Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngoài hư không có dấu chim bay? (Nhân đọc sách Tổng Quan Về Nghiệp của thầy Tuệ Sỹ)

26/10/202104:04(Xem: 7107)
Ngoài hư không có dấu chim bay? (Nhân đọc sách Tổng Quan Về Nghiệp của thầy Tuệ Sỹ)

tong quan-ve nghiep-tue sy

 
Ngoài hư không có dấu chim bay?
(Nhân đọc sách Tổng Quan Về Nghiệp của thầy Tuệ Sỹ) (i)
Bài của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

 

Có hay không có Nghiệp?  Có hay không có Tự ngã? Có hay không có Thời gian? Có hay không có một Linh hồn? Thật là những câu hỏi choáng váng đặt ra trong cuốn sách “Tổng Quan Về Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ do Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản năm 2021.

Nghiệp, là kinh nghiệm được tích lũy và tồn tại trong nhiều đời sống. Không có thời gian, không có ký ức thì lấy đâu cho nghiệp vận hành, tạo tác, lưu trữ, lưu xuất, dị thục, nhân quả? (ii)

Có thực không có nhiều đời sống? Một đời trước và đời sau - những đời sau- để cho ký ức gợi lại, nhân quả. Bằng chứng đâu?

Nhưng, nếu hỏi tôi tin không? Tôi tin. Tại sao tin? Không biết! Phải chăng, thỉnh thoảng ta gặp một người nào đó thấy như đã từng hẹn nhau từ muôn kiếp trước, hay một nơi chốn thấy như về mái nhà xưa?

Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp?

Khoa học não bộ trả lời: ở hippocampus (hồi hải mã) trong não, cùng với thể viền, lưu giữ ký ức, chịu trách nhiệm cả cảm xúc lẫn hành vi, nhờ nhu nhuyến của các synapse (điểm tiếp hợp thần kinh).  Thế nhưng, khi thân này tan rã, hippocampus và toàn bộ thể viền của não bộ cũng không còn, ký ức được tàng trữ trong thân vật lý này cũng biến mất theo. Phải chăng “ngoài cơ chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất thiết là ý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến trong đời sau được xử lý để cho quả dị thục của nó”?

Có Tự ngã không?

Đức Phật dạy: Có nghiệp được tạo tác, có quả dị thục được lãnh thọ, nhưng không có người tạo tác, không có người lãnh thọ. Phật giáo không cho có cái gọi là Tự ngã, tiểu ngã, đại ngã, linh hồn, nhưng tin có “Nghiệp mang theo” để “trả quả”. Cái gì mang Nghiệp theo? Thần thức tái sinh, luân hồi?

Nhà khoa học bảo: “Có design nhưng không có designer”. Não bộ là một hệ thống được phân bố rất cao trong đó nhiều chức năng xuất hiện đồng thời và không có điều phối viên.

Không có designer, không có điều phối viên? Nhưng sao chim bồ câu thì cứ bay ngàn dặm về đưa thư, cá hồi cứ bốn năm lại quay về chốn cũ để sinh đẻ rồi chết? Ngày nay, sinh vật từ hạt đậu đến chuột bọ, khỉ vượn… cũng được can thiệp vào gène để tạo ra những “dị thục” những “quả” bất ngờ, gọi là transgenic.

“Je pense, donc je suis - Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (Descartes). Vậy tôi không tư duy, thì không… có tôi? Phải chăng “vô niệm” thì vô ngã?

Ta cũng có thể nói đơn giản hơn: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở, ngừng thở, thì tôi vẫn còn đó chứ, sao không?  Tôi lúc đó cũng lại ở trong bào thai Mẹ (bào thai Như Lai) chứ? Tôi mới phải mang nghiệp theo để trả quả chứ? “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” ở đây chứ không chỉ Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh…

Rồi có cái gọi là Thời gian để cho Nghiệp vận hành không? Tính thể của thời gian là gì? Thời gian được tri giác bằng giác quan nào?

