Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 10: Gồm các vị nối pháp Thiền sư Nam Tuyền như: Triệu Châu Tòng Thẩm

01/11/202121:01(Xem: 6105)
Quyển 10: Gồm các vị nối pháp Thiền sư Nam Tuyền như: Triệu Châu Tòng Thẩm

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 10

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng

 

 

Pháp Tự Đời Thứ Ba Của Nam Nhạc Hoài Nhượng: 61người.

A- Pháp Tự Của Nam Tuyền Phổ Nguyện Ở Trì Châu: 17 người, 12 người được ghi chép:

01- Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm ở Hồ Nam

02- Thiền sư Đàm Chiếu Bạch Mã ở Kinh Nam

03- Thiền sư Sư Tổ Vân Tế núi Chung Nam

04- Thiền sư Nghĩa Đoan Hạ Đường Hương Nghiêm Đặng Châu.

05- Thiền sư Tùng Thẩm Đông Viện Triệu Châu

06- Thiền sư Nhàn Linh Thứu Trì Châu

07- Hòa thượng núi Phù Dung Đặng Châu

08- Thiền sư Lợi Tung Tử Hồ Cù Châu

09- Hòa thượng Tung Sơn Lạc Kinh

10- Hòa thượng Nhật Tử

11- Hòa thượng Tây Thiền Tô Châu

12- Hành giả Cam Chí Trì Châu.

B- Pháp Tự Của Thiền Sư Diêm Quan Tề An Hàng Châu: 8 người, 3 người được ghi chép:

1- Thiền sư Đạo Thường Quan Nam Tương Châu

2- Thiền sư Song Lĩnh Huyền Chân

3- Thiền sư Kính Sơn Giám Tông Hàng Châu.

C- Pháp Tự Của Thiền Sư Linh Mặc Núi Ngũ Tiết Vụ Châu: 4 người, 1 người được ghi chép: Thiền sư Chính Nguyên núi Qui Phước Châu.

D- Pháp Tự Của Thiền Sư Như Mãn Chùa Phật Quang Lạc Kinh: 1 người được ghi chép: Thứ sử Bạch Cư Dị Hàng Châu.

E- Pháp Tự Của Thiền Sư Pháp Thường Núi Đại Mai Minh Châu: 32 người, 2 người được ghi chép:

- Thiền sư Già Trí nước Tân La (Triều Tiên)

- Hòa thượng Thiên Long Hàng Châu

F- Pháp Tự Của Thiền Sư Linh Thoan Chùa Vĩnh Thái Kinh Châu: 5 người, 3 người được ghi chép:

1- Thiền sư Giới Hư Thượng Lâm Hồ Nam,

2- Hòa thượng Bí Ma Nham núi Ngũ Đài,

3- Hòa thượng Kỳ Lâm Hồ Nam.

G- Pháp Tự Của Thiền Sư Bảo Tích Bàn Sơn U Châu: 2 người, một người được ghi chép: Hòa thượng Phổ Hóa Trấn phủ.

H- Pháp Tự Của Hòa Thượng Duy Khoan Chùa Hưng Thiện Kinh Triệu.

I- Pháp Tự Của Thiền Sư Tỉnh Tông Vân Thủy:

1- Thiền sư Thần Chiếu Tiểu Mã Huê Châu,

2- Thiền sư Đạo Viên Huê Châu. (Hai người này không được ghi chép)

J- Pháp Tự Của Thiền Sư Viên S Núi Long Nha Đàm Châu: 2 người, một người được ghi chép:

- Thiền sư Tạng Dặc Gia Hòa,

- Thiền sư Dương Trường (không được ghi chép).

K- Pháp Tự Của Hòa Thượng Vô Nghiệp Phần Châu:

1- Thiền sư Thường Trinh Trấn Châu

2- Thiền sư Phụng Chấn Châu. (Hai người này không ghi chép)

L- Pháp Tự Của Thiền Sư Pháp Thường Chùa Qui Tông Lư Sơn: 6 người, 4 người được ghi chép:

1- Thiền sư Linh Huấn núi Phù Dung Phước Châu

2- Hòa thượng Cao Đình huyện Cốc Thành Hán Nam

3- Hòa thượng Đại Mao nước Tân La (Triều Tiên)

4- Thiền sư Trí Thông núi Ngũ Đài.

M- Pháp Tự Của Thiền Sư Bảo Vân Núi Lỗ Tổ: Hòa thượng Vân Thủy. (không cơ duyên ngữ cú, không ghi chép)

N- Pháp Tự Của Thiền Sư Đạo Thông Núi Tử Ngọc: Tiết độ sứ Vu Địch Tương Châu đời Đường. (không cơ duyên ngữ cú).

O- Pháp Tự Của Thiền Sư Trí Nham Chùa Huê Nghiêm: 1 người được ghi chép: Hòa thượng Tề An Hàng Châu.

 

ĐẠI SƯ CHIÊU HIỀN TRƯỜNG SA CẢNH SẦM

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Ban sơ, sư trụ Lộc Uyển đời thứ nhất. Sau đó không trụ nơi nhất định, mà chỉ theo duyên tiếp vật, tùy lời thỉnh cầu mà thuyết pháp, vì vậy mà người thời đó gọi sư là Hòa thượng Trường Sa.

Sư thượng đường nói:

- Nếu ta nhất hướng cử dương Tông thừa thì trong pháp đường cỏ phải ngập một trượng, chuyện bất đắc dĩ mà phải hướng về các vị nói rằng tận mười phương thế giới đều là mắt Sa-môn, tận mười phương thế giới toàn là thân Sa-môn, tận mười phương thế giới đều là sáng rỡ của chính mình, tận mười phương thế giới đều ở trong sáng rỡ của chính mình, tận mười phương thế giới không một người nào chẳng là tự mình. Ta thường hướng về các vị mà nói: Chư Phật ba đời và chúng sanh cả pháp giới là ánh sáng đại Bát-nhã. Lúc ánh sáng chưa phát thì các vị hướng về đâu mà ủy thác. Lúc ánh sáng chưa phát vẫn chưa có tin của Phật và chúng sanh, nơi nào mà núi sông, quốc độ đến.

Lúc ấy, có tăng hỏi:

- Thế nào là mắt của Sa-môn ?

Sư nói:

- Lâu dài ra không được.

Lại nói:

- Thành Phật thành Tổ ra không được. Sáu nẻo luân hồi ra không được.

Tăng lại hỏi:

- Xin hỏi cái gì ra không được ?

Sư nói:

- Ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao.

Tăng hỏi:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Núi cao chót vót màu xanh vẫn xanh.

Tăng nói:

- Trong Giáo có nói: Nhưng thường ở tòa Bồ-đề, thế nào là tòa?

Sư nói:

- Lão tăng đang ngồi, đại đức đang đứng.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là đại đạo ?

Sư đáp:

- Nhận chìm mất ông.

***

Tăng hỏi:

- Chư Phật sư là ai ?

Sư nói:

- Từ vô thỉ kiếp đến nay, thừa hưởng phúc ấm của ai ?

Tăng nói:

- Từ lúc chưa có chư Phật trở về trước thì thế nào ?

Sư nói:

- Lỗ Tổ khai đường cũng cùng các sư tăng nói đông, bàn tây.

Tăng nói:

- Kẻ học này không cứ địa thì thế nào ?

Sư nói:

- Ông hướng về nơi nào mà ẩn thân, lập mạng ?

Tăng hỏi:

- Nếu cứ địa thì thế nào ?

Sư nói:

- Kéo thây ma ra đi !

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là loài khác ?

Sư nói:

- Thước ngắn, tấc dài.

Tăng hỏi:

- Thế nào là chư Phật sư ?

Sư nói:

- Không thể bẻ thẳng làm cong được.

Tăng nói:

- Thỉnh Hòa thượng nói chuyện hướng thượng.

Sư nói:

- Xà-lê mắt mù, tai điếc thì nói làm sao ?

***

Sư sai một ông tăng đến hỏi Hòa thượng Hội rằng:

- Hòa thượng sau khi gặp Nam Tuyền thì thế nào ?

Hòa thượng Hội nín lặng. Tăng lại hỏi:

- Hòa thượng từ lúc chưa gặp Nam Tuyền trở về trước thì thế nào ?

Hội nói:

- Không thể có riêng vậy.

Tăng quay về thuật lại tự sự với sư, sư khai thị một bài kệ rằng:

Phiên âm:

Bách trượng can đầu bất động nhân

Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân

Bách trượng can đầu tu tấn bộ

Thập phương thế giới thị toàn thân.

Tạm dịch:

Đầu sào trăm trượng chẳng động nhân

Tuy đã vào rồi chẳng phải chân

Trăm trượng đầu sào nên bước tới

Mười phương thế giới mới toàn thân.

Tăng hỏi:

- Như trên đầu sào trăm trượng thì làm sao bước tới ?

Sư nói:

- Núi Lãng Châu, nước Lễ Châu.

Tăng nói:

- Thỉnh sư nói.

Sư nói:

- Nơi bốn biển, năm hồ rộng lớn.

***

Có khách đến tham yết sư triệu gọi:

- Thượng thư!

Người ấy ứng tiếng dạ, sư nói:

- Không phải bổn mạng thượng thư.

Người ấy nói:

- Không thể rời tức nay đối đáp không có người chủ thứ hai.

Sư nói:

- Gọi thượng thư là đấng chí tôn được không ?

Người ấy đáp:

- Như thế thì trọn không phải lúc đối đáp, há phải chăng là chủ nhân của đệ tử ?

Sư nói:

- Chẳng phải lúc đối đáp hay không đối đáp, từ vô thỉ kiếp đến nay là điều căn bản của sanh tử.

Sư có kệ rằng:

Phiên âm:

Học đạo chi nhân bất thức chân

Chỉ vị tùng lai nhận thức thần

Vô thỉ kiếp lai sanh tử bổn

Si nhân hoán tác bổn lai nhân.

Tạm dịch:

Người học đạo kia chẳng hiểu chân

Chỉ bởi từ xưa nhận thức thần

Từ bao kiếp giờ sanh tử gốc

Kẻ ngu lại gọi bổn lai nhân.

***

Có vị tú tài xem kinh Phật Danh hỏi rằng:

- Trăm ngàn chư Phật thì thấy tên rồi đó, xin hỏi ở quốc độ nào, có còn hoằng hóa vạn vật nữa không ?

Sư đáp:

- Lầu Hoàng Hạc Thôi Hiệu đề thơ rồi, tú tài từng đề thơ tiếp chưa vậy ?

Tú tài đáp:

- Chưa từng.

Sư nói:

- Rảnh rỗi đề một thiên có hại chi.

***

Tăng hỏi:

- Hòa thượng Nam Tuyền qua đời rồi đi về đâu ?

Sư đáp:

- Nhà Đông làm lừa, nhà Tây làm ngựa.

Tăng hỏi:  

- Ý ấy thế nào ?

Sư đáp:

- Cần cỡi thì cỡi, cần xuống thì xuống.

***.

Tăng Hạo Nguyệt hỏi:

- Thiện tri thức trong thiên hạ chứng Tam đức Niết-bàn chưa vậy ?

Sư hỏi:

- Đại đức hỏi Niết-bàn quả thượng hay Niết-bàn nhân trung ?

Đáp:

- Hỏi Niết-bàn quả thượng.

Sư đáp:

- Thiện tri thức trong thiên hạ chưa chứng.

Hỏi:

- Vì sao chưa chứng ?

Sư nói:

- Công đức chưa bằng chư Thánh.

Hỏi:

- Công đức chưa bằng chư Thánh sao gọi là thiện tri thức ?

Sư nói:

- Minh kiến Phật tánh cũng gọi là thiện tri thức được.

Hỏi:

- Xin hỏi công đức chưa bằng chư Thánh sao lại gọi là chứng đại Niết-bàn ?

Sư có kệ rằng:

Phiên âm:

Ma ha Bát nhã chiếu

Giải thoát thậm thâm pháp

Pháp thân tịch diệt thể

Tam nhất lý viên thường

Dục thức công tề sở

Thử danh thường tịch quang.

Tạm dịch:

Đại Bát-nhã chiếu soi

Giải thoát pháp mặn mòi

Thể tịch diệt Pháp thân

Đôi ba dặm hẳn hoi

Muốn biết công đức bằng

Ấy gọi thường tịch quang.

Tăng Hạo Nguyệt lại nói:

- Quả thượng Tam đức Niết-bàn đã mong ơn được chỉ thị, thế nào là Niết-bàn nhân trung ?

Sư nói:

- Là đại đức đó.

Lại hỏi:

- Trong Giáo nói ảo (huyễn) ý là có chăng ?

Sư nói:

- Đại đức nói lời lẽ gì vậy ?

Nói:

- Như thế ảo (huyễn) ý là không chăng ?

Sư nói:

- Đại đức sao lại nói như thế ?

Nói:

- Nếu thế thì ảo (huyễn) ý là không có, không không chăng ?

Sư lại cũng nói: 

- Đại đức sao lại nói như thế ?

Hỏi:

- Như mỗ đây tam minh dứt không khế hợp với ảo (huyễn) ý. Xin hỏi Hòa thượng làm thế nào rõ ảo (huyễn) ý trong Giáo ?

Sư hỏi:

- Đại đức có tin tất cả mọi pháp đều không thể nghĩ bàn không ?

Đáp:

- Lời răn của Phật sao dám chẳng tin.

