, là thọ mạng của các chư Thiên ở Quang âm Thiên … được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Biến tịnh Thiên … được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi Quảng quả Thiên. Năm kiếp, này các Tỷ-kheo, là thọ mạng của các chư Thiên ở cõi Quảng quả Thiên. Tại đấy, kẻ phàm phu, sau khi an trú cho đến hết tuổi thọ ấy, sau khi sống trọn vẹn tuổi thọ của chư Thiên, đi đến địa ngục, đi đến bàng sanh, đi đến ngạ quỷ. Còn đệ tử Như Lai, tại đấy, sau khi an trú cho đến hết vẹn tuổi thọ của chư Thiên ấy, nhập Niết-bàn trong hiện hữu ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là sự thù thắng, đây là sự sai khác giữa Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, tức là vấn đề sanh thú.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

(VI) (126) TỪ (2)

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn ?

ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có tâm cùng khởi với từ … (như kinh 125, 1…) không hận, không sân. … (như kinh 121, 1…) là vô ngã. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở Tịnh cư Thiên. Này các Tỷ-kheo, sự sanh khởi này, này các Tỷ-kheo, không có chung cùng các hàng phàm phu. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời.

(VII) (127) VI DIỆU (1)

- Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có xuất hiện. Thế nào là bốn ?

Này các Tỷ-kheo, khi Bồ-tát từ bỏ thân ở cõi trời Đâu-suất, chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy, một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh, không có nền tảng, tối tăm u ám, tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói : "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng thứ nhất có xuất hiện.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi Bồ-tát chánh niệm tỉnh giác, từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy, một hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có thế giới của chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Cho đến những thế giới ở chặng giữa bất hạnh, không có nền tảng, tối tăm u ám, tại đấy, mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu ánh sáng. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thâm diệu thắng xa uy lực chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh, sanh tại đấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau và nói : "Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có thứ hai xuất hiện.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai chứng ngộ được vô thượng Chánh Đẳng Giác, khi ấy trong thế giới chư Thiên … (như kinh 127,2) …"Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có thứ ba xuất hiện.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi Như Lai chuyển bánh xe pháp vô thượng, khi ấy trong thế giới chư Thiên.. (như kinh số 127,2 …)"Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây". Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có thứ tư xuất hiện.

Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện.

(VIII) (128) VI DIỆU (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. Thế nào là bốn ?

Này các Tỷ-kheo, quần chúng ưa thích chấp giữ, thích thú chấp giữ, hoan hỷ chấp giữ, khi pháp không chấp giữ được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất xuất hiện.

2. Này các Tỷ-kheo, quần chúng ưa thích kiêu mạn, thích thú kiêu mạn, hoan hỷ kiêu mạn, khi pháp không kiêu mạn được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai xuất hiện.

3. Này các Tỷ-kheo, quần chúng ưa thích không an tịnh, thích thú không an tịnh, hoan hỷ không an tịnh, khi pháp an tịnh được Như Lai thuyết giảng, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ ba xuất hiện.

4. Này các Tỷ-kheo, quần chúng đi đến vô minh, trở thành mù quáng, bị trói buộc che đậy, khi Như Lai thuyết pháp nhiếp phục vô minh, họ khéo nghe, lắng tai, chánh trí an trú tâm. Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ tư xuất hiện.

Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện

(IX) (129) VI DIỆU (3)

1. - Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. Thế nào là bốn ?

Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo đi đến yết kiến Ànanda, hội chúng ấy hoan hỷ được yết kiến Ànanda. Ở đây, nếu Ànanda thuyết pháp, hội chúng ấy hoan hỷ với lời thuyết giảng. Chúng Tỷ-kheo không được vui vẻ, này các Tỷ-kheo, nếu Ànanda giữ im lặng.

2. Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo-ni … nếu chúng nam cư sĩ … nếu chúng nữ cư sĩ đi đến yết kiến Ànanda. Tại đấy, nếu Ànanda thuyết pháp, hội chúng ấy được hoan hỷ với lời thuyết giảng. Chúng Tỷ-kheo-ni … nếu chúng nam cư sĩ, chúng nữ cư sĩ sẽ không được vui vẻ, này các Tỷ-kheo, nếu Ànanda giữ im lặng.

(X) (130) VI DIỆU (3)

1. - Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện. Thế nào là bốn ?

Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Sát-đế-lỵ đến yết kiến vua Chuyển Luân, hội chúng ấy được hoan hỷ vì được yết kiến vua Chuyển Luân. Tại đấy, nếu vị vua Chuyển Luân nói chuyện, hội chúng được hoan hỷ với bài nói chuyện. Và nếu vua Chuyển Luân im lặng, chúng Sát-đế-lỵ bị thất vọng.

2. Này các Tỷ-kheo, nếu có chúng Bà-la-môn, … nếu có chúng gia chủ …, nếu có chúng Sa-môn đến yết kiến vua Chuyển Luân, hội chúng ấy được hoan hỷ vì được yết kiến vua Chuyển Luân. Tại đấy, nếu vị vua Chuyển Luân nói chuyện, hội chúng được hoan hỷ với bài nói chuyện. Và nếu vua Chuyển Luân im lặng, chúng Sa-môn bị thất vọng.