Câu trả lời là chính ta đã tạo ra thời gian cho mình. Thành ngữ kālaṃ karoti, "nó tạo tác thời gian", nghĩa là nó chết. Thời gian được biết đến từ tri giác về sự sinh thành và hủy diệt của một đời người. Thời kinh nói: "Thời gian đến, chúng sinh chín muồi; thời gian đi, chúng sinh bị hối thúc. Đây là tri giác về thời gian theo chu kỳ sống chết của sinh loại”. Tri giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết. Kāla cũng được hiểu là do gốc động từ kal (kalayati) thúc giục, hối thúc, thường trực, sự chết đang hối thúc ta.

Tồn tại trong quá khứ và vị lai là những thực thể vi tế, ẩn áo, không phải tri giác thường nghiệm mà có thể bắt nắm được.

Nhưng với “Thuyết Tương Đối Rộng” ngày nay, ta biết thời gian sẽ chảy chậm trong con tàu vũ trụ chạy nhanh. Với một vận tốc nào đó thời gian đứng lại. Cho nên Từ Thức lạc động Thiên thai là chuyện có thực.

Có một sự gọi là Luân hồi không để nghiệp vận hành? Câu trả lời là có một “nguyên lý tồn tại” mà không phải hồn jīva hay ātman. Nguyên lý đó nói: có nghiệp, có dị thục của nghiệp, nhưng không có tác giả và thọ giảĐây là một nguyên lý cực kỳ nghịch lý.

Nhưng may thay, các nhà Duy thức chứng minh được sự tồn tại của thức a-lại-da, hy vọng giải quyết được vấn đề nghiệp-dị thục và chủ thể luân hồi.

“Trong kinh Tăng nhất của Thuyết nhất hữu bộ cũng mật ý nói đến thức này với tên gọi là a-lại-da. Kinh nói: “yêu a-lại-da, vui a-lại-da, mừng a-lại-da, thích a-lại-da.”.

Trong bài “Ký Ức và Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ ở sách “Tổng Quan Về Nghiệp” này nêu ra những câu hỏi có thể làm ta chới với mà lại cảm thấy vui, mừng, yêu, thích. Vì chính trong ta đôi khi cũng gợi lên những câu hỏi như vậy mà không dám trả lời. May thay có Thầy Tuệ Sỹ, à không, có nhà thơ Tuệ Sỹ hóa giải giùm, bởi như Thầy đã nói trong sách nói trên, chỉ có “Thơ dẫn kinh nghiệm vượt ra ngoài kinh nghiệm”.

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh,
Ngoài hư không có dấu chim bay?
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời. (iii)

 

---

(i)  Tuệ Sỹ: Tổng Quan Về Nghiệp. Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản qua mạng Amazon, 2021.

(ii)  Chú thích: Tất cả các câu in nghiêng (italic) trong bài này là những câu trích từ sách “Tổng Quan Về Nghiệp”.

(iii)Tuệ Sỹ: bài thơ Phương Nào Cõi Tịnh, trong tập thơ Giấc Mơ Trường Sơn. Hương Tích Phật Việt, 2020. Trích trong bài viết của thầy Tuệ Sỹ “Nhân đọc tác phẩm ‘Cõi Phật Đâu Xa’ của Đỗ Hồng Ngọc.”

 

 

* Đọc thêm các nhận xét khác về sách này của HT. Thích Như Điển, GS. Cao Huy Thuần, GS. Trần Kiêm Đoàn, nhà văn Vĩnh Hảo: https://phatviet.info/gioi-thieu-sach-tong-quan-ve-nghiep-tue-sy/

* Độc giả có thể đặt mua sách trực tiếp trên mạng toàn cầu Amazon qua link này: https://pgvn.org/pg_2503na. Sách cũng sẽ được Hương Tích xuất bản tại Việt Nam nay mai.




 ***
facebook
youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]