Sư hỏi:

- Đại đức nói tin, vậy trong hai thứ tín, là tin nào ?

Nói:

- Như mỗ biết rõ thì trong hai tin, đó gọi là tin duyên.

Sư hỏi:

- Nương theo Giáo môn nào được sanh duyên tín ?

Đại đức đáp:

Có kinh Hoa Nghiêm nói: Bồ-tát Ma-ha-tát dùng trí tuệ không ngăn, không kẹt, tin tất cả cảnh giới thế gian đều là cảnh giới Như Lai. Lại kinh Hoa Nghiêm nói: Chư Phật Thế Tôn tất biết thế pháp và pháp tánh của chư Phật chẳng sai khác, quyết định là không hai. Lại kinh Hoa Nghiêm nói: Pháp Phật và pháp thế gian nếu nhìn tới chỗ chân thật thì tất cả đều không sai khác.

Sư nói:

- Đại đức nêu ra đó là Giáo môn duyên tín, rất có chỗ đến. Hãy nghe lão tăng cùng đại đức làm rõ nghĩa huyễn ý trong giáo. Nếu người thấy huyễn bổn lai là thật, thì tức gọi đó là người thấy Phật, hiểu rõ mọi pháp không sanh diệt, mà không diệt không sanh là thân Phật.

Lại hỏi:

- Con trùn chặt làm hai đoạn, hai đầu đều động đậy, Phật tánh ở tại đầu nào ?

Sư đáp:

- Động với chẳng động, lại là cảnh giới gì ?

Nói:

- Lời nói không liên can đến kinh điển là không do người trí nói. Như lời Hòa thượng nói động cùng chẳng động, lại là cảnh giới gì, là rút ra từ kinh nào vậy ?

Sư nói:

- Dĩ nhiên lời nói không liên can đến kinh điển là không do người trí nói, nhưng đại đức há không thấy kinh Thủ Lăng Nghiêm chép: Nên biết mười phương hư không không ngằn mé bất động cùng với sự dao động của nước, lửa, gió, đều gọi là sáu đại, tánh chân thật viên dung, đều là tạng Như Lai, vốn không sanh diệt.

Sư có kệ rằng:

Phiên âm:

Tối thậm thâm, tối thậm thâm

Pháp giới nhân thân tiện thị tâm

Mê giả mê tâm vị chúng sắc

Ngộ thời sát cảnh thị chân tâm

Thân giới nhị trần vô thật tướng

Phân minh đạt thử hiệu tri âm.

Tạm dịch:

Sâu vô cùng, sâu vô cùng

Pháp giới, thân người chính là tâm

Kẻ mê, mê đắm tâm là sắc

Ngộ rồi sát cảnh chính chân tâm

Thân, giới hai trần không thật tướng

Ai hay đạt vậy gọi tri âm.

Đại đức lại hỏi:

- Thế nào là Đà-ra-ni ?

Sư chỉ mé bên phải giường thiền nói:

- Ông sư tăng này tụng được đấy.

Lại hỏi:

- Há chẳng có người khác tụng được sao ?

Sư lại chỉ mé bên trái giường thiền nói:

- Ông sư tăng này cũng tụng được đấy !

Hỏi:

- Mỗ đây vì sao mà không nghe vậy ?

Sư nói:

- Đại đức há không biết đọc chân thật thì không tiếng, nghe chân thật thì không thanh (Chân tụng vô hưởng, chân thính vô thanh).

Nói:

- Nếu thế thì âm thanh không nhập vào tánh của Pháp giới ?

Sư nói:

- Rời sắc cầu quán không phải thấy chánh, rời thanh cầu nghe là tà.

Hỏi:

- Thế nào thì không rời sắc mà vẫn là thấy chánh, không rời tiếng mà vẫn là nghe chân ?

Sư bèn có kệ rằng:

Phiên âm:

Mãn nhãn bổn phi sắc

Mãn nhĩ bổn phi thanh

Văn Thù thường xúc mục

Quán Âm tắc nhĩ căn

Hội tam nguyên nhất thể

Đạt tứ bổn đồng chân 

Đường đường pháp giới tánh

Vô Phật diệc vô nhân. 

Tạm dịch:

Đầy mắt vốn không sắc

Đầy tai vốn không thanh

Văn Thù thường chạm mắt

Quán Âm đầy lỗ tai

Hiểu tam nguyên một thể

Đạt tứ bổn đồng chân

Lồ lộ tánh pháp giới

Không Phật cũng không nhân.

***

Tăng hỏi:

- Nam Tuyền nói rằng: Con mèo, bò trắng lại biết có, ba đời chư Phật lại không biết có: Tại sao ba đời chư Phật lại không biết có ?

Sư đáp:

- Lúc chưa vào Lộc Uyển còn đỡ phần nào.

Tăng hỏi:

- Con mèo, bò trắng vì sao lại biết có ?

Sư đáp:

- Ông sao lại ngạc nhiên với chúng ?

Tăng hỏi:

- Hòa thượng kế thừa làm tự pháp của ai ?

Sư nói:

- Ta không có ai để làm tự pháp.

Tăng hỏi:

- Có tham học không vậy ?

Sư đáp:

- Ta tự tham học.

Tăng hỏi:

- Ý sư như thế nào ?

Sư bèn có kệ rằng:

Phiên âm:

Hư không vấn vạn tượng

Vạn tượng đáp hư không

Thùy nhân thân đắc văn

Mộc xoa quán giác đồng.

Tạm dịch:

Hư không hỏi vạn tượng

Vạn tượng đáp hư không

Ai người đích thân nghe

Chĩa cây rẽ tóc đồng

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là tâm bình thường ?

Sư đáp:

- Cần ngủ thì ngủ, cần ngồi thì ngồi.

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư đáp:

- Nóng thì tìm mát, lạnh thì hơ lửa.

Tăng hỏi:

- Một con đường hướng thượng thỉnh sư nói.

Sư đáp:

- Một cây kim, ba thước chỉ.

Tăng hỏi:

- Phải lãnh hội như thế nào ?

Sư nói:

- Vải Ích Châu là Dương Châu.

Tăng nói:

- Động là mầm của Pháp vương, tịch lặng là rễ của Pháp vương. Thế nào là Pháp vương ?

Sư chỉ cây lộ trụ nói:

- Sao không hỏi vị Bồ-tát đây ?

***

Nhân cùng đứng trước sân nhìn mặt trời mọc (có sách chép là ngắm trăng), Ngưỡng Sơn hỏi:

- Ai ai cũng có cái đó, chỉ tiếc là dùng không được.

Sư nói:

- Chính đang mời ông dùng.

Ngưỡng Sơn nói:

- Làm sao dùng được ?

Sư bèn đá Ngưỡng Sơn té nhào, Ngưỡng Sơn nói:

- Đúng là như một con hổ.

Từ đó chư phương đều gọi sư là Sầm Con Cọp (Sầm Đại Trùng).

***

Tăng hỏi:

- Bổn lai nhân có thành Phật không ?

Sư đáp:

- Ông thấy Thiên tử Đại Đường có tự làm ruộng, cắt lúa không vậy ?

Tăng hỏi:

- Xin hỏi ai thành Phật vậy ?

Sư đáp:

- Là ông thành Phật.

Tăng không lời đối đáp. Sư hỏi:

- Lãnh hội không vậy ?

Tăng đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Như người nhân đất mà té, nương đất mà trở dậy, đất nói cái gì ?

***

Thượng tọa Linh Tú ở Tam Thánh hỏi:

- Nam Tuyền thiên hóa rồi đi về đâu ?

Sư nói:

- Thạch Đầu lúc làm sa-di tham yết Lục Tổ !

Tú nói:

- Không hỏi chuyện Thạch Đầu tham yết Lục Tổ, Nam Tuyền thiên hóa rồi đi về đâu ?

Sư đáp:

- Bảo ông ta suy nghĩ xem.

Tú nói:

- Hòa thượng tuy có ngàn thước tòng lạnh, nhưng không có lấy một mục măng đá.

Sư nín lặng. Tú nói:

- Tạ ơn Hòa thượng đáp lời.

Sư cũng nín lặng. Thượng tọa Tú thuật lại tự sự cho Tam Thánh. Tam Thánh nói:

- Nếu thật là như thế vẫn hơn Lâm Tế bảy bước. Nhưng tuy là như vậy, hãy đợi ta kiểm tra xem sao.

Ngày hôm sau Tam Thánh đến nói:

- Thừa nghe Hòa thượng ngày hôm qua đáp một tắc ngữ về Nam Tuyền thiên hóa, có thể nói là rạng trước, ngời sau, xưa nay hiếm nghe được.

Sư cũng nín lặng.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là Văn Thù ?

Sư đáp:

- Là vách tường, ngói gạch đấy.

Lại hỏi:

- Thế nào là Quán Âm ?

Sư đáp:

- Là âm thanh, lời lẽ.

Lại hỏi:

- Thế nào là Phổ Hiền ?

Sư đáp:

- Là tâm chúng sanh đấy.

Lại hỏi:

- Thế nào là Phật ?

Sư đáp:

- Là sắc thân chúng sanh đấy.

***

Tăng hỏi:

- Hà sa chư Phật thể đồng nhau, sao lại có biết bao là tên gọi ?

Sư đáp:

- Theo nhãn căn mà quay về nguồn gọi là Văn Thù. Theo nhĩ căn mà về nguồn gọi là Quán Âm. Theo tâm quay về nguồn gọi là Phổ Hiền. Văn Thù là trí quán sát huyền diệu của Phật. Quán Âm là vô duyên đại từ của Phật. Phổ Hiền là hạnh huyền diệu vô vi của Phật. Tam Thánh là diệu dụng của Phật. Phật là chân thể của Tam Thánh. Dụng tức có hà sa tên giả. Thể tức gọi chung cả Bạc Già Phạm (Bhaganat).

Tăng hỏi:

- Sắc tức là không, không tức là sắc, ý ấy thế nào ?

Sư nói kệ rằng:

Phiên âm:

Ngại xứ phi tường bích

Thông xứ vật hư không

Nhược nhân như thị giải

Tâm sắc bổn lai đồng.

Tạm dịch:

Chỗ kẹt không tường vách

Chỗ thông chẳng hư không

Nếu người hiểu như thế

Tâm sắc xưa nay đồng.

Lại nói kệ rằng:

Phiên âm:

Phật tánh đường đường hiển hiện

Trụ tánh hữu tình nan kiến

Nhược ngộ chúng sanh vô ngã

Ngã diện hà thù Phật diện.

Tạm dịch:

Phật tánh lồ lộ hiển hiện

Trụ tánh hữu tình khó biện

Nếu ngộ chúng sanh không ngã

Mặt ta nào khác mặt Phật.

***

Tăng hỏi:

- Thức thứ sáu, thức thứ bảy, thức thứ tám rốt lại vô thể thì tại sao gọi chuyển thức thứ tám là Đại viên cảnh trí ?

Sư có kệ rằng:

Phiên âm:

Thất sanh y nhất diệt

Nhất diệt trì thất sanh

Nhất diệt diệt diệc diệt

Lục thất vĩnh vô thiên.

Tạm dịch:

Bảy sanh nương một diệt

Một diệt giữ bảy sanh

Một diệt diệt cũng diệt

Sáu bảy mãi không dời.

***

Lại có tăng hỏi:

- Con trùng chặt làm hai khúc, đầu nào cũng động đậy, vậy Phật tánh ở đầu nào ?

Sư đáp:

- Vọng tưởng mà chi vậy ?

Tăng hỏi:

- Ngặt nỗi động thì làm sao đây ?

Sư đáp:

- Ông há không biết gió lửa chưa tan rã ?

Tăng hỏi:

- Làm thế nào chuyển được núi sông, quốc độ qui về tự kỷ ?

Sư hỏi lại:

- Làm thế nào chuyển được tự kỷ thành núi sông, quốc độ ?

Tăng nói:

- Không lãnh hội.

Sư đáp:

- Dưới thành Hồ Nam khá nuôi được dân. Gạo rẻ, củi nhiều, đầy đủ bốn bên.

Tăng không lời đối đáp. Sư bèn có kệ rằng:

Phiên âm:

Thùy vấn sơn hà chuyển

Sơn hà chuyển hướng thùy

Viên thông vô lưỡng bạn

Pháp tánh bổn vô qui.

Tạm dịch:

Ai hỏi núi sông chuyển

Núi sông chuyển về ai

Tròn đầy không hai bến

Pháp tánh chẳng về thay !

***

Có đại đức chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm hỏi:

- Hư không định có hay là định không ?

Sư nói:

- Nói có cũng được, mà nói không cũng được. Lúc hư không có là có giả có. Lúc hư không không thời là không giả không.

Nói:

- Nếu như Hòa thượng nói thì có giáo văn nào ghi chép ?

Sư nói:

- Đại đức há không nghe kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Hư không mười phương sanh tại trong tâm ông, giống như đám mây điểm trên trời xanh, há đó không phải là lúc hư không sanh, chỉ sanh giả danh.

Sư lại nói:

- Các ông một người phát chân qui nguyên thì mười phương hư không đều tiêu tổn hết, há đó chẳng phải lúc hư không diệt thì chỉ diệt giả danh. Cho nên lão tăng ta mới nói: Có là có giả, không là không giả.

Lại hỏi:

- Kinh nói ‘như trong tịnh lưu ly hiện hình tượng vàng ròng’ ý ấy thế nào ?

Sư nói:

- Lấy tịnh lưu ly làm thể của pháp giới, lấy tượng vàng ròng làm thể của trí vô lậu. Thể có thể sanh trí. Trí có thể đạt thể. Cho nên mới nói: Như trong tịnh lưu ly hiện hình tượng vàng ròng.

Hỏi:

- Thế nào là chỗ chân đi của bậc thượng thượng nhân ?

Sư đáp:

- Như con mắt người chết.

Hỏi:

- Bậc thượng thượng nhân gặp nhau thời như thế nào ?

Sư đáp:

- Như tay người chết.

Hỏi:

- Đồng tử Thiện Tài vì sao vô lượng kiếp tu hành thế giới trong thân Phổ Hiền mà không cùng khắp ?

Sư nói:

- Ông từ vô lượng kiếp tới nay có du hành được khắp cả không?

Hỏi:

- Thế nào là thân Phổ Hiền ?

Sư nói:

- Trong điện Hàm Nguyên mà tìm Trường An.

Hỏi:

- Thế nào là tâm của kẻ học này ?

Sư nói:

- Trọn mười phương thế giới là tâm ông.

Hỏi:

- Thế nào là chỗ không trước thân của kẻ học này ?

Sư nói:

- Đó là chỗ ông trước thân đấy.

Hỏi:

- Thế nào là chỗ trước thân ?

Sư nói:

- Nước biển cả sâu lại sâu.

Nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Cá rồng ra vô tùy ý nổi chìm.

Hỏi:

- Có người hỏi Hòa thượng tùy nhân duyên mà đáp. Nếu như không ai hỏi cả thì Hòa thượng thế nào ?

Sư đáp:

- Nhàn mỏi thì ngủ, mạnh khỏe thì trở dậy.

Nói:

- Dạy kẻ học này hướng về đâu mà lãnh hội ?

Sư đáp:

- Trời hè trần trùn trục, mùa đông lạnh đắp mền.

Hỏi:

- Tăng qua đời đi về đâu ?

Sư có kệ rằng:

Phiên âm:

Bát thức kim cang thể

Khước hoán tác duyên sanh

Thập phương chân tịch diệt

Thùy tại phục thùy hành.

Tạm dịch:

Không biết thể kim cang

Lại gọi là duyên sanh

Mười phương chân tịch diệt

Ai ở ai lại hành.

Nam Tuyền có bài chân tán rằng:

Phiên âm:

Tam thế chi nguyên

Kim cương thường trụ

Thập phương vô biên

Sanh Phật vô tận

Hiện dĩ khước hoàn.

Tạm dịch:

Nguồn gốc ba đời

Kim cương thường trụ

Mười phương vô biên

Phật sống vô tận

Hiện nay vẫn còn.

Kệ Nam Tuyền sống lâu đầu cơ:

Kim nhật hoàn hương nhập đại môn

Nam Tuyền thân đạo biến càn khôn

Pháp pháp phân minh giai Tổ phụ

Hồi đầu tàm quí hiếu nhi tôn.

Tạm dịch:

Hôm nay về quê vào cổng lớn

Nam Tuyền thân đạo khắp càn khôn

Pháp pháp rõ ràng là Tổ phụ

Quay đầu hổ thẹn hiếu nhi tôn.

Sư đáp lại rằng:

Phiên âm:

Kim nhật đầu cơ sự mạc luận

Nam Tuyền bất đạo biến càn khôn

Hoàn hương tận thị nhi tôn sự

Tổ phụ tùng lai bất nhập môn.

Tạm dịch:

Hôm nay đầu cơ chuyện chẳng bàn

Nam Tuyền không nói khắp càn khôn

Về quê là chuyện nhi tôn vậy

Tổ phụ từ xưa chẳng nhập môn.

Sư lại có bài kệ khuyên học rằng:

Phiên âm:

Vạn trượng can đầu vị đắc hưu

Đường đường hữu lộ thiểu nhân du

Thiền sư nguyện đạt Nam Tuyền khứ

Mãn mục thanh sơn vạn vạn thu.

Tạm dịch:

Muôn trượng đầu sào chẳng được ngơi

Lồ lộ có đường chẳng chuyển lưu

Thiền sư nguyện đạt Nam Tuyền bước

Đầy núi mắt xanh vạn vạn thu.

***

Nhân hòa thượng Lâm Tế nói:

- Trên nắm thịt có vị chân nhân, sư bèn có bài kệ rằng:

Phiên âm:

Vạn pháp nhất như bất dụng

Nhất như tùy thùy bất

Tức kim sanh tử bổn Bồ-đề

Tam thế Như Lai đồng giản nhãn.

Tạm dịch:

Muôn pháp nhất như chẳng cần chọn

Nhất như ai chọn ai không chọn

Tức nay sanh tử vốn Bồ-đề

Ba đời Như Lai đồng chọn nhãn.

Sư có bài kệ khuyên người đốn tòng trúc:

Phiên âm:

Thiên niên trúc, vạn niên tòng

Chi chi diệp diệp tận giai đồng

Vi báo tứ phương huyền học giả

Động thủ vô phi xúc Tổ công.

Tạm dịch:

Ngàn năm trúc, muôn năm tòng

Cành cành, lá lá đều là đồng

Xin nhắc bốn phương người học đạo

Ra tay nào khác động Tổ công.

 

 

THIỀN SƯ BẠCH MÃ ĐÀM CHIẾU

 PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Sư thường nói:

- Sung sướng ! Sung sướng !

Đến khi sắp qua đời lại kêu:

- Khổ ! Khổ !

Lại nói:

- Vua Diêm La đến bắt ta đấy.

Viện chủ hỏi:

- Lúc đương thời, Hòa thượng bị Tiết độ sứ dìm xuống dòng nước mà thần sắc không biến động. Như nay sao lại đến nỗi này ?

Sư đưa cái gối lên nói:

- Ông nói lúc đương thời đúng hay bây giờ đúng ?

Viện chủ không lời đối đáp.

 

 

THIỀN SƯ SƯ TỔ VÂN TẾ NÚI CHUNG NAM

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Ban sơ, lúc ở chỗ Nam Tuyền, sư hỏi rằng:

- Ngọc ma-ni người không biết. Trong Như Lai tạng thâu được. Thế nào là tạng ?

Nam Tuyền đáp:

- Kẻ cùng ông tới lui đó là tạng.

Sư hỏi:

- Còn kẻ không tới lui thì thế nào ?       

Nam Tuyền nói:

- Cũng là tạng.

Lại hỏi:

- Thế nào là châu ngọc ?

Nam Tuyền triệu gọi:

- Sư Tổ !

Sư ứng tiếng dạ. Nam Tuyền nói:

- Đi đi! Ông không hiểu lời nói của ta.

Sư từ đó tin nhận.

 

 

THIỀN SƯ NGHĨA ĐOAN HƯƠNG NGHIÊM ĐẶNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Sư thị chúng rằng:

- Này các anh em, đó đây chưa xong, có chuyện gì thì cứ cùng nhau thương lượng. Ta năm ba hôm nữa là ra đi thôi. Như kẻ học đạo ngày nay nên hiểu rõ ngày nay, đừng có ái mộ kẻ hướng thượng khác vô sự. Này anh em, dù cho học được bao nghĩa lộ khác nhau, rốt lại không thay thế được kiến giải của chính mình. Rốt ráo phải cố gắng ra sức mới được. Luống ghi nhớ chương cú xảo diệu của người khác tức chuyển ngược lại thành phiền loạn mà thôi. Các anh em nếu muốn tương ưng chỉ cần cúc cung hết lòng, không dừng lại một tơ hào nào, như là hư không vậy, mới có chút phần. Lấy hư không chẳng có xiềng khóa, chẳng có tường vách, không hình, không tâm nhãn.

***

Có tăng hỏi:

- Người xưa gặp nhau thời thế nào ?

Sư đáp:

- Lão tăng ta chưa từng gặp người xưa.

Tăng nói:

- Ngày nay huyết mạch không chỗ đứt đoạn nên ngưỡng mộ như thế nào ?

Sư đáp:

- Có chỗ ngưỡng mộ nào đâu ?

Tăng hỏi:

- Mỗ đây không hỏi chuyện tầm ruồng, thỉnh Hòa thướng đáp lời.

Sư hỏi:

- Vậy chớ theo ta để tìm cái gì ?

Tăng nói:

- Không vì chuyện vu vơ.

Sư nói:

- Ông chỉ ta nói đi.

***

Sư lại nói:

- Này các anh em, Phật là bụi dơ, pháp là bụi dơ, suốt ngày lo chạy đôn chạy đáo tìm cầu, biết bao giờ mới kết thúc. Chỉ nên trong mọi lúc chẳng tư lự nhọc lòng, chẳng tư lự ngoại vật, không có thiện nào để nắm bắt, không có ác nào để buông bỏ, không có các thứ đó giam nhốt mình, có như vậy mới gọi là tham học.

***

Có ông tăng nói:

- Có một lần mỗ đây từ giã lão túc. Vị ấy nói với mỗ: Rời đây rồi từ này về sau phải thân gần người có đạo học và bạn tốt. Không biết ý tứ vị lão túc đó như thế nào ?

Ông tăng này lúc đó đang lễ bái, sư nói:

- Lễ bái mặc ông lễ bái, nhưng không nên nhận lầm đứa ở là ông chủ ! (Chú: Nguyên văn: Nhận nô tác lang).

Tăng hỏi:

- Thế nào là trực tiệt căn nguyên ?

Sư bèn ném cây gậy xuống đi vào phương trượng.

***

Ngày kia, sư nói với đại chúng:

- Nói năng là hủy báng, nín lặng là gian dối. Lặng, nói hướng thượng đều có con đường, nhưng miệng mồm lão tăng ta nhỏ hẹp, không thể nói cho các ông nghe.

Nói xong hạ đường.

***

Tăng hỏi:

- Một câu là thế nào ?

Sư đáp:

- Nơi đây một câu cũng không.

Tăng hỏi:

- Chính vì cái gì mà vô sự ?

Sư nói:

- Ta chưa từng dừng nghỉ.

Sư lại nói:

- Dù cho trùng trùng lột sạch không dừng nghỉ, tạm thời thi thiết cũng là phượng tiện tiếp dẫn người. Nếu là chuyện bên kia thì cũng không có chỗ như vậy.

 

 

THIỀN SƯ TÙNG THẨM Ở TRIỆU CHÂU

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Thiền sư Tùng Thẩm ở viện Quan Âm (cũng gọi là Đông viện) tại Triệu Châu, là người Hác Hương Tào Châu (Nay là Tây bắc huyện Tào ở Sơn Đông, giáp giới tỉnh Hà Bắc), họ Hác. Lúc tuổi còn bé thơ, sư đã xuống tóc xuất gia tại viện Hỗ Thông của bổn châu, nhưng không thọ cụ túc giới, về sau sư tới Trì Dương tham yết thiền sư Nam Tuyền, chính gặp lúc Nam Tuyền nằm nghỉ trên giường. Nam Tuyền hỏi:

- Vừa từ đâu đến đấy ?

Sư đáp:

- Mới vừa rời viện Thoại Tượng.

Nam Tuyền hỏi:

- Có thấy Thoại Tượng không ?

Sư đáp:

- Không thấy Thoại Tượng nhưng thấy một Như Lai nằm duỗi.

Nam Tuyền lại hỏi:

- Ông là sa-di có chủ hay không có chủ ?

Sư đáp:

- Là sa-di có chủ.

Nam Tuyền hỏi:

- Chủ của ông ở tại đâu ?

Sư đáp:

- Gặp giữa mùa đông giá rét, con nguyện tôn thể Hòa thượng an khang.

Do vậy mà Nam Tuyền rất khí trọng Triệu Châu, cho làm đệ tử ruột.

***

Hôm nọ, sư hỏi Nam Tuyền:

- Đạo là cái gì ?

Nam Tuyền đáp:

- Tâm bình thường là đạo.

Sư hỏi:

- Kẻ học này có thể lấy tâm ấy làm mục tiêu nhắm tới và tu chứng không ?

Nam Tuyền nói:

- Một khi tư lượng thú hướng, khởi tâm tu tâm là sai trái và xa lìa đạo ấy.

Sư nói:

- Nếu đã không nghĩ đến thú hướng thì làm sao biết đạo ấy là đạo ?

Nam Tuyền nói:

- Đạo không thuộc phạm trù tri giải hay không tri giải. Tri giải thuộc vọng giác tức thuộc hư vô. Nếu chân chính thông đạt đạo tâm bình thường, thì ông sẽ cảm thấy tâm giống như thái không một thứ, trong suốt sáng láng, không che không chận, trong đó há còn gượng ép phân biệt phải trái sao ?

Sư nghe xong lời nói liền đốn ngộ huyền lý. Thế rồi sư đến Lưu Ly đàn ở Tung Nhạn thọ cụ túc giới, sau đó lại quay về núi Nam Tuyền.

Lại có một hôm, sư hỏi Nam Tuyền:

- Người đã ngộ rồi thì nên tu hành như thế nào ?

Nam Tuyền đáp:

- Xuống chân núi làm bò.

Sư nói:

- Đa tạ sư phụ chỉ giáo.

Nam Tuyền nói:

- Canh ba đêm qua ánh trăng thong dong đến song cửa sổ ta.

***

Sư trong hội của Nam Tuyền là hỏa đầu. Có một hôm sư đóng chặt cửa, đốt khói um cả gian phòng, la lớn:

- Chữa cháy ! Chữa cháy !

Tăng chúng nghe kêu cứu đều hoảng hốt chạy a tới. Sư ở trong cửa nói vọng ra:

- Nói được tức mở cửa.

Tăng chúng không đối đáp được, chỉ thấy Nam Tuyền lấy chìa khóa đút qua lỗ song cho sư, sư liền mở cửa ra.

***

Sư sau đó đi khắp bốn phương để tham Thiền. Đầu tiên đến núi Hoàng Bá. Thiền sư Hoàng Bá vừa thấy sư đến liền đóng cửa phương trượng. Sư quay lưng đi đến pháp đường đốt một đống lửa kêu to:

- Chữa cháy ! Chữa cháy !

Hoàng Bá mở cửa chộp lấy sư nói:

- Nói, nói mau !

Sư nói:

- Kẻ cướp qua rồi mới giương cung !

***

Sư lại đến chỗ Bảo Thọ. Bảo Thọ thấy sư đến bèn leo lên giường thiền, quay mặt vô vách mà ngồi. Sư trải tọa cụ, hướng về phía Bảo Thọ mà lễ bái. Ngay lúc Bảo Thọ bước xuống thiền sàng, sư quay ra ngoài đi tuốt.

***

Sư lại đến chỗ Diêm Quan nói:

- Coi tên đây !

Diêm Quan nói:

- Xuyên qua khỏi rồi.

Sư nói:

- Bắn trúng rồi.

***

Sư lại đến chỗ Giáp Sơn, cầm cả thiền trượng xông vào pháp đường. Giáp Sơn nói:

- Ông đến đây làm gì ?

Sư nói:

- Dò thăm xem nước cạn sâu.

Giáp Sơn nói:

- Ta nơi đây một giọt nước cũng không có. Ông thăm dò cái gì ?

Sư dựng gậy vào vách rồi đi ra.

***

Sư còn định vân du núi Ngũ Đài, có vị đại đức làm bài kệ giữ sư lại. Kệ rằng:

Phiên âm:

Hà xứ thanh sơn bất đạo trường

Hà tu sách trượng lễ Thanh Lương

Vân trung ký hữu kim mao hiện

Chánh nhãn quan thời phi cát tường.

Tạm dịch:

Núi biếc nơi nao chẳng đạo trường

Cần gì chống gậy lễ Thanh Lương

Trong mây dẫu có Văn Thù hiện

Chánh nhãn nhìn xem chẳng cát tường.

Sư hỏi ông ta:

- Thế nào là Chánh nhãn ?

Vị đại đức không có cách nào đối đáp lại.

Từ đó Thiền phong của sư lưu hành nơi đất Bắc. Nhận lời thỉnh cầu của tín chúng, sư đến trụ ở viện Quan Âm thành Triệu Châu (Nay là chùa Bá Lâm ở Triệu huyện Hà Bắc).

***

Có một hôm, sư thượng đường khai thị Thiền chúng:

- Như viên minh châu trong bàn tay, người Hồ đến hiện người Hồ, người Hán đến hiện người Hán. Lão tăng ta lấy cọng cỏ làm Phật thân vàng một trượng sáu thước, lấy thân Phật vàng một trượng sáu thước làm cọng cỏ. Phật là phiền não, phiền não là Phật.

Lúc đó, có một ông tăng bước ra hỏi:

- Chẳng hay Phật vì ai mà phiền não ?

Triệu Châu nói:

- Vì mọi chúng sanh mà phiền não.

Ông tăng ấy hỏi:

- Làm cách nào mà tiêu trừ được phiền não ấy ?

Sư nói:

- Tiêu trừ làm chi.

***

Sư đang quét sân, có người hỏi:

- Hòa thượng đã là bậc thiện tri thức sao lại còn có bụi ?

Sư đáp:

- Bụi từ bên ngoài đến.

Người đó lại hỏi:

- Chốn chùa chiền thanh tịnh sao lại có bụi ?

Sư than:

- Ôi, lại thêm một hạt bụi nữa.

***

Lại có người cùng sư đi chơi trong vườn, thấy con thỏ hoảng sợ phóng chạy hỏi:

- Hòa thượng là bậc đại thiện tri thức có tấm lòng Bồ-tát vậy sao con thỏ trông thấy ngài lại kinh hoảng bỏ chạy ?

Sư đáp:

- Chỉ vì lão tăng đây hiếu sát.

Viện Quan Am của sư có cây cột cờ đá viết chú Đà-ra-ni bị gió giật gãy. Có ông tăng hỏi:

- Cờ viết chú Đà-ra-ni là phàm hay Thánh ?

Sư đáp:

- Không phàm mà cũng không Thánh.

Tăng hỏi:

- Rốt lại là gì ?

Sư đáp:

- Là rơi nhào xuống đất.

***

Sư hỏi một tọa chủ:

- Ông giảng kinh gì ?

Tọa chủ đáp:

- Giảng kinh Niết-bàn.

Sư hỏi:

- Xin hỏi một đoạn nghĩa kinh, được không ?

Tọa chủ đáp:

- Thưa được.

Sư dùng chân đá khoảng không một đá, dùng mồm thổi một hơi hỏi:

- Đó là nghĩa gì ?

Tọa chủ nói:

- Trong kinh không có nghĩa đó.

Sư nói:

- Đó là nghĩa 500 lực sĩ nâng đá, sao lại nói là không có.

***

Vào lúc đại chúng tham Thiền buổi tối, sư nói:

- Tối nay ta sẽ hồi đáp lại lời hỏi của quí vị, ai muốn hỏi thì cứ bước ra.

Lúc ấy có một ông tăng bước ra lễ bái, sư nói:

- Vừa rồi những tưởng liệng gạch, dẫn ngọc, ai dè dẫn phải một viên ngói mộc hạng bét.

***

Có một ông tăng vân du núi Ngũ Đài, trên đường hỏi một bà lão:

- Lên núi Ngũ Đài đi đường nào ?

Bà lão nói:

- Thì cứ thẳng đường mà đi thôi.

Ông tăng bèn đi tới như thế. Lão bà tự nói:

- Lại theo kiểu đó mà đi.

Sau đó, ông tăng gặp sư, đem tự sự nói cho ngài nghe. Sư nói:

- Đợi ta khám phá cái bà đó cho.

Ngày hôm sau, Sư đến hỏi bà lão:

- Đường lên núi Ngũ Đài đi theo hướng nào ?

Lão bà cũng vẫn nói:

- Cứ theo đường thẳng mà đi !

Sư sau khi trở về viện Quan Âm, nói với ông tăng kia:

- Ta đã thức phá bà lão ấy giùm cho ông rồi.

***

Tăng hỏi:

- Loại người như thế này đến, Hòa thượng có tiếp dẫn không ?

Sư đáp:

- Tiếp dẫn.

Lại hỏi:

- Không phải loại như thế này đến, Hòa thượng có tiếp dẫn không ?

Sư đáp:

- Cũng tiếp dẫn.

Ông tăng ấy nói:

- Loại người như thế này đến mặc tình Hòa thượng tiếp. Không phải đến như thế làm sao tiếp ?

Sư nói:

- Dừng thôi, dừng thôi, không nên nói nữa, pháp của ta huyền diệu không thể nghĩ bàn.

***

Sư ra khỏi viện gặp một bà lão, bà ta hỏi:

- Hòa thượng trụ ở đâu ?

Sư đáp:

- Ở phía tây của Đông viện Triệu Châu.

Bà lão tắt họng. Sau khi trở về viện, sư hỏi chúng tăng:

- Ta đối với bà lão nói chữ Tây chuyển nghĩa thành Đông Tây đấy, còn có nghĩa là Nương ở đấy.

Rồi sư nói:

- Các ông hiện tại làm một ông phán quan muối đen.

Tăng hỏi:

- Hòa thượng vì sao mà nói thế ?

Sư nói:

- Chỉ vì các ông biết chữ.

Tăng hỏi:

- Thế nào là vật báu trong bọc ?

Sư nói:

- Phải giữ miệng.

***

Có một ông tăng mới đến nói:

- Con từ Trường An tới, vai quảy một cây gậy mà không quơ chạm nhằm người nào cả.

Sư nói:

- Ấy chỉ vì cây gậy của đại đức ngắn quá đấy thôi.

Tăng không lời đối đáp.

***

Có một ông tăng vẽ bức ảnh của sư, trình lên cho sư xem. Sư nói:

- Hãy nói xem giống hay không giống lão tăng ta. Nếu nói giống thì hại chết ta rồi, còn nếu nói không giống thì đem đốt quách đi.

Ông tăng trước hai điều khó nói của Thiền sư đã không trả lời được là giống hay không giống.

***

Sư khêu lửa hỏi ông tăng:

- Lão tăng ta gọi là lửa, ông gọi là gì ?

Ông tăng cứng họng. Sư nói:

- Không hiểu huyền chỉ, nhọc công niệm tịnh !

Ông tăng mới đến tham lễ, sư hỏi:

- Từ đâu đến ?

Tăng đáp:

- Từ phương Nam đến.

Sư nói:

- Tất cả pháp Phật đều ở phương Nam, ông đến đây làm gì ?

Tăng đáp:

- Pháp Phật há lại có Nam Bắc ru ?

Sư nói:

- Chẳng kể ông từ Tuyết Phong đến, hay từ Vân Cư đến thì ông vẫn chỉ là tên gánh đồ.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là Phật ?

Sư nói:

- Thì ngồi ở Chánh điện đó.

Tăng nói:

- Ngồi trong Chánh điện há không phải chỉ là tượng đất nắn đó sao ?

Sư nói:

- Đúng vậy.

Ông tăng nọ lại nói:

- Con hỏi cái gì là Phật ?

Sư vẫn trả lời:

- Thì ngồi trong Chánh điện đó.

***

Một ông tăng hỏi:

- Thế nào là tự kỷ của kẻ học này ?

Sư hỏi:

- Ông ăn cháo chưa ?

Tăng đáp:

- Đã ăn rồi.

Sư nói:

- Thế thì ông đem bát rửa đi.

Ông tăng đó bỗng nhiên tỉnh ngộ.

***

Sư thượng đường khai thị:

- Một khi đã rơi vào cảnh giới phải trái, thì tự nhiên mất đi tự tâm, lúc đó còn cho các vị đối đáp lời lẽ sao.

Lạc Phổ trong chúng gõ răng.

Thiền sư Vân Cư nói:

- Cần gì phải thuật lại lắm lần thế.

Sư nói:

- Phương Nam từng có nhiều người táng thân mất mạng.

***

Có ông tăng đến chỗ sư nói:

- Từ lâu nghe đại danh của cây cầu đá Triệu Châu, nay đến xem thử thì thấy đó chỉ là chiếc cầu một cây mà thôi !

Sư nói:

- Đúng đấy, cái ông thấy chỉ là chiếc cầu một cây, mà không thấy nổi cây cầu Triệu Châu thật sự.

Ông tăng ấy hỏi:

- Thế nào là cây cầu Triệu Châu thật sự ?

Sư nói:

- Qua đi, qua đi.

Sau đó, cũng có ông tăng khác hỏi giống ông tăng trước và sư cũng trả lời như đã trả lời ông tăng trước. Ông tăng này hỏi:

- Thế nào là cầu Triệu Châu ?

Sư nói:

- Chiếc cầu này đưa lừa, ngựa qua.

Lại hỏi:

- Thế nào là cầu một cây ?

Sư đáp:

- Chỉ có thể cho người sang thôi.

***

Sư nghe nói có một sa-di lúc tham lễ Thiền sư chỉ dùng tiếng hét, bèn nói với thị giả:

- Bảo ông ta đi đi !

Thị giả bèn bảo sa-di rời khỏi nơi này, sa-di răm rắp nghe lời giã từ rời khỏi. Sư nói:

- Sa-di đã vào bên trong cửa, thị giả còn ở bên ngoài cửa.

***

Sư hỏi ông tăng mới đến:

- Từ đâu đến đây ?

Ông tăng đáp:

- Từ phương Nam đến.

Sư nói:

- Ông biết hay không biết cửa ải Triệu Châu ?

Ông tăng ấy nói:

- Thiền sư nên biết có người chẳng cần vượt qua ải.

Sư nói:

- Ông là đứa bán muối lậu.

Ông tăng lại hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Thiền tông ?

Sư bước xuống giường Thiền đứng thẳng. Ông tăng nói:

- Phải chăng đó là chỉ ý Thiền tông (Tổ sư Tây lai ý) ?

Sư nói:

- Lão tăng đây chưa từng nói kiểu ấy.

***

Sư hỏi người coi vườn:

- Hôm nay ăn cải sống hay cải chín ?

Người coi vườn đưa bụi cải trình sư xem. Sư nói:

- Kẻ tri ân thì ít, người phụ ân thì nhiều.

***

Ông tăng hỏi:

- Trong Không kiếp có người tu hành không ?

Sư nói:

- Ông gọi cái gì là Không kiếp ?

Ông tăng nói:

- Trống không chẳng có vật gì là Không kiếp.

Sư nói:

- Cái đó mới đúng là tu hành, cái gì gọi là Không kiếp.

Tăng tắt họng.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là huyền trong huyền ?

Sư nói:

- Ông huyền hồi nào vậy ?

Tăng đáp:

- Huyền đã lâu rồi.

Sư nói:

- Xà-Iê nếu không gặp lão tăng thì coi như bị huyền giết chết.

Tăng hỏi:

- Muôn pháp trở về một, một trở về đâu ?

Sư nói:

- Lão tăng tại Thanh Châu may được một cái áo vải nặng bảy cân.

***

Tăng hỏi:

- Ban đêm sanh tại cung Đâu Suất, ban ngày giáng xuống cõi Diêm Phù. Ở khoảng giữa ngọc ma-ni sao không xuất hiện ?

Sư hỏi:

- Nói cái gì ?

Ông tăng nọ lại hỏi nữa, sư nói:

- Phật Tì Bà Thi đã sớm lưu tâm mà cho đến nay không được diệu.

***

Sư hỏi Viện chủ:

- Từ đâu đến ?

Viện chủ đáp:

- Từ chỗ phóng sanh đến.

Sư hỏi:

- Thế sao quạ bay hết vậy ?

Viện chủ đáp:

- Vì chúng sợ con đây.

Viện chủ lại hỏi:

- Vì sao quạ bay hết ?

Sư nói:

- Vì mỗ giáp đây có sát tâm.

***

Sư đưa cái bát lên nói:

- Ba mươi năm sau nếu thấy lão tăng ta, thì giữ lại cúng dường nếu không thấy thì đập bỏ.

Một ông tăng bước ra nói:

- Ba mươi năm sau há dám nói còn thấy Hòa thượng sao ?

Sư bèn đập bể cái bát.

***

Có ông tăng từ giã, sư hỏi:

- Đi về đâu ?

Ông tăng đáp:

- Đi đến Tuyết Phong.

Sư nói:

- Nếu Tuyết Phong hỏi rằng Hòa thượng có lời lẽ gì, thì ông đối đáp thế nào ?

Tăng đáp:

- Con đây nói không được, thỉnh Hòa thượng nói giùm.

Sư nói:

- Mùa đông tức nói lạnh, mùa hạ tức nói nóng.

Lại hỏi:

- Tuyết Phong nếu hỏi nữa thì ông rốt lại đối đáp là sao ?

Ông tăng lại đáp:

- Không biết nói sao.

Sư nói:

- Ông nên nói thân tuy từ chỗ Triệu Châu lại, nhưng không phải là người truyền ngữ.

Ông tăng đến Tuyết Phong đem những lời Triệu Châu dặn dò đối đáp với Tuyết Phong. Tuyết Phong nói:

- Phải là Triệu Châu thì mới nói được như thế.

Huyền Sa Sư Bị nghe chuyện nói:

- Đại tiểu Triệu Châu gì cũng làm suy bại phương bắc mà lại không biết.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là một câu Triệu Châu ?

Sư nói:

- Lão tăng ta nửa câu còn không có nói gì đến một câu.

Ông tăng hỏi:

- Hòa thượng mà không có sao ?

Sư nói:

- Ta không phải một câu.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là xuất gia chân chính ?

Sư nói:

- Không vì ham cầu danh tiếng, không cẩu thả cầu cho được.

Tăng hỏi:

- Trong trong tuyệt điểm thì thế nào ?

Sư đáp:

- Trong đây không làm gã làm khách.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Thiền tông ?

Sư dộng gõ chân giường. Tăng hỏi:

- Phải chăng là cái đó ?

Sư nói:

- Phải đấy. Hãy tháo ra mà mang đi!

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là viên tướng của Tì Lô ?

Sư nói:

- Lão tăng ta từ nhỏ xuất gia, chưa từng bị hoa mắt.

Tăng hỏi:

- Há chẳng chỉ dạy người sao ?

Sư nói:

- Mong ông thường thấy viên tướng của Tì Lô.

***

Có người hỏi:

- Hòa thượng có còn phải nhập địa ngục không ?

Sư đáp:

- Ta vào sau hết.

Người đó hỏi:

- Hòa thượng là bậc đại thiện tri thức thì vì sao còn phải vào địa ngục ?

Sư nói:

- Nếu ta không vào địa ngục thì lấy ai giáo hóa bọn ông.

***

Ngày nọ, Vương Súy đất Chân Định dẫn các con vào viện Quan Âm. Sư ngồi im không động đậy hỏi:

- Đại vương có lãnh hội không ?

Vương Súy đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Từ nhỏ ăn chay thân đã lão, thấy người thiếu sức xuống giường Thiền.

Vương súy càng thêm lễ trọng.

Ngày hôm sau, Vương súy phái một vị tướng đến truyền lời, sư lật đật bước xuống giường nghinh tiếp. Sau đó một lúc, thị giả hỏi:

- Hôm qua Đại vương đến Hòa thượng không bước xuống giường nghinh tiếp. Hôm nay thấy tướng quân của Đại vương thì lại xuống giường Thiền tiếp đón, thế là nghĩa lý gì ?

Sư nói:

- Chẳng phải là chuyện ông biết, nhân vật hàng đầu đến thì ngồi trên giường Thiền tiếp, nhân vật hạng trung thì bước xuống giường tiếp, còn hạng thứ ba thì phải ra tận cổng chùa mà tiếp.

Sư lại nhờ tướng quân chuyển trao cây xơ quất tặng Vương súy và dặn:

- Nếu có hỏi từ đâu được thì nói đây là vật mà cả đời lão tăng dùng không hết.

Huyền ngôn của sư lưu bố trong thiên hạ, người đời đều gọi đó là môn phong của Triệu Châu và chẳng có ai mà không tin phục.

Năm thứ tư đời Càn Minh nhà Đường (897), ngày mùng 2 tháng 11, sư nằm nghiêng bên hông phải mà viên tịch, thọ 120 tuổi, sau được thụy phong là Chân Tế Đại Sư.

PHẦN PHỤ LỤC:

I. Sư thượng đường thị chúng rằng:

- Phật vàng không qua nổi lò nung, Phật gỗ không qua nổi lửa, Phật đất bùn không qua nổi nước, chân Phật ngồi yên bên trong. Bồ-đề, Niết-bàn, chân như, Phật Tánh đều là quần áo che phủ bên ngoài thân, cũng gọi là phiền não. Không hỏi han tức là chẳng phiền não, cảnh giới chân như từ đâu mà có thể vướng kẹt. Nhất tâm không sanh thì vạn sự, vạn vật từ đâu mà rối được. Chỉ cần ngồi tham cứu đạo lý trong đôi ba chục năm nếu mà không lãnh hội, thì đem đầu lão tăng mà chặt đi !

(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 14)

***

II. Hỏi:

- Hòa thượng tuổi tác bao nhiêu ?

Sư đáp:

- Một xâu chuỗi hột, lần hoài không hết.

Hỏi:

- Hòa thượng nối pháp của ai ?

Sư đáp:

- Tùng Thẩm.

Hỏi:

- Nếu có người bên ngoài hỏi: Triệu Châu nói pháp gì ? thì đối đáp cách nào ?

Sư nói:

- Muối quí, gạo tiện.

 (Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 14)

***

III. Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Thiền tông (Tổ sư Tây lai ý) ?

Sư đáp:

- Là cái chân giường đấy.

Hỏi:

- Có đúng là cái ấy không ?

Sư đáp:

- Đúng đấy, cứ tháo ra mà lấy đi.

(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 14)

***

IV. Hỏi:

- Thế nào là Nhất cú ?

Sư hỏi:

- Nói cái gì ?

Hỏi:

- Thế nào là Nhất cú ?

Sư nói:

- Lưỡng cú rồi.

(Theo Cổ Tôn Túc Ngữ Lục quyển 14)

***

V. Hỏi:

- Bẩm nghe Hòa thượng từng thân nhãn tham kiến Nam Tuyền phải không ?

Sư đáp:

- Ở Trấn Châu sản xuất ra một củ cải to.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

VI. Ni cô hỏi:

- Thế nào là mật mật ý (của Thiền tông) ?

Sư dùng tay bấu chỗ mật của ni cô. Ni cô la toáng lên:

- Hòa thượng mà cũng còn cái mửng ấy à ?

Sư nói:

- Ấy, chính là cô có cái mửng ấy.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

VII. Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Thiền tông (Tổ sư Tây lai ý) ?

Sư đáp:

- Cây bá thọ trước sân ?

Nói:

- Hòa thượng đừng đem cảnh mà dạy người.

Sư nói:

- Ta không đem hư cảnh dạy người.

Hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Thiền tông ?

Sư đáp:

- Cây bá thọ trước sân.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

VIII. Hỏi:

- Thế nào là đạo ?

Sư đáp:

- Con đường ở bên ngoài tường ấy.

Nói:

- Không hỏi cái đó.

Sư nói:

- Vậy ông hỏi cái gì ?

Nói:

- Đại đạo.

Sư đáp:

- Đường lớn tới kinh đô Trường An.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

IX. Sư cùng Văn Viễn luận nghĩa nói:

- Đấu thua không đấu thắng. Người thắng thua trái cây.

Văn Viễn nói:

- Thỉnh Hòa thượng lập nghĩa.

Sư nói:

- Ta là cái đầu lừa.

Văn Viễn nói:

- Con là cái bao tử lừa.

Sư nói:

- Ta là cứt lừa.

Văn Viễn nói:

- Con là giòi trong cứt lừa.

Sư hỏi:

- Ông ở nơi đây là gì ?

Văn Viễn nói:

- Con quá hạ an cư.

Sư nói:

- Đem trái cây lại cho ta.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

X. Sư thượng đường khai thị:

- Chánh nhân thuyết tà pháp, tà pháp trở thành chánh pháp. Tà nhân thuyết chánh pháp, chánh pháp trở thành tà pháp. Thiền sư các nơi khó gặp mà dễ hiểu, ta nơi đây dễ gặp mà khó hiểu.

Hỏi:

- Thế nào là Triệu Châu ?

Sư đáp:

- Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

XI. Hỏi:

- Hòa thượng họ gì ?

Sư đáp:

- Thường Châu.

Hỏi:

- Tuổi tác bao nhiêu ?

Đáp:

- Tô Châu.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

XII. Hỏi:

- Trong muời hai thời thì dụng tâm thế nào ?

Sư đáp:

- Ông bị mười hai thời sai sử, còn ta sai sử mười hai thời.

Rồi sư nói:

- Này các huynh đệ, chớ có đứng lâu. Có việc cứ thương lượng, nếu không có việc thì hãy trở về giường Thiền dài mà nghỉ ngơi. Hồi ta đi hành cước, trừ hai thời cơm cháo là có dụng tâm, còn ngoài ra thì chẳng dụng tâm tí nào. Nếu mà không làm đúng như vậy thì rời xa Thiền lý lắm.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

XIII. Tăng hỏi:

- Thế nào là tâm của cổ Phật ?

Sư đáp:

- Ba người đàn bà sắp hàng lạy.

Hỏi:

- Thế nào là ý chỉ chẳng biến động ?

Sư đáp:

- Một con chim sẻ bay từ Đông sang Tây.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

XIV. Hỏi:

- Kẻ học này nghi thời làm sao ?

Sư hỏi:

- Đại nghi hay tiểu nghi ?

Tăng đáp:

- Đại nghi.

Sư nói:

- Đại nghi (tiện) thì ở hướng Đông bắc, còn tiểu (tiện) nghi thì phía sau tăng đường.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

***

XV. Hỏi:

- Cây bá thọ tử có Phật tánh hay không ?

Sư đáp:

- Có.

Hỏi tiếp:

- Vậy bao giờ nó thành Phật ?

Sư đáp:

- Chờ chừng nào hư không rơi xuống đất.

Hỏi:

- Hư không chừng nào mới rơi xuống đất ?

Sư đáp:

- Chờ chừng nào cây bá thọ tử thành Phật.

 (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4)

 

 

THIỀN SƯ NHÀN Ở LINH THỨU TRÌ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Sư nói với đại chúng rằng:

- Đó là bổn phần sự của các vị. Nếu bảo lão tăng nói, tức chẳng khác nào vẽ rắn thêm chân. Đó là đốn giáo đấy các thượng tọa ạ.

Liền có tăng hỏi:

- Vẽ rắn thêm chân không hỏi đến, thế nào là bổn phần sự ?

Sư nói:

- Xà-lê thử nói xem nào ?

Ông tăng ấy nghĩ ngợi định hỏi thêm thì sư nói:

- Vẽ thêm chân để làm chi ?

***

Hòa thượng Minh Thủy hỏi:

- Thế nào là đốn hoạch Pháp thân ?

Sư nói:

- Vọt một cái thấu cửa rồng ra ngoài ngàn mây mà nhìn (tức thành rồng). Đừng làm con cá chép bị chấm trán ở sông Hoàng Hà. (Tức nhảy không qua Long môn, bị phạt chấm trán).

***

Ngưỡng Sơn hỏi:

- Lặng lờ chẳng lời nói, làm sao nhìn thấy đức độ ?

Sư đáp:

- Trước tháp không lằn hồ nước mưa nhiều lắm.

Tăng hỏi:

- Nhị bỉ không lời thì thế nào ?

Sư đáp:

- Là thường thôi.         

Tăng hỏi:

- Còn có quá thường không vậy ?

Sư nói:

- Có.

Tăng hỏi:

- Thỉnh sư hát lên đi.

Sư nói:

- Viên ngọc châu tự sáng ngời, đâu cần ánh sáng ngoài tường vách.

***

Tăng hỏi:

- Hôm nay cúng dường đại sư Tây Xuyên Vô Nhiễm, không hiểu Đại sư có đến không vậy ?

Sư đáp:

- Vốn tự không có nơi đến. Nay há theo gió đưa.

Tăng hỏi:

- Như thế thì cúng dường làm chi ?

Sư đáp:

- Công lực có đủ, không cần lời ai vãn giúp vào.

 

 

HÒA THƯỢNG NÚI PHÙ DUNG NGẠC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Ban đầu, sư trụ viện Hộ Quốc Tùy Châu làm đời thứ nhất. Hòa thượng Kim Luân Khả Quan hỏi:

- Thế nào là đạo ?

Sư đáp:

- Đừng hướng trên hư không mà đóng cọc.

Quan nói:

- Hư không là cọc.

Sư liền đánh. Quan chụp lấy gậy nói:

- Không được đánh mỗ đây. Về sau chớ đánh lầm người.

Sư liền thôi.

***

Hòa thượng Triệu Châu Tùng Thẩm đến Vân Cư. Vân Cư hỏi:

- Kẻ già lụ khụ sao còn chưa tìm một chỗ trụ ?

Triệu Châu nói:

- Ở nơi nào mà trụ được ?

Vân Cư nói:

- Trước núi có một nền chùa cũ.

Tùng Thẩm nói:

- Hòa thượng tự trụ lấy đi.

Sau đó, Tùng Thẩm đến chỗ sư. Sư nói:

- Già cả lụ khụ rồi sao còn chưa chịu trụ ?

Thẩm nói:

- Nơi nào mà trụ được ?

Sư nói:

- Kẻ già cả lụ khụ mà có chỗ trụ cũng không biết !

Thẩm nói:

- Ba mươi năm đùa bỡn thuật cỡi ngựa, nào hay hôm nay bị lừa hất té.

***

Chúng tăng đứng hầu, sư nói:

- Chỉ có đứng trân như thế không có chỗ nói năng, một nơi buồn chán.

Có ông tăng định bước ra hỏi, sư liền đánh nói:

- Vì mọi người dốc sức.

Nói xong lui về phương trượng.

***

Có hành giả đến tham vấn, sư hỏi:

- Từng đến gặp Triệu Châu chưa ?

Hành giả nói:

- Hòa thượng dám nói không ?

Sư nói:

- Nếu ngoài Phù Dung ta ra, tất cả mọi người đều nói không được.

Hành giả nói:

- Hòa thượng thả cho mỗ qua.

Sư nói:

- Nơi đây từ trước đến giờ không thông nhân tình.

Hành giả nói:

- Cần phải có lòng từ bi.

Sư liền đánh nói:

- Tỉnh hậu lại vì ông.

 

 

THIỀN SƯ LỢI TUNG TỬ HỒ NHAM CÙ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Sư họ Chu, người Thiều châu, xuất gia tại chùa Khai Nguyên U Châu, đúng năm thọ giới cụ túc. Sau vào cửa Nam Tuyền, rồi đến núi Mã Đề cất am tranh mà ở. Năm thứ hai đời Đường Khai Thành, người dân trong huyện là Ông Thiên Quí thí cúng cất viện Tử Hồ dưới núi. Năm thứ hai đời Đường Hàm Thông sắc ban biển ngạch An Quốc Thiền Viện.

Ngày kia, sư thượng đường nói với chúng rằng:

- Tử Hồ có một con chó phía trên là đầu người, khoảng giữa tâm người, phía dưới chân người. Hễ nghĩ ngợi là tán thân mất mạng.

Tăng hỏi:

- Thế nào là một con chó của Tử Hồ ?

Sư sủa:

- Quấu ! Quấu !

***

Có hai ông tăng dưới cửa Lâm Tế đến tham yết, ra đi vừa vén rèm sư nói:

- Hãy coi chừng chó đấy !

Hai ông tăng quay đầu lại nhìn, sư liền về phương trượng.

***

Sư cùng Hòa thượng Thắng Quang cày vườn. Sư dừng cày nhìn Thắng Quang nói:

- Sự tức chẳng không, nghĩ tâm là sai trật.

Quang liền lễ bái định hỏi. Sư quất một đá rồi quay về viện.

***

Có một ni cô đến tham vấn, sư hỏi:

- Cô có phải là Lưu Thiết Ma chăng ?

Ni cô khiêm nhường đáp:

- Dạ không dám.

Sư hỏi:

- Chuyển trái hay chuyển phải ?

Ni cô nói:

- Hòa thượng chớ có điên đảo.

Sư liền đánh.

***

Sư nửa đêm tại trước tăng đường la to:

- Trộm ! Trộm !

Đại chúng đều kinh hoảng. Có ông tăng từ trong tăng đường chạy ra bị sư chộp lại nói:

- Bắt được rồi ! Bắt được rồi !

Tăng nói:

- Không phải mỗ.

Sư nói:

- Phải là phải rồi, có điều không chịu thừa nhận.

Sư có kệ thị chúng rằng:

Phiên âm:

Tam thập niên lai trụ Tử Hồ

Nhị thời trai chúc khí lực thô

Vô sự thượng sơn hành nhất chuyển

Vấn nhữ thời nhân hội dã vô ?

Tạm dịch:

Ba mươi năm qua trụ Tử Hồ

Hai thời cơm cháo khí lực thô

Rảnh rỗi lên non đi một chuyến

Hỏi kẻ đương thời hội dã vô ?

Sư trụ Tử Hồ thuyết pháp 45 năm. Trong đời Quảng Minh, sư không bịnh mà qua đời, thọ 86 tuổi, tăng lạp 61 năm. Nay tại bổn sơn còn tháp.

 

 

HÒA THƯỢNG TUNG SƠN LẠC KINH

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Tăng hỏi:

- Đường xưa bằng phẳng thì thế nào ?

Sư đáp:

- Không tới trước.

Tăng hỏi:

- Tại làm sao mà không tới trước ?

Sư đáp:

- Không chỗ ngăn chặn.

Tăng hỏi:

- Thế nào là cảnh của Tung Sơn ?

Sư đáp:

- Mặt trời lên hướng đông, mặt trăng lặn hướng tây.

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Đông tây đều không lãnh hội.

Tăng hỏi:

- Sáu thức đều sanh thì thế nào ?

Sư nói:

- Khác.

Tăng hỏi:

- Vì sao mà như thế ?

Sư đáp:

- Đồng.

 

 

HÒA THƯỢNG NHẬT TỬ

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Á Khê tới tham vấn, sư ra dáng đứng dậy. Á Khê nói:

- Cái lão ma núi này, nhìn mỗ đây.

Sư nói:

- Tội lỗi! Tội lỗi! Mới rồi đối đáp thất lễ.

Á Khê định mở lời, sư bèn nạt đùa. Á Khê nói:

- Trước đại trận không ngại khó khăn.

Sư nói:

- Đúng vậy ! Đúng vậy !

Á Khê nói:

- Không phải! Không phải!

 

 

HÒA THƯỢNG TÂY THIỀN TÔ CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Tăng hỏi:

- Ba thừa, mười hai phần giáo tức không hỏi tới, thế nào là chỉ ý đích thực của Tổ sư từ Tây lại ?

Sư dựng cây xơ quất khải thị. Tăng ấy không lễ bái, đến tham yết Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:

- Từ đâu lại ?

Tăng đáp:

- Từ Chiết Trung lại.

Tuyết Phong hỏi:

- Hạ này an cư ở đâu ?

Đáp:

- Ở Tây Thiền Tô Châu.

Tuyết Phong hỏi:

- Hòa thượng có được an khang không ?

Đáp:

- Hạnh phúc muôn điều.

Tuyết Phong hỏi:

- Sao lại không tại đó thong dong ?

Đáp:

- Phật pháp không rành rõ.

Tuyết Phong hỏi:

- Có chuyện gì xảy ra vậy ?

Tăng thuật lại lời lẽ lúc trước.Tuyết Phong hỏi:

- Ông vì sao mà không chịu ?

Tăng đáp:

- Vì cảnh.

Tuyết Phong hỏi:

- Ông có thấy con cái trai gái của nhân dân trong thành Tô Châu không ?

Tăng đáp:

- Có thấy.

Tuyết Phong hỏi:

- Ông có thấy rừng cây trên đường không ?

Đáp:

- Thấy.

Tuyết Phong nói:

- Phàm thấy con cái trai gái người ta, cùng đại địa rừng ao, tất cả đều là cảnh, ông có đồng ý không ?

Nói:

- Đồng ý.

Tuyết Phong hỏi:

- Còn như dựng cây xơ quất lên tại sao ông không đồng ý ?

Tăng liền lễ bái nói:

- Kẻ học này đường đột buông lời, thỉnh sư từ bi.

Tuyết Phong nói:

- Toàn thể trời đất đều là con mắt ấy, ông hướng vào chỗ nào mà ngồi được ?

Tăng không lời đối đáp.

 

 

LỤC HOÀN ĐẠI PHU Ở TUYÊN CHÂU

 

Ban sơ, đại phu hỏi Nam Tuyền rằng:

- Người xưa nuôi một con ngỗng trong cái bình. Con ngỗng lớn dần trong bình không ra ngoài được. Như nay không được đập bể cái bình, lại cũng không được làm bị thương con ngỗng, Hòa thượng làm sao đem nó ra được ?

Nam Tuyền triệu gọi:

- Đại phu !

Lục Hoàn ứng tiếng dạ.

Nam Tuyền nói:

- Ra rồi đấy.

Lục Hoàn từ đó khai giải. Kịp đến khi Nam Tuyền thiên hóa, viện chủ hỏi:

- Đại phu sao không khóc tiên sư ?

Lục Hoàn đáp:

- Viện chủ nói đúng thì ta khóc.

Viện chủ không lời đối đáp.

(Trường Khánh nói thay:

- Nên khóc, hay không nên khóc ?).

 

 

HÀNH GIẢ CAM CHÍ Ở TRÌ CHÂU

 PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN

 

Hành giả đem ba xâu văn tiền vào tăng đường, đưa trước mặt đệ nhất tòa nói:

- Thỉnh thượng tòa xin được thí tài.

Thượng tòa nói:

- Tài thí vô tận, pháp thí vô cùng ?

Cam nói:

- Nếu nói như thế thì làm sao được tiền của mỗ đây.

Nói đoạn đem tiền đi ra. Thượng tòa không lời đối đáp. Lại tạ Nam Tuyền bày cháo nói:

- Thỉnh Hòa thượng niệm tụng.

Nam Tuyền nói:

- Hành giả Cam Chí dọn cháo, thỉnh đại chúng vì con mèo và bò trắng niệm Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật.

Cam bèn lễ bái mà lui ra. Nam Tuyền bèn đến nhà bếp đập vỡ nồi.

***

Hòa thượng Tuyết Phong đến, Cam đóng ập cửa lại nói:

- Thỉnh Hòa thượng vào.

Tuyết Phong cách rào nắm chéo áo nạp lắc lắc. Cam bèn mở cửa lễ bái.

***

Có ông tăng trụ am đến hóa duyên. Cam nói:

- Nếu nói được thì thí cúng.

Bèn viết chữ tâm rồi hỏi:

- Là chữ gì đây ?

Tăng đáp:

- Là chữ tâm.

Cam lại hỏi vợ mình:

- Chữ gì đây ?

Vợ đáp:

- Là chữ tâm.

Cam nói:

- Người vợ quê mùa của mỗ đây cũng có thể trụ am.

Ông tăng không lời đối đáp, Cam cũng không thí cúng.

Cam lại hỏi ông tăng:

- Từ đâu đến ?

Tăng đáp:

- Từ núi Qui đến.

Cam nói:

- Từng có ông tăng hỏi Hòa thượng Qui Sơn thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại, Qui Sơn dựng cây xơ quất lên. Thượng tọa làm sao lãnh hội được ý của Qui Sơn ?

Tăng nói:

- Mượn sự minh tâm, nương vật hiển lý.

Cam nói:

- Hãy quay về núi Qui thì hay hơn.

(Bảo Phước nghe được chuyện này bèn lấy bàn tay úp bàn tay).

 

 

THIỀN SƯ ĐẠO THƯỜNG QUAN NAM TƯƠNG CHÂU PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG PHÁP TỰ của DIÊM QUAN TỀ AN HÀNG CHÂU

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?

Sư đưa gậy lên nói:

- Lãnh hội không ?

Tăng đáp:

- Không lãnh hội.

Sư bèn nạt đuổi ra.

Tăng hỏi:

- Thế nào là nguồn của đại đạo ?

Sư động cho một thoi.

Sư mỗi khi thấy tăng đến tham lễ, phần nhiều dùng gậy đánh đuổi ra, hoặc nói:

- Chậm một khắc rồi.

Hoặc nói:

- Đánh động trống của Quan Nam ta.

Nhưng các tăng thời đó ít có ai xướng hòa lại đúng ý sư.

 

 

THIỀN SƯ SONG LĨNH HUYỀN CHÂU HỒNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của DIÊM QUAN TỀ AN HÀNG CHÂU

 

Ban sơ, sư hỏi Đạo Ngô:

- Bồ-tát không thần thông, sao dấu tích lại khó tìm ?

Đạo Ngô nói:

- Kẻ đồng đạo mới biết được.

Sư hỏi:

- Hòa thượng có biết không ?

Ngô đáp:

- Không biết.

Tăng hỏi:

- Sao lại không biết ?

Đạo Ngô nói:

- Đi đi, không hiểu lời ta.

Sau sư nơi Diêm Quan khế hội.

 

 

THIỀN SƯ KÍNH SƠN GIÁM TÔNG HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của DIÊM QUAN TỀ AN

 

Sư họ Tiền, người Trường Thành Hồ Châu, nương đại đức Cao Nhàn chùa Khai Nguyên tại bổn châu mà xuất gia, học thông kinh Tịnh Danh Tư Ích. Sau sư đến Diêm Quan tham yết đại sư Ngộ Không, giải quyết nghi trệ. Năm thứ ba đời Đường Hàm Thông trụ Kính Sơn, tuyên dương Thiền giáo. Có tiểu sư Hồng Nhân lấy chuyện mình giảng luận mà tự kiêu mạn. Sư bèn nói với tiểu sư rằng:

- Chánh pháp của Phật, Tổ hiểu ngay mà quên lời chú giảng. Ông đếm cát dưới biển, đối với lý có ích gì ? Trái lại chỉ cần không còn tri thức kiến giải, dứt tuyệt ngoại duyên, rời khỏi mọi tâm, tức là chân tánh của ông đó.

Hồng Nhân nghe qua, ngơ ngác, lễ từ, du phương đến Qui Sơn, mới ngộ được huyền chỉ, bèn thờ thiền sư Tông ở Qui Sơn làm thầy.

Sư vào năm thứ bảy đời Đường Hàm Thông, ngày mùng 5 tháng 3 nhuần năm Bính Tuất thị diệt. Sau thụy Vô Thượng Đại Sư, tức Kính Sơn đời thứ hai vậy.

 

 

THIỀN SƯ QUI SƠN CHÍNH NGUYÊN TRƯỜNG KHÊ PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ BA của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ LINH MẶC núi NGŨ TIẾT

 

Sư họ Sái, người Nam Lăng, Tuyên Châu. Ngay từ nhỏ đã chán tục xuất gia, xuống tóc tại Tịch Sơn ở bổn châu. Niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ mười hai, tức năm Đinh Dậu thọ giới cụ túc tại chùa Càn Nguyên ở Kiến Châu, về sau đến núi Ngũ Tiết vào trong hội của Thiền sư Linh Mặc, quyết trạch huyền vi. Sau trụ Qui Sơn làm đời thứ hai. Sư từng thuật hai bài kệ, bài thứ nhất là:

Phiên âm:

Thương minh kỷ độ biến tang điền

Duy hữu hư không độc trạm nhiên

Dĩ đáo ngạn nhân hưu luyến phiệt

Vị tằng độ giả yếu tu thuyền.

Tạm dịch:

Biển cả bao phen biến ruộng dâu

Chỉ có hư không chẳng đổi đâu

Kẻ đã đến bờ bè chớ luyến

Người chưa từng độ phải cần châu.

Bài thứ hai như sau:

Phiên âm:

Tầm sư nhận đắc bổn tâm nguyên

Lưỡng ngạn câu huyền nhất bất tuyền

Thị Phật bất tu cánh mịch Phật

Chỉ nhân như thử cánh vong duyên.

Tạm dịch:

Tìm sư nhận được bổn tâm nguyên

Hai bờ huyền vi nhất chẳng tuyền

Là Phật chẳng nên tìm Phật nữa

Phải nên như thể mới quên duyên.

Sư vào năm Hàm Thông thứ mười qua đời tại núi này, thọ 78 tuổi, tuổi lạp là 54. Sắc thụy Tính Không Đại Sư, tháp hiệu Tuệ Quán.

 

 

Cư Sĩ BẠCH CƯ DỊ Ở HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ NHƯ MÃN chùa PHẬT QUANG LẠC KINH

 

Cư sĩ Bạch Cư Dị, thứ sử Hàng Châu đời Đường, tự Lạc Thiên, tham vấn lâu dài Phật Quang mà được tâm pháp, lại thêm thiên bẩm đại thừa kim cang bảo giới. Khoản niên hiệu Nguyên Hòa, cư sĩ đến pháp đường chùa Hưng Thiện Kinh Triệu nêu hỏi bốn lần.

Năm thứ mười lăm đời Nguyên Hòa làm châu mục Hàng châu, đến tham phỏng hòa thượng Điểu Khòa (Nhiều sách chép là Ô Khòa hay Ô Sào), có kệ tụng hỏi đáp. Từng biên thư đến pháp sư Tế, lấy đại tuệ vô thượng của Phật mà diễn xuất giáo lý. Há có căn cơ cao thấp mà ứng bịnh chẳng đồng, tương phản với thuyết một vị bình đẳng ru. Viện dẫn kinh Duy-ma và các kinh Kim Cang tam-muội sáu loại, mở ra hai nghĩa mà vấn nạn Tế. Lại lấy năm uẩn và mười hai nhân duyên, nói danh sắc trước sau không phân loại, lập lý mà trừng bỏ. Lại tìm sâu, kiếm ẩn, thông u, động vi, nhưng chưa thấy pháp sư Tế đối đáp lại. Về sau cũng hiếm có người đáp thay. Sau lại nhận đề mục Bát tiệm của thiền sư Ngưng ở Đông Đô, mỗi đề mục quảng diễn một chữ rộng ra thành một bài kệ, giải thích chỉ thú của Ngưng từ cạn tới sâu, như xâu ngọc vậy. Phàm trải qua các nơi trấn nhậm đều tìm phỏng Tổ, Đạo, học vô thường sư. Sau làm tân khách, phân ty Đông đô, trút hết bổng lộc của mình, sửa sang chùa Hương Sơn ở Long Môn. Chùa sửa xong tự viết bài ký. Phàm viết văn, động quan giáo hóa, chưa từng không tán thưởng Phật thừa, thấy ở tập sách này. Những giai đoạn làm quan trải qua của cư sĩ, sử sách đều còn ghi chép vậy.

 

Bài đọc thêm: Tiểu sử ngắn gọn Bạch Cư Dị (772 - 846)

Ông là thi nhân đời Đường, tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, biệt hiệu Túy Ngâm tiên sinh, người Thiểm Tây, xuất thân Nho gia. Ông đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ mười bốn (798), làm Hàn Lâm học sĩ năm Nguyên Hòa thứ hai. Năm thứ chín làm Thái Tử Tả Tán Thiện Đại Phu. Do sáng tác hai thi phẩm Thưởng Hoa và Tân Tỉnh Thi miêu tả người đời sống xa hoa cùng thói nịnh nọt mà bị biếm làm Tư Mã Giang Châu. Sau lại thuyên chuyển làm Tư môn viên ngoại lang. Trong khoản niên hiệu Hội Xương làm thượng thư bộ hình. Sau khi qua đời được truy phong Thượng Thư Hữu Bộc Xạ.

Trước tác của ông để lại gồm có Bạch Thị Văn Tập 75 quyển, Bạch Thị Lục Thiếp Sự loại 30 quyển.

Họ Bạch trung niên qui Phật, thân gần các cao tăng, tùng thọ tịnh giới, tập Thiền pháp. Phong cách phụng Phật kiền thành cùng tư tưởng Phật giáo của ông thể hiện rõ trong các tác phẩm của ông để lại.

Căn cứ vào bài Túy Ngâm Tiên Sinh mộ chí minh do ông tự soạn cuối đời, thì chí hạnh một đời của ông đại khái là: Bên ngoài lấy hạnh của Nho để tu thân, bên trong lấy Phật giáo để trị tâm, xung quanh lấy nước non, trăng gió, ngâm vịnh, đàn rượu để thỏa chí.

Ông từng có lời khen ngợi Phật như sau:

“Mười phương thế giới, trên trời đất, ta nay đều biết hết, đều chẳng bằng Phật, đường đường cao cả, thầy cả Trời người, cho nên ta lạy chân, tán thán qui y”.

Năm Thái Hòa thứ sáu (832) ông trùng tu chùa Hương Sơn ở Lạc Dương, lại cùng Thiền sư Như Mãn ở chùa Phật Quang kết xả hương hỏa để tu Phật, phát nguyện vãng sanh Tây Phương, không trễ nhác, để lo trọn cuối đời. Năm Hội Xương thứ sáu, ông qua đời, hưởng thọ 75 tuổi.

 

 

THIỀN SƯ GIÀ TRÍ (TRlỀU TIÊN)

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ PHÁP THƯỜNG núi ĐẠI MAI

 

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?

Sư nói:

- Đợi chừng nào ông cạo đầu sẽ nói cho ông nghe.

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý của Đại Mai ?

Sư nói:

- Cao sữa nhất thời quăng bỏ.

 

 

HÒA THƯỢNG THIÊN LONG Ở HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ PHÁP THƯỜNG núi ĐẠI MAI

 

Sư thượng đường nói:

- Này đại chúng ! Đừng thấy ta lên pháp đường liền lên theo, xuống pháp đường là xuống theo. Mọi người đều có tánh hải hoa tạng, đầy đủ công đức sáng rõ chẳng ngăn ngại. Mọi người nên tham thủ lấy. Tạm biệt !

Tăng hỏi:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?

Sư dựng cây xơ quất lên. Tăng hỏi:

- Thế nào thì ra khỏi ba giới ?

Sư hỏi lại:

- Vậy chớ nay ông đang ở chỗ nào vậy ?

 

 

THIỀN SƯ GIỚI LINH THƯỢNG LÂM HỒ NAM

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ LINH THOAN chùa VĨNH THÁI

 

Ban sơ, tham yết Qui Sơn. Qui Sơn hỏi:

- Đại đức làm sao đến ?

Sư nói:

- Áo giáp, mũ trụ có đầy đủ cả.

Qui Sơn nói:

- Hãy cởi ra hết đi mới cùng đại đức gặp gỡ.

Sư nói:

- Đã cởi ra hết rồi.

Qui Sơn nạt rằng:

- Giặc còn chưa đánh, cởi ra làm gì.

Sư không lời đối đáp. Ngưỡng Sơn đáp thay cho sư:

- Thỉnh Hòa thượng đuổi tả hữu ra hết đi !

Qui Sơn lấy tay chào nói:

- Vâng ! Vâng !

Sư về sau tham yết Vĩnh Thái, mới hiểu rõ chỉ ý của Qui Sơn.

 

 

HÒA THƯỢNG BÍ MA NHAM Ở NÚI NGŨ ĐÀI

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ LINH THOAN chùa VĨNH THÁI

 

Sư thường cầm một cây chỉa ba bằng cây. Mỗi khi thấy tăng đến tham yết lễ bái, sư liền dùng chỉa nạn lấy cổ nói:

- Ma mị nào xúi ông xuất gia. Ma mị nào xúi ông hành cước. Nói được cũng chết dưới mũi chỉa, nói không được cũng chết dưới mũi chĩa. Nói mau !

Học tăng hiếm có người đối đáp được.

(Pháp Nhãn đáp thay:

- Xin tha mạng.

Pháp Đăng đáp thay:

- Chỉ ngửa cổ thôi.

Huyền Giác nói:

- Xin lão nhi gia buông chĩa ra mới được).

 

 

HÒA THƯỢNG KỲ LÂM Ở HỒ NAM

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ LINH THOAN chùa VĨNH THÁI

 

Sư luôn quát tháo:

- Văn Thù, Phổ Hiền đều là tinh yêu, ma mị.

Tay luôn cầm kiếm gỗ, sư cho là hàng phục ma quái.

Vừa có tăng tham lễ sư liền nói:

- Ma tới rồi. Ma tới rồi !

Rồi lấy kiếm gỗ huơ lia lịa, sau đó lén vào phương trượng. Như thế được 12 năm, sau đó sư cất kiếm, không nói năng gì cả. Tăng hỏi:

- Vì sao 12 năm trước phải hàng phục ma quái ?

Sư nói:

- Cướp không đánh nhà nghèo khó.

Hỏi:

- Mười hai năm sau, tại sao không hàng phục tà ma ?

Sư cũng nói:

- Cướp không đánh nhà nghèo.

 

 

HÒA THƯỢNG PHỔ HÓA Ở TRẤN CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ BÀN SƠN BẢO TÍCH U CHÂU

 

Sư không biết là người ở đâu. Sư thờ Bàn Sơn Bảo Tích, mật thụ chân quyết, nhưng giả bộ điên khùng ăn nói gàn dở vô độ. Kịp khi Bàn Sơn thuận thế, sư bèn hành hóa ở đất bắc. Hoặc nơi thành thị, hoặc nơi bãi tha ma, sư rung một quả chuông lắc nói:

- Đầu sáng đến cũng đánh, đầu tối đến cũng đánh.

Một ngày kia, Lâm Tế sai tăng thộp sư lại bảo:

- Không sáng không tối đến thì thế nào ?

Sư cười nói:

- Ngày mai trong viện Đại Bi có mở tiệc chay.

Phàm sư gặp người, bất kể địa vị cao thấp đều lắc một tiếng chuông, người đương thời gọi là Hòa thượng Phổ Hóa. Hoặc đem chuông lắc kề sát tai người mà lắc, hoặc chụp lưng người, nếu họ quay lại thì chìa tay ra nói:

- Cho tôi một tiền.

Không phải giờ ăn hễ gặp món ăn là ăn ngay. Có lần buổi tối, sư vào viện Lâm Tế ăn cơm thừa cải cặn (Chú: Ngũ Đăng Hội Nguyên chép ăn cải thừa). Lâm Tế nói:

- Gã này thật giống một con lừa.