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này về vua Chuyển Luân.

3. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này về Ànanda. Thế nào là bốn ?

Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo đến để yết kiến Ànanda … nếu Ànanda giữ im lặng.

Này các Tỷ-kheo, nếu chúng Tỷ-kheo-ni …

Này các Tỷ-kheo, nếu chúng nam cư sĩ …

Này các Tỷ-kheo, nếu chúng nữ cư sĩ …

Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này về Ànanda.


XIV. PHẨM LOÀI NGƯỜI

(I) (131) KIẾT SỬ

1. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử không được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, nhưng các kiết sử khiến được sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, nhưng các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một hạng người, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu được đoạn tận.

2. Đối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử không được đoạn tận, các kiết sử khiến được tái sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận ?

Đối với vị Nhất Lai. Đối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử … các kiết sử khiến được sanh … các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.

3. Đối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được tái sanh không được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận ?

Đối với hạng người Thượng lưu, đi đến Sắc cứu kính. Đối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, … các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.

4. Đối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận ?

Đối với hạng người Trung gian Bát-Niết-bàn. Đối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu không được đoạn tận.

5. Đối với hạng người nào, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu được đoạn tận ?

Đối với bậc A-la-hán. Đối với hạng người này, này các Tỷ-kheo, các hạ phần kiết sử được đoạn tận, các kiết sử khiến được sanh được đoạn tận, các kiết sử khiến được hữu được đoạn tận.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(II) (123) TRẢ LỜI

1. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Trả lời tương ứng, trả lời không tự tại, ; trả lời tự tại, trả lời không tương ứng; trả lời tương ứng và trả lời tự tại; trả lời không tương ứng và trả lời không tự tại.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(III) (133) LANH TRÍ

1. Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Biết một cách tổng quát, biết một cách rộng rãi với các chi tiết, biết cần phải hướng dẫn chỉ giỏi về chữ nghĩa.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(IV) (134) NỖ LỰC

- Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Sống nhờ kết quả của nỗ lực, sống nhờ kết quả của hành động, sống không nhờ kết quả của hành động, sống không nhờ kết quả của nỗ lực; Sống nhờ kết quả của nỗ lực và sống nhờ kết quả của hành động; Sống không nhờ kết quả của nỗ lực và sống không nhờ kết quả của hành động.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(V) (135) CÓ TỘI

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Có tội, nhiều tội, ít tội, không có tội.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có tội ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu với thân nghiệp có tội, thành tựu với khẩu nghiệp có tội, thành tựu với ý nghiệp có tội. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người có tội.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người nhiều tội ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu với thân nghiệp có tội nhiều, không tội ít, thành tựu với khẩu nghiệp có tội nhiều, không tội ít, thành tựu với ý nghiệp có tội nhiều, không tội ít. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người với nhiều tội.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người với ít tội ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp với không tội nhiều, với có tội ít, thành tựu khẩu nghiệp với không tội nhiều, với có tội ít, thành tựu ý nghiệp với không tội nhiều, với có tội ít. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người ít tội.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không tội ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thành tựu với thân nghiệp không có tội, thành tựu với khẩu nghiệp không có tội, thành tựu với ý nghiệp không có tội. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có tội.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(VI) (136) CÓ GIỚI (1)

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không đầy đủ về giới, không đầy đủ về định, không đầy đủ về tuệ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đầy đủ về giới, không đầy đủ về định, không đầy đủ về tuệ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đầy đủ về giới, đầy đủ về định, không đầy đủ về tuệ. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đầy đủ về giới, đầy đủ về định, đầy đủ về tuệ.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(VII) (137) CÓ GIỚI (2)

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người không kính trọng giới, không xem giới là tốt thượng, không kính trọng định, không xem định là tốt thượng, không kính trọng tuệ, không xem tuệ là tốt thượng, Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người kính trọng giới, xem giới là tốt thượng, không kính trọng định, không xem định là tốt thượng, không kính trọng tuệ, không xem tuệ là tốt thượng. Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người kính trọng giới, xem giới là tốt thượng, kính trọng định, xem định là tốt thượng, không kính trọng tuệ, không xem tuệ là tốt thượng, Ở đây, này các tỷ-kheo, có hạng người kính trọng giới, xem giới là tốt thượng, kính trọng định, xem định là tốt thượng, kính trọng tuệ, xem tuệ là tốt thượng,

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(VIII) (138) VIỄN LY

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Thân viễn ly, tâm không viễn ly; thân không viễn ly, tâm viễn ly; thân không viễn ly, tâm không viễn ly; thân viễn ly và tâm viễn ly.

2. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân viễn ly, tâm không viễn ly ?

- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; vị ấy nghĩ đến dục tầm, nghĩ đến sân tầm, nghĩ đến hại tầm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân viễn ly, nhưng tâm không viễn ly.

3. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân không viễn ly, nhưng tâm viễn ly ?

- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người không sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; vị ấy tại đó nghĩ đến tầm xuất ly, nghĩ đến tầm vô sân, nghĩ đến tầm bất hại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân không viễn ly, nhưng tâm viễn ly.

4. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân không viễn ly, tâm không viễn ly ?

- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người không sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; Tại đấy, vị ấy nghĩ đến dục tầm, nghĩ đến sân tầm, nghĩ đến hại tầm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân viễn ly, nhưng tâm không viễn ly.

5. Này các Tỷ-kheo, thế nào là thân viễn ly và tâm viễn ly ?

- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các hạng người sống tại các núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng; vị ấy tại đó nghĩ đến tầm xuất ly, nghĩ đến tầm không sân, nghĩ đến tầm không hại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thân viễn ly và tâm viễn ly.

Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(IX) (139) THUYẾT PHÁP

1. - Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, ít nói và không liên hệ đến vấn đề; và hội chúng không thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, ít nói và liên hệ đến vấn đề; và hội chúng thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.

3. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, nói nhiều và không liên hệ đến vấn đề; và hội chúng không thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.

4. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người thuyết pháp, nói nhiều và liên hệ đến vấn đề; và hội chúng thiện xảo về liên hệ hay không liên hệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người thuyết pháp và vị ấy được xem là hạng người thuyết pháp cho một hội chúng tương tự.

Có bốn hạng người thuyết pháp này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

(X) (140) HẠNG THUYẾT TRÌNH

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng thuyết trình này. Thế nào là bốn ?

Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa, không về văn; Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, đi đến ngõ bí về văn, nhưng không về nghĩa; Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn; Có hạng thuyết trình, này các Tỷ-kheo, không đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng thuyết trình này.

Không có trường hợp nào, này các Tỷ-kheo, không có cơ hội này, là một người thành tựu bốn vô ngại giải, lại đi đến ngõ bí về nghĩa cũng như về văn.


XV. PHẨM ÁNH SÁNG

(I) (141) HÀO QUANG

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hào quang. Thế nào là bốn ?

Hào quang mặt trăng, hào quang mặt trời, hào quang ngọn lửa, hào quang trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại hào quang này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại hào quang là hào quang trí tuệ.

(II) (142) ÁNH SÁNG

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn ?

A鮨 sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng ngọn lửa, ánh sáng trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh sáng là ánh sáng trí tuệ.

(III) (143) ÁNH LỬA

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh lửa. Thế nào là bốn ?

A鮨 lửa mặt trăng, ánh lửa mặt trời, ánh lửa ngọn lửa, ánh lửa trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh lửa này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh lửa là ánh lửa trí tuệ.

(IV) (144) ÁNH CHIẾU

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh chiếu. Thế nào là bốn ?

A鮨 chiếu mặt trăng, ánh chiếu mặt trời, ánh chiếu ngọn lửa, ánh chiếu trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh chiếu này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh chiếu là ánh chiếu trí tuệ.

(V) (145) ÁNH ĐÈN

- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh đèn. Thế nào là bốn ?

Ánh đèn mặt trăng, ánh đèn mặt trời, ánh đèn ngọn lửa, ánh đèn trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh đèn này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh đèn là ánh đèn trí tuệ.

(VI) (146) THỜI GIAN (1)

- Có bốn loại thời gian này. Thế nào là bốn ?

Nghe pháp đúng thời, đàm luận về pháp đúng thời, chỉ đúng thời, quán đúng thời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại thời gian này.

(VII) (147) THỜI GIAN (2)

1. - Có bốn thời gian này, này các Tỷ-kheo, nếu khéo tu tập, nếu khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc. Thế nào là bốn ?

Nghe pháp đúng thời, đàm luận về pháp đúng thời, chỉ đúng thời, quán đúng thời.

Bốn thời gian này, này các Tỷ-kheo, khéo tu tập, khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đỉnh núi, trời mưa nặng hột, và nước chảy theo triền thấp, tràn đầy hang núi, khe núi, thung lũng. Khi các hang núi, khe núi, thung lũng được tràn đầy, thời ao nhỏ được tràn đầy. Ao nhỏ được tràn đầy, thời ao lớn được tràn đầy. Ao lớn được tràn đầy, thời sông nhỏ được tràn đầy. Sông nhỏ được tràn đầy, thời sông lớn được tràn đầy. Sông lớn được tràn đầy, thời biển lớn đại dương được tràn đầy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bốn thời gian này, nếu khéo tu tập, nếu khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc.

(VIII) (148) HẠNH ÁC VỀ LỜI NÓI

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh ác về lời nói này. Thế nào là bốn ?

Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh ác về lời nói này.

(IX) (149) HẠNH THIỆN VỀ LỜI NÓI.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh thiện về lời nói này. Thế nào là bốn ?

Nói thật, không nói hai lưỡi, nói lời nhu hòa, nói lời thông minh

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạnh thiện về lời nói này.

(X) (150) LÕI (Tinh túy)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn lõi này. Thế nào là bốn ?

Lõi về giới, lõi về định, lõi về tuệ, lõi về giải thoát.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại lõi này.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]