- Piano Sonata 14 (truyện ngắn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc))
- Một thời truyền luật (Bài viết tưởng niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ)
- Cổ Thụ Trong Rừng Thiền (Bài viết tưởng niệm Hòa thượng Mật Hiển)
- Đạo Phật Với Thanh Niên (bài viết của Hòa Thượng Tuệ Sỹ)
- Sư Thiện Chiếu (truyện ngắn của HT Tuệ Sỹ)
- Gốc Tùng (truyện ngắn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ)
- Tánh Không Luận Là Gì? (Bài viết của HT Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Tư Tưởng Phật Giáo Đối Diện Với Hư Vô (Bài viết của HT Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Tham Nhũng Là Một Quốc Nạn (bài viết của Ôn Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Sự Biến Lương Sơn (tường Thuật của Ôn Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Đại lễ Phật đản 2565 Cùng đọc lại Huấn thị An cư của Đức Đệ Tứ Tăng Thống Trưởng lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang
- Kháng Thư
- Giác Thư
- Hai Vị Thiền Sư: Tuệ Sỹ và Lê mạnh Thát
- Đọc Thơ Tù Của Thầy Tuệ Sỹ
- Đi Vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ
- Giấc Mơ Trường Sơn
- Tĩnh Thất (thơ của HT Tuệ Sỹ)
- Duy Tuệ Thị Nghiệp ( Bài viết của HT Tuệ Sỹ, do PT Diệu Danh diễn đọc)
- Dẫn vào thế giới Văn học Phật Giáo (Hòa Thượng Tuệ Sỹ Toàn Tập)
- Thơ: Một Bóng Trăng Gầy
- Tuyển tập những câu đối Thiền Môn của Hòa Thượng Tuệ Sỹ
- 🌺🍀🌸 Những Bài Viết Về Ôn Tuệ Sỹ
- Thầy Tuệ Sỹ – bậc Thạc đức và Nhà giáo dục lớn
Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặng mà sấm sét, tĩnh tọa mà phiêu bồng. Đó là cõi thơ trầm thống, khốc quỷ kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ dị thường, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt. Hồn thơ khốc liệt u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư tối thượng:
Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về
Để cho trời thơ phiêu phưỡng, bước đi lồng lộng, độc hành ca giữa đỉnh cao và hố thẳm, trầm hùng vô uý khi biết mình đang giáp mặt với thập tử nhất sinh. Một mình lẫm liệt hiên ngang bất khuất, dấn bước lên đường dưới gầm trời bão loạn cuồng si. Đi về đâu hỡi Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng(1) hỡi Giấc Mơ Trường Sơn(2) rờn máu lệ ngậm ngùi?
Cuộc lữ khởi sự từ đâu chẳng biết, chỉ hay rằng từ lúc nghe đồng vọng những trận gió phong trần tận chốn miền thiên thu vạn đại vi vu thổi tới:
Nghìn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Đan sa rã mộng phi thường
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh
Sinh tử là một việc trọng đại như thi nhân đã có lần nói tới trong lời tựa Vô Môn Quan(3): “Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và huỷ diệt.” Hư vô đã trở thành một thứ chủ nghĩa đang hủy diệt mặt đất một cách trầm trọng đau thương, khiến thi sĩ nghe ra nghèn nghẹn tận đáy hồn:
Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào
Nghe tiếng gào kêu thống thiết của nhân gian, của thập loại chúng sinh đang quằn quại rên siết trong bao đổ nát đoạn trường giữa cuộc vô thường dâu bể tan hoang đầy thảm họa tồn sinh bức bách, khiến cho nhà thơ phát tâm đại nguyện yêu thương nhân loại trong vô ngôn lặng lẽ âm thầm:
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao
Vô biên vô lượng thương yêu con người tha thiết mà không bao giờ nói mình yêu thương gì hết cả, đó mới chính là thương yêu đích thực nhất. Phải chăng chỉ có những tấm lòng Bồ-tát mới có thứ tình yêu vô điều kiện, vô phân biệt như vậy? Một tình yêu rộng rãi Đại Bi Tâm nhập diệu, kết tinh thành bản tình ca mà thi sĩ thường lắng nghe từ hun hút núi sông, rừng biển, đất trời:
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông phương
Bản tình ca ấy, thi nhân vẫn nghe hoài rung ngân bất tuyệt trên những dặm dài long đong lữ thứ giữa những chuỗi ngày lênh đênh bên ghềnh suối truông ngàn Vạn Giã hoang vắng tịch liêu, tiều tụy nỗi u hoài:
Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây
Em ở đây là hình ảnh cuộc đời. Cuộc đời vốn dĩ lao đao khổ lụy từ nghìn xưa đến ngày nay. Khổ đế là sự thật thứ nhất mà đức Phật đã chỉ bày cách đây gần ba nghìn năm rồi. Giống như đại văn hào Hermann Hesse phát biểu: “Dù bị đau đớn quằn quại tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này.” Nhà thơ Tuệ Sỹ cũng vậy, cũng hết lòng thương yêu con người, dù kiếp người có tàn xiêu hiu hắt:
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn lửa tàn
Rừng khuya bên bếp lửa
Ngồi đợi gió sang canh
Một hình một bóng cô đơn ngồi trên tuyệt đỉnh núi lạnh xanh rờn, đôi mắt thi nhân cúi nhìn xuống cuộc đời đang chìm trong bóng tối mù sa mà cảm thương một nỗi u sầu xót xa vô hạn:
Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa?
Người không đi sông núi có buồn đi?
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi
Sầu khúc thê lương kéo dài suốt mười lăm năm trường đọa đày viễn mộng như lời thơ tiên tri thấu thị trước cuồng phong bão tố phủ trùm xuống mịt mù u tối:
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai như ánh chớp mây chiều
“Như sương mai như ánh chớp mây chiều ” Một câu thơ làm bay dậy âm vang sấm sét, mặc như lôi trong kinh Kim Cang làm phấn chấn bất khả tư nghì:
Tất cả pháp hữu vi
Như huyễn mộng bọt nước
Như ánh chớp sương mai
Thường quán tưởng như thị.”
Khi thi nhân lãnh hội, quán chiếu sâu xa, thấy tất cả vạn pháp như mộng huyễn thì hoát nhiên hiển lộ một phương trời Tự Tánh thanh tịnh nên hết thảy mọi khổ nạn điêu linh đều chuyển hóa thành lửa tịch mịch, tự nhiên đốt cháy hết những kinh hoàng khủng khiếp của địa ngục trần gian và sầu khúc thê lương trở thành “Bản tình ca vô tận của Đông phương” hay biến thành Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm(4) thâm thúy dưới ngàn trăng:
Ồ! Nguyệt quế trắng mờ đôi mắt
Ồ! Sao Em sao ấn mãi cung đàn?
Giai điệu cổ thoáng buồn u uất
Xưa yêu Em xao động trăng ngàn
Từ xưa đến nay vẫn cung cầm Đại Bi Tâm trầm lặng ngân rung trên cung bậc thượng thừa Bất Nhị giữa cõi người ta vô thủy vô chung Trên ngõ về cố quận, bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ: “Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.”
Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa diệu thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi.
Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước
Cố quên mình là thân phận thần tiên.■