Sư liền làm tiếng lừa hí. Lâm Tế liền thôi.

Sư thấy Mã bộ Sứ ra đường quát tháo dọn đường, sư cũng quát tháo dọn đường. Tới chừng sư làm ra dáng đánh nhau thì Mã bộ Sứ sai người đánh năm gậy. Sư nói:

- Giống thì giống, nhưng phải thời không phải.

Sư từng nơi cửa chợ rung chuông nói rằng:

- Tìm một chỗ ra đi mà không được.

Lúc bấy giờ Đạo Ngô gặp, níu lại hỏi:

- Ông nghĩ định đi đâu ?

Sư hỏi lại:

- Còn ông từ đâu lại ?

Đạo Ngô không lời đối đáp. Sư vùng tay ra đi khỏi.

***

Một ngày nọ, Lâm Tế cùng hai trưởng lão Hà Dương và Mộc Tháp đang ngồi trong tăng đường, nhân nói đến Phổ Hóa mỗi ngày tại đầu đường, xó chợ điên điên, khùng khùng, không biết sư là phàm, hay là Thánh. Nói chưa hết lời thì sư đã sộc vào. Lâm Tế liền hỏi:

- Ông là phàm, hay là Thánh ?

Sư đáp:

- Ông hãy nói xem ta là phàm hay là Thánh ?

Lâm Tế liền hét, sư lấy tay chỉ ba người nói:

Hà Dương là cô dâu mới, Mộc Tháp là Thiền bà già, Lâm Tế là đứa ở đợ, nhưng cũng có con mắt trí tuệ.

Lâm Tế nói:

- Gã giặc này !

Sư nói:

- Giặc, giặc !

Rồi liền đi ra.

Sư năm đầu đời Đường Hàm Thông sắp thị diệt vào trong chợ nói với mọi người rằng:

- Cho xin một cái áo dài.

Hoặc có người cho một cái áo ngắn, hoặc có người cho một áo vải Sư đều không chịu nhận, rung chuông mà đi. Lúc bấy giờ Lâm Tế sai người đem cho một chiếc áo quan, sư cười nói:

- Gã ở đợ Lâm Tế lắm mồm.

Nói đoạn liền nhận. Xong cáo từ mọi người rằng:

- Phổ Hóa ngày mai đến cửa đông thiên hóa.

Người trong quận cùng tiễn đưa ra thành, sư lớn tiếng nói:

- Hôm nay chôn không hợp thanh ô, ngày thứ hai thiên hóa tại cửa nam.

Mọi người lại theo ra cửa nam. Sư lại nói:

- Ngày mai tại cửa tây mới tốt.

Mọi người theo ra thưa dần, người ra lại quay vào, tình ý mọi người có phần nhàm chán. Ngày thứ tư, sư tự gõ hòm ra cửa bắc rung chuông vào hòm mà qua đời. Người trong quận chạy tuôn ra cửa thành, giở quan tài lên nhìn thì Sư đã biến mất, chỉ nghe tiếng chuông xa dần, xa dần chẳng hiểu tại sao vậy.

 

 

THIỀN SƯ TẠNG DẶC GIA HÒA

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ VIÊN SƯỚNG núi LONG NHA

 

Sư họ Trình, người Tín An Cù Châu. Khoản niên hiệu Đường Nguyên Hòa, sư từ biệt cha mẹ đến chùa Nhạc Lộc ở Trường Sa, lễ luật sư Linh Trí xuất gia. Năm thứ ba niên hiệu Diên Khánh tại chùa Khai Nguyên ở Vũ Lăng thọ giới cụ túc. Nhân nghe Luật bộ, nói với đồng học rằng:

- Giáo môn rộng đầy, nên ở Tông môn.

Bèn đến tham yết thiền sư Viên Sướng ở núi Long Nha. Long Nha nói với sư rằng:

- Uẩn giới không chân thật, Phật sinh không ngã. Chính bổn của ông, nên gọi là gì, từ ai mà được ?

Sư nghe một lời liền lãnh ngộ, quay về Kha sơn, tránh nạn sa thải năm Hội Xương, về sau tại Long Hưng, quảng dương đạo hóa. Tháng 3 năm Càn Phù thứ sáu, qui tịch, thọ 82 tuổi, tuổi lạp 56.

 

 

THIỀN SƯ LINH HUẤN NÚI PHÙ DUNG PHƯỚC CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ QUI TÔNG PHÁP THƯỜNG

 

Ban sơ, sư tham yết Qui Tông hỏi:

- Thế nào là Phật ?

Qui Tông nói:

- Ta nói cho ông nghe, ông có tin không ?

Sư nói:

- Hòa thượng ngỏ lời, sao dám không tin.

Qui Tông nói:

- Chính ông là Phật đấy.

Sư hỏi:

- Làm sao bảo nhiệm ?

Qui Tông nói:

- Một lớp vảy cá trong con mắt, hoa đốm trong hư không rơi loạn xị.

(Pháp Nhãn nói:

- Qui Tông mà không nói lời sau, thì đâu còn là Qui Tông).

***

Sư từ giã Qui Tông. Qui Tông hỏi:

- Ông định đi về đâu ?

Sư đáp:

- Quay về Lĩnh Trung.

Qui Tông nói:

- Ông ở đây bao năm, sửa soạn xong hành trang tới đây ta nói cho ông nghe một bài Phật pháp.

Sư sửa soạn xong lên pháp đường. Qui Tông nói:

- Bước tới gần đây.

Sư liền bước tới gần. Qui Tông chỉ nói:

- Trời lạnh, trên đường phải cẩn thận.

Sư nghe lời ấy, quên hết kiến giải trước đây.

Sau qui tịch thụy là Hoằng Chiếu Đại Sư, tháp hiệu Viên Tướng.

 

 

HÒA THƯỢNG CAO ĐÌNH

Huyện CỐC THÀNH HÁN NAM

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ PHÁP THƯỜNG chùa QUI TÔNG

 

Có tăng từ Giáp Sơn đến lễ bái, sư liền đánh. Tăng nói:

- Thành tâm đến lễ bái, sao sư lại đánh ?

Nói rồi định lễ bái nữa, sư lại đánh đuổi ra. Tăng quay về thuật lại tự sự với Giáp Sơn. Giáp Sơn hỏi:

- Ông lãnh hội không vậy ?

Tăng đáp:

- Không lãnh hội.

Giáp Sơn nói:

- May mà ông không lãnh hội. Nếu mà lãnh hội thì Giáp Sơn ta miệng câm rồi.

 

 

HÒA THƯỢNG ĐẠI MAO (TRIỀU TIÊN)

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ PHÁP THƯỜNG chùa QUI TÔNG

 

Sư thượng đường nói:

- Muốn hiểu chư Phật thì hãy hướng trong tâm vô minh mà thức thủ. Muốn hiểu tánh thường trụ không tàn tạ thì hãy hướng về chỗ muôn cây biến đổi mà thức thủ.

Tăng hỏi:

- Thế nào là cảnh của Đại Mao ?

Sư nói:

- Không lộ mũi nhọn.

Tăng hỏi:

- Vì sao mà không lộ mũi nhọn ?

Sư đáp:

- Vì không có ai đương cự nổi.

 

 

THIỀN SƯ TRÍ THÔNG núi NGŨ ĐÀI

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ PHÁP THƯỜNG chùa QUI TÔNG

 

Ban đầu, sư ở trong hội của Qui Tông. Bỗng một hôm sư đi quanh pháp đường kêu to:

- Tôi đã đại ngộ rồi.

Đại chúng đều hoảng sợ. Sáng hôm sau, Qui Tông thượng đường tập hợp đồ chúng hỏi:

- Ông tăng đại ngộ đêm qua bước ra coi.

Sư bước ra nói:

- Trí Thông con.

Qui Tông nói:

- Ông thấy đạo lý gì mà nói là đại ngộ. Hãy nói ra ta xem nào.

Sư đáp:

- Sư cô tự nhiên là phụ nữ.

Qui Tông nín thinh nhưng rất kinh dị.

Sư từ giã ra đi. Qui Tông đưa ra tới cổng đưa cho chiếc nón mê. Sư tiếp lấy nón đội lên đầu rồi ra đi mà chẳng quay đầu lại nhìn. 

Sau trụ chùa Pháp Hoa trên núi Ngũ Đài, lâm chung có kệ rằng:

Cử thủ phan Nam Đẩu

Hồi thân ỷ Bắc Thần

Xuất đầu thiên ngoại kiến

Thùy thị ngã ban nhân.

Tạm dịch:

Đưa tay vịn Nam Đẩu

Quay mình tựa Bắc Thần

Ló đầu ngoài trời ngó

Ai là người ta thân ?

 

 

HÒA THƯỢNG TỀ AN HÀNG CHÂU

PHÁP TỰ của THIỀN SƯ TRÍ TẠNG chùa HUÊ NGHIÊM

 

Sư khai thị học chúng rằng:

- Lời nói không rơi câu, Phật, Tổ đồ thí. Âm vận huyền diệu chẳng đọa, ai kẻ tri âm.

Tăng hỏi:

- Làm sao hiểu được tự kỷ Phật ?

Sư nói:

Một lá minh thời tiêu chẳng hết.

Gió tòng vận dứt oán không người.

Tăng hỏi:

- Thế nào là tự kỷ Phật ?

Sư đáp:

Trước cỏ tuấn mã thật khó cùng.

Diệu dứt phải nên súc sanh đi.

Lại hỏi:

- Đại sư tuổi bao nhiêu ?

Sư đáp:

Năm, sáu, bốn, ba không thể phân loại.

Há đồng một, hai thật khó cùng.

Sư có tụng rằng:

Phiên âm:

Mãnh sí diễm trung nhân hữu lộ

Toàn phong đính thượng ngật nhiên thê

Trấn thường lịch kiếp thùy sai hổ

Quả nhựt vô ngôn vận chiếu tề.

Tạm dịch:

Lửa cháy rần rần người có lộ

Gió lốc đỉnh cao nghiễm nhiên ngồi

Trấn thường bao kiếp ai sai hỗ

Quả nhựt không lời vận chiếu thôi./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI TỰA

LỜI BẠT

LỜI NÓI ĐẦU

 

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 1

Bảy Đức Phật

Các Tổ Sư Ở Tây Thiên

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 2

Ba Mươi Lăm Tổ Ở Tây Trúc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 3

Sáu Tổ Trung Hoa

(Gồm cả các tôn túc bàng xuất cộng chung 25 người)

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 4

Pháp Tự Của Tổ Thứ Ba Mươi Mốt Đạo Tín

(Cộng chung 183 người, trong đó 76 người bàng xuất)

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 5

Tổ Thứ Ba Mươi Ba (Tổ Thứ Sáu Trung Hoa)

Huệ Năng & Pháp Tự Của Tổ Huệ Năng

(43 người, 19 người được ghi chép, 18 người bàng xuất)

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 6

Pháp Tự Của Nam Nhạc Hoài Nhượng

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 7 

Pháp Tự Đời Thứ Hai Của Nam Nhạc Hoài Nhượng.

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 8 

Pháp Tự Đời Thứ Hai Của Nam Nhạc Hoài Nhượng.

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 9 

A- Pháp Tự Đời Thứ Ba Của Hoài Nhượng.

B- Pháp Tự Của Thiền Sư Bách Trượng Hoài Hải.

C- Pháp Tự Của Thiền Sư Tây Tạng Đường Kiến Châu.

D- Pháp Tự Của Thiền Sư Bảo Triệt Núi Ma Cốc Bồ Châu

Đ- Pháp Tự Của Thiền Sư Như Hội Đông Tự Hồ Nam

E- Pháp Tự Của Thiền Sư Hoài Huy Chùa Chương Kính Kinh Triệu.

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC - Quyển 10        

Pháp Tự Đời Thứ Ba Của Nam Nhạc Hoài Nhượng:

A- Pháp Tự Của Nam Tuyền Phổ Nguyện Ở Trì Châu

B- Pháp Tự Của Thiền Sư Diêm Quan Tề An Hàng Châu

C- Pháp Tự Của Thiền Sư Linh Mặc Núi Ngũ Tiết Vụ Châu

D- Pháp Tự Của Thiền Sư Như Mẫn Chùa Phật Quang Lạc Kinh.

E- Pháp Tự Của Thiền Sư Pháp Thường Núi Đại Mai Minh Châu.

F- Pháp Tự Của Thiền Sư Linh Thoan Chùa Vĩnh Thái Kinh Châu.

G- Pháp Tự Của Thiền Sư Bảo Tích Bàn Sơn U Châu

H- Pháp Tự Của Hòa Thượng Duy Khoan Chùa Hưng Thiện Kinh Triệu.

I- Pháp Tự Của Thiền Sư Tĩnh Tông Vân Thủy

J- Pháp Tự Của Thiền Sư Viên Sướng Núi Long Nha Đàm Châu.

K- Pháp Tự Của Hòa Thượng Vô Nghiệp Phan Châu

L- Pháp Tự Của Thiền Sư Pháp Thường Chùa Qui Tông Lư Sơn.

M-Pháp Tự Của Thiền Sư Bảo Vân Núi Lổ Tổ

N- Pháp Tự Của Thiền Sư Đạo Thông Núi Tử Ngọc

O- Pháp Tự Của Thiền Sư Trí Nham Chùa Huê Nghiêm